Nguyễn Văn Sâm phiên âm theo bản Nôm do nhà Kim Ngọc Lâu 金玉楼 giữ bản gỗ, khắc in năm Ất Hợi (1875) người Minh Hương sống ở tỉnh Gia Định là Duy Minh Thị 惟明氏 soạn thành truyện, nhà phát hành Hòa Nguyên Thạnh Điếm 和源盛店 ở Chợ Lớn nhập và phân phối ở Việt Nam. Bản khắc gỗ thực hiện bên Tàu, tại tỉnh Việt Đông 粤東, xứ Phật Trấn 佛鎮 (Quảng Đông).
1. Bìa truyện Nữ Tú Tài bản Nôm Phật Trấn. 2.Trang thứ nhì, tức 1b: Đêm ngày luyện tập thi thơ…)
Những gì ta biết về bản văn Nữ Tú Tài.
Nữ Tú Tài Nôm:
Về mặt Nôm thì Nữ Tú Tài biệt vô âm tín, thời Phủ Quốc Vụ Khanh Đặc Trách Văn Hóa của cụ Mai Thọ Truyền mặc dầu xuất bản được một số lớn tác phẩm Nôm phiên âm có kèm theo bản Nôm nhưng cũng chưa kịp in Nữ Tú Tài… Số phận truyện Nữ Tú Tài, giống như nhiều tác phẩm Nôm khác như Hạnh Thục Ca, Hoa Điểu Tranh Năng, Bần Nữ Thán hay Lưu Nữ Tướng… sẽ bị người đọc không biết đã đành, giới nghiên cứu cũng không có điều kiện để tiếp xúc. Đó là điều đáng buồn cho văn học Việt Nam, mà ai ưu tư khi nghe đến cũng thở dài.
Trong chuyến đi Paris tháng 11 năm 2016 vừa qua, tôi được nhà Hán học Phạm Xuân Hy tặng cho bản sao truyện Nữ Tú Tài mà tôi nghĩ ông đã sao lại từ Thư Viện Trung Ương Pháp, nay là Thư Viện Mitterant ở Paris. Tiếc là bản nầy, không biết do nguyên nhân từ đâu, mất trang đầu. Chúng tôi thích thú khi được bản Nôm mình chưa từng thấy nên khi về lại Mỹ đã ra công phiên âm và chú thích những từ ngữ và câu văn cần thiết cho người đọc có trình độ văn chương Việt Nam trung bình.
Lục trong đám thư tịch sách Hán Nôm ta thấy Nữ Tú Tài được bộ sách Di Sản Hán Nôm Việt Nam cho biết còn có hai bản nữa đang ở Pháp, tại trường Ngôn Ngữ Đông Phương.
1. Bản AB 43 Thịnh Văn Đường, in năm Thành Thái Nhâm Dần (1902), 42 trang, ký hiệu: LO. VN. III. 308.
2. Bản VNb 13 Phúc Văn Đường, in năm Khải Định Thứ Sáu (1921), 44 trang, ký hiệu LO. VN.IV.471.
Chưa có điều kiện tiếp xúc với hai bản nầy tôi tạm làm việc với bản thứ ba gọi là bản Phật Trấn, in năm Ất Hợi (1875), là bản xuất hiện sớm nhứt, có nhiều từ cổ cũng như cách nói xưa, âm xưa mà lại xuất hiện ở vùng Gia Định có giá trị về phương ngữ Nam Kỳ Lục tỉnh trong những năm người Pháp mới chiếm Nam Kỳ…
Nữ Tú Tài Nôm có phiên âm ra Quốc Ngữ:
1. Trang đầu bản Nôm Thành Thái do M. Durand chép lại và phiên âm. 2. Bản quốc ngữ Vũ Hoài Anh.
Học giả Hán Nôm Maurice Durand trong khi làm việc với các văn bản Nôm thường chép lại bản Nôm bằng bút lông và phiên âm ra quốc ngữ bằng bút mực màu đỏ phía dưới câu chữ Nôm. Ông làm việc cặm cụi trong khoảng 4 thập niên, các công trình ông để lại hiện chứa tại Đại Học Yale, Mỹ. Trong số nầy có bản phiên âm Nữ Tú Tài bản Thành Thái Nhâm Dần AB 43 Thịnh Văn Đường.
