User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

Phong Thuy 1

Phong thuỷ thoạt nghe tưởng chừng mê tín, kỳ thực đó là một trong những sản phẩm trí tuệ của người Trung Quốc cổ xưa

Lời nói đầu

Tại các nước châu Á, có rất nhiều rất nhiều người yêu thích Phong Thủy. Họ qua những điều được lưu truyền và các sách cổ đã đạt được một số hiểu biết về lý luận Phong Thủy. Trải qua nhiều năm gian khổ tìm kiếm và kiểm chứng, họ phát hiện Phong Thủy đích thực có những tác dụng nhất định. Các khoa học gia Tây phương cũng đã phát hiện có sự lưu chuyển năng lượng và điện lưu ở các vùng đất lớn và một số hiện tượng khác, những điều đó hoàn toàn trùng hợp với các lý luận trong Phong Thủy. Rất nhiều công ty lớn ở phương Tây và các đại phú hào ở Đông Nam Á thậm chí đã thuê hẳn các thầy Phong Thủy về để tham khảo ý kiến mỗi khi có sự tình xảy ra.

Phong Thủy có khởi nguồn từ Trung Quốc, đây là điều đã được công nhận. Tại Trung Quốc trong dân gian có một kiểu nói thế này: Thứ nhất là mệnh, thứ nhì là vận, thứ ba là Phong Thủy, thứ tư là tích âm đức, thứ năm là đọc sách. Ba điều đầu là thiên định, hai điều sau là do con người. Tác dụng của Phong Thủy được liệt vào những thứ do trời định, hoàn toàn vượt ra khỏi những học thuyết trong sách vở về cải biến vận mệnh

Trong lịch sử trên dưới 5000 năm của đất nước Trung Hoa, Phong Thủy đã hòa nhập vào cuộc sống của mọi người và trở thành một bộ phận trọng yếu. Từ Hoàng đế cho đến dân thường, từ hoàng cung đại điện cho đến những góc phố nhỏ bé, mọi người hầu như đều đã từng biết về Phong Thủy. Không kể là chọn lựa bố cục cho thủ đô, kiến tạo thiết kế cho thành thị, hay là định hướng âm trạch dương trạch, sắp đặt đồ đạc trong nhà v.v… đều cần tìm người để xem Phong Thủy, tính toán xem trình tự vận hành thế nào, sao cho đạt được Thiên Nhân hợp nhất, đón cát tránh hung.

Thuận theo quá trình công nghiệp hóa trong 100 năm gần đây, Phong Thủy và văn hóa chính thống của Trung Hoa đã trở nên ngày càng xa lạ đối với chúng ta. Trong tiềm ý thức của mọi người đều cho những danh từ này là “lạc hậu”. Tuy nhiên sự thực có đúng như vậy không? Xin bạn hãy tiếp tục xem bài viết của chúng tôi, nó nhất định sẽ đem lại cho bạn những cảm thụ và nhận thức hoàn toàn mới!

Thế kỷ XVI là thời kỳ văn nghệ phục hưng tại châu Âu, sự huy hoàng của nền văn minh Hy Lạp và La Mã cổ đại đã đưa đến các ngành công nghiệp hiện đại. Từ đó dẫn đến sự phát triển của nền văn minh ngày nay và mang lại cho chúng ta một xã hội hiện đại với khoa học kỹ thuật tương đối phát đạt. Chúng tôi tin rằng, việc phục hồi văn hóa Trung Hoa chính thống cũng sẽ mang lại một tương lai tươi sáng cho con cháu người Hoa. Chúng tôi hy vọng có thể
cùng với nhiều người yêu thích Phong Thủy nghiên cứu và thảo luận về văn hóa chính thống Trung Hoa. Từ đó đẩy mạnh sự phục hưng và thịnh vượng của văn hóa Trung Hoa đồng thời mang lại phúc âm cho người dân tại các quốc gia trên thế giới.

Những điều trong bài viết này, cũng chỉ là những điều thuộc một phạm vi thiên địa nhất định, bởi vì tầng thứ tu luyện của chúng tôi có hạn, có thể có những chỗ còn thiếu sót hoặc nhầm lẫn, xin các bạn bỏ qua. Nếu có thể giúp đỡ chỉ ra những sai sót đó, chúng tôi vô cùng cảm tạ.

