User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
Dương Diên Nghệ [1], một kiện tướng của Khúc Hạo (曲顥) ngày trước, người xã Dương Xá, huyện Thiệu Hóa [nay là Thiệu Yên vì có Yên Ðịnh sáp nhập), tỉnh Thanh Hóa. Năm 931 (Tân Mão), ông khởi binh đánh đuổi bọn Lý Khắc Chính (Li Ke Zheng) và Thứ sử Giao Châu là Lý Tiến (Li Jian) của Nam Hán, đem lại nền tự chủ cho đất nước. Từ ấy, nước ta độc lập suốt 476 năm, trải qua các triều Ngô (吳), Ðinh (丁), Lê (黎), Lý (李), Trần (陳), Hồ (胡); đánh dấu một thời đại tự chủ oai hùng (931- 1407). Nhưng nếu chỉ xét đến Giai Đoạn Khởi Đầu Của Nền Tự Chủ, tính từ Dương Diên Nghệ (揚延藝) đến hết nhà Tiền Lê (931- 1009), kéo dài trong 78 năm.

1. Nhà Ngô (939 – 965)

Ngô Quyền (898- 944)吳權, người xã Ðường Lâm, nay thuộc thị xã Sơn Tây, tỉnh Hà Tây; được Dương Diên Nghệ cho làm nha tướng và gả con gái là Dương Thị Như Ngọc [2]. Tháng 4 năm 937 (tức tháng 3- Ðinh Dậu), Dương Diên Nghệ bị bộ tướng Kiều Công Tiễn [3] giết. Ngô Quyền đang làm Thứ sử Ái Châu (Thanh Hóa), đem quân ra hỏi tội. Kiều Công Tiễn cho sứ sang Nam Hán cầu cứu. Vua Hán là Lưu Cung (Liu Gong) muốn nhân cơ hội này chiếm lấy nước ta, bèn sai Thái tử Hoằng Tháo [4] đem binh thuyền đi trước, còn vua tự cầm quân đóng ở Hải Môn để tiếp ứng. Nghe tin chiến thuyền của giặc theo sông Bạch Ðằng vào nước ta, Ngô Quyền sai quân đem cọc đầu bịt sắt nhọn đóng ngầm ở hai bên cửa sông. Thủy triều lên, quân ta dùng thuyền nhẹ khiêu chiến, rồi giả thua, dụ giặc đuổi theo. Khi cả binh thuyền của chúng tiến vào vùng có cắm cọc, quân ta đổ ra đánh rất hăng, vừa lúc thủy triều rút nhanh, thuyền giặc vướng vào cọc, thủng vỡ lật úp. Ngô Quyền, trong thì giết được Kiều Công Tiễn, ngoài đánh tan quân Nam Hán trên sông Bạch Ðằng năm 938 [5], Hoằng Tháo (Hong Cao) bị bắt sống và bị giết. Ca dao đã tường thuật chiến công oanh liệt này:

Ðánh giặc thì đánh giữa sông,
Chớ đánh trong cạn, phải chông mà chìm [6].

songbachdang Sông Bạch Đằng, đoạn gần cửa sông Ảnh từ Google.

nhango Tranh vẽ chiến thắng Bạch Ðằng năm 938. Tài liệu cũ, Nam Thống chụp lại.

Năm 939 (Kỷ Hợi) Ngô Quyền xưng vương, đóng đô ở Cổ Loa 古 螺 (nay thuộc Ðông Anh, huyện ngoại thành Hà Nội), truyền ngôi được 4 đời gồm: Ngô Vương (939- 944) tức Ngô Quyền, Dương Bình Vương (945- 950) tức Dương Tam Kha (楊 三 哥), Nam Tấn Vương (951- 965) tức Ngô Xương Văn (吳 昌 文); Thiên Sách Vương (951-954) tức Ngô Xương Ngập (吳 昌 岌). Nhưng đến đời Ngô Xương Xí (吳 昌 熾), con của Ngô Xương Ngập, chỉ còn giữ đất Bình Kiều (thuộc phủ Khoái Châu, trấn Sơn Nam Thượng; nay thuộc tỉnh Hưng Yên), như các sứ quân khác. Ðất nước lâm vào thời kỳ hỗn chiến ( 966- 968), sử gọi là Thập Nhị Sứ Quân [7].

langngoquyen Lăng Ngô Quyền ở Ðường Lâm [8]Ảnh từ Google.

