Phan Thiết quê tôi, năm nào gần Tết thường không có mưa. Nhưng nếu trời trở chứng trút nhẹ một vài cơn mưa rào thì đã thấy xuân như đang bắt đầu chúm chím trên từng giậu hoa, ngọn cỏ. Ðường phố bỗng dưng được nước mưa lau chùi sạch sẽ, và hữu tình nhất vẫn là nụ cười của người Phan Thiết, không còn thấy héo hắt, muộn phiền. Những hàng Vông, gốc Phượng, những chiếc lá Me non cũng phe phẩy, mừng rỡ. Tất cả như cùng xuân mở hội.
Trong nhà rộn rịp, ngoài ngõ cũng lao xao, nhất là tại các lò bánh tráng ở Phú Hài, Xóm Lụa, Tân An, Duồng, Phan Rí Thành và ngay trong thị xã, hoạt động suốt ngày đêm, vẫn không đủ để cung ứng cho mọi người, vì nhà nào cũng đều cần để cúng và cuộn với măng kho thịt heo và bánh tét trong ba ngày xuân.
Tết Phan Thiết vui từ những ngày cuối Chạp, mà chủ đích là rủ nhau đi chợ để mua sắm và ngắm người. Bắt đầu từ ngày 25 tháng Chạp, chợ trái cây và hoa đã được hình thành trên hai con đường Nguyễn Văn Thành và Lê Văn Duyệt, cạnh vườn hoa nhỏ, bên hữu ngạn Mường Giang. Giáp Tết, hoa từ các nơi được đổ về thành phố vô số kể, làm như người Phan Thiết chỉ biết ăn Tết bằng hoa, mặc sức mà lựa chọn. Thôi thì đủ thứ, từ các loại hoa bình dân như Mồng Gà, Vạn Thọ, Trường Sanh, Cúc, Thược Dược… cho tới các loài hoa vương giả nổi tiếng của Bình Thuận là hoa Mai với màu vàng phớt có năm cánh mỏng mướt như lụa, lúc nào cũng nhè nhẹ muốn chực cười trước gió xuân. Ðây là người bạn lâu đời của Phan Thiết, vì vậy mỗi độ xuân về hầu như nhà nào cũng có một cành Mai, dù mua ở chợ hay lặn lội tới rừng xa, núi cao để chặt. Hoa bán thật nhiều, có năm thiếu người thưởng thức nên vào chiều Ba Mươi Tết nhiều loại hoa ế ẩm đã bị chủ vất bỏ, nằm phơi lạnh lùng bên vệ đường mặc cho hoa tàn cánh rũ. Thật thảm thay cho kiếp hoa tàn.
“..Tết nay mình rủ về Phan Thiết
sống lại mùa xuân tuổi học đường
tháng Chạp Hăm Ba cùng với mẹ
nửa đêm tiễn Táo rất thân thương
Hăm Nhăm lểnh khểnh mang quà Tết
kính biếu thầy cô khắp phố phường
lấp ló sau lưng me nhìn trộm
cành mai đang hé cánh xuân hương
Chiều Hăm Chín Tết theo chân chị
mệt lã chen nhau giữa bước người
phiên chợ cuối năm vui đáo để
tiếng cười làm gió cũng chơi vơi
Quẩn quanh đã bắt đầu đì đẹt
pháo nổ xen trong điệu trống lân
khắp bếp bề bề măng, cốm, mứt
nhà trên cha vịnh bức tranh xuân
Giao thừa ngồi đợi chuông chùa vọng
giữa bước nàng xuân lộng nõn nường
hương rợp xiêm y rền nhạc ngựa
trần gian mở hội đón tiên nương
Hừng sáng cả nhà đi hái lộc
mông mênh đất tỏa ngát hương trầm
pháo hồng mừng Tết bay trăm lối
bỗng tiếng gà vang báo đổi năm
Trời hỡi xuân về thương với nhớ
ngồi đây mà ngóng tết xa mờ
quán khuya vắng bóng người muôn dặm
tiếng sếu càng thêm mộng ngẩn ngơ
Giờ đâu còn đủ giòng dư lệ
để khóc mùa xuân lạc bến chiều
nhớ mẹ nên buồn rầu mộng mị
những ngày Tết nhỏ vẹn thương yêu (Tết Nay Ta Về Phan Thiết – thơ MG)
