Ngược lại với văn chương bác học ngày xưa chịu nhiều ảnh hưởng Hán học từ đất Bắc theo chân những cuộc xâm lăng tràn xuống phương Nam mà hàng nho sĩ đã bị lệ thuộc từ tư tưởng đến cách hành thơ, ca dao phát xuất, thành hình từ lòng người dân và lắng sâu luồn lỏi trong từng mạch máu người dân Việt, hơn mấy ngàn năm lịch sử. Tục ngữ, thành ngữ, ca dao, hát ví, dân ca đã hiện diện trong lòng dân Việt trước khi nền văn chương bác học từ phương Bắc du nhập vào nước ta.
Văn chương bác học do các bậc sĩ phu làm ra chỉ để phục vụ cho lớp cao tầng trong xã hội. Cao dao là một trong những thể thi ca truyền miệng, do chính người dân trong tầng lớp dân dã làm ra và cũng để phục vụ cho chính người dân dã Việt trong lòng đất Việt. Những người dân dã đã đem cái tâm tình, điều tư duy của mình để diễn đạt thành những vần thơ, những bài hát ngắn không chương khúc với những âm điệu dễ nhớ, dễ hò, được truyền miệng từ người này sang người kia, từ miền này sang miền nọ, từ đời này sang đời kia, được trao chuốc, được sửa đổi để làm giàu làm đẹp cho kho tàng văn chương bình dân nước Việt.
Như nhà biên khảo Minh Hương trong cuộc hành trình “Trở Về Nguồn Cội” đã nhận định rằng: “Với một tinh thần dẻo dai, bền bỉ phi thường, đại đa số dân quê dốt nát đã âm thầm và gián tiếp chống lại thế lực văn hóa Nho Học khổng lồ từ phương Bắc, bằng cái lợi khí của dân tộc: Ca dao, Tục ngữ”
Trong ca dao, qua những câu thơ khi nhặt khi khoan, khi trầm khi bổng ta nghe kể vô số những kinh nghiệm, những nhận xét tinh vi về thiên nhiên, về cuộc sống, về con người Việt chúng ta, ta cảm được cái màu sắc của đất nước Việt, ta hình dung được tính tình của dân tộc Việt, ta học được cái túi khôn và cái thuật sống của dân tộc Việt.
Trong ca dao, ta thấy được ảnh hưởng của Khổng giáo, Phật giáo, Lão giáo, những tập quán ngàn đời; để từ đó người dân quê Việt tự tìm ra cái nhân sinh quan mà sống cho tròn bổn phận đối với thiên nhiên, con người, gia đình, làng quê, đất nước. Và cũng từ đó người dân Việt đã dám thốt lên những lời chê bai, những lời ca tụng, những lời than ai oán đối với cái thế thái nhân tình trong xã hội đương thời. Và vẫn còn để cho ta theo đó mà ví von, mà học, mà hành, mà phê phán…. thói đời, người đời.
Ai ơi! bưng bát cơm đầy,
Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần.
Ai ơi! chớ vội cười nhau,
Cười người hôm trước, hôm sau người cười
Ai ơi! đừng chống, chớ chầy,
Có công mài sắt, có ngày nên kim.
Ai ơi! giữ chí cho bền,
Dù ai xoay hướng, đổi nền mặc ai.
Ai ơi chơi lấy kẻo già,
Măng mọc có lứa, người ta có thì.
Hơi xuân kẻo hết xuân đi,
Cái già xồng xộc nó thì theo sau.
Ai ơi! phải nghĩ trước sau,
Đất liền cũng lở, huống cầu bắt ngang.
Ai ơi! chớ lấy kẻ già,
Măng mọc có lứa, người ta co thì.
Chơi xuân kẻo hết xuân đi,
Cái già xồng xộc, nó thì theo sau.
Anh ơi! Anh ở lại nhà,
Thôi đừng vui thú nguyệt hoa chơi bời.
Có tiền, kẻ rước người mời,
hết tiền, chẳng thấy một người nào ưa.
Anh đi chợ Bà Chiểu
Mua một xấp nhiểu.
Đem về.
Con Hai cắt. Con Ba may.
Con Tư đột.
Con Năm viền.
