User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

doai

Giảng luận bài Dân ca:

Đố ai nằm ngủ không mơ
Biết em nằm ngủ hay mơ
Nửa đêm trăng xuống đứng chờ ngoài hiên
Nửa đêm tôi đến bên bờ yêu đương
Đố ai nhặt được tim ai
Biết em nhặt được tim tôi
Để tôi ca hát cho đời nên thơ
Để tôi âu yếm dâng người trong mơ

Mơ là gì? Mơ theo nghĩa thông thường là mơ ước, vọng đến một cái gì ngoài tầm hiện tại hợp với ý tình ta. Mơ là một thoát vượt của thần trí, một phóng nhiệm của tâm tư ta đến một hình ảnh nào êm đẹp của cuộc sống ngày mai trong đó khát vọng tiềm tàng nơi ta được thỏa mãn, mọi đắng cay, dằn vật hiện nay không còn và ta ung dung tự tại trong một cuộc sống bình an. Mơ thường là một hoạt động âm thầm của tâm hướng hơn là ý hướng, chí hướng.

Mơ do thúc đẩy của chí hướng thường là mộng: mộng công danh, mộng sông hồ, mộng anh hùng, khanh tướng,… Mộng có thể là những điều quái dị, hão huyền, vì thế mộng thường đi đôi với mị. Cô Kiều mơ thấy Kim Trọng mà mộng thấy Đạm Tiên. Mộng có cường độ mạnh hơn mơ. Mộng và mơ có thể xuất hiện khi ta thức hay lúc ta ngủ. Mộng và mơ trong giấc ngủ được gọi là chiêm bao.

Mộng và mơ khác với hy vọng. Hy vọng chỉ có lúc ta đang thức. Hy vọng thường là khuynh hướng trong thực tại, thoát ly thực tại, hình dung ra một tương lai để thực hiện hóa tương lai đó trong hiện tại bằng sức lực, khả năng mình hoặc dựa trên những điều kiện thực tại, dẫn đến điều ta hy vọng.

Ở đây, không chú trọng phân tích những sự kiện tâm lý trên. Nêu ra đôi điều khác nhau đơn sơ như trên, chủ ý muốn nói đến cái "mơ" trong bài dân ca.

Đố ai nằm ngủ không mơ…

Sống là có mơ, mơ ngay trong khi thức và mơ nhiều trong khi ngủ. Thường không ai hoàn toàn thỏa mãn với hiện tại; do đó không ai không hướng vọng đến một cảnh sống tốt đẹp hơn trong ngày mai. Hướng vọng đó được thể hiện qua mộng, qua mơ những khi ta tạm quên thực tại hoặc những lúc cõi ‘hữu thức’ của ta đi vào yên nghỉ. Vì thế, sống không thể không mơ. Bằng từ "đố ai", bài dân ca nêu ra cái sự kiện tất yếu đó nơi con người.

Biết em nằm ngủ hay mơ..

Chỉ riêng em mới hay mơ như thế. Em mơ cái gì? Bài dân ca không nói. Mà sao chỉ có em mới hay mơ, tại sao lại là "em" mà không một ai khác? Em mơ cái gì em đang thiếu thốn, thèm khát chăng? Không phải thế. Đọc hết bài dân ca, ta thấy ngay cái mơ của cô gái nhỏ không giống cái mơ thường tình của mỗi chúng ta. Nó không là mộng, không là hy vọng. Vì nếu em mơ một cái gì cho riêng em thì trăng kia đã không phải đứng đợi ngoài hiên.

Nửa đêm trăng xuống đứng chờ ngoài hiên…

"Trăng đứng chờ" là hình ảnh nghệ thuật thi vị nhưng không nói lên nỗi niềm tưởng nhớ em thơ. Trăng không phải là gã si tình hóa thân thành người để mong là đối tượng của tình em. Trăng cũng chẳng phải là một nghệ sĩ đứng nhìn em trong giấc ngủ thiên thần. "Trăng đứng chờ" kia mà! Chờ gì? Chờ em thức giấc, chờ em tỉnh cơn mơ. Trăng muốn rõ nội dung giấc mơ của em đấy. Vì giấc mơ của em cũng là giấc mơ của trăng nhưng trăng không mơ, không thể nào mơ được. Điều em mơ cũng là điều trăng thao thức muốn biết, muốn gặp; điều em mơ cũng là điều trăng đi tìm.