Nhìn chung bản phiên âm của ông Durand có một giá trị giới hạn vì đây là di cảo chưa hoàn tất. Một vài sai lầm có thể thấy ngay, như chữ một nhiều khi bị đọc là việc, vì giống nhau về tự dạng, chữ nương long được đọc thành nàng Long…
Điều đáng chú ý là tinh thần khoa học của ông: Khi chữ nào tồn nghi thì ông đưa ra chữ giả thuyết, hoặc chừa trống chỗ chữ cần phiên âm hay đặt dấu hỏi kế bên chữ giả định mà ông chưa nhứt quyết.
Chữ để trống cũng khá nhiều. Chẳng hạn:
Nghĩ khi cử động hành, Thời ta giữ chẳng lộ hình khi nao.
Chữ nầy, theo thiển ý, đọc là dòm ????, tức ngó, cử chỉ của đôi mắt. Chữ khó đọc vì bản khắc hơi khác với chữ thông thường, vã lại dòm là từ miền Nam Kỳ Lục Tỉnh rặc ròng, đã khó hiểu với người chịu quá nhiều ảnh hưởng bởi văn ngôn miền Bắc, lại đi với chữ hành khiến cho ông Durand phân vân.
Nữ Tú Tài quốc ngữ.
Truyện thơ Nữ Tú Tài không được học giới biết nhiều vì không nằm trong chương trình trung học của thời Việt Nam Cộng Hòa, sau 75 thì dĩ nhiên càng không thể có! Tôi chưa đủ điều kiện để rà soát trong hai bộ báo có nhiều tư liệu văn chương việt Nam là Nam Phong Tạp Chí và Tri Tân Tạp Chí có nói gì đến truyện Nữ Tú Tài hay không. Trong mớ sách về cổ văn xưa chỉ thấy có ba (03) bản Quốc ngữ là bản của cụ Đinh Gia Thuyết, do nhà xuất bản Tân Việt in (Sài Gòn, 1952 ?), bản của nhà xuất bản Quốc Hoa, không thấy tên người chịu trách nhiệm (Sài Gòn, 1960), và bản do Vũ Hoài An lược truyện và chú thích, nhà xuất bản Á Châu in (Sài Gòn, không đề năm).
Bản Thi Nham Đinh Gia Thuyết.
Năm 1952, cụ Thi Nham Đinh Gia Thuyết ở Hà Nội có soạn, nhấn mạnh trên việc đính chánh và chú thích, quyển Nữ Tú Tài và Bần Nữ Thán. Nhà xuất bản Tân Việt, Sà Gòn in, chắc cùng năm đó hay chậm lắm là một hai năm sau. Nhà Tân Việt có thói quen chỉ đề giấy phép xuất bản – chẳng hạn số 832/TXB của Nha Thông Tin Nam Việt cho quyển của Đinh Gia Thuyết – mà không đề năm. Sách in chung hai tác phẩm, phần Nữ Tú Tài gồm 79 trang, chú thích chú trọng đến việc giải nghĩa từ Hán Việt và những điển tích dùng trong bản văn. Phần nầy là điểm son của công trình vì cụ Thi Nham vốn là một nhà Nho lỗi lạc có trí nhớ khá tốt – mà không chú thích về những từ ngữ thuần Việt cổ thường hay gây khó khăn cho người đọc. Những câu thơ trúc trắc do điều kiện cần có của thi pháp hay của ngôn từ thời tác phẩm xuất hiện là bức tường khiến người đọc bị ngăn cách với tác phẩm đáng lý cần được giải thích cũng không có. Bản của cụ Thi Nham Đinh Gia Thuyết vì vậy chưa giới thiệu được điều hay, điều quí của bản văn cũng như không thể cho người đọc đoán định thời gian ra đời của bản văn. Phần đóng góp của tác phẩm trong trào lưu văn học vào thời nó xuất hiện vì vậy giới hạn gần như là bị triệt tiêu đi.
Khảo sát cẩn thận bản của Đinh Gia Thuyết, chúng ta thấy rằng mặc dù có thể có nhiều khả năng cụ Thi Nham có trước mắt ba bản Nôm nhưng cụ chọn bản Phúc Văn Đường, in năm Khải Định Thứ Sáu (1921) làm bản nền. Có thể hai bản kia mà cụ tham khảo là những bản chép tay chăng?