Con Sáu đơm nút.
Con Bảy vắt khuy.
Anh ra đi.
Con Tám níu.
Con Chín trì.
Mười ơi!
Sao em để vậy, còn gì áo anh?
Anh em bốn bể là nhà,
Người dưng khác họ mới là anh em.
Ăn được, ngủ được là tiên
Không ăn, không ngủ, mất tiền thêm lo.
Ăn quả, nhớ kẻ trồng cây
Ăn gạo nhớ kẻ đâm, xay, giần, sàng…
Ăn quả, nhớ kẻ trồng cây,
Ăn khoai, nhờ kẻ cho dây mà trồng.
Ba năm ở với người đần,
Chẳng bằng một lúc, nghé gần người khôn.
Ba năm trấn thủ lưu đồn,
Ngày thì canh điếm, tối dồn việc quan.
Chém tre, đẵn gỗ trên ngàn,
Hữu thân, hữu khổ biết phàn nàn cùng ai?
Miệng ăn măng trúc, măng mai,
Những tre cùng nứa, lấy ai bạn cùng?
Nước giếng trong, con cá nó vẫy vùng…
Bàn tay còn có ngón dài, ngón ngắn,
Con một nhà đứa trắng, đứa đen.
Hễ ăn vóc học quen,
Dẫu họ chê mình vụng, tập rèn cũng hay.
Bận chân con, vợ, gia đình,
tang bồng hồ thỉ, chỉ nhìn mà đau!
Bầu ơi! Thương lấy bí cùng,
Tuy rằng khác giống, nhưng chung một giàn.
Bực mình, chẳng muốn nói ra,
Muốn đi ăn cỗ, chẳng ma nào mời.
Buổi chợ đông, con cá hồng, chê lạt
Buổi chợ tàn, con tép bạc cũng phải mau.
Buồn về một nỗi tháng Giêng,
Con chim, cái cú nằm nghiêng thở dài.
Buồn về một nỗi tháng Hai,
Đêm ngắn, ngày dài thua thiệt người ta.
Buồn về một nỗi tháng Ba,
Mưa dầm, nắng lửa, gần xa lừ đừ.
Buồn về một nỗi tháng Tư,
Con mắt lừ đừ, ăn chẳng muốn ăn.
Buồn về một nỗi tháng Năm,
Chưa đặt mình nằm, gà gáy, chim kêu.
Cá trong lờ, đỏ hoe con mắt,
Cá ngoài lờ, ngúc ngắc muốn vô.
Cá không ăn câu, nói rằng con cá dại,
Vác cần câu về, nghĩ lại con cá khôn.
Cá không ăn câu, chê rằng cá dại,
Cá mắc mồi rồi, bảo tại tham ăn.
Cách sông nên phải lụy đò,
Bởi chưng về tối, lụy cô bán hàng.
Cái vòng danh lợi cong cong,
Kẻ hòng ra khỏi, người mong bước vào.
Càng thắm thì càng mau phai,
Thoang thoảng hương nhài mà lại thơm lâu.
Cau già, dao sắc lại non,
Người già, trang điểm phấn son vẫn già.
Cầm vàng mà lội qua sông,
Vàng trôi không tiếc, tiếc công cầm vàng.
Cây cao, bóng mát chẳng ngồi,
Ra ngồi chỗ nắng, trách trời không mưa.
Cây xanh thì lá cũng xanh,
Cha mẹ hiền lành, để đức cho con.
Con mèo, con mẻo, con meo
Muốn ăn thịt chuột thì leo sàn nhà.
Con quạ nó đứng bên sông,
Nó kêu bớ mẹ lấy chồng bỏ con.
Con quạ nó đứng đầu non,
Nó kêu bớ má thương con trở về!
Ngày sau con lễ ba bò,
Sao bằng lúc sống con cho lấy chồng.
Có bệnh thì vái tứ phương,
Không bệnh, chẳng mất nén hương, dây vàng.
Có mới thì nới cũ ra,
Cũ để trong nhà, mới để ngoài sân.
Có tiền thì hậu mới hay,
Đã vun cây đức, ắt đầy lòng nhơn.