Biết em nằm ngủ hay mơ…

Chỉ riêng em mới "hay mơ" như thế. Tại sao lại là "em" mà không một ai khác? Tại sao không là anh, là chị, là ông, bà, cô bác,… Tại vì em đang lứa tuổi hài nhi, nghĩa là trong trắng, ngây thơ, chưa lăn lộn vào cõi đời ô trọc, chưa "nhiễm độc" bởi bao cay đắng, hồ đồ, hư ngụy của hoạt sinh. Em còn tâm hồn thuần khiết, tinh anh nên dễ đi vào giấc mơ trung thực, dễ trực nhận, trực giao với những gì xán lạn, lung linh. Điều em mơ phải đẹp.

Nửa đêm tôi đến bên bờ yêu đương…

Và tôi đến nữa. Tôi cũng như trăng. Tôi không đến để ngắm em. Tôi không canh chừng giấc ngủ của em, không nhìn cũng không ru em ngủ. Tôi chỉ đến "bên bờ yêu đương" thôi. Đoạn dân ca hay đoạn thơ thơ mộng làm sao! "Bên bờ yêu đương" tôi chưa thực sự yêu em hay tôi chưa được tình em đáp ứng, chỉ riêng tôi hay cả đôi ta. Nếu đây là lời tỏ tình, ta thấy cái ấp úng, băn khoăn của chàng trai lúc ngỏ tình với cô gái. Em hay tôi chưa thỏa thuận đồng hành trong tình yêu đôi lứa? Có lẽ chỉ mới tôi thôi. Tôi chưa yêu hay đúng ra tôi mới mấp mé bên tình yêu. Tôi mới "đến bên bờ", đứng đấy và cũng như trăng "đứng đợi". Đợi gì? Đợi em trở giấc, đợi biết rõ giấc mơ của em.

Em mơ cái gì? Có thể em mơ nhiều thứ, mơ được giàu sang, mơ được sống cuộc đời hạnh phúc, mơ một cuộc tình êm đẹp, mơ tơ duyên được thành tựu, mơ được gặp người yêu lý tưởng. Nhưng nếu chỉ thế, nghĩa là mơ những điều thông thường cho riêng em thì hẳn nhiên trăng kia không nhọc lòng đứng đợi. Tác giả "nhân cách hóa", lấy ánh trăng làm mặt trăng – một lối hoán dụ: lấy bộ phận nói toàn thể, lấy một tính chất, một đặc điểm, một sự việc để chỉ cái chung phổ quát - vừa để tạo nên một hình ảnh của tưởng tượng nghệ thuật vừa để nói lên một cái gì xa hơn, rộng hơn, thiết thực hơn cho em và cho trăng.

Có thể điều em mơ cũng giống như người tín đồ Phật giáo hay Ki-Tô giáo, mơ sao cuộc sống thoát khỏi mọi buộc ràng, khổ đau của cuộc đời. Nhưng như thế chỉ là lời cầu nguyện, một cầu xin hơn là một cơn mơ. Vậy điều em mơ là điều gì? Chắc chắn không là điều cho riêng em mà phải là điều chung cho tất cả trong đó có trăng. Trăng muốn biết điều em mơ nên đã phải nửa đêm đứng chờ. Không vì thương, vì yêu, vì bị cuốn hút bởi sắc đẹp của em. Vì "trăng xuống lúc nửa đêm" kia mà! Nếu vì mê nhan sắc thì trăng đã dòi dõi theo em, đã đến từ lúc đầu hôm, đâu phải đợi vào thời điểm đó. Cũng không phải chờ em dậy để trăng thỏ thẻ tình tự trao duyên. Trăng gặp em bất cứ lúc nào nhất là lúc em nhìn trăng, chiêm ngưỡng chị Hằng. Vậy thì "trăng đứng chờ" nhất định là để biết giấc mơ của em, để xem điều em mơ có cùng là điều mơ của trăng nhưng trăng không bao giờ mơ được. Trăng khát khao muốn biết cái điều em thấy trong mơ.

