Rồi một mùa xuân nữa sắp đi vào rừng núi và biển cả của Hạ Uy Di, khiến ta lại ngỡ mình như đang lạc vào một cõi hồn xưa nào đó, cứ vô tình ẩn ức với thời gian.
Bình Thuận mùa Tết hoa rừng nhiều không kể xiết, tô điểm thêm nỗi tĩnh mịch, buồn rầu của chốn quê, với ruộng mạ xanh, lúa vàng đồng và những khúc nhạc đồng quê, được trỗi dậy từ lúc mặt trời còn ngái ngủ trong mây. Đó là tiếng Gà báo sáng, làm rộn rịp cả thôn xóm, luôn cả lũ bồ câu, chim sẽ... cũng thi nhau gù vang trong tổ ở đầu hồi nhà.
Nhưng buồn nhất vẫn là tiếng gà gáy trưa vang lên, làm khuấy động cả bầu không khí lặng lẽ im lìm, khiến cho lá vàng cũng rơi vèo theo cơn gió nhẹ.
Trên đường làng hoàng hôn ngả bóng, tiếng trống thu không, trên cái chòi canh của huyện, cũng đã bắt đầu từng hồi gọi réo chiều sang. Trong vườn, gà mái đang cục cục gọi con về chuồng, khiến lũ gà con cuống quít tung tăng, nhiều lúc như quấn vào chân mẹ.
Đó là những hình ảnh rất quen thuộc, chẳng những của đồng quê mà còn được nhắc nhớ nhiều nhất trong văn chương bình dân VN. Nếu hơn một ngàn năm về trước, nhà thơ Lý Hạ (791-817), đời Đường, trong thi khúc 'Quan Nhai Cổ', đã dùng tiếng trống gởi vào thời gian, để gọi hồn xưa trong cõi mênh mộng gió vọng biển dâu, thì tiếng gà lại đi vào văn thơ, phần lớn được xem như là một biểu tượng rất thân thương, chỉ thời gian đến đi của dòng đời không bao giờ ngừng nghỉ. Tóm lại, tiếng gà cất lên trong không gian, tuy là vô tri vô thức nhưng đối với con người lại trở nên cái tâm cảnh thao thức, trằn trọc, liên quan tới sự vui buồn, chìm nổi của phận người.
Theo sử liệu, thì các dân tộc Hán, Ấn, Indus, Miến Điện, Phi Luật Tân, Nam Đảo... đã thuần hóa được Heo, Chó và Gà rất sớm. Tại Trung Nguyên, các con vật trên đã trở thành gia súc, vào thời kỳ Ngưỡng Thiều, có niên đại từ năm 5000-3000 trước Tây lịch. Nhưng có điều là hầu hết các Hán tự chỉ tên mười hai con vật trong âm lịch, điển hình như chữ Dậu chỉ năm con gà, lại có hình một đồ vật, dùng đựng các thứ tế lễ. Điều nay khiến cho các nhà ngôn ngữ học thời nay thắc mắc, do nghĩa gốc của các con vật, trong Thập Nhị Chi đều tuyệt tích, khiến mọi người chẳng biết đâu mà tra cứu. Do trên, không muốn tiếp tục chấp nhận mười hai con vật tượng trưng trong âm lịch, vì họ cho là chẳng có ý nghĩa gì hết.
Nhưng chắc chắn là gà đã có mặt rất sớm bên cạnh con người. Hơn nữa, nó là sinh vật rất đặc biệt trong mưới hai con giáp, vì có cánh biết bay. Theo sách 'Thuyết Văn', thì năm gà tượng trưng cho hạnh phúc, thành đạt, ấm no. Năm 3341 trước TL, Hoàng Đế Phục Hy, một trong Tam Hoàng, Ngũ Đế thời huyền sử Trung Hoa, được xác nhận là vị vua đầu tiên, ra lệnh cho cả nước nuôi gà để cung cấp cho hoàng tộc, cung đình. Rồi thì các loại 'Kê Kinh' ra đời, nói lên sự quan tâm của người xưa đối với con vật hiền lành và lợi ích này. Nước Pháp lấy con gà trống làm biểu tượng quốc gia mình. Xem như vậy, gà đã thực sự đi sâu vào đời sống của con người, chẳng những về phương diện vật chất, mà còn trong lãnh vực tinh thần, từ bói toán, giải trí, y học... nhưng biểu tượng nhất, cũng vẫn là trong văn chương chữ nghĩa, điển cố, từ bác học cho tới bình dân, mà chúng ta đã gặp thường ngày.
1- Gà, Một Trong Những Gia Súc Thân Thương Của Con Người:
Vào tháng 1-1989, các nhà động vật học thuộc Viện Khoa Học Smithsonian ở Hoa Kỳ, đã đào được một cái mỏ chim, cùng loại với một bộ xương hóa thạch của con vật, đã tìm thấy năm 1987 tại vùng Scymour, Nam Cực. Đây là một giống chim, coi như thủy tổ của bộ chim-gà, đã xuất hiện từ 40 triệu năm về trước.
Chim này thuộc Họ Phororhacides, có mỏ dài 0,60m, cao 3,2m, trông giống như con đà điểu hay gà nòi, không bay được dù có cánh nhưng chạy rất nhanh như các loại ngựa đua.