Con ơi! chớ lấy vợ giàu,
Cơm ăn nó chê bẩn, cá kho bầu, nó chê tanh.
Con vua thì lại làm vua,
Con sãi ở chùa thì quét lá đa.
Bao giờ dân nổi, can qua,
Con vua thất thế, lại ra ở chùa.
Con ơi! Mẹ bảo con này,
Học buôn, học bán cho tầy người ta.
Con đừng học thói chua ngoa,
Họ hàng ghét bỏ, người ta chê cười.
Dù no, dù đói cho tươi,
Khoan ăn, bớt ngủ là người lo toan.
Phòng khi đóng góp việc làng,
Đồng tiền, bát gạo lo toan cho chồng.
Trước là đẹp mặt cho chồng,
Sau là làng mạc cũng không chê cười.
Cồng cộc bắt cá dưới sông,
Mấy đời cháu ngoại giỗ ông bao giờ.
Cơm ăn chẳng hết thì treo,
Việc làm chẳng hết thì kêu láng giềng.
Cờ bạc là bác thằng bần,
Cửa nhà bán hết, chôn chân vào cùm.
Có khó mới có miếng ăn,
Ngồi không, ai dễ mang phần đến cho.
Có gió lung, mới biết tùng bá cứng,
Có ngọn lửa hừng, mới rõ thức vàng thau.
Còn trời, còn nước, còn non,
Còn trăng, còn gió, hãy còn đó đây.
Của mình thì giữ bo bo
Của người thì thả cho bò nó ăn.
Cha đời cái áo rách này,
Mất chúng, mất bạn, vì mày áo ơi!
Chẳng tham ruộng cả ao sâu,
Tham vì anh tú rậm râu lại hiền.
Chẳng tham vựa lúa anh đầy,
Tham năm ba chữ cho tầy thế gian.
Chẳng tham cái bút, cái nghiên,
Chẳng tham ruộng cả, ao liền gì đâu.
Phải duyên, phải lứa cùng nhau,
Dẫu rằng áo vải, cơm rau cũng tình.
Chị em thì thật là hiền,
Chỉ vì đồng tiền mà mất lòng nhau.
Chim khôn tránh bẫy, tránh lò
Người khôn tránh kẻ hồ đồ mới khôn.
Chim khôn chết mệt vì mồi,
Người khôn chết mệt vì lời nhỏ to.
Chim ham trái chín ăn xa,
Buồn tình, nhớ lại gốc đa, muốn về!
Chim trời, ai dễ đếm lông,
Nuôi con, ai dễ kể công, kể ngày.
Chỉ đâu mà buộc ngang trời,
Tay đâu mà bịt, miệng người thế gian?
Chỉ đâu mà buộc ngang trời,
Thuốc đâu mà chữa con người lẳng lơ?
Chồng giận, thì vợ bớt lời,
Cơm sôi nhỏ lửa, một đời không khê.
Chồng tôi áo rách tôi thương,
Chồng nguời, áo gấm, xông hương mặc người.
Chồng em nó chẳng ra gì,
Tổ tôm, xóc dĩa nó thì chơi hoang.
Nói ra xấu thiếp, hổ chàng,
Nó giận, nó phá tan hoang cửa nhà.
Nói đây thời có chị em nhà,
Còn năm ba thúng thóc với một vài cân bông.
Em bán đi, trả nợ cho chồng,
Còn ăn, hết nhịn, cho thỏa lòng chồng con.
Đắng cay ngậm quả bồ hòn,
Cửa nhà, gia thế, chồng con kém người.
Nói ra sợ chị em cười,
Con nhà gia thế, lấy người đần ngu.
Rồng vàng tắm nước ao tù,
Người khôm ở với người ngu, nặng mình!
Chớ thấy áo rách mà cười,
Những giống gà nòi, lông nó lơ thơ.
Chớ thấy sóng cả mà lo,
Sóng cả mặc sóng, chèo cho có chừng.
Chơi hoa mới biết mùi hoa,
Cầm cân mới biết cân già, cân non.
Chuối cậy lòng chuối còn trinh,
Chuối ở một mình sao chuối có con?
Chưa tối đã vội đi nằm
Em coi giấc ngủ đáng trăm quan tiền.