Trước năm 1975, mỗi lần Tết về tưởng như cái thị xã nhỏ xíu này sẽ không bao giờ ngủ được trong khoảng thời gian từ Hai Mươi tháng Chạp cho tới phiên chợ chiều Ba Mươi Tết, vì hầu như ai cũng cố thức để mà đi chợ đêm mua bán hay nhìn người. Ðiều này cũng dễ hiểu vì dân Phan Thiết quanh năm suốt tháng làm lụng vất vả, từ nghề bờ cho tới bạn biển. Nhưng khổ nỗi vùng đất này từ xưa đã nổi tiếng là chốn ăn chơi, không thua gì Sài Gòn-Hà Nội nên đã có câu phong dao truyền tụng ‘Bình Thuận là chốn ăn chơi, cái nồi cũng bán, cái tơi cũng cầm‘. Bán cầm rồi có tiền mua hay chuộc trở lại lo gì vì đây là chốn rừng tiền biển bạc. Bởi vậy đừng ngạc nhiên khi ở đây cái gì cũng khác thiên hạ, nhất là vào dịp lễ hội, cúng tế và vào dịp Tết về. Chính những nét đặc trưng này đã làm cho người Bình Thuận hãnh diện khi giang hồ khắp chốn. Tóm lại đây là nếp sống của quê tôi, khó có thể thay đổi.
Ði chợ trong ba ngày Tết để lo cho gạo nước đầy lu, làm các món ngon vật lạ để ăn nhiều, ăn ngon nên ai cũng phải đi chợ để mua sắm tùy theo túi tiền. Trong thời gian này, các lò bánh tráng quanh thị xã tại Phú Long, Lại An, Tân An.. làm suốt ngày đêm, vì khách hàng đã bắt đầu đặt bánh từ tháng 11 Âm lịch. Ðây là món ăn của ngày Tết, dùng để cuốn thịt kho măng hay bánh tét, nên nhà nào cũng cần. Ở nhà quê, mọi người không mua bánh mà chỉ tới lò nhờ tráng một hay hai thùng gạo rồi trả tiền công mà thôi.
Từ trung tuần tháng Chạp trong khi tại các phố Gia Long, Ðồng Khánh, Ðinh Tiên Hoàng, Lê văn Duyệt.. bao quanh khu chợ lớn đã bắt đầu phân chia lô bán hàng Tết thì hầu như khắp xóm làng, nhà nhà đều bận rộn đóng cốm hộp vì đối với phong tục cổ truyền của người Việt Nam đây là món ăn đặc biệt để thờ cúng ông bà trong ba ngày Tết. Theo sử liệu, cốm đã theo gót chân khai hoang mở đất của người dân Thuận-Quảng tới đây. Người dừng lại định cư ở Bình Thuận từ ba trăm năm trước thì cốm cũng nương theo và trở thành sản phẩm quen thuộc của bản địa.
Ăn Tết xưa nay, người Bình Thuận dù túng thiếu thế nào chăng nữa cũng không dám để thiếu món ‘bánh tét‘, trước dùng để cúng vong linh tiên tổ ông bà, sau cũng là món quà đặc biệt để tặng thân bằng quyến thuộc và ăn chơi trong mấy ngày đầu năm. Theo các nguồn sử liệu thì bánh chưng có hình vuông và dẹp gói bằng lá dong, rất được thông dụng tại miền Bắc VN. Còn bánh tét (bánh dầy) là những đòn tròn, gói bằng lá chuối, là món ăn ưa thích tại Trung-Nam phần. Tuy nhiên dù khác tên gọi nhưng cả hai đều làm bằng một thứ nguyên liệu giống nhau, gồm nếp và nhân đậu, thịt. Riêng bánh chưng gói ở Bắc phần có thêm thảo quả và dầu cà cuống nên ăn rất thơm ngon. Cả hai loại bánh trên đều có xuất xứ từ thời các tổ Hùng dựng nước, nên nó đã chuyên chở trọn vẹn mọi phong tục tập quán của dân tộc Hồng Lạc qua bao thế hệ.