Bài viết này đã nhận được rất nhiều ý kiến và trích dẫn của khá nhiều đồng đạo, tại đây, chúng tôi xin bày tỏ lòng cảm ơn chân thành đến các bạn.

Chương I: Nói Sơ về Phong Thủy

Nhắc đến Phong Thủy, chắc chắn có rất nhiều người đặt ra các câu hỏi, ví dụ như: Phong Thủy rốt cuộc là gì? Tại sao Phong Thủy có thể khởi tác dụng? Hoặc Phong Thủy có nguồn gốc từ đâu v.v…. Những vấn đề này nếu như không giảng rõ ràng, sẽ gây ra rất nhiều chướng ngại cho những người muốn nhận thức về Phong Thủy, đặc biệt là một số người ở Trung Quốc Đại Lục, họ thường cho những điều này thuộc về mê tín, từ đó bài trừ chúng. Chúng ta hãy bắt đầu từng bước một, xin bắt đầu từ việc liễu giải về nguồn gốc của danh từ Phong Thủy.

1. Nguồn gốc Phong Thủy

“Phong Thủy” – từ này bắt nguồn từ Táng Thư do Quách Phác thời Ngụy Tấn trước tác. Trong sách, Quách Phác đã đưa ra định nghĩa về Phong Thủy như sau: “Táng giả, Tàng dã, Thừa sinh khí dã. … khí thừa phong tắc tán, giới thủy tắc chỉ, cổ nhân tụ chi sử bất tán, hành chi sử hữu chỉ. Cố vị chi phong thủy” [Chôn, nghĩa là Cất giấu, là nhân cái Sinh khí vậy. … Khí theo Gió mà tán, đến giới hạn của Nước thì dừng, người xưa khiến cho Khí tụ mà không tán, làm như vậy để nó có chỗ dừng tụ, thế nên gọi là Phong Thủy]. Quách Phác đã đưa ra khái niệm về “Khí”, đồng thời đưa ra những phát hiện đơn giản về biểu hiện của hai loại nhân tố “Phong” và “Thủy”, từ đó dẫn đến nhận thức về sự “đến” và “dừng tụ” của “khí”. Do tác giả Táng Thư là người đầu tiên đưa ra danh từ Phong Thủy, đồng thời đặt nền móng lý luận về Phong Thủy, cho nên được coi là ông tổ trong giới Phong Thủy.

Kỳ thực nghề Phong Thủy có lịch sử lâu dài hơn nhiều so với lịch sử của “Táng Thư”. Các học giả Phong Thủy sau này đều cho rằng trước đó trong thơ Công Lưu ở phần Đại Nhã – Kinh Thi đã có những miêu tả về sự hoạt động của Phong Thủy

篤公劉           Ông Công Lưu đôn hậu
于胥斯原          Liền xem xét cánh đồng bằng ấy để cho dân ở
既庶既繁          Dân chúng đã nhiều đã đông.

陟則在巘          Trên ngọn núi thì Công Lưu leo lên
復降在原          Dưới đồng bằng thì Công Lưu đi xuống

篤公劉           Ông Công Lưu đôn hậu
逝彼百泉          Đến vùng Bách tuyền kia,
瞻彼溥原          Ngó ra khoảng đồng bằng rộng rãi kia,
迺陟南岡          Leo lên sườn núi nam
乃覯于京          Ngó ra cái gò cao
京師之野          Chỗ đồng nội của đất kinh đô
于時處處          Làm nhà mà ở nơi ấy
于施盧旅          Cho khách ngụ ở nơi đấy,
于時言言          Nói những việc đáng nói ở đấy
于時語語          Bàn những điều đáng bàn ở đấy.

篤公劉           Ông Công Lưu đôn hậu
既溥既長          Đất khai khẩn đã nhiều đã dài
既景迺岡          Đo bóng mặt trời, bèn lên trên sườn núi cao trông xuống mà xem xét,
相其陰陽          Xem xét lẽ thích nghi về âm dương (sáng tối, ấm lạnh)
觀其流泉          Xem xét mối lợi về sông ngòi tươm tưới khắp vùng
度其隰原          Phân định những ruộng chỗ ẩm thấp và ruộng bằng phẳng
徹田為糧          Phân khu để đánh thuế lấy lương thực cho quân đội
度其夕陽          Phân định những ruộng đất ở phía tây trái núi
豳居允荒          Cho nên đất đai của dân nước Bân ở thật là rộng rãi.

