Trong khoảng 220 năm, từ cuối thượng bán thế kỷ XVIII đến giữa thập niên 1960, đã có khá nhiều người dịch khúc Chinh Phụ Ngâm do danh sĩ Đặng Trần Côn soạn ra bằng một cách rất tốn công phu là chắp nối hơn 400 câu thơ cổ bằng chữ Hán. Nhưng chỉ có 4 dịch phẩm được công nhận là có giá in hơn cả và trong số đó được truyền tụng nhất là bài diễn ca gồm 412 câu... ngắn hơn nguyên tắc theo thể thơ song thất lục bát. Tác giả dịch phẩm nổi danh khắp nước ấy là Hồng Hà Nữ Sĩ Đoàn Thị Điểm, cũng là tác giả sách Truyền Kỳ Tân Phả, còn lưu truyền đến ngày nay. Hồng Hà Nữ Sĩ Đoàn Thị Điểm là vị nữ lưu đầu tiên được ghi ten vào Văn Học Sử nước ta. Bản diễn ca của nữ sĩ đã được phổ biến, tuy chỉ hạn chế trong giới văn học nhưng cũng trên quy mô toàn quốc, từ cuối thượng bán thế kỷ XVIII rồi đến sau ngày chữ Quốc Ngữ thịnh hành đã được in bán khắp nước nên cùng chia sẻ với Truyện Kiều cái vinh dự hiếm có là được cả nước biết đến.Nhưng về thân thế và sự nghiệp của người sáng tác thi phẩm “được cả nước biết đến” ấy thì hầu hết nhưng người đã đọc, và luôn cả những người rất ái mộ Chinh Phụ Ngâm lại đều chỉ biết rất khái lược và thường là sai lầm nữa. Sở dĩ có tình trạng nghịch lý như thế là vì trong hết thảy các bản Chinh Phụ Ngâm (tổng số lên đến hàng triệu) đã được in bán trong 6 thập niên đầu thế kỷ này kể luôn cả quyển Chinh Phụ Ngâm Khúc Dẫn Giải do học giả Nguyễn Đỗ Mục biên soạn cho Tân Dân Thư Quán xuất bản ở Hà Nội năm 1929 và bản dịch sang Pháp văn của Hoàng Xuân Nhị do Edition du Mereure de France xuất bản ở Paris năm 1939 đều không có phần giới thiệu tiểu sử tác giả một cách đầy đủ và chính xác.
Trong sách Việt Nam Văn Học Sử Yếu do Nha Học Chính in lần đầu tại Hà Nội năm 1941 để dùng làm tài liệu giáo khoa ở bậc cao tiểu học (Primaire Supérieure), giáo sư Dương Quảng Hàm ghi nhận rằng Chinh Phụ Ngâm (bản dịch của Đoàn Thị Điểm) và Cung Oán Ngâm Khúc, Hoa Tiên truyện là 3 tác phẩm trường thiên đã chiếm địa vị đặc biệt trong nền Văn Nôm thời Lê Trung Hưng. Nhưng giáo sư tác giả sách Việt Nam Văn Học Sử Yếu cũng chỉ dành có mấy dòng cước chú để giới thiệu thật vắn tắt tiểu sử tác giả của thi phẩm được tuyên dương là có địa vị tôn quý như thế trong Văn Học Sử nước nhà.Tính đến ngày nay, nếu không kể cuốn Chinh Phụ Ngâm Bị Khảo (do nhà Minh Tân xuất bản ở Paris tháng 7-1953) mà mục đích chủ yếu là truất hữu quyền tác giả của Hồng Hà Nữ Sĩ Đoàn Thị Điểm về bài diễn ca Chinh Phụ Ngâm được truyền tụng nhất, sách Quốc Ngữ có nói dài và tỉ mỉ hơn cả về vị nữ sĩ danh tiếng ấy