User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

ruou

Tất cả các loại hột, ngũ cốc và trái cây đều có thể dùng để cất rượu mạnh hay rượu ngọt có hương vị trái cây. Các loại rượu mạnh như rượu Đế của Việt Nam, rượu Sake của Nhật được cất từ nếp. Rượu Whisky của Scotland được cất từ lúa mạch, lúa mạch đen, bắp, lúa mì. Rượu Vodka của Nga được cất từ cao lương, bắp, lúa mạch đen (Rye), lúa mì, khoai tây, nho, đậu nành, củ cải đường. Rượu Martel hay Cognac của Pháp là rượu nho được cất từ một loại nho đặc biệt (Ugni blanc- tên khoa học Vitis vinifera Trebbiano, gia đình: Vitaceae) của vùng Cognac trong hạt Charente & Charente Maritime ở phía Tây Nam nước Pháp.

Trong bài viết này chúng tôi chỉ nói qua về các loài thảo mộc được nhân loại dùng làm rượu như houblon (rượu bia), mía (rượu Rum), nho (rượu chát), trái marula (rượu Amarula), lúa mạch, lúa mạch đen v.v.

Lúa Mạch Hordeum vulgar Gia đình: Poaceae hay Gramineae

ruou barley

Lúa mạch là một loại cây thực phẩm thân thuộc nghèo của lúa mì. Sinh quán của lúa mạch là xứ Ethiopia, vùng Lưỡi Liềm Phì Nhiêu tức xứ Syria, Lebanon và Do Thái bây giờ và vùng Trung Ả. Bánh mì làm từ lúa mạch là bánh mì nhà nghèo. Ngày nay 50% tổng số lúa mạch do Hoa Kỳ sản xuất được dùng để nuôi gia súc.

Lúa mạch không cần nhiều nước. Nó thích hợp với vùng khí hậu ôn đới, bán nhiệt đới và vùng đất cao. Ở Anh, Scotland là nơi nổi tiếng về lúa mạch. Ta có:

a. lúa mạch mùa đông: trồng vào mùa thu và gặt vào mùa hạ
b. lúa mạch mùa xuân: trồng vào mùa xuân và gặt vào mùa hạ

Việc trồng lúa mạch càng ngày càng giảm đi. Ngày nay mức sản xuất lúa mạch trên thế giới lối 145 triệu tấn.

ruou1

Lúa mạch dùng để làm bánh mì, rượu bia, rượu Whisky rất mạnh và đắt tiền. Ở Nhật thức uống Mugicha được làm bằng lúa mạch.

Rơm lúa mạch xay nhuyễn là thức ăn của bò, ngựa vào mùa đông ở miền ôn đới. Người ta thả rơm lúa mạch xuống hồ cá để ngăn cản sự nẩy nở của rong.

ruou ryeLúa mạch đen (Rye) mang tên khoa học Secale cereale thuộc gia đình Poaceae. Loại lúa mạch đen nầy gốc ở Thổ Nhĩ Kỳ. Nó không cho phải là ngũ cốc quan trọng nhưng ưu điểm của lúa mạch đen là chịu lạnh và chịu nóng rất tốt. Do đó nó được tìm thấy nhiều ở Bắc Âu, Đông và Trung Âu nơi có khí hậu lục địa. Lúa mạch đen là thức ăn của súc vật. Nhưng người ta dùng lúa mạch đen để cất rượu Vodka bán cao giá hơn bánh mì! Phấn hoa của lúa mạch đen được bán ở Tây Âu, Nhật, Triều Tiên để làm thuốc trị sự kết bướu hay gia tăng tế bào tuyến tiền liệt. Lúa mạch đen kém hơn lúa mì và lúa mạch (barley) với tư cách cây lương thực nhưng nó quí hơn hai loại ngũ cốc trên về phương diện y học trị liệu.