Qua mấy đoạn thơ mang đầy thi tình họa ý trên, chúng ta dường như nhìn thấy cổ nhân làm nhà, lúc thì “Trắc Cương”, lúc thì “Giáng Nguyên”, lúc thì “Thệ Thủy”, lúc thì “Quan Kinh”, quá trình này có sự tương đồng với bốn bộ phận trong Phong Thủy của các học giả sau này là: “Mịch Long”, “Sát Sa”, “Quan Thủy”, “Điểm Huyệt”.

Trong thơ Miên ở Đại Nhã – Kinh Thi cũng có những miêu tả liên quan như:

古公亶父          Ông Cổ Công Đản Phủ

來朝走馬          Một buổi sớm mai cưỡi ngựa chạy đi,

率西水滸          Theo bờ sông phía tây,

至於岐下          Đến nơi dưới núi Kỳ sơn

爰及姜女          Ông cùng đi với người phi là Khương nữ (Thái Khương)

聿來胥宇          Cùng đến làm nhà ở.

Cổ Công Đản Phủ là phụ thân của Quý Lịch, tức ông tổ của Chu Văn Vương, người đã dẫn gia tộc chuyển đến Kỳ Sơn. Ý tứ của chữ “Tư Vũ” trong bài thơ có nghĩa là quan sát, xem xét.

Những hoạt động Phong Thủy này, được người thời đó gọi là Tướng địa hay Hình pháp.

Phong Thủy còn được gọi là “Kham Dư”, vậy cách nói Kham Dư này có nguồn gốc từ đâu? Danh từ này đã được xuất hiện rất sớm trong quyển thứ ba mang tên Thiên văn huấn của tác phẩm Hoài Nam Tử do Hoài Nam vương Lưu An thời Tây Hán chỉ đạo các môn khách biên soạn. Trong đó bao hàm các đạo lý về sự vận hành của trời đất

Hứa Thận thời Đông Hán thì nói: “Kham” là đạo của trời, “Dư” là đạo của đất

Phong Thủy còn được gọi là “Địa Lý”, Địa Lý là từ xuất hiện trong Hệ Từ của Chu Dịch: “Dịch ư thiên địa chuẩn, cố năng nhi luân thiên địa chi đạo. Ngưỡng dĩ quan ư thiên văn, phủ dĩ sát ư địa lý, thị cố tri u minh chi cố” [Dịch là chuẩn theo trời đất. Cho nên mới sắp đặt sửa sang được hết thảy đạo của trời đất. Ngẩng lên thì xem xét thiên văn, cúi xuống thì quan sát địa lý, vì thế cho nên biết được lẽ u minh].

Đến khi Quách Phác viết Táng Thư thì kỳ thực là đã đứng trên vai của rất nhiều người, ngoài việc chỉnh lý một vài lý luận về Phong Thủy, ông chủ yếu là xác định từ “Phong Thủy”. Giống như danh từ “Khí Công”, nếu như không tiến hành nghiên cứu, rất khó để có thể nhìn thấy được nội hàm rộng lớn và thiên ý sâu xa từ bề ngoài của từ “Phong Thủy”.

Không kể là Khí Công hay Phong Thủy, đều giảng về “Khí”, hiện nay có rất nhiều người lại lý giải thành luồng không khí. Kỳ thực không phải như vậy. Hiện nay loại chữ giản hóa của Hán ngữ hiện đại bị giản hóa quá nhiều, rất nhiều chữ bị vứt bỏ đi không dùng nữa, từ đó khiến nhiều nghĩa của từ bị lý giải sai lệch. Khí ở đây cần phải được lý giải là “炁” (vô hỏa) thì sẽ chính xác hơn. Từ này được bắt nguồn từ văn hóa của Đạo gia trong xã hội Trung Quốc cổ xưa, nó đại biểu cho năng lượng.

