User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

vit pintail male

Tôi là Trưởng Lão Vịt Xiêm Việt Nam. Hôm nay tôi hân hạnh trình bày về thân thế và nỗi lòng Vịt tộc. Chúng tôi là thủy điểu thuộc Nga tộc nhưng chúng tôi phải dùng nôm na là Vịt tộc vì sợ nhầm lẫn với những thân thuộc quí phái, thanh cao và sang trọng của chúng tôi là Thiên Nga và Ngỗng.

Vịt Xiêm chúng tôi là thủy điểu to lớn nhất của Vịt tộc. Chúng tôi thuộc chi tộc Cairina khác với hầu hết các anh chị Vịt khác mà quí vị thấy trên thế giới hiện nay như Vịt Bắc Kinh, Vịt ta, Vịt Tàu, Vịt Lữ Tống (Luzon ở Phi Luật Tân), Vịt Nước v.v.  

Tổ tiên của các anh chị Vịt này là Vịt Nước còn gọi là Vịt Trời hay Le Le trong chuyện Người Chồng Ngu của người Việt Nam. Người Anh gọi là mallard; người Pháp gọi là colvert. Tên La Tinh của Vịt Nước là Anas platyrhynchos. Các anh chị Vịt mà quí vị thấy ngày nay là Vịt Nước pha chủng được thuần hóa nên tên các anh chị ấy là Anas platyrhynchos domesticus. Loài người gọi các anh chị ấy như sau:

vit

Tôi xin trình bày về chi tộc Cairina của chúng tôi trước và sẽ nói về chi tộc Anas sau.  

Tên La Tinh của Vịt Xiêm của chúng tôi là Cairina moschata thuộc gia đình Anatidae. Người Anh gọi chúng tôi là Muscovy Duck, Barbary Duck, Musco Duck (Musco: Rêu- La Tinh. Ở đây là hai âm đầu của chữ Muscovy).  Người Pháp gọi chúng tôi là Canard musque (Vịt Xạ), Canard de Barbarie. Nguồn gốc chi tộc chúng tôi không phải là Moscow của Nga, hay duyên hải Barbary ở Bắc Phi như tên gọi vừa thấy.  Chúng tôi ăn nhiều muỗi lắm.  Có nơi người ta còn gọi chúng tôi là turkey duck nhưng không có nghĩa là chúng tôi gốc ở Thổ Nhĩ Kỳ mà người ta cho rằng chúng tôi là Vịt lai với Gà Tây!!  Còn người Việt Nam gọi chúng tôi là Vịt Xiêm càng không nói lên nguồn gốc thật của dòng họ Cairina của chúng tôi.

Các nhà động vật học cho rằng nguồn gốc tổ tiên dòng Cairina ở Brazil hay Mễ Tây Cơ. Nhiều thân thuộc của chúng tôi sống ở Florida. Nhưng tại sao người Việt Nam nói chúng tôi gốc ở Xiêm?  

Người Tây Ban Nha chinh phục Mễ Tây Cơ vào thế kỷ XVI. Ở Đông Á họ chinh phục quần đảo Philippines (tên của hoàng đế Philipp II) năm 1565. Có thể Vịt Muscovy được đưa từ Mễ Tây Cơ sang Philippines. Từ đó tổ tiên chúng tôi được đưa sang Mã Lai rồi Xiêm La. Người Việt Nam tiếp xúc với Xiêm La tức Thái Lan ngày nay vào thập niên 1780 trong thời kỳ nội chiến giữa họ Nguyễn và nhà Tây Sơn. Nguyễn Ánh và đoàn tùy tùng chạy sang Xiêm lánh nạn và cầu viện với vua Xiêm. Giống Vịt Muscovy đến Việt Nam từ Xiêm sớm nhất là vào năm 1784. Tiền nhân chúng tôi mang tên Vịt Xiêm vì, theo người Việt Nam, chúng tôi được du nhập từ Xiêm

vit1

Trong trạng thái hoang dã tiền nhân chúng tôi đậu trên cây như chim. Chúng tôi có đôi cánh dài và có thể bay 01- 02 km. Dòng Cairina chúng tôi mặc áo đen, xanh, trắng. Cũng có những thân thuộc gần của chúng tôi mặc áo trắng toát. Nam, nữ đều cùng một màu áo. Sự phân biệt nam, nữ căn cứ vào trọng lượng, đầu, cổ và mồng đỏ trên mỏ. Vịt Xiêm nam to lớn, giọng khào khào, mồng đỏ và dày. Đầu và cổ rất to. Đuôi Vịt Xiêm nam tương đối dài hơn đuôi Vịt Xiêm nữ.

vit2

Chúng tôi sống bằng rong, bèo, cỏ non, hột, côn trùng, sò, ốc.

