User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

phongtuc1

Phong tục tập quán là lối sống hay văn hóa của một dân tộc. Qua phong tục tập quán chúng ta biết dân tộc ấy quan niệm về cuộc sống như thế nào và chúng ta cũng biết trình độ văn hóa cuủa dân tộc ấy cao hay thấp. Thói quen hay nhổ nước miếng bừa bãi của người Tàu hay thói quen của người Việt khi phụ nữ sanh con thì ở trong một buồng kín và đốt than cả tháng trời.

Một đàng thì dơ bẩn, mất vệ sinh, dễ truyền bệnh tật; một đàng thì làm tổn hại đến sức khỏe của người mẹ và trẻ sơ sinh khi phải hít thán khí do than thải ra. Nay người Tàu đã bớt khạc nhổ và người Việt đã bỏ hẳn tục đốt than trong phòng của phụ nữ khi sanh nở.

Nhưng người Việt chúng ta vẫn còn một số thói quen chưa hợp vệ sinh, dễ gây truyền nhiễm như gắp đồ ăn mời nhau hay dùng chung một chén nước mắm cho cả nhà, cho cả bàn tiệc có khi mười mấy người lúc ăn uống.

Tuy nhiên không phải tất cả phong tục của chúng ta đều xấu và trong phạm vi của đề mục chúng tôi chỉ đề cập đến một số phong tục tập quán được ghi nhận trong tục ngữ ca dao.

1 – Liên Hệ Họ Hàng:

Phong tục của chúng ta ngày xưa nếu người chị chết để lại con nhỏ thì người em gái săn sóc, cho bú mớn; nếu cha chết, mẹ đi lấy chồng hay cả hai cùng chết thì chú hay bác có bổn phận nuôi các cháu:

– Dì ruột thương cháu như con,
Rủi mà không mẹ, cháu còn cậy trông.

– Sẩy cha còn chú, sẩy mẹ bú dì.

Cho nên dù phong tục Việt Nam coi trọng bên nội hơn họ bên ngoại của mẹ nhưng không vì thế mà họ bên mẹ bị bỏ quên:

Máu loãng còn hơn nước lã,
Chín đời họ mẹ hơn người dưng.

Khác với người phương Tây, người Việt coi con rể là “khách”, “con gái là con người ta”. Người con gái đi lấy chồng thuộc về gia đình khác, họ khác, không còn thuộc về gia đình gốc của mình:

– Con gái là con người ta,
Con dâu mới thật mẹ cha mua về.

Từ những quan niệm ấy, người ta coi trọng họ cha hơn họ mẹ:

– Con cô, con cậu thì xa,
Con chú, con bác thật là anh em.

Do đó, con trai, con gái trong một họ xa bao nhiêu đời cũng không được lấy nhau. Đây là phong tục có từ ngàn xưa, có lẽ do quan niệm “cha sinh, mẹ dưỡng”, coi người đàn bà như thửa ruộng, còn đàn ông là người gieo hạt nên con cái mang dòng máu của người cha và bao nhiêu đời cũng vẫn giữ nguyên dòng máu ấy.

Khoa học hiện nay chứng minh rằng đứa trẻ được sinh ra mang 50% dòng máu của mẹ và 50% của cha. Cháu sinh ra mang 25% dòng máu của ông và của bà; đến chắt thì 2 dòng máu ấy chỉ còn 12,5% và chít là 6,25%... mỗi một thế hệ giảm đi ½. Nên trong một gia đình, con cái người giống cha, người giống mẹ. Không chỉ giống về dáng dấp mà còn giống về cả tính tình. Trong sự pha hai dòng máu, chúng ta thấy rõ ràng nhất ở những người lai có cha mẹ là Âu-Á, Âu-Phi hay Á-Phi....

Về hôn nhân thì cháu cậu, cháu cô, cháu bá, cháu dì không bị ngăn cấm:

– Cháu cậu mà lấy cháu cô,
Thóc lúa đầy bồ, giống má nhà ta.