Trước giờ, đa phần mọi người lý giải “Phong Thủy” đều theo những lý luận từ khi phong thủy Minh – Thanh được phổ cập. Tại tiểu đạo thế gian, chỉ lưu truyền những điều vỏ ngoài nông cạn cùng một số thuật loại khác nhau, hình thành nên nhiều tông phái Phong Thủy riêng biệt như “Huyền Không”, “Lục Hào”, “Lý Khí” … Hiện nay có thể nhìn nhận các trước tác về Phong Thủy dưới hai loại hình chủ yếu: một là Hình pháp, hai là Lý khí. Hình pháp chủ yếu là chỉ về năm yếu quyết là: Loan đầu, Long, Huyệt, Sa, Thủy. Về Lý khí thì là trên cơ sở đó mà thêm vào các lý luận của Dịch học như Cửu cung bát quái, Âm dương ngũ hành v.v… Kỳ thực họ chỉ là tổng kết lại một số kinh nghiệm của các nhà phong thủy trong quá khứ, nếu không được chân truyền thì chỉ là dựa vào những kinh nghiệm này mà suy tính. Họ chỉ biết về “Hình”chứ không biết gì về “Thần” cả, họ chỉ lòng vòng nghiên cứu các lý luận về “Hình”, không chỉ vậy lại còn tranh chấp lẫn nhau mà phân chia thành các bè phái.

Ví dụ cùng một vị trí, phái “Huyền Không” nói đất ở đây có thể mai táng, “Lý Khí” lại nói là không thể, nhưng sau khi mai táng thì quả thực là có phát. Một trường hợp khác “Lý Khí” nói là được, “Huyền Không” lại nói không được, kết quả sau khi mai táng thì lại có thể phát. Cuối cùng là “Huyền Không” đúng hay là “Lý Khí” đúng đây?

Trong các hoạt động về Phong Thủy, chúng tôi phát hiện, kỳ thực để xem một vị trí có phải là “chân huyệt” hay không, thì phải xem ở huyệt vị đó có “Thần” hay không. Chúng tôi gọi thần trấn giữ huyệt vị đó là “Địa Linh Thần”. Đồng thời còn phụ thuộc vào việc thầy Phong Thủy kia có đủ uy đức để câu thông với vị Địa Linh Thần đó không, nó không chỉ đơn giản là việc xem hình thế đất.

Có người cho rằng học vấn về Phong Thủy là được hình thành từ một quá trình tích lũy kinh nghiệm khảo sát địa hình lâu năm mà nên. Nếu như thật sự là như vậy, với trình độ khoa học kỹ thuật ngày nay, ai muốn làm hoàng đế, thì khởi động các bộ máy cơ khí để hình thành các địa hình theo tổng kết kinh nghiệm, rồi tạo ra các địa huyệt là được phải không ? Tại sao lại không thể làm được ? Nguyên nhân là vì con người có thể tạo thành các địa thế theo mô
hình phong thủy, nhưng không có cách nào an bài các vị Địa Linh Thần trấn giữ nơi đó được.

Phong Thủy được quy về tiểu đạo thế gian trong Đạo Gia, văn hóa Đạo Gia cho rằng sinh mệnh của con người có nguồn gốc từ trên thiên thượng. Mục đích của nhân sinh là thông qua tu luyện mà dần dần tiếp cận và đồng hóa với bản tính tiên thiên của chính mình, trở về nguồn cội. Các thầy Phong Thủy tu Đạo chân chính trong quá trình quay trở về bản tính tiên thiên của mình, họ dần dần có được các năng lực thần diệu, xuất hiện các công năng đặc dị, có thể nhìn thấy “Khí” của địa huyệt, có thể nhìn thấy quang ảnh trên thân các “Địa Linh Thần” đối ứng với các địa huyệt, trên thân họ đều có mang năng lượng. Có một số công năng cao cấp còn có thể trực tiếp nhìn thấy hình tượng của những Địa Linh Thần đó. Địa Linh Thần đối ứng với huyệt vị càng lớn thì huyệt vị ấy càng tốt. Cho nên sở dĩ Phong Thủy có thể khởi tác dụng thực chất là do có tác dụng của “Thần” đằng sau những biểu hiện về hình thế bề ngoài.

Văn hóa truyền thống của Trung Hoa là văn hóa sùng bái Thần, rất nhiều sách cổ và những truyền kỳ cổ xưa đều có ghi chép và lưu truyền về vùng đất Thần Châu Đại Địa của chúng ta. Ở đó thời xưa đã từng là nơi mà người và thần cùng tồn tại, lúc đó các vị thần tiên thường xuyên xuất hiện ở nhân gian để truyền cho những người dân nguyên thủy các loại văn hóa và kỹ nghệ, con người thời đó cũng không cần bói quẻ, họ có thể trực tiếp trao đổi với thần để hiểu rõ về thiên ý.