Thật vậy, bánh dầy (bánh tét) mang hình tròn, tượng trưng cho Trời, còn bánh chưng có hình vuông là biểu tượng của đất. Trong lúc đó các loại nếp, nhân đậu, thịt mỡ... là nhân sinh vạn vật. Tuy nhiên ý nghĩa hơn hết là các lớp lá bọc bên ngoài như muốn nói lên tinh thần đoàn kết của dân tộc ‘lá lành đùm bọc lá rách, nhiễu điểu phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng‘. Lại có truyền thuyết cho rằng bánh dầy và bánh chưng được xuất phát từ thời Bắc thuộc, lúc đó người Việt đang bị giặc Tàu đô hộ sống cảnh lầm than tận tuyệt, lên rừng kiếm ngà voi sừng tê giác, xuống sâu mò ngọc trai để bọn tham quan ô lại vơ vét mang về nước sống giàu sang phú quý. Do đó mọi người luôn sống cảnh lầm than, nhiều khi phải bỏ làng xóm quê hương trốn lánh giặc Tàu đuổi giết cướp bóc. Vì không thể mang theo lúa gạo lúc chạy loạn nên mới có sáng kiến nấu thành bánh, đem giấu dưới mương ao, đợi lúc thanh bình, trở về quê nhà có cái ăn tránh được nạn đói.
Năm Kỷ Dậu (1789), Ðại Đế Quang Trung (Nguyễn Huệ) trong cuộc hành quân thần tốc từ Trung ra Bắc Hà, để tiêu diệt hai chục vạn quân Thanh do Tôn Sĩ Nghị cầm đầu, được Lê Chiêu Thống dẫn về tàn phá quê hương. Chính ngài đã dùng bánh tét để làm lương thực cho quân sĩ trên đường hành quân Bắc tiến. Nhắc đến bánh tét, làm sao quên được những tối cuối năm thời tuổi nhỏ, cùng với gia đình quây quần trước nồi bánh đang sôi sùng sục trên bếp lửa hồng, vừa châm thêm củi và đảo lộn các đòn bánh trong nồi cho chín đều, vừa len lén nhìn cánh mai vàng cắm trong chiếc bình cổ trên phòng khách, để rình hoa đã mãn khai rồi hay chưa, vì ai cũng hy vong mai nở cho kịp với nàng xuân nõn nường kiều diễm đang lồ lộ nơi ngưỡng cửa hạnh phúc vui vầy.
Phan Thiết ngày xưa, tuy không phải là chốn phồn hoa đô hội nhưng vẫn là nơi thị tứ quy tụ người khắp mọi miền đất nước, nên chuyện ăn uống trong ba ngày Tết rất đa dạng và cầu kỳ, không những là người Việt mà còn có nhiều khác biệt giữa người Việt gốc Hoa, trong năm bang hội sinh sống tại địa phương. Tuy nhiên dù là ai chăng nữa, với người Việt, nồi thịt heo kho măng khô vẫn được coi là quan trọng hơn hết. Với người Phan Thiết gốc đồng bằng sông Cửu, thì có nồi thịt heo kho Tàu với nước dừa, ăn cùng dưa giá có trộn thêm cà rốt, lá hẹ, ớt xắt sợi và cuốn củ cải. Thịt được dùng để kho phải là thứ thịt heo ba rọi vừa nạc lẫn mỡ. Kho nồi thịt ngon đòi hỏi phải có kỹ thuật làm bếp giỏi để sao cho lúc chín phần nạc thì đỏ au đẹp đẽ, còn lớp mỡ da căng nở ra mềm mại. Có như vậy mọi người ăn liên tiếp món này trong suốt mấy ngày Tết vẫn không thấy ngán, ngược lại mỗi lần nhìn tới đã thấy thèm.
Rồi còn phải thêm vài hũ củ kiệu muối với tôm khô, loại lạt muối, thứ này giúp các chàng đưa cay khi đối tửu. Riêng củ cải thì dùng chung với bánh tét được gói bằng thứ bánh tráng mỏng, được sản xuất từ các lò Phước Thiện Xuân, Xóm Lụa, Cây Chôm. Với các gia đình trung lưu thì các bữa ăn ngày Tết không bao giờ thiếu món khổ qua dồn thịt bằm trộn với tôm quết nhuyễn. Tuy nhiên có nhiều người tin dị đoan nên không dám ăn món này trong ngày Tết vì sợ lại khổ quá cả năm mới. Vì người Bình Thuận là hậu duệ của người cả nước nên món ăn nào cũng phong phú, kể cả các món ngọt thì không làm sao đếm hết được như món xôi vị gốc Quảng, có pha lá Dứa hay lá Cẩm. Còn mứt thì đủ loại, từ gừng cay, dừa bí, cà chua, hạt sen cho tới món mứt me thượng lưu, mứt nào của người Phan Thiết cũng ngon tuyệt diệu.
