User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

Một Số Kinh Nghiệm Về 20 Năm Nền Giáo Dục Miền Nam – Nguyễn Văn Lục (1)

“Thầy ơi, thầy khổ đã bao lần?
Mái tóc sương pha đã mấy phần?
Có lắm chiều tà mưa phủ trắng.
Thầy cười tha thứ kẻ vong ân”.
(Nguyễn Duy).

(Trích lại trong bài Từ Trường học Đi Tới Trường Đời của Nguyễn Thị Thu Hương, một cựu nữ sinh Gia Long, báo Đi Tới, số 37-38, trang 160, năm 2000).

Lời mở đầu

Nhìn lại nền giáo dục của 20 năm miền Nam dễ mà cũng khó. Dễ ở chỗ nếu chúng ta chỉ nhìn vào những thành quả đạt được của các trường Kỹ Sư Phú Thọ, trường Quốc Gia Hành chánh, trường Đại Học Sư Phạm, trường Y Khoa và ngay cả các trường sĩ quan Hải Quân, Không Quân và các trường sĩ quan Thủ Đức và nhất là sĩ quan Đà Lạt.

Càng dễ hơn khi các thành phần ưu tú nhất của nền giáo dục ấy được gửi đi du học qua sự tuyển chọn của các học bổng quốc tế, hoặc tự túc mà các sinh viên đã đạt được những kết quả đáng nể nơi xứ người.

Sau 1975, lại một dịp nữa mà không thể nào không lưu ý đến yếu tố chính trị, có dịp so sánh với chế độ giáo dục miền Bắc càng cho thấy có một khoảng cách xa về trình độ chuyên môn của hai miền.

Sự trội vượt của nền giáo dục miền Nam thật rõ ràng.

Các thành phần di tản sau 1975 và Boat People lại một lần nữa chứng minh cho mọi người thấy rằng giới các bác sĩ, dược sĩ, các ngành kỹ sư lại có dịp đọ sức và họ đã trở thành các chuyên viên trên khắp thế giới.

Sự thành công này với một số đông áp đảo như thế gây ngạc nhiên cho người bản xứ không ít. Đã có đôi lần khai tên, Mr. Nguyễn. Nhân viên hỏi thêm, ông là bác sĩ. Lại cười hãnh diện, “Thưa không”. Thưa tôi cũng có làm nhà thương, nhưng chỉ là y công thôi.

Khuynh hướng của người Việt di tản – hơi thiển cận – là cho bằng được phải thúc ép con em học bác sĩ, dược sĩ. Nơi tôi ở có 4 trường Y, nhận mỗi năm trung bình 400 sinh viên. Tỷ lệ sinh viên Việt Nam trúng tuyển là trên 10%. 40 sinh viên trên tổng số khoảng 35 ngàn người Việt! 90% kia chia cho 6 triệu dân bản địa! Đó là chưa kể số sinh viên gốc Việt ở các khoa học về răng, về mắt, về thuốc, v.v.

Sự thành công chói sáng ấy với tiền bạc dư thừa làm lóa mắt nhiều người, đôi khi gây ảnh hưởng tiêu cực đến việc giáo dục và quan hệ trong gia đình.

Nhưng cái khó để hiểu thực chất nền giáo dục miền Nam trên căn bản khoa học, dựa trên con số thì hiếm. Tài liệu duy nhất mà hiện nay còn giữ được và được xuất bản ở hải ngoại là cuốn Sáu Năm Hoạt Động Của Chánh Phủ Việt Nam Cộng Hòa do ông Hồ Đắc Huân sưu tập. Cuốn sách thật quý giá.

Tuy nhiên, cuốn sách chỉ đưa ra được những con số học sinh, sinh viên ở các cấp từ tiểu học, trung học đến đại học trong 6 năm. Nhưng kết quả tốt nghiệp thì lại không có, trừ kết quả của các trường đào tạo chuyên môn.

Cái khó khăn thứ hai của nền giáo dục miền Nam là có hai hệ thống giáo dục: Trường công lập và trường tư thục. Do đà dân số gia tăng, các trường tư ngày càng nhiều so với trường công. Có một sự chênh lệch rõ ràng về kết quả thi cử như một số dẫn chứng theo sau.

Trong việc giáo dục việc trồng người nó cũng một phần tương tợ như việc trồng cây.

Trồng thì phải có kết quả. 10 cây trồng thì ít ra cũng có 9 cây cho hoa trái.

Vậy mà số lượng từ 75% đến 80% phần trăm thí sinh tú tài ở các trường tư thi rớt.

Không ai hỏi xem lý do nào đưa đến kết quả xấu như thế và số phận những học sinh này ra sao? Đây là mối băn khoăn ám ảnh hầu như suốt quãng đời đi dạy của tôi.

Nếu ở trong một xã hội tân tiến, người ta sẽ đặt ra vấn đề chất lượng giáo dục đào tạo – đào tạo để làn gì? Đào tạo cho ai? Và về mặt xã hội dân sự làm thế nào giải quyết công ăn việc cho những người thi rớt trên? Chuyên môn không có, chưa ra ông mà cũng chẳng ra thằng, thợ cũng không phải thợ.