Tương truyền có một số người đức hạnh được thần tiên trực tiếp truyền thụ mà trở thành thầy Phong Thủy. Truyền thuyết dân gian kể về Đại sư Phong Thủy Dương Quân Tùng triều Đường gặp được Cửu Thiên Huyền Nữ trong núi, đắc được chân truyền, mới tinh thông Phong Thủy, trở thành đại gia một thời, cho nên môn nhân trong phái phong thủy chân truyền họ Dương đều thờ phụng Cửu Thiên Huyền Nữ làm tổ sư.

Nhưng trong giới Phong Thủy có một cái tên được cho là vị Thầy Phong Thủy đầu tiên, đó là Thanh Ô Tử, có ghi chép nói rằng là đại thần thời Hoàng đế. Trong lưu truyền, thuật thuyết sớm nhất về Phong Thủy ở thời kỳ văn minh phương đông lần đầu, cũng là bắt đầu từ thời đó.

2. Tại sao Phong Thủy có tác dụng

Hiện nay không ít người cho rằng Phong Thủy là mê tín. Ví dụ như qua việc chọn một địa huyệt tốt để chôn cất hài cốt tổ tiên sẽ ảnh hưởng đến họa phúc của con cháu sau này. Mặc dù các sự việc như thế trong lịch sử đã được ghi chép lại, nhưng rất nhiều người hiện đại vẫn cảm thấy khó mà tưởng tượng được, không biết nguyên lý ở chỗ nào ? Họ cảm thấy thật không thể nào có chuyện như vậy được. Kỳ thực khoa học vật lý hiện đại đã phát hiện rằng giữa vật chất với nhau có một loại liên đới vượt qua thời gian và không gian, trong vật lý học lượng tử gọi đó là làm nhiễu động lượng tử.

Nói ra thì rất dài, bởi sự ra đời của khoa học kỹ thuật tại Tây phương ngày nay là có hình thức bề ngoài đối lập với các tôn giáo của người Tây phương cổ đại, đối lập với triết học và thuật luyện kim, nhưng trong mối liên hệ nội tại thì tuyệt nhiên không thể phân tách được. Trong Kinh Thánh viết: Thượng Đế tạo ra vũ trụ, ngày thứ nhất, cần có ánh sáng. Từ đó ánh sáng được tạo ra, dần dần Thượng đế vì con người mà tạo ra vạn sự vạn vật, chuẩn bị cho con người một hoàn cảnh sống đầy đủ, đến ngày thứ sáu thì bắt đầu tạo ra con người. Ngày thứ bảy thượng đế bắt đầu nghỉ ngơi, kỳ thực ông đã tạo ra sự nghỉ ngơi cho con người, cho con người có được phúc khí của sự nghỉ ngơi. Con người đã sống trong môi trường mà Thượng Đế tạo ra để mà tu dưỡng và sinh sôi cho đến tận ngày nay.

Thuận theo sự phát triển của khoa học kỹ thuật ngày nay, con người ngày càng hiểu rõ hơn về vũ trụ, con người được sinh ra vào ngày thứ sáu bắt đầu nghiên cứu khởi đi từ việc vì sao ánh sáng được tạo ra vào ngày thứ nhất, từ đó ra đời một loại vật lý học rất quái đản gọi là vật lý lượng tử, đối với giới vật lý, triết học và tôn giáo đương thời có ảnh hưởng cực kỳ lớn.

Căn cứ vào giải thích của vật lý lượng tử, ánh sáng là một loại sóng, đồng thời cũng là một loại hạt. Loại đặc tính này gọi là lưỡng tính sóng hạt. Nhưng mà ánh sáng lại là loại vật chất không xác định rõ tính, có nghĩa là bạn có xác định được vị trí của nó thì cũng không thể đo được tốc độ của nó, còn nếu bạn đo được tốc độ của nó thì lại không có cách nào xác định được vị trị của nó. Các khoa học gia từ góc độ vật lý học truyền thống nhìn những thứ lừa chẳng phải lừa, ngựa chẳng phải ngựa này gọi là lượng tử, vì để nghiên cứu nó, các khoa học gia đã tạo ra một môn học mới gọi là vật lý học lượng tử.