Rượu Vodka được cất từ nhiều loài thảo mộc khác nhau. Nồng độ rất cao. Vodka được xem như quốc tửu của Nga. Người Ba Lan cho rằng họ đã cất rượu Vodka từ thế kỷ VIII sau Tây Lịch. Đến thế kỷ XIII người Ba Lan gọi rượu Vodka là Gorzalka. Rượu dùng như một dược phẩm. Nga sản xuất Vodka từ thế kỷ XIV và ngày nay Nga là nước sản xuất nhiều rượu Vodka trên thế giới. Mức sản xuất Vodka trên thế giới vào năm 2012 là 493 triệu thùng 09 lít tức 4.437 tỷ lít (bốn tỷ bốn trăm ba mươi bảy triệu lít).

Scotland là nơi sản xuất nhiều rượu Whisky trên thế giới. Kế đó là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ái Nhĩ Lan v.v. Năm 2014 Ấn Độ tiêu thụ 1.5 tỷ lít Whisky. Hoa Kỳ tiêu thụ 462 triệu lít. Vodka và Whisky là hai loại rượu có nồng độ rượu cao.

Nho Vitis vinifera Gia đình: Vitaceae

ruou wine grapes

Nho là một dây có thể dài đến 30 m. Dưới mắt người Việt dây nho giống như dây bầu nhưng có thể sống hàng trăm năm trong khi dây bầu chỉ sống một mùa mà thôi. Ở Do Thái có dây nho sống từ thời chúa Jesus đến nay. Lá nho có dạng hao hao giống lá bầu nhưng mỏng, láng và thanh hơn lá bầu. Dây nho và dây bầu đều cần giàn để thả vòi và phơi ra ánh sáng mặt trời. Càng phơi ra ánh sáng mặt trời thì dây nho càng có nhiều trái. Trái nho nhỏ, hình bầu dục kết thành chùm trông đẹp mắt. Bầu và nho đều cần nước nhưng không thích hợp với vùng có ẩm độ cao. Câu ca dao và là câu hát ru con của người Việt Nam cho thấy đặc điểm này:

Nắng bấy lâu dây bầu không héo,
Đám mưa dập vùi bầu lại héo dây.

Nho gốc ở vùng Địa Trung Hải, xứ Armenia, Georgia (phía nam nước Nga) và vài nơi ở Trung Á khô hạn. Đó là những vùng có mặt trời chói lọi và ít mưa. Chính vì vậy mà vùng Phan Rang, Phan Rí và Phan Thiết của Việt Nam sẽ là vùng trồng nho lý tưởng trong tương lai không xa.

Có lối 300 loại nho khác nhau trên thế giới. Nho thường thấy ở Âu Châu mang tên khoa học Vitis vinifera. Nho Fox và nho Muscadine thường thấy ở Hoa Kỳ mang tên khoa học Vitis labrusca (Fox)  Vitis rotundifolia (Muscadine).

Trái nho có màu trắng- vàng nhạt, màu xanh, màu đỏ- tím, màu đen.

Nho Colombard, Chenin Blanc, Sultana là những giống nho Âu Châu không có hột. Nho Carignac và Zinfandel dùng làm rượu nho trắng (White Wine). Nho Carbenet, Sauvignon, Chardonnay, Pinot Noir dùng làm rượu nho đỏ (Red Wine). Khi tiếp xúc với người Pháp người Việt Nam gọi rượu nho (wine- vin) là rượu chát vì nó có vị chát hay rượu vang âm từ chữ VIN của Pháp.

Nho là loại trái cây quan trọng trong lịch sử nhân loại. Các nhà khảo cổ tìm thấy vết tích của lá nho và hột nho trong các hang tiền sử. Trong một ngôi mộ có khoảng thế kỷ 23 trước Tây Lịch người ta vẽ cảnh trồng nho ở Ai Cập. Dân chúng vùng Lưỡng Hà Châu (Mesopotamia tức Iraq và Syria bây giờ), người Ai Cập, Hy Lạp, La Mã biết trồng nho và làm rượu từ lâu. Người Trung Hoa làm rượu nho từ trái nho núi Vitis thunbergii từ thế kỷ II trước Tây Lịch thời nhà Hán.