– Cháu bá, cháu dì tù tì lấy nhau.

Nhưng con cô, con cậu, con bá, con dì không được kết hôn. Đây là một điểm son trong phong tục Việt Nam dù đời xưa không biết gì về bệnh di truyền nhưng luân lý ngăn cấm:

– Vua chúa cấm đoán làm chi,
Để đôi con dì không lấy được nhau.

Khoa di truyền học cho biết những người họ gần lấy nhau, bệnh tật di truyền tiềm ẩn trong DNA(gene) của họ sẽ làm cho những đứa trẻ được sinh ra rất dễ mang bệnh của cha mẹ.

2 – Tục cưới hỏi:

Trong chuyện Sơn Tinh, Thủy Tinh chúng ta thấy vào đời vua Hùng đã có tục lệ nhà trai mang lễ vật đến nhà gái để làm đám cưới cho con trai của mìnhSơn Tinh nạp lễ cưới trước nên cưới được vợ, Thủy Tinh đến sau thất bại nên dâng nước lên cao và dùng thủy quái đánh nhau với Sơn Tinh. Nước dâng cao thì núi cũng dâng cao. Cuối cùng Thủy Tinh bỏ cuộc.

Lễ cưới gồm những gì?

Dưới đây là những lời đôi trai gái trao đổi với nhau về chuyện cưới hỏi của họ:

- Em về thưa mẹ cùng thầy,
Có cho anh cưới tháng này anh ra.
 
– Anh về thưa mẹ cùng cha,
Bắt lợn sang cưới, bắt gà sang sêu.
 
– Chắc như lời ấy không sai,
Tháng Giêng đẵn gỗ, Tháng Hai làm nhà.
Tháng Ba ăn cưới đôi ta.

Thường nhà gái, qua mai mối hay trực tiếp, yêu cầu nhà trai nạp những lễ vật để nhà gái làm tiệc mời họ hàng trong ngày cưới như bao nhiêu tiền, bao nhiêu thúng gạo, bao nhiêu chai rượu, bao nhiêu gà, lợn, cau, trầu...:

- Hôm qua tát nước đầu đình,
Bỏ quên cái áo trên cành hoa sen.
Em bắt được thì cho anh xin,
Hay là em để làm tin trong nhà?
Aó anh sứt chỉ đường tà,
Vợ con chưa có, mẹ già chưa khâu.
Áo anh sứt chì đã lâu,
Mai mượn cô ấy về khâu cho cùng.
Khâu rồi anh sẽ trả công,
Đến khi lấy chồng anh sẽ giúp cho.

Những thứ được đề nghị giúp là những lễ vật để làm lễ cưới:

– Giúp cho một thúng xôi vò,
Một con lợn béo, hai vò rượu tăm.
Giúp cho đôi chiếu em nằm,
Đôi chăn em đắp, đôi trằm em đeo.
Giúp cho quan tám tiền treo,
Quan năm tiền cưới lại đèo buồng cau.

Và sau đây là một bài ca dao tuy là vui đùa nhưng cho ta biết tục cưới xin ngày xưa:

– Em là con gái nhà giàu,
Mẹ cha thách cưới ra màu xinh sao.
Cưới em trăm tấm gấm đào,
Một trăm hòn ngọc, hai mươi tám ông sao trên trời.
Tráp tròn dẫn đủ trăm đôi,
Ống thuốc bằng bạc, ống vôi bằng vàng....
Cưới em chín chĩnh mật ong,
Mười cót xôi trắng, mười nong xôi vò.
Cưới em tám vạn trâu bò,
Bảy vạn dê lợn, chín vò rượu tăm....