II. Nhà Đinh (968 – 980)

Ðinh Bộ Lĩnh (丁 部 領) quê ở động Hoa Lư, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, con ông Ðinh Công Trứ làm Thứ sử Hoan Châu dưới thời Dương Diên Nghệ và Ngô Quyền. Cha mất sớm, theo mẹ về quê sinh sống, lớn lên gia nhập sứ quân Trần Minh Công. Trần sứ quân chết, Ðinh Bộ Lĩnh thay thế, đem quân về giữ Hoa Lư, hùng cứ một phương. Ðinh Bộ Lĩnh lần lượt diệt các sứ quân khác, thống nhất đất nước, dân chúng tôn là Vạn Thắng Vương (萬勝王). Trong văn chương bình dân, có câu ca dao thích hợp với sự kiện lịch sử này:

Ở đời muôn sự của chung,
Hơn nhau một tiếng anh hùng mà thôi.
 
bandonguyenhuytruc 251x300Bản đồ do Nguyễn Huy Trực [9] cung cấp.

anhtrando Toàn cảnh vùng cố đô Hoa Lư, ảnh Ðỗ Huân. Ảnh từ Trần Độ, “Văn Hóa Việt Nam”

truongthanh Di tích tường thành Hoa Lư ở Ninh BìnhẢnh từ Ðông Tiến, “Dân Tôi Nước Tôi”, trang 278.

Năm 968 (Mậu Thìn), Vạn Thắng Vương lên ngôi Hoàng Đế, xưng là Ðinh Tiên Hoàng (丁先皇), đặt quốc hiệu Ðại Cồ Việt (大 瞿 越)[10], đóng đô ở Hoa Lư (華 閭) [11], dân chúng sống trong thanh bình an lạc, đúng nghĩa với niên hiệu Thái Bình (太 平) mà nhà Vua đã chọn:

Xem lên trăng bạch trời hồng,
Dạo miền sơn thủy bẻ bông thái bình.

congdendinhtienhoang321x214 Cổng vào đền Ðinh Tiên Hoàng ở Hoa Lư, Ninh Bình. Ảnh, Nguyễn Huy Trực, 1993.

dendinhtienhoàng 300x205 Ðền Ðinh Tiên Hoàng, bệ ngai và nóc đền có đắp rồng. Ảnh, Nguyễn Huy Trực, 1993

Nhưng đến năm 979 (Kỷ Mão) có biến cố lớn, Ðỗ Thích (杜 釋) làm chức lại ở Ðồng Quan, nằm mộng thấy sao rơi vào miệng, tin là điềm báo được làm vua. Thừa lúc Ðinh Tiên Hoàng say rượu nằm ở sân cung, bèn lén vào giết Vua và Ðinh Liễn 丁 璉 (con trưởng vua). Dân chúng chê trách hành động điên rồ của Ðỗ Thích:

Con cóc nằm ở bờ ao,
Lăm le lại muốn nuốt sao trên trời [12].

Triều đình lập Vệ Vương Đinh Tuệ (衛 王丁 穗 ) lên ngôi (979- 980) lúc 6 tuổi, Thập đạo Tướng quân Lê Hoàn nắm cả quyền chính, xưng là Phó Vương. Ðinh Ðiền và Nguyễn Bặc dấy binh diệt Lê Hoàn để trừ hậu họa nhưng Ðinh Ðiền tử trận, Nguyễn Bặc bị bắt giải về kinh. Lê Hoàn mắng Nguyễn Bặt: “Tiên Ðế bị nạn, thánh thần còn phẩn nộ. Người là kẻ bề tôi lại thừa lúc rối loạn tang biến bội nghĩa dấy binh”, nói xong đem chém [13].

Langdinhtienhoang 300x177 Lăng Ðinh Tiên Hoàng ở Hoa Lư. Ảnh, Nguyễn Huy Trực, 1993.