Với tinh thần khoa học ngày nay, người khảo sát hay phiên âm bản Nôm phải tôn trọng bản văn tối đa, xét nhiều khía cạnh khi chọn âm mình nghĩ rằng tương xứng nhứt đối với câu thơ và đoạn văn, cụ Thi Nham có thể đã chọn chữ một cách dễ dãi hay thay đổi chữ đã dùng trong bản Nôm bằng chữ khác dễ hiểu hơn. Không có những bản Nôm cụ Đinh Gia Thuyết dùng, chúng tôi chỉ đưa ra nhận xét nầy bằng chữ có lẽ, nhưng với niềm tin rằng nhiều phần có thiệt khi thấy rằng nhiều chữ hoặc nhiều câu khác bản Thịnh Văn Đường vài ba chữ mà lại rất mới, mới đến độ có thể là đã được sửa chữa. Điều nhận xét nầy càng có lý do hơn khi kiểm điểm lại chúng tôi không thấy nhiều vết tích của từ cổ cũng như những câu gọi là khó hiểu, điều chắc hẵn là phải có, do phong cách viết xa xưa cách đây hơn thế kỷ của bản văn!
Trở về trường hợp chữ dòm ở trên, chữ tương ứng trong bản Đv là ngôn: Ngôn, hành dễ hiểu hơn. Từ đây ta có thể tạm đưa ra một trong hai giả thuyết:
Ông Đinh Gia Thuyết dùng bản Khải Định Thứ Sáu (1921) để phiên âm, trong đó chữ chỗ nầy là ngôn 言.
Ông Đinh Gia Thuyết dùng bản Thành Thái Nhâm Dần (1902) để phiên âm nhưng chữ chỗ nầy ông thấy là lạ và tối nghĩa nên đọc ngôn cho dễ hiểu. Điều nầy thì khó xảy ra vì bản phiên âm của ĐGT khác với bản Nôm Thành Thái do M. Durand sao lại sai biệt nhau tới mấy trăm chỗ.
Dầu sao người đi trước cũng mở gai góc cho người đi sau. Khi phiên âm bản Phật Trấn Ất Hợi nầy lắm khi chúng tôi cũng nhờ bản quốc ngữ của Đinh Gia Thuyết để tự tin hơn trong sự phiên âm của mình.
Đặc biệt bản Đinh Gia Thuyết có thêm vài ba đoạn mà bản Phật Trấn không có. Chẳng hạn lúc cuối truyện, bản Phật Trấn kết thúc bằng hai câu:
Truyện nầy dầu thiệt dầu ngoa,
Cứ trong cựu thuyết dần dà chép chơi.
thì bản Đinh Gia Thuyết có thêm sáu câu nữa do phiên âm theo bản Khải Định:
Truyện nầy dù thực dù ngoa,
Cứ trong tiểu thuyết diễn mà chép chơi.
Miễn là lầm lỗi theo lời,
Chẳng ca Bạch Tuyết, chẳng tài Thanh Liên.
Ít nhiều chấp chảnh một thiên,
Ai chê mặc ý ai khen mặc lòng,
Dõi truyền phúc lộc thọ chung,
Kim toàn bách phúc, hưởng đồng thiên xuân.
Bản của nhà Quốc Hoa.
Chắc chắn rằng bản quốc ngữ Quốc Hoa (1960) là bản quốc ngữ Đinh Gia Thuyết được mô phỏng với sự sửa đổi vài từ theo giọng Bắc cho có vẻ mới, vẻ khác. Những chú thích thì không có gì thêm, chỉ tóm lược lại những chú thích của bản Đinh Gia Thuyết mà những chữ Hán kèm theo của chính bản đã được cho vắng mặt.
Nói theo ngôn từ ngày nay, đó là một kết quả của tình trạng ăn theo cho nên có những sai lầm, của người không phải trong giới, đáng nực cười. Chẳng hạn câu ‘Thấy trong Kim Cổ Kỳ Quan, sách ngoài.’ được giải thích là: sách nước ngoài, chép những chuyện lạ lùng xưa nay. Thiệt ra, không phải là sách nước ngoài mà là ngoại thư, sách không dùng để học thi, sách đọc chơi và quyển mà tác giả đương đọc là quyển Kim Cổ Kỳ Quan.