Giới vật lý học lượng tử xuất hiện rất nhiều cao nhân, những lý luận thần kỳ của họ khiến con người ngày càng không thể phân biệt rõ ai là khoa học gia, ai là triết học gia … ví dụ một khoa học gia người Anh là Penrose đã đề xuất lý luận về “Đa vũ trụ”, ông cho rằng, vũ trụ mà chúng ta đang ở đang không ngừng phân tách, mỗi lần chúng ta “quan sát” (đây là từ trong chủ nghĩa duy tâm) nó thì nó phân tách một lần, tất cả các vũ trụ được phân tách đều tồn tại ở cũng một chỗ, vì tất cả các trường hợp xảy ra cũng đều đồng thời tồn tại. Nhưng chúng ta chỉ sinh sống tại một trong các vũ trụ đó và không thể cảm giác được các vũ trụ khác. Tại các vũ trụ khác, Hitler có thể tạo ra bom nguyên tử trước Mỹ, Kennedy có thể không bị thích sát, cha mẹ của bạn có thể không yêu nhau, có lẽ bạn cũng không tồn tại ….

Trong vật lý học lượng tử có một hiện tượng thu hút rất nhiều người quan tâm, gọi là hiện tượng liên đới lượng tử. Các nhà khoa học nói rằng: giữa hai hoặc nhiều lượng tử với nhau có tồn tại một vùng không xác định, có một sự liên hệ rất cường mạnh. Nói trắng ra thì là: bất luận hai lạp tử có khoảng cách bao xa, nếu như một lạp tử xảy ra biến hóa thì lạp tử còn lại cũng bị ảnh hưởng. Hai lạp tử ấy bất luận có cách xa nhau bao nhiêu, đều không chịu ảnh hưởng của không gian và thời gian, nó cũng không cần một sự liên kết nào, chúng vẫn có thể “hiểu được lòng nhau”. Hiện tượng này thật sự là Thiên phương dạ đàm, chẳng trách nhà lượng tử học Pauli đã nói: “Vật lý học lượng tử là khoa học thoát thai từ thuật luyện kim, ngày nay so với thuật luyện kim nó càng trở nên thần bí hơn”

Những điều được đề cập ở trên nghe như hoang đường nhưng nó lại là những thành quả kỹ thuật tồn tại một cách thực sự. Không chỉ vậy rất nhiều người đều từ những lý luận kỳ lạ này mà đạt được giải Nobel. Đọc đến đây, bạn chắc hẳn vẫn chưa nhận thức được ý nghĩa của những lí luận đó là gì, nói thẳng ra, nếu như hiện tượng liên đới lượng tử được nghiên cứu thấu triệt, thì con người chúng ta hôm nay có thể thông qua những sự việc ngày nay mà xuyên việt thời không để thay đổi những sự việc trong quá khứ cũng như tương lai … cho nên từ góc độ lý luận lượng tử, những thần tích của các thuật sỹ thần tiên thời cổ đại là không kỳ lạ chút nào.

Tại hải ngoại còn có học giả tiến hành các nghiên cứu thực nghiệm đối với Phong Thủy. Giới Phong Thủy cho rằng, con người là do máu huyết của cha mẹ kết tinh mà thành và có mối liên hệ tiềm tại về huyết mạch thể hệ. Căn cứ vào một thực nghiệm như sau: họ lấy tinh trùng của một vài người, sau đó đặt nó tại những nơi cách rất xa những người đó, rồi từ phía sau họ bất ngờ đánh một cái thật mạnh vào một trong những người tham dự thực nghiệm, điều này đã khiến người đó giật mình. Kết quả là tại phòng thí nghiệm đặt ở rất xa, người ta thấy rằng, tinh trùng của người đó cũng có biểu hiện giật mình y như vậy.

Thực nghiệm này tại hải ngoại đã được phát sóng trên đài truyền hình chủ lưu, rất nhiều người cũng đã xem nó. Cho nên có thể nói, khoa học nghiên cứu ngày nay cũng đã đột phá được rất nhiều rào cản, vô luận là từ lý luận hay là từ thí nghiệm thực tiễn, từ góc độ khoa học đã có thể chứng minh được tác dụng của Phong Thủy.

