User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

lam lua 622

Những nhà khảo cổ về nhân chủng những năm gần đây cho biết nghề nông có rất sớm – khoảng trên năm ngàn năm ở vùng Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Đất nước chúng ta thuộc vùng nhiệt đới, mưa nhiều thì lụt nhưng nắng nhiều gây ra nạn hạn hán mất mùa, nhất là cây lúa chịu ảnh hưởng nặng nề của thời tiết:

– Người ta đi cấy lấy công,
Tôi nay đi cấy còn trông nhiều bề.
Trông trời, trông nước, trông mây,
Trông mưa, trông gió, trông ngày, trông đêm.
Trông cho chân cứng đá mềm,
Trời êm, biển lặng mới yên tấm lòng.

Do thời tiết gây khó khăn như vậy nên ông cha chúng ta phải lo tìm hiểu để cày cấy cho đúng thời vụ, mùa ít mưa thì cấy lúa chiêm, trồng ngô, khoai, cà, đậu phọng... là những thứ không cần nhiều nước, mưa nhiều thì cấy lúa mùa. Mùa mưa chính ở miền Bắc nước ta là Tháng Sáu, Tháng Bảy và Tháng Tám âm lịch:

– Kể việc làm ruộng mọi đường,
Tôi xin kể được rõ ràng hử ai.
Tháng Chạp là tiết trồ̉ng khoai,
Tháng Giêng tưới đậu, tháng Hai cấy cà.
Tháng Ba cày bửa ruộng ra,
Tháng Tư bắc mạ thuận hoà vui thay.
Tháng Năm cắt lúa vừa rồi, (lúa chiêm)
Tháng Sáu mưa xuống nước trôi đầy đồng.
Tháng Bảy cày cấy đã xong,
Tháng Tám lúa tốt thấy lòng vui thay.
Tháng Chín tôi lại kể nay,
Bắc mạ xem được mới hay trong lòng.
Tháng Mười lúa chín đầy đồng, (lúa mùa)
Cắt về đổ cót để phòng năm sau.
Tháng Mười Một là tiết cấy sâu, (cấy lúa chiêm để gặt vào tháng 5)
Một năm kể cả tự đầu đến đuôi.

Để có được trình tự trồng trọt kể trên, người ta phải biết rõ thời tiết. Qua kinh nghiệm bao đời rút ra từ thực nghiệm và quan sát, người ta biết rằng:

– Lúa tháng Năm, trông trăng Rằm tháng Tám,
Lúa tháng Mười, trông (trăng) Mười Tám tháng Tư.

Về gió thì:

– Gió đông là chồng lúa chiêm,
Gió bắc là duyên lúa mùa.

(Gió đông mùa xuân, mùa hạ thổi hơi nước từ biển vào làm mưa. Gió bắc – cuối tháng 8, đầu tháng 9 ÂL. – chấm dứt mưa bão làm gãy đổ lúa lúc đang trổ bông).

Có những ngày mà mưa hay không mưa có thể quyết định cả một thời vụ:

– Mồng Chín tháng Chín có mưa,
Mẹ con đi sớm về trưa mặc lòng.
Mồng Chín tháng Chín không mưa,
Mẹ con bán cả cày bừa mà ăn.

Đó là về lúa mùa, còn lúa chiêm thì:

– Mồng Tám tháng Tư không mưa,
Bỏ cả cày bừa mà lấp lúa đi.

Hoặc:

– Đói thì ăn ráy, ăn khoai,
Chớ thấy lúa trỗ tháng hai mà mừng.

Lý do là mùa lạnh khoảng giữa Tháng Ba mới hết. Nếu lúa trỗ sớm sẽ gặp những cơn gió lạnh kéo tới bị đẹn, không kết hạt được.

Thời tiết thì hay thay đổi, năm thế này năm thế khác nên:

– Làm ruộng có năm, nuôi tằmcó lứa.

– Năm trước được cau, năm sau được lúa.

Cho nên:

– Được mùa cau đau mùa lúa.
Được mùa lúa úa mùa cau.

Do đó, từ xa xưa ông cha chúng ta đã phải chú trọng tìm hiểu thời tiết và để lại rất nhiều kinh nghiệm về vấn đề này qua quan sát các sự vật:

Ngắm trăng:

– Trăng mờ cày nỏ, trăng tỏ cày rầm. (Ngắm trăng rằm tháng 8 ÂL.)

– Trăng quầng thì cạn, trăng tán thì mưa.

Ngắm sao:

– Sao mau thì mưa, sao thưa thì nắng.

Xem mây:

– Mây xanh thì nắng, mây trắng thì mưa.

– Ráng mỡ gà có nhà thì giữ. (Gió mạnh, bão)

Xem nắng, mưa:

– Nắng sớm thì đi trồng cà, mưa sớm ở nhà phơi thóc.

Và quan sát những hiện tượng khác:

– Tháng Bảy heo may, chuồn chuồn bay thì bão.

– Én bay thấp mưa ngập cầu ao,
Én bay cao mưa rào lại tạnh.

– Mống dài trời lụt, mống cụt trời mưa.

– Mống cao gió táp, mống áp mưa rào.

– Mùa hè đang nắng, cỏ trắng thì mưa.

– Cơn mưa đàng Đông vừa trông vừa chạy.

– Cơn mưa đàng Nam vừa làm vừa chơi....

Ngoài thời tiết, cách cày bừa hay cấy cây lúa xuống ruộng cũng rất quan trọng:

– Thứ nhất cày nỏ (phơi đất khô cho không khí vào), thứ nhì bỏ phân.

– Lúa chiêm thì cấy cho sâu,
Lúa mùa thì gãy cành dâu mới vừa.

– Mạ chiêm đào sâu chôn chặt, mạ mùa vừa đặt vừa đi.

Nguyên tắc căn bản của việc trồng cây lúa là:

– Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống.

Về cách cấy lúa, mỗi gốc cách nhau khoảng trên dưới 20 phân, cấy mau quá sẽ thất bại:

– Thừa mạ thì bán, chớ cấy rám ăn rơm.

– Cấy thưa thừa thóc, cấy dày cóc được ăn (*).

Về thế đất thì:

– Thiếu đất trồng dừa, thừa đất trồng cau.

– Ruộng cao trồng màu, ruộng sâu cấy chiêm.

Phạm Hy Sơn

———————

Ghi Chú: Trong “Bước Tiến Đại Nhảy Vọt” do Mao Trạch Đông và đảng Cộng Sản Trung Quốc phát động vào giữa những năm 1950, cách nay hơn 60 năm, khi ra lệnh cho nông dân trồng lúa, ngô, khoai, kê... thật dày để tăng năng xuất làm cho cây không đủ đất để mọc, không đủ không khí để thở nên người ta phải thay phiên nhau ra đồng quạt cho cây trồng cả ngày lẫn đêm mà vẫn thất bại.

Kết quả là 37 triệu người dân Trung Hoa chết đói. Nếu Mao và đảng CSTQ được đọc những câu ngạn ngữ đơn giản của người Việt Nam thì mấy chục triệu người dân vô tội đã không phải chết oan uổng.

Thật đáng tiếc, đáng buồn.

 

Tìm các bài BIÊN KHẢO khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com