Dã tràng xe cát biển đông,
Nhọc mình mà chẳng nên công cán gì!
Dẫu mà nợ bắt, nợ đòi
Phong lưu, ta vẫn cứ nòi phong lưu.
Dù xây chín bậc phù đồ,
Không bằng làm phúc, cứu cho một người.
Dẫu xây mấy bậc phù đồ,
Không bằng làm phước cứu cho một người.
Duyên may tay bế tay bồng,
Có chồng thương kẻ nằm không một mình.
Dù ai nói Đông, nói Tây,
Thì ta vẫn vững như cây giữa rừng.
Dù ai nói ngã, nói nghiêng,
Thì ta vẫn vững như kiềng ba chân.
Đàn đâu mà gảy tai trâu,
Đạn đâu bắn sẻ, gươm đâu chém ruồi.
Đánh giặc mà đánh tay không,
Thà về xó bếp, dương cung, bắn mèo.
Đàn ông rộng miệng thì sang,
Đàn bà rộng miệng tan hoang cửa nhà.
Đàn ông rộng miệng thì sang,
Đàn bà rộng miệng, điếc tai láng giềng.
Đã sanh ra kiếp đàn ông,
Đèo cao, núi thẳm, sông cùng, quản chi?
Đạo cang trường khó dễ đổi thay,
Dầu làm nên võng giá, rủi ăn mày cũng cứ theo nhau.
Đấng trượng phu đừng thù mới đáng,
Đấng anh hùng đừng oán mới hay.
Đèn khoe đèn tỏ hơn trăng,
Đèn ra trước gió được chăng hở đèn?
Trăng khoe trăng tỏ hơn đèn,
Sao trăng lại phải chui lòn đám mây?
Đến ta mới biết của ta,
Ngàn trăm năm trước biết là của ai.
Đi đâu mà vội mà vàng,
Mà vấp phải đá, mà quàng phải dây?
Thủng thỉnh như chúng anh đây,
Chẳng đá nào vấp, chẳng dây nào quàng.
Đi lâu mới biết đường dài,
Ở lâu mới biết con người phải chăng.
Đi buôn không lỗ thì lời,
Đi ra cho biết mặt trời, mặt trăng.
Đinh ninh ta để dạ này,
Có công mài sắt, có ngày nên kim.
Đói thì ăn nắm lá sung,
Chồng một thì lấy, chồng chung thì đừng!
Đố ai quét sạch lá rừng,
Để ta khuyên gió, gió đừng rung cây.
Đôi ta như thể quân bài,
Đã quyết thì đánh, đừng nài thấp cao.
Đôi ta như đá với dao,
Năng liếc thì sắc, năng chào thì quen.
Đời người có một gang tay,
Ai hay ngủ ngày, chỉ có nửa gang.
Đời người có mấy gang tay,
Hơi đâu cặm cụi cả ngày lẫn đêm.
Đừng nên trông đợi ở trời,
Hãy tin vào sức con người lớn lao.
Được mùa chớ phụ ngô khoai!
Đến khi có bạn, biết ai bạn cùng.
Em thì đi cấy ruộng bông,
Anh đi cắt lúa để chung một nhà.
Đem về phụng dưỡng mẹ cha,
Muôn đời tiếng hiếu người ta còn truyền.
Em về cắt rạ đánh tranh,
Chặt tre bẻ lạt cho anh lợp nhà.
Sớm khuya, hòa thuận đôi ta,
Hơn ai gác tía, lầu hoa, một mình.
Gần nhà giàu, đau răng ăn cốm,
Gần nhà kẻ trộm, ốm lưng chịu đòn.
Giặc đến nhà đàn bà phải đánh.
Giàu ba mươi tuổi, chớ mừng!
Khó ba mươi tuổi, em đừng vội lo.
Giàu đâu đến kẻ ngủ trưa,
Sang đâu đến kẻ say sưa tối ngày.
Giàu sang nhiều kẻ đến nhà,
Khó khăn nên nỗi ruột rà xa nhau.
Gió bên Đông, động bên Tây
Tuy rằng nói đấy nhưng đây động lòng.
Gừng càng già, càng rụi, càng cay,
Anh hùng càng cực, càng dầy nghĩa nhơn.