là quyển Việt Nam Danh Nhân Tự Điển in bán ở Sài Gòn đầu thập niên 1960 và mới do Ziekeks Co. in lại ở Hoa Kỳ. Tác giả Nguyễn Huyền Anh đã dành ngót một trang của pho tự điển ấy để giới thiệu Đoàn Thị Điểm, nhưng tài liệu cũng chỉ góp nhặt từ Việt Nam Văn Học Sử Yếu (Dương Quảng Hàm). Chinh Phụ Ngâm Khúc Dẫn Giải (Nguyễn Đỗ Mục) và Les Plaintes d'une Chinh Phụ (Hoàng Xuân Nhị) tức là từ những nguồn cung cấp vốn đã rất nghèo nàn. Về tiểu sử Đoàn Thị Điểm, sách VNDNTD của Nguyễn Huyền Anh đã chép nhiều điểm sai lầm, nổi bật nhất là lẫn lon ông Cống sinh Đoàn Doãn Luân (anh ruột nữ sĩ) với ông Tiến Sĩ Đoàn Trác Luân, nhân vật không hề có thật.Sự lầm lộn ấy dường như bắt nguồn từ cái lầm của Lý Văn Phức tiên sinh, tác giả sách Thuyết Thập Tạp Ký, trong đó tiên sinh chép rằng Hồng Hà Nữ Sĩ họ Nguyễn, tên Ngọc Điểm, quê quán ở Đường Hào, Hải Dương và là em ông Tiến Sĩ Nguyễn Trác Luân. Lý Văn Phức tiên sinh đã trước tác khoản độ 20 tác phẩm bằng Hán Văn và Văn Nôm trong số có quyển Nhị Thập Tứ Hiếu Diễn Âm về sau cũng được giảng dạy trong chương trình Cổ Văn như Chinh Phụ Ngâm của Đoàn Thị Điểm. Là một nhân vật cự phách trong làng bút mực, Lý Văn Phức tiên sinh lại quê ở chẳng xa cách bao nhiêu mà lầm lộn về cả họ tên, quê quán và gia thế của nhà nữ danh sĩ thành danh trước mình có mấy chục năm thì ngày nay chúng ta chẳng nên ngạc nhiên trước những sai xuyễn xảy ra ở vài trăm năm sau. Sở dĩ có nhiều sai xuyễn trong tiểu sử Hồng Hà Nữ Sĩ Đoàn Thị Điểm vì đời sau chỉ biết kêu cứu từ sách cũ, mà sách cũ có nói đến vị nữ sĩ ấy đã chẳng nhiều nhỏi gì lại còn thường nói không giống nhau.
Không kể sách Thuyết Thập Tạp Ký dẫn trên (vì nói hoàn toàn sai về Đoàn Thị Điểm), người sau còn thường kêu cứu từ Tang Thương Ngẫu Lục, Thiên Lộc Huyện Chí, Nam Sử Tạp Biên và Đoàn Thị Thực Lục để tìm hiểu tiểu sử vị nữ sĩ đầu tiên đi vào Văn Học Sử nước nhà. Nhưng Tang Thương Ngẫu Lục mà học giả Hoàng Xuân Hãn đánh giá rất thấp trình độ chính xác vì sách ấy chép rằng đoàn Thị Điểm là tác giả bài diễn ca Chinh Phụ Ngâm mà học giả họ Hoàng khẳng định là của Phan Huy Ích và Thiên Lộc Huyện Chí chỉ nói đến Đoàn Thị Điểm qua vài giai thoại văn chương liên hệ với nữ sĩ và mấy danh sĩ cùng thời như Đặng Trần Côn, Vũ Diệm, Như Đình Toàn, Nguyễn Công Thái, v.v... Tiểu sử Nữ Sĩ Đoàn Thị Điểm chỉ được chép tỉ mỉ trong sách Đoàn Thị Thực Lục mà người sau coi như gia phổ của họ Đoàn Doãn. Tác giả sách Đoàn Thị Thực Lục là con rể của Đoàn Doãn Y (con của Đoàn Doãn Luân), cháu gọi Đoàn Thị Điểm bằng cô.
