User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

(Trích Tuyển Tập Nhớ Huế số 18)

Nỗi buồn thế kỷ

Cứ mỗi lần Tết tới là mỗi lần lòng tôi tự nhiên man mác với một nỗi buồn vu vơ không tên. Bây giờ thì tôi hiểu tại sao và tạm gọi nó là “nỗi buồn thế kỷ”

Đời tôi đã trải dài hơn ba phần tư thế kỷ 20 và thời gian sống ở Huế chiếm trọn 20 năm đầu đời khi mà những kỷ niệm đã ăn sâu vào tiềm thức của tôi. Với đầu óc suy lão hiện nay thì chuyện trước mắt bắt đầu quên trước quên sau đã đành mà chuyện xa xưa đời cố hỉ cũng bắt đầu lú lẫn mặc dù tôi vẫn một lòng trân quí chúng. Bao nhiêu hình bóng kỷ niệm thời tiền chiến của đời tôi bây giờ cách đây hơn nửa thế kỷ kể như chôn vùi trong cát bụi của huyệt mộ thời gian. Tôi biết rồi đây theo qui luật, trương mục đời tôi cứ mỗi ngày mỗi cạn đễ rồi triệt tiêu với hơi thở cuối cùng khi giã từ nhân thế. 

Tôi nghĩ mọi người ai cũng mang nỗi buồn nhân thế như thế nhưng không nói ra. Nhưng hình như mang thân phận Việt Nam với hoàn cảnh loạn lạc chiến tranh, chúng ta có lẽ buồn hơn thiên hạ đấy! Lý do là khi muốn khơi nguồn về dĩ vãng thì chúng ta khó mà tìm lại những tàn tích vật chất của quê hương vì chúng đã đổ nát, ngay vài tấm ảnh gia đình thời thơ ấu của chúng ta cũng vô phương kiếm thấy.

Thăm lại Huế xưa niềm ngao ngán
Ai kẻ tâm tình chia xẻ chăng!

Bây giờ, trong tâm tình của nỗi buồn thế kỷ, quí bạn hãy cùng tôi ôn lại vài hình bóng những hí viện ( 戲 院: nơi vui đùa) cũ ở Việt Nam và những kỷ niệm về sự coi hát ở Huế vào những thập niên đầu của thế kỷ vừa qua. 

Những tên gọi trong ngôn ngữ

Trong chữ Hán, để chỉ nhà hát thường dùng những chữ Viện, Đường, Lâu, Đài, Trường… Tiếng Việt thông thường để gọi những hí viện gồm những chữ như rạp hát, nhà hát…

Tiếng “Rạp” là tiếng phổ thông nhất, chẳng hạn ở ngoài Hà Nội có rạp Quảng Lạc (廣樂 nghĩa là niềm vui rộng khắp) hay rạp Sán Nhiên Đài (粲然臺:chỗ vui giỡn tự nhiên) vào những thập niên 30, 40 gì đó, còn ở Huế một thời có những rạp như rạp Tân Tân (新新: luôn luôn mới lạ) trên đường Trần Hưng Đạo), rạp Morin (bên phố Tây), rạp Châu Tinh (周星: Sao sáng hàng tuần) bên Gia Hội). Nhưng chỉ riêng rạp Đồng Xuân Lâu (同春樓: ngôi lầu cùng hưởng mùa xuân) còn mang một cái tên rất bình dân, rất Huế là “Trường hát Bà Tuần” hay nói gọn là “Trường Bà Tuần” thì ai cũng biết ngay!

Về danh từ “Nhà Hát” thì ở Việt Nam còn tồn tại hai Nhà Hát Lớn là hai cơ sở kiến trúc đại qui mô do người Pháp xây một ở Saigon, một ở Hà Nội. Nhà hát lớn Hà Nội (Hanoi Opéra) xây cất từ 1901- 1911 mới xong là phiên bản của một nhà hát ở Pháp tên là Opéra Garnier de Paris. Nhà hát lớn Saigòn (Théâtre Municipal) xây năm 1900 theo họa đồ của kiến trúc sư Victor Guichard 

Municipal Theatre Saigon 1915

Nhà hát lớn Saigon 1915 - wikemedia.org

Cái tên “Trường” đặc biệt làm tôi nhớ lại rằng đất Huế vào đầu thế kỷ qua có lắm nơi được gọi là ”trường”: Bên cạnh những trường dạy chữ, dạy nghề và cầu Trường Tiền mà nay vẫn còn sau bao giờ gãy đổ và xây lại thì vào thời niên thiếu của tôi, tôi còn thấy vết tích của khu Trường Thi chữ nho ở khu Canh Nông, còn nhớ bến đò Trường Súng ở bãi tập bắn thời xưa, còn vào chơi trường gà của Ông Hoàng Mười, và đặc biệt nhất coi hát ở Trường Bà Tuần tức là rạp hát Đồng Xuân Lâu. 