3 – Liên hệ vợ chồng:

Trong xã hội xưa, do ảnh hưởng của đạo Khổng, người đàn bà bị đặt ở vị trí thấp kém như không được thi cử, không được bổ nhiệm giữ những chức vụ trong triều đình, trong làng xã. Trong gia đình tuy được gọi là nội tướng nhưng luôn luôn lệ thuộc vào người chồng:

– Thuyền theo lái, gái theo chồng.

– Thuyền mạnh về lái, gái mạnh về chồng.

– Con vua lấy thằng bán than,
Nó đem lên ngàn cũng phải đi theo.
 
– Con ông đô đốc, quận công,
Lấy chồng cũng phải gọi chồng bằng anh.

Dưới con mắt của những người theo đạo Khổng, người đàn bà bị coi là thấp kém. Họ phải làm những công việc như nấu ăn, rửa bát, giặt quần áo, quét nhà... là những việc mà nếu người đàn ông làm thì bị coi là người hèn hạ:

– Đàn ông rửa bát, quét nhà,
Vợ gọi thì dạ, thưa bà có tôi.

Người đàn bà Trung Hoa xưa hoàn toàn lệ thuộc vào người chồng, con cái họ sinh ra là của người chồng, tài sản họ làm ra cũng thuộc người chồng. Người chồng có quyền bán, cho, bỏ (ly dị) bất cứ lúc nào không cần có lý do và không được chia tài sản chung.

Trong hai thiên Lục Y và Cốc Phong của Kinh Thi do Khổng Tử biên soạn, những người đàn bà lấy chồng từ tấm bé, vất vả tạo dựng cơ nghiệp chung đến lúc có tuổi, nhan sắc không còn bị chồng duồng bỏ lấy vợ khác, đã nói lên những lời oán hận, cay đắng cùng cực của mình, không coi “Tam tòng, tứ đức” vào đâu cả:

– Sông Kinh leo lẻo bến trong,
Vì có sông Vị cho dòng đục thay.
Mày vui vợ mới của mày,
Chẳng thèm cùng với ta đây làm gì.
 
– Xưa kia còn nhớ những ngày,
Khó khăn lo sợ có mày có ta.
Bây giờ khốn khó đã qua,
Nỡ đem của độc coi ta, hỡi mày.
 
– Mày vui vợ mới của mày,
Có ta chỉ để những ngày khó khăn.
Cho ta những việc nhọc nhằn,
Lại còn giận dữ cục cằn làm chi.
Mày sao chẳng nhớ từ khi,
Ấy như từ thuở ta về ở đây.

(Kinh Thi, Thiên Cốc Phong, trg 140, Tản Đà và Nghiêm thượng Văn dịch, Nhà Xuất Bản Tổng Hợp TP/HCM tái bản năm 2012).

Đàn bà không có quyền thừa kế gia tài của cha mẹ, không có quyền cúng giỗ cha mẹ, tổ tiên. Họ không có tư cách pháp lý mà luôn luôn bị đặt dưới sự bảo trợ của người cha, người chồng hay người con trai:

– Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử (ở nhà phục tùng cha, lấy chồng phục tùng chồng, chồng chết phục tùng con).

Ở Việt Nam, bộ luật Hồng Đức đời vua Lê Thánh Tông (1460-1497) còn giữ phong tục tập quán của người Việt. Theo đó, người đàn bà được hưởng gia tài cha mẹ để lại, được cúng giỗ cha mẹ nếu cha mẹ không có con trai, người chồng muốn bỏ vợ phải có lý do...

Sau này khi đạo Khổng thấm sâu vào tầng lớp cai trị thì luật lệ cũng bị ảnh hưởng, như trong bộ luật đời vua Gia Long nhà Nguyễn người đàn bà không còn những quyền ấy, họ bị xếp ngang hàng với người đàn bà Trung Hoa.