Từ miền Địa Trung Hải nho được trồng ở Nam Âu rồi lục địa Âu Châu, Á Châu, Phi Châu, Mỹ Châu và Úc Đại Lợi. Người Tây Ban Nha đem nho trồng ở Mễ Tây Cơ vào thế kỷ XVI. Đến thế kỷ XVIII nho được du nhập vào California thời bấy giờ thuộc Mễ Tây Cơ và nước nầy đặt dưới sự chinh phục của người Tây Ban Nha.

Truyền thống trồng nho là truyền thống của các quốc gia Thiên Chúa Giáo ở Âu Châu như Ý, Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Đức (vùng Bavaria) và các nước Châu Mỹ La Tinh. Nho được dùng làm rượu lễ. Nhiều dòng tu Thiên Chúa Giáo có kinh nghiệm trồng nho và sản xuất rượu nho đặc biệt (Vin Mousseux- mout <must>). Các quốc gia theo đạo Hồi ngoại trừ Thổ Nhĩ Kỳ ít trồng nho vì đạo cấm uống rượu. Các vườn nho ở Algeria, Tunisia, Morocco phần lớn do người Pháp làm chủ trước khi các quốc gia nầy thu hồi độc lập.

Mức sản xuất nho trên thế giới hiện nay lối 69 triệu tấn. Các nước sản xuất nhiều nho năm 2012 là:

ruou3

Người ta dùng 80% tổng sản lượng nho để làm rượu. 20% còn lại dùng để ăn tươi, khô, ăn với salad, làm bánh ngọt v.v. Tiểu bang California sản xuất 90% tổng số nho của Hoa Kỳ. Trong tương lai có thể Hoa Kỳ là nước sản xuất nhiều nho nhất thế giới vì California còn nhiều đất đai thích hợp cho việc trồng nho và các loại cây ăn trái khác. Ở Hoa Kỳ hầu như nơi nào cũng có trồng nho và sản xuất rượu nho.

Nho được dùng để làm giấm. Hột nho dùng để lấy dầu dùng trong nấu nướng. Dầu nầy tốt cho sức khỏe.

Trái nho non có nhiều oxalic acid. Nho chín có nhiều đường. Đường trong trái nho chín gọi là dextrose. Nho chín có Ca, Fe, K, carbohydrates, ascorbic acid, tartaric acid v.v.

Theo y học cổ truyền của người Âu Châu, nhựa dây nho được dùng để trị bịnh về da, đau mắt (thị giác). Lá dùng để cầm máu, trị bịnh trĩ, viêm, đau nhức. Trái nho chín dùng để trị đau cuống họng. Nho khô dùng để chữa bịnh lao (TB), táo bón, khát nước. Lá và cọng dây nho dùng để trị kinh nguyệt quá đà, xuất huyết, rối loạn đường tiểu. Uống rượu nho điều độ làm hạ cholesterol và hạ huyết áp. Trái lại uống nhiều có hại cho gan.

Vào thế kỷ XIX các vùng trồng nho ở Pháp bị trùng Phylloxera vitifolia tấn công vào rễ gốc nho khiến cho việc sản xuất nho và rượu nho lâm vào khủng hoảng trầm trọng. May nhờ sự nghiên cứu kịp thời và kiến hiệu của nhà bác học Louis Pasteur (1822- 1895) ngành trồng nho được cứu vãn một cách ngoạn mục.

Nho trắng Ugni Blanc mang tên khoa học Vitis vinifera ‘trebbiano’ được trồng nhiều ở Pháp, Ý, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Loại nho này chua và chỉ được dùng để sản xuất loại rượu mạnh mà thôi. Đó là rượu Cognac (tên vùng trồng nho ở Pháp trong vùng Charente) và rượu Armagnac (tên vùng).

Trong vùng Caribbean có dây nho Vitis tiliifolia được gọi là dây nước. Dây nho này vừa cho nước vừa cho trái dùng để cất rượu.

Ở Úc Đại Lợi có dây Kangaroo (Kangaroo vine) hay dây nước (water vine) mang tên khoa học Vitis hypoglauca là thân thuộc của dây nho nhưng lợi ích chính là giúp cho người đi rừng có nước tinh khiết lấy từ trong dây để uống.