Rõ ràng có một lỗ hổng rất lớn trong nền giáo dục miền Nam. Đào tạo mà không có tính thực dụng, không có chuyển hướng theo khả năng của người thanh niên. Đào tạo cái đầu mà không nghĩ đến cái tay.

Đáng lẽ ngay từ khi hết bậc tiểu học đã phải chuyển hướng một số học sinh học nghề, học kỹ thuật, học làm thợ là chính, kiến thức chỉ là thêm vào.

Tình trạng lạm phát học sinh trình độ tú tài thi rớt đáng lý trở thành một gánh nặng cho xã hội thì may thay đã có một chỗ chứa. Đó là các quân trường từ lính đến hạ sĩ quan và sĩ quan, do nhu cầu của chiến tranh. Nói một cách thực tế thì đây là những thành phần hữu dụng và trở thành những người lính nồng cốt, những sĩ quan ưu tú của quân lực VNCH. Một sĩ quan thì ít nhất cũng có trình độ kiến thức hết bậc trung học cả về khoa học đến ngoại ngữ. Thật là trong cái rủi có cái may.

Trên đây là mấy nét phác họa về nền giáo dục miền Nam. Nền giáo dục ấy tuy nhẹ về phần thực dụng cũng như thể dục lại nặng về phần trí dục và cũng chú trọng nhiều đến phần đức dục, nhất là ở những năm tiểu học. Phải chăng đó chính là những nét đẹp nhất của nền giáo dục miền Nam?

Phần sau đây, với những kinh nghiệm của chính bản thân tôi vẽ lại chân dung nền giáo dục ấy qua quãng đời đi học và dạy học.

Phần Chính Đề

Sự tự trách cứ ở trên nói lên một tấm lòng còn chút tình con người mà ở đâu còn chút ấy thì tương lai con người còn được thắp sáng.

Phần tôi đã nhiều lần phản bội thầy như thế nên tôi dễ chia xẻ với 4 câu thơ trên.

Một lần khi tôi chạy xe Lambretta trên đường Phan Thanh Giản, lúc sắp quẹo vào Ngã Bảy, Lý Thái Tổ, chợt tôi thấy thầy của tôi dạy Pháp Văn – vẫn áo vét trắng, quần trắng, mũ phớt, dạy tôi ở trường Họ Sài Gòn dành cho học sinh di cư năm 1956, thầy đang ì ạch đạp xe giữa buổi trưa nắng. Thầy tôi mặc áo vét trắng, mũ phớt, giầy tây mà đạp xe đạp- trông nó thế nào ấy! Nó cho người ta có cảm giác như lỗi thời đến tội nghiệp trong một sự tương phản ‘giấy rách nhưng vẫn giữ lấy lề’.

Đấy là bức tranh toàn cảnh phần đông nghề thầy của miền Nam giai doạn 1955-1960. Phần đông các thầy còn đi xe đạp, nhưng lại mặc áo vét. Chính cái áo vét này nó gây sự chú ý của mọi người. Cái áo vét đó tượng trưng cho một thời kỳ thoái trào giữa cũ và mới.

Ta gọi là buổi giao thời vậy.

Trong chuyến tàu chót đó, cái áo vét như một vật dư thừa cuối mùa, nhận đủ oan trái của lớp người mới. Có lẽ may ra chỉ có thầy Vũ Hoàng Chương là vẫn có phong thái ung dung ngồi xích lô đạp đến trường.

Một nghề được coi là cao quý nhất, được nhiều người quý mến nhất trên lý thuyết, trên sách vở, trong sách Quốc Văn Giáo Khoa Thư, trong các bài học của thầy cô giáo bậc tiểu học. Nhưng về mặt thực tế xem ra bị bạc đãi nhất.

Hầu như người ta có cảm tưởng làm nghề thầy/cô giáo là đồng thời chấp nhận một cuộc sống đạm bạc. Một thầy, một cô, một chó cái!

Đó là sự thanh cao trong cảnh túng quẫn. Người ta nói như thế. Thầy ở đâu cũng có thể nghèo. Thời nào cũng vậy.

Thời lều chõng đến thời xe đạp.

Thật bất nhẫn, tôi không dám tiết lộ hết những cái nghèo đó ra đây.

Khi vào trường đời, tôi cũng đã gặp khá nhiều đồng nghiệp chấp nhận một cuộc sống mà sự đạm bạc trở thành một thứ đạo đức nghề nghiệp.

Lần ấy, tôi đã không đủ can đảm dừng xe lại chào thầy lấy một tiếng mà lại vội đi thẳng. Đáng lẽ tôi phải làm như người xưa, dừng xe lại và thưa,

“Tôi là Carnot đây, thầy còn nhớ tôi không?”(1)

Quốc Văn Giáo Khoa Thư, Trang 53.