Theo các nhà khoa học, thì giống chim-gà này, có xuất xứ từ Nam Mỹ vì cách đây 100 năm, người ta cũng đã tìm thấy một hóa thạch tại đây. Nhưng có điều lạ, là chim này không bay được tại sao chúng có thể vượt biển, để tới định cư tại Nam Cực hay ngược lại? Cũng theo giải thích của các nhà khoa học, thì cách đây mấy trăm triệu năm về trước, các châu Mỹ, Á và Nam Cực dính liền với nhau, nên chim chóc, thú vật và các loài bò sát mới đi lại được.
Gà nhà nuôi để ăn thịt, trứng và xử dụng luôn lông trong công nghệ. Riêng phân gà dùng tạo điện năng, có giá trị ngang với vàng đen và mặt trời. Thời xưa Tần Thỉ Hoàng đã biết cách dùng lòng trắng trứng gà, trộn chung với một vài vật liệu xây cất, làm thành thứ hồ dẻo, có thể chịu đựng bền bỉ, để xây nên Vạn Lý Trường Thành, một kiến trúc vĩ đại còn hiện diện đến ngày nay. Tại Ai Cập, các vị vua chúa từ thế kỷ thứ XIV trước TL, cũng đã dùng lòng trắng trứng gà, làm hồ vữa xây Kim Tự Tháp. Ở Hy Lạp, 400 năm trước Tây lịch, triết gia Aristote cũng đã viết sách dạy cách thức ấp trứng gà của người Ai Cập. Nói chung, ai cũng thích ăn thịt gà, nên nuôi rất nhiều và vì vậy đã thành món ăn bình dân tại Âu Mỹ nhưng với các nước Á Châu, gà vẫn còn là món ăn mắc mỏ, người nghèo ít khi được thưởng thức.
Theo nhà nghiên cứu Gà, người Anh là Edmund Saul Dixon, trong cuốn sách xuất bản năm 1849, thì đại để Gà nhà Á Châu có 4 loại chính, gồm Gallus Gallus ở Ấn, Kampuchia, đảo Sumatra có trứng màu nâu. Gà Gallus Lafayetti, trứng màu lốm đốm, sống ở Tích Lan. Gà Gallus Sonnerati, trứng màu trắng, ở bán đảo Ấn Độ. Gà The Feather Shanker Birds có mình to, cánh rộng bay được, đẻ trứng màu nâu, sống tại Trung Hoa, Việt, Mên, Lào, Mã Lai. Tại Hoa Kỳ, tuy là một tân quốc gia nhưng lại là nước có nhiều giống gà nuôi đẹp và tốt nhất thế giới như White Rosks, Anconas, Austria White, New Hampshires, Shiver Spanger Hamburgs, Black and White Langshans, Columbians Wyandotter, White Crester Black Polish, Buff Cochins...
Gà có nhược điểm về thị giác, mà khoa học gọi là 'quáng gà', cũng đã được giải thích trong Quốc Âm Tự Vị của Huỳnh Tịnh Của, bởi vậy tục ngữ mới nói: 'Lờ đờ như gà ban hôm'. Bệnh quáng gà còn được hiểu theo nghĩa bóng, để ám chỉ hạng người có kiến thức nông cạn, nhưng luôn huênh hoang, tự phụ, giống như câu 'ngây ngô như gà mờ, lờ đờ như đom đóm đực'. Cũng do vậy mà vào thời Pháp thuộc, ở miền Bắc VN, vì mê tín dị đoan, nên có tục kiêng kỵ gọi tên gà lúc trời chạng vạng. Riêng người Mán ở vùng Thái Nguyên, Bắc Kạn, Việt Bắc còn có tục thờ Ma Gà, nên cữ ăn thịt con vật này.
Dù thuộc loại gà nào chăng nữa, thì tập tính chung của chúng vẫn là ngơ ngơ ngáo ngáo, không giống ai như 'gà con mất mẹ, gà tơ đi lạc, gà mở cửa mả'. Cuối cùng tật xấu của gà là tính 'bươi bới bừa bãi', nên trong dân gian đã có câu 'vắng chủ nhà gà bưới bếp, vắng chúa nhà gà vọc niêu tôm, trấu trong nhà để gà ai bới hay thứ như gà bới, chữ viết như gà bới...', Nói chung, từ những tập tính của gà, người đời lấy đó, để nói lên những thói hư tật rởm, của những kẻ bất tài nhưng thích dùng cái mã bề ngoài để lên mặt với thiên hạ, một cách đáng nực cười.
Ngoài ra cũng không thể quên được những đặc tính của gà mái như sự sinh nở, tình mẫu tử thiêng liêng, nên dám chết trước sài lang, chim dữ, để bảo vệ đàn con thơ. Nhưng thật là bất công, vì người đời chẳng những không có một lời khen tặng, lại còn nặng lời mai mỉa, như 'Nữ Kê Tác Quái - Gà Mái Đá Gà Cồ', mượn hành động trên của gà mẹ, để ám chỉ những người đàn bà chanh chua, quen lấn lướt hiếp chồng. Việc này, bên Pháp cũng nhào vô ăn có, qua câu 'Chanter le coq - chanter l'co - chanter le jau'. Trong lúc đó, gà trống lại được tiếng khen, giống như hành động của các đấng mày râu, chẳng may bị mất vợ vì mọi lý do nhưng vẫn cúc côi tận tụy nuôi con thơ nên người, giống như việc 'gà trống nuôi con'.
Tuy thức ăn hằng ngày của gà vẫn là rau cỏ, ngũ cốc nhưng món khoái khẩu nhất vẫn là con Rít (Rết), mà Hán tự gọi là Ngô Công và trong Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân Tiên sinh, đã phong cho gà trống là Mão Nhật Tinh hay Kim Kê Tướng Quân, giữ vai trò sao Mão trong Nhị Thập Bát Tú, chuyên xác định thời tiết theo âm lịch của Trung Hoa.