Mức sản xuất rượu nho trên thế giới năm 2016 là 259 mhl (million hectolitres) (259 triệu hectolitres- hectolitres: 100 litres tức 259,000,000 x 100: 25,900,000,000 lit). Các quốc gia sản xuất nhiều rượu nho là:
 
1. Ý: 48.8 Mhl
2. Pháp: 42 Mhl
3.Tây Ban Nha: 37.8 Mhl
4. Hoa Kỳ: 22.5 Mhl

Dây Rượu Bia Humulus lupulus Humulus japonicus Gia đình: Cannabaceae

ruou hops humulus lupulus

Chúng tôi gọi là dây rượu bia vì người ta dùng nó làm rượu bia. Đó là một loại dây được tìm thấy ở vùng khí hậu ôn đới lạnh. Đức, Trung Hoa, Hoa Kỳ, Tiệp Khắc, Tân Tây Lan, Argentina… là nơi trồng nhiều dây rượu bia. Đức là quốc gia có truyền thống sản xuất và tiêu thụ nhiều rượu bia. Bia Qingdao (Qingdao: Tsingtao: Thanh Đảo) của Trung Quốc sản xuất dựa vào kinh nghiệm làm rượu bia của Đức khi nước nầy chiếm bán đảo Shandong (Sơn Đông trong đó có thành phố Qingdao <Thanh Đảo>).

ruou2

Gia đình thảo mộc Cannabaceae là gia đình cây cần sa.

Hai loại dây rượu bia thường được trồng là: Humulus lupulus  Humulus japonicus. Loại thứ hai được trồng nhiều ở Nhật nên trong tên khoa học có thêm chữ japonicus. Cả hai loại houblon này được trồng để sản xuất rượu bia. Vua Henry VI (1421- 1471) và Henry VII (1457- 1509) của Anh cấm dùng dây rượu bia Humulus lupulus lá vàng để làm rượu bia.

Hoa dây houblon khá to, cánh hoa tựa như vẩy tạo thành hình nón như trái thông. Hoa có lupulin có dầu và alpha acids đắng, nhựa. Hoa được dùng trong việc sản xuất bia có vị đắng- ngọt và mùi thơm. Chất lupulin trong houblon có tác dụng làm tăng tuyến sữa của các sản phụ.

Lá có răng cưa; đầu lá nhọn. Lá non, củ, cọng dây bia ăn sống hay luộc. Lá và hoa phơi khô dùng làm trà. Lá có chất rutin. Lá và hoa được dùng làm thuốc nhuộm màu hung đỏ.
Hột có gamma- linolenic acid  fatty acid.

Dầu lấy từ hột dây rượu bia (houblon) dùng trong kỹ nghệ nước hoa. Hoạt chất lấy từ dây houblon dùng làm kem thoa da.

Dây rượu bia có nhiều sợi dùng làm dây, bột giấy.

Ngày xưa thổ dân ở Bắc Mỹ dùng dây rượu bia để trị chứng mất ngủ, đau nhức. Đến thế kỷ XVII người ta dùng dây rượu bia làm thuốc kháng khuẩn, trị hoàng đản (jaundice), nhức đầu, và làm ấm gan và dạ dày. Ngày nay người ta cho rằng dây rượu bia chữa chứng dương vật cương và xuất tinh sớm. Hoạt chất lấy từ dây rượu bia được dùng để chữa bịnh hủi, lao phổi và kiết lỵ ở Trung Hoa.

Bia là loại rượu được tiêu thụ rất nhiều trên thế giới. Hầu như quốc gia nào trên thế giới cũng sản xuất bia bằng nguyên liệu khác nhau ngoài houblon. Năm 2013 thế giới sản xuất 1.93 tỷ hectolitres (hectolitre: 100 lít) tức 193 tỷ lít. Hoa Kỳ sản xuất 6 tỷ gallons (gallon: 3.78 lít) bia tức 22.68 tỷ lit.