Hình ảnh thầy dạy Pháp văn gợi nhớ đến một số thầy khác như thầy Huy Kinh, thầy Nguyễn Phố. Thầy Huy Kinh, đầu chải tém ra đằng sau, mặt mũi khắc khổ. Thầy luôn luôn trịnh trọng thắt nơ trong bộ vét trắng, thong thả gác chiếc xe đạp, khóa cẩn thận trước khi vào lớp.

Mặc âu phục, đi xe đạp là nếp sống văn hóa Tây còn sót lại chăng?

Vào lớp, thầy giảng Kiều thao thao bất tuyệt mà bọn học trò di cư ngỗ nghịch không nghe.

Người ta có cảm tưởng dưới kia không phải học trò mà là ‘Một bầy thú trước bảng đen!’

Sự khao khát truyền đạt, thiện chí có dư của thầy, thầy giảng mà như thể đang diễn thuyết, sự ăn mặc trang trọng nghiêm chỉnh của thầy, như vang bóng một thời còn sót lại, đã không được học trò đón nhận. Giảng mà như một cuộc độc thoại, mình nói mình nghe! Có cái hoàn cảnh nào bạc bẽo hơn không? Rất may, cái cảnh này không phải là hoàn cảnh phổ biến.

Tuy nhiên, hình như có một thói quen giảng bài rất trái sư phạm của một số thầy lớn tuổi. Khi giảng các môn Việt Văn và môn Sử địa – bị cuốn hút vào dòng tư tưởng – các thầy giảng như thể diễn thuyết. Người ta không thể diễn thuyết nhiều lần trong một ngày, trong cả năm. Đây là điều người ta gọi là bán cháo phổi. Dạy riết đến độ phổi nóng ran lên.

Theo tôi đây là là một đặc điểm rất nên ghi nhớ lại. Tôi còn hình dung ra được thầy dạy Việt Văn trường Văn Lang của ông Ngô Duy Cầu hồi mới di cư vào Nam, cổ thắt cà vạt – trời nóng, hơi người, lớp học mái tôn, quạt mát quạt hơi nóng – người thầy nhễ nhãi mồ hôi, bất chấp mọi chuyện, thầy vẫn giảng oang oang như chỗ không người.

Nghĩ lại, các thầy của tôi những năm ấy sao gian truân thế! Vì cái gì nhỉ? Chẳng lẽ chỉ vì miếng cơm manh áo? Hay vì nhẫn nại chớ thời cho một vận may chính trị?

Trên thực tế, nghề thầy trong thời diểm ấy là nơi trú ẩn của nhiều thứ: Chờ thời cũng có, ẩn náu dấu mình cũng có, dạy học qua ngày cũng có. Người chuẩn bị làm bác sĩ, dược sĩ, luật sư cũng đi dạy. Chữ đúng nhất trong trường hợp này là vừa đi dạy, vừa đi học. Vừa cầm phấn vừa cầm bút.

Duyên Anh, Bàng Bá Lân, Trần Bích Lan, Bùi Giáng, Thanh Tâm Tuyền, Trần Phong Vũ, Phạm Việt Tuyền, Chu Tử và nhiều người khác. Ai đích thực là người thầy?

Hỏi ra ai cũng có lúc làm thầy.

Thế thì có thể nào phân biệt được nghề thầy như một cái nghiệp và nghề thầy như một nơi tạm trú? Hay là chỉ có thầy dạy trường công mới là thầy?

Dù là thầy loại nào, tôi vẫn thương các thầy này, xót xa cho sự bạc bẽo của nghề dạy học. Vậy mà sau này tôi lại tình nguyện chui đầu vào như một kẻ đi lộn chuồng.

Thế nào là một ông thầy nhỉ? Tôi sẽ có câu trả lời ở phần sau.

Nhưng tôi có thể nói trước bây giờ là phần đông những đồng nghiệp của tôi, những người được đào luyện chính quy, họ xứng đáng là ông thầy. Ít lắm là phần đông thấy họ hiền lành.

Họ có cái phong cách là ông thầy, dù không biết bề trong thế nào.

Và nay, nhìn lại 20 năm miền Nam, tôi vẫn thấy mình hãnh diện vì đã được học hành, được lớn lên, trưởng thành trong một môi trường giáo dục tốt đẹp.

Thiển nghĩ, nhiều học trò có món nợ ông thầy trả không hết, Không thầy đó mày làm nên. Ca dao chẳng nói đó sao:

“Ngọc kia chẳng giũa chẳng mài
Cũng thành vô dụng, cũng hoài ngọc đi”.

Kinh nghiệm thứ hai của tôi thì oái ăm hơn.

Cho đến bây giờ, tôi vẫn không biết phải đối xử thế nào cho phải. Hồi mới di cư vào Nam, học một trường tư ở Chợ Lớn là trường Phong Châu, tôi nhớ là lớp 5ème. Tôi học một thầy sử địa, người Bắc; cả trường chỉ có hai thầy trò lẻ loi là người Bắc. Phần còn lại cả trường đều gọi cảnh sát là ‘mã tà’ cả. Thầy trông hiền lành, nghiêm chỉnh, giảng bài bằng tiếng Pháp rất lưu loát. Tôi cứ nghĩ thầy phải giỏi lắm.