III. Nhà Tiền Lê (980- 1009)

Thừa lúc vận nước rối ren, năm 980, vua Tống Thái Tông (Song Tai Zong) sai Hầu Nhân Bảo (Hou Ren Bao) đem quân đến biên giới định xâm chiếm nước ta. Tướng Phạm Cự Lượng yêu sách phải tôn Lê Hoàn (黎 桓)lên ngôi vua, mới chịu xuất quân. Trước tình thế cấp bách, trước vận mệnh sống còn của đất nước, Thái hậu Dương Vân Nga sai lấy áo long cổn khoác lên mình Lê Hoàn, tôn lên ngôi là vua Lê Ðại Hành (黎 大 行), để yên lòng binh sĩ. Thời ấy có bài sấm thi, truyền khẩu trong dân chúng, mỗi câu linh nghiệm cho một biến cố: Ðỗ Thích thí Ðinh Ðinh, Lê gia xuất thánh minh, Cạnh đầu đa hoạch tử, Ðạo lộ tuyệt nhân hành. Câu 1 ứng vào việc Ðinh Tiên Hoàng và Nam Việt Vương bị ám sát; câu 2 tiên đoán Lê Hoàn là vị vua sáng suốt; câu 3 nói việc nhóm Ðinh Ðiền chống Lê Hoàn bị giết; câu 4 báo việc quân Tống xâm lăng, dân chúng tìm nơi vắng vẻ ẩn núp, đường cái không có người đi. Quả thật, tháng 4 năm 981 (tức tháng 3- Tân Tỵ), quân Tống sang chiếm nước ta. Hầu Nhân Bảo (Hou Ren Bao) và Tôn Hoàn Hưng (Sun Huan Xing) dẫn đại binh đi đường bộ đánh Lạng Sơn, Trần Khâm Tộ (Chen Qing Zu) theo đường thủy vào sông Nhị Hà tấn công Tây Kết, Lưu Trừng (Liu Cheng) tiến vào sông Bạch Ðằng. Nhưng có “Lê gia xuất thánh minh”, Lê Ðại Hành tự nguyện làm tướng chống giặc. Nhà vua phá tan đạo quân đi đường bộ, đánh đuổi cánh quân đường thủy; giết tướng Hầu Nhân Bảo [14], bắt tướng Quách Quân Biện (Guo Jun Bian) và Triệu Phụng Hưng (Zhao Feng Xing), giặc chết quá nửa; khiến nhà Tống dẹp mộng xâm lăng nước ta:

Ải Chi Lăng, ta dùng kế trá hàng,
Giặc chết nhiều, Hầu Nhân Bảo máu loang.
Ta bắt sống địch hai người bộ tướng,
Chết phân nửa, quân trang nhiều vô lượng.
Bọn Lưu Trừng đóng giữ mặt Bạch Ðằng,
Thấy quân ta thừa khí thế đánh hăng,
Quân nhà Tống, bên bộ binh tháo chạy,
Lưu Trừng sợ ta hỏa công thiêu cháy
Bọn thủy quân của giặc Tống rút êm.
Ta liên hoan mừng chiến thắng liên miên
Ðại Cồ Việt, rừng cờ vàng hoa nở [15].

Nhưng cũng có người đem lời Lê Hoàn mắng Nguyễn Bặc ngày trước để chê trách việc soán ngôi:

Nước trong khe suối chảy ra,
Mình chê ta đục, mình đà trong chưa?

Lê Ðại Hành ở ngôi 25 năm (980- 1005), lần lượt đặt các niên hiệu Thiên Phúc 天福 (980- 988), Hưng Thống 興 統 (989- 994), Ứng Thiên 應 天(994- 1005); kinh đô vẫn ở Hoa Lư.

Con cò bay lả bay la,
Bay qua Yên Thế bay về Hoa Lư.
Trăm ngàn cờ Việt có dư,
Màu vàng sáng chói, muôn thu anh hùng [16].