4 – Mẹ chồng nàng dâu:

Cảnh mẹ chồng nàng dâu hiện nay chỉ còn vang bóng. Nhưng sáu, bảy chục năm trước, những cụ bà nay ở tuổi tám, chín mươi nhiều người vẫn còn bị mẹ chồng hành hạ:

– Cô kia đội áo đi đâu?
– Tôi là phận gái làm dâu mới về.
Mẹ chồng ác nghiệt đã ghê,
Tôi ở chẳng được, tôi về nhà tôi.

Vì có những người mẹ chồng cho rằng:

– Mất tiền mua mâm thì đâm cho thủng,
Mất tiền mua mủng thì đựng cho mòn,
Mất tiền mua con thì đập cho chết!

Người ta quan niệm “mua con dâu” về để phục vụ nhà chồng nên người con dâu bị coi như con ở không công. Ngoài mẹ chồng ra còn bị chị gái, em gái chồng bắt nạt:

– Một trăm ông chú không lo,
Lo vì một nỗi mụ o nỏ mồm.

Người con dâu bị mẹ chồng hành hạ nên luôn luôn có tâm trạng sợ hãi:

– Bắt chấy cho mẹ chồng, trông thấy bồ nông dưới biển.

Và chán ngán, không muốn sống chung với mẹ chồng:

– Đói thì ăn khế, ăn sung,
Trông thấy mẹ chồng thì nuốt chẳng trôi.

Người xưa cho rằng “Trước làm nàng dâu, sau mới làm mẹ chồng” nên xã hội chấp nhận, nhìn cái cảnh ấy một cách bàng quan, không phê phán:

– Thật thà cũng kể lái trâu,
Yêu nhau cũng thể nàng dâu mẹ chồng.
 
– Mẹ chồng nàng dâu,
Chúa nhà, người ở khen nhau bao giờ.

Hoặc chỉ phê phán rất nhẹ:

– Muốn nói không làm mẹ chồng mà nói.

Bởi được xã hội chấp nhận nên cái vòng luẩn quẩn mẹ chồng nàng dâu kéo dài không biết bao nhiêu đời, lặp đi lặp lại (khi người con gái làm dâu bị hành hạ, tủi nhục nhưng khi lên làm mẹ chồng lại hành hạ, áp bức vợ của con trai mình).

5 – Nam tôn nữ ty:

Nam tôn nữ ty là trọng nam khinh nữ. Quan niệm này được những xã hội theo đạo Khổng đem ra áp dụng một cách triệt để:

– Khôn ngoan cũng thể đàn bà,
Dẫu rằng vụng dại cũng là đàn ông.

Hay:

– Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô. (một con trai viết có con, mười con gái viết không)

– Thứ nhất đẻ con trai, thứ hai đỗ ông nghè.

Sự tai hại của lối sống, lối suy nghĩ ấy là nếu người đàn bà không sanh được con trai để nối dõi tông đường cho nhà chồng thì bị ghét bỏ và nhiều khi những đứa trẻ sơ sinh là con gái bị đem đi cho người khác hay bị bỏ ra ngoài đường, bị bóp mũi cho chết....

6 – Hội hè:

Ngày xưa ở Việt Nam có nhiều lễ Tết tổ chức vào những ngày tháng âm lịch. Tết lớn nhất là Tết Nguyên Đán vào ngày 1 Tháng Giêng và kéo dài trong 7 ngày. Đây là những ngày cúng mời tổ tiên về ăn Tết với con cháu, ngày sum họp của gia đình, ngày đi thăm viếng thân nhân, bạn bè để chúc những điều may mắn, tốt đẹp cho nhau trong năm mới. Tháng Giêng cũng là tháng mở đầu các lễ hội:

– Tháng Giêng ăn Tết ở nhà,
Tháng Hai cờ bạc, tháng Ba hội hè....

