Trong cuốn sách biên khảo “Văn Học Miền Nam 1954-1975” xuất bản năm 2016, tác giả Nguyễn Vy Khanh có dùng một từ ngữ có lẽ rất mới là “Thi Ca Tự Truyện”. Với thi ca tự truyện, người làm thơ tự trình bày nguồn gốc cảm hứng trong sáng tác các câu thơ của mình. Bởi vì người làm thơ không thể bộc lộ ra hết những điều mình đã cảm, những tiếp xúc ở đời, những trải nghiệm với thiên nhiên… mà chỉ có thể thu gọn, cô đọng lại trong một hoặc vài câu thơ mà thôi. Bởi vì thơ có tính cách ám gợi hơn là mô tả, nhất là ở trong lối thơ Haiku. Nhưng độc giả không phải ai cũng nhạy cảm; ai cũng trực giác những ẩn tàng tác giả còn giữ trong đó chưa nói hết ra lời. Vậy muốn được thông cảm, đôi khi tác giả cần chú thích vài chi-tíết dưới bài thơ, hay trình bày khá nhiều lời qua một dịp nào đó có liên hệ.
Tính tự truyện vốn có sẵn trong thơ, không cần phải thêm lời giải thích dưới bài thơ, thường thấy ở những bài thơ mà nhân vật tự xưng “tôi”. Ví dụ trong thơ Nguyễn Bính, tác giả tự tryện mối tình chớm nở của người hàng xóm là chính tác giả: “Nhà nàng ở cạnh nhà tôi/ Cách nhau cái dậu mồng tơi xanh rờn”. Hoặc như trong thơ TT Kh., nhân vật xưng tôi là một người nữ, nàng tự truyện mối tình tàn phai. Chỉ cần đọc hai câu thì ta cũng đủ biết đây là chuyện tình dang dở, có người yêu mà phải thành hôn với người khác, chuyện xưa nay vẫn thường xảy ra: “Nếu biết rằng tôi đã có chồng/ Trời ơi, người ấy có buồn không?”. Không hiếm gì những bài thơ tự truyện như vậy trong văn học ta. Và ta cũng có dịp lưu ý thấy những bài thơ với các nhân vật xưng “anh” hoặc “em”, có khi mang tính tự truyện, có khi mang tính phổ quát tình yêu nam nữ mà thôi. Ví dụ đọc bài thơ của Kim Tuẩn “Nụ Hoa Vàng Ngày Xuân”, ta nghĩ bài thơ ca ngợi lòng sẵn sàng hiến dâng của những người nam nói chung cho các người nữ nói chung. Qua đó, ta còn phát hiện sự mô tả cảnh sắc tươi vui của mùa xuân có phần đậm nét hơn mô tả tâm tình: “Anh cho em mùa xuân/ nụ hoa vàng mới nở/ chiều đông nào nhung nhớ/ đường lao xao lá đầy/ chân bước mòn vỉa phố/ mắt buồn vịn ngọn cây/ Anh cho em mùa xuân/mùa xuân này tất cả/ lộc non vừa trẩy lá/ lời thơ thương cõi đời/ bầy chim lùa vạt nắng/ trong khói chiều chơi vơi…”. Ta không biết tâm sự và tâm tình gì rõ nét, trong khi đó thì bầu trời, chim muông, cây lá… thể hiện tiết xuân rộn ràng. Anh và Em trong bài thơ này không mang tính truyện, do đó tự truyện lại càng không có.
Hình thức giải thích dưới bài thơ cũng là một cách tự truyện trong thơ, vì đôi khi có những từ ngữ chỉ riêng mình biết, nếu không giải thích sẽ gây hiểu lầm. Đem điều mình biết riêng mà trình bày cho người biết chung, đó chính là đi tìm sự thông cảm. Ngặt vì trong thơ không được dài dòng, nên phải có đôi lời dưới bài thơ. Độc giả dường như không ưa những bài thơ có chú giải, vì lẽ đó tác giả thường tìm cách viết thành những bài hồi ký hay truyện kể bằng văn xuôi để thỉnh thoảng xen vào vài câu thơ của chính mình. Sau khi làm cho độc giả quen với từ ngữ hoặc phương ngữ, hoặc địa danh, hoặc dã sử; tác giả sẽ làm cho độc giả không ngỡ ngàng khi đọc những câu thơ có vài từ ngữ lạ hay khó hiểu, hoặc trùng âm dị nghĩa.