Vào năm 1945, Trường Bà Tuần đã có một tuổi đời suýt soát gần 25 năm ở đất Cố Đô thế mà nay khi tôi về thăm Huế cách đây 4 năm thì hoàn toàn mất tiêu và bị thay thế bằng một dãy phố buôn bán.

Đối với lớp người Huế cao niên thất bát tuần, họa may còn nhớ những chi tiết về Trường Bà Tuần. Vị trí cùa nó nằm trên đường Ngã Giữa (sau này là đường Gia Long thời VNCH), nhìn qua đường là một con hẻm trổ ra đường Huỳnh Thúc Kháng dọc bờ sông Đông Ba (dân Huế quen gọi là đường Hàng Bè vì có nhiều nhà bán lồ ô kết thành bè dưới sông.)

Những sân khấu cung đình

Về phương diện khảo cổ, đất Huế còn những hí viện hay sân khấu xưa hơn nữa không? 

Thưa rằng có! Trước hết là nhà hát riêng cho vua coi ở trong Đại Nội gọi là Duyệt Thị Đường và một sân khấu trong Cung An Định là nơi ở của vua Khải Định khi còn tiềm để hay Hoàng tử Bửu Đảo bên bờ sông An Cựu. 

_ Về Duyệt Thị Đường, sách Cố Đô Huế (Lịch sử-Cổ tích- Thắng cảnh) của học giả Thái văn Kiểm chép rằng:

Khoảng giữa hai điện Cần Chánh và Càn Thành, bên tả có điện Quang Minh và bên hữu có điện Trinh Minh. Điện Quang Minh trước là chỗ ở của Đông cung Hoàng tử, điện Trinh Minh là chỗ ở của các bà Phi.

Phía Đông điện Quang Minh có Duyệt Thị Đường (閱 是堂 ) là nhà hát của vua. Phía Đông Duyệt Thị Đường có nhà Thượng Thiện là nhà nấu các bữa ăn của vua, Viện Thái Y là chỗ thầy thuốc của vua, và Thị Vệ Trực Phòng là chỗ túc trực của võ quan hầu cận.

[Như vậy, nhà hát riêng của vua nằm trong cung cấm với vợ con với những cơ sở phục vụ cho nhu cầu riêng cho ngài như ăn uống, thuốc thang của vua, kẻ hầu người hạ. Khi trường Khải Định tạm thời dời vô Nội, bản thân tôi đã tò mò đi lang thang có lẻn tới coi Duyệt Thị Đường. Hồi 2001, tôi trở về thăm Huế thì thấy hoang tàn, đổ nát đang được trùng tu. Theo cố sự truyền khẩu, nhà vua thi sĩ Tự Đức không những thích đọc thơ nôm Thúy Kiều mà còn thích coi hát bội ở nhà Duyệt Thị Đường với các quan đại thần, ngài lại thích hút thuốc lá trong khi coi diễn. Thuốc điếu thường vấn sẵn kiểu sâu kèn để ngài hút được dán bằng nhựa trái chuối cau rồi bó lại bằng một dung giấy] 

_ Về nhà hát trong cung An Định có tên là Cửu Tư Đài, bác sĩ Hoàng Thế Định (cháu gọi bà Từ cung là cô ruột) viết trong thư cho tôi như sau:

Trong cung An Định, có xây một Théâtre lớn kiểu như các Théâtres ở Pháp cùng thời, với sân khấu rộng lớn và dưới sân khấu là phòng hóa trang, có phông màn, 2 cánh gà cũng rất rộng và hai bên để diễn viên chuẩn bị. Một khoảng sân (dành cho khán giả rất rộng) có khi dùng để nhảy đầm. Tầng trên dọc hai bên cho thượng khách và vua. Kiến trúc rất tỉ mỉ, các hình rồng gắn bằng mảnh sành đủ sắc với vòm nóc thuẫn trang trí rất đẹp. Về sau bị bom đạn phá sập một đoạn gần cung vua ngư ở chơi (phía mặt tiền nhìn ra sông An Cựu).