Một dẫn chứng khác: Vào giờ chót sau khi những hiểu lầm rắc rối đã được giải quyết, ngọc trang đính ước trước đây người tình si Soạn Chi trao cho nữ nhân giả nam nhân Tuấn Khanh được trả lại cho vợ của Soạn Chi, Tử Trung bèn đòi lại mũi tên ước duyên, trúc tiên, của vợ mình, nói rằng của ai giao trả nấy cho vui lòng mọi người:
Tử Trung mới hỏi Soạn Chi:
‘Ngọc trang đã hợp nào thì trúc tiên.
Giao hoàn cho phỉ sở nguyền…’
Vậy mà bản Quốc Hoa, và cả bản Vũ Hoài An, đành in hai chữ giao hoàn thành giao hoan! Tôi không nghĩ đó là lỗi typo, mà cho là lỗi do sự hiểu giới hạn của người làm ăn theo.
Bản Vũ Hoài Anh.
Nhà xuất bản Á Châu ở Sài Gòn, trên đường Lê Lai thời thập niên 70, có in chừng chục tựa sách những quyển cổ văn dùng trong chương trình Trung học. Ông Vũ Hoài Anh lược truyện và chú thich quyển Nữ Tú Tài. Bản nầy cũng như bản Quốc Hoa, không có giá trị văn học vì là loại luộc lại bản của Đinh Gia Thuyết, những chú thích từ bản Đinh Gia Thuyết, Vũ Hoài Anh cũng không cần thay đổi gì nhiều. Công ông làm lược truyện thì trong đó ít nhứt là 5, 6 điều sai lầm:
Nhân vật Tuấn Khanh, tức Phi Nga con nhà Tham Tướng họ Văn chứ không phải họ Vân như Vũ Hoài Anh cho in từ đầu tới cuối quyển sách của mình.
Phi Nga giả trai vì muốn học kinh sử theo thời chuộng văn khinh võ chớ không phải vì ‘Đã đẹp lại có thiên tài, Phi Nga lấy làm đắc ý lắm. Nàng giả trai…’
Phi Nga và hai bạn đều đổ Tú Tài chớ không phải đều chiếm khôi nguyên.
Người chú giải không hiểu câu nói của Soạn Chi ‘Lấy nhau đây cũng thuận tình gả cho.’ Chữ gả ở đây là cưới chứ không phải gả như chúng ta dùng ngày nay. Soạn Chi chẳng có quyền gì để gả bán ai, hơn nữa trong lòng anh ta rất thích Tuấn Khanh nếu Tuấn Khanh là gái.
Cha của Phi Nga không cho con gái mình đi thi Hội vì sợ con bị lộ hình tích là gái chớ không phải ngại con thân nữ dặm trường…
Tên của người cáo gian quan Tham Tướng là Binh Đạo chớ không phải là Đình Đao.
Ngoài ra phần chú giải thì nhiều sai lầm nếu khác với chú giải của Đinh Gia Thuyết. Chẳng hạn chữ quy tỉnh trong câu 44: Giả rằng quy tỉnh phủ công ra về, Vũ Hoài Anh sửa là quy tính và cắt nghĩa là quy tâm là nhớ nhà muốn về. Thật ra chữ tỉnh ở đây là tỉnh thám, tức thăm viếng, quy tỉnh là về thăm viếng cha mẹ.
Hai bản quốc ngữ Quốc Hoa và Vũ Hoài Anh đều chép theo, nếu không nói là lấy cắp của Đinh Gia Thuyết. Chẳng hạn Đinh Gia Thuyết khi in sai chữ ân thành ăn trong câu:
Nói thôi mở lấy túi vàng/chia cho những kẻ ngục trường làm ân thì hai bản kia cũng viết làm ăn…
Cũng vậy, khi bản Đinh Gia Thuyết in sai chữ thời thành thôi trong câu:
Nghĩ mình cử động ngôn hành, Thời ta giữ chẳng lộ hình khi nao! Thì hai bản kia cũng viết thôi ta…
Chúng ta chưa thấy thêm bản quốc ngữ Nữ Tú Tài nào khác. Ba bốn nguồn để tác phẩm bình dân dưới hình thức truyện thơ đến được với quần chúng là nhóm ‘sửa lại bổn cũ’ do mấy nhà xuất bản ở Chợ Lớn thực hiện từ thập niên 30 đến thập niên 60 của thế kỷ trước là Phạm Văn Thình, Phạm Đình Khương, Thuận Hòa đều không thấy truyện Nữ Tú Tài.