Một trường hợp gây hiểu lầm trong thơ vì tác giả không chú thích dưới bài thơ; có thể vì tác giả thời xưa không quen lối ấy; cũng có thể vì tác giả ngầm ý gây bẽ bàng cho một danh sĩ khác. Ta nghĩ chắc là ngầm ý, vì tác giả là một Tể Tướng rất quyền uy đời nhà Tống bên Trung Quốc, ông cũng chính là người ra lệnh đem quân sang đánh Việt Nam thời nhà Lý vào năm 1073 (Tướng Lý Thường Kiệt của Việt Nam đã chiến thắng, đẩy lùi toàn bộ cuộc xâm lăng). Tể Tướng đời nhà Tống ấy là Vương An Thạch, ông làm ra hai câu thơ nghe thật vô lý: “Trăng sáng hót đầu núi/ Chó vàng nằm trong lòng hoa” (Minh nguyệt sơn đầu khiếu/ Hoàng khuyển ngọa hoa tâm). Thi hào rất nổi tiếng thời ấy là Tô Đông Pha sửa lại giùm cho chỉnh: “khiếu” là kêu được đổi thành “chiếu”/soi sáng; và “tâm” là trong lòng được đổi thành “âm”/dưới bóng. Như vậy thì câu thơ mới hợp lý hơn như sau: “Trăng sáng soi đầu núi/ Chó vàng nằm dưới bóng hoa” (Minh nguyệt sơn đầu chiếu/ Hoàng khuyển ngọa hoa âm).
Một thời gian sau, Tô Đông Pha có dịp đi về phía Nam Trung Quốc, miền Hoàng Châu, mới biết “minh nguyệt” là tên một loài chim ở vùng ấy; và “hoàng khuyển” là tên một loài sâu, cũng tại vùng ấy. Hai câu thơ của Vương An Thạch do vậy không cần gì phải sửa đổi, không có điều gì vô lý: “Chim minh nguyệt hót đầu núi/ Sâu hoàng khuyển nằm trong lòng hoa”… Người của thời xưa muốn thử thách nhau về kiến thức, đòi hỏi cả sự am-tường cảnh vật từng miền địa-phương. Hay là vì người thời xưa không có thói quen chú-giải dưới bài thơ hầu tránh sự hiểu lầm? Muốn được thông cảm; mong độc-giả cảm thấy như mình cảm thấy; đừng bị ngộ-nhận; thì ta nên áp-dụng lối “thi-ca tự-truyện”.
Có những hiểu biết thuộc về thấu thị không thông qua kiến thức như những ví dụ ở trên; mà thông qua thần cảm, thiền cảm, viễn cảm. Làm sao tự truyện được, khi mà những thấu thị ấy đối với đạo sĩ tu sĩ sẽ là tịch lặng vô ngôn. Ta từng biết đến giai thoại “niêm hoa vi tiếu”, hoặc từng nghe đến công án “Hòa Thượng Trảm Miêu”, đó chính là vài biểu lộ cho ta thông cảm những thấu thị của các bậc đại giác. Tùy theo thông cảm chỉ mới mấp mé hay hoàn toàn sáng suốt (giải đáp đúng công án) mà ta nhắm có thể theo con đường tu đạo, hay ta nên trở về sống đời bình thường. Nhưng cũng có những thần cảm được diễn tả qua lời của thế gian, qua lời thơ quy ước dễ được tiếp nhận rộng rãi, đây chính là một hình thức tự truyện trong thơ mà thi sĩ thấu thị.