Từ thập niên 70 về sau, mỗi lần Tết về người trên phố không gói bánh ít ở nhà, mà mua ngoài chợ về để cúng, cùng với các loại bánh in Hải Dương, bánh bò bông, bông lan. Nhưng ăn uống cầu kỳ hơn hết vẫn là người Phan Thiết gốc Huế hay Bắc. Bởi vậy nhà nào Tết đến hầu như cũng có giò lụa hay chả Huế, giò thủ, thịt đông chân giò hay thịt gà nấu đông. Nhưng hấp dẫn hơn hết đối với dân chơi cầu ba cẳng ngày xuân cữ món nai đồng quê thì đó là món giả cầy, sản phẩm Bắc Hà, dùng giò heo cạo sạch lông, đem thui, chặt khúc nấu với riềng mè, vì lạ miệng nên ai cũng thích, ăn hoài không ngán.
Tết nay em có về Phan Thiết
có ghé trường xưa, viếng mộ thầy
đây nén hương lòng người lính cũ
cũng là lệ nhớ xót thương cay
Có vào tửu quán vui cùng bạn
chuốc một bầu riêng cúng tưởng người
những lính cùng dân chung bất hạnh
vì đời mà đổ máu thây phơi
Có xuống Cồn Chà ăn cá mực
thăm giùm người bạn biển quê tôi
thảm ơi một kiếp đời mưa gió
vẫn áo mê tơi suốt một đời
Có qua phố chợ khoe quần áo
bớt một vài xu giúp kẻ nghèo
người phế binh bò trên gạch lạnh
tủi buồn cô quạnh nắng mưa treo
Có đi ngắm cảnh tìm thơ vị
đừng bỏ quên Cây Táo, Phú Long
Dốc Căn, Kim Hải, Ðoàn Mạnh Hoạch
những địa danh xưa đẳm máu hồng
Có vào lễ Phật trên chùa Cú
hay ghé thăm Cha tại giáo đường
tìm lại giùm tôi hương phấn cũ
của thời tuổi học lắm thương vương
Có gặp bạn bè còn sống tủi
xin em chia bớt một phần vui
xin em lau lệ đời phân cách
để nguyện cho nhau bớt ngậm ngùi
Có mua quà tặng khi về Mỹ
xin nhớ cho tôi chút vị làng
hơi đất, mùi rơm, tình biển mặn
thương hoài mà vẫn cứ miên man (Xin Hãy Cho Tôi Chút Vị Làng – thơ MG)
Ðối với người Phan Thiết gốc Hoa, ăn Tết cũng có nhiều khác biệt. Bởi vậy đừng tưởng các ông bà Tứ Hải, Nhiêu Bá, Cẩm Xìn, Phúc Châu, Liền Hến, Thiên Sanh Ðường, Thọ Như Khương, Ðại An Hòa, Lâm Phùng Xuân.. tất cả là người Trung Hoa, nên nhà nào ăn Tết cũng giống nhau. Không đâu, họ ăn uống theo tập quán bản địa, mà cha ông đã mang từ bên Tàu sang qua bao đời.
Người Việt gốc Hoa Quảng Ðông, ba ngày Tết thế nào cũng phải có các món lạp xưởng làm bằng thịt heo ướp ngũ vị hương hay loại hảo hạng tẩm rượu mai quế lộ, rồi lạp xưởng gan heo hay thịt vịt khô loại lạp áp hay bắc thảo, lạp dục, tức là món thịt heo ba chỉ cắt sọc từng dải phơi khô. Thịt vịt khô hay heo khô đem hấp với gừng lát, là món ăn chính trong ba ngày đầu năm mới. Ðặc biệt nhất là nhà nào dù giàu hay nghèo, cũng phải có con gà mái để cúng vào giờ đón Giao Thừa, còn ngày Mồng Hai Tết phải làm con gà trống thiến để cúng mở cửa hàng hay xuất hành. Với những nhà giàu có, ngày Tết còn có thêm món bát bửu gồm bong bóng cá, tóc tiên, hạt sen, nấm đông cô, táo đỏ, củ năng và bún Tàu. Ðể lai rai đưa cay, dĩ nhiên chẳng bao giờ thiếu các món nhắm như tôm khô, hột vịt bắc thảo, củ cải muối và thịt đùi heo hun khói. Còn trên mọi bàn thờ, thì thế nào cũng có ổ bánh tổ ngoài bọc giấy điều, có in các chữ phước hay đại cát, bằng mực Tàu mạ hoàng nhũ. Tóm lại nét đặc trưng của người Việt gốc Quảng Ðông, là là ngày Tết không bao giờ giết vịt, vì sợ tiếng kêu ‘cạp cạp‘, gây xui xẻo năm mới.