Nửa đêm trăng xuống đứng chờ ngoài hiên…

"Trăng xuống", đúng thế. Không phải trăng hạ mình, không phải vì mặc cảm tự ti, miễn cưỡng mà là thái độ khiêm cung, thành khẩn, không cao ngạo, kiêu hãnh, tự tôn vì lẽ nầy lẽ nọ. "Trăng xuống" nghĩa là trăng phải rời bỏ cái vị trí hiện hữu để chuyển mình qua một vị trí mới, từ bỏ bao nhiêu thành kiến lâu nay, từ bỏ cái lớp áo vũ trụ hiện tượng của xã hội đã mặc vào cho trăng, để trở nên thanh sạch, tinh tuyền hầu mới xứng là kẻ tôi tớ trung thành hầu hạ giấc mơ của em. Và phải vào lúc "nửa đêm". "Nửa đêm trăng xuống, nửa đêm tôi đến.." không phải vì thuận miệng, thuận lời vì rất có thể dùng một từ khác như "đêm đêm, hằng đêm, từng đêm" "Nửa đêm". Phải đợi vào thời điểm nầy, thời điểm từ đêm bước sang ngày, thời điểm mà tất cả lắng đọng, sống chiêm nghiệm cái bước nhảy vọt của thời gian, bước nhảy vọt của thần trí, tâm tư em và chung của con ngườì đột ngột đoạn tuyệt cái sống hiện tượng phù du, cái "thế dạ của nhân hoàn" để bắt gặp lại chính mình, để chiêm nghiệm ý nghĩa đích thực của cuộc sống, để trở về với chân thực với bản thể con người, để "sống lại với ngày mới".

Và tôi cũng đến đúng vào thời điểm đó, thời điểm "nửa đêm" "Tôi đến bên bờ yêu đương" nghĩa là tôi sắp được yêu, tôi sắp được vào cuộc yêu, tôi sắp bắt gặp tình yêu. Như vậy là tôi chưa yêu em, dù tình yêu đơn phương về phía tôi và tôi cũng chưa được em yêu. Tình yêu sẽ thành tựu trong giấc mơ của em thôi, trong cái điều em mơ đó. Biết được điều em mơ, hai ta sẽ đi vào tình yêu chân chính, cùng hội nhập trong nhau cái tính thể toàn khối của tình yêu. Điều em mơ sẽ là sức đẩy, là động lực, sẽ là con đường đưa dẫn hai ta đến tình yêu chân chính đó.

Em còn đang mơ, giấc mơ của em chưa thành, điều em mơ tôi chưa được biết thì tôi chỉ "mấp mé bên bờ" tôi chưa bước được qua bờ bên kia, tôi chưa "đáo bỉ ngạn". Cái bước nhảy của lòng tôi, của tình yêu chúng ta, của "chưa yêu" sang "yêu thật sự" chỉ thể hiện trong điều em mơ. Tình yêu là một thứ ‘triết lý bi đát’ đưa đẩy cuộc sống vào khổ đau, chỉ vì hiện hữu như lâu nay cản ngăn hết mọi ngã ngách đi vào tình yêu đích thực.

Nửa đêm trăng xuống đứng chờ ngoài hiên
Nửa đêm tôi đến bên bờ yêu đương…

Cả hai đều cùng trong tình trạng chờ đợi và cùng đến trong cùng thời điểm. Tôi chưa thể bước vào tình yêu em cũng như trăng không thể bước đến bên em chỉ vì kính trọng giấc mơ của em, chỉ vì điều em mơ cả tôi và trăng chưa biết và đang khát khao muốn biết. Trăng là biểu hiện của thiên nhiên và "tôi chỉ chung mọi người". Giấc mơ của em như thế nào mà cả vạn vật, thiên nhiên, và con người đến bên em chờ đợi? Có phải vì em đẹp, cái đẹp sắc sảo, não nùng, lộng lẫy làm choáng ngợp cả cỏ cây mây nước và mọi người? Cái đẹp làm đảo điên, run sợ tất cả để chẳng một ai dám đến gần em trong những giờ em sinh hoạt nên phải đợi đến đêm, em ngủ mới dám đến quây quần bên em? Có phải vì em khó tính? Không hẳn thế. Em chẳng đẹp não nùng, tráng lệ, em cũng chẳng phải cứng lòng, khó tính. Vì trái tim tôi chỉ "âu yếm dâng người trong mơ" chứ không phải dâng cho em, hay là dâng cho em đấy nhưng là em trong mơ, dâng cho giấc mơ của em, dâng cho điều em mơ ước vì "em trong mơ khác với em hiện thực thường ngày".

