Hội nhập buồn, hội nhập vui, hội nhập tất nhiên, đó là ba cách ở đời của người Việt tại hải ngoại. Ba thái độ đó đã phản ánh vào thi ca. Người Việt đã định cư tại hải ngoại qua nhiều đợt ra đi: đợt di tản, đợt vượt biên, đợt ra đi có trật tự, đợt ra đi từ các nước Đông Âu và Liên Xô, sau cùng lẻ tẻ hơn hết là đợt ra đi du học rồi tìm cách ở lại của một số ít người. Phản ánh vào văn chương sâu đậm nhất và dồi dào nằm ở ba giai đoạn đầu. Những thái độ hội nhập không phải là bất biến đối với thi nhân mà ta sẽ nêu ra làm đại diện, nhưng đó chính là xúc cảm đầu tiên của họ thể hiện vào thơ.
Càng định cư lâu thì thái độ dần dần đổi khác, nhưng thơ của họ vẫn còn đó, phát biểu của họ vẫn còn đó, giúp cho ta tài liệu về thái độ một giai đoạn trong đời họ, không phải thái độ cho trọn cả cuộc đời. Tuy là giai đoạn trong đời của một cá nhân, nhưng trở thành chứng tích cho từng lối hội nhập đất mới, nên nhà thơ làm đại diện cho đa số thầm lặng có cùng một thái độ. Ước mong càng ngày càng dồi dào phần tuyển thơ có cùng nội dung một lối hội nhập, dĩ nhiên cũng cùng có giá trị, và phải có riêng bản sắc. Nếu dễ dãi quá thì còn đâu ý nghĩa của từ ngữ tuyển thơ.
Có một điều hình như trái ngược: Hội nhập buồn mà trở thành vui thì ta gọi là hội nhập vui, vì từ đây người buồn đã quen dần với cảnh mới, lối sống mới, đã có công ăn việc làm, đã thành công trên thương trường; hoặc con cái đã thành đạt nên người, thậm chí còn xuất sắc hơn người bản xứ. Nhưng hội nhập vui mà trở thành buồn thì ta không goị là hội nhập buồn, vì không còn giai đoạn hội nhập nữa. Có thể họ buồn vì làm ăn thất bại, vợ bỏ chồng bỏ, con cái không ra gì, đó là cái buồn chung cuả nhân loại trong cùng một hoàn cảnh, không vì đất mới mà đổ thừa cho hội nhập.
Vậy hội nhập buồn chỉ thể hiện ở giai đoạn đầu cuả mỗi thời kỳ nhập cư, thời di tản cũng có, thời vượt biên cũng có, thời ra đi trật tự cũng có. Giai đoạn mới đến đất mới thời di tản 1975, có hai nhà thơ nổi tiếng là Thanh Nam và Cao Tần biểu lộ đậm nét tính chất hội nhập buồn. Thơ Thanh Nam thật cảm động trong bài “Thơ xuân đất khách”. Lúc đó ngươì Việt rất ít ỏi, sống rải rác, không làm thành một cộng đồng đông vui mà cũng phức biệt như ngày nay. Cũng như thơ Cao Tần, thơ ông hiện thực đời sống của một giai đoạn. Nhưng trong khi thơ Cao Tần hậm hực như nguyền rủa, thơ ông chỉ ngậm ngùi buồn đau thế sự, chua chát như giọng điệu bài “Hành phương Nam” của Nguyễn Bính:
Hình ảnh cuộc thua trận, ông vẽ ra thật thê thảm nhưng có vẻ chung chung , kiểu sách vở về chiến tranh Đông Tây Kim Cổ, lời thơ như thuộc về thời “Chinh Phụ Ngâm”. Chỉ cái hiện thực đời sống là được ông nói đến một cách đặc thù, diễn ra cho người mơí đến Hoa Kỳ. Vào năm 1975, nhà văn Thanh Nam đã ở vào tuổi trung niên, tất nhiên là dở dang khi hội nhập vào xứ người, khó khăn về nghề nghiệp, khó khăn về ngôn ngữ:
Chứng nhân của thời kỳ đầu di tản sang Hoa Kỳ, đại diện rõ nét trong thi ca về hiện thực đời sống là Cao Tần và Thanh Nam. Cùng đi vào cảng mới, nhưng Cao Tần bỏ neo bằng một văn phong lạ, văn phong đưa văn xuôi sống sượng vào thơ như lời nhận định của nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc, trong khi đó Thanh Nam chỉ bỏ neo bằng một văn phong cổ kính vào nền văn chương hải ngoại. Bây giờ đọc lại những câu thơ sống sượng cuả Cao Tần, ta thông cảm những phẩn chí nhất thời cuả ông (Ví dụ rõ ràng hơn hết ở trong bài “Mai mốt anh về”). Ai cũng phải trải qua giai đoạn khó khăn buổi đầu, nhưng lời nguyền rủa thực tế đáng chán của người không phải thi nhân rồi nhỏ dần, tan dần qua thời gian khi từ hội nhập buồn trở thành hội nhập vui; họ vô danh nên không trở thành đaị diện cho hội nhập buồn đi vào văn học sử bằng những lời nguyền rủa lớn tiếng như thi phẩm “Thơ Cao Tần” (Nhà xb. Văn Nghệ, 1987). Dù thơ Cao Tần là loại thơ thời thế, có nhiều câu như một lời chửi đổng, nhưng thiên nhiên đất nước người phản ánh vào thơ có nét đẹp của miền băng giá sương mù, thường là ngày ngắn đêm dài. Thơ ông cũng không thiếu những lời cảm khái về nước non, về tư tưởng siêu thoát:
.....
Hình như người nào đã từng định cư ở Canada mà tâm hồn thi sĩ đều cùng bị môi trường băng giá vây bọc, không thể không nói đến sương mù, rừng thông, thác ngàn đáy vực, mặt trời đỏ bên kia nuí, và tâm hồn muốn xa đời huyên náo. Đến cùng thời 1975, ở cùng nơi xứ Canada, thơ Đỗ Quý Toàn ngược lại không thể hiện rõ nét là hội nhập buồn hay hội nhập vui. Cũng không rõ nét hội nhập trung tính, nghiã là thái độ coi cuộc sống đều đặn nơi xứ người là tất nhiên, thường lệ. Vì vậy tập thơ “Cỏ và Tuyết” của nhà thơ Đỗ Quý Toàn (Nhà xb. Văn Nghệ, 1989) không có những lời phẩn nộ nơi tạm dung, không có những lời ca tụng xứ tự do, không có cả những lời dửng dưng lãnh đạm, chỉ chứa đựng ý tưởng về an nhiên tự tại phản ánh tâm hồn được vây bọc bởi môi trường hoặc hùng vĩ, hoặc âm u, thấp thoáng có ánh dương hồng tương phản nơi xứ tuyết:
.....