Theo sách Đoàn Thị Thực Lục, các đời trước vốn thuộc họ Lê và đã lập nghiệp từ lâu ở làng Giai Phạm (sau đổi thành Hiến Phạm) huyện Văn Giang, xứ Kinh Bắc (sau là tỉnh Bắc Ninh). Vì nguyên nhân không rõ, thân phụ nữ sĩ đến khi trưởng thành mới cải ra họ Đoàn và trong họ ấy tiên sinh là người đầu tiên đỗ đạt. Các đời trước chỉ chuyên việc canh nông. Nhưng đến tiên sinh cũng không lập chí tiến thân bằng con đường khoa cử, đỗ Hương Cống (sau gọi là Cử Nhân) rồi giã từ lều chõng sau vài lần không đắc chí với kỳ thi Hội.Ông Cống Đoàn Doãn Nghi không gặp may mắn tại trường thi ở đế đô để trở thành ông Nghè, ông Bảng nhưng lại gặp mối lương duyên hiếm có vào thời ấy: nhờ ở cái danh hay chữ, ông được Thái Linh Bá chiêu làm rể mặc dù gia tự rất thanh bạc và ở quê nhà đã có người vợ tào khang. Từ cuộc hôn nhân thứ hai đó sinh ra hai người con về sau cùng nổi tiếng hay chữ: Hương Cống Đoàn Doãn Luân và nữ sĩ Đoàn Thị Điểm.
Nữ sĩ ra đời năm Ất Dậu 1705, Đoàn Thị Thực Lục không chép là ngày nào, tháng nào và ở đâu. Đối chiếu với những đoạn viết về thời ấu thơ của nữ sĩ ở các sách khác chúng tôi chỉ biết đại khái là nữ sĩ lớn lên ở làng Lạc Viên, huyện Yên Dương, sau thuộc tỉnh Kiến An. Vùng ấy về sau gọi là vùng Cấm Vẻn, đến giữa thế kỷ XX vẫn bị khinh khi là “đất đồng chua nước mặn” thì 200 năm trước còn thô lậu hơn nhiều. Ông Cống Đoàn Doãn Nghi đã bỏ nguyên quán Giai Phạm và tránh xa luôn cả đất kinh kỳ nơi nhạc phụ dang là một võ quan tước Bá nhiều quyền uy để tới ngồi dạy học tại cái vùng thô lậu đó hẳn phải có những lý do chính đáng. Người sau ước đoán là cuộc hôn nhân thứ hai đã gây ra tiếng thị phi sao đó; có thể vì không chịu nổi sự đàm tiếu dành cho người bị chê tránh là phụ nghĩa tào khang mà ông Cống họ Đoàn phải tránh thật xa cả quê mình lẫn vị nhạc phụ giàu sang. Ức thuyết này rất thuận lý, vì chẳng những Hương Cống Đoàn Doãn Nghi lánh mặt ở Lại Viên cho đến ngày qua đời mà hai người con đời vợ sau đều không trở về sống ở quê cha.Người đi ấy hẳn phải biết rằng gia cảnh của một ông Cống đã nhất quyết mai danh ẩn tích tại một vùng thô lậu như thế rất bất lợi cho việc kén vợ gả chồng cho con, nên đã thuận cho con trai theo học Tiến sĩ Lê Hữu Mưu ở làng Liêu Xá, huyện Đường Hào (sau là huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên) và cho con gái làm nghĩa nữ người bạn khác, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn.Quán xã Thanh Mai, tỉnh Sơn Tây, Lê Anh Tuấn đỗ Tiến sĩ năm Giáp Tuất 1694 và đã thăng đến chức Thượng Thủ Bộ Hộ khi người bạn ẩn sĩ ký thác cô ái nữ nổi tiếng tài sắc vẹn toàn. Năm đó Đoàn Thị Điểm mới đến tuổi cài trâm; dung nhan xinh đẹp, tính hạnh đoan trang và cái danh văn hay học rộng được thêm giá trị bởi địa vị cao sang của nghĩa phụ, nhà nữ sĩ có quyền chờ đón tương lai rực rỡ. Nhưng vì