Kẻ thù của chúng tôi là Chồn Cáo, Cá Sấu, Diều Hâu. Chuột thường quậy phá con cái chúng tôi, gây sợ hãi cho các chị Vịt khiến các chị tạm ngưng sinh sản vài ngày liên tiếp. Hay gây gổ với các Vịt Xiêm nam là mấy anh Gà Nòi hung hăng, hiếu chiến và hiếu thắng. Các anh Gà Nòi chỉ ăn hiếp các anh Vịt dòng Anas chớ gặp Vịt Xiêm nam chúng tôi thì làm sao các anh ấy thắng nổi. Không kể sức vóc và võ thuật, các anh Gà Nòi còn thua các Vịt Xiêm nam ở các mặt sau đây:

1. các anh Gà Nòi nóng nảy (huyết nhiệt), háo thắng nên chưa biết người, biết ta. Các anh Vịt Xiêm nam bình tĩnh (huyết hàn) nên đủ trí sáng để dò xét nhược điểm của đối phương.
2. Vịt Xiêm có thể lội dưới nước và đấu nhau dưới nước. Gà Nòi rất sợ nước vì không biết lội.
3. Vịt Xiêm biết bay nên áp đảo Gà Nòi dễ dàng. Nói xa hơn Vịt Xiêm nam chúng tôi là Hải, Lục và Không Quân. Các anh Gà Nòi chỉ là Lục Quân mà thôi.

Chúng tôi sẽ nói về kẻ thù đáng sợ nhất của chúng tôi sau. Chắc chắn quí vị biết đó là ai rồi.

Tộc Vịt Xiêm chúng tôi lập gia đình khi được 28 tuần tuổi. Mỗi Vịt Xiêm nam có từ 04 đến 07 thê thiếp. Nhưng họ không sống có cặp như Ngỗng hay Thiên Nga. Các chị Vịt Xiêm có thể ái ân với các anh Vịt Xiêm khác. Các chị tự lo liệu việc làm ổ và ấp trứng. Mỗi chị Vịt Xiêm có thể đẻ tối đa 20 trứng. Các chị ấp trứng rất kỹ và thường thường kết quả trứng nở ra con đạt từ 90- 100%. Trứng Vịt Xiêm ấp từ 32- 35 ngày mới nở. Vịt Xiêm áo trắng có con mới nở mầu vàng, mỏ vàng cam, chân đỏ hồng. Các chị Vịt Xiêm áo đa màu có con mới nở mặc áo có đốm đen, đốm vàng; mỏ đen, chân đen.  

Về phương diện kinh tế loài người nuôi Vịt chi tộc Anas có lợi hơn nuôi Vịt Xiêm chúng tôi. Có lẽ chúng tôi ăn quá mạnh lại dễ chết mỗi khi thời tiết thay đổi hay có gió lạnh. Người Việt Nam nói chúng tôi bị mắc toi. Các nhà chăn nuôi nhận xét tinh trùng của các anh Vịt Xiêm cằn cỗi nên có nhiều trứng bị ung thối. Việc thụ tinh nhân tạo cho các chị Vịt Xiêm không có kết quả lớn như cho các nữ Kê tộc. Đó là nguyên nhân sụt giảm dân số của chi tộc Cairina chúng tôi. 

vit3

Các anh chị Vịt chi tộc Anas nhỏ con hơn chi tộc Cairina của chúng tôi. Nhưng dân số các anh chị ấy rất đông đảo và được loài người nuôi trong trại để lấy thịt, trứng và lông. Trước kia lông vịt được dùng để tạo một loại tơ rẻ tiền. 