[Lời viết trên rất phản ảnh về con người của vua Khải Định. Tuy mang tiếng là vua bù nhìn thời Pháp, nhưng vua Khải Định là một người đáng chú ý. Lúc còn là Hoàng tử Phụng Hóa Công bên bờ sông An Cựu, ông tự tay trang hoàng cung An Định với một năng khiếu trang nhã và chăm lo học hỏi về hội họa và âm nhạc. Với một đầu óc nghệ sĩ với đầy ý nghĩa sâu xa của danh từ, một sự bén nhậy tinh tế, một sự khéo tay đặc biệt, ông chăm lo đủ thứ trong cái giang sơn nhỏ này. Ông rất xuất sắc trong sự thay đổi thiết kế của khu vườn, tỉa cây cảnh và săn sóc cây ăn trái. Ông lại biết huấn luyện ngựa để đua hay để cưỡi hoặc thắng xe. (De Tessan – S.M Khai Dinh, Empereur d’ Annam- La Revue de Paris – 1/7/1922). Cung An Định xây trong hai năm mới xong (1917 – 1919). Họa sĩ Lương Quang Duyệt đương thời có vẽ những bức tranh lớn để trang hoàng nội thất] 

_Về sự giải trí của giới vương tôn cuối triều Nguyễn ở cố đô Huế, có lẽ rất ít người còn nhớ về Phủ Bà Chúa Nhứt với cái lò đào tạo những nữ ca sĩ của bà. Bà là con gái đầu của nhà vua yểu mệnh Dục Đức (1884) và là chị của vua Thành Thái ( 1889) bị Pháp đầy qua đảo Réunion ở Phi Châu. Khuê danh của bà là Công Tằng Tôn Nữ Tốn Tùy, được phong tước hiệu Công Chúa Mỹ Lương. Bà Chúa Nhứt là người sáng lập ra ban ca múa kịch nghệ của sân khấu cung đình vào tiền bán thế kỷ 20. Phủ của Bà Chúa Nhất nuôi dạy khoảng 50 bé gái để huấn luyện thành những ca diễn viên cho những trình diễn của cung đình. Và có một thầy đờn khiếm thị gọi là cụ Cù chuyên dạy về các thứ đàn tranh, đàn tỳ bà, đàn nguyệt. {Lời người viết: Trong đám bằng hữu đồng học cùng trang lứa với tôi, có nhiều người có mẹ là một trong vài danh ca thời cựu trào xuất thân từ lò đào tạo của Bà Chúa Nhất. Khi tôi gặp các cụ lúc tới thăm các bạn này, tôi thấy các cụ tuy già nhưng còn phảng phất nét đẹp xưa một thời xuân sắc.

Những sân khấu dân giã 

Trở về với những rạp hát xưa, ngoài Trường Bà Tuần có một điều rất ít người biết là ngoài dân dã, còn có nhiều rạp hát ở nhiều nơi. 

Trước hết có một trường hát bằng tre trong phủ An Hưng Vương ở xóm Hột Mát ở đường Hàng Đường đối diện với đường Hàng Bè dọc theo bờ sông Đông Ba, gần chùa Diệu Đế và trại Tế bần thời Pháp có tên Asile de Nuit, gần nhà của giáo sư Tôn Thất Đào dạy vẽ tại trường Quốc Học – Huế. Băng ghế cho khán giả làm toàn bằng tre. Trường hát này bị bỏ trống từ lâu truớc Trường Bà Tuần. Sở dĩ tôi biết rõ là tôi có một người bạn tên Lạc là con một ông cai phú-lít ở nhờ trong phủ này.

Và ở làng Mỹ Lợi, huyện Phú Lộc, quê hương của bà Từ Cung, cũng có một trường hát tương tự bằng tre hình như do ông Hoàng Mạnh Biên (bà con với bà Từ Cung) cất. Cấu trúc giống trường hát của An Hưng Vương, nhưng rộng lớn hơn, trong lòng rạp là chỗ để ghế cho khách hạng cao, còn khán giả bình dân ngồi hai bên trên những bục tre. Tôi tả rõ ràng như trên vì tôi đã tản cư về làng Mỹ Lợi khi Chiến tranh Việt Pháp bùng nổ vào ngày 19 tháng 12, năm 1946.

