User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
Phần trước, lịch sử Việt Nam từ Hồng Bàng (鴻 龎, 2879 TCN) đến Minh thuộc (1427), tạm gọi là giai đoạn Hình Thành và Củng Cố Quốc gia. Trong đó, thời kỳ độc lập, nước ta theo chế độ quân chủ phong kiến (chia đất cho vương hầu). Phần này, tiếp nối đoạn đường lịch sử Việt Nam từ Hậu Lê (後 黎, 1428) đến hết nhà Tây Sơn (西 山, 1802).

Dẫn Vào Phần Hai

Đầu năm Mậu Thân (1428), lịch sử sang trang, kỷ nguyên Hậu Lê thịnh đạt mọi mặt. Tiếp đến nhà Mạc (莫) với hiện tượng Nam Bắc triều (1527- 1593). Rồi Lê Trung Hưng trong bối cảnh đất nước chia đôi (1593- 1775). Xứ Đàng Trong có cuộc khởi nghĩa Tây Sơn, mở đầu sự thống nhất đất nước, chấm dứt tình trạng Nam Bắc phân tranh (1771- 1802). Chưa hết, cuộc chiến khốc liệt giữa Nguyễn Ánh (阮 暎) và Tây Sơn (西 山), không một ngày ngừng nghỉ, đến năm 1802 mới dứt. Trong cái chung tổng thể, tạm gọi là giai đoạn Hoàn chỉnh và Thịnh vượng, song hành với nền quân chủ Nho giáo độc tôn. Cũng có thể gọi là thời đại Nam Tiến vì Lê Thánh Tông mở đất đến đèo Cù Mông, chúa Nguyễn tiếp tục sáp nhập dần nước Chiêm Thành và Thủy Chân Lạp vào Đại Việt. Đoạn đường lịch sử này tuy có chung một đặc tính, nhưng xét về lãnh vực nội trị, có thể chia làm 6 giai đoạn.

I. Nhà Hậu Lê (1428- 1527)

Nhà Hậu Lê trở lại quốc hiệu Đại Việt (大 越), dời kinh về cố đô Thăng Long (昇 蘢) tức Đông Đô (thời nhà Hồ, kinh ở Tây Đô), trị vì 99 năm, truyền ngôi 11 đời, từ Thái Tổ (太 祖) 1428- 1433, Thái Tông (太 宗) 1434- 1442, Nhân Tông (仁 宗) 1443- 1459, Nghi Dân (宜 民) 1459, Thánh Tông (聖 宗) 1460- 1497, Hiến Tông (憲 宗) 1498- 1504, Túc Tông (肅 宗) 1504, Uy Mục (威 穆) 1505- 1509, Tương Dực (襄 翼) 1509- 1516, Chiêu Tông (昭 宗) 1516- 1522, Cung Hoàng (恭 皇) 1522- 1527. Và xây dựng thành Lam Kinh [1] tại quê quán, làm khu Lăng Mộ nhà Lê. Thời Hậu Lê (không kể Lê Trung Hưng) tương đối ngắn nhưng là triều đại chính thống và thịnh vượng nhất trong lịch sử Việt Nam.

thaimieuDãy tòa Thái Miếu trong quần thể khu Di Tích Lam Kinh ở Thanh Hóa [2].

1. Chú trọng nông nghiệp và văn học

a/ Lê Thái Tổ (1428- 1433):

Nhà vua có công đánh đuổi giặc Minh (Ming), đem lại nền độc lập lâu dài cho đất nước. Về nội trị, chấn hưng nhiều mặt như mở trường Quốc Tử Giám ở kinh, lập nhà học ở các phủ huyện, đặt học quan coi sóc. Chia nước làm 5 đạo, có quan hành khiển đứng đầu mỗi đạo điều hành việc sổ sách và quân dân. Lúc vây Đông Đô, nước ta có 25 vạn quân, Thái tổ lên ngôi cho giải ngũ, chỉ còn 10 vạn hiện dịch nhưng cũng chia làm 5 phiên, một phiên trực ban, bốn phiên về làm ruộng để phát triển nông nghiệp. Đặt phép quân điền, chia ruộng cho dân, ai cũng có đất cày cấy. Luật pháp rất nghiêm, bài trừ nạn ăn chơi, rượu chè cờ bạc [3]. Ca dao khắc họa một thời thái bình an lạc:

Đời vua Thái Tổ, Thái Tông
Con dắt con bế con bồng con mang.
Bò đen húc lẫn bò vàng,
Hai con húc chắc (lẫn nhau) đâm quàng xuống sông.
Thằng bé chạy về bẩm ông:
Bò đen nó đã xuống sông mất rồi.

biavinhlang Bia Vĩnh Lăng trong khu Lam Kinh, ghi công đức vua Lê Thái Tổ [4].

b/ Đời Lê Thái Tông (1434- 1442):

Năm Giáp Dần (1434), Thiệu Bình thứ 1 (紹 平), định lệ 3 năm 1 khoa, thi Hương năm trước ở các đạo, năm sau thi Hội ở đô sảnh đường. Phép thi 4 kỳ: trường 1, kinh nghĩa và Tứ thư nghĩa [5]; trường 2, chiếu, chế, biểu; trường 3, thơ, phú; trường 4, văn sách [6]. Thái Tông mở rộng khoa trường Lập bia tiến sĩ trọng đường tư văn [7]. Khoa thi Tiến sĩ năm Nhâm Tuất (1442) quan trường được chuẩn hóa chức danh, phân nhiệm rõ rệt: - Quan Đề điệu giám sát, chịu trách nhiệm tổng quát khoa thi. - Chánh phó Chủ khảo và các Giám thí trách vụ chấm bài. - Vị Tuần xước cai quản quân canh, lính hầu, voi ngựa, lo việc trật tự trường thi. - Ban Di phong lo niêm phong đánh mật mã, rọc phách bài thi. - Ban Đằng lục trách nhiệm chép y nguyên văn bài làm của thí sinh. - Ban Đối độc lo việc đối soát giữa bản chính và bản sao của bài thi. Các tân khoa được ban áo mũ Tiến sĩ, dự yến ở vườn Quỳnh Lâm, được cấp lính hầu và ngựa tốt, đón rước về quê quán vinh qui bái tổ, được khắc tên vào bia đá dựng ở Văn miếu. Những ân điển đó, thành lệ bắt đầu từ khoa này [8]. Vì thế việc học hành là điều mong muốn cao nhất của dân gian:

Chẳng tham ruộng cả ao liền,
Tham vì cái bút cái nghiên anh đồ.

Và ngày vinh qui “ngựa anh đi trước võng nàng theo sau” là ước mơ đẹp nhất của bậc hiền thê:

Chẳng tham vựa lúa anh đầy,
Tham năm ba chữ cho tày thế gian.

biatiensi
Bia Tiến Sĩ ở Văn Miếu Hà Nội. Nhiếp ảnh gia Nguyễn Huy Trực chụp, 1993.

2. Cực thịnh về mọi mặt:

a/ Đời Lê Thánh Tông (1460- 1497): Hồng Đức nguyên niên, ngày 16 tháng 11 năm Canh Dần (1470) vua thân chinh đem 26 vạn tinh binh đi đánh Chiêm Thành. Trời mưa nhẹ, gió bấc thổi đều, thuyền ngự thuận buồm. Tư thiên giám Tạ Khắc Hài tâu: “Mưa là mưa nhuần quân, gió từ phương Bắc là gió hòa, báo hiệu điềm lành.” Nhân đấy, quan quân có câu thơ lan truyền [9]:

Bách vạn sư đồ viễn khải hành, 百 萬 師 徒 遠 啓 行
Xao bồng vũ tác nhuận quân Thanh. 敲 篷 雨 作 潤 軍 聲

Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, bản dịch:

Trăm vạn quân đi đánh cõi xa,
Mui thuyền mưa dội thắm quân ta.