Là học trò di cư khổ lắm. Khổ hơn nữa là trong lớp chỉ có mình tôi như thế – theo đạo, di cư, học trễ – 18 tuổi đầu mới ngồi lớp tiếp liên với thầy Trần Văn Quới, cũng là thầy dạy tác giả Nguyễn Tấn Bi, học trước tôi năm bảy năm.

“Hồi cách đây trên nửa thế kỷ, sau khi tốt nghiệp lớp năm, tức là đậu xong bằng Sơ Học Yếu Lược (Certificat d’Etudes Primaires Complémentaires Indochinoises), học sinh tỉnh Chợ Lớn bọn tôi có giỏi giang cách gì, cũng phải lên một lớp chóp bu cuả bậc tiểu học, bấy giờ gọi là lớp tiếp liên, nói nôm na là lớp dự bị trung học.. […]

Thuở đó mà nghe nói tới dân premiere année hay deuxièmer année là ngon quá mạng giang hồ, vì con cái quan quyến, cha chú mới học tới đó chớ còn dân ngu khu đen nhu bọn tôi, là cả cái gì xa lạ lắm. […]

Thầy dạy duy nhất cho lớp nầy từ khi mở ra cho đến khi giải tán là Thầy hiệu trưởng Trần Văn Quới, địa phương quen gọi là ông Đốc Quới… Thầy Quới dạy là phải biết. Tiếng Pháp học grammaire kỹ hơn trước. Sử địa cũng lạ hơn trước vì chỉ học lịch sử và địa lý của nước Pháp. Vẽ bản đồ các tỉnh thành của nước pháp giống hình lục giác, tô màu từng tỉnh khác nhau. Nghĩ cũng tức cười, xứ sở mình bao nhiêu tỉnh không biết hết, chỉ biết các tình miền Nam…[…]

Năm cuối cùng ở tiểu học, đưọc học với thầy Đốc Quới ai cũng phải nhận thầy là nguời kinh nghiệm, nhiều bản lảnh, và nhất là cái lối giảng bài của thầy thì trời sầu đất thảm lẳm. Có nghĩa là thầy giảng và dịch thật rõ ràng để tránh cho học trò không lầm lẫn khi viết tiếng Tây.”(2)

Vào khoảng sau 1970, tôi có dạy luyện thi môn triết tại trường Trường Sơn, đường Lê Văn Duyệt. Hiệu trưởng là nhà văn Nguyễn Sỹ Tế.

Lớp học buổi tối từ 7 giờ đến 10 giờ. Người học thường là công chức, quân nhân hoặc học sinh muốn học thêm. Thành phần hỗn tạp. Trình độ cao thấp không biết được. Một bữa nọ, tôi nhận ra người ngồi ngay đầu bàn ở dãy cuối cùng lại đúng là thầy Sử địa năm nào của tôi đang ghi ghi chép chép.

Tại sao thầy không kiếm một chỗ ngồi ở một góc khuất nào kín đáo hơn để tôi không nhận ra thầy? Tại sao thầy lại vô ý chọn ngồi đầu bàn ngay lối đi lên xuống của tôi?

Tại sao thế? Thầy đặt tôi vào một hoàn cảnh khó xử. Tôi hầu như không tin vào mắt mình. Nhưng nhìn kỹ lại đúng là thầy mình chứ không thể nhầm được. Tôi hơi choáng trong nghịch cảnh thế này. Nhưng thầy vẫn có vẻ thản nhiên ngồi chăm chú nghe tôi giảng. Giả dụ thầy nhận ra tôi, thầy có tiếp tục đi học nữa không?

Sau này, tôi nghĩ thầy lỡ thời bất đắc chí phải đi dạy nên nghĩ nay phải có thêm bằng tú tài II để vào đại học? Kiến thức thầy có thừa, tiếng Pháp của thầy đi chấm thi tú tài II, ban C cũng dư. Vậy mà thầy ngồi kia. Thầy học tôi được cái gì? Ai dạy ai? Chắc chắn là thầy không nhận ra tôi. Nhưng chắc chắn là tôi nhận ra thầy.

Lần này thì tôi không thể nói, “Tôi là Carnot đây”. Tôi phải nói thế nào?

Tôi chỉ thấy hoàn cảnh rất oan trái của một số thầy làm nghề dạy học.

Dáng đứng uẩn khuất của thầy dạy sử địa của tôi không dễ mà thấy được. Cho đến bây giờ tôi vẫn tự hỏi Thầy là ai?

Nhưng ít ra cũng là cái gương hiếu học đáng quý của người Việt Nam mà thầy tôi là một trong vô số những người ấy.

Nếu được phép nói thì, “Thưa thầy, con vẫn kính trọng thầy.”