Tháng 4 năm 1005 (tức tháng 3- Ất Tỵ) Ðại Hành Hoàng Ðế băng hà ở điện Trường Xuân. Con thứ ba là Lê Long Việt (黎龍鉞) lên ngôi tức Lê Trung Tông (1005) làm vua được 3 ngày, bị em là Lê Long Ðỉnh (黎龍鋌) sai người giết, rồi tự xưng làm vua (1005- 1009) vẫn dùng niên hiệu Ứng Thiên, đến năm 1008 đổi là Cảnh Thụy (景瑞). Long Ðỉnh rất bạo ngược, hiếu sát, thường lấy sự giết người làm trò chơi, thích xem hề ngay lúc lâm triều, lại còn say đắm tửu sắc nên phát bệnh trĩ đến nỗi không ngồi được, thị triều phải nằm, sử gọi là Vua Ngọa Triều. Giữa lúc lòng dân oán ghét Long Ðỉnh, trong dân chúng lan truyền một bài sấm thi bằng chữ Nho:

Thụ căn diểu diểu, 树 根 杳 杳
Mộc biểu thanh thanh. 木 表 青 青
Hoà đao mộc lạc, 禾 刀 木 落
Thập bát tử thành. 十 八 子 成
Ðông a nhập địa, 東 阿 入 地
Dị mộc tái sinh [17]. 异 木 再 生
Chấn cung hiện nhật, 震 宫 見 日
Ðoài cung ẩn tinh. 兑 宫 隐 星
Lục thất niên gian, 六 七 年 间
Thiên hạ thái bình. 天 下 太 平

Cao Huy Giu (Thơ Văn Lý Trần) dịch:

Gốc cây thăm thẳm,
Ngọn cây xanh xanh.
Cây hòa đao rụng,
Mười tám hạt thành.
Cành đông xuống đất,
Cây khác lại sinh.
Ðông, mặt trời mọc
Tây, sao náu hình
Khoảng sáu, bảy năm
Thiên hạ thái bình.

- Hai câu giáo đầu nói bóng gió vua thì yểu mệnh, bề tôi cường thịnh. - Câu 3, hợp các chữ “hòa” (禾), “đao” (刀), “mộc” (木), thành chữ “lê” (棃) nhưng lại lạc (rơi rụng), ý nói Nhà Lê mất ngôi (cây lê 棃 đồng âm với họ lê 黎). - Câu 4, hợp các chữ “thập” (十), “bát” (八), “tử” (子), là chữ “lý” (李), ý nói người họ Lý thành thiên tử. - Câu 5, hợp hai chữ “đông” (東), “a” (阿), thành chữ “trần” (陳) nhập địa, ý nói Nhà Trần làm vua nước ta. - Câu 6, cây khác sống lại, ý nói một họ Lê khác làm vua lần nữa, tức nhà Hậu Lê. - Câu 7 và 8: cung đằng Ðông (chấn) mặt trời mọc, cung đằng Tây (đoài) ngôi sao mờ. Một hôm Lê Long Ðỉnh ăn trái khế lại thấy hột mận [18] chữ Nho gọi là Lý, càng tin lời sấm thi, ngầm sai tìm người họ Lý giết đi, nhưng lại quên mất Lý Công Uẩn ở bên cạnh vua và đang giữ chức Tả thân vệ Ðiện tiền Chỉ huy sứ, nên ca dao có câu:

Ta trong cây khế ta ra,
Mình còn cạnh khế, chi ta hỡi mình!

denledaihanhÐền vua Lê Ðại Hành ở Hoa Lư. Ảnh từ Phạm Ngô Minh, “Nhân Vật Họ Lê Trong Lịch Sử VN”

Năm Kỷ Dậu (1009) Lê Long Đỉnh mất, kéo theo sự sụp đổ của một triều đại. Kinh đô Hoa Lư tồn tại từ năm 968 đến 1009, trải qua hai triều Ðinh và Tiền Lê, cũng đi vào quá vãng. Khoảng tháng 8 năm 1010 (tức tháng 7- Canh Tuất) Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long, đổi Hoa Lư thành phủ Trường Yên (Tràng An). Cố đô Hoa Lư đã đi vào ca dao, nay chỉ còn lăng và đền vua Ðinh, với đền vua Lê:

Ai là con cháu Rồng Tiên,
Tháng Ba mở hội Trường Yên thì về.
Về thăm đền cũ Ðinh, Lê
Non xanh nước biếc bốn bề như xưa.