Các anh chị chi tộc Anas mặc hai màu quần áo:

- quần áo trắng: Vịt ta, Vịt Bắc Kinh. Thực tế Vịt ta là Vịt Bắc Kinh (Peking Duck) mang tên La Tinh Anas boschas, Anas platyrhynchos, Anas domestica v.v. Việc phân biệt Vịt nam, nữ căn cứ vào: trọng lượng, đầu, cổ to (nam), tiếng kêu to (nam), đuôi có lông như tóc quăn (nam). Hầu hết Vịt thuộc chi tộc Anas không biết bay. Trung Hoa là quốc gia nuôi nhiều Vịt Bắc Kinh và nổi tiếng về việc ấp trứng Vịt bằng trấu hay làm hột vịt muối để ăn với cháo trắng. Phi Luật Tân có nhiều trại chăn nuôi Vịt Bắc Kinh. Việt Nam thường nuôi Vịt di chuyển từ vùng này đến vùng khác để ăn lúa sót sau mùa gặt hơn là lập trại nuôi Vịt.

- quần áo nhiều màu sắc như Vịt nước: Vịt Tàu là một loại vịt mặc quần áo màu hung đỏ nhạt, xanh trắng. Vịt Tàu nhẹ cân. Vịt Lữ Tống tức Vịt Phi Luật Tân Anas luzonica mặc quần áo sặc sỡ giống màu quần áo của Vịt Nước hơn Vịt Tàu. Loài Vịt Lữ Tống (đảo Luzon) nầy hiện nay còn sống sót lại rất ít. 

Vịt Bắc Kinh đẻ rất nhiều. Trung bình một chị Vịt Bắc Kinh đẻ lối 200 trứng trong năm! Vịt ta và Vịt Tàu không có ổ rõ rệt. Do đó người ta phải đi lượm trứng Vịt hàng ngày và chọn những trứng có trống để ấp vì Vịt ta không ấp trứng như Vịt Xiêm. Trước khi có máy ấp trứng, người ta ấp trứng bằng trấu. Trứng Vịt chi tộc Anas ấp từ 28 đến 30 ngày thì nở. Ấu nhi Vịt Bắc Kinh mặc áo màu vàng tươi rất đẹp. Ấu nhi Vịt Tàu mặc áo có đốm đen, đốm vàng; mỏ và chân đen.

Vịt Bắc Kinh nuôi ở trại cho 450 grams thịt sau khi ăn 01 ki-lô thực phẩm. Vịt nuôi lối 40 ngày thì cân được 3 ki- lô. Đó là lúc họ bị đưa lên xe vận tải chở đến lò sát sinh.

Giữa loài người và Vịt tộc không ân không oán. Thầy thuốc Trung Hoa chê thịt chúng tôi hàn nên không bao giờ khuyên bịnh nhân của họ ăn thịt chúng tôi. Trên thực tế người Trung Hoa nuôi và ăn thịt dòng họ chúng tôi nhiều nhất. Nào là Vịt tiềm Bắc Kinh. Nào là Vịt quay. Nào là chân Vịt hấp, Vịt hấp chao đỏ v.v. 

Người Việt Nam giết chúng tôi bằng cách vặt mỏ hay cắt cổ để lấy huyết chúng tôi làm tiết canh ăn cho bổ máu. Giết các thân thuộc chúng tôi xong họ nhúng thân thể các anh chị ấy vào nước sôi để nhổ lông. Họ vừa nhổ lông Vịt vừa than phiền Vịt có nhiều lông con khó nhổ. Nhổ lông xong họ mổ bụng các anh chị Vịt và dùng nước tắm gội sạch các anh chị Vịt chết nằm bất động và bỏ họ vào một cái nồi nước sôi khác để luộc cho thịt thực sự chín không còn một vết máu mới đem ra chặt từng mảnh nhỏ. Đó là món thịt Vịt nước mắm Gừng ăn với Ngò Om Limmophila gratissima và cháo. Trước năm 1975 các quán thịt Vịt nổi lên trên đường Hồng Thập Tự, Sài Gòn, hấp dẫn nhiều thực khách mỗi buổi chiều sau giờ làm việc mỗi ngày. Vịt quay được bày bán ở Chợ Cũ, Hàng Xanh, Tân Định, đường Tôn Thọ Tường, Chợ Lớn. Các tay nhậu vừa ăn thịt Vịt vừa uống bia và giải thích những yếu tố bất khả phân ly khi ăn thịt Vịt đại để như: thịt Vịt hàn nên cần phải có Gừng, Ngò Om, rượu bia chế ngự hàn tính của thịt Vịt. Trong món tiết canh người ta dùng nhiều gia vị có nhiệt tính để khử mùi tiết canh và trung hòa hàn tính của Vịt như: Gừng, Ớt, Tiêu Sọ, lá Chanh non. Thế là chúng tôi học được nhiều điều nơi các tay nhậu của loài người. Càng say triết lý của họ càng thâm sâu và an ninh của Vịt tộc bị đe doạ nặng nề. 