Nếp Oryza sativa Oryza glutinosa Gia đình: Poaceae

ruou sticky rice

Lúa nếp và lúa gạo cùng tên khoa học Oryza sativa hay rõ hơn là Oryza glutinosa thuộc gia đình Poaceae. Cây lúa được trồng từ lâu ở vùng Châu Á Gió Mùa trải dài từ Ấn Độ sang các nước Đông Nam Á vòng lên Trung Hoa, Triều Tiên và Nhật Bản. Hột nếp và hột gạo đều cùng kích thước. Nếp dẻo, màu trắng đục và có nhiều đường hơn gạo. Ở Lào 85% lúa trồng là lúa nếp. Họ nấu cơm nếp trong ống tre khiến cho hương vị của cơm nếp càng tăng thêm.

Người Anh gọi nếp theo đặc tính của nó: sticky rice (gạo dẻo), glutinous rice (gạo nhựa), waxy rice (gạo sáp), sweet rice (gạo ngọt).

Nếp có: 1% Fe, 2% Mg, 9 mg sodium, 17 mg K, 0,1g đường v.v.

Ở Việt Nam người ta phân biệt các loại nếp (Hán- Việt: Nọa) sau đây: Lão nọa (nếp già, hương nọa (nếp hương bầu), bạch nọa (nếp Huế), dương nọa (nếp tây), lạp nọa (nếp sáp), ô nọa (nếp than- vỏ đỏ, hột tím dùng cất rượu nếp than), cự nọa (nếp voi- bụi to, hột dài), noãn nọa (nếp trứng- nếp hột tròn, vỏ mỏng, hột trắng), nếp quạ (nếp đỏ- vỏ đỏ, hột to), hắc nọa (nếp đen- vỏ đen nhưng ruột trắng), thử nọa (nếp chuột- hột nhỏ, ruột màu vàng nhạt), hoàng nọa (nếp bò- vỏ vàng, hột tròn) v.v.

Nếp có nhiều công dụng trong đời sống của người Việt Nam nói riêng và người Á Đông nói chung. Người Lào ăn cơm nếp trong các bữa cơm hàng ngày. Nếp dùng làm bột nếp, làm bánh tét, bánh chưng, bánh ú, bánh dầy, bánh trôi nước, chè nếp và đậu, xôi, cốm, cất rượu. Người Nhật dùng nếp làm bánh mochi.

Rượu đế, rượu sa kê được cất từ nếp.

Rượu đế còn gọi là rượu nếp vì cất từ nếp, rượu trắng vì màu trắng như nước trong, rượu Tây bắt vì không đóng thuế dưới thời Pháp thuộc, rượu rừng vì nấu trong rừng để tránh thuế dưới thời Pháp thuộc hay rượu đế vì tránh tào cáo nên phải lén lút cất rượu dưới lùm cỏ đế Saccharum beccari. Người Anh gọi cỏ đế là Indian cane. Dưới thời Pháp thuộc dân chúng thích uống rượu đế 45 độ chớ không uống rượu máy do nhà máy rượu Bình Tây cất vì chê lạt. Ngoài rượu đế còn có rượu nếp than, rượu lão tửu (nước cơm nếp tán ra chớ không cất). Về rượu ca dao có câu:

Con gà tốt mã vì lông,
Răng đen vì thuốc, rượu nồng vì hoa.

Rượu sake của Nhật được cất từ nếp sake có nhiều protein, lipid hơn gạo thường. Rượu sake nhẹ độ hơn rượu đế. Kỹ thuật cất rượu sake ra đời ở Nhật vào Thời Đại Nara (710- 794).

Mía Saccharum officinarum Gia đình: Poaceae

ruou sugarcane

Cây mía cao từ 1.5 đến 2 m hình dáng hao hao giống cây tre (có mắt), cây bắp, cao lương và cây sậy (lá dài và bén).

Tên khoa học của cây mía là Saccharum officinarum thuộc gia đình Poaceae.

ruou4

Mía là thảo mộc miền nhiệt đới và bán nhiệt đới. Cây mía phát xuất từ đảo New Guinea nơi mía được trồng từ 8,000 năm trước. Ấn Độ trồng mía cách đây 5,000 năm. Từ Ấn Độ, người Ả Rập đem mía về trồng ở Lưỡng Hà Châu (Mesopotamia), Ai Cập và Tây Ban Nha vào thế kỷ VIII sau Tây Lịch. Christopher Columbus đem mía trồng trên đảo Santo Domingo (Hispaniola) vào cuối thế kỷ XV. Đó là tổ tiên của các cây mía trong vùng biển Caribbean như Cuba, Jamaica và Trung- Nam Mỹ sau này. Người Bồ Đào Nha đem mía trồng ở Brazil. Ngày nay Brazil là quốc gia sản xuất nhiều mía và đường nhất thế giới.