Chuyện như thế cũng xảy ra với bạn bè. Không quan trọng lắm. Lần này, tôi dạy hai lớp luyện thi cho học trò trường Tây tại Trung Tâm Cao Bá Nhạ, đường Cao Bá Nhạ để thi tú tài Việt Nam. Học trò đều là lớp con cái nhà gia thế, có tiền của. Trình độ đồng đều, có phần ưu thế hơn học trò trường Việt về các môn Anh văn, Pháp văn và kiến thức tổng quát. Phải chăng học trò trường Pháp có một truyền thống học đường? Con gái thường mặc áo chemise, quần dài hay mặc đầm, ít mặc áo dài; tưởng họ ngổ ngáo, xem ra lại tỏ ra lễ phép hơn học trò nhốn nháo trường tư Việt.

Điều này tôi phải nói thật như vậy. Sự kính nể và chăm chú nhìn rõ trên khuôn mặt học trò.

Tâm tình chúng cũng khác lắm.

Carte chúc Noel, sinh nhật mà ít học trò trường Việt nào làm. Đón ở cửa lối ra để chào thầy ra về. Đi qua mặt một học trò lúc vào lớp, có thể có lời chào nhẹ, kín đáo, chào thầy. Hỏi một thắc mắc chưa hiểu, hỏi một danh từ tiếng Pháp tương đương với chữ tiếng Việt lúc tan học mà ít khi nào học trò trường Việt chặn thầy để hỏi. Tôi đã nhận được nhiều thái độ trân trọng như thế. Học trò trường Việt thụ động hơn hay chăng? Có lần tôi nhận được thư một học trò viết, “Thưa thầy, con thấy tội nghiệp thầy quá, tại sao quần Tây của thầy rách gấu mà thầy vẫn mặc”. Nó hiểu lầm tôi nghèo chắc? Buổi học sau tôi nhìn em ấy, em như thản nhiên không phải là tác giả bức thư ấy. Nếu có ai thắc mắc, nó viết tiếng Tây hay tiếng Việt? Thưa, tiếng Việt.

Sau này, tôi rất hối tiếc không giữ lại những lá thư kiểu này. Nghề thầy có rất nhiều kỷ niệm mà phần lớn là kỷ niệm đẹp cả.

Nhưng trong số học trò ấy, có Đại Úy Hưng, người bạn cùng học với tôi từ Hà Nội và di cư vào Nam, đi lính, nay có thời giờ học thêm tú tài II. Tôi không nhận ra anh trong đám đông ấy. Nhiều khi, học trò ngồi dưới, tưởng tôi nhìn, hoặc chú ý tới người này người kia. Trong nhiều trường hợp, nhất là lớp đông, tôi có nhìn, nhưng không nhìn thấy ai cả. Phần anh, nhận ra tôi, nhưng không dám xưng danh tánh. Học được ít lâu, anh mới đủ can đảm gặp tôi. Sau đó, tôi đã hết lòng chỉ dẫn riêng cho Hưng các đề thi, các chủ đề chính thường được hỏi trong kỳ thi tú tài II, Ban C. Hưng đỗ. Cả hai chúng tôi đều chia sẻ niềm vui chung đó, trong đó có vợ con Hưng.

Còn nỗi mừng nào hơn. Nghề thầy vui ở chỗ ấy mà người khác không có được.

Cũng lại thêm chuyện lính tráng. Có lần đi coi thi ở miệt Rạch Giá, có một ông lính để chình ình một trái lựu đạn trên bàn dọa ai không biết. Mấy cô giáo sợ run lên, lấm lét. Học trò cũng vậy. Tôi cũng sợ lắm chứ. Nhưng cũng bạo dạn đến gần anh lính nói nhỏ, “Anh làm ơn cất đi giùm thứ kia không các em nó sợ quá”. Tôi không nhớ là mình có đái ra quần không. Anh nhìn tôi thăm dò và có vẻ thách thức nói, “Lính mà thầy!”. Thật ra, tôi có thể lén lén về văn phòng báo cho ông chánh chủ khảo Hội Đồng Giám Thị. Vài phút sau, Quân Cảnh sẽ tới.

Quân Cảnh vào thì có thể lớn chuyện có thể có án mạng không chừng. Ít nữa thì anh lính đáng thương cũng bị còng tay với những ngày trọng cấm.

Nói không được, tôi lặng lẽ bỏ ra ngoài hành lang nhìn trời, nhìn đất, đứng ì ra đó. Cho đến bây giờ, tôi vẫn không hiểu tại sao tôi lại ứng xử thụ động như vậy.

Anh lính ngồi chán không dọa ai được, cất lựu đạn, nộp giấy trắng, rồi thong thả bỏ thi ra về.

Anh lính ấy không hiểu có kịp về khoe với người tình bữa tối đó không? Anh vừa dọa được một tên thầy giáo chết nhát, mặt hắn xanh như tầu lá, miệng run lẩy bẩy xin anh cất lựu đạn đi.