Còn người Việt gốc Triều Châu là nhóm người Trung Hoa đông thứ hai tại Phan Thiết. Tuy người Triều Châu cũng cư trú trong tỉnh Quảng Ðông nhưng địa bàn của họ nằm giữa ba tỉnh Quảng Ðông, Quảng Tây và sát với Phúc Kiến. Vì vậy tiếng nói của họ thuộc ngữ hệ Hạ Môn-Phúc Kiến. Ðó cũng là lý do giữa hai nhóm di dân, có rất nhiều khác biệt, chẳng những về sự cạnh tranh nghề nghiệp mà còn liên hệ tới tập quán và đời sống xã hội. Trước ngày 30/4/1975, giữa hai nhóm Tiều và Quảng Ðông sống tại VN, không bao giờ kết thông gia. Bởi vậy chúng ta cũng không ngạc nhiên về sự khác biệt giữa hai nhóm trong việc cúng kiếng và ăn uống vào những ngày Tết.
Trong khi người Việt Quảng Ðông kiêng vịt, thì Tết là dịp để người Tiều ăn vịt lấy hên đầu năm. Tại Bình Thuận, vịt được nuôi nhiều tại Tường Phong, Ðại Nẫm, Phú Hội, Phú Lâm trong những cánh đồng đã gặt xong nhưng chưa kịp cầy bừa vào dịp đông-xuân tới. Thế rồi sau hai tháng khổ cực, bôn ba khắp các cánh đồng dưới nắng mưa, để hết lòng vỗ béo đàn vịt hơn ngàn con, sao cho kịp tới trung tuần tháng Chạp là có vịt thịt để bán. Trong thời gian này, xe thồ, xe lam… đêm ngày từ Phan Thiết tới các lò, để mua vịt và trứng. Trong cái không khí tĩnh mịch của làng quê, tiếng vịt kêu cạp cạp thay thế tiếng Sếu biển báo Tết sắp về.
Với người Việt, nhà nào từ 20 tháng Chạp trở đi, hầu như đều có sẵn cặp vịt với vài chục trứng, để cúng đưa ông Táo về trời vào chiều Hăm Ba. Với người Việt gốc Triều Châu, thì bất cứ nhà nào trong ba ngày Tết, cũng phải có món vịt ram. Món này, vịt làm xong đem luộc vừa chín, vớt ra chặt thành từng miếng lớn, rồi bỏ vào trong chảo mỡ đang sôi sùng sục. Riêng nước luộc vịt, được dùng để nấu xôi đậu phộng, dùng để ăn chung với thịt ram trên. Có một số người Tiều lớn tuổi, ngày Tết vẫn còn giữ tập quán của tổ tiên bên Tàu, là ăn thịt ngỗng chung với vịt, đầu heo muối hun khói các mía. Tóm lại món ăn ngày Tết của người Phan Thiết thật đậm đà, ngoài các món thổ nhưỡng đặc trưng như cốm, banh rế, bánh tráng mè dầy hay bánh căn ăn với cá kho.. là những hương vị để đời mà ta không làm sao quên được, nhất là nhà lại có thêm bánh tổ chiên, bánh tét giòn ăn với cá thu kho dưa món. Và còn chả tôm, tré, nem, giò lụa, bao nhiêu món ngon vật lạ của một thời quê hương hạnh phúc, trước khi VC từ rừng vào cưỡng chiếm Phan Thành.