Trái ngược với thần thoại Hy Lạp, ít thấy sự hiện diện của gà, trong lúc quan niệm về thần học của phương Đông, gà lại có một vai trò rất lớn, trong mọi phương diện. Chắc cũng vì nguyên cớ này, nên một tác giả vô danh của Đàng Trong, vào thời Trịnh Nguyễn phân tranh, qua tác phẩm nổi tiếng 'Lục Súc Tranh Công', đã coi Gà như là một biểu tượng của Lại Bộ, trong Lục Bộ:
Như Dê, Trâu, Heo... con gà cũng là con vật được dùng trong hiến tế, ngoại trừ năm Dậu. Trong nghi thức cúng tế, ngoài việc làm thịt gà để khai lễ đầu năm hay dùng món lòng gà, cuốn củ kiệu nướng, để tế lễ theo tập tục Á Đông. Nhưng tại vùng hoang sơn hẻo lánh, thay vì cúng gà chết cho Thổ Địa, Sơn Thần, người ta thả gà và chúng qua nhiều thế hệ, trở thành gà rừng, mà ai có dịp sống ở sơn lâm, đều nghe được vào lúc bình minh tiếng gà rừng gáy sáng.
Trong lĩnh vực Chiêm Tinh Học, qua các tài liệu tham khảo như Thục kê áo đẳng nhục, Sát kê nga áp đại cát lợi, Tây kê đắc quan minh khẩu thiệt, Kê bảo noãn bảo đại hỷ, Kê đại thụ thượng đắc tài.., nhìn chung đều nói về bói tướng, mà chủ yếu dùng chân gà, để đoán hung cát trong năm. Trong nghi thức này, con gà được chọn rất cẩn thận, là gà tơ mới vừa tập gáy, còn nước nhúng gà cũng phải tinh khiết và phải sôi kỹ. Xưa nay, người VN thường hay bói gà vào Mồng Ba Tết, vì ngày này trần gian cũng nghênh đón các vị thần Hành Khiển, Hành Binh và Phán Quan của năm mới. Nói chung, sự bói gà đoán chiêm mộng, đã làm cho gà càng thêm gắn bó với người.
Tóm lại, gà dù không giúp con người trong những công việc nặng nhọc như trâu bò, ngựa nhưng nó cũng rất trung thành như chó, mèo, dê, nên không bao giờ quên trở về chuồng cũ, sau khi màn đêm sắp xuống. Người Âu Mỹ rất quý trọng thú vật, dù nuôi gà chỉ để ăn thịt. Do trên, trong văn chương bình dân Pháp, cũng đã có nhiều câu để nói về gà như 'Fier comme un coq hay coq, roi de la basse cour'... Riêng người VN, thì 'gà tốt mã nhờ lông'.
Ngoài những đặc tính trên, qua khoa học ta biết được thịt gà khác với trâu bò ngựa... Đó là loại thịt trắng, ăn rất dễ tiêu vì trong thịt không có chất protit ăn màu là mioglobin. Thịt gà rất bổ vì có nhiều protit nhất trong gia cầm, nhất là màng trong của mề gà, mà Đông Y gọi là 'Kê Nội Kim' chữa được nhiều bệnh về đường ruột như ăn không tiêu, nôn mửa, viêm ruột già, kiết lỵ...
Về tiếng gà gáy to là nhờ sự hòa âm của hai thanh quản (con người chỉ có một). Thanh quản dưới của gà, nằm nơi mà khí quản rẽ thành hai phế quản chính và được cấu tạo bằng nhiều màng âm rất hoàn chỉnh. Do trên khi gà trống gáy, để lấy hơi chúng phải vận động toàn cơ thể như đập cánh, vươn cổ và lúc lắc cả đuôi.
Riêng mắt gà, thực chất là rất tinh vì nằm cả hai bên đầu, cho gà một thị trường rất rộng cũng như không cần phải quay đầu, để nhìn ngó các hướng. Nhưng mắt gà có giới hạn, là chỉ quan sát được các vật thể có ánh sáng đầy đủ có màu đỏ và màu xanh lá cây. Trái lại gà nhìn rất kém dưới ánh sáng màu tím và xanh da trời, vì vậy mới có thành ngữ là 'mắt gà mờ'.
Còn việc gà, tuy mỗi ngày mỗi đẻ một trứng nhưng quá trình hình thành một quả trứng, phải mất tới 14 ngày, khởi sự từ rụng trứng, tới giai đoạn cuối cùng thành trứng non (noãn chín) mới rơi vào trong ống dẫn trứng. Chính trong giai đoạn này, noãn mới được bọc lòng trắng, phủ màng bọc và tạo lớp vỏ đá vôi bên ngoài, trước khi đẻ. Đặc biệt có sự giống nhau giữa phôi người và gà. Theo khoa học, ba tháng trước khi lọt lòng mẹ, thai nhi mút ngón tay cái theo tính phản xạ vì tay để gần miệng. Điều này cũng tìm thấy ở gà, vì phôi khi được 16 ngày, ở tư thế 'mổ' vào móng chân của nó. Tuy đến nay, chưa có một nhà khoa học nào đã nhìn thấy chính mắt, phôi gà trong tư thế trên, dù họ đã chứng minh được rằng ngón cái của người gà, giống nhau qua các hóa thạch rất xa xưa. Tuy nhiên nhà sinh vật học Thụy Điển là Ted Ebendal lại cho biết, phôi người và chim non rất giống nhau, vì cùng có xương sống, chỉ khác là mắt chim non được phát triển rõ ràng, còn mắt của thai nhi tới tháng thứ bảy mới mở. Buồng trứng của gà mái, trung bình chỉ chứa từ 700-800 noãn, nên gà đẻ tới mức đó thì chấm dứt. Tóm lại các sự kiện liên quan tới gà như gà con đi theo gà mẹ, gà ăn sỏi đá, gà gáy gần chuồng và gà vặt lông gà... đều do tập quán hay tính phản xạ gây ra, mà ta không thể tìm thấy ở các loài động vật khác.