Nếu kể cho đủ thì ở vài vùng quê ở Huế, mỗi khi có gánh hát hát bội hay ca Kim Sanh lưu diễn thì có những rạp ở những nơi như “Dạ Lê, An cựu, Kim Long, Vỹ Dạ, Truồi, Sịa… Vé vào cửa; hạng nhứt 2 giác (20 xu), hạng nhì một giác (10 xu) và hạng ba 5 xu.” (Xuân Mai – Băng Tâm, Linh Hồn sân khấu Kim Sanh – Tiếng Sông Hương Dallas 1995)

Và cũng nên nhắc kẻo thiếu sót trầm trọng là tại làng Vĩ Dạ, nơi Bến Đò Cồn, có một trường hát quan trọng của dân giã gọi là Xuân Kinh Đài (rạp hát của kinh thành Phú Xuân), nơi từng diễn vở tuồng Lộ Địch của cụ Ưng Bình Thúc Giạ Thị viết xong vào năm 1936 và diễn lần đầu vào năm 1937. Trong cuốn Hồi Ức về cha tôi: Ưng Bình Thúc Giạ Thị, bà Tôn nữ Hỷ Khương viết:

“Lộ Địch là vở tuồng thầy tôi sáng tác dựa theo vở kịch Le Cid của nhà thi hào nước Pháp Corneille.

Sinh thời, thầy tôi có nhiều lần tâm sự: “Con biết không, thầy làm vở tuồng này công phu lắm. Bao nhiêu mẹo mực, tình tiết, luật lệ từ kịch Tây chuyển qua tuồng ta, phải thay đổi làm sao cho đúng và hợp tình, hợp lý, nhất nhất phải phù hợp với tâm hồn và luân lý Á Đông. Làm quyển tuồng này, công phu khó nhọc gấp mấy chục lần so với một tập thơ.

skxua

Nói đến những trò giải trí ca hát, chúng ta phải nhắc đến sự chơi bài chòi hay thả thơ hay những buổi hòa nhạc cổ. Đáp ứng cho nhu cầu này thì có thể đó là những sân khấu tạm thời cất bằng tre tranh hay là sân đình hay một phủ đệ nào đó như trường hợp Chợ Gia Lạc của Định Viễn Vương chăng? Tiếc rằng tôi chưa kiếm ra những hình ảnh ở Huế, nhưng chúng ta hãy tìm coi lại những tấm ảnh của Dr Hocquart về Việt Nam trong thời Pháp thuộc sơ khởi để gọi là có một ý niệm về những sân khấu bình dân ở vùng quê ở Huế.

Những sân khấu hội trường ở Huế

Ở Huế trước 1945, tuy không có một cơ sở lớn như Nhà Hát Lớn ở Saigon hay Hà Nội, nhưng thay thế vào đó là những hội trường lớn của những nơi sau:

Hội Quảng Tri (廣知): phổ biến văn hóa tri thức) xây trên đường Hàng Bè ngó ra sông Đông Ba. Nơi này là hội trường cho những cuộc diễn thuyết vào thời trước, học giả Phạm Quỳnh cũng từng nói chuyện ở dây (Tạ Quang Bửu- Bốn năm học trường Quốc Học). Tôi còn nhớ vào năm 1946 gì đó, ban kịch Anh Vũ của nhà thơ Thế Lữ cũng lưu diễn vở kịch Lôi Vũ của Tào Ngu tại Hội Quảng Tri. Và cũng nơi này có tổ chức đón tiếp nhà văn Hàn-lâm Pháp Georges Duhamel và vài lần tổ chức kỷ niệm văn hào Nguyễn Du. 

Nhà Accueil (Nhà nghênh đón) gần nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế bên phố Tây, nơi có tổ chức những buổi diễn kịch Pháp với những vở của nhà văn Molière. Tôi còn nhớ tại nhà Accueil đã diễn những vở tuồng sau:

_ Tuồng L’Avare (mà ông Nguyễn Văn Vĩnh dịch là Người Biển Lận) với nhân vật chính là lão hà tiện Harpagon

_ Tuồng Le Bourgeois Gentilhomme (Trưởng giả học làm sang) với nhân vật chính Jourdain là người giàu mới nổi nên học cung cách quí phái một cách rất dởm.

Tại nhà Accueil, hàng năm còn tổ chức những buổi phát phần thưởng lớn mời nhiều quan khách Việt Pháp, hình như có mời bà Hoàng Hậu Nam Phương chủ tọa! Ngoài ra, nhà Accueil còn có một thư viện lớn cho giới học sinh.