Văn hóa truyền thống Trung Quốc đã đi theo một con đường khoa học hoàn toàn khác, là trực tiếp nghiên cứu vũ trụ, nhân thể, thời không. Việc đả tọa tu luyện, khai mở tiềm năng nhân thể cũng là một con đường khoa học để phát triển, điều này so với con đường của khoa học thực chứng Tây phương là hoàn toàn không giống nhau. Thực sự là thế, hiện nay dùng những lý luận và kiểm chứng của khoa học thực chứng Tây phương cũng có thể kiểm nghiệm được độ chính xác của văn hóa Trung Quốc. Những nhà hiền triết Trung Quốc đối với sự kỳ diệu của đại tự nhiên và sự huyền ảo của vũ trụ đã đưa ra rất nhiều tinh hoa luận thuật. Ví dụ tại phần Hệ Từ trong Kinh Dịch đã nói: “Cái thâm sâu của Vô-Hữu; Viễn-Cận, là biết sự vật sắp đến. Nếu không phải cái Chí tinh trong Thiên hạ, thì cái gì có thể sánh cùng”. Cái ứng nghiệm của Bốc Phệ, bất luận thời gian, không gian, địa vực gần xa, đều có thể liệu xét biết được cái chưa xảy ra, khiến người ta tán thán đạo lớn của Thánh nhân, cái Chí tinh của đạo Dịch”.

“Dịch là Vô tư, là Vô vi, lẳng lặng mà không động, cảm ứng mà thông mọi sự trong Thiên hạ. Nếu không phải cái Chí thần trong Thiên hạ, thì sao sánh cùng được. Đạo Dịch là Vô Phương, nếu mà có Tư duy, có Hành vi thì là Hữu phương rồi không phải là đạo Dịch nữa, nên có Cảm ứng thì lấy Tâm thông Tâm, do vậy mà thông được cả Tâm của Thiên địa muôn vật. Cái chi li động tĩnh của Vật, là Chí Thần, nên cái Phát ra đều vận động hợp với Tự nhiên”.

Qua đó có thể thấy, hiện nay đỉnh cao của khoa học nghiên cứu vật lý lượng tử đã vô tình trùng khớp với luật thuật trong Kinh Dịch từ hàng ngàn năm trước của Trung Quốc. Sự vận động và quy luật của lượng tử và quy luật được miêu tả trong Kinh Dịch là hoàn toàn tương đồng.

3. Phong Thủy có tác dụng gì ?

Đạo gia cho rằng vũ trụ này là do âm dương cấu thành, giống như Thái cực. Tam giới chỉ là một phạm vi cục bộ của vũ trụ do Ngũ hành tạo nên. Vì thế vũ trụ diễn hóa ra Tam giới, âm dương diễn hóa thành Ngũ hành. Ngũ hành chỉ phù hợp với tầng thứ thuộc trong Tam giới này, vượt quá phạm vi này thì chỉ sử dụng đạo lý về âm dương chứ không thể dùng đạo lý về Ngũ hành làm chỉ đạo nữa.

Giống như các sinh mệnh tồn tại trên quả địa cầu là cần có “trọng lực”, nhưng nhận thức này của khoa học chỉ có thể là chân lý nội trong phạm vi quả địa cầu, vượt ra ngoài địa cầu mà tiến nhập vào phạm vi của Thái dương hệ thì nó lại trở thành sai. Con người rơi vào không gian vũ trụ, khi đến các tinh cầu khác thì sẽ bị mất trọng lượng, có thể phiêu đãng bay lên.

Phong Thủy học tại Trung Quốc còn được gọi là Âm Dương học, thầy Phong Thủy tại nhân gian còn được gọi là thầy Âm Dương, vậy chúng ta có thể từ đó mà đoán ra được nguồn gốc của Phong Thủy là đến từ tầng rất cao, chẳng phải đạo lý của nó ít nhất cũng có thể dùng được trong phạm vi vũ trụ này sao?

Thích Ca Mâu Ni đã từng nói về “Tứ đại” [đất, nước, gió, lửa]. Ông cho rằng vạn sự vạn vật trên thế giới này đều được cấu thành từ “Tứ đại”. Lấy con người làm ví dụ: xương cốt thân thể chính là “đất”, là cơ sở chịu tải trọng của cả sinh mệnh; máu huyết lưu động dưới dạng lỏng được cho là “thủy”; nhiệt độ thân thể được điều hòa một cách tài tình ở 37 độ, tăng thêm 1 độ hoặc giảm đi 1 độ con người đều không chịu nổi, đó chính là “hỏa”; mà con người lại không thể sống được nếu không thở, như thế hô hấp chính là “phong”.