Về lời lẽ sống sượng do nhà thơ Cao Tần khởi xướng nay đã thành cao trào, một phần do từ thơ cuả ông, nhiều phần do từ những nguồn khác như Hậu Hiện Đại, Tân Hình Thức, do từ thơ Bùi Giáng hoặc Nguyễn Đức Sơn của thời Văn Học Miền Nam. Cả những nhà thơ nữ bây giờ một đôi người cũng ưa dùng từ ngữ táo bạo như Nguyễn Thị Hoàng Bắc, Lê Thị Thấm Vân, Nguyễn Thị Thanh Bình... Nhà thơ nữ có một số thơ đăng rải rác trên tạp chí “Khởi Hành” là Kiều Mộng Hà, trước hội nhập buồn với các lời thơ còn đậm nét cổ điển như “Xứ lạ quê người mười bảy năm- Đời không như mộng, lắm thăng trầm- Con vào trường học bao ngơ ngác- Mẹ nhập trường đời gai nhọn đâm” (Trong tập thơ “Trái tim đau”, xb. năm 2000, Texas), nay bằng lời lẽ sống sượng mà tứ thơ rất độc đáo có vẻ khinh miệt tình đời, đem bán rẻ rúng những kỷ niệm của người phụ bạc trong bài thơ “Garage Sale”. Trước khi đọc những lời khinh miệt đó, cũng xin nói lướt qua sự kiện thường thấy ở đây để những ai chưa từng sống ở nước Mỹ cùng biết, sự kiện chủ nhà thường bày ra bán tại sân hay garage của mình vào những ngày cuối tuần, bán những đồ lặt vặt lấy chút ít tiền thay vì vứt bỏ đi vì để chật chội nhà cửa, hoặc vì sắp dọn nhà bán đi những đồ không còn cần thiết. So sánh tình xưa nghĩa cũ như những đồ lặt vặt nên bỏ đi dứt khoát, quả là trả miếng phũ phàng, một tứ thơ có lẽ chưa ai có:
Tạp chí Văn Học đã nhận định nhà thơ Trần Mộng Tú như là một trong số ít nhà thơ có quan điểm hội nhập vui: “Trong làng văn hải ngoại, Trần Mộng Tú suốt hai mươi năm làm thơ viết truyện ngắn vẫn giữ một nét riêng. Chị luôn luôn lạc quan, yêu đời... Trong lúc những nhà thơ khác dửng dưng trước cảnh vật xứ người vì thương nhớ không nguôi một tàu lá chuối, một vườn ổi, chị thưởng thức trọn vẹn nét đẹp của một đóa hoa lạ tên, của những đồi tuyết trắng” (Tạp chí Văn Học số 114, tháng 10/1995). Ta chưa có dịp đọc hết thơ văn suốt hai mươi năm của tác giả này, nhưng ta đoán quan điểm hội nhập vui đã phản ánh trong phần lớn tác phẩm, biểu hiện ra nhiều thì người đọc mới có ấn tượng như vậy. Đây là một trường hợp hiếm hoi, vì như ta đã nói ở đoạn trên các nhà thơ thường có thái độ tiêu cực đối vơí những gì rạng rỡ sung túc xã hội. Không phải họ không cần những thứ đó, nhưng những thứ đó biểu hiện trong giao tiếp xã hội là đủ rồi, không tác động đến bề sâu suy tư như sự thất bại, nỗi tuyệt vọng, cảnh hoang sơ buồn thảm...
Với Trần Mộng Tú, đa số thơ của tác giả là những bài tình ca, những thơ tình lãng mạn và trang trọng. Tác giả hạnh phúc với nơi chốn và gia đình đầm ấm ở tại thành phố Seatle, thủ phủ tiểu bang Washington. Vì vậy ta mới gọi là hội nhập vui. Nhà thơ lạc quan với cảm thức chủ quan độc đáo, với ý tưởng lạ chưa ai chủ quan bằng như thấy bầu trời không ở đâu cao hơn và xanh hơn bầu trời trên mái nhà mình, không ở đâu có “mưa tinh khiết và mưa lãng mạn” hơn mưa trong vườn nhà mình. Biểu hiện hội nhập vui rồi cũng phải song hành với hội nhập buồn, và chính lúc đó ta mới có dịp hiểu sâu hơn tâm hồn về với quê hương, về với niềm đau nhân thế. Thì ra tác giả chỉ muốn tránh đồng dạng, tránh lặp lại những cảm nghĩ giống nhau dễ biến thành ước lệ, khuôn sáo. Ta không thấy khuôn sáo khi cảm thức vẻ riêng biệt trong những biểu hiện của tác giả về lòng hoài hương; nỗi buồn cuộc chiến; thương những cảnh đời nghèo khổ; gợi nhớ dĩ vãng thời cắp sách đến trường cũng cực thân như mọi học sinh xứ sở chưa phát triển đầy đủ tiện nghi.
Tạp chí Văn Học đã nêu ra được một trường hợp hội nhập vui, nên ta lấy đó làm dẫn chứng cho một trong ba lối hội nhập đất mới của người Việt, trong khi chưa sưu tầm được nhiều hơn về thơ hội nhập vui. Có những bài thơ như Welcome America cuả một vài tác giả khác, ta tưởng đâu là thơ hội nhập vui, mà hóa ra là thơ bất mãn với xã hội văn minh lạnh lùng; bất mãn với môi trường phẳng phiu trơ trọi đẩy lùi thiên nhiên; bất mãn với nếp sống ồn ào náo nhiệt. Có những bài thơ đứng dưới tượng Nữ Thần Tự Do, nhưng cũng hàm ý chua chát với thứ tự do quá trớn, tự do mạnh được yếu thua. Thắng cảnh ở Hoa Kỳ vô cùng phong phú. Nào Grand Canyon với tầng tầng địa chất, mỗi tầng nói lên tiếng thời gian hàng trăm hàng ngàn triệu năm trải qua, lại phô bày lịch sử địa tầng ấy lộ thiên từ dưới vực đi lên, vậy mà sao chưa có nhà thơ hải ngoại nào cảm hứng. Nào khu lâm viên quốc gia Yosemite gần San Jose với những vách đá dựng đứng cao ngất, chứng tích bào mòn của thời đại băng hà, mà sao cũng chẳng có ai( người Việt mà thôi) làm nên những bài thơ độc đáo.