Nói đến sự viết tuồng tích ở Huế, ta không thể không nhắc tới những tên tuổi danh tiếng một thời ở Huế như Hoàng Trọng Đồng, Hoàng Trọng Cảnh, Vũ Đức Duy của ban ca kịch Kim Sanh viết những vở tuồng về xã hội như Thói Đời Đen Bạc, Giọt máu rơi, Tình là dây oan, Tòa án lương tâm, Tù Vượt Ngục… (Riêng về Vũ Đức Duy, ông từng viết nhiều vở thoại kịch cho sân khấu Huế, Sàigon và đài truyền hình thời VNCH)… 

Về thoại kịch ở Huế, tôi chưa có tài liệu đã bắt đầu vào lúc nào nhưng dựa vào bài viết của bà Xuân Mai ở trên là: Sau thời gian hồi cư 1948- 49, một ban thọai kịch thành lập khởi đầu với thành phần gốc Kim Sanh như Vũ Đức Duy, Châu Kỳ và sự hợp tác của những nghệ sĩ như hai chị Quốc Thuận, Diệu Khánh, các ông như Vĩnh Phan, Tôn Thất Cảnh, Lê Quang Nhạc… nhiều lần trình diễn tại hội Quảng Tri, đánh dấu giai đoạn ngắn ngủi phục hồi môn kịch đó tại cố đô.

Cũng nên nhắc đến nhà trí thức hữu danh Lê Hữu Khải (về sau là giáo sư dạy Kịch Nghệ tại Văn khoa Đại Học Huế) từng viết những vở kịch như Bạch Viên Tôn Các, Lằn Roi Dự Nhượng…

Tuồng Sơn Hậu tại Trường Bà Tuần

Bây giờ, thì các bạn mới hiểu tại sao tôi dùng chữ Nỗi Buồn Thế Kỷ vì trong bao nhiêu những hí viện, rạp hát và sân khấu Việt Nam, ngọai trừ hai nhà Hát Lớn xây bê tông cốt sắt ở Hà Nội và Saigon, thì có còn gì nữa đâu với lớp sóng tang thương, dù ngay cả một tấm ảnh nhỏ thì cũng không còn! Tôi coi như là một mất mát hao hụt lớn trong lịch sử xứ Huế. (May thay, ông Đặng Ngọc Ấn, một người cháu nội của Bà Tuần có gửi cho tôi một tấm hình về lễ Thất Tuần của bà Tuần Vũ Đặng Ngọc Oánh mà tôi rất trân quí). Nói ra, các bạn đừng cười, Trường Bà Tuần tuy là một rạp hát tầm thường nhưng lại có một tầm vóc lớn với tôi. Không nói đại ngôn, tôi coi nó là một thứ trường học mà tôi đã học nhiều điều mà sách vở nhà trường chính thức không có dạy…Nơi này đã khai tâm rất sớm cho tôi với những kiến thức về hát bội, về ca Huế, về cải lương. Từ nơi này, tôi đã sống đủ thứ hỉ nộ ái ố của cuộc đời diễn ra trên cái hí tường nhỏ hẹp cổ lỗ… May mà thuở niên thiếu, tôi không mê “trường gà”

Tôi còn nhớ trong ba ngày Tết, dân Huế có tục bói tuồng và Trường Bà Tuần mở cửa liên tục suốt ngày. Những vở tuồng thường diễn tại Trường Bà Tuần là tuồng San Hậu, tuồng Giang Đông Phó Hội, tuồng Giang Tả Cầu Hôn, Dự Nhượng Đả Long Bào.

Riêng về tuồng Sơn Hậu là vở tuồng quen thuộc cho ngày Xuân, khiến người dân Huế thuở xưa đâm ra thuộc lòng tình tiết. Đây là vở tuồng đề cao lòng ái quốc trung trinh mà cốt truyện như sau:

Vua Tề vương Thiện Đế lớn tuổi mà chưa có con trai. Lão tuớng Phàn Định Công nằm mộng thấy thần linh mách bảo phải dâng con gái của ông vô cung làm Thứ Phi thì nhà vua mới có con trai nối nghiệp, nên ông bèn tiến nàng vô cung vua. Sau đó, ông ra trấn ngoài biên ải.