Vậy, điều em mơ là điều gì mà em luôn hay mơ? Dĩ nhiên không là điều mơ riêng cho em như đã nói. Điều em mơ phải là điều mơ chung của tất cả. Tất cả đều "mơ" về điều đó nhưng chưa – hay không một ai bắt gặp. Nên tất cả đang chờ em thức giấc để thông đạt điều mơ kia với mọi người. Hỡi cô em gái, em mơ gì nào? Điều gì đã đến với em trong cơn mơ? Em mơ một cuộc sống lý tưởng chăng? Cuộc sống lý tưởng nơi thế gian nầy – giàu sang, hạnh phúc, địa vị, công danh,… - nhưng như thế cần gì phải mơ vì em có thể có được, vì bao kẻ đã có rồi. Em mơ một người tình lý tưởng chăng? Người tình lý tưởng, cuộc tình lý tưởng rốt cuộc rồi ra cũng lẩn quẩn đồng hóa với cuộc sống lý tưởng kia thôi. Và như thế, trăng đến làm gì, tôi đến làm gì nửa đêm chờ đợi?

Vậy thì điều em mơ không là như thế. Tôi đoán nhé, em yêu! Tôi đoán rằng "em mơ được bắt gặp lại chính em", phải không nào? Em hẳn biết trăng đang chờ và tôi đang đợi mỗi lần em mơ. Và thời gian đang trở giấc. Điều em mơ chẳng cao xa, diệu vợi; nó vốn rất thông thường, giản dị; nó là điều mơ chung của mọi người, ấy thế mà mãi mãi không ai bắt gặp. Em mơ được bắt gặp chính em, nghĩa là "em mơ sao được thấy chính con người mình" có nghĩa "em mong được thấy rõ bản chất con người, cái bản lai diện mục của con người nơi em", nói theo Đạo học. Hay em đang mơ về một chân lý hoằng viễn, cao sâu nào đấy, một chân lý bao trùm mọi chân lý của cuộc đời, cái chân lý xua tan hết mọi phiền muộn, đau sầu của cõi thế hỗn mang. Em đang "mơ về Hằng Thể" đấy, em ơi! Và điều mơ ước đó đáp ứng được trăng, đáp ứng được lòng tôi, đáp ứng được tất cả và tương ứng với thời gian đang trở giấc, đang khắc giờ đêm đen chuyển di vào ánh sáng.

Cái tâm thức mơ màng của tác giả bài dân ca đã thoát ra khỏi cảm thức của chàng lúc đó. Mơ về hằng thể, mơ bắt gặp lại chính mình tức là mơ về một chân lý giải thích được cái hiện hữu của mình, của tất cả, của cuộc sống rộn ràng, náo loạn vây quanh. Đấy là cái mơ chung mà ai cũng có dù không ý thức rõ ràng, nhất là những lúc bị bầm giập, tái tê trăm bề vạn mối vì bao oan khiên trút đổ vào mình. Trăng khát khao muốn biết nên chịu khó đứng chờ, thân hành đến hỏi. Tôi muốn biết điều đó nên đến ‘bên bờ’, chờ điều mơ của em cho phép được bước qua bờ bến lạ, nghĩa là bước vào cuộc yêu tròn đầy diễm phúc. Mơ về hằng thể, mơ thấy được bản chất thật của con người, của chính mình, đấy là khuynh hướng bản nhiên. Sống trong vũ trụ hiện tượng, con người đối đãi bằng dối trá, lừa phĩnh, vụ lợi, bề ngoài. Con người khát khao muốn biết tận bản chất mình, muốn thiết lập những giao ngộ, thâm thông thật sự giữa tại thế với nhau. Và ai không hoài bão, ước mơ tìm đến cái bản chất thật của mình, của kẻ khác, của mọi sự việc. "Khát khao một giấc mơ đầy. Nhìn ai ai thấy lại ngày nguyên sơ" (lời thơ Huy Phong).

Vì thế, "mơ" là khuynh hướng tất yếu không ai tránh khỏi. Cái mơ của em là cái mơ chung của tất cả, của em, của tôi, của anh, của chị, của người yêu em, của người em yêu, của cả mảnh trăng kia, nghĩa là của cả thiên nhiên, vạn vật. Và em là người hay mơ về điều đó nhất vì tuổi thơ em bao giờ chẳng hướng vọng đến cái gì hằng cửu, vĩnh phúc, tròn đầy. Chàng trai nào đó, muốn trao duyên cùng cô gái, đã đẩy đưa lời tình đi xa và đưa ta đến những rung động, tư lự siêu hình. Biết rõ điều em mơ như thế, tôi sẽ sao đây, tình đôi ta sẽ thế nào, em nhỉ?