Từ giữa thập niên 50, các nhà thơ Nguyên Sa và Cung Trầm Tưởng viết nên những vần thơ đẹp ca ngợi Paris, bây giờ rất đông người Việt định cư tại Pháp có trên 20 năm mà sao không sản xuất thêm một baì thơ đẹp nào nữa về Paris, phải chăng vì thủ đô ánh sáng nay đã làm sáng cuộc đời nên họ không còn thấy ước mơ, không cần làm thơ hội nhập vui, chỉ cần phô diễn niềm vui bằng sắm sanh, nô nức hưởng thụ, đầu tư cho mình bây giờ và ngày mai cho con cháu. Định cư vui không gây cảm hứng sáng tác trong thi ca mà thôi, nhưng trong âm nhạc thì lại khá dồi dào, phải chăng vì âm nhạc gắn liền với trình diễn; mà trình diễn thì cần bóng sắc tươi đẹp, lộng lẫy đèn màu, điệu nhảy lã lướt hoặc rộn ràng, tiếng hát trẻ trung. Từ ngày định cư sau 1975 đến nay lại có thêm hai bài hát về Paris thật đẹp, nhạc điệu yêu đời trong tâm cảnh hạnh phúc du chơi, hoặc có nhớ nhung vì tạm biệt giữa Paris và California thì viễn ảnh không phải chia ly mà thật dễ dàng gặp lại nhờ phương tiện văn minh hiện đại.
Ta muốn nói đến bài hát “Mùa thu yêu đương” của nhạc sĩ Lam Phương và bài hát “Để lại con tim” của nhạc sĩ Đức Huy. Từ hội nhập buồn vì “Một đời tan vỡ” buổi đầu tại California, nhạc sĩ Lam Phương đã hội nhập vui tại Paris với người tình mới hay người tình tưởng tượng ta không biết rõ, nhưng quang cảnh du chơi Paris và vùng ngoại biên thủ đô mô tả trong bài hát thật hạnh phúc, chứng tỏ hội nhập vui dễ bắt vào lời ca trình diễn. Chỗ dụng võ của hội nhập vui là âm nhạc, không tâm đắc với thi ca im lìm chữ nghĩa. Im lìm chữ nghĩa tâm đắc với trầm tư hoặc với nỗi muộn phiền nên thích hợp nhất cho thơ hội nhập u hoài. Trở lại với hội nhập lạc quan trong văn chương Trần Mộng Tú, tính chất này không phải mang tính toàn bộ trong thơ tác giả, nhà thơ sáng tác nhiều bài thơ tình được ưa chuộng, vậy hội nhập vui chỉ là một khía cạnh do Tạp chí Văn Học nêu ra vì thấy đó là nét đặc biệt ánh lên trong phần lớn thi ca người Việt hải ngoại thường u hoài tình hoài hương. U hoài đó vẫn không thiếu trong tâm thức tác giả Trần Mộng Tú. (Ví dụ trong bài tạp ghi “Mưa” đăng trong nhật báo Người Việt, số ra ngày 17 tháng 7/2003). Nhưng màu xám u hoài và hồi tưởng nhiều người đã nói, có lẽ tác giả thấy cần hướng văn chương về lạc quan. Lạc quan hội nhập không thể không trộn lẫn với lạc quan tình yêu, xin nêu vài điển hình của hoà điệu đó:
Buồn và vui tương phản dễ phân biệt, nhưng trung gian là hội nhập bình thản, hội nhập tất nhiên, không vui rạng rỡ, không buồn tê tái, chỉ giữ chừng mực theo dòng đời trôi thường hằng. Tính chất bình thản phản ánh qua thi ca thể hiện đặc biệt là sự đều đều. Chỉ những thi nhân ở hải ngoại thật lâu mới có thái độ này, và dĩ nhiên thuộc thế hệ thứ nhất. Còn thế hệ thứ hai đã nhập vào dòng chính nên không có dòng nào gọi là hội nhập buồn, vui, hay dửng dưng. Nếu ta làm nghề đua chen chốn thương trường, đời ta thường trực với sôi nổi, dù có sống hai ba chục năm ở hải ngoại, ta vẫn không cảm thức dòng đời đều đặn. Nếu ta làm nghề trong hệ thống giây chuyền, cái đều đặn trong công việc dễ làm ta chán chường, đưa tới bi quan, nếu phản ánh qua thơ thì đó là hội nhập buồn chứ không phải hội nhập bình thản. Nếu ta làm nghề lao động mệt nhọc, đêm tối trở về ngon trong giấc ngủ, cuối tuần hăm hở mua sắm và giải trí, như vậy thì thấy thời gian qua mau, như vậy đâu gọi là hội nhập vui, đúng ra phải gọi đó là sự tan loãng, nói theo triết lý là tha hóa hay vong thân.
Khi về hưu, thời gian như hoàn toàn ngưng đọng nếu ta không giết thời giờ bằng đi du lịch, hay vui thú làm vườn, hay đọc sách hoặc viết sách, thì sự ngưng đọng thời gian đó cũng nằm ngoài thái độ hội nhập vui, buồn hay dửug dưng, vì hội nhập là đang ở trong đời, còn đây là đã ra khỏi đời. Chỉ có cuộc đời công nhân viên làm những việc nhàn hạ, hay chuyên viên không cần di chuyển thường xuyên công tác nay chỗ này mai chỗ khác, thì mơí cảm thấy sự hội nhập dửng dưng, phản ánh từ việc làm không hối hả, không có gì phiền hà trong gia đình cũng như ngoài xã hội, không có cái mừng rỡ đột xuất như trúng mối lớn trong thương trường, không có sự cay đắng não nề như bị xúc phạm đôi khi xảy ra cho người lao động nơi hãng xưởng.