Ông Xuân Lan, một biệt hiệu khác của nhà văn Nguyễn Văn Vĩnh, chủ bút tờ Đông Dương Tạp Chí, đã có thời in nhiều truyện thơ xưa, chúng ta cũng không may mắn thấy được Nữ Tú Tài từ công trình của ông.
Nhà xuất bản Văn Học ở Hà Nội trước 1975 thỉnh thoảng có in một hai truyện thơ với chú giải rất uyên thâm như Lưu Nữ Tướng, nhà xuất bản Thuận Hóa ở Huế sau 1975 cũng thế, rất đáng ngợi khen với quyển Mã Phụng Xuân Hương. Vậy mà không thấy tăm dạng Nữ Tú Tài.
Ông Trịnh Xuân Thanh trong quyển Thành Ngữ Điển Tích Danh Nhân Từ Điển có mục từ Nữ Tú Tài trên trang 778, sau khi tóm lược cốt truyện chỉ lập lại ý kiến của Đinh Gia Thuyết mà ông dùng làm tài liệu và chịu ảnh hưởng: ‘Truyện Nữ Tú Tài chẳng có gì đặc sắc, trọng tâm của tác giả là giới thiệu một người con gái tài kiêm văn võ có hành động như một trang nam tử’.
Gần đây nhứt, tại Sàigòn, nhóm của Th.S. Bùi Văn Vượng khi thực hiện hai tập dầy cợm Kho Tàng Truyện Nôm Khuyết Danh (2000) giới thiệu hơn hai mươi truyện Nôm khuyết danh dưới dạng chữ quốc ngữ cũng không thấy bóng dáng Nữ Tú Tài.
Tiếc thay!
……
Vậy thì truyện Nữ Tú Tài trên nguyên tắc có ba bản Nôm, hai bản kia có thể đã được dùng tuy rằng bản Nôm chưa được công bố, bản Phật Trấn có số phận hẩm hiu hơn, chưa được học giả nào nói tới cũng như chưa được ai phiên âm và giới thiệu.
Việc phiên âm bản nầy vậy là điều đáng làm. Chúng tôi bắt tay ngay khi được thủ đắc cũng vì lẽ đó. Điều đáng mừng là nó rất sạch sẽ, không bị rách hay mất chữ. (Chỉ bị mất trang đầu như đã nói ở trên, nhưng cũng có thể tìm được sau nầy khi ai có điều kiện sang Paris với hằng tâm tìm đến các thư viện.) Điều mừng thứ hai là bản Phật Trấn nầy ra đời sớm nhất, năm 1875 – không thể là năm 1935 vì lúc nầy chữ Nôm không còn đắc dụng, sự buôn bán bản Nôm khắc từ bên Tàu đem qua cũng đã chấm dứt từ lâu – trong khi hai bản kia xuất hiện sau đó từ 30 đến 50 năm, những vết tích xưa trong bản văn thời tác phẩm được sáng tác vì vậy không còn giữ được nhiều như bản Phật Trấn…
****************
Câu chuyện Nữ Tú Tài theo bản Nôm đơn giản hơn câu chuyện nguyên thủy trong nguyên bản của truyện thứ 34 trong số 40 truyện của tập Kim Cổ Kỳ Quan. Duy Minh Thị khi viết bản Nôm nầy chỉ chí ý đến tình tiết về người nữ Phi Nga mà không để ý đến chuyện văn thơ mở dầu và những điều lòng vòng về gia thế nầy nọ của người nầy người kia đưa ra trong nguyên tác.
Chúng tôi cũng xin tóm lược câu chuyện theo bản Nôm vì phần nầy đã ảnh hưởng lên người Việt bao thế hệ rồi, những tình tiết khác trong nguyên tác đã trở thành kẻ đứng ngoài nên không cần phải nói tới.
Đời nhà Tống, vào những năm vua thích văn học mà bỏ bê nghiệp võ, quan Tham Tướng (quan võ) họ Văn có người con gái đẹp đẽ tên là Phi Nga rành nghề cung kiếm. Nàng sống với cha vì mẹ đã khuất núi:
Họ Văn có Nữ Tú Tài,
Con quan Tham Tướng tuổi vời xuân xanh.
Vả thêm quốc sắc khuynh thành,
Đã hay nghề ngựa lại rành nghề cung.