Biết ai nhặt được tim ai
Biết em nhặt được tim tôi…

Làm gì có sự lạ lùng như thế? Quả tim con người đâu có là thứ đồ vật vứt đây, liệng đó để người nhặt được như nhặt được của rơi. Anh chàng trai tán tỉnh cô gái quả là khôn khéo. Anh chàng nêu ra một sự kiện hy hữu rồi tự động gán cho cô em đã bắt gặp được trường hợp hy hữu kia. Giải thích thông thường là như vậy, chẳng khác với bài dân ca:

Đêm qua tát nước đầu đình
Bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen
Em được thì cho anh xin
Hay là em để làm tin trong nhà…

Nhưng nơi đây, sự việc không giản dị như thế. Tim là sự sống, là yêu thương, là tình cảm chân thành, tha thiết, nguồn cội của yêu đương. "Nhặt được" diễn tả tính cách ngẫu nhiên, tình cờ. Tình cờ nhặt được trái tim kẻ khác có nghĩa một tương phùng ngẫu nhĩ, một cái duyên kỳ lạ mà chỉ riêng trong thể điệu nào đó mới gặp được trường hợp hy hữu kia thôi. Không dễ gì nhặt được quả tim người khác vì đây không là sự việc thông thường, vì thế nên mới "đố ai". Đây là cái duyên kỳ ngộ. Và tại sao, do đâu, chàng trai biết rõ chính cô gái kia nhặt được trái tim mình? "Nhặt được trái tim một người", nơi đây có nghĩa là tìm thấy, bắt gặp được tình yêu bấy lâu nay hằng mơ ước, hằng hình dung trong tâm tưởng, một tình yêu không qua cái nhìn, nụ cười, tiếng nói mà đi thẳng vào tim, vào lòng, vào dạ. Quả tim, bộ phận cao quí, quan trọng và đẹp đẽ nhất của con người, suối nguồn của thông cảm, thông giao. "Bắt gặp được quả tim" có nghĩa hội nhập mình với đối tượng từng nuôi dưỡng trong lòng, tìm ra được kẻ đồng điệu, đồng hành, kẻ tâm đầu ý hiệp, kẻ đáp ứng được khát vọng của mình.

Kẻ nào đã "đánh rơi" trái tim mình không có nghĩa là kẻ phóng túng, vung vãi tình cảm khắp nơi mà là kẻ đang đi tìm, đang tự thể hiện mình, đang thoát ra cái ngục tù của cuộc sống giới hạn hàng ngày. Kẻ đó muốn vươn đến cái gì đẹp hơn, chẳng khác người con thoát ly gia đình để thực hiện hoài bão, mộng mơ của mình. Trái tim ‘tự nguyện’ đánh rơi là biểu tượng của một khát vọng đi tìm hài hòa êm đẹp, một kêu gọi cảm thông, một nhu yếu tự thân, một dâng hiến phục vụ.Câu thơ thi vị và ngọt ngào, không lẫn khuất một ray rứt miễn cưỡng nào, nói lên hình ảnh một vượt thoát chính mình, một khuynh hướng bẩm sinh muốn trở thành một cái gì khác với hiện hữu hàng ngày, đồng thời diễn tả cái yếu tính mở phơi, giao hòa với con người, với cuộc đời, với cả thiên nhiên, vạn vật.

Con tim "tự nguyện đánh rơi" còn là hình ảnh của việc làm không còn tính cách riêng tư, vụ lợi. Tôi không giữ quả tim tôi cho tôi. Tôi đem bày ra đấy, không phải để bán buôn như tạp hàng nơi cửa chợ mà để mọi người nhìn được nó, hiểu về nó, tức là hiểu về mình và ai thực sự hiểu về mình sẽ bắt gặp được nó. Và không ai dễ gì bắt gặp nếu không có được một thể điệu cận lập tồn sinh với nó, thực sự nhận ra chân thể nó. Duy chỉ có em mới nhận ra được nó thôi.