2- Gà Trong Ca Dao, Thi Phú:
Trong văn thơ, tiếng gà được xem như một biểu tượng, chỉ sự thay đổi của thời gian, đồng thời cũng nói lên phận người trong dòng đời trôi nổi, với những nỗi buồn vui, không bao giờ biết trước. Đọc Đoạn Trường Tân Thanh của Nguyễn Du Tiên sinh, qua tiếng gà, ta cảm nhận được thân phận của Thuý Kiều, một kiếp hoa trôi, hồng nhan bạc mệnh: vì chữ hiếu mà phải bán mình trong chốn lầu xanh, chìm nổi ba đào, hận hờn bạt mạng: 'những là đo đắn ngược xuôi, tiếng gà nghe đã gáy sôi mái tường' hay 'tiếng gà xao xác gáy mau, tiếng người đâu đã mái sau đầy đàng'
Ở Chinh Phụ Ngâm Khúc của Đặng Trần Côn, qua bản nôm của Đoàn Thị Điểm, tác giả đã mượn tiếng gà eo óc cất lên giữa đêm trường cô quạnh, để nói lên nỗi sầu chiết bóng, của người chinh phụ trong phòng the, tựa án trông chồng đang ruổi dong ngoài quan tái: 'gà eo óc gáy sương năm trống, hoè phất phơ rũ bóng bốn bên'. Trái lại, trong thơ văn tranh đấu của Sào Nam Phan Bội Châu, tiếng gà lại là một biểu tượng, làm thức tỉnh lòng người yêu nước, cùng đứng dậy để đánh đuổi giặc thù ra khỏi quê hương.
Nhưng có lẽ không có tiếng gà nào làm xao động lòng người, cho bằng tiếng gà ở làng Thọ Xương, Huế, nơi có ngôi chùa Thiên Mụ danh tiếng, mà theo bia ký, do các Chúa Nguyễn dựng và tu bổ vào các năm 1715 và 1840. Chính hai câu thơ bất hủ: "Gió đưa cành trúc la đà, tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương', đã cùng với những địa danh Sông Hương, Núi Ngự, Nam Giao, Hòn Chén, Kim Long, Vĩ Dạ... đã làm cho Huế thơ và đẹp muôn đời.
Ngoài ra gà còn là những tác phẩm nghệ thuật, xuất hiện trên các sản phẩm gốm, nung, đồ sứ sành, tượng đá, bản gỗ và cả trên thạp đồng. Trong các làng tranh nổi tiếng của đất Bắc như Làng tranh Đông Hồ... chuyên sản xuất tranh Tết, trong đó có tác phẩm 'Đàn Gà' rất độc đáo, khắc họa gà mẹ chăn đàn con, mang ý nghĩa tình mẫu tử thiêng liêng vô bờ bến nơi con người...
- Gà Trong Ca Dao, Tục Ngữ **
Người VN vốn là một dân tộc đã có một nền văn hiến lâu đời. Bởi vậy dù nay chúng ta có xuất xứ thế nào chăng nữa, thì những bài hát ru con của các bà mẹ đầu tiên, cũng đã miên viễn đi vào trong tận cùng tâm cảnh của dòng đời và những trang sử Việt. Rồi thi Văn Lang, nghĩa là những làng văn hóa, quốc hiệu đầu tiên của Dân tộc Hồng Lạc, dưới thời các Tổ Hùng Vương trị nước, đã xác nhận hùng hồn, giá trị cũng như vị trí của một giang sơn gấm vóc, cẩm tú hiền hòa, luôn ngạo nghễ giữa đất trời trùng hằng sóng biển.
Ta biết dân tộc mình cao quý, có lòng ái quốc trường cửu nhưng đồng thời cũng cuồng ngạo và chát chua điếng ruột, nhất là khi đứng trước nghịch cảnh đau lòng. Bởi vậy trong kho tàng văn học, ta thấy xuất hiện rất nhiều ca dao, phong dao, tục ngữ... để ám chỉ chuyện người, chuyện đời qua bia miệng.
Nhân vô thập toàn, người còn như vậy, huống chi là súc vật nhỏ nhoi như gà, thì làm sao không có những khiếm khuyết?