lý do không sách nào nói rõ, Thượng Thư Lê Anh Tuấn lại dự định gả con gái nuôi làm vợ lẻ cho một vương tử của Chúa Trịnh Cương, Đoàn Thị Điểm dĩ nhiên không ưng thuận nên nhất quyết xin trở lại với thân phụ.Lớn lên ở vùng Lạc Viên hẻo lánh và thô lậu, nữ sĩ càng nổi danh tài sắc càng khó kén chồng xứng đáng. Nen đến khi thân phụ tạ thế, năm Kỷ Dậu 1729, nữ sĩ 25 tuổi van chưa thành gia thất. Nữ sĩ cùng thân mẫu đưa linh cửu cha về quê nhà an táng rồi đến ở với người anh, Hương Cống Đoàn Doãn Luân, khi ấy đã lập gia đình và mở trường dạy học tại làng Vô Ngại, gần quê vợ là làng viên Xá, huyện Đường Hào.Hương Cống Đoàn Doãn Luân đã nổi tiếng hay chữ lại có tính hiếu khách nên tao nhân mặc khách từ kinh đô và cáo vùng văn vật thường hay lui tới ngôi trường nghèo làng Vô Ngại. Chị dâu bị tàn tật, Đoàn Thị Điểm chẳng những phải thay thế chị dâu tiếp đãi bạn văn, bạn thơ đến thăm, nên do thế càng có thêm môi trường thuận lợi để nổi tiếng trong làng bút mực.Theo sách Tang Thương Ngẫu Lục, nho sĩ Đặng Trần Côn mộ tiếng nữ sĩ họ Đoàn nên làm thơ xưng tụng và xin được hội kiến; nhưng Đoàn Thị Điểm chẳng những đã khước từ mà còn nhắn lời mỉa rằng: “trẻ con mới đi học, chưa chi đã... ngứa nghề!” Vì quyết chí rửa nhục ấy, Đặng Trần Côn trở về quê nhà (làng Mọc, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông), đào hầm sâu dưới đất để thắp đèn học suốt ngày đêm (vì thời ấy Chúa Trịnh Giang cấm thắp đèn ban đêm) rồi soạn ra khúc Chinh Phụ Ngâm theo lối văn Tập Cổ khiến Đoàn Thị Điểm phải phụ tài mà dịch sang quốc âm. Nếu chuyện này có thật thì hẳn là đã xảy ra vào thời nữ sĩ mới về Vô Ngại với anh được một vài năm thôi, vì Chúa Trịnh Giang chỉ cầm quyền được có 11 năm, từ 1729-1740, mà đến năm Canh Thân 1740 thì người nho sĩ năm nào bị chê là “trẻ con mới đi học” đã thi đỗ và ra làm quan được mấy năm rồi.Theo sách Thiên Lộc Huyền Chí, hai danh sĩ hồi ấy đã nổi tiếng là Vũ Diệm (sau cũng thi đỗ Tiến sĩ) và Nhữ Đình Toàn chưa phục tài nên rủ thêm vài văn hữu khác đến bàn chuyện văn thơ với ông Cống Đoàn Doãn Luân để kiếm dịp thử tài người em gái. Hiểu rõ dụng tâm của khách, nữ sĩ sai gia nhân bưng trầu ra mời, trên mặt cơi trầu để bức họa tiên cá ghi vế đối: Đình tiền thiếu nữ khuyến tân lang. Vì các chữ “thiếu nữ” và “tân lang” cùng có 2 nghĩa, toàn câu có thể được hiểu theo hai nghĩa khác nhau: hoặc là “trước sân, gió nhẹ lay cây cau”, hoặc là “trước sân, cô gái trẻ mời chàng rể mới”. Về xuất quả là tử đối, mấy nhà “danh sĩ” tự biết không thể đối cho chỉnh nên đành tiu nghỉu ngỏ lời cáo biệt.Qua hai giai thoại trên và một số mẩu chuyện tìm thấy rải rác ở vài sách khác, người sau biết rằng Hồng Hà Nữ Sĩ đã trong ngoài 30 tuổi, tức là đã bị coi như quá lứa lỡ thời theo quan niệm thời đó, nhưng nhờ có sắc đẹp và tài cao nên vẫn còn