Biết em nhặt được tim tôi…

Không phải trái tim tôi bị đánh rơi mà kẻ mua lầm của cắp là em. Tôi có đánh mất đâu mà nhọc lòng điều tra để cuối cùng biết em là kẻ nhặt được. Khi tôi tự nguyện đánh rơi thì tôi biết ngay chính em, và chỉ riêng em, là kẻ nhặt được. Như vậy là tôi đã thực hiện một gởi trao, một phó thác có định ý. Trái tim làm sao rơi rụng, thế mà tim tôi – chỉ riêng trái tim tôi - lại rơi vì tôi cố ý đánh rơi. Cái gì xui nên thế, và tại sao tôi biết chỉ có mình em, chỉ có riêng em mới nhặt được. Điều đó chỉ tại vì giấc mơ của em.

Điều em mơ đã mở rộng lòng em, đã cho em đủ điều kiện và khả tính để nhận ra tim tôi, nghĩa là tình yêu, tình yêu chân chính, tình yêu của chính quả tim chứ không phải của kẻ nầy, người nọ đem mọi thứ hào nhoáng cám dỗ em. Tôi là người đi tìm cái tình yêu của quả tim đó. Vì thế trái tim của tôi cũng chính là trái tim của em. Tình yêu trong trái tim nào cũng là một. Vì thế, bây giờ giữa tôi và em không còn khoảng cách, không còn "phân ly chủ-khách" mà là một hội nhập hoàn toàn vì tim em và tim tôi cùng "đồng thể tính".

Do đâu có sự "đồng thể tính" đó? Lý do vì "em mơ", em đã gặp được điều em mơ. Điều em thấy trong mơ là điều kiện và nguyên nhân đã khiến em nhìn ra tim tôi, nhìn ra tính thể của mọi sự vật để đưa nó về hội nhập với cái "hằng thể" luân lưu miên viễn. Do cái điều em bắt gặp trong mơ, em đã có cái nhìn khác trước, em nhìn ra cái toàn khối, toàn nguyên của sự vật, của tình yêu, cái tình yêu đích thực, cái tính thể của tình yêu chứ không là những biểu hiện hời hợt bên ngoài.

Để tôi ca hát cho đời nên thơ
Để tôi âu yếm dâng người trong mơ

Hạnh phúc đến thật rồi. Khi tình yêu đã đến, khi hai tâm hồn đã hội nhập, giao hòa thì cô đơn không còn nữa. Tôi hiểu được tôi, tôi tìm lại được tôi và em cũng thế. Em đã giúp tôi nhìn ra tôi nhưng không phải hoàn toàn do em mà do chính điều em đã thấy trong mơ. Nếu em không thấy được, không bắt gặp được điều trong mơ thì dù chúng ta có yêu nhau, tình yêu đó cũng chỉ là "mấp mé bên bờ" để rồi dễ tan, dễ vỡ như thói thường lâu nay. Biết được điều em mơ, hai ta đâu còn phân cách vì bất cứ lý do nào. Cuộc đời quả đáng sống, quả là vui và con người làm đẹp cuộc đời mình, cuộc đời chung cõi thế. Tình yêu không còn là đam mê, không còn là chinh phục, chiếm hữu, ngay ngáy lo sợ mất đi, lo bị phụ bạc. Không, cái tình yêu đích thực, cái tính thể của tình yêu mà em bắt gặp trong mơ khiến tình yêu không còn là tình yêu như lâu nay.

Cuộc đời tôi đấy, con tim tôi đấy, tôi sẵn sàng hiến dâng cho người, cho em nhưng là em trong mơ, một người em đã đổi mới, một người em đã "sanh lại", người em thánh thiện thuở ban sơ, không phải là người em nhan sắc tôi thường gặp. Em bây giờ là con người mới, em từ nẻo xưa lối cũ đi về. Em chính là con người chính tôì mà tôi đã quên, đã đánh mất, đã không trân trọng bảo tồn. Tôi mừng, tôi vui, tôi ca, tôi hát vì tôi tìm lại được tôi như tìm lại được cái gì quí giá vô song đã từ lâu lắm rồi tôi đánh mất. Ôi! Hỡi em yêu quí, em bây giờ chính là tôi, cái tôi tròn đầy, cái tôi tinh túy, thiết thân, cái tôi hằng thể của tôi chứ không còn là cái "tôi tự ngã" bé bỏng lâu nay. Cảm ơn giấc mơ của em. Và tôi bây giờ mới có thể dâng hiến cho em một cách trọn vẹn, tinh tuyền.