Hạt tiêu nó bé nó cay,
Đồng tiền nó bé, nó hay cửa quyền.
Hãy lo bươn chải với đời,
Sao mai lố dạng chân trời rồi kia!
Hẩm duyên lấy phải chồng đần,
Có trăm mẫu ruộng, bán dần mà ăn.
Hoa sen mọc bãi cát lầm,
Tuy rằng lấm láp, vẫn là mầm sen.
Hoa thơm, ai chẳng nâng niu,
Người khôn, ai chẳng kính yêu mọi bề.
Hoa thơm mất nhụy đi rồi,
Người khôn, ai nỡ nặng lời làm chi.
Hỏi vợ thì cưới liền tay,
Chớ để lâu ngày, lắm kẻ gièm pha.
Hỏi anh một chuyện, em nguyện học đòi,
Vậy chớ người tây sao sướng hẳn hòi?
Người Nam mình lại chịu thiệt thòi nắng mưa?
Hơn nhau, tấm áo, manh quần
Thả ra ở trần, ai caũng như ai.
Khen ai khéo đúc chuông chì,
Dáng thì có dáng, đánh thì không kêu.
Khi vui thì muốn sống dai,
Khi buồn thì muốn thác mai cho rồi.
Khôn ngoan, tâm tính tại lòng,
Lọ là uống nước giữa giòng mới khôn.
Khôn ngoan thì bảo rằng ngoa,
Vụng dại thì bảo người ta rằng đần.
Làm sao cây quế trên non,
Trăm năm khô héo, vỏ còn thơm tho.
Làm người suy chín xét ra,
Cho tường gốc ngọn, cho ra vắn dài.
Làm trai có chí lập thân,
Rồi ra gặp hội phong vân có ngày.
Làm trai chí ở cho bền,
Chớ lo muộn vợ, chớ phiền muộn con.
Làm trai cho đáng nên trai,
Đánh đông đông tĩnh, đánh đoài đoài tan.
Làm trai chí quyết tang bồng,
Sao cho tỏ mặt anh hùng mới cam.
Làm trai quyết chí tu thân,
Công danh chớ vội, nợ nần chớ lo.
Khi nên trời giúp công cho,
Làm trai năm liệu, bảy lo mới hào.
Trời sinh trời chẳng phụ nào,
Phong vân gặp hội, anh hào ra tay.
Trí khôn rắp để dạ này,
Có công mài sắt, có ngày nên kim…
Lấy anh từ thuở mười ba,
Đến năm mười tám, em đà năm con.
Ra đường, người tưởng còn son,
Về nhà, em đã năm con cùng chồng!
Lên non mới biết non cao,
Lội sông mới biết sông nào cạn sâu.
Lênh đênh chiếc bách giữa dòng,
Thương thân góa bụa, phòng không lỡ thì.
Gió đưa cây trúc ngã quỳ,
Ba năm chịu tiết còn gì là xuân!
Lòng sông, lòng biển dễ đo,
Nào ai lấy thước mà đo lòng người.
Lỗ miệng thì nói nam mô,
Trong lòng lại chứa ba bồ dao găm.
Lời nói chẳng mất tiền mua,
Liệu lời mà nói cho vừa lòng nhau.
Mật ngọt càng tổ chết ruồi,
Những nơi cay đắng là nơi thật thà.
Mấy đời bánh đúc có xương,
Mấy đời dì ghẻ có thương con chồng.
Mèo khen rằng mèo dài đuôi,
Chuột khen chuột nhỏ, dễ chui, dễ trèo.
Mồ cha con bướm khôn ngoan,
Hoa thơm bướm đậu, hoa tàn bướm bay.
Một cây làm chẳng nên non,
Ba cây chụm lại nên hòn núi cao.
Một năm chia mười hai kỳ,
Thiếp ngồi, thiếp tính làm gì chẳng ra.
Tháng Giêng, ăn Tết ở nhà,
Tháng Hai, rỗi rải, quay ra nuôi tằm.
Tháng Ba, đi bán vải thâm,
Tháng Tư, đi gặt, tháng Năm, trở về.