Mía được trồng bằng mầm. Mía trồng 12 tháng thì có thu hoạch. Một đám mía có thể thu hoạch 03 hay 04 mùa liên tiếp. Năng suất mía thu hoạch vào những mùa sau thấp hơn những mùa trước.

Các loại mía thường thấy ở Việt Nam là mía vàng, mía Java, mía cò- ke (cây màu đỏ, cứng), mía son diu (cây to, vỏ đỏ), mía bắp, mía lau, mía tây, mía voi, mía bầu (Côn Lôn giá), mía mây (màu trắng mốc) v.v. Cây mía cũng có một địa vị nào đó trong ngôn ngữ và ca dao Việt Nam với:

- Theo đuôi voi hít bã mía.
- Mía sâu có đốt
Nhà dột có nơi
- Mẹ già như chuối ba hương
Như xôi nếp ngọt, như đường mía lau
- Đi ngang lò mía thơm đường
Muốn vô kết nghĩa cang thường với anh.

Ở vùng nhiệt đời và bán nhiệt đới người ta làm đường từ mía. Ở các nước khí hậu ôn đới đường được làm từ củ cải đường. Lá mía là thức ăn ưa thích của trâu bò. Bã mía phơi khô được dùng để nấu bếp. Mật mía dùng làm đường, kẹo, nước giải khát, chế  ethanol, cất rượu Rum. Nước mía có: nước, nhiều calories, carbohydrates, Ca, Fe, Mn, Mg, K, beta carotene, ascorbic acid.

Mức sản xuất mía trên thế giới lối 1.5 tỷ tấn. Brazil chiếm 30% tổng sản xuất nầy. Kế đó là Ấn Độ, Trung Hoa và Thái Lan.

Các đảo trong biển Caribbean nổi tiếng với các đồn điền trồng mía và sản xuất rượu Rum. Đó là một loại rượu mạnh được cất từ mật mía (molasse) nồng độ rượu cao 40- 45 độ. Hầu hết các nước sản xuất rượu Rum đều nằm trong biển Caribbean, Trung Mỹ và Nam Mỹ. Các lò cất rượu Rum do người Tây Ban Nha và người Anh làm chủ. Barbados là sinh quán của rượu Rum (có khi viết Rhum). Chữ Rum là chữ ngắn gọn của chữ Rumbullion.

Đến thế kỷ XVII Brazil mới sản xuất rượu Rum. Ở Á Châu Phi Luật Tân nổi tiếng với Rum Tanduay; Ấn Độ với Rum Old Monk; Thái Lan với Sang Som.

Năm 2009 Hoa Kỳ dùng 2.2 tỷ Mỹ Kim để nhập cảng rượu Rum mặc dù Puerto Rico có sản xuất rượu Rum Bacardi.

Cây Dứa Xanh Biển Caribbean Agave augustifolia Agave tequilana Gia đình: Agavaceae

ruou agave tequilana2

Tequila là tên một thành phố ở Mễ Tây Cơ và là tên một hiệu rượu mạnh của xứ này. Rượu Tequila cất từ sự lên men của cây dứa xanh biển Caribbean. Cây dứa này có nhiều ở các hải đảo trong biển Caribbean và xứ Mễ Tây Cơ.

Cây dứa xanh biển Caribbean có màu xanh dương. Lá rất nhiều. Lá dài, đầu nhọn như lưỡi kiếm. Cây giống như cây nha đam nhưng cao từ 1- 1.5 m; lá cũng có gai thưa hai bên rìa lá. Đầu lá nhọn và có gai đen huyền. Lá nha đam mọng nước và gai không bén nhọn như gai cây dứa xanh này. Hoa cây dứa xanh trổ trên một trục cao từ 2-2.50 m. Xa xa trông như hoa sống đời. Hoa màu xanh- trắng hay tím nhạt. Cây dứa xanh Caribbean thích hợp với đất khô hạn và mặn dọc theo duyên hải.