Từ nhận thức về biểu hiện của không gian tại thế gian này mà nhìn, Phong Thủy cũng có liên quan đến ba nhân tố phong, thủy, địa trong “Tứ đại”. Cho nên từ nhận thức đối với phạm vi vũ trụ của Thích Ca Mâu Ni mà xét thì Phong Thủy cũng là rất cao rồi, ít nhất cũng chiếm được ba yếu tố, cũng là để nói nguồn gốc của Phong Thủy là rất cao, chí ít cũng phù hợp với phạm vi vũ trụ rộng lớn mà Thích Ca Mâu Ni nhận thức được.

Bất luận là Đạo gia hay là Thích Ca Mâu Ni, đều có giảng về quan hệ giữa con người và vũ trụ. Phong Thủy tại Trung Quốc, bị liệt vào tiểu đạo thế gian của Đạo gia. Đạo gia tu luyện giảng “Chu Thiên”, giảng “Huyệt vị”, ngoài ra còn giảng thân thể người là một tiểu vũ trụ. Rất nhiều người dù ít dù nhiều đều biết một chút tri thức về Chu thiên và Huyệt vị của con người, nhưng các loại Chu thiên chân chính tồn tại trong cơ thể người, cùng các Kinh mạch và Huyệt
vị, người thường rất khó để có thể biết được rõ ràng, bởi vì đây là những điều bí mật trong giới tu luyện, họ không muốn công khai nó ra một cách dễ dàng.

Trung Quốc cổ đại trực tiếp nghiên cứu các điều huyền bí về trời và đất, đề ra lý luận về “Thiên địa hợp nhất”, cũng là để nói: Thiên, Địa, Nhân – Tam tài đối ứng. Trong Đạo đức kinh có viết: “Nhân Pháp Địa, Địa Pháp Thiên …”, như thế mọi người thử nghĩ xem, nếu thật sự là như vậy thì có phải là trên trời cũng có Chu thiên và Huyệt vị không ? Chỉ là lúc này Huyệt vị không còn được gọi là Huyệt vị nữa mà gọi là Thần vị, cũng chính là điều Đạo gia thường nói “Chu thiên tư chức thần”, cách nói này cho rằng có 365 Thần vị, chúng phân biệt đối ứng với 365 huyệt vị trên thân người. Ý nghĩa trên mặt chữ của Chu thiên là chỉ sự tuần hoàn giữa trời và đất, thân thể con người có Chu thiên, thì thiên địa tự nhiên cũng phải có Chu thiên tồn tại.

Tương tự như vậy, “Địa” cũng là một hệ thống vũ trụ phải không? “Địa” cũng là một thể sinh mệnh phải không? “Địa” cũng có Mạch lạc, Chu thiên và Huyệt vị phải không? Kỳ thực, nói thẳng ra, ở một góc độ nào đó mà nhận thức thì Địa cũng là Thiên, cũng là Nhân. Thiên cũng là Địa, cũng là Nhân. Nhân cũng đồng thời là Địa, cũng là Thiên. Ví như về mặt y lý, cơ thể người cũng đồng thời có đầy đủ ba bộ phận Thiên, Địa, Nhân. Bộ phận phía dưới con người là Địa, bộ phận ở giữa chính là Nhân, còn bộ phận bên trên là Thiên.

Nếu như những luận thuật ở trên là đúng, vậy phải chăng chúng ta có thể nói rằng – Phong thủy là một hoạt động bí ảo để tìm kiếm “Địa”.

Bất luận gọi là Kham Dư cũng vậy, gọi là Địa Lý, gọi là Hình Pháp hay gọi là Phong Thủy cũng vậy. Mặc dù cách gọi không giống nhau, nhưng đều không xa rời nguồn gốc, đều là quá trình chiểu theo vị trí sắp xếp của trời đất mà tìm kiếm “Địa”.

Từ đây phát triển lý luận thêm lên, con người đã biến nó trở thành Phong Thủy học, và quá trình sử dụng các phương pháp cụ thể trong đó được gọi là thuật Phong Thủy. Từ ẩn nghĩa mà xét, quá trình này là hợp nhất với quá trình tu luyện phản bổn quy chân của sinh mệnh. Vì thế đây là một quá trình tu luyện đề cao của sinh mệnh. Trong quá trình tu luyện ấy có thể tu ra được những điều thuộc về thể hệ “Địa” cùng các thuật loại có liên quan đến hoạt động phong thủy hay các năng lực đặc biệt được người ta gọi là thuật Phong Thủy.

(Còn nữa)

Tìm các bài BIÊN KHẢO khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com