chẳng thiếu gì kẻ muốn cầu thân. Trong số những người muốn rắp ranh lại có những vị đã có danh vọng lớn như Tiến sĩ Nguyễn Công Thái hay Bình Trung công, có vị chỉ mấy năm sau thi đỗ ông Nghè như Vũ Diệm (đỗ năm Bính Thìn 1786) nhưng nữ sĩ đã cự tuyệt tất cả, khi thì vì không chấp nhận làm vợ thêm của người ta, khi thì vì chê là tài văn chưa xứng sánh đôi với mình. Nữ sĩ đã tâm niệm rằng không nhọn được người xứng đáng thì đành chịu độc thân suốt đời chứ không kết duyên gượng gạo.Ông Cống Đoàn Doãn Luân mất sớm, bao nhiêu bổn phận đối với gia đình trút cả lên đôi vai gầy guộc của người em gái nhiều tài năng nhưng ít may mắn. Gánh nặng gia đình dường như cũng tạo thêm cản trở cho Đoàn Thị Điểm phải lận đận trong cảnh phòng không chiếc bóng cho đến ngày mái tóc người xử nư đã loáng thoáng hơi sương. Nữ sĩ giỏi nghề làm thuốc và thêu may nên không gặp vấn đề khó khăn vì sinh kế của một gia đình thật ra cũng quá đông đảo cho một người con gái. Nhưng thân gái ở thời nhiễu nhương lại có những khó khăn hơn nhiều. Đoàn Thị Điểm đã phải vận dụng nhiều nỗ lực khác thường mới giữ vững được quyết tâm và không chấp nhận kẻ không xứng đáng làm chồng mình. Nữ sĩ đã phải trốn tránh một nửa năm mới thoát một cuộc cưỡng hôn, về sau lại phải nhận vào dạy học trong phủ Chúa Trịnh một thời gian để tránh một tai ách cùng loại đó. Dường như vì đọc được chuyện dạy học trong phủ của Chúa mà sách nào đó chép không rõ ràng nên tác giả Việt Nam Danh Nhân Tự điển đã ghi lầm rằng “để tránh sự áp bức của kẻ quyền thế, bà đến Sài Trang làm Giáo Thọ dạy cho một bà cung tần được Vua Lê sủng ái”. Thật ra thì Giáo thụ (Thọ) là chức tước của vị học quan trông coi việc học ở một phủ và chưa bao giờ được nhà vua phong cho phái nữ; dạy học trong nội cung có được trọng vọng tột bậc như bà Huyện Thanh Quan cũng chỉ được phong chức Cung Trung Giáo Tập mà thôi.Quan niệm của người đi học thời xưa là phải đa năng nếu không thực hiện được đúng tinh thần câu “sĩ khả bách vi” (kẻ sĩ có thể làm cả một trăm việc) thì ít nhất cũng phải tinh thông Nho, Y, Lý, Số. Đoàn Thị Điểm là một bậc nữ lưu nhưng lại đã xứng đáng là người đi học theo cái quan niệm khắc khe đó, nữ sĩ kiến thức rất uyên bác, chẳng những là văn chương mẫn tiệp, làm thuốc giỏi mà còn rành luôn các khoa bói toán và lấy số tử vi nữa. Nhờ ở giỏi bốc toán, năm Kỷ Mùi 1739 Đoàn Thị Điểm đoán được là làng Vô Ngại sắp bị họa chiến tranh nên đưa gia đình sang bờ bên kia sông Cái để tới định cư tại làng Chương Dương. Tại ngụ sở mới, nữ sĩ vẫn tiếp tục sinh nhai bằng nghề bốc thuốc nhưng lại mở trường dạy học sau một thời gian ngắn ngồi dạy tại tư gia.Theo sách Đoàn Thị Thực Lục, Hồng Hà Nữ Sĩ làm việc phi thường như thế chỉ cốt để chứng tỏ là nữ lưu cũng không thua kém gì nam giới. Nữ sĩ đã chứng minh được đúng như thế, vì