Giống như con người, ngoại trừ những kẻ bất hạnh, ai cũng có một mái ấm gia đình, nên tất cả đều muốn trở về. Giống gà là con vật nuôi trong nhà nhưng vẫn phải tự kiếm ăn, nhất là ở nhà quê và trở về chuồng ngủ:
Tuy nhiên sự đời làm sao cho trọn vẹn như ý mình, bởi vậy cũng phải có những con gà hư, bỏ chuồng, bỏ nhà theo bạn hay những gà trống hăng máu gáy bậy vào những thời gian không thích hợp, làm điếc tai và phiền lòng hàng xóm láng giềng:
Đã bảo là sự đời, nên gà tuy là loài súc sanh nhưng chúng cũng có bản năng và tập quán, cũng bắt chước con người, trong những thói hư tật xấu như ganh tị, chia rẽ... tất cả chỉ vì hám danh, giành ăn và muốn nổi lên giữa cõi đời vô thường, hư ảo:
Đó là chưa nói tới cái ăn phàm tục, cũng đã được người đời lấy gà làm các ẩn dụ, mai mỉa, chê cười:
3 - Gà Trong Thành Ngữ - Điển Tích:
- Sát Kê Hách Hầu: Theo truyền thuyết từ dân gian, loài khỉ rất sợ nhìn thấy máu. Biết được nhược điểm này, người ta khi muốn bắt khỉ, trước hết phải vặn cổ con gà, để chúng kêu lên thảm khốc, làm cho khỉ chân tay bủn rủn, không thể leo trèo hay chạy trốn được. Tập cho khỉ cũng thế, trước hết phải giết gà, cho khỉ nhìn thấy máu me bê bết, làm chúng sợ hãi mới chịu nghe lời. Trong tam thập lục kế, người xưa đã dựa vào kinh nghiệm trên, để bày ra thế trận, gọi là 'Sát Kê Hách Hầu'.
Vì Hàn Tín xuất thân thấp hèn, nên dù được Bái Công Lưu Bang, đăng đàn bái tướng, phong làm Nguyên Soái chỉ huy ba quận. Thế nhưng chúng vẫn không phục, nhất là những quan văn võ, đã từng theo Bang lập nhiều công lớn.
Là một danh tướng có cơ mưu, nên Tín ra tay trước. Trong ngày tập hợp thao diễn, thời gian ấn định là 5 giờ sáng. Nhưng khi điểm danh, lại vắng mặt Giám Quân là Ân Cái. Tín không nói gì, cứ ra lệnh cho ba quân luyện tập. Thế rồi qua giờ Ngọ, Ân Cái mới lù lù tới nhưng bị quân sĩ chận ở viên môn, không cho vào. Cái đã không biết lỗi, mà còn nổi giận chửi bới và xúc phạm nặng tới Hàn Tín. Vì vậy, trước mặt mọi người, trong đó có những tướng rất thân với Cái như Tào Tham, Phàn Khoái... Hàn Tín dùng quân lệnh, bắt chém Ân Cái. Trong khi đang sắp thi hành, thì có người tới báo tin cho Lưu Bang, nên Bái Công vội sai quan Lịch Tư Cơ, tới bảo Hàn Tín ngưng án lệnh. Nhưng Tín chẳng những không thi hành lệnh vua mà còn ra lệnh bắt cả Cơ đem chém, vì tội tự ý xông vào dinh trại làm rối loạn quân cơ. Tuy nhiên vì Cơ thi hành theo lệnh vua, nên chỉ chém đầu ngựa để răn chúng mà thôi. Từ đó văn võ bá quan đều xanh máu mặt, không một ai dám coi thường Tín nữa.
Tóm lại kế 'Sát kê hách hầu', có tác dụng tâm lý rất lớn, dẹp được những âm mưu sự kiện, vừa mới manh nha nhun nhén trong lòng mọi người, bị tan vỡ ngay trong trứng nước, bởi hoang mang lo sợ.
- Kê Báo Tai, Thước Báo Hỷ: Người ta thường nói 'tai bay vạ gió' cũng như tin rằng gà và quạ, có thể báo trước những tai hoa bất thình lình. Theo đó, gà mái gáy thì có điềm chẳng lành, tai họa sắp tới cho gia chủ. Trái lại nghe quạ kêu trước ngõ, thì trong nhà ắt có tin vui gần đến. Do vậy mới có thành ngữ trên, cũng nói lên sự trái ngược của lẽ trời, kẻ ác thì sống lâu, còn người hiền thì luôn gặp bất hạnh, khác nào gà mái hiền thì lại đưa tin dữ, còn giống quạ hung hăng lại đưa tin lành.
- Kê Bì Hạc Phát: Da gà tóc bạc, chỉ người già nua tuổi tác phải được kính lão đắc thọ. 'còn chi lo đến việc đời, kê bì hạc phát vui chơi thỏa tình.
- Kê Căn Kê Cốt: Mượn gân gà xương gà, để ám chỉ người bạc nhược, yếu đuối: 'bàn chi đến việc anh hùng, kê căn kê cốt, tựu trung nhát hèn'.
- Kê Đầu Nhục: Ám chỉ cái núm vú của người đàn bà, da nhăn nheo nhìn không khác gì thịt đầu gà.
- Kê Khẩu Ngưu Hậu: Người đời thường nói 'khẩu Phật tâm xà'. Thành ngữ trên cũng gần đồng nghĩa với câu: 'Ninh vi kê, khẩu vô vi ngưu hậu', ý nói thà làm mỏ con gà, chứ không làm đít con trâu, vì mỏ gà là cơ quan dùng để ăn, còn đít trâu trái lại là chỗ chịu đòn. Giống như kẻ nghèo, dở nhưng an phận thủ thường, không có gì phải lo lắng vướng bận. Trái lại người làm lớn, kẻ giỏi nhưng lúc nào cũng lo lắng khổ sở, vì không biết tai ương hay họa phước tới lúc nào.