Cuộc sống chẳng là hành trình đi tìm lại chính mình, tìm lại suối nguồn tính thể uyên nguyên qua bao nhiêu gãy đổ, tang thương của cuộc thế phù trầm? Những thao thức, băn khoăn về ý nghĩa cuộc đời, về mục đích cuộc sống, những xung đột, dằn vật nội tâm từng khi, từng lúc, những thở dài ngao ngán trước cuộc thế, trước tình người, kể cả những toan tính mưu sinh để thoát vượt cảnh ngộ hầu mong tìm đến, tìm về một cái gì bình an, tự tại,… chẳng là những ưu tư khắc khoải về một ý nghĩa nào đó, mà ta chưa hề bắt gặp đấy sao? Và giấc mơ kia, và điều mơ nọ chẳng là khuynh hướng bẩm sinh, chẳng là dưỡng chất của tồn sinh luôn âm ỉ nơi ta, chẳng là ‘linh hồn’ ta đó mà qua bao dịch chuyển luân lưu của phù sinh lận đận, ta đã đòi phen lạc lõng, đi hoang.

Hướng đến là tìm về, tương lai là buổi đầu quá khứ, giờ chung cục cũng chính là thời điểm khởi nguyên. Giấc mơ của em, điều em gặp trong mơ chính là bản thể thuần khiết, tinh anh, chính là cái chân lý của cuộc đời, của lẽ biến dịch của vũ trụ và con người, hiển lộ trong từng bước đi về của em, của tôi, của con trăng kia, của cả mọi người thiên hạ, nhiếp dẫn ta, đưa ta về trong cái toàn khối, toàn nguyên để cư ngụ bằng an trong đó, chẳng khác khối nước mặn mênh mông biển cả đón nhận hết mọi con nước bẩn dơ của mọi sông ngòi băng qua bao miền lục địa để chuyển hóa thành nước tinh tuyền trở về lại với nguồn gốc phát sinh.

"Đố ai nằm ngủ không mơ,… Để tôi âu yếm dâng người trong mơ" , ý nghĩa bài dân ca mênh mông vô hạn, thi tứ bềnh bồng, nhạc điệu mênh mang. Cho dù là lối tỏ tình thì tiếng ái ân kia không dừng nơi tình yêu đôi lứa thường tình mà mang chở ta đến một vùng xa xa, nâng dìu ta trang trải, tỏa rộng, vươn cao. Nếu người viết không lầm – người viết tin là không lầm - thì bài dân ca không là lời tình tự đơn sơ. Tình nơi đây chỉ là cái cớ, cái nhịp cầu trung gian để hư cấu nên một cái gì lung linh, diệu vợi. Nó biến thành lời gọi chính tác giả và chúng ta thể hiện tự thể, tự thân chính mình, xóa đi những thê lương, tang tóc của cuộc đời, tìm đến một bến bờ hằng vui, hằng lạc.

Lời thơ và nhạc điệu bài dân ca không mơn man trong ta niềm vui ân ái đó sao? Qua đó, ta tìm ra ý nghĩa thâm sâu qua những hình ảnh vô cùng nên thơ, thi vị. Hãy đào sâu những hình ảnh, văn ảnh, hãy đi vào trong những ngụ từ, hãy chìm lắng tâm tư vào lời thơ, tiếng nhạc, hãy tra vấn những hình ảnh, văn ảnh, ta sẽ mơ màng nhận ra tiếng lòng nào phơi phới, lâng lâng, dìu ta vào một mộng mơ dàn trải, một bến, bờ an lạc, thánh khiết, trinh tân.

Qua bài dân ca nầy, ta thấy nghệ thuật diễn tả tình ý của người bình dân ta xưa vô cùng sinh động. Bao nhiêu biện pháp tu từ - nhân hóa, hoán dụ, ẩn dụ- với từ "đố ai" nơi đầu mỗi đoạn, một phiếm định từ không phải để hỏi hay chỉ để hỏi với chính mình, một lối hỏi không để trả lời mà để nhân đó nói lên tình ý lâu rồi hằng thao thức, băn khoăn. Ngôn ngữ bình thường nhưng lời thơ ý nhạc phảng phất những nét siêu hình nào dàn trải tâm tình người đọc vào bảng lảng, mông lung, vào một niềm vui phơi phới nhẹ nhàng. Một lối hò, lối hát, một ngẫu hứng không do từ một đối tượng bên ngoài mà do từ nội tâm, do từ những xúc cảm từ lâu âm thầm trong tâm khảm.