Ví dụ: “Tôi ưa nhìn Bắc đẩu rạng bình minh/ Chiếu cùng hết khắp ba ngàn thế giới” (Hàn Mặc Tử, trong bài thơ “Ave Maria”). Như vậy, Hàn Mặc Tử viễn cảm và tự truyện trong thơ những gì mình thấy được (ba ngàn thế giới rạng ngời), không cần qua các hình ảnh dị thường như ở các nhà thơ của “Chủ nghĩa Tượng trưng” (Symbolisme). “Chủ nghĩa Tượng trưng” là tiếng sấm báo sinh “Thần bí Chủ nghĩa” (qua nhận định của Jean Moréas, trích từ sách của Thạch Trung Giả). Mới chỉ ở giai đoạn trung gian cho thần bí (chưa đạt tới mức thảng thốt quên hết; cũng không như nhiên đơn giản mà diệu vợi ta cảm thấy ở thơ Haiku), nên hình ảnh trong thơ của nhà thơ tượng trưng, chẳng hạn Rimbaud, chủ điểm là dị thường.
Ví dụ qua bài thơ “Con Tàu Say” (Le Bateau Ivre): “… Tôi nhảy múa nhẹ tênh trên sóng nước…Và rực vàng xanh, lân tinh ca hát… Chợt náo động những đầm lầy mênh mông… Tôi con tàu dưới lớp tảo chằng chịt… Tôi xuyên thủng bức tường bầu trời đỏ… Tôi chạy, tia điện lỗ chỗ người tôi… Những bất động xanh tháo cuộn dài dài/ Tiếc Châu Âu với lan can cũ kỹ… Triệu cánh chim vàng, sức mạnh tương lai.. Xương cốt vỡ vụn, thả vùi trong biển… Lội dưới những con mắt tàu khủng khiếp…” (Trích từ bản dịch của Huỳnh Phan Anh ). Ta gọi thơ của Tượng Trưng Chủ Nghĩa như là kể lại thế giới Thần Bí qua trung gian hình ảnh lạ thường. Kể lại như vậy chính là một hình thức Tự Truyện Trong Thơ…. Không kể gì hết là Tịch Lặng Vô Ngôn. Kể lại Trực giác như Hàn Mặc Tử, kể lại Thần bí như Rimbaud; dĩ nhiên cao hơn trình độ kể lại Tri giác, tức kể lại những kinh nghiệm nghe thấy thuộc đời thường mà những dòng tiếp theo dưới đây mong được trình bày.
Ví dụ hai câu thơ sau đây trong một bài trường ca: “Còn khi bay trên lục địa, Hắc Hải và biển nội địa Caspian thành hai vũng tối/ Rải rác ánh đèn thành phố, xa diệu vợi nên đều lặng thinh”. Tàng ẩn trong đó là một trải nghiệm bao la lúc thấy đồng bằng Ấn Độ vào đêm khuya, và hai vũng tối là hai biển nội địa. Tác giả ghi lại khi theo đoàn du lịch đi trong chuyến bay từ Á sang Âu Châu. Làm sao có thể biết đang bay trên Ấn Độ; và làm sao tri giác bao la hơn các nơi khác? Bởi vì trước mỗi ghế hành khách đều có Tivi; ai ưa coi phim; ai muốn xem thể thao; ai muốn biết hành trình chuyến bay từng phút một (độ cao, tốc độ bay; đang bay trên đất nước nào hoặc trên biển nào; còn xa bao nhiêu và còn lâu bao nhiêu) thì cứ bấm nút theo dõi. Trong trường hợp trên thì tác giả theo dõi hành trình sơ đồ trên màn ảnh, rồi nhìn xuống thực địa ở dưới sâu hơn mười cây số… Còn về ấn tượng bao la: nhờ vào chuyến bay đêm nên ta dễ so sánh. Khi từ khuôn cửa sổ máy bay nhìn xuống Ấn Độ, từng cụm đèn thành phố phân bố khá đều trên một bình nguyên bóng tối rộng lớn, khiến ta có ấn tượng bao la (Vậy cũng khác với ấn tượng “vùng phát triển toàn diện” khi thấy ánh sáng nhấp nháy khắp nơi, như lúc ta nhìn xuống Âu Châu). Với những tri giác, những cảm nhận ấy, ta không thể nói hết trong hai câu thơ.