IV. Lời Kết

Trong Việt Nam Sử Lược, cụ Trần Trọng Kim, không xếp thời gian 8 năm, từ 931 đến 939, nước ta dưới chính quyền của Dương Diên Nghệ, vào thời đại tự chủ, mà lại ghép chung với những cuộc khởi nghĩa chống sự đô hộ của Tàu trong thời kỳ Bắc thuộc lần thứ Ba. Không biết có phải vì lý do Dương Diên Nghệ chưa xưng Vương, nên không được tính vào các triều đại của nước ta? Nhưng xét cho cùng, căn cứ vào Đại Việt Sử Ký Toàn Thư [19], có những điểm cần được trình bày: Năm 931, Dương Diên Nghệ quy tụ được 3000 con nuôi làm nền tảng cho việc khởi binh. Diên Nghệ bao vây phủ thành Lý Tiến. Vua Nam Hán được tin cấp báo, vội sai Thừa chỉ Trần Bảo (Chen Bao) đem quân sang cứu, nhưng chưa đến kịp thì nghĩa quân đã chiếm thành, Lý Tiến và đồng bọn phải trốn chạy về Tàu. Diên Nghệ cũng đánh tan quân viện, Trần Bảo bại trận và chết. Diên Nghệ quét sạch quan quân Nam Hán ra khỏi bờ cõi, rồi tự xưng là Tiết độ sứ, trông coi việc nước. Từ ấy, nước ta chấm dứt vĩnh viễn thời kỳ Bắc thuộc lần thứ ba, mở ra thời đại tự chủ, sau một ngàn năm bị Tàu thống trị. Thế thì, dấu mốc thời gian khởi đầu giành lại nền tự chủ phải là năm Tân Mão tức năm 931.

(Còn tiếp kỳ sau)

Đào Đức Chương

Ghi Chú:

[1] Chép là Dương Diên Nghệ (楊延藝), các sách: Trần Trọng Kim, Việt Nam Sử Lược, trang 72; Quốc Sử Quán Triều Nguyễn, Khâm Ðịnh Việt Sử Thông Giám Cương Mục, nhóm Hoa Bằng dịch, tập I, trang 221; Phạm Văn Sơn, Việt Sử Tân Biên, quyển I, trang 237; Hoàng Cơ Thụy, Việt Sử Khảo Luận, cuốn I, trang 166; Trịnh Vân Thanh, Thành Ngữ Ðiển Tích Danh Nhân Từ Ðiển, quyển I, trang 188; Nguyễn Q. Thắng & Nguyễn Bá Thế, Từ Ðiển Nhân Vật Lịch Sử Việt Nam, trang 97; Nguyễn Huyền Anh, Việt Nam Danh Nhân Từ Ðiển, trang 246. Chép là Dương Ðình Nghệ (楊廷藝), các sách: Ðại Việt Sử Ký Toàn Thư, Ngô Ðức Thọ dịch tập 1, trang 202; Nguyễn Khắc Thuần, Thế Thứ Các Triều Vua Việt Nam, trang 39; Phạm Văn Sơn, Việt Sử Toàn Thư, trang 149; Trần Ðộ chủ biên, Văn Hóa Việt Nam, trang 154.

[2] Nguyễn Khắc Thuần; Thế Thứ Các Triều Vua Việt Nam (Sài Gòn, nxb Giáo Dục, 1996); trang 40, chép: “Ngô Xương Văn, con thứ của Tiền Ngô Vương (Ngô Quyền), mẹ là Dương Thái hậu, tức bà Dương Thị Như Ngọc,...”. Nguyễn Q. Thắng; Từ Ðiển Nhân Vật Lịch Sử Việt Nam (Sài Gòn, nxb Khoa Học Xã Hội, 1992), trang 462 cũng chép là: “Dương Thị Như Ngọc”.

[3] Chép là Kiều Công Tiễn (“Tiễn” dấu ngã), các sách: Ðại Việt Sử Ký Toàn Thư, Ngô Ðức Thọ dịch tập 1, trang 203; Việt Sử Tân Biên, quyển I, trang 237; Hoàng Cơ Thụy, Việt Sử Khảo Luận, cuốn I, trang 166; Nguyễn Q. Thắng & Nguyễn Bá Thế, Từ Ðiển Nhân Vật Lịch Sử Việt Nam, trang 97. Chép là Kiểu Công Tiện (“Tiện” dấu nặng), các sách: Khâm Ðịnh Việt Sử Thông Giám Cương Mục, nhóm Hoa Bằng dịch, tập I, trang 221; Trần Trọng Kim, Việt Nam Sử Lược, trang 72; Nguyễn Huyền Anh, Việt Nam Danh Nhân Từ Ðiển, trang 246; Trịnh Vân Thanh, Thành Ngữ Ðiển Tích Danh Nhân Từ Ðiển, quyển I, trang 188.