Ngày 18 tháng Chạp năm Canh Thân, thủy quân ta vào đất Chiêm. Mồng 6 tháng 2 năm Tân Mão (1471), quân ta đại thắng ở Sa Kỳ (cửa biển thuộc xã Tịnh Kỳ, huyện Sơn Tịnh, cách thị xã Quảng Ngãi chừng 12 km về phía Đông Bắc), hạ tuần tháng 2 tiến vào đầm Thị Nại. Ngày 27, Lê Thánh Tông chỉ huy đánh chiếm thành Thị Nại, tiền đồn của kinh đô. Ngày 28, kinh đô Đồ Bàn bị vây hãm, đến ngày Mùng 1 tháng 3 năm Tân Dậu hạ thành, bắt sống Trà Toàn và hoàng gia. Từ ấy, miền đất Vijaya đến đèo Cù Mông (tỉnh Bình Định ngày nay) vĩnh viễn thuộc về Đại Việt. Mở Quảng Nam, đặt Trấn Ninh Đề phong [10] muôn dăm uy linh ai bì [11]. Tháng 11 năm Ất Mão (1495), niên hiệu Hồng Đức thứ 26 (洪 德), Thánh Tông làm 9 bài thơ, gọi là Quỳnh Uyển Cửu Ca và soạn bài tựa. Vua xưng là Tao đàn Nguyên soái, phong Đông các Đại học sĩ Thân Nhân Trung và Đỗ nhuận làm phó Nguyên soái, chọn Đông các Hiệu thư Ngô Luân và Ngô Hoán; Hàn lâm viên thị độc Nguyễn Trùng Xác và Lưu Hưng Hiếu; Thị thư Nguyễn Quang Bật, Nguyễn Đức Huấn, Võ Dương và Ngô Thầm; Thị chế Ngô Văn Cảnh, Phạm Trí Kiêm và Lưu Thư Mậu; Hiệu lý Nguyễn Nhân Bị, Nguyễn Tôn Miệt, Ngô Quyền, Nguyễn Bảo Khuê, Bùi Phổ, Dương Trực Nguyên và Chu Hãn; Kiểm thảo Phạm Cẩn Trực, Nguyễn Ích Tốn, Đỗ Thuần Thứ, Phạm Nhu Huệ, Lưu Dịch, Đàm Thận Huy, Phạm Đạo Phú và Chu Huân; gồm 28 người, ứng với 28 vì sao trong thiên văn, gọi là Tao đàn Nhị thập bát tú, cùng nhau họa vần 9 bài thơ của Nguyên soái [12]. Trong chốn văn chương, vua tôi xướng họa, câu thơ theo cảm hứng không phân biệt phẩm hàm, đãi nhau rất bình đẳng. Theo Nguyễn Văn Mại, Việt Nam Phong Sử, dân gian đã khen hội thơ có một không hai này:

So ra ai kém ai đâu
Kẻ se chỉ thắm, người trao hột vàng.

langlethanhtong Lăng mộ vua Lê Thánh Tông Trong khu Di Tích Lam Kinh [13].

b/ Lê Hiến Tông (1498- 1504): Ngày 29 tháng Giêng năm Đinh Tỵ (1497), Thánh Tông đau nặng, lệnh cho Hoàng Thái Tử Lê Tranh (黎 鏳), còn có tên là Tăng (增) và Sanh (檉) nối ngôi, tức vua Hiến Tông. Hôm sau, Thánh Tông băng hà. Mồng 3 tháng 2, Hoàng Thái Tử chủ lễ Phản Khốc, ban lệnh bỏ lệ tang ngắn hạn của Vũ Văn Đế (179- 164 trước TCN), trở lại điển lễ phục tang cha mẹ là 3 năm và mọi tang sự phải theo phép cũ. Thần dân nhất loạt vâng mệnh phục cổ, chấn hưng phong tục [14], ca dao đã ca ngợi mỹ tục này:

Hiếu tang cổ lệ đạo trời
Ba năm bú mớn, trọn đời khắc ghi.

3. Dấu hiệu suy đồi:

a/ Lê Uy Mục (1505- 1509): Ngày 24 tháng 5 năm Giáp Tý (1504) vua Hiến Tông mất lúc 43 tuổi. Thái Tử Lê Thuần (con thứ 3) lên ngôi là Túc Tông, nhưng 6 tháng sau thì mất lúc 16 tuổi. Hoàng Tử Lê Tuấn (con thứ 2) nối ngôi là Uy Mục, từ ấy cơ nghiệp nhà Lê suy đồi nhanh chóng:

Tiếc công tiên tổ đắp nền,
Cha ông gắng sức làm nên nghiệp trời.
Tưởng rằng kèo cột muôn đời
Nào ngờ kèo rã cột rời một mai.