Bài thơ trường ca ấy gồm 122 câu, người viết xin tự trích ra ba lần một ý tưởng trùng lập: “Trường giang chuyển tải phù sa chậm dần bồi tụ/ Những bãi san hô và đại ngàn rong biển đang thu hẹp dần dần” (câu 49-50 ); “Phù sa tràng giang vẫn tấm lòng lưới nhện giăng tơ/ Sông suối đại ngàn âm thầm đưa nước về Sông Mẹ” (câu 66-67); “Trường giang ngoằn ngoèo cho ta biểu-tượng cụ thể nhất/ Biểu tượng bồi đắp bền biỉ, hồn Sông Mẹ dưỡng sinh” (câu 109-110). Độc giả có thể phán đoán tác giả điệp ngữ điệp ý; hoặc có thể phán đoán tác giả dụng ý nêu lên một ám ảnh. Ám ảnh có lẽ đúng hơn, vì ở câu 79-80 tác giả đã có nói về nỗi ám ảnh ấy: “Đào hồ chứa nước khổng lồ để cân bằng những đập nước khống chế/ Nghề nông nghề đánh bắt thủy sản vô cùng cám ơn”. Như vậy thì dụng ý trùng điệp có thể tốt về phương diện nội dung (nhắc nhở sự lo lắng và mong cải tạo đồng bằng sông Cửu Long nhiễm mặn do mười mấy đập nước ở thượng nguồn); nhưng chắc là hại về phương diện hình thức (bởi điệp ngữ, trùng lời).
Cũng với bài thơ khá dài ấy, có một hai người bạn nhắc khéo nên dùng từ ngữ trường thi hơn là trường ca, vì đây là bài thơ, không phải bài hát. Theo thiển nghĩ, từ ngữ trường thi thì đúng về phương diện học thuật, nhưng ta cảm giác nó có vẻ chữ nghĩa quá. Từ ngữ trường ca như muốn hướng về quần chúng, dù là thơ nhưng muốn hát lên cho mọi người cùng nghe. Cũng giống như ca dao ở trong dân gian, đó là những câu thơ mà cũng chính là những câu hát, câu hò để ru con ru em, hoặc để đưa đẩy chọc ghẹo giữa trai gái. Muốn được mọi người cùng nghe thì ca hát là xu hướng lựa chọn hơn là thơ; vì thơ thường gắn bó với im lặng của từ ngữ, của chữ nghĩa. Ca hát không chỉ ở với nhân sinh mà lắm khi người làm thơ còn nghe thiên nhiên ca hát. Không hiếm gì những trường hợp thiên nhiên cất tiếng như vậy, như trong thơ Hàn Mặc Tử: “Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều/ Để nghe dưới đáy nước hồ reo”; hoặc qua thơ Huy Cận, ta nghe tiếng hát trong những hàng cây: “Ngủ đi em, mộng bình thường/ Ru em, sẵn tiếng thùy dương mấy bờ”. Cũng vậy, qua bài thơ trường ca ấy, tôi đã nhân cách hóa bằng tiếng hát vang trời của muôn cánh quạt khổng lồ đang thu nhận gió bão đại dương để vận chuyển “turbine” làm nên điện lực: “Rừng đước rừng tràm, biểu tượng trường thành chống bão/ Muôn cánh quạt gió vang trời hát bài năng lượng khai trương”.
Những dòng có tính tự truyện trong thơ (thi ca tự truyện) với chủ đích phản hồi đôi lời nhận xét của vài người bạn, dù không qua bài viểt mà qua chuyện vãn trong quán cà phê. Tuy mới là chuyện vãn, nhưng cũng tạo dịp cho người viết phải ưu tư để trình bày về những “điệp ngữ” và “từ ngữ dùng chưa chính xác” của mình. Sau đây là bài thơ ấy:
Trường Ca Khi Ở Trên Tầng Bình Lưu
Photo ngày 2 tháng 11 năm 2016 trên máy bay từ Âu trở về Á Châu
Trần Văn Nam (City of Walnut, California)
(Hoàn thành trong thời gian từ Mỹ sang Á, rồi từ Á sang Âu; đầu tháng 10 đến giữa tháng 11 năm 2016)