[4] Theo Tân Ngũ Ðại Sử 新五代史 (quyển 65), các con của vua Tấn Cao Tổ (Lưu Cung) đều có chữ Hồng, nên trong bản dịch Ðại Việt Sử Ký Toàn Thư, tập 1, trang 203 (ghi chú 2) đề nghị sửa là Thái tử Hồng Tháo [Hong Cao].

[5] Lời chua trong Khâm Ðịnh Việt Sử Thông Giám Cương Mục, bản dịch của nhóm Hoa Bằng, tập I, trang 223, tả khúc sông Bạch Ðằng như sau: “Sông Bạch Ðằng bắt đầu từ sông Lục Ðầu thuộc địa hạt tỉnh Bắc Ninh phân lưu chảy vào địa hạt tỉnh Hải Dương: Một chi theo Mỹ Giang, một chi theo Châu Cốc Sơn, hai chi hợp lại ở xã Ðoan Lễ. Khúc sông hợp lại này gọi là sông Bạch Ðằng. Sông Bạch Ðằng phía Nam giáp giới huyện Thủy Ðường, tỉnh Hải Dương; phía Bắc giáp giới huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng Yên; chuyển về phía Nam 29 dặm, đổ ra biển (qua cửa) Nam Triệu. Theo sách Ðịa Lý Chí (thực ra tên sách này Dư Ðịa Chí) của Nguyễn Trãi, sông Bạch Ðằng có tên gọi nữa là sông Vân Cừ, rộng hơn 2 dặm, ở đó có nhiều núi cao ngất, nhiều ngành sông đổ lại, sóng cồn man mác giáp tận chân trời, cây cối um tùm che lấp bờ bến, thực là một nơi hiểm yếu về đường biển.”

[6] Chiến thuật kết hợp giữa mức lên xuống thủy triều và bãi cọc nhọn bịt sắt cắm ở lòng sông Bạch Ðằng để đánh thắng giặc ngoại xâm phương Bắc: Lần 1, năm 937, Ngô Quyền phá tan quân Nam Hán. Lần 2, năm 981, Lê Ðại Hành đóng cọc ngăn sông, chặn đánh quyết liệt khiến đoàn thuyền chiến của quân Tống phải tháo chạy. Lần 3, năm 1288, Trần Hưng Ðạo áp dụng chiến thuật ấy cũng tại khúc sông này đã đại thắng quân Nguyên. Vì vậy, câu ca dao trên có thể dùng cho cả ba trường hợp, hoặc hai cho lần 1 và 3. Tuy nhiên, còn 4 câu ca dao nữa nói đến chiến thắng Bạch Ðằng, trong đó có 2 câu xác định thời Trần. Vì vậy, chúng tôi dành câu “Ðánh giặc thì đánh giữa sông, Ðừng đánh trong cạn phải chông mà chìm” cho chiến tích của Ngô Quyền, người đầu tiên có sáng kiến này.

[7] Mười hai sứ quân, gồm: 1/ Ngô Xương Xí (con của Ngô Xương Ngập) chỉ còn giữ đất Bình Kiều, sau thuộc phủ Khoái Châu, nay thuộc tỉnh Hưng Yên. 2/ Trần Lãm xưng là Trần Minh Công, chiếm đất Bố Hải, nay thuộc huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình; có Ðinh Bộ Lĩnh là thuộc tướng. 3/ Nguyễn Thủ Tiệp xưng là Nguyễn Lệnh Công, chiếm vùng Tiên Sơn (Tiên Du và Từ Sơn), tỉnh Bắc Ninh. 4/ Lý Khuê xưng là Lý Lãng Công, chiếm đất Siêu Loại, nay thuộc huyện Thuận Thành, Bắc Ninh. 5/ Lã Ðường xưng là Lã Tá Công, chiếm vùng Văn Giang, nay thuộc tỉnh Bắc Ninh và Hưng Yên. 6/ Phạm Bạch Hổ xưng là Phạm Phòng Át, chiếm đất Ðằng Châu, nay thuộc huyện Kim Thi, tỉnh Hưng Yên. 7/ Nguyễn Siêu xưng là Nguyễn Hữu Công, chiếm vùng Thanh Trì, nay là huyện ngoại thành Hà Nội. 8/ Nguyễn Khoan xưng là Nguyễn Thái Bình, chiếm đất Tam Ðái tức phủ Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Yên; nay thuộc tỉnh Vĩnh Phúc. 9/ Kiều Công Hãn xưng là Kiều Tam Chế, chiếm vùng Bạch Hạc, tỉnh Vĩnh Yên; nay thuộc tỉnh Vĩnh Phúc. 10/ Kiều Thuận xưng là Kiều Lệnh Công, chiếm đất Cẩm Khê, tỉnh Sơn Tây; nay thuộc Hà Tây . 11/ Ðỗ Cảnh Thạc, chiếm vùng Ðỗ Ðộng Giang, nay thuộc Thanh Oai, tỉnh Hà Tây. 12/ Ngô Nhật Khánh xưng là Ngô Lãm Công, giữ đất Ðường Lâm, nay thuộc thành phố Sơn Tây (tỉnh Hà Tây).