Lê Uy Mục rất bạo ngược, mới lên ngôi đã giết Tổ Mẫu Thái Hoàng Thái Hậu, Lễ Bộ Thượng Thư Đàm Văn Lễ và Đô Ngự Sử Nguyễn Quang Bật, vì trước kia không chịu lập ngài làm Thái Tử. Vua say đắm tửu sắc, hung ác, thường giết người trong cơn say. Sứ Tàu gọi là Quỷ Vương.

b/ Lê Tương Dực (1509- 1516): Nhà vua chơi bời hoang phí, sai Vũ Như Tô xây điện 100 nóc, lập Cửu trùng đài. Quân dân lao dịch khổ cực, loạn lạc nổi lên khắp nơi. Sứ Tàu gọi là Trư Vương, nói theo dân gian là Vua Lợn:

Đem binh vây bức đô kỳ

Quỷ Vương khuất mặt, quyền về Trư Vương [15].

giengxua Giếng xưa, có từ đời cụ Tằng Tổ Lê Hối, trong khu Di Tích Lam Kinh [16]

c/ Đời Lê Chiêu Tông (1516- 1522): Vận nước suy yếu hẳn, không phục hồi đươc. Giặc Trần Cao chiếm kinh đô, sau nhờ các tướng hợp quân phá được, nhưng vẫn tiếp tục kình chống nhau. Chưa yên lại xảy ra vụ vua nghe lời gièm pha, giết Trần Chân để trừ hậu họa. Các bộ tướng của Trần Chân tức giận, đem quân đánh phá kinh thành. Vua phải lánh nạn và cho người ra Hải Dương gọi Mạc Đăng Dung về, trao cả binh quyền để trừ nhóm Hoàng Duy Nhạc. Mối soán đạt ngôi báu, bắt đầu từ đấy. Mạc Đăng Dung (莫 登 庸) trừ được Lê Do, Nguyễn Sư, Trịnh Tuy; chiêu hàng Hoàng Duy Nhạc, Nguyễn Áng, Nguyễn Kính làm vây cánh, nên càng hống hách, lộng quyền, ai chống đối đều bị giết:

Đăng Dung cậy có công danh,
Thuyền rồng, tán phượng [17] lộng hành sợ chi [18]

d/ Lê Cung Hoàng (1522- 1527): Ngày 27 tháng 7 năm Nhâm Ngọ (1522), Chiêu Tông trốn lên Sơn Tây (nay thuộc Hà Tây), Trịnh Tuy đem vua về Thanh Hóa. Mồng 1 tháng 8 năm ấy, Mạc Đăng Dung đưa em ruột của vua là Lê Xuân lên ngôi tức Cung Hoàng. Ông dùng lá bài chính trị này để có thì giờ củng cố quyền lực và mượn danh nghĩa trừ nạn Chiêu Tông.

Chiêu Tông gặp lúc hiềm nghi.
Nửa đêm lén bước chạy về Tây phương
Đăng Dung lại lập Cung Hoàng.
Hành cung [19] tạm trú Hải Dương cõi ngoài [20].

Năm Giáp Thân (1524), Mạc Đăng Dung bắt được Chiêu Tông, đem về phường Đông Hà (huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức; nay thuộc quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), ngầm sai người giết đi.

bandothanglong Bản đồ Thăng Long thời vua Lê Thánh Tông, Hồng Đức thứ 21 (1490).

Lời Kết

Năm Bính Thìn (1076), Lý Nhân Tông (李 仁 宗), niên hiệu Anh Vũ Chiêu Thắng thứ 1 (英 武 昭 勝) lập nhà Quốc Tử Giám [21] là trường đại học đầu tiên của nước ta. Năm Nhâm Tuất (1442) niên hiệu Đại Bảo thứ 3 (大 寶), Lê Thái Tông (黎 太 宗) sai soạn văn bia đề tên các Tiến sĩ. Lệ bia Tiến sĩ có từ đấy [22]. Nhưng mãi đến năm Giáp Thìn (1484), Hồng Đức thứ 15 (洪 德) đời Lê Thánh Tông (黎 聖 宗) mới có một lần dựng bia đại qui mô bao gồm các khoa Tiến sĩ từ năm 1442 đến năm 1484, tất cả 10 tấm, đặt ở Vườn Bia có hồ Thiên Quang Tỉnh (giếng trời trong sáng) trước Đại Thành Môn, khởi đầu cho hệ thống bia Tiến sĩ ở Văn Miếu và Quốc Tử Giám tại kinh đô Thăng Long.