Chân thiếu nữ, giả anh hùng,
Trượng phu mấy kẻ địch cùng kém xa.
Đặt tên là ả Phi Nga,
Huyên đường sớm vắng, còn nhà nghiêm quân.
Nhưng vì hoàn cảnh xã hội nàng quyết theo đòi cho đến nơi chuyện văn thơ. Vào thời đại của sự trọng nam khinh nữ, nam nhân mới được đi thi nàng Phi Nga quyết định giả trai để đi học với tên là Tuấn Khanh:
Quần chân, áo chít, cài khuy.
Trá hình làm đấng nam nhi học hành.
Cải danh hiệu đích Tuấn Khanh…
Khi học tại trường nàng làm bạn với hai nho sĩ là Ngụy Soạn Chi và Đỗ Tư Phong, cả ba quyết lòng học để thành tài, không nghĩ gì đến chuyện lập gia đình. Rồi cả ba đều thi đậu Tú Tài, và vẫn cùng nhau học hành.
Vì là nữ nên khi Phi Nga giả trai thì chàng trai gái giả Tuấn Khanh rất đẹp trai cho nên hai bạn chú ý cười cợt. Có lần Tử Trung nói rằng nếu Tuấn Khanh mà biến thành con gái thì mình sẽ xin cưới:
Tử Trung nói cợt trình hầu Tuấn Khanh.
Rằng hai ta tuổi xuân xanh,
Đồng niên đồng cán khoa danh cũng đồng.
Chước chi biến dịch thư hùng,
Lấy nhau làm vợ làm chồng đẹp đôi.
Soạn Chi cũng không chịu thua:
Soạn Chi thấy nói mỉn cười,
Rằng âm dương vốn khí trời bẩm sanh.
Ví mà biến tướng cải hình.
Lấy nhau đây cũng thuận tình cưới cho.
Tuấn Khanh nghe hai bạn nói như thế thì lo sợ e rằng mình đã sơ hở trong khi giao tiếp khiến bị lộ chăng, cẩn thận cách mấy thì ngực vẫn cao và má vẫn hồng:
Dẫu mà khép nép ra vào.
Nương long sai dậy, má đào hây hây.
Câu đùa cợt của bạn khiến Tuấn Khanh suy nghĩ và quyết tình chọn một trong hai người để kết duyên sau nầy nhưng chưa biết sẽ chọn ai. Tình cờ có một con chim sẻ đậu vừa tầm tay bắn. Tuấn Khanh lấy mũi tên viết vào đó mấy chữ cùng là đề tên thiệt Phi Nga. Khi bắn tên ra Phi Nga nguyện rằng ai bắt được tên kia thì là có duyên nợ với mình, nàng sẽ kết duyên với người đó. Tử Trung bắt được tên nhưng có chuyện gấp phải về nhà bèn trao mũi tên lại cho Soạn Chi:
Chim bay rơi xuống học tràng,
Tử Trung chợt thấy vội vàng ra xem.
Vô tình ai biết sự gì,
Trông lâu bỗng thấy tùy nhi gọi về.
3a Cầm tay trao bảo Soạn Chi.
Soạn Chi cầm tên lên thấy chữ đề và nghĩ rằng người bắn là một nữ nhân có tài nên ước muốn được gặp. Tuấn Khanh bảo đó là chị mình và sẽ làm mai mối cho, trong lòng Tuấn Khanh vẫn nghĩ Soạn Chi là người bắt được mũi tên kia, và người nầy đó là lương duyên của mình nên mới đặt chuyện mai mối và đòi có vật gì làm tin. Soạn Chi vui mừng bèn trao ngọc trang như là của sính lễ với người chị vô hình của Tuấn Khanh.
Sau mà vẹn chữ vu quy,
Thời anh phải lấy vật gì đưa sang.’
Soạn Chi mở tráp vội vàng,
Đưa ngay một chiếc ngọc trang báu kỳ.
‘Nàng’ Tuấn Khanh về nhà với tâm sự của nàng Phi Nga: Lòng muốn người khác mà tên lại vào tay người khác. Nàng cho tới lúc nầy vẫn tin như vậy:
Tiếc thay chàng Đỗ Tử Trung,
Đồng niên mà lại nghi dung đức tài.
Cùng nhau muốn kết duyên hài,
Song le tên mắc ở nơi tay người.
