User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
 Chiều chiều ra đứng ngõ sau
Trông về quê mẹ, ruột đau chín chiều

Mỗi độ Xuân về, phố phường dần bừng lên sắc thắm mai vàng cũng là lúc mọi người sắm sửa,dọn dẹp nhà cửa. Ba tôi kêu mang tranh Tết ra lau chùi, treo lên, các tranh: Phạm Công Cúc Hoa, Lục Vân Tiên, Thoại Khanh Châu Tuấn,Thạch Sanh-Lý Thông,Quan Âm Thị Kính… để trang hoàng nhà cửa. Với lòng mong ước "tống cựu - nghinh tân", xua đi những rủi ro, bất hạnh, đón vinh hoa phú quý vào nhà. Đồng thời gửi gắm ước vọng vào những bài học luân lý thấm sâu vào trí óc, tâm não chúng tôi đến tận ngày nay. Tranh Thoại Khanh Châu Tuấn nêu gương người phụ nữ thủ tiết, trung trinh với chồng một mực hiếu thảo với mẹ chồng. Chơi với bạn bè chớ tiểu nhân ám hại như Lý Thông Thạch Sanh.Cứu khổn phò nguy như: Lục Vân Tiên.
 
Lắng đọng mãi trong tâm thức của tôi không phai hình ảnh Lưu Bình ngồi rơi nước mắt trước chén cơm với trái cà tương; mà Quan Dương Lễ sai gia nhân mang ra thiết đãi bạn chí cốt. Thuở nhỏ, xem tranh đến đọan này, thầm nghĩ Dương Lễ làm Quan mà sao đối xử với bạn bè, thậm chí người ân của mình, tệ bạc quá vậy? Dần dần lớn lên mới hiểu bài học sâu sắc mà người xưa muốn dạy dỗ con cháu: “Trao cần câu không trao con cá”. Người Hoa có phương pháp dạy con cũng theo phương châm này. Dù gia đình có cơ ngơi sản nghiệp bề thế, họ không cưu mang con trong nhà. Mà gửi con đi làm công cho một