- Kê Lặc Công Danh: Kê lặc là cái sườn gà, ăn không ngon nhưng không ai bỏ vì tiếc. Giống như công danh luôn là họa phước, thế nhưng người đời vẫn cứ lao vào, vì không làm sao dứt được. Thành ngữ trên được rút từ điển cố, liên quan tới việc Tào Tháo đem quân đánh Hán Trung nhưng bị thất bại, vì vậy có ý rút quân, mới ra mật lệnh 'gân gà'. Trong đoàn quân, chỉ có Dương Tu đoán được ý Tháo, nên ra lệnh cho bộ thuộc chuẩn bị thu xếp lui quân. Sự việc trên làm Tháo nổi giận, ra lệnh giết Tu nhưng cũng vin vào đó, bãi binh rút về Hứa Xương.
- Kê Minh: Là tên một cuốn sách của nước Tề thời Đông Chu Liệt Quốc. Trong sách, chủ ý của tác giả mượn lời người vợ hiền, khuyên chồng nên thức dậy sớm theo tiếng gà gáy báo sáng, để trau giồi kinh sử, lo việc công danh. Trong thơ cũng có câu: kê minh thuộc lấy làm lòng.
- Kê Minh Khuyển Phệ: gà gáy chó sủa, cảnh thường ngày ở thôn quê: 'kê minh khuyển phệ, chạnh lòng cố hương'.
- Kê Nhãn: chỉ ngón chân người, vì mang giày hay guốc thường ngày, nên chai cứng hình tròn, nhìn như mặt gà.
- Kê Minh cầu Đạo: Thời Chiến quốc, Tần Chiêu Tương Vương, vì ái mộ danh tiếng của Mạnh Thường Quân nước Tề là Điền Văn, nên mời tới để tương tiến và thụ phong tướng quốc... Việc này đã bị Sư Lý là Tần Tướng Quốc cực lực phản đối, phần vì ganh ghét, hơn nữa hắn sợ mất chức, nếu Tần Vương trọng dụng Điền Văn. Đã thế Sư Lý còn gièm pha, xúi vua Tần phải giết Mạnh Thường Quân để bảo toàn cơ mật quốc gia. Tin dữ này đến tai em ruột vua Tần là Kinh Dương Quân, vốn bạn thân của Điền Văn, nên vội cho người báo tin, ngoài ra còn bày kế đem của đút lót cho Ái thiếp của vua Tần là Yên Cơ, để được về Tề an lành.
Được tin dữ, Mạnh Thường Quân đã vội đem lễ vật rất trọng tới xin Yên Cơ giúp nhưng nàng cho biết, nếu được tặng chiếc áo lông chồn bạch mới khứng. Nhưng Điền Văn chỉ có một chiếc, lại đã đem dâng cho vua Tần khi ra mắt. Trong lúc bối rối, thì có một thủ hạ biết giả làm tiếng chó, nên đã men tới được nhà kho và trộm được chiếc áo trên. Tức khắc, Văn đem ngay vào cung tặng cho Yên Cơ, quả nhiên có lệnh vua Tần cho Mạnh Thường Quân về nước. Vì để tránh hậu hoạn, ngay trong đêm, Điền Văn và đoàn tuỳ tùng lên đường rời Tần và đã tới Hàm Cốc Quan lúc mờ sáng. Tại đây, cửa ải vẫn còn đóng kín. Lần nữa một thực khách biết giả tiếng gà, vội gáy vang, khiến cho gà chung quanh tưởng trời đã sang, cũng đồng loạt gáy theo. Thế là quân trong ải mở cửa, nhờ vậy Mạnh Thường Quân thoát được về nước. Quả nhiên, hôm sau vua Tần đổi ý, sai người đuổi bắt, thì Tướng Tề đã rời xa nước Tần hơn 100 dặm.
Người đời sau, qua việc thực khách của Mạnh Thường Quân giả làm chó gà, để trộm áo, mở cửa ải, rút ra thành ngữ 'kê minh khuyển đạo', để nói tới những người vì muốn đạt mục đích, mà bất chấp thủ đoạn, dù đó là bất chính, lưu manh, hại cho người khác, có khi tổn thương tới dân tộc, đất nước. Thành ngữ trên còn được dùng để ám chỉ bọn vô công ngồi rồi, chỉ biết lập bè đảng làm hại thiên hạ.
- Cái Gia Gia: Trụ Vương là vua cuối của nhà Thương (1783-1154 trước TL), vì hoang dâm vô đạo, mê đắm Đắc Kỷ, khiến cả nước oán giận. Cũng vì vậy, chư hầu đã nhóm hội và cử Chu Võ Vương Cơ Phát, đem quân phạt Trụ, cứu dân chúng thoát cảnh lầm than. Trên đường tiến quân, Võ Vương bị hai người con Vua Cô Trúc là Bá Di, Thúc Tề cản vương, xin đừng đánh Trụ, nhưng bị chối từ.
Tức giận, hai người bỏ lên núi Thú Dương, hái rau vi mà ăn, không thèm dùng thóc gạo của nhà Châu. Sau có người bảo hai ông, đất này hiện của nhà Châu, thì rau vi cũng của Châu, vậy chê gạo cơm của Châu là lẽ gì. Hai ông nghe xong, hiểu ý nên từ đó nhịn đói mà chết. Tương truyền, vì chết oan nên ấm ức, vì vậy lúc chết, hai ông hóa thành chim Đa Đa, một giống gà rừng, thường gào thét một giọng bi thảm: 'bất thực túc Chu gia, bất thực túc Chu gia'. Chữ Đa Đa cũng từ âm gia gia mà ra. Trong bài 'Qua Đèo Ngang' của Bà Huyện Thanh Quang, cũng có hai câu 'nhớ nước đau lòng con quốc quốc, thương nhà mỏi miệng cái gia gia'.