Tết Mồng 5 Tháng 5, Tết Mồng 10 Tháng 10: ăn mừng vụ chiêm và vụ mùa. Tết 15 tháng7: Xá tội vong nhân, người ta lên chùa để cầu cho những người đã chết được siêu thoát. Tết 15 tháng 8 còn gọi là Tết Trung Thu. Buổi tối người ta trưng đèn kéo quân và thanh niên nam, nữ tụ ở nhừng nơi ngã ba, ngã tư đánh trống quân và ca hát; người già thì đem bàn ghế, bánh kẹo ra sân vừa thưởng thức vừa ngắm trăng để đoán thời tiết mưa nắng cho vụ lúa chiêm sắp tới;

– Lúa Tháng 5 trông trăng Rằm Tháng 8.

Trăng mờ, vụ chiêm ít mưa, không thuận tiện; trăng tỏ thì ngược lại:

– Trăng mờ cày nỏ, trăng tỏ cày rầm.

RuocThanhHoang

Ngoài những ngày lễ hội của toàn quốc, mỗi làng lại có những lễ hội riêng, nhưng lớn và quan trọng nhất là lễ Tế Thành Hoàng của làng để cầu cho mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt, dân làng an vui. Thành Hoàng là những vị anh hùng có công với đất nước như Hai Bà Trưng, Bà Triệu, vua Ngô Quyền, đức Trần Hưng Đạo, Phạm Ngũ Lão... hay những người người ta cho là chết vào ngày, giờ thiêng:

– Lệnh làng nào làng ấy đánh,
Thánh làng nào làng ấy thờ.

– Mười Bốn Tháng Ba,

Trở vào hội Láng, trở ra hội Thầy (Làng Láng Hạ thuộc Phủ Hoài Đức Tỉnh Hà Đông và chùa Thầy ở chân núi Sài, Phủ Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây).

– Dù ai buôn bán đâu đâu,
Mồng Mười Tháng 8 chọi trâu thì về.
 
– Kẻ Dầu có quán Đình Thanh,
Kẻ Hạc ta có Ba Đình, Ba Voi.
Tháng Tám kéo thuyền xuống bơi,
Mười Chín giã bánh, Hai Mươi rước thần.

Trong những ngày lễ, ngoài tiệc tùng ăn uống còn có các trò chơi như đua thuyền, đánh vật, đánh đu, đánh cờ người ( 32 người mặc áo như vua, quan, lính... chia làm hai phe và đúng và vị trí của bàn cờ tướng và di chuyển theo lệnh của hai đối thủ) cùng với tổ chức hát chèo, hát nhà trò hay hát xẩm.

7 – Tục ăn trầu:

Theo truyền thuyết, tục ăn trầu có từ đời vua Hùng Vương thứ IV (4) với truyện Trầu Cau chúng ai cũng biết. Hai anh em Tân (anh) và Lang giống nhau như đúc, tới học tại nhà đạo sĩ họ Lưu. Con gái đạo sĩ yêu và lấy Tân. Tân để tâm vào việc săn sóc vợ làm người em là Lang bỏ nhà ra đi tới con suối rộng không qua được thì ngồi bên bờ buồn bã chết biến thành tảng đá. Tân không thấy em, đi tìm tới đó chết biến thành cây cau. Người vợ không thấy chồng lên đường đi tìm tới đó chết thành cây trầu quấn vào thân cây cau. Một hôm đi tuần tra qua đó nghe được câu chuyện, vua Hùng xúc động trước tình nghĩa thắm thiết của anh em, tình nghĩa chung thủy sắt son của vợ chồng thì sai lấy lá trầu và hái trái cau bỏ vào miệng nhai thử một lát nhổ ra thấy sắc đỏ tươi. Vua bèn ra lệnh lấy trầu, cau, vôi nung từ đá để ăn vào những dịp cưới xin, lễ bái trong cả nước. Đây là truyền thuyết giải thích thói quen ăn trầu của người Việt.

Trên thực tế có nhiều nơi cũng có tục ăn trầu giống chúng ta như Mã Lai, Đài Loan và những tỉnh miền Nam Trung Hoa....