Từ khi sống đời phiêu bạt, năm nào cũng vậy hễ gần tới những ngày cuối năm thì lòng ta lại bâng khuâng lo lắng nhưng không biết là mình đã lo lắng bâng khuâng điều gì, vì Tết Dương lịch nơi xứ người cũng đã qua trong lặng lẽ buồn rầu, còn xuân quê mình thì nghìn trùng xa cách. Vui buồn, mong đợi hay mơ ước, tất cả cũng chỉ còn là kỷ niệm của một thời xa xưa thân ái, với những cái Tết thật êm đềm, dù đất nước lúc đó đang hồi lửa loạn. Nhưng mặc kệ, mọi người vẫn bận rộn lo sắm Tết, khi mùa đông sắp tàn, nhường chỗ cho nàng xuân kiều diễm nõn nường, đang lồ lộ bước vào ngưỡng cửa đời.
Ôi giấc mơ xưa, chưa chi đã dẫn ta về thôn xóm cũ, những ngày xuân Tết vẹn vầy, những niềm vui thơ dại, trên từng trang lưu bút của một thời tuổi trẻ đã phai tàn, nay không biết có ai còn nhớ hay không? Bao chục năm qua rồi, những ngày sắp Tết lại buồn, nhất là lúc đứng nhìn mưa phùn, nhỏ những giọt trắng, trên từng cánh cúc vàng nơi thềm gió.
Lại một tối Ba Mươi buồn sắp tới, một đêm Giao Thừa nơi xứ người. Trong giây phút thầm lặng trước ngưỡng cửa đời, bỗng dưng buồn rầu tự hỏi, cho tới khi nào ta mới chấm dứt được cái thân phận không nhà cửa, phải khóc thầm suốt một phần đời lưu lạc, mỏi ngóng về bên kia bờ Thái Bình Dương, mà rưng rưng thương nhớ Phan Thiết. Trong nỗi cô đơn hằng hằng, người lữ khách chỉ còn biết yên lặng, nép mình dưới các hàng hiên ngoài phố, cùng với bóng tối của đêm Ba Mươi Tết, để ngậm ngùi tưởng tượng về chốn quê xa, trong cái khoảnh khắc năm cũ sắp tàn, gia đình mình chắc cũng đang cài chặt then cửa, để đón mừng năm mới. Không biết trong nỗi hạnh phúc đó, có ai còn nhớ tới người lính già cô đơn ngoài quan tái.
Rồi cũng Tết cũng mùa xuân viễn xứ
đời chinh nhân sao lắm nỗi đoạn trường
xưa những mùa Tết ngập lệ đau thương
nơi đồn vắng, hố cá nhân chờ giặc
Ðêm Giao Thừa một mình buồn hiu hắt
ngậm ngùi cùng chiếc bóng chúc Tân Niên
loay hoay tìm đâu thấy một ai quen
chỉ tiếng nhạn kêu sương ngoài quan tái
Sáng mùng một chờ thư em mòn mỏi
đứng lại ngồi trông mây nổi mù bay
cuối quê xa thương mẹ ngóng đêm ngày
chờ thằng con lính, trăm lần lỗi hẹn
Nhưng mẹ ơi nơi này xuân nào đến
với những hồn ma lạnh quẩn quanh đây
bên suối ngàn róc rách gió lả lay
Tết muôn dặm năm qua buồn muốn khóc
Tàn chinh chiến tưởng không còn chết chóc
đâu ai ngờ thảm tuyệt vẫn muôn phương
xưa banh xác vì bom đạn chiến trường
nay gục úa bên đòn roi đói bệnh
Xưa đồn vắng chờ xuân xuân không đến
nay trong tù không muốn Tết vẫn sang
đời gì đâu sao tàn nhẫn bẽ bàng
kiếp lính trận cứ ngậm ngùi cô quạnh
Mùng Một Tết góp cơm canh trà bánh
nén hương lòng nhớ bạn chết thảm đơn
tuổi hoa niên mà đã bỏ trần gian
nằm với đất bên đường sầu cỏ úa
Nay xứ lạ một lần xuân tới nữa
Tết không nhà hiu quạnh vắng người thương
vẫn tỉnh say nơi quán lẻ bên đường
chờ bạn tới cụng ly mừng xuân thắm
Nhưng họ đã chết queo ngoài muôn dặm
kể từ mùa chinh chiến bỏ trường xưa
chỉ còn ta buồn bã kiếp sống thừa
bao chục năm héo cùng xuân viễn xứ (Thêm Một Lần Xuân Qua – thơ MG)
Mường Giang Viết từ Xóm Cồn Hạ Uy Di Chạp 2014