4 - Gà Trong Thần Thoại & Giai Thoại:
- Ma GàÀ Báo Oán: Chuyện truyền kỳ thời Tần-Hán, có nói tới việc Hàn Tín bị Lưu Bang hãm hại, sau khi đã giúp vua tóm thâu xã tắc của Tần. Nguyên nhà Hàn Tín có một ngôi mộ bị Ma Gà phá hoại. Một hôm Tín ra chợ gặp được một đạo sĩ, người này cho biết số Tín có tài khanh tướng nhưng sau đó sẽ bị ma gà ám hại, trong tuổi trung niên. Vậy muốn an thân, phải triệt nó. Sau đó cho Tín gậy và bùa phép, bảo ban đêm ra nằm phục bên ngôi mộ, đợi gà bay lên thì đánh chết liền. Nhưng không ngờ, khi con ma gà từ mộ bay lên, Hàn Tín chụp đánh hụt, nên nó đã bay mất.
Hôm sau Tín tới gặp đạo sĩ, được người cho một đạo bùa khác và căn dặn, đúng ngày giờ đó, ra nằm bên mả, hễ gặp người nào thì giết ngay, vì nó chính là ma gà hiện hình. Đạo sĩ còn cho biết, đây là cơ hội cuối cùng, nếu bỏ lỡ thì không còn ai cứu được. Đến ngày giờ đã định, Hàn Tín xách gươm ra năm phục bên mộ, thì quả nhiên có một người đàn bà có mang đi tới. Tín giá gươm muốn giết, nhưng thấy bà ta quá tội nghiệp, vì vậy tha cho đi.
Mấy năm sau, Hàn Tín được Bái Công phong tướng, diệt được Hán Võ, tóm thu trọn giang sơn Tần quốc. Nhưng rồi được chim quên ná, Lưu Bang lần lượt giết hại công thần, riêng Hàn Tín bị giáng làm Hoài Âm Hầu. Cũng theo sử, trước khi giả đi bình loạn, Lưu Bang theo kế Trần Bình, cho Tiêu Hà và Lữ Hậu, dụ Hàn Tín về kinh và giết, đồng thời tru di cả thân tộc.
Theo truyền thuyết, ma gà chính là Lữ Hậu, nên sau này các sử gia khi phê phán nhà Hán giết hại công thần, đã phê là 'Tần Kê Thần Minh', nghĩa là gà mái gáy sáng. Do tích này, nên người Trung Hoa lẫn VN, mỗi khi nghe gà mái gáy sáng, thì vội cho giết ngay để ăn thịt. Còn Hàn Tín chết oan, hóa thành Thần Trùng, theo giết toàn gia tộc của Lữ Hậu.
- Cửu Tế Lão Kê: Trích từ sách 'Thái Bình Quảng Ký', trong có chuyện con gà trống hóa yêu. Nguyên Vương Độ làm quan nhà Đường, có mua được một tấm gương soi, gọi là Cổ Cảnh, hình tròn, chung quanh có hình bát quái và có điều kỳ lạ, là nó giống như một mặt trăng ngoài trời, luôn sáng rực về ban đêm.
Em Vương Độ là Vương Trái nhân chuyến du sơn, xin anh cho mượn Cổ Cảnh đem theo để phòng thân. Ngày nọ tới một sơn trang thì trời tối, nên xin ngủ nhờ nhà một phú hộ. Trong lúc trà đàm, chủ nhân có đem việc 2 cô con gái mình, đêm ngủ trong phòng thì có đàn ông vào nhưng cho biết, nếu ai vào khám bắt thì họ sẽ bị giết chết. Vương Trái nghe xong nhận lời cứu giúp. Đêm đó, Trái và gia đình tới phòng 2 cô gái, bất thần tống cửa xông vào, thấy rõ 2 tên con trai đang ôm hai cô gái trên giường. Lập tức Trái móc tấm gương Cổ Cảnh, chiếu thẳng vào bọn chúng, giết chết ngay hai tên con trai. Tới xem xác, một là con thủ cung to bằng bắp chân, xác kia là con gà trống trong nhà, đã nuôi được 9 năm, hóa thành tinh, đi hại người. Hai người con gái sau đó phải uống thuốc nhiều ngày mới khỏi. Thì ra Cổ Cảnh là một tấm kính chiếu yêu, được đúc từ thời vua Hoàng Đế. Do tích trên, bọn đàn ông con trai, chuyên hãm hiếp chọc ghẹo đàn bà con gái, bị mắng 'thứ ma gà'
- Mượn Gà Lùng Giặc: Chuyện kể từ sách 'Vân Nan Tiêu Sử', kể rằng người thiểu số ở Đàm Lung, thuộc miền Thượng du Bắc Việt, thường hay nổi loạn, vì ỷ vào rừng thiêng nước độc, nên quân triều đình không thể đánh dẹp chúng được.
Nguyễn Công Trứ lúc đó làm Tham Tán, được lệnh đem quân tiểu trừ. Trên đường tiến quân, từ Sơn Nam tới sào huyệt giặc, Ông giả bộ chểnh mảng quân tình, cho quân lính rượu trà cờ bạc, làm cho giặc khinh nhờn, nên không còn phòng bị. Trong lúc đó Ông lại ngầm cho mua rất nhiều gà trống, rồi sai người đi rảo khắp bản làng bán gà. Quả nhiên lũ giặc mắc mưu, ra đường chận bắt hết gà trống đem về sơn trại. Đêm đó, Nguyễn Công Trứ tiến quân, và ban lệnh hễ nơi nào có tiếng gà trống gáy, thì tấn công. Quả nhiên bọn giặc mắc mưu, nên bị hốt sạch.