Đối với người không có thêm nghề tay trái thuộc về tinh thần như làm thơ làm văn chương, sáng tạo nghệ thuật, thì sự đều đặn đó thể hiện vào hạnh phúc gia đình, đầu tư cho sự thành công con cái, hay hướng về tu dưỡng, hay hướng về công tác thiện nguyện cho xã hội, cho cộng đồng. Biểu tượng cho thái độ hội nhập bình thản rất tương hợp với con đường xa lộ đi về từ nhà đến sở làm, và ngược lại. Vẫn hàng cây mỗi buổi sáng dẫn đường vào xa lộ, vẫn dòng xe ngày nào cũng chạy vun vút, vẫn thỉnh thoảng bị kẹt xe vì có tai nạn, vẫn quang cảnh thành phố cận cảnh và núi non viễn cảnh, vẫn khúc quành cuối cùng trước khi đến sở, vẫn ly cà phê phục vụ miễn phí, vẫn bấm thẻ hay cà thẻ nhân viên trước khi bước vào công việc.
Chuyến đi thấy đều đặn hơn chuyến về, chuyến về thoải mái nên ta không lưu ý sự trôi chảy ngày nào cũng giống nhau. Chẳng quá lạc quan, chẳng quá bi quan, như sự vận chuyển phải điều chỉnh thường xuyên của một bộ máy thi công: đều đều nhưng lại không giống việc làm giây chuyền chìm vào tha hóa vô ý thức. Biểu tượng xa lộ trên đường đi đến sở khác với xa lộ của những chuyến du chơi có địa điểm hay du chơi lang thang. Du chơi là phần thưởng cuối tuần hay ngày nghỉ lễ hay dịp nghỉ phép hàng năm, nếu không dùng phương tiện máy bay hoặc xe lửa hoặc tàu thủy, thì xa lộ mở ra một viễn tượng hân hoan, không thấy thiếu vắng viễn tượng như công việc hàng ngày đến sở làm, có chăng chỉ là viễn tượng cuối tuần hay cuối tháng lảnh lương. Xa lộ đến sở làm tuy thiếu vắng viễn tượng theo nghĩa hân hoan, nhưng cũng không phải là ngõ cụt của những cuộc đời thất bại, vì ngõ cụt là chấm dứt đường đi, đâu phải là tiếp tục lên đường đều đều. Cũng chẳng phải là đường đi không tới, đích điểm không bao giờ thành công.
Nhà thơ đặc trưng của thái độ hội nhập bình thản là Nguyễn Mạnh Trinh. Ta cảm thức sự đều đặn cuả nhà thơ cả trong lối sống, cả trong thể thơ, cả trong ngôn ngữ, cả trong tứ thơ. Phải chăng đây là một trường hợp đồng bộ giữa nội dung và hình thức, giữa cuộc đời và tác phẩm. Thơ cuả ông đã xuất hiện trên các tạp chí văn học tại hải ngoại, rất sớm sau năm 1975, đóng góp trên hầu hết các báo. Ngoài ra, ông còn viết nhiều bài về văn chương, thực hiện nhiều cuộc phỏng vấn các nhà văn thơ quen thuộc. Gần đây nhất, ông viết “Tạp ghi” về văn học trên nhật báo Người Việt trong phụ trang văn học nghệ thuật mỗi cuối tuần. Ông sáng tác hầu hết các thể thơ, thường là thơ khuôn khổ vần điệu. Nhà thơ Nguyễn Mạnh Trinh ưa theo thể thơ bảy chữ, và trong từng đoạn thơ gồm bốn câu thì hai vần trắc ở cuối câu bắt vần với nhau, hai vần bằng bắt vần với nhau. Hầu hết thơ bảy chữ của ông đều như vậy. Ngôn ngữ thơ của ông cũng là loại ngôn ngữ đều tay, không quy ước lắm mà cũng không tân kỳ lắm, nó lưng chừng ở giữa.
Để chứng minh cụ thể, ta thử cảm thức sự đong đưa giữa tân kỳ và quy ước. Nếu gọi là trung dung giữa hai điều gì được phân chia rõ rệt sẽ rất dễ cho ta lấy ra, như nước mặn nước ngọt có nước lợ, màu da trắng da đen thành da ngâm, đêm và ngày là lúc chạng vạng, lùn và cao thuộc cỡ tầm thước. Tới phẩm tính trừu tượng đã thấy bắt đầu khó. Giữa thiện và ác, thế nào là trung dung; anh hùng và hèn nhát, thế nào là vừa phải. Tới ngôn ngữ thơ, ta thử phân tích dáng vẻ mơ hồ giữa tân kỳ và quy ước trong thơ Nguyễn Mạnh Trinh, vạch cho ra điều mà ta nói là ngôn ngữ trung dung. Ví dụ như hoà lẫn một chút chính khí ca cổ điển và một chút ngôn ngữ cách điệu tân kỳ, chẳng hạn “Vỗ bàn, cơn gió vút ngoài hiên... Lạnh bủa theo mưa giọt cửa ngoài” (Trích trong bài “Bằng hữu”, Tạp chí Hợp Lưu, số 2, tháng 12/ 1991).
Hoà lẫn một chút xa xưa trong ước lệ rượu trăng thường có ở thơ Đường và một chút hiện thực rất hiện đại về chiến tranh: “Thấy đủ vầng trăng chén rượu trào... Trong mình mảnh đạn lỡ nằm quên” (Trích trong bài “Thơ gửi chàng lãng tử Nguyễn Bắc Sơn”, Tạp chí Văn Học , số 20). Hoà lẫn giữa thơ cực kỳ dễ hiểu như câu nói đời thường và ngôn ngữ tu từ của ẩn dụ không dễ hiểu, chẳng hạn: “một tiếng đồng hồ trên xa lộ- nghĩ mãi về đời mãi về mình... vân cẩu màu mây sao kỳ dị- ta ơi ta rêu ngút mái nhà”. Đây là bốn câu trích trong Tạp chí Văn Học của bài thơ trầm lắng suy tư trên xa lộ. Sự độc thoại triền miên bằng những đoạn thơ lặp lại, rất đi đôi với ngoại cảnh trời đang mưa. Lái xe trên xa lộ thường ngày vẫn đi, suy nghĩ về cuộc đời đều đều tiếp diễn, không buồn lắm không vui lắm, hải ngoại đối với nhà thơ này chẳng phải là nơi của cơ hội rạng rỡ như một số người thành công chốn thương trường ca ngợi, cũng chẳng phải nơi cam go khó khăn vì nhà thơ đã là một chuyên viên nhiều năm kinh nghiệm ngành nghề.