Biết đâu một viên đạn vô tình nào đó cất anh đi nhẹ nhàng. Đời lính mà thầy. Tôi nhận tôi là một thằng thầy giáo chết nhát, còn anh, giờ này anh ở đâu? Thầy giáo đôi khi đặt tình người trên cả nguyên tắc. Chắc là như thế.

Cả đời đi coi thi, nếu động tí bắt học trò gian lận thì sợ không có đủ giấy để ghi. Chỉ có một lần cấm thi (năm đó thôi) một em nữ sinh ở Phan Thiết một cách bất đắc dĩ, ngoài ý muốn. Vậy mà lòng vẫn ân hận. Tát một em nữ sinh ở một trường tư Khiết Tâm trong lúc nóng giận. Làm sao quên? Mắng một em nữ sinh trường Văn Hóa, đường Gia Long, “Trông cô cũng xinh xắn sao mà ngu thế”. Chuyện nhỏ như thế mà cũng không quên thì là nghĩa lý gì? Đó là hơn 50 năm trước; ứng xử đó ngày nay ở xứ này chắc phải đi tù hay it nhất cũng phải trả lời trước Ban Giám Hiệu hay Hội Đồng Học Chính.

Rất may, trong nhiều năm dạy trường công, tôi chưa có dịp mắng một em nữ sinh nào cả.

Làm thầy mà không có cái tình người thì không nên chọn nghề thầy.

Nghề thầy còn có một thử thách lớn lao – thử thách suốt đời – mà tôi tạm gọi là Hành Lang Của Sự Thử Thách (Corridor de la tentation: Lấy lại một ý của một ông vua muốn kén chọn một người quản lý tốt nên cho họ đi qua một hành lang hẹp, chứa đầy kim cương vàng bạc. Ai cũng vội nhét cho đây túi tham. Chỉ có một người không. Và ông này đã được chọn làm quản lý).

Thầy giáo nào mà đã không trải qua hành lang thử thách này?

Từ trường học đến trường đời là một bước nhảy. Và sự chuẩn bị cho bước nhảy là một điều không thể thiếu được. Ai chuẩn bị cho bước nhảy quan trọng và thiết thân ấy? Thưa trường học với thầy cô giáo, uốn nắn răn đe, nhẹ tay cũng có, khắt khe cũng chẳng thiếu trong suốt mười mấy năm, hết thầy cô này đến thầy cô khác.

Mỗi ngôi trường với thầy cô giáo – từ mẫu giáo, tiểu học, trung học đến đại học – là một môi trường lành mạnh, một mối giao cảm đầu đời, giúp người trẻ vào đời.

Và ở xã hội miền Nam, ông Diệm đã quyết tâm coi việc giáo dục là hàng đầu. Tiếp nối nền Đệ Nhị Cộng Hòa cũng thế.

Chỉ một lần thôi, lần này thôi, những ai đã từng có hạnh phúc được lớn lên và ăn học ở miền Nam. Hãy tỏ ra biết điều, cúi đầu cám ơn miền Nam đã cho chúng ta một tuổi trẻ, một sức sống, một tương lai đầy hứa hẹn.

Ngày hôm nay, nhiều người đã nên ông nên bà, hãy bày tỏ trong thầm lặng cũng được một lời cám ơn mà không lúc nào là thừa.

Và sau đó, hàng loạt giáo sư trẻ ra trường lan tỏa ra khắp mọi miền đất nước như men trong bột. Đất nước đã đầu tư đến một phần ba cuộc đời mỗi người tuổi trẻ trong việc đào luyện với một ý thức kỷ luật cao độ trong các trường công lập trước khi người trẻ tuổi vào đời.

Xin trích đăng một vài chứng từ của Giáo Sư Dương Thiệu Tống, đã một thời như thế, thầy giáo luôn luôn muốn học trò mình giỏi, nhưng lại khắt khe vô cùng.

Nó cho thấy thầy giáo cho điểm, lời phê rất là ngặt và khó khăn.

Môn quốc văn mà điểm nhất lớp cũng chỉ có 7 điểm (7 điểm trên 10). Thứ hạng là I trên 38! Ngược lại điểm rất cao, nhưng lời phê thường chỉ có một chữ, “Được”, ít khi có chữ “Khá”, nhiều khi là chữ “Thường”.(3)

Và Giáo Sư Dương Thiệu Tống đặt ra vài câu hỏi gợi ý:

“Phải chăng chúng tôi quá khắt khe với học sinh? Hay là học sinh ngày nay giỏi hơn xưa quá nhiều? Tôi xin phép dành các câu hỏi này cho các đồng nghiệp và các trường học của chúng ta suy ngẫm và tìm ra giải đáp”. (4)

Trong đó giữa thầy-trò có một tương giao tin tưởng hỗ tương mà ngày nay, tôi cảm nghiệm cho thấy không thể tìm thấy trong môi trường XHCN được.