Tục ăn trầu là một nét văn hoá trong nhiều sinh hoạt của người Việt xưa như khách, dù khách là đàn ông hay đàn bà, tới thăm nhà thì chủ nhà đem cơi trầu mời khách vì “Miếng trầu là đầu câu chuyện“.

Trau cau xua

Trong lễ lạt, Tết nhất luôn luôn có trầu cau cho mọi người ăn, nhất là trong việc cưới xin thì trầu cau là lễ vật không thể thiếu và không có gì thay thế được.

Trong tình yêu, người con trai dùng trầu cau để làm quen:

– Sáng ngày ta đi hái dâu,
Gặp hai anh ấy ngồi câu thạch bàn. (bàn đá)
Hai anh đứng dậy hỏi han,
Hỏi rằng cô ấy vội vàng đi đâu?
– Thưa rằng tôi đi hái dâu.
Hai anh mở túi đưa trầu cho ăn.
– Thưa rằng bác mẹ tôi răn,
Làm thân con gái chớ ăn trầu người.

Hay:

– Trầu bọc khăn trắng cau tươi,
Trầu bọc khăn trắng đãi người xinh xinh.
Ăn cho nó thỏa tâm tình,
Ăn cho nó hả sự mình sự ta.

Và người con gái ngày xưa cũng mời người con trai ăn trầu để làm quen:

– Vào vườn hái quả cau xanh,
Bổ ra làm tám mời anh xơi trầu.
Trầu này têm những vôi Tàu,
Giữa đệm cánh cát, hai đầu quế cay.
 
Trầu này ăn thật là say,
Dù mặn, dù lạt, dù cay, dù nồng.
Dù chẳng nên đạo vợ chồng,
Xơi năm ba miếng kẻ lòng nhớ thương.
 
Cầm lược thì nhớ đến gương,
Cầm khăn nhớ túi, nằm giường nhớ nhau.
– Trầu này trầu quế, trầu hồi,
Trầu loan, trầu phượng, trầu tôi, trầu mình.
 
Trầu này trầu tính, trầu tình,
Trầu nhân, trầu ngãi, trầu mình lấy ta.
Trầu này têm tối hôm qua,
Trầu cha, trầu mẹ đem ra cho chàng.
 
Trầu này không phải trầu hàng,
Không bùa, không thuốc sao chàng không ăn?
Hay là chê khó, chê khăn,
Xin chàng đứng lại mà ăn miếng trầu.

Qua những bài ca dao trên, chúng ta thấy người con gái bạo dạn hơn con trai và ngày xưa người con gái cũng có thể nói những lời tỏ tình trước, không phải như sau này người con trai luôn luôn chủ động trong việc tỏ tình.

Tuy không còn nhiều người ăn trầu nhưng trong việc cưới xin ngày nay, trầu cau là một nghi thức vẫn được gìn giữ.

8 – Những phong tục tập quán đã bị mai một:

Qua tục ngữ ca dao chúng ta tìm thấy một số tập quán chỉ ra lối sống của người xưa:

– “Ăn sống nuốt tươi”, “ Ăn lông ở lỗ”: Hai câu này diễn tả cách sống của loài người thủa hoang sơ, không phải chỉ riêng lối sống của tổ tiên người Việt chúng ta.

Cách đây mấy triệu năm, con người rời khỏi núi rừng ra sống ở những bình nguyên và cũng là lúc rời khỏi đời sống hoang dã của loài thú để dần dần tiến hoá tới cuộc sống văn minh. Nhưng vào thời đó, tổ tiên chúng ta chưa biết dùng lửa nấu ăn nên vẫn “Ăn sống nuốt tươi”; chưa biết làm nhà cửa để ở mà ở trong các hang động để tránh thú dữ, mưa nắng trong tình trạng “Ăn lông ở lỗ“. Nhưng cách sống ấy đã biến mất khi con người biết dùng lửa nấu ăn và biết làm nhà để ở.