Cho dù là lời của người bình dân ta xưa hay của một nghệ sĩ trí thức nào thì thi tứ bềnh bồng cũng đã đưa nguồn cảm hứng đi xa, vượt ra ngoài cảm thức của tác giả lúc đó, vượt ra khỏi tiếng lòng, vượt ra ngoài những cảm xúc dìu dặt lâng lâng của gởi trao tình ái.

Tác giả thoạt tiên chỉ muốn nói lên những rung động của tâm tư trao về người em hiền dịu –người em trong tâm tưởng của tác giả thôi- nhưng thi tứ bay xa mang chở ta ra ngoài thực tại, hướng đến một khung trời bảng lảng, mênh mang, viễn vọng. Chàng không ngờ, chúng ta cũng không ngờ nhưng âm hưởng lời thơ tự nó đã nói lên điều đó. Cảm thức của chàng không còn của riêng chàng mà là kết tụ của cái tâm thức mông lung bàng bạc của cả dân tộc từ bao đời trầm luân cùng lịch sử bi thương, không lúc nào không hoài vọng một quê hương thanh bình, hoan lạc, không lúc nào không hướng đến một nước non xa, một đỉnh cao yên bình, một cung điện an lành, một lâu đài yên ấm, trong đó người bên người mãi mãi yêu nhau, thoát ra mọi hư ảo, hư phù của dòng đời trắc trở, của dòng lịch sử trớ trêu.

Hướng vọng đó không là khuynh huớng bản nhiên của chung tất cả mọi người sao? Do từ hướng vọng đó, ta luôn khắc khoải đi tìm ý nghĩa cuộc sống, tính thể của hoạt sinh. Điều Trong Mơ là cứu cánh, là ý nghĩa, là lý tưởng; Giấc Mơ là hướng vọng chung, là động lực gọi mời và thôi thúc hội thoại, thông giao, thể nhập; Em, người đang mơ là tự thể đang thăng hoa; Tôi là tại thể được gọi mời và Trăng là vũ trụ tại tồn đang chuyển hóa.

"Trăng xuống đứng chờ, Tôi đến bên bờ" là hình ảnh chuyển vị để chuyển hóa và dung hóa.
"Nửa đêm hay mơ, ngoài hiên, bên bờ", tất cả thời gian, không gian kết hợp với nhau soạn sửa chào mừng, chúc tụng cái điều trong mơ đi về, đón chào cái khoảnh khắc thiêng liêng của Hằng Thể đi về hay đúng hơn cái giờ phút mà tất cả bắt gặp lại được tính thể của mình. Một hội nhập hoàn toàn giữa Trời, Đất và Người trong cái Lý hằng cửu, trong Thượng Đế nói theo Ki-Tô giáo, trong cái Tâm Chân Như nói theo đạo Phật.

Lời thơ vui, êm như ru, nhẹ như gió thoảng ngoài và âu yếm như lời tình tự đơn sơ, chân thật nhưng hàm chứa bao nhiêu biều tượng. Ngôn ngữ dân gian của ta là thứ ngôn ngữ của hiện tượng, ngôn ngữ đại chúng nhưng lại vô cùng trừu tượng, bóng bẩy nghĩa là nói đến những điều cao xa, hoằng viễn thâm sâu mà lời dung dị, nhẹ nhàng. Đấy là đặc tính của ngôn ngữ Việt Nam, đặc tính của tâm hồn dân tộc ta chăng?

Văn chương bình dân Việt Nam qua một số bài dân ca, ca dao là thứ văn chương triết lý gần gũi với đời sống, một thứ triết lý vui chứ không là thứ triết lý bi đát đưa con người và cuộc sống của nó vào tái tê, vào bàng hoàng, thảng thốt, phi lý. Bài dân ca nầy là một chứng minh. Cái cảm xúc cao độ có thể do từ căn cơ tình ái đã xuất thần biểu lộ cả dòng tư tưởng sâu xa về ý nghĩa cuộc sống đã âm thầm tích lũy lâu nay nơi lòng chàng tác giả vô danh, đại diện chung cho tuyệt đại đa số nhân dân ta ./-

Nguyễn Thùy

 

Tìm các bài BIÊN KHẢO khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com