Tôi khẳng định không có tin tưởng lẫn nhau, không thể có giáo dục

Sau 1975, những điều tôi nói vừa rồi là có cơ sở. Một nền giáo dục chói sáng của miền Nam đã tắt. Tôi bắt đầu sợ học trò, nhất là học trò lớp nhỏ vì chúng vô tình. Tôi bắt đầu đóng kịch. Tôi nhìn xuống đám học trò như ẩn khuất bóng dáng một tên công an trong đầu chúng!

Vì thế nay điều tôi nghĩ và điều tôi nói ra không phải là một. Từ nay, cứ coi như xem khỉ dạy người! Chúng ta trở lại vói các suy nghĩ thuần giáo dục thôi.

Giữa các giai đoạn từ tiểu học lên đại học thì giai đoạn trung học là giai đoạn chuyển tiếp quan trọng nhất. Phần đông học sinh phá ngang, bỏ học hay tiếp tục học lên trên tùy thuộc vào giai đoạn này vì không qua khỏi rào cản thi tú tài phần một và phần hai.

Các cô học trò của tôi, như Võ Quách Tường Vy, gọi lớp đệ tứ là năm ‘giao mùa’. Cô Võ Thị Ngọc Dung thì gọi đó là một năm ‘bản lề’ (xin xem phần trích dẫn ở phần sau). Các cô giỏi thật.

Nhưng tôi xin bổ túc thêm gọi đó là những năm tháng ‘chuyển mình’. Chuyển cả thể xác lẫn tâm hồn.

Các cô không còn như trước nữa. Có sự giao động của một khủng hoảng tuổi thanh xuân. Vậy mà các cô cậu nay phải lo âu đối diện với tương lai trước thi cử! Tuổi thanh xuân mất đi một phần hào quang quyến rũ của nó vì thi cử.

Rào cản thi cử này đối với tôi là bất công nhất và lãng phí nhân tài cũng vì nó. Tư tưởng này ám ảnh tôi trong suốt những năm tháng ấy trong nỗi bất lực mà trong tầm tay, tôi chỉ có khả năng cho rộng điểm ở các kỳ thi.

Làm thầy giáo, có thể tôi chả có điều gì tự hào về mình.

Chỉ có niềm tự hào nhỏ là lúc đi chấm thi, lúc tôi phóng tay cho những thí sinh may mắn rơi vào tay tôi, và có thể nhờ đó họ thi đỗ dưới con mắt nhìn có vẻ khinh miệt của đồng nghiệp.

Nhưng những điều trình bày ở trên vẫn chưa có câu trả lời thế nào thì được coi là ông thầy giỏi và được học trò quý mến và nhớ mãi?

Thầy giỏi, dạy hay, ăn nói lưu loát là một điều tốt, nhưng đủ chưa?

Nhiều thầy dạy hay đã có thể lôi cuốn được đông đảo học trò và nổi tiếng khắp trường được cả đồng nghiệp nể trọng. Thầy dạy hay có phải là yếu tố chính giúp học trò thi đậu? Chắc hẳn là có một phần không nhỏ học trò thi đậu là nhờ thầy dạy hay, dể hiểu, dễ nhớ.

Làm sao có thể phủ nhận tài dạy học của anh em các Thầy Bùi Hữu Sủng, Bùi Hữu Đột các năm 1955-1960! Thằng ngu nhất học Thầy Bùi Hữu Đột cũng có thể nghuệch ngoạc vẽ bậy được cái phương trình bậc nhất. Thằng dốt đặc cán thuổng nhất về Pháp văn học Thầy Bùi Hữu Sủng cũng có thể viết được “Je là tao, tu là mày, Ils là là lũ chúng nó”.

Thầy Lưu Ngọc Linh, dạy Pháp văn ban C, sinh ngữ một Chu Văn An là trường hợp độc nhất vô nhị.

Thầy được ông hiệu trưởng nể vì thế nên đi dạy thất thường bất kể giờ giấc, đến trễ. Nếu tôi còn nhớ. thầy có nhiều cái chướng. Nhưng mỗi cái chướng của thầy trở thành, “il est unique dans son genre.” Sự độc đáo của riêng thầy.

Đang dạy thầy đòi uống la de! Và học trò đồng lõa với cái chướng ấy, vội vã cầm tiền đi mua lade về cho thầy. Sau này tôi cũng học đòi bắt chước những cái chướng ấy mà không xong.

Chưa ai có thể sánh bằng Thầy Lưu Ngọc Linh. Thầy nói, thở ra văn chương mà không cần suy nghĩ, không cần cầm bút. Mỗi câu Pháp Văn thầy nói ra như rót vào tai, học trò vội ghi ghi chép chép.

Ngựa chứng trong sân trường không phải là học trò mà là thầy.

Từ cách đi đứng, cách ăn mặc, cách hút thuốc, cách lái xe hơi như một tài tử ciné chứ không phải một ông thầy đi dạy. Sau này, thầy không dạy nữa và không còn ai nhắc nhở xa gần tới thầy.

Nhưng cũng đã có một thời, các thầy giọng tiếng Bắc trở thành những ngôi sao trên vòm trời các lớp luyện thi, các trường trung học tư thục? Các thầy lớp trước có Thầy Ngô Duy Cầu, Thầy Bùi Hữu Đột, Bùi Hữu Sủng, Thầy Lê Bá Kông, Lê Bá Khanh, các thầy hái ra tiền.

Lớp trẻ hơn có các Thầy Phạm Kế Viêm, Thầy Nguyễn Xuân Nghiên, Thầy Nguyễn Văn Phú, Thầy Vũ Khắc Khoan, Thầy Trần Bích Lan – Nguyên Sa. Và nhiều thầy dạy toán, lý hóa không nhớ hết. Nhưng nay ai còn nói chuyện ân nghĩa với các thầy trên? Ai còn để lại dấu ấn thầy-trò?

Lại còn câu hỏi ai xứng đáng là đệ tử của các thầy trên?

Xin thưa là phần đông các học trò này thường là yếu kém về các môn học này nên cần đến các thầy loại này.

Các thầy trên giỏi thì có giỏi, nhưng mới chỉ là đào tạo chữ nghĩa, xây dựng kiến thức chứ chưa phải là đào tạo con người.

Học trò giỏi đôi khi không cần đến các thầy đó!

Các học trò trường công lập

Thầy trường công và nhất là học trò trường công thì khác xa về trình độ học vấn so với học trò trường tư. Một đằng trình độ tương đối đồng đều, có chọn lọc khi thi tuyển vào lớp đệ thất. Một đằng hỗn tạp, giỏi thì ít mà dở thì nhiều, kỷ luật cũng kém. Nói chung kém mọi mặt.

Cho nên tỷ lệ thi đỗ ở trường tư chỉ 15% đến 30% tùy trường. Tỷ lệ thi đỗ ở trường công từ 75% trở lên.

Sự đồng đều ấy cho thấy không có nạn chạy chọt, đút lót để cho con vào đệ thất trường công. Có những gửi gấm rất con người dù người khó tính đến đâu cũng phải chấp nhận. Như con bác cai trường, con thầy giám thị. Thú thực, chưa một ai gửi gấm tôi trong các kỳ thi đệ thất; gửi ai khác tôi không biết, dù chỉ một lần.

Điều đó chỉ ra tính cách nghiêm chỉnh của các kỳ thi, dù là thi đệ thất. Các kết quả dưới đây tự nó nói lên điều ấy mà không cần một lời biện minh.

Nhưng ngoài việc học giỏi, đừng quên một điều không kém quan trọng: Có kỷ luật. Nhờ có kỷ luật mà thầy-trò làm nên chuyện. Không thuộc bài phải thuộc bài. Không thể lười, muốn lười cũng không được. Trường nào kỷ luật kém thì việc học cũng xa sút,

Dưới đây xin được nêu ra vài bằng chứng cụ thể.

Trong giai phẩm xuân Gia Long 1968-1969 cho thấy một vài số liệu sau đây:

Kỳ thi Tú Tài I năm 1968, năm Mậu Thân có 89,73% trúng tuyển trong tổng số 760 học sinh dự thi, trong đó có 16 thí sinh đậu hạng ưu, 98 đậu hạng Bình và 198 đậu hạng Thứ.

Kỳ thi tú tài phần II năm 1968 có 79,10% trong tổng số 536 học sinh dự thi, trong đó có 7 đậu Ưu, 38 đậu Bình và 114 đậu Bình Thứ (bình thường thì tỉ lệ thi đậu của Tú Tài II thường cao hơn tỷ lệ của Tú Tài I, vì đã được sàng lọc ở Tú Tài I như trường hợp trường Petrus Ký).

Trong số đó, 159 thí sinh đậu Ưu và Bình trong cả hai kỳ thi được nhà trường thưởng một mề đay bằng vàng tây trên đó có khắc G&L lồng vào nhau.(5) Bà Trần Thị Tỵ, hiệu trưởng Trường Nữ Trung Học Gia Long, trường nữ lớn nhất Sài Gòn trước 1975; trong bài trả lời phỏng vấn của một cựu nữ sinh Gia Long, bà Võ Thị Hai, bà hiệu trưởng cũng nhìn nhận rằng:

“Trường học là nơi phải đạt mục tiêu hàng đầu là giáo dục học sinh, có nghĩa là phải rèn luyện để học sinh có đạo đức, có kỷ luật, có trật tự. Phải có trật tự thì các em mới chú tâm nghe giảng, mới có thể học giỏi được. Và cũng phải rèn luyện để các em đi dần đến ý thức tôn tôn trọng kỷ luật một cách tự giác.”(6)

Nói như thế không có nghĩa là không có ngoại lệ đáng tiếc ngoài dự liệu của nhà trường và lòng mong mỏi của ban giám hiệu nhà trường.

(Còn tiếp)

Nguyễn Văn Lục

 

Tìm các bài BIÊN KHẢO khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com