Tháng Sáu, em đi buôn bè,
Tháng Bảy, tháng Tám, trở về đong ngô.
Chín, Mười, cắt rạ đồng mùa,
Một, Chạp, vớ được anh đồ dài lưng.
Anh ăn rồi anh lại nằm,
Làm cho thiếp phải quanh năm lo phiền.
Chẳng thà lấy chú lực điền,
Gạo bồ, thóc đống, còn phiền nỗi chi.
Mua thịt thường chọn miếng mông,
Lấy chồng thường chọn con tông, nhà nòi.
Muôn nghìn chớ lấy học trò,
Dài lưng tốn vải, ăn no lại nằm.
Muốn sang thì bắt cầu kiều,
Muốn con hay chữ, phải yêu mến thầy.
Này em còn cha, còn mẹ, còn cô, còn bác,
Nên em không dám tự tung, tự tác một mình.
Anh có thương, cậy mai dong đến nói, cha mẹ đành, em cũng sẽ ưng.
Nắng mưa thì tốt lúa vườn,
Năng đi, năng lại, coi thường nhau đi.
Nói chín thì nên làm mười,
Nói mười, làm chín, kẻ cười người chê.
Nói người chẳng ngẫm đến ta,
Thử rờ trên gáy, xem xa, xem gần.
Nực cười châu chấu đá xe,
Tưởng rằng chấu ngã, ai ngờ xe nghiêng!
Nước dưới sông hết trong còn phải đục,
vận người đời hết lúc nhục, phải vinh.
Người khôn con mắt đen xì,
Người dại con mắt nửa chì, nửa thau.
Người khôn đón trước rào sau,
Để cho người dại, biết đâu mà mò.
Người thanh tiếng nói cũng thanh,
Chuông kêu, khẽ đánh bên thành cũng kêu.
Người có lúc vinh, cũng có lúc nhục,
Nước có lúc đục, cũng có lúc trong…
Nhiễu điều phủ lấy giá gương,
Người trong một nước phải thương nhau cùng.
Ở cho có nghĩa có nhân,
Cây đa cậy thần, thần cậy cây đa.
Ở đời có bốn chuyện ngu:
Làm mai, lãnh nợ, gác cu, cầm chầu.
Ở đời muôn sự của chung,
Hơn nhau một tiếng anh hùng mà thôi.
Ở hiền thì lại gặp lành,
Ở ác, gặp dữ, tan tành ra tro.
Ở hiền thì lại gặp lành,
Những người nhân đức, trời dành phúc cho.
Ở nhà nhất mẹ nhì con,
Ra đường, chán vạn kẻ giòn hơn ta.
Ở cho có nhân, nười phần không thiệt!
Ở sao cho vừa lòng người,
Ở rộng người cười, ở hẹp người chê.
Ơn cha nặng lắm ai ơi!
Nghĩa mẹ bằng trời chín tháng cưu mang.
Ơn cha, nghĩa mẹ nặng trìu,
Ra công báo đáp, ít nhiều phận con.
Phượng hoàng gặp lúc cheo leo,
Sa cơ, thất thế phải theo đàn gà.
Bao giờ mưa thuận gió hòa,
Thay lông, đổi cánh lại ra phượng hoàng.
Quân tử thì oán tam niên,
Tiểu nhơn thì oán nhãn tiền mà thôi.
Quân tử ứ hự đã đau,
Tiểu nhơn dùi đục, đập đầu như không.
Quả cau nho nhỏ, cái vỏ vân vân,
Nay anh học gần, mai anh học xa.
Tiền gạo thì của mẹ cha,
Cái nghiên, cái bút thật là của em.
Ra khơi mới biết nông, sâu,
Ở trong ngoài lạch, biết đâu mà dò.
Rõ ràng giấy trắng mực đen,
Duyên ai phận nấy, chớ ghen mà gầy.
Rồng nằm biển cạn phơi râu,
Mấy lời anh nói giấu đầu hở đuôi.
Rượu nhạt, uống lắm cũng say.
Người khôn nói lắm, dù hay cũng nhàm.
Rượu kia nào có say người,
Hỡi người say rượu, chớ cười rượu say!
Rừng có mạch, vách có tai,
Kẻ trong chưa tỏ, người ngoài đã hay.