Vậy sự hội nhập của nhà thơ là hội nhập bình thản. Cho nên xa lộ thường ngày đi về thành biểu tượng thích đáng nhất của thái độ hội nhập dửng dưng. Nhạc tính do lặp đi lặp lại vài từ ngữ như đã nói trên, dường như được hình thành nhờ trưc giác cần diễn tả triền miên, nên bài thơ “Mưa buổi sáng trên xa lộ phía Nam” của Nguyễn Mạnh Trinh là bài thơ đặc biệt diễn tả trung thực thái độ hội nhập bình thản tại hải ngoại. Hội nhập vui có thể sưu tầm được đôi ba bài, hội nhập buồn có thể sưu tầm rất nhiều bài, nhưng hội nhập bình thản tương hợp với biểu tượng của bài thơ này thành quý hiếm, nhờ có nhạc tính do trực giác sáng tạo, nhiều chất thơ với độc thoại nội tâm trong cơn mưa dai dẳng. Sở dĩ tác giả có thái độ bình thản do đời sống không phải bận lo, dành nhiều phần đời cho “quê hương tinh thần”: sự nghiệp văn chương thuộc văn học Việt Nam. Cho nên những thứ thành công ngoài văn chương đối với Nguyễn Mạnh Trinh trở nên không quá lớn lao.
Một số người dù thành đạt công ăn việc làm nơi hải ngoại nhưng vẫn coi nơi này chưa phải “quê hương tâm hồn”, vì lòng gửi mãi về quê hương cũ, chẳng hạn nhà thơ Thái Tú Hạp bày tỏ trong hai thi phẩm “Miền Yêu Dấu Phương Đông” và “Hạt Bụi Nào Bay Qua”. Tất cả cho “Quê Hương Tâm Hồn”, đây là từ ngữ chính xác nhất để gọi tên những người quá gắn bó với cố hương. Còn những người quá bận tâm với sự nghiệp văn chương trong văn học Việt Nam, cho dù thành đạt nghề nghiệp sinh sống tại hải ngoại, vẫn giữ thái độ hội nhập bình thản như Nguyễn Mạnh Trinh, thì ta gọi đây là ngươì dành tất cả cho “Quê Hương Tinh Thần”. Một bên nặng lòng với đất đai Việt, một bên nặng lòng với chữ nghĩa Việt. Một bên nặng tình cố thổ, một bên nặng tình ngôn ngữ. Vì vậy “quê hương tâm hồn” và “quê hương tinh thần” có một chút dị biệt, quê hương tâm hồn vãng lai với thổ địa cụ thể, quê huơng tinh thần vãng lai với văn hóa trừu tượng. Nói như vậy chẳng phải khẳng định vãng lai thổ địa xa rời văn chương, ngược lại là đằng khác, vì yêu cái cụ thể laị có nhiều cảm hứng cho thi ca hơn. Nhưng vãng lai thổ địa do nặng tình với quê hương thì thuộc về lòng hoài hương (sẽ có một chương riêng), ở đây ta đang bàn về ba thaí độ hội nhập. Thái độ thứ ba, hội nhập bình thản, biểu tượng bằng xa lộ đi đi về về, ta thử cảm thức vẻ đều đặn của nó dưới đây:
Mưa Buổi Sáng Trên Xa Lộ Phía Nam
Độc thoại nội tâm, một mình nói với mình thường là tự trách thân chưa làm gì mà đã phung phí gần hết thời gian một đời người, nội dung này cũng thuờng vãng lai tâm thức nhà văn nhà thơ, vậy không phải là đề taì hiếm hoi. Nhưng nôị dung đó gắn bó biểu tượng xa lộ của hành trình đi đi về về với công việc đều đặn, với trực giác cần phải lặp lại một nhóm từ ngữ diễn tả triền miên, với thể thơ bảy chữ hiệp vận từng đôi một và trung thành từ bài này sang bài khác( trong khi cao trào văn chương là thơ tự do, thơ vắt dòng kiểu Tân Hình Thức, từ ngữ thách đố chất thơ, thi ảnh phản thi ảnh kiểu Hâụ Hiện Đại Hoa Kỳ), vì vậy thơ bảy chữ của Nguyễn Mạnh Trinh là đại diện cho “Hội nhập bình thản”, cả nội dung và hình thức, đồng bộ giữa cách thế sống nơi hải ngoại và cách thế diễn tả.
Nguyễn Mạnh Trinh cũng có một số bài làm theo thể thơ tự do hoặc vài thể thơ khác, nhưng đa số là thể thơ bảy chữ, và đa số cũng hiệp vận từng đôi một trong từng đoạn thơ bốn câu, hai vần trắc hiệp vận, hai vần bằng hiệp vận. Có thể nói chính xa lộ cao tốc mà lại thứ tự xe nào nấy chạy trong đường “lane” của mình, nên dù tốc độ cao 65-70 dặm một giờ hoá thành đều đều, mỗi ngày với đường dài cho mỗi bận khoảng 30 dặm( độ 60 cây số) từ phía Nam là Quận Cam gần biển đi lên phía Bắc ở Los Angeles gần núi, những điều kiện ngoại giới đó tạo ấn tượng vào nội tâm để biến thành thái độ hội nhập bình thản. Nhắc lại, đối với người không nặng lòng với “quê hương tinh thần”, coi nghiệp văn là trên hết (đối với thế hệ thứ nhất như Nguyễn Mạnh Trinh thì là nghiệp văn viết bằng Việt ngữ), những người đó sẽ giết sự đều đều của cuộc đời bằng đi du lịch, hoặc bằng thú làm vườn, hoặc bằng làm việc thiện nguyện, hoặc bằng giải trí ăn thua nhỏ ở thú kéo máy nơi sòng bạc Las Vegas (dĩ nhiên sẽ bỏ qua các máy ăn thua lớn tại nơi ấy).