[8] Lăng Ngô Quyền tại Ðường Lâm, thị xã Sơn Tây, cách Hà Nội 43 km rưỡi (xem Ghi chú số 22: Thời Kỳ Bắc Thuộc, trong Ca Dao Nẻo Vào Lịch Sử, Phần I, Ðoạn 2).

[9] Nhiếp ảnh gia Nguyễn Huy Trực, xem Ghi chú số 8: Thời Đại Lập Quốc, Phần I, Đoạn 1.

[10] Ðại Cồ Việt (大瞿越): “Đại” là chữ Nho, “Cồ” là chữ Nôm, đều có nghĩa to lớn): Quốc hiệu thứ 6, sau quốc hiệu Vạn Xuân (萬 春 - 544- 602) của nhà Tiền Lý và trước quốc hiệu Ðại Việt (大越 – 1054- 1804). Ðại Cồ Việt là quốc hiệu đầu tiên trong thời kỳ tự chủ sau 10 thế kỷ bị Tàu đô hộ, do Ðinh Tiên Hoàng đặt ra, tồn tại trong 86 năm, từ 968- 1054, trải các triều Ðinh, Tiền Lê, đến hết đời Lý Thái Tông.

[11] Khu di tích cố đô Hoa Lư ở xã Trường Yên, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Nơi đây, cách Hà Nội 100 km và cách thị xã Ninh Bình 16 km, nếu đi đường bộ theo đường Nho Quan, nếu đi đường thủy theo dòng sông Ðáy đến bến Gián Khẩu rồi rẽ vào sông Hoàng Giang độ 6 km nữa thì đến xã Trường Yên. Tại thôn An Hạ có đền thờ Lê Ðại Hành và tượng bà Hoàng Thái hậu nhà Ðinh là Dương Vân Nga, nhưng Long sàng chỉ có tượng lân, và nóc đền không có rồng (theo hình chụp của nhiếp ảnh gia Nguyễn Huy Trực, năm 1993). Ði thêm vài trăm thước là thôn An Trung có đền thờ Ðinh Tiên Hoàng, trên nóc đền có tượng “Lưỡng long triều nguyệt”, tại Long sàng có tượng đôi rồng chầu. Ngay trước cửa đền vua Ðinh là ngọn Mã Yên Sơn cao 200 mét, phải lên 260 bậc đá mới đến lăng mộ Ðinh Tiên Hoàng và một bia đá lớn khắc chữ cả hai mặt. Theo Ngô Vĩ Liên, Ðịa Dư Các Tỉnh Bắc Kỳ, trang 639: một mặt bia ghi “Ðinh Tiên Hoàng Ðế lăng phụng sắc kiến, niên hiệu Minh Mạng nhị thập nhất niên” (1840), mặt bên kia ghi: “Hàm Nghi nguyên niên (1885) trùng tu Tiên Ðế Lăng.”

[12, 13] Nguyễn Văn Mại; Việt Nam Phong Sử, bản dịch của Tạ Quang Phát (Sài Gòn, Phủ Quốc Vụ Khanh Đặc trách Văn Hóa xuất bản, 1972); trang 76, 80.