Nhà nghèo ở Việt Nam luộc trứng Vịt dầm nước mắm Tỏi, Ớt, giấm (hay Chanh), đường để ăn cơm với rau luộc hay bầu luộc. Hột Vịt hòa với nước mắm, Hành, Tiêu đánh cho tròng trắng và tròng đỏ quyện lại nhau rồi chiên chín để ăn cơm. Đôi khi người ta chiên hột Vịt hòa với nước mắm, Tiêu với Bầu bầm nhuyễn hay Khổ Qua thái nhuyễn. Hột Vịt cũng được xào nấu, hấp với nấm mối, nấm rơm. Khi còn sống Vịt tộc chúng tôi biết anh chị Hành Lá nhưng không biết các anh chị Tiêu, Gừng, Ngò Om, Củ Cải Trắng, Kim Châm. Vậy mà khi chúng tôi chết các anh chị ấy luôn gắn bó với chúng tôi. Nếu cái chết của chúng tôi không vinh quang nhưng nó cũng là cái chết thơm tho. Cứ nhìn những cái chết oai hùng của anh chị Vịt ở các lò quay trên đường Tôn Thọ Tường, Chợ Lớn, thì rõ. 

Không biết hột Gà bổ hơn hột Vịt hay hột Vịt bổ hơn hột Gà? Tròng trắng bổ hay tròng đỏ bổ? Cái nào hột Vịt cũng nhiều hơn hột Gà tại sao hột Gà đắt tiền hơn hột Vịt ở Việt Nam? Nếu hột Gà bổ hơn tại sao người ta ăn hột Vịt lộn với rau răm mà không ăn hột Gà lộn? Người Phi Luật Tân rất thích ăn hột Vịt lộn mà họ gọi là baloot. Từ cuối thập niên 1970 nhiều người Việt Nam vượt biên đến Phi Luật Tân. Từ đó người Phi Luật bắt đầu ăn hột Vịt lộn với rau răm như người Việt Nam. Hột Vịt lộn là món ăn được ưa thích ở Nam Bộ. Đó cũng là một món đồ nhậu được nhiều người hưởng ứng trên đường Nguyễn Huệ gần Kho Bạc Sài Gòn trước năm 1975. Than ôi! Ấu nhi Vịt tộc chưa kịp chào đời đã bị loài người nhai ngấu nghiến và khen bổ dưỡng. Để răn đe những nữ đao phủ thủ chuyên luộc thai nhi Vịt tộc người ta nói người giết hại thai nhi Vịt tộc để bán sẽ bị bét mắt. Hình như sự đe dọa này không làm giảm tình trạng giết hại Vịt tộc từ trong trứng nước! Những người đau mắt có phải vì luộc hột Vịt lộn mà đau mắt không?

Trong ngôn ngữ của người Việt, chúng tôi chưa tìm thấy một từ nào nói tốt cho Vịt tộc chúng tôi cả.

Người chậm chạp, hậu đậu vụng về bị ví như con Vịt đực.
Người nói tiếng lào khào bị ví với tiếng Vịt Xiêm trống.
Tin thất thiệt được gọi là tin Vịt.
Vịt nghe sấm là cụm từ chỉ những người không hiểu lời nói hay ý tưởng cao siêu.
Chạy như Vịt phản ánh sự nhút nhát và sợ hãi của dòng họ chúng tôi.  Cụm từ này được áp dụng cho loại người nhút nhát và hay sợ hãi trước sự nguy khốn.

Giống như là khoai môn lông Vịt không thấm nước.  Nên có câu:

Nước đổ lá môn
Nước đổ đầu vịt.

đầy ý nghĩa chê bai, khinh bỉ kẻ đần độn, lì lợm không dậy được. Lời dạy bay đi cho không thấm vào đầu óc người học tựa như nước đổ đầu vịt vậy.  