Ta chưa nói đến “quê hương tinh thần” của những người sáng tạo âm nhạc, hội hoạ, hoặc các nghệ thuật khác. Ta chưa nói đến “quê hương tinh thần” của những nhà chuyên về khảo cứu khoa học, chuyên về phát minh kỹ thuật. Ta chưa nói đến “quê hương tinh thần” của các bậc dốc lòng cho tôn giáo giải thoát cho tâm linh mình, giải thoát cho tâm linh người. Có phải đâu những người ấy dấn thân vào các việc tinh thần trên vì muốn giết thì giờ cuộc sống đều đều. Cũng có phải đâu người khổ công vì một chữ trong câu thơ, người phải ngày đêm viết cho xong cuốn tiểu thuyết đồ sộ, người tra cứu biên khảo phải miệt mài trong sách báo hay trong thư viện, tất cả cũng có “quê hương tinh thần” là chữ nghĩa, nhưng nào có phải đâu để giết thì giờ cuộc sống đều đều. Thiết nghĩ, trường hợp có tình cảm hời hợt với đất mới trước đã, rồi cộng thêm việc đi đi về về trên xa lộ như Nguyễn Mạnh Trinh, và thể hiện sự đều đặn gần như trung thành với một thể thơ, gần như trung thành với ngôn ngữ trung dung tân kỳ và cổ điển, tổng hợp lại mơí biến thành thơ hội nhập bình thản, bản sắc đặc thù dễ nhận diện ở toàn bộ tác phẩm thi ca của nhà thơ này.
Nếu có nhà thơ cứ tùy hứng thay đổi thể cách diễn tả, thí nghiệm kiểu này kiểu khác, thì sẽ không dễ cho ta nhận diện. Thay đổi thể cách rất cần trong sáng tạo nghệ thuật, nhưng cứ thay đổi hoài mà không dừng laị chuyên nhất vào một lưạ chọn đắc ý của mình, thì biết bao lâu mới gây ấn tượng cho người khác nhận diện. Vì vậy, nêu ra việc dễ nhận diện chẳng phải là phủ nhận nhà thơ nào đó không có mặt, không có tài, mà chỉ cốt nêu ra diện mạo dễ phân định do nhà thơ kiên trì trên một đường lối lưạ chọn nhất định. Có hạn chế như vậy mới tránh được sự mơ hồ, sự chồng chéo, sự rối mù, sự đồng dạng, sự lặp lại khi ta làm công việc nhận diện trong số đông đảo người làm thơ ở hải ngoại.
Không phải hiếm ngươì có chung cảm thức cuộc đời đều đặn, nhiều người cũng có chung trường hợp chẳng mệt nhọc với nghề quá lao lực, chẳng chán chường vong thân bản ngã với nghề lắp ráp dây chuyền, và cùng ý thức việc làm nào cũng cần có những đột xuất thì mới đánh thức sự triền miên. Người tài công đưa tàu chuyển vận trên sông nước êm đềm, nếu không có những buổi sương mù bắt phải lưu ý đường vận hà có thể đụng chạm tàu thuyền ngược nước; nếu không có cảnh vật hai bên bờ luôn thay đổi nhờ sinh hoạt của con người hôm nay không hoàn toàn giống hôm qua, thì chắc không đam mê nghề tài công trên sông nước mà có người xếp loại là nghề đáng yêu nhất trên đời. Xa lộ đều đều do đi làm việc hàng ngày gây cảm nghiệm triền miên đi vào tâm thức, cảm nghiệm đó do trực nhận, không do suy nghĩ phán đóan.
Chỉ người nào trực tiếp sống với kinh nghiệm đều đều mới có có cảm giác này, như Nguyễn Mạnh Trinh. Còn suy nghĩ xa lộ là nơi đa số ngươì Mỹ phải ngày ngày trải qua, mà chính cuộc đời mình chỉ thỉnh thoảng mới đi trên xa lộ; ví dụ việc làm của mình may mắn không cách xa nơi làm việc suốt 20 năm chẳng hạn, thì suy nghĩ hành trình xa lộ trong đời sống Mỹ là một nhận định thuộc về phán đoán. Suy tư về hành trình xa lộ trong một bài thơ của tác giả Phạm Quốc Bảo, ta nghĩ thuộc về phán đóan hơn là cảm tính do kinh nghiệm trải qua. Bài thơ cuả Phạm Quốc Bảo thuộc ẩn dụ tu từ pháp thể cách so sánh, nhìn xa lộ mở ra cho tiến bộ: triền miên đi về trên xa lộ là làm cho đêm thành ngắn vì thêm giờ phụ trội cho người làm việc, nghĩa là thời gian ở sở ở hãng không phải 8 giờ mà có thể 10 giờ, nghĩa là xa lộ mở ra viễn tượng tương lai thịnh đạt. Có thể nói nhà thơ đang đứng ở ngoài nhìn dòng xe hàng ngày chảy qua rồi thấy đó như biểu tượng của nền kinh tế đại cường. Sau khi cảm bằng tâm hồn biểu tượng xa lộ của hội nhập bình thản, bây giờ ta hiểu bằng lý trí về biểu tượng xa lộ của sức mạnh kinh tế, qua bài thơ dưới đây:
Ngày Vào Xuân Trên Xa Lộ
Một người thích làm thơ về chuyện dọc đường là Hà Thúc Sinh. Trừờng hợp thơ của ông nêu ra đây cốt so sánh để làm rõ hơn chủ điểm của bài viết này, chủ điểm phân biệt hội nhập vui, hội nhập buồn, hội nhập dửng dưng. Ta nêu ra vì nhận thấy nhà thơ thường cảm hứng chuyện dọc đường, thường lái xe đó đây dọc dài ven núi hoặc ven biển California; tiểu bang cũng dài rộng suýt soát đất nước Việt Nam, nhưng nhờ phương tiện xe hơi tốt tự mình lái, đường xá toàn là xa lộ, nên đi đó đi đây chẳng thấy diệu vợi xa xăm. Nôị dung là những diễn tả tình cảm hoặc vui hoặc buồn, một chút nhắc nhở cố hương, nhưng tình cảm vui buồn không vì lý do hội nhập mà là thứ tình cảm chung chung về cuộc đời dù ở đâu thì cũng vậy, bâng khuâng trước thiên nhiên trời biển mênh mông. Người viết bài này bất chợt đọc hai bài thơ của ông, cách khoảng nhau một thời gian rất lâu, sưu tầm mà quên ghi ngày tháng bài thơ đăng báo, hình như cả hai đều trong tạp chí “Thế Kỷ 21” xuất bản tại miền Nam California.