- Bị Bãi Chức Vì Bài Phú Chọi Gà: Từ xưa tới nay, người Tàu lẫn VN đều mê thích thú chọi gà. Ở Trung Hoa, thời nhà Đường, chọi gà thịnh hành nhất, vì từ vua, quan, sĩ, thứ... ai cũng say mê. Kinh đô Trường An thời đó, nơi nào cũng có chợ bán gà đá, khiến cho nghề này rất phát đạt.
Vương Bột (649-676), tự Tử An, người Thái Nguyên tỉnh Sơn Tây, có tài thơ văn từ khi lên sáu. Ông chết sớm vào năm mới 27 tuổi, để lại một thi tập gồm 16 quyển, trong đó có nhiều tuyệt tác nhưng bài 'Đằng Vương Các' là được nhiều ngưòi thích nhất. Tương truyền Vương Bột, nhân một hôm tới xem đá gà ở nhà một vương tôn, bèn làm bài phú 'Vua gà chọi - anh hùng gà chọi' để vui chơi. Không ngờ bài phú này bị trình lên vua Cao Tôn, nên ông bị triều đình bãi chức..
Chán đời, ông lang thang khắp nơi, tới Nam Xương làm bài phú 'Đằng Vương Các' nổi danh thiên cổ. Tiếc thay, ông chết sớm vì thuyền bị đắm tại cửa Thần Phù (Phát Diệm - Ninh Bình), khi đi thăm cha đang làm quan tại Giao Châu (VN).
Nước ta, chọi gà thịnh hành từ thời Lý Trần, nhất là trong giới hoàng thân quốc thích và bá quan văn võ, khiến trong bài "Hịch Tướng Sĩ" Đức Trần Hưng Đạo, đã phải nhắc tới chuyện chơi chọi gà. Thời Lê Trung Hưng, Đoan Nam Vương Trịnh Khải vì ham đá gà, làm cho cha là Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm chán ghét, suýt chút nữa, nếu không có cơ trí, thì ngôi chúa đã lọt vào tay Trịnh Cán, là con của Đặng Thị Huệ.
Cũng thời chúa Trịnh ở Đàng Ngoài, bọn Hoạn quan rất thích đá gà, nên đã bị Trạng Quỳnh đem gà trống thiến ra chế nhạo. Thời Vua Gia Long Nhà Nguyễn, theo sử liệu, thì Tả Quân Lê Văn Duyệt (1763-1832), là người rất mê chọi gà, ngay từ lúc còn thiếu thời. Cũng vì tật này, mà một lần đi chầu trễ, suýt bị vua bắt tội, nếu không có cơ trí ứng đáp.
Sau rốt là câu chuyện Hải Ninh Quận Công, tên Nguyễn Miên Tàng, con thứ 42 của Vua Minh Mạng. Vốn là người hư hỏng, rượu chè trác táng lại còn thêm mê đá gà, nên khánh kiệt, phải xuống ở nhờ một chiếc đò nuôi lợn. Cuối năm 1896, Tàng tới xem đá gà ở ngoại thành Huế. Rồi vì tức một con gà mà mình ưa thích, bị thua nên máu lên tới cổ họng và té chết ngay tại chỗ. Vì quá nghèo, đến nỗi bộ triều phục cũng đem cầm bán, nên khi tẩm liệm, người nhà phải dùng giấy, cắt một bộ áo mão quận công, để thay thế đồ thiệt.
Tóm lại, trong những con vật thân cận với con người nhất là ở thôn quê, gà cùng với trâu bò, heo ngựa, chó mèo, được coi là gia súc. Do trên chúng đã chiếm một địa vị rất quan trọng trong đời sống của thế nhân. Riêng con gà được nhiều người ưa thích nhất, có lẽ vì vậy mà gà đã len lỏi vào trong mọi ngõ ngách của cuộc đời. Nói chung ở đâu có tiếng người, là có dáng gà ẩn hiện. Cho nên nói không ngoa, gà đẻ gà cục tác, ai làm gì thì người đó biết, cần gì phải gà ghét nhau tiếng gáy để phải mang tiếng một đời, là gà què ăn quẩn cối xay, khiến cho 'gà nhà phải bôi mặt đá nhau'.
Quê người, mùa đã chớm đông. Cuốn lịch trên tường càng lúc càng mỏng dần ngày tháng, như nhắc nhớ kẻ ly hương, sắp thêm một Tết đợi chờ. Phan Thiết quê tôi những ngày cuối Chạp, trời hơi lạnh khiến nắng buổi chiều thêm nhuộm vàng. Mấy chục năm qua, vẫn là hình ảnh quen thuộc, như con ngựa già kéo chiếc xe cũ kỹ, từ những cửa ô ngoại thành, lắc lư gõ nhịp qua những ngõ đường, rất buồn khi qua cầu quan mấy nhịp để vào phố thị, mang mùa xuân đến cho mọi người.
Mà thôi có nhớ, thì cũng chỉ lắng nghe chút thời gian lặng lẽ, rồi bâng khuâng khựng điếng với những kỷ niệm trùng hằng, những buồn vui đã mất, những hình ảnh thân quen và tiếng khóc rất âm thầm, từ trong sâu thẳm của giòng đời.