Chuyện anh chồng ngu đi mua Vịt Nước sao nghe não nề quá! Chuyện nghe có vẻ vô lý trên thực tế nhưng nghĩ kỹ có giá trị trên lý thuyết về nguồn gốc của sự thành công và thất bại.  Một người gặp đám ma thì cười, gặp đám cưới thì khóc, gặp đám cháy thì nói "tốt đôi" tức "tôi đốt" mà không bị mập đòn sao được? Một người như vậy mà dám đưa tiền cho anh ta đi buôn. Anh ta mua đàn Vịt Trời và mất sạch tiền thì có gì là lạ. Cái lạ là có vợ khôn ngoan sao lại đưa hết vốn cho anh chồng lơ mơ như vậy đi buôn. Thương trường còn nguy hiểm và phức tạp hơn chiến trường rất nhiều. Ở điểm này ta mới thấy sự thành công không thể là sự ngẫu nhiên may rủi mà phải hội đủ các yếu tố: Đúng Lúc, Đúng Việc, Đúng Người và Đúng Cách.  

Loài người cắt cổ, vặt mỏ Vịt tộc chúng tôi, nhúng thân xác chúng tôi vào nước sôi, nhổ lông, mổ bụng, xẻo thịt nấu cho rã rục rồi ăn. Chúng tôi không than một tiếng. Trái lại họ ăn nhậu xong rồi bị bịnh và thốt lời trách oán: độc như thịt Vịt.

Vịt Xiêm lai là con của Vịt Bắc Kinh lai với Vịt Xiêm.  Đó là kết quả của mối tình dị chủng giữa chi tộc Cairina  Anas.  Người Anh gọi Vịt Xiêm lai là Mule Duck.  Không biết các anh chị Vịt pha chủng mặc quần áo có lốm đốm chấm trắng- đen này có độc chất gì mà người Việt Nam ưa nói câu: Độc như Vịt Xiêm lai.

Người có tướng đi như Vịt thì vất vả.  
Người thất bại bị ví với con Vịt què.

Trong một khúc hát ru em có câu:

Má ơi!  Con Vịt chết chìm,
Thò tay vớt nó, cá lìm kìm cắn tay.

Đúng là chuyện hiếm hoi. Vịt mà chết chìm. Cá lìm kìm nhỏ bé và thụ động như vậy mà cắn tay.

Trong Thiên Văn Học có chòm sao Vịt Nước- Vịt Trời (Wild Duck Cluster) ở phía Nam sao Aquila (Đại Bàng Tinh).

Trong thực vật học có:

- Cỏ Chân Vịt tức Rau Trai Commelina communis dùng để trị khát nước, bịnh về tim, rắn cắn, sốt, đau cuống họng, tiểu viêm. Ở Trung Hoa, Rau Trai mọc gần các mỏ đồng nên có nhiều chất đồng (Cu).  
- Cây Chân Vịt tức Móng Lưng Rồng Selaginella tamariscina. Cây Chân Vịt mọc trên vùng đất khô cằn từ Khánh Hòa đến Bình Thuận. Cây Chân Vịt dùng làm thuốc trị hoàng đản, viêm gan, bịnh trĩ v.v.
- Duck weed là bèo cám Lemna minor, thức ăn của Vịt.  Nó còn được gọi là Duck’s meat.  
Duck wheat hay India wheat, Tartarian buckwheat tức kiều mạch Tartar. Tên khoa học là Fagopyrum tataricum hay Polyganum tataricum.  Đó là một loại thảo mộc có lá, hột ăn được; hột để ép dầu; trái làm trà kiều mạch. Người Trung Hoa xem đó là một dược thảo lợi cho Phế kinh, Vị kinh và Đại Trường kinh và chế ra thuốc Ku Qiao Mai.  

Trong quân đội Duck là quân xa hoạt động nửa đất nửa nước.

Drake là anh Vịt cũng có nghĩa là một loại súng đại bác nhỏ vào thế kỷ XVII và XVIII.
Drake Passage là eo biển nằm giữa cực Nam Nam Mỹ với Nam quần đảo Shedlands, trục giao thông hàng hải nối Đại Tây Dương với Thái Bình Dương ở Nam Bán Cầu.

Tôi xin chấm dứt phần trình bày về Vịt tộc, những độc ác mà loài người đã làm cũng như những lời chê bai, biếm nhẽ và phỉ nhổ của họ đối với Vịt tộc chúng tôi. 

Hỡi loài người! Chớ vội chê cười Vịt tộc chúng tôi. Quí vị quên câu nói của chính quí vị:

Cười người chớ có cười lâu.
Cười người hôm trước, hôm sau người cười.

Ai cười hôm thứ hai sẽ khóc hôm thứ sáu.

Đại diện Vịt tộc: 

Trưởng Lão Vịt Xiêm Việt Nam.

Phạm Đình Lân, F.A.B.I.

Tìm các bài BIÊN KHẢO khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com