Ta nghĩ người thường cảm hứng sáng tác thơ dọc đường là người có tâm sự hụt hẫng bâng khuâng, thấy như mình đang đứng trên ngã ba đường đời. Không phải ngã ba thế sự mà là ngã ba đường đời, ngã ba thời gian thấy hết rồi thanh xuân mà cũng chưa phải lão niên, biết có còn hoài vọng gì nữa không khi đường đời còn xa mà lòng thì đã muốn úa tàn, cho nên khí hậu của hai bài thơ đều như ngập ngừng vời trông mây nước. Trước cảnh trời biển mênh mông, con người tự cảm thấy mình nhỏ bé, không cứ gì đến tuổi trung niên hay lão niên; như Huy Cận lúc còn trẻ mà cũng thốt ra thân phận hiện sinh “Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài”; câu thơ không đặt trọng tâm ở nỗi nhớ mà ở bày tỏ cảm giác bị mất hút trước bao la. Hai bài thơ “Chiều ghé biển Santa Barbara” và “Trên đường lên chơi xuân Santa Ana” của Hà Thúc Sinh cũng bao gồm những cảm giác hụt hẫng mất hút như vậy trước mây nước trời biển. Tính chất hải ngoại ở đây chỉ phụ thuộc, dù có nhắc đến địa điểm như Santa Ana hay Santa Barbara thì địa điểm chính là trần gian, là cuộc đời chung, là cõi sinh hoạt thế tục, nếu không gửi tâm hồn cho tôn giáo thì sẽ không khỏi cảm thấy hư vô.
Hải ngoại hay cố hương đều cõi tạm trên Trái Đất, nhà thơ chỉ nói phớt qua. Thơ dọc đường ở đây tuy có địa danh, nhưng địa danh chính là nơi siêu hình, cũng chẳng phải cõi siêu hình diệu vợi như Niết Bàn của Phật giáo, Thiên đường của Thiên chúa giáo, cõi Đạo của Lão Trang, mà chính là cõi bâng khuâng chưa có niềm tin minh định, cõi bâng khuâng cũng không hề khẳng quyết hư vô chủ nghĩa. Ta đang bàn về thơ dọc đường nhân dịp so sánh với cảm tính đều đều dọc đường xa lộ trong thơ Nguyễn Mạnh Trinh, lại lạm bàn về siêu hình mà thơ hải ngoaị thường đề cập (phải dành một chương riêng rất dài về thơ siêu hình trong sách dự thảo thi nhân Việt Nam hải ngoại). Bởi dọc đường là đề tài dễ gây bâng khuâng, khác với dọc đường có chủ đích như du lịch cho biết đó biết đây; du lịch nghiên cứu địa lý, địa chất, hay khảo cổ; du lịch để sống thực hay thêm chứng liệu chính xác cho một vấn đề đang viết dở.
Dọc đường trong thơ Hà Thúc Sinh vô định hướng, chỉ là dọc đường suy nghĩ tản mạn. Gần mà cũng khác với dọc đường trong thơ về cảm thức đều đặn, vì ở đây không được hổ trợ bằng bánh xe quay đều đều, bằng ngoài trời mưa dai dẳng, bằng thắc mắc đã hoàn thành đến đâu“quê hương tinh thần”. Tản mạn mỗi thứ một chút nên trong thơ Hà thúc Sinh có một ít tản mạn nghĩ về quê hương, một ít tản mạn về thảo mộc trên đất Mỹ, một ít tản mạn về thời gian đời người. Tản mạn, không có chủ đề nào là trọng tâm, đó là điều ta cảm thức qua thơ Hà Thúc Sinh, vì vậy lại là điều ta lấy đó để so sánh cho rõ nét với thơ hội nhập bình thản (mà xa lộ đi về đều đều trong thơ Nguyền Mạnh Trinh là biểu tượng), đồng thời để so sánh với bài thơ của Phạm Quốc Bảo cũng lấy biểu tượng xa lộ nhưng lạc quan đại diện cho nền kinh tế thịnh đạt của Hoa Kỳ. Cả ba đều là thơ về xa lộ, người thì đi đều đều trên xa lộ, người thì đứng ngoài mà nhìn vào xa lộ, người thì ngừng nghỉ dọc đường xa lộ. Ta thử cảm thức những tản mạn dọc đường trong thơ Hà Thúc Sinh:
Chiều Ghé Biển Santa Barbara
Trên Đường Lên Chơi Xuân Santa Ana
Trong ba lối hội nhập đất mới, chỉ có hội nhập vui thưa thớt thơ sưu tầm, vì như đã nói niềm vui biểu hiện ra ngoài cho xã hội gần hết bằng nhiều hình thức khác ngoài văn chương, nên mặc dù nhà thơ Trần Mộng Tú là đại biểu rõ nét nhất về thơ tình, nhà thơ lại kiêm nhiệm đại biểu cho thơ hội nhập vui. Đại biểu thi ca không do ai bầu mà do bản sắc đặc biệt bầu nên. Còn bỏ ngõ rất rộng dành cho sưu tầm thơ hội nhập lạc quan. Phần sưu tầm riêng thơ hội nhập lạc quan của tác giả Trần Mộng Tú cũng còn chưa đủ, tất cả đều dựa vào nhận định thoáng qua của tạp chí Văn Học. Một phần đáng kể của việc đi tìm bản sắc của nhà thơ đặt căn cứ vào ý thức của nhà thơ, nhờ vào những phát biểu của họ, những trình bày trong vài câu phỏng vấn họ. Căn cứ như vậy để tránh võ đoán, vội vã xếp loại. Trường hợp nói một đằng mà làm một nẻo, phát biểu thế này mà thơ lạc vào hướng khác, thì còn đâu là bản sắc, chẳng qua phát ngôn hời hợt, không phải kết quả của đường lối chủ trì sáng tác do ý thức phải làm cái gì độc đáo chẳng trùng lặp với ai. Nói lên được điều gì về nội dung, mà còn phải nói lên thế nào cho tương hợp về hình thức. Trường hợp nội dung hay đề tài riêng biệt mà hình thức nghệ thuật cũng tương hợp thì bấy giờ nhà thơ đã đạt tới sự đồng bộ giữa nội dung và hình thức.