Thời gian qua, có chiếu của vua cho mở kỳ thi Hội. Hai bạn rủ Tuấn Khanh đi thi nhưng Tuấn Khanh sau khi hỏi ý cha thì được khuyên là thôi vì thi nữa thì có thể sẽ bị lộ việc giả trai, ở nhà vậy mà chắc:
Cha rằng con gái nữ hài,
Thi Hương đã đỗ Tú Tài làm hay.
Lại đòi Hội thí chi rày,
Phòng khi sự giác nữa mày làm sao?
Âu là giả chước làm cao,
Anh em ai biết sự nào mà nghi.
Đỗ Tử Trung và Ngụy Soạn Chi người thì đậu Trạng Nguyên, người thì đậu Thám Hoa. Trong khi đó nhà quan Tham Tướng lại xảy ra tai biến, ông bị cáo gian và bị bắt hạ ngục. Vua cho Tú Tài Tuấn Khanh được thong thả, Tuấn Khanh mới lo lót cho ngục quan để cha mình khỏi bị hành hạ còn mình thì chuẩn lên kinh đô lo việc kêu oan.
Trong việc đi nầy, Tuấn Khanh được vợ chồng Văn Long đi theo:
Ba người mưa nắng dãi dầu.
Một cung, một ngựa, một bầu lân la.
7b Chẳng nề muôn dặm đường xa,
Chơn đi miệng niệm Di Đà hộ thân.
Khi tới kinh đô thì chuyện rắc rối xảy ra, khi nhóm Tuấn Khanh tạm ngụ nơi một quán trọ thì bên kia liễu tường có người con gái nhìn thấy chàng trai đẹp mã bèn đem lòng thương trộm yêu thầm:
Càng nhìn càng nổi trận rào,
Nương long thốn thức, áo bào mưa chan.
Biết ai mà đặng thở than,
Chước chi đây đấy giao hoan một phòng.
Nàng đánh bạo cho người đến làm quen khuyến dụ lại còn nhờ ông ngoại mình sang nói chuyện muốn đính kết hôn nhơn. Tuấn Khanh nói dối rằng mình đã có vợ thì cũng không ổn vì người hầu Văn Long lẽo mép bật mí chủ mình chưa có vợ. Tuấn Khanh buộc lòng phải nhận lời và trao ngọc trang cho cô gái họ Cảnh với mục đích sau nầy sẽ gả nàng con gái nầy cho Tử Trung là người mình vốn có nhiều cảm tình và luôn nghĩ tới:
Thấy lời lão tướng cạn cùng,
Chàng liền nhớ đến Tử Trung bạn hiền.
Còn không chưa định nhơn duyên,
Mới toan một chước tạm quyền giả danh.
Giải quyết xong, Tuấn Khanh lên đường đi kinh đô, Cảnh tiểu thơ ở lại nhớ thương, van vái cho mọi sự yên xuôi: quanTham Tướng khỏi nạn, chàng Tuấn Khanh đi được bình yên, một tình cảm rất thiệt của người phụ nữ đương yêu:
Ngán thay nỗi Cảnh thư nương,
Từ ngày chịu lễ ngọc trang của chàng.
Ruột tằm đoài đoạn tơ vương,
Tóc mây biếng chải, cơm thường thờ ơ.
Mặt hoa quái dạng ngẩn ngơ,
Khúc cầm biếng khải, lá thơ ngại đề.
13a Mong cho chàng kíp trở về,
Tạ ơn ông nguyệt, vu quy phỉ nguyền.
Lạy trời kíp giải oan khiên,
Cho quan Tham Tướng bình yên về nhà.
Tuấn Khanh đến gặp Tử Trung để nhờ đưa đơn giải oan cho cha mình, Tử Trung nhận lời nói rằng việc khó khăn của bạn, mình sẽ lo tròn.
Tôi xin cứu khỏi nạn nầy,
Gọi là kẻ mỏng người dầy đỡ nhau.
Trong khi Tử Trung đem sớ của Tuấn Khanh vào triều thì Tuấn Khanh đi dạo chơi kinh kỳ. Tử Trung đến phòng trọ của bạn thấy có cái rương mở và có bản thảo sớ văn với chữ ký của con gái tên Phi Nga. Chàng ta hiểu ý và đã giữ làm đối chứng với Tuấn Khanh sau đó.