trong số đồ đệ của nữ sĩ, có ông Đào Duy Doãn về sau thi đỗ Tiến sĩ. Dường như vì thành tích phi thường ấy của Đoàn Thị Điểm mà phát sinh ra câu chuyện bịa đặt (trong truyện hoạt kê Trạng Quỳnh) là Thị Điểm lấy nhầm phải anh thợ cày dốt đặc rồi vì xấu hổ mà phải đóng cửa dạy chồng đến thi đỗ được Tiến Sĩ.Tác giả (khuyết danh) truyện Trạng Quỳnh đặt tên cho ông chồng của nhân vật Thị Điểm là Nguyễn Luân, nhưng phu quân của Hồng Hà Nữ Sĩ Đoàn Thị Điểm lại là Nguyễn Kiều và đã đỗ Tiến sĩ từ năm Ất Mùi 1715, khi bà vợ tương lai mới được 11 tuổi ông già hơn nữ sĩ 11 tuổi và đã có hai đời vợ, cả hai đều đã qua đời trước khi Nguyễn Kiều ngỏ lời câu hôn vào cuối năm Tân Dậu 1741 .Ông Nghè họ Nguyễn này đỗ sớm và nổi tiếng văn hay, đúng là mẫu người tài tuấn mà giai nhân họ Đoàn hằng mơ ước từ thuở mới bắt đầu kén bạn trăm năm. Bà vợ đầu đời của Nguyễn Kiều là ái nữ của Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, khi ấy đã bị Chúa Trịnh Giang sát hại, Nguyễn Kiều nại tình chị em giữa người vợ đã khuất của mình với Đoàn Thị Điểm đã khẩn khoản xin nữ sĩ đoái thương mấy đứa cháu mồ côi mẹ mà nhận lời cầu hôn cho tiện việc thay chị... nuôi dạy con cái. Hồng Hà Nữ Sĩ dĩ nhiên không bị thuyết phục bởi luận điệu vơ vào như thế, nhưng nữ sĩ tự biết là không còn có thể kén lựa quá khắt khe, nhất là sau khi đã gặp được người phần nào đúng với ước mơ.Giai đoạn tin đi thư lại cũng kéo dài cả năm, mãi đến Chạp Nhâm Tuất (đầu năm 1743) nữ sĩ mới thuận cho cưới, để kịp về quê chồng (làng Phú Xá, huyện Từ xiêm, tỉnh Hà Đông) lo việc tề gia cho chồng yên tâm đi sứ sang Tàu. Vừa “vui chữ vu qui” là cô dâu 38 tuổi đã phai vò võ phong sương trên 2 năm, vì cuộc hành trình gặp trắc trở, mãi đến mùa hạ năm Ất Sửu 1745 Nguyễn Kiều mới đưa sứ bộ trở về tới Thăng Long.
Ba năm sau, nhân một trận gió thổi đứt rèm của phòng loan, Hồng Hà Nữ Sĩ tính ra là đêm báo trước rằng mình sắp hết hạn lưu đày xuống cõi trần nhưng chồng thì lại sắp thăng quan tiến chức. Vì đã biết trước, khi Thị Lang Nguyễn Kiều được bổ làm Bố Chính tỉnh Nghệ An, phu nhân đã xin chồng cho ở lại quê nhà để khỏi phải gởi nắm xương tàn nơi đất lạ. Nhưng rồi nữ sĩ lại chiều theo ý phu quân mà cùng đi vào xứ Nghệ, vì biết rằng số mệnh đã an bài thì tránh cũng không thoát.Ngã bệnh dọc đường và bệnh tình ngày càng nguy kịch nhưng còn ở trên thuyền cũng như khi đã vào ở trong dinh Bố Chính tỉnh Nghệ, nữ sĩ vẫn tuyệt nhiên không trị bệnh cho mình mặc dù rất tinh thông y thuật. Bảy ngày sau khi chồng phó nhậm xong xuôi Đoàn Thị Điểm bỗng tỉnh táo hẳn lại như đã rũ hết bệnh não. Nữ sĩ sai mời chồng vào phòng khuê, sụp lạy hai lạy để cáo biệt, đoạn ngỏ lời gởi gấm mẹ già rồi bình thản nằm xuống, yên giấc nghìn thu. Đó là ngày 11 tháng Chín năm Mậu Thìn 1748, nữ sĩ hưởng dương 43 tuổi.
Trần Phạn Vũ