[14] Ðại Việt Sử Ký Toàn Thư, bản dịch, tập I, trang 221: “...Quân Tống lui, lại đến sông Chi Lăng (khúc sông Thương chảy qua Chi Lăng thuộc tỉnh Lạng Sơn). Vua sai quân sĩ trá hàng để dụ Nhân Bảo, nhân đó bắt được Nhân Bảo, đem chém.”

[15, 16] Phạm Ngô Minh – Lê Duy Anh; Nhân Vật Họ Lê Trong Lịch Sử Việt Nam (nxb Ðà Nẵng, 2001), trang 27, 28; trích bài Trường Thi Lê Ðại Hành.

[17] Ðại Việt Sử Ký Toàn Thư, Ngô Ðức Thọ dịch tập I (Hà Nội, nxb Khoa Học Xã Hội, 1993), trang 237 chép bài sấm không có câu: “Ðông A nhập địa, Dị mộc tái sinh”; nhưng trong Khâm Ðịnh Việt Sử Thông Giám Cương Mục, nhóm Hoa Bằng dịch (nxb Giáo Dục, 1998), tập I, trang 280 có thêm hai câu này. Thật vậy, nguyên bài sấm không có hai câu trên thì mới ăn khớp với ý hai câu kết, có lẽ đến cuối đời Trần hay đầu đời Hậu Lê, một người nào đó đã thêm vào, bởi lẽ Ðại Việt Sử Lược (ra đời khoảng 1377- 1388), quyển II, viết về triều Lý có chép bài này nhưng chưa thấy hai câu trên.

[18, 19] Ðại Việt Sử Ký Toàn Thư, Ngô Ðức Thọ dịch tập I; trang 238, 203.

Tài Liệu Tham Khảo

Thư mục chung cho cả Phần I “Hình Thành Và Củng Cố Quốc Gia”, ghi nơi Đoạn 2 Tên thật: Đào Đức Chương, Bút hiệu: Việt Thao, tuổi Đinh Sửu. Nguyên quán ở Vinh Thạnh, Phước Lộc, Tuy Phước, Bình Định. Ông từng là Cựu Giám Học Trường Trung Học Công Lập Đệ Nhị Cấp Đào Duy Từ, Bình Định (1972- 1975). Ông sang định cư tại San Jose (Hoa Kỳ) từ ngày 8- 7- 1993. Những hoạt động văn học:
Giải nhì về thơ Hội Tết Giáp Tuất (1994) do Liên Hội Người Việt Quốc Gia Bắc California tổ chức tại San Jose.
Tham gia Hội Văn Học Nghệ Thuật Thi Đàn Lạc Việt từ 1995- 2001.
Gia nhập Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại từ 1996- 2011
Ban Biên Tập: Các Tạp Chí Làng Văn (Canada) từ 1994, Nguồn Sống (San Jose, CA) 1996, Tâm Giác (Germany) 2005,Chuyên San Dòng Sử Việt (Alameda, CA) 2007 (ghi năm bắt đầu tham gia).
Nhóm thực hiện: Niên san Bình Định Bắc California từ 2001.
Cộng tác:
a/ Việt Nam Nhật Báo (San Jose, CA) 1996. b/ Các Tạp chí: Văn Uyển (San Jose, CA) 1994, Thế Kỷ 21 (Westminster, CA) 1998, Văn Học (Garden Grove, CA) 2006, Tin Văn (Houston TX) 2006, Cỏ Thơm (Virginia) 2006, Văn Hữu (Seattle, WA) 2009. c/ Các Đặc San: Tây Sơn Bình Định (Nam California) 1995, Cường Để & Nữ Trung Học (Houston, TX) 1999, Liên Trường Lại Giang (Nam Cali) 2000, Quang Trung & Tây Sơn (Houston, TX) 2000, Liên Trường Qui Nhơn (Nam Cali) 2006. d/ Diễn đàn Cuongde.org từ 19- 11- 2009. đ/ Việt Nam Văn Hóa Và Môi Trường, gồm nhiều tác giả; Westminster, Viện Việt Học xuất bản, 2012. 11 - Sách biên khảo đã xuất bản (viết chung với Mộng Bình Sơn): - Nhà Văn Phê Bình (1996) - Thi Ca Việt Nam Thời Cần Vương (1997).

Tìm các bài BIÊN KHẢO khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com