Tuấn Khanh thú thiệt mình là Phi Nga và lấy làm tiếc là mình đã nhận ngọc trang của Soạn Chi như là vật đính hôn vì Soạn Chi bắt được cái mũi tên nguyện ước của mình. Tử Trung nói rằng mình mới là kẻ bắt được đầu tiên và đọc lại những chữ Phi Nga viết trên mũi tên. Phi Nga thấy đây mới thiệt là người có duyên trời với mình nên đồng ý làm vợ của Tử Trung.
Toại lòng hương lửa tưng bừng,
Tạm quyền ông nguyệt, xích thằng xe dây.
Trăng trăng, gió gió mây mây,
Kẻ yêu quốc sắc, người say anh tài.
…….Chàng liền cởi áo cẩm bào,
Thiền quyên sánh với anh hào giao hoan.
Trướng loan nghiêng ngữa gối loan.
Thắm duyên thần nữ, phỉ nguyền văn nhân.
Vui vầy bể ái nguồn ân,
Mưa tuông đĩnh Sở, mây vần ngàn Tương.
16b Khắc giờ hơn nửa ngàn vàng,
Say sưa vẻ nguyệt mơ màng giấc mai.
Trong khi vui tình chồng vợ với Tử Trung nàng Phi Nga nghĩ đến tình cảnh của Soạn Chi và sự nhận ngọc trang của mình trước đây nên xin chồng cho mình đi thuyết phục nàng tiểu thơ họ Cảnh để nàng ta đồng ý làm vợ Soạn Chi. Đó là kế lấy ngựa thay trâu hay là di hoa tiếp mộc:
Tôi xin lập một chước mầu,
Tấn xưa lấy ngựa dịch trâu lọ là.
Sau thời gian thuyết phục nàng họ Cảnh cuối cùng rồi thì nàng cũng nhận lời. Sau đó cả hai vợ chồng Tử Trung Phi Nga lại thuyết phục Soạn Chi. Công việc cũng kết quả dầu hơi khó khăn. Trong khi đó thì quan Tham Tướng đã được phục oan trở về làm quan như cũ.
Câu chuyện kết thúc với bốn họ vui mừng. Họ Cảnh và họ Ngụy được kết duyên là do công của họ Văn, nhưng nhờ thế duyên tình của họ Văn không bị tì vết… Bốn bên đều vui mừng..
Mừng lòng, vã toại sở cầu,
Người xe chỉ thắm, tôi đem lá vàng.
Song song anh yến phụng hoàng,
Cùng nhau mở tiệc lên đàng vinh quy.
Dĩ nhiên ngọc trang đã về trở lại chủ nhân là Soạn Chi. Nàng Phi Nga do đó cùng chồng xin lại mũi tên nhân duyên của mình mà anh nầy còn đang cất giữ, và được trả lại:
24b Tử Trung mới hỏi Soạn Chi,
Ngọc Trang đã hợp, nào thời trúc tên.
Giao hoàn cho phỉ sở nguyền,
Các tùy kỳ tiện, mới yên dạ nầy,
Trúc tên Soạn mới cầm tay,
Vâng lời bèn mới đưa ngay cho chàng.
Truyện kết thúc với niềm vui của bốn người bốn họ. Từ đó họ đời đời kết thân:
Giao hoàn, bốn họ vang lừng,
Có người khoa mục có nàng thục nhân.
Đời đời xuân lại thêm xuân
Dõi truyền Đỗ, Ngụy, Cảnh, Văn, bốn nhà.
Câu chuyện Nữ Tú Tài Di Hoa Tiếp Mộc là câu chuyện của người Tàu, nhưng khi biến thành truyện thơ Nữ Tú Tài lại có những điểm hay ho: có sự nhớ thương tình nhân, có sự lo lắng khi người yêu lên đường lo công việc, có đoạn tả chuyện vợ chồng mặn nồng nhưng thanh nhã. Về mặt lịch sử, truyện có rất nhiều từ ngữ xa xưa thời người Pháp mới tới mà không phải tác phẩm nào cũng có, nhứt là những tác phẩm thuộc loại làm văn chương bậc cao với quá nhiều từ ngữ Hán Việt cũng như điển tích như Đoạn Trường Tân Thanh, như Hoa Tiên, như Cung Oán Ngâm Khúc…
Nguyễn Văn Sâm
(Victorville, CA, Mùa Noel, Dec. 15-31, 2016)