Thơ không giống như âm nhạc mà hội nhập vui có thể diễn đạt bằng nhịp điệu hành khúc, nhịp tango hay rumba. Còn thơ với những con chữ im lặng trên trang giấy thì thơ cần phải đọc lên những dòng ngắn dồn dập, những dòng dài không để trầm buồn mà để gây tương phản nhịp nhanh của hội nhập vui. Cứ câu ngắn tiếp nối thì trở nên đều đều thành thể thơ ngắn câu mà thôi. Ngắt câu bằng cách viết xuống hàng hai chữ trong câu lục và giữ nguyên tám chữ ở câu thứ nhì trong thơ lục bát, đó là cách đọc gây tương phản mà nghe nhịp điệu vui, nhưng cách này thiếu chất sáng tạo nhạc tính. Ngắt nhịp bằng cách tách thành ba câu trong một câu bảy chữ và câu bảy chữ tiếp theo thì lại giữ nguyên không ngắt nhịp, thì đây là cách tạo sự đối lập giả tạo giữa dồn dập và lê thê. Tóm lại, hội nhập vui cần thể thơ nhiều chất sáng tạo nhạc tính, thích hợp nhất là thơ Tự do. Như đã nói, hội nhập bi quan thường xúc cảm nhà thơ vào giai đoạn đầu khi mới đến đất mới.
Mỗi thời kỳ đều có giai đoạn đầu, di tản hay vượt biên hay đến Hoa Kỳ theo chương trình ra đi có trật tự, tất cả đều trải qua giai đoạn đầu. Kiểu ra đi do một dịp bất ngờ ở Đông Âu, cũng phải trải qua giai đoạn đầu, mà giai đoạn đầu này chắc kéo dài nhiều hơn vì đa số đang ở trong tình trạng cư trú bất hợp pháp, thơ hội nhập buồn còn kéo dài nên chắc lâu lắm mới có bài hội nhập lạc quan, cũng chưa có thơ hội nhập bình thản vì đời sống nào có ổn định đâu để miên man nghĩ ngợi về điều gì khác ngoài những bận tâm kinh tế, lo cho hợp lệ cư trú, tìm cách tiến thân vào đường học vấn hay nghề nghiệp. Diện đi du học rồi tìm cách ở lại thì hiện tại lúc nào cũng là giai đoạn đầu, vì diện ra đi này mới có trong vài năm gần đây và rất là thưa thớt, và hình như chưa có ai định sáng tác thơ văn đóng góp vào nền văn chương hải ngoại.
Di tản là thời kỳ đầu tiên, cho nên lấy thơ hội nhập bi quan của hai tác giả Thanh Nam và Cao Tần đại diện cho giai đoạn đầu thời kỳ ấy, đó là lấy đại diện theo thứ tự thời gian. Có thơ hội nhập bi quan giai đoạn đầu thời di tản thì cũng phải có thơ hội nhập như vậy thời vượt biên. Thơ hội nhập thời ra đi có trật tự, thời gian đầu chắc hẳn là ít gian truân hơn thời gian đầu của hai giai đoạn trước, vì cộng đồng người Việt đã thành một thực thể kinh tế khá vững và đóng góp hữu ích cho sự thịnh vượng bản xứ; con cháu của họ đã lớn và thành công đi vào dòng chính của xứ người. Nỗi buồn đương nhiên như lý do đến tuổi già hết nhiệt huyết làm một cái gì để đời, hay con cháu không gần gũi do công ăn việc làm ở xa, thì không phải vì lý do hội nhập.
Cho nên hội nhập bi quan chẳng thể chỉ có bấy nhiêu thơ ở giai đoạn đầu thời kỳ di tản; mà còn nhiều, mỗi người mỗi vẻ tùy theo mức độ của từng thời kỳ và mức độ hoàn cảnh khác nhau của từng cá nhân, chẳng hạn trong thơ của Nguyễn Nam An, Trần Vấn Lệ, Phan Ni Tấn, TrầnThiện Hiệp, Nguyễn Tấn Hưng, Lê Mai Lĩnh, Phạm Hồng Ân, Phương Triều, Lê Giang Trần, Nguyễn Hải Hà, Dương Huệ Anh, Trần Quốc Bình, Hoàng Duy, người nào cũng đã xuất bản một hai thi phẩm, và còn rất nhiều thi phẩm đã xuất bản mà người viết bài này chưa đọc tới. Nếu chỉ kể tổng quát hội nhập đậm nhạt theo mức độ càng ở giai đoạn sau càng ít thấm thía, hoặc theo hoàn cảnh dù có vẻ riêng biệt nhưng vẫn còn ước lệ chung chung phản ánh vào tác phẩm, cả hai ngoại nguyên nhân đó vẫn chưa đủ giúp ta thấy được bản sắc của nhà thơ, bản sắc này phải do bẩm chất nội tâm mà xuất lộ thành đặc thù trong diễn tả. Ví dụ cùng một cảnh thua thiệt lỡ tình lỡ vận mà người này làm thơ có bản chất than van khuất phục số kiếp, người kia với thơ có bản sắc trào lộng cười cho vận mệnh, người nữa lại có bản sắc nổi loạn chống lại xã hội. Và hội nhập bình thản đâu phải đại diện chỉ có một người là nhà thơ Nguyễn Mạnh Trinh, điều mà nhà thơ gây ấn tượng cho ta nhờ ở chất thơ của xa lộ đều đều gắn bó với hội nhập bình thản, vì chất thơ có nhạc trầm chứ không phải vì nhà thơ là duy nhất đại diện.
Còn một số nhà thơ khác cũng hội nhập bình thản nhưng chất huyền ảo, chất lãng mạn... biểu hiện nhiều hơn chất thơ chất nhạc của cái gì đều đều. Dần dần theo đường tiến bộ xã hội về mặt cư trú, hội nhập bi quan sẽ lần hồi nhường chỗ cho cho hội nhập lạc quan, nhưng như đã nói hội nhập vui ít thể hiện vào văn chương. Trong khi đó hội nhập bình thản vẫn đi song song trong thái độ của một số người. Rồi thời gian lâu hơn nữa, không còn hội nhập vui, buồn, dửng dưng, mà chỉ còn dòng chính nhập vào đời sống bản xứ của các thế hệ thứ hai, thứ ba. Dòng chính luân lưu ở đất người, và dòng hội nhập của thế hệ thứ nhất đã để lại những di ký tình cảm bằng chữ viết sẽ được đưa về tồn lưu trong kho tàng văn học quê hương cũ.
Trần Văn Nam
(Trong sách dự thảo “Thi Nhân Việt Nam Hải Ngoại”)