Ngày nay hai câu nói trên được dùng để chê bai những người có lối sống thô lỗ, kém văn minh: “Thứ ăn lông ở lỗ”, “Thứ ăn sống nuốt tươi”.

– Cách ăn mặc xưa: Vào thời “Ăn lông ở lỗ”, con người chưa có gì để che thân và có thể qua cả hàng triệu năm mới biết dùng những tấm da thú dày và cứng như mo che thân thể và chống cái nóng, cái lạnh của thiên nhiên. Mãi về sau mới tiến tới dùng sợi dệt vải và may quần áo nhưng sự sản xuất rất hạn chế, chắc chỉ có vua chúa, tù trưởng mới mặc cả quần và áo còn đa số đàn ông thì đóng khố; đàn bà mặc váy và đeo yếm trước ngực, không mặc áo. Yếm may bằng một miếng vải hình vuông, một góc khoét hình tròn gắn hai cái dải hai bên để cột đeo lên cổ, góc đối diện thả xuống quá thắt lưng, hai góc còn lại gắn dải để cột sau lưng:

– Đàn ông đóng khố đuôi lươn,
Đàn bà mặc yếm hở lườn mới xinh.

- Tục nhuộm răng: Tục nhuộm răng có từ lâu đời và không thấy có truyền thuyết nào giải thích tục này như tục ăn trầu. Không phải chỉ riêng người Việt nhuộm răng, người Nhật, Mã Lai, Nam Dương và người miền Nam Trung Quốc ngày xưa cũng có tục này.

Ở miền Bắc, tục nhuộm răng đến khoảng những năm 1950 thì chấm dứt, ở miền Nam không biết bỏ từ bao giờ.

Cũng như tục ăn trầu, tục nhuộm răng là một nét văn hóa trong đời sống của dân tộc được nhắc đến rất nhiều trong tục ngữ ca dao:

– Một thương tóc bỏ đuôi gà,
Hai thương ăn nói mặn mà có duyên.
Ba thương má lúm đồng tiền,
Bốn thương răng nhánh hạt huyền kém xa.
Năm thương cổ yếm đeo bùa,
Sáu thương nón thượng quai tua dịu dàng....
 
– Lấy chồng cho đáng tấm chồng,
Bõ công trang điểm má hồng răng đen.

Khi lấy phải người chồng không xứng đáng, người đàn bà than thở:

– Cổ tay em vừa trắng vừa tròn,
Răng đen rưng rức chồng con kém người.
Khốn nạn thay nhạn ở với ruồi,
Tiên ở với cú, người cười với ma.

– Tục Khao Cử: Khao cử khởi đầu là tiệc ăn mừng khi một người đỗ đạt, được bổ nhiệm hay thăng chức... làm tiệc mời bà con dân làng tới dự rồi lâu dần biến thành hủ tục do tính đua đòi, khoe khoang muốn nở mày nở mặt với thiên hạ. Ở nông thôn ngày xưa khao cử là một tai hại. Người ta tranh giành nhau để có một chút chức vị trong làng, được tham dự việc làng:

– Có ăn có chọi mới gọi la trâu.

– Một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp.

Những người không có khả năng tranh giành thì mua những chức vị suông, không có thực quyền do làng xã bán khi cần tiền như tiên chỉ, lý trưởng, phó lý, nhiêu, xã, trương tuần.... Mua xong rồi khao dân làng ăn uống một, hai ngày có khi tới ba, bốn ngày rất tốn kém nên nhiều người phải bán cả ruộng vườn chỉ vì khao cử:

– Bán gia tài mua danh diện hão.

Ngày nay hủ tục đua đòi, hãnh diện ấy biến sang tiệc cưới, sinh nhật, ma chay, giỗ chạp... với hàng năm, bảy trăm người tụ tập ăn uống không khác gì thời trước.

Phạm Hy Sơn

 

Tìm các bài BIÊN KHẢO khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com