Đào Đức Chương

Ghi Chú

[1] Khu Di tích Lam Kinh, nằm trên một đồi gò, bốn mặt xây thành dày 1 m, chiều dài 314 m, ngang 254 m, tường thành phía Bắc có hình vòng cung. Lam Kinh, nay thuộc xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Từ thành phố Thanh Hóa, theo tỉnh lộ 15A, đi về hướng Tây 51 km. Nơi đây, từ xa xưa, vị thủy tổ nhà Lê thấy chim bay về đậu thành bầy, cho là địa cuộc đất tốt, đã san đất làm nhà và truyền cơ nghiệp cho con cháu. Lam Kinh, là quê hương của nhà Lê, có các lăng mộ: Lê Thái Tổ và bia Vĩnh Lăng, do Nguyễn Trãi biên soạn, ghi sự nghiệp của Nhà Vua; Hựu Lăng của Thái Tông, Chiêu Lăng của Thánh Tông, Lăng Khôn Nguyên của Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao (mẹ vua Thánh Tông); Kính Lăng của Túc Tông; Dụ Lăng của Hiến Tông; và đền Lê Lai.
[2, 4] Các hình ảnh mang số 1, 2, trích từ Google “Khu Di Tích Lam Kinh.”
[3] Trần Trọng Kim; Việt Nam Sử Lược (Sài Gòn, nxb Tân Việt, 1964); trang 235- 237.
[5] Tứ thư là bốn quyển sách: Đại Học, Trung Dung, Luận Ngữ, Mạnh Tử.
[6] Quốc Sử Quán Triều Nguyễn; Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, bản dịch của Viện Sử Học (Hà Nội, nxb Giáo Dục, 1998); tập 1, trang 883.
[7] Lê Ngô Cát và Phạm Đình Toái; Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca, Hoàng Xuân Hãn đề tựa và dẫn (tái bản ở Hải ngoại, không đề tên nxb và năm xuất bản); trang 164.
[8] Ngô Đức Thọ; Các Nhà Khoa Bảng Việt Nam (Hà Nội, nxb Văn Học, 1993); trang 11- 13.
[9] Quốc Sử Viện Triều Lê; Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Hoàng Văn Lâu dịch, tập 2 (Hà Nội, nxb Khoa Học Xã Hội, 1993); trang 441- 450.
[10] Đề phong: bờ cõi đất.
[11] Lê Ngô Cát và Phạm Đình Toái; Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca; trang 166.
[12] Quốc Sử Quán Triều Nguyễn; Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, bản dịch của Viện Sử Học; tập 1, trang 1184.
[13] Hình ảnh mang số 3, trích từ Google “Khu Di Tích Lam Kinh.”
[14] Quốc Sử Viện Triều Lê; Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Hoàng Văn Lâu dịch, tập 2; trang 518- 522.
[15] Lê Ngô Cát và Phạm Đình Toái; Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca; trang 168.
[16] Hình ảnh mang số 4, trích từ Google “Khu Di Tích Lam Kinh.”
[17] Thuyền rồng, tán phượng: ghe thuyền làm theo kiểu con rồng, tán lọng có thêu hình con phượng, là những hình tượng dành riêng cho vua.
[18, 20] Lê Ngô Cát và Phạm Đình Toái; Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca; trang 171, 171.
[19] Hành cung: Cung vua dựng ở dọc đường để vua nghỉ, khi đi các nơi xa kinh đô.
[21] Quốc Sử Quán Triều Nguyễn; Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, Viện Sử Học dịch; tập 1, trang 353.
[22] Quốc Sử Viện Triều Lê; Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Hoàng Văn Lâu dịch, tập 2; trang 351.

 

Tìm các bài BIÊN KHẢO khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com