Sang chơi thì cứ mà sang,
Đừng bắt dọn đàng mà nhọc lòng dân.
Số giàu tay trắng cũng giàu,
Số nghèo, chín đụn mười trâu cũng nghèo.
Sông bao nhiêu nước cũng vừa,
Trai bao nhiêu vợ, cũng chưa vừa lòng.
Sống đời con chẳng cho ăn,
Chết thời xôi thịt, làm văn tế ruồi.
Sự đời nghĩ cũng nực cười,
Một con cá lặn, bao nhiêu người buông câu.
Ta về ta tắm ao ta,
Dù trong, dù đục, ao nhà vẫn hơn.
Tay ôm túi bạc kè kè,
Nói quấy, nói quá, người nghe ầm ầm.
Tay tiên chuốt chén rượu đào,
Đổ đi thời tiếc, uống vào thời say.
Tiếc con gái khôn lấy thằng chồng dại,
Cũng như cái bông hoa lài cấm bãi cứt trâu.
Tiền của là chúa muôn đời,
Người ta là khách vãng lai một thì.
Tin nhau buôn bán cùng nhau,
Thiệt hơn hơn thiệt, trước sau như lời.
Hay gì lừa đảo kiếm lời,
Một nhà ăn uống, tội trời riêng mang.
Tốt gỗ hơn tốt nước sơn,
Xấu người, đẹp nết, còn hơn đẹp người.
Tu đâu cho bằng tu nhà,
Thờ cha kính mẹ, mới là chân tu.
Tung tăng như cá trong lờ,
Trong ra không được, ngoài ngờ rằng vui.
Tưởng rằng: chị ngã, em nâng,
Ai ngờ chị ngã, em bưng miệng cười.
Tháng Giêng ăn Tết ở nhà,
Tháng Hai cờ bạc, tháng Ba hội hè.
Tháng Tư, đong đậu nấu chè,
Ăn Tết Đoan Ngọ, trở về tháng Năm.
Tháng Sáu buôn nhãn bán trâm,
Tháng Bảy, ngày Rằm xá tội vong nhân.
Tháng Tám, chơi đèn kéo quân,
Trở về tháng Chín, chung chân nuôi hồng.
Tháng Mười buôn thóc bán bông,
Tháng Một, tháng Chạp nên công hoàn toàn.
Tháng Giêng là tháng ăn chơi,
Tháng Hai, trồng đậu, trồng khoai, trồng cà.
Tháng Ba, thì đậu đã già,
Ta đi, ta hái về nhà phơi khô.
Tháng Tư, đi tậu trâu bò,
Để ta sắp sửa làm mùa tháng Năm.
Sáng ngày đem lúa ra ngâm,
Bao giờ mọc mầm, ta sẽ vớt ra.
Gánh đi, ta ném ruộng ta,
Đến khi lên mạ thì ta nhổ về.
Sắp tiền, mượn kẻ cấy thuê,
Cấy xong rồi mới trở về nghỉ ngơi.
Cỏ lúa đã dọn sạch rồi,
Nước ruộng vơi, mười còn độ một, hai.
Ruộng thấp đóng một gầu dai,
Ruộng cao thì phả đóng hai gầu sòng.
Chờ cho lúa có đòng đòng,
Bấy giờ ta sẽ trả công cho người.
Bao giờ cho đến tháng mười,
Ta đem liềm, hái ra ngoài ruộng ta,
Gặt lúa, ta đem về nhà,
Phơi khô, quạt sạch ấy là xong công.
Thấp cao mới biết tuổi vàng,
Gặp cơn lửa đỏ, màu càng thắm tươi.
Thế gian chuộng của chọn công,
Nào ai có chọn người không bao giờ.
Thế gian họ nói không lầm,
Lụa tuy trắng vóc, vụng cầm cũng đen.
Thuyền dời nhưng bến chẳng dời,
Bán buôn là nghĩa muôn đời cùng nhau.
Thứ nhất thì tu tại gia,
Thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa.
Thức lâu mới biết đêm dài,
Ở lâu mới biết con người có nhân.
Thương em anh để trong lòng,
Việc công, anh cứ phép công, anh làm.