Rồi nhà vua lâm bệnh nặng qua đời. Thái sư Tạ Thiên Lăng là người nắm quyền lực nhân cơ hội này muốn tiếm ngôi, bèn hạ ngục bà Thứ Phi đang mang thai. Nhưng trong triều còn có những tôi trung là hai người: Đổng Kim Lân và Khương Linh Tá hợp tác với bà Nguyệt Hạo tìm cách cứu bà Thứ Phi ra khỏi ngục và đi trốn. Thứ Phi sanh con trai dưới sự đỡ đẻ săn sóc của bà Nguyệt Hạo, nhưng Thái sư Tạ Thiên Lăng cho quân đuổi bắt. Trong tình thế khẩn cấp, Khương Linh Tá quyết một mình ở lại cản đường để Đổng Kim Lân phò tá bà Thứ Phi chạy thóat. Khương Linh Tá bị Tạ Ôn Đình chém đứt đầu. Nhưng kỳ dị thay, tuy chết rồi, thân Khương Linh Tá vẫn hốt máu của mình vãi vào mặt kẻ thù, rồi tự xách đầu của mình mà chạy theo Đổng Kim Lân đang bế Hòang tử ấu chúa mới sanh. Có một lúc, bà Thứ Phi bị lạc, nên Hòang tử bị đói sữa nên Đổng Kim Lân bèn cắn móng tay của mình cho Hoàng tử nút máu khỏi khát. Rồi trong đêm tối trập trùng, hồn Khương Linh Tá hiện lên làm ngọn đèn hướng dẫn Đổng Kim Lân bế Hoàng Tử qua núi đến thành San Hậu.

Lão tướng Phàn Định Công ngoài quan ải nghe tin Tạ Thiên Lăng cướp ngôi, bèn kéo quân về nhưng vì bị uất ức quá nên ông ngồi trên lưng ngựa hộc máu té nhào xuống mà chết. Con trai của ông là Phàn Diệm thay cha cầm quân, tạm rút lui để chỉnh đốn binh mã rồi bắt liên lạc với Đổng Kim Lân. Thế rồi kết cuộc phe trung trực chính nghĩa, phản công mãnh liệt, kéo về Triều để đánh bại Tạ Thiên Lăng và Hoàng tử lên ngôi vua. 

Tuồng Sơn Hậu chứa những tình tiết éo le, bi thương lẫn hào hùng nên khán giả hồi hộp theo dõi mặc dù thuộc lòng cốt truyện, nhất là rất căm tức phe ác nịnh khi đắc thế và hả hê khi phe trung trinh thắng cuộc vào đoạn chung kết. Cũng nên nói thêm, cụ Đào Tấn một vị quan lớn của triều đình Huế và đồng thời là nhà viết tuồng hát bội danh tiếng, về hưu ở Huế vào năm 1907 đã ở ngôi nhà gọi là “Hương Thảo Thất” dựng tại sở đất số đường 24 Ngự Viên gọi là Mai Viên cho đến khi về quê nhà Bình Định. Trong nhà cụ có xây một núi non bộ lớn đồ sộ “Mỗi khi đêm khuya, có hát bội tại đây. Hồn Khương Linh Tá đưa Đổng Kim Lân qua đèo là trèo qua hòn non bộ ấy. Trước hòn non bộ, cụ Đào Tấn xây một cái bể nhỏ không bờ cao, gần sát đất để hát bội những màn cần thiết như đi thuyền, màn Triết Giang đoạt A Đẩu… (Ngôi Nhà Cụ Đào Tấn – hồi ức của Bs Thái Can)

Tục bói tuồng và những kiểu mặt nạ hóa trang

Tôi còn nhớ ở Huế thuở trước, có tục bói tuồng ngày Tết như sau: Nếu lúc đang hát mà mình vô rạp gặp những vai trung chẳng hạn như Đổng Kim Lân mặt đỏ đương hát thì kể như năm đó sẽ gặp quí nhân phò trợ dù rằng phải gặp nhiều trở ngại khó khăn… Ngược lại, mới vô mà gặp lúc gian thần đang đắc thời, đắc thế thì năm đó làm ăn sẽ không khá mà có bề hắc ám. 

Sau đây là những mặt nạ trong tuồng Sơn Hậu:

congdinhlinhlan

Hồi nhỏ, tôi mê hát bội và thường chui lòn lẻn vô hậu trường sân khấu Trường Bà Tuần để coi những diễn viên vẽ mặt và mang râu. Tuy thích thú nhưng hoàn toàn không hiểu về cách thức mỗi nhân vật phải mang mặt nạ gì? Mới đây, qua cuốn sách Nghệ Thuật Hát Bội Việt Nam của Nguyễn Lộc và Võ Văn Tường (Nhà xuất bản Hà Nội 1994) thì mới có khái niệm khá rõ về vấn đề vẽ mặt của Hát bội đại khái như sau liên quan đến tuồng Sơn Hậu như sau: 

_ Mặt màu đỏ là loại kép văn pha võ trung trinh như Kim Lân.