Tên khoa học của cây dứa xanh Caribbean là Agave augutifolia thuộc gia đình: Agavaceae. Người Anh gọi là Blue agave hay Caribbean agave.

Công dụng:
- lá có nhiều sợi dùng để làm dây
- làm xà bông
- thức ăn
- cất rượu Tequila (Mezcal)

Cây Rượu Marula Sclerocarpa birrea Gia đình: Anacardiaceae

ruou marula

Chúng tôi gán cho cây này là cây rượu vì voi ăn trái chín của cây này bị say đến ngã xuống đất.

Cây Marula cao từ 15 đến 20 m. Cây có nhiều nhánh nên có bóng mát tốt. Đó là một loại cây ăn trái ở Nam Phi, Đông Phi và Tây Phi. Người ta tìm thấy dấu vết của trái Marula trong hang tiền sử ở Zimbawe 10,000 năm trước Tây Lịch. Điều này cho thấy đó là thức ăn của người tiền sử ở Đông Phi.

Người Phi Châu rất quí cây Marula. Người đốn cây Marula bị phạt rất nặng vì cây cho bóng mát, gỗ và trái. Mỗi cây cho lối 500 trái. Có cây cho cả tấn trái (1,000 ki-lô). Trái to như cái chén. Khi chín trái chuyển sang màu vàng, có hương thơm và nhiều nước. Hột to, cứng và có nhiều dầu. Sinh tố C trong trái Marula cao gấp 08 lần sinh tố C trong trái cam.

Tên khoa học của trái Marula là Sclerocarpa birrea thuộc gia đình Anacardiaceae của cây xoài, cây điều.

ruou5
ruou marula elephantCây Marula gọi là elephant tree (Tượng Mộc) vì voi ưa ăn trái cây này và bị say hay marriage tree (Hôn Nhân Mộc) vì người Phi Châu thường tổ chức lễ cưới dưới gốc cây Marula với ước vọng có đông đảo con cháu như trái cây Marula.

Dầu Marula có antioxidants, oleic acid C18 H34 O2 và nhiều loại acids khác.

Vỏ dùng làm chất nhuộm màu đỏ bầm. Nó cũng được dùng để trị tiêu chảy, kiết ly, rắn cắn, côn trùng cắn, phỏng lửa, sốt rét, tiểu đường, trĩ, tê thấp. Vỏ cây Marula có hoạt chất làm giảm đau, kháng viêm, kháng histamine. Vỏ và lá làm thuốc nhuận trường.

Lá trị táo bón, dạ dày bào bọt, trị bịnh phong tình.

Thành phần hóa học của cây Marula: tannins, polyphenols, coumarins, flavonoids, triterpenoids, phytosterols.

Nhựa dẻo của cây Marula trộn với lọ nồi dùng làm mực.

Trái Marula dùng để ăn sống, làm thạch, cất rượu Amarula và rượu Mukumbi. Trái Marula chín và rớt xuống đất rất chóng lên men. Vì vậy voi, heo rừng, nai ăn và bị say té ngã dưới đất. Voi có trọng lượng to lớn. Một con voi phải ăn 1,400 trái Marula mới bị say và lảo đảo té ngã. Rượu Amarula khoảng 17- 20 độ. Rượu nầy tương đối mới vì mới sản xuất vào năm 1983 và bán ra thị trường năm 1989. Marula và Mukumbi là hai hiệu rượu làm từ sự lên men của trái Marula.

Cây Marula biểu tượng cho sự sinh hóa theo người Phi Châu. Bộ lạc Venda tin rằng uống nước sắc vỏ cây Marula thì sinh con theo ý muốn. Muốn sinh con trai thì uống nước sắc của vỏ cây Marula đực. Muốn sinh con gái thì uống nước sắc của vỏ cây Marula cái.


Phạm Đình Lân, F.A.B.I.

 

Tìm các bài BIÊN KHẢO khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com