Thương người, người lại thương ta,
Ghét người, người lại hóa ra ghét mình.
Thương thì củ ấu cũng tròn,
Chẳng thương thì quả bồ hòn cũng vuông.
Trai ba mươi tuổi đang xoan,
Gái ba mươi tuổi đã toan về già.
Trai tân, gái góa thì chơi,
Đừng nơi có vợ, chớ nơi có chồng.
Trách người một, trách ta mười,
Bởi ta tệ trước nên người bạc sau.
Trăm năm bia đá thời mòn,
Ngàn năm bia miệng, hãy còn trơ trơ.
Trăm năm chỉ quyết một chồng,
Đầu ai thêu phụng, vẽ rồng mặc ai.
Dẫu cho đá nát vàng phai,
Trăm năm duyên nợ chẳng sai chút nào!
Trăng Rằm vừa tỏ vừa cao,
Cho nên ai cũng ước ao trăng Rằm.
Trộm vàng, trộm bạc cho cam,
Trộm một nắm cám cũng mang tiếng đời.
Trời làm một trận lăng nhăng,
Ông hóa ra thằng, thằng hóa ra ông.
Trăng bao nhiêu tuổi trăng già,
Núi bao nhiêu tuổi, gọi là núi non.
Trăng bao nhiêu tuổi trăng tròn,
Núi bao nhiêu tuổi, núi còn trơ trơ.
Trong đầm gì đẹp bằng sen,
Lá xanh, bông trắng, lại chen nhụy vàng.
Nhụy vàng, bông trắng, lá xanh,
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.
Trứng rồng lại nở ra rồng,
Hạt thông lại nở cây thông rườm rà.
Có cha mẹ mới có ta,
Làm nên là bởi mẹ cha vun trồng.
Thờ cha mẹ, phải hết lòng,
Ấy là chữ hiếu, dạy trong luân thường.
Chữ đễ nghĩa là chữ nhường,
Nhường anh, nhường chị, lại nhường người trên.
Ghi lòng, tạc dạ chớ quên,
Con em phải giữ lấy nền con em…
Vàng sa xuống núi vàng chìm,
Người sa lời núi như chim xổ lồng.
Vàng tâm xuống nước vẫn tươi,
Anh hùng gặp nạn, vẫn cười như không.
Văn hay chẳng phải đọc dài,
Vừa mở đầu bài đã biết là hay.
Vô duyên chưa nói đã cười,
Có duyên, gọi chín mười lời không thưa.
Vô duyên, ghét kẻ có duyên,
Không tiền, ghét kẻ có tiền cầm tay.
Vui từ trong cửa vui ra,
Buồn từ ngã bảy, ngã ba buồn về.
Xin trời đừng nắng chớ mưa,
Râm râm gió mát cho vừa lòng tôi.
Xưa kia, em cũng lượt là,
Bây giờ áo rách hóa ra thân tàn.
Xưa kia ở với mẹ cha,
Mẹ cha yêu dấu như hoa trên cành.
Từ ngày về sống với anh,
Anh đánh, anh chửi, anh tình phụ tôi.
Đất xấu chẳng nặn nên nồi,
Anh đi lấy vợ, cho tôi lấy chồng.
Võ Thị Điềm Đạm
Tài liệu tham khảo:
– Việt nam Văn Học Sử yếu – Dương Quảng Hàm – Bộ Giáo Dục Trung Tâm Học Liệu
– Tục ngữ, cao dao và dân ca – Bảo Vân – Nhà xuất bản Quê Hương
– Hoa Đồng Cỏ Nội – Minh Hương – Nhà xuất bản Xuân Thu
– Ca Dao Trử Tình Việt Nam – Vũ Dung, Vũ Thế Anh, Vũ Quang Hào – Nhà xuất bản Giáo Dục
Đây là bài sưu tầm rất đơn sơ mà người soạn chỉ tìm lại được trong khả năng hạn hẹp của mình, mong chia sẻ cùng bạn đọc. Trong vườn hoa thi ca truyền miệng Việt Nam còn vô số, muôn hình vạn trạng những cành hoa đơn sơ, thơm dịu… mãi mãi làm ngát lòng người.