_ Trong nghệ thuật hóa trang, nhiều nhân vật kép võ chính diện vùng mắt được vẽ hình con chim bay, đầu chim ở khóe mắt, giáp sống mũi, cánh chim lấp cả lông mày, xếch lên thái dương và cánh kia dưới mắt, xếch lên bên trên tai, tạo thành những tròng tréo. Trường hợp tròng xéo màu xanh thì như Khương Linh Tá…

Có vài điều lý thú nên biết về sự bôi mặt hát bội. Một điểm chung cho tất cả nhân vật được hóa trang là toàn thể được bôi màu, chỉ riêng vùng sát quanh mắt là để tự nhiên. Điều này có lẽ là dấu vết ngày xưa diễn viên đeo mặt nạ phải khoét hai lỗ mắt mà nhìn, nhưng có người lại giải thích là phải để chừa hai lỗ trống để biểu lộ tinh thần của đôi mắt khi diễn xuất. Phần quanh mồm không vẽ vì nơi này sẽ mang râu. (Trong tiếng Pháp, chữ Personne hay Personnage chỉ vai trò hay nhân vật trên sân khấu, là do chữ la-tinh persona là cái mặt nạ hóa trang) 

cvd dtx

Một điều ít người biết là những mặt nạ hóa trang chỉ áp dụng cho những vai kép nam đóng vai trung, vai nịnh, còn các vai nữ thì không cần bôi mặt nạ trừ trường hợp vai Chung Vô Diệm mặt mày xấu xí hay Đào Tam Xuân thì khuôn mặt chia làm hai từ trán xuống sống mũi xuống cằm có một lằn dọc, nửa mặt trắng, nửa xanh nhạt

Nhủ rồi tay lại cầm tay…

Chắc có người thắc mắc tại sao thuở mới lớn tôi lại mê hát bội? Nói chân tình, thưởng thức được hát bội không phải dễ dàng, vì ngoài chuyện hiểu tuồng tích mà còn phải biết nghe hát và biết nhận xét bộ điệu của các diễn viên… May mắn cho tôi là trong xóm Đông Ba nơi tôi ở hồi nhỏ, có ông cụ già làm nghề thợ mã ở cạnh nhà thích ngồi giảng giải chuyện tuồng tích cho lũ con nít chúng tôi… nào là Phong Thần, nào là Tam Quốc, nào là Tây Du… Rồi lớn lên thêm một chút, tôi lại kiếm thêm sách mà đọc. Nhưng cũng nhờ ông cụ chỉ vẽ về cách xem hát nên mới gọi là bắt được cái thú vị khi coi hát bộ mặc dù mới đầu tôi khó chịu với những tiếng hát như rống vào tai… nhưng tôi lại thích chú ý mềm lòng những lúc diễn viên hát nỉ non trong những đoạn ly biệt người chồng lên ngựa ra trận còn bà vợ cứ níu áo, dặn dò đủ thứ và quyến luyến cầm tay không chịu cho đi!

Nhờ coi hát bội, mà sau này học Chinh Phụ Ngâm tôi mới thấm thía cái hay của câu thơ chữ Hán trong bản nguyên tác của Đặng Trần Côn về đoạn biệt ly:

Ngữ phục ngữ hề, chấp quân thủ
語 復 語 兮…執 君 手
Bộ nhất bộ hề, phan quân nhu.
步 一 步 兮… 攀 君襦
 
Bà Đoàn Thị Điểm diễn nôm như sau:
 
Nhủ rồi tay lại trao liền,
Bước đi một bước lại vin áo chàng!

Dịch nôm như vậy quả là tuyệt nhưng xét về cách điệp ngữ cố ý của những chữ Ngữ… Ngữ…, Bộ… Bộ… (lời… lời.., bước… bước…) trong chữ Hán thì câu dịch dù khéo thế nào cũng không diễn tả đúng cái nhịp điệu và ngẫu đối của nguyên văn nên tôi mạo muội cố dịch sát một phần nào chăng? 

Lời tiếp lời… tay chàng em xiết chặt
Bước lại bước… áo chàng em níu theo!

Coi hát bội, khán giả phải giàu tưởng tượng mới thấy cái hay. Thiệt mới đúng là cảnh biệt ly “tay chia khôn dứt áo, chân rời khôn bước đi”!

Trường Bà Tuần đã đi vô ngôn ngữ xứ Huế

Với sự họat động nhiều năm phục vụ cho nhu cầu giải trí của người dân xứ Huế, Trường hát Bà Tuần đã tạo ra nhiều tiếng rất đặc biệt như:

- Chuồi: là đưa lén ít tiền cho người gác cửa sóat vé để vô coi lậu, chuồi tiền là chuồi lót để người ngoài không thấy

- Thả cửa: Ra vô tự do. Thông thường vào 5-10 phút trước khi tuồng vãn thì để cửa trống không có người gác để mặc ai ra vô tùy ý. Hiểu theo nghĩa rộng là tha hồ như chơi thả cửa, ăn thả cửa không ai cấm cản

- Khõ cắc: Khi sắp vãn hát, trống của rạp hát Bà Tuần không đánh thì thùng nữa mà chỉ đánh một hồi “cắc cắc” báo hiệu. Ví dụ: Trường Bà Tuẩn khõ cắc rồi, liệu mà đi ngủ để mai đi làm.

- Tức hộc máu: tức ghê lắm, nhắc lại điển tích Chu Du thua mưu Gia cát lượng tức quá mà thổ huyết chết.

- Nói Kim Sanh: tức là ăn nói kiểu văn hoa, nói đầy kịch tính cường điệu như các đào kép của gánh ca kịch Kim Sanh; (Nói Kim Sanh có đôi lúc còn nói là: Kim Sanh ca rằng! Gánh ca Kim Sanh là gánh thường diễn tại rạp Bà Tuần). Ăn nói Kim Sanh cũng như trong Saigon người ta nói: Ăn nói Cải Lương!

Bà Tuần là ai? Gánh ca Kim Sanh là gì? Những câu hỏi này sẽ là những bài viết dài riêng biệt khác, đầy lý thú cho những Ôn Mệ còn nhớ chuyện Huế cách đây hơn nửa thế kỷ. Xin “hạ hồi phân giải” 

Đời là một hí viện lớn! 

Để kết thúc bài viết này với nỗi buồn Thế Kỷ, tôi bất giác nhớ lại bài thơ Thăng Long Hoài Cổ của bà Huyện Thanh Quan:

Tạo hóa gây chi cuộc hí trường,
Đến nay thấm thoát mấy tinh sương
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
Lầu cũ lâu đài bóng tịch dương. 

Nhắc đến những hí viện, những rạp hát, những sân khấu của ngày xưa, tôi thấy buồn man mác… nhất là nhắc lại Trường Hát Bà Tuần là ngôi trường “khai tâm” bao nhiêu tâm tình hỉ nộ ái dục của cuộc đời! 

Nhắc đến Trường hát Bà Tuần, mãi đến bây giờ, trong tâm trí của tôi còn âm vang những tiếng ca điệu hát véo von của những diễn viên, những tiếng trống tiếng kèn hàng đêm giục giã tôi, nhớ những mùi khói thơm nghi ngút của những gánh hàng rong trước cửa rạp như bún bò, cháo lươn … thậm chí (nói ra bạn chớ cười ốt dột!) tôi còn nhớ phảng phất…. cái mùi mồ hôi của những khán giả bình dân vào những ngày nóng bức, cái mùi “hôi xoong” ở cánh cửa sau rạp có viết ba chữ bằng sơn đỏ thật lớn: Cấm Phóng Uế! 

Đối với một nơi đầy kỷ niệm của tuồi hoa niên mà tôi thân ái gọi bằng Em, thì tôi có thể nói như Xuân Diệu là: 

Tôi nhớ tiếng, tôi nhớ hình.Tôi nhớ ảnh.
Tôi nhớ em tôi nhớ lắm! Em ơi(Tương tư Chiều) 

Và:

Anh vẫn tưởng chuyện đùa khi tuổi nhỏ
Ai có ngờ lòng vỡ đã bao giờ.
Mắt không ướt, nhưng bao hàng lệ rỏ
Len tỉ tê thầm trộm chảy vào trong! (Tình thứ nhứt- Xuân Diệu) 

Ôi! Bên cạnh những đổ nát tiêu thất của cơ sở vật chất là sự ra đi biền biệt của những bóng nhân vật đã từng một thời thủ những vai trò hát bội vô cùng tuyệt diệu với những tiếng trống chầu tán thưởng tưng bừng. Tất cả đã đi về đâu nhỉ? 

BS Lê Văn Lân

*Lời người viết: Bài bút khảo này viết dưới dạng bút khảo hồi ức pha sưu khảo, dựa phần lớn vào trí nhớ của tôi và ít nhiều vào những tư liệu hạn hẹp của tủ sách gia đình cùng những sự góp ý, nhắc nhở nhiệt tình của các bằng hữu qua điện thọai viễn liên hay điện thư. Người viết chân thành mong đón nhận nhiều sự chỉ giáo của quí vị độc giả bốn phương để bổ khuyết những sự sai lầm thiếu sót. Xin đa tạ.

 

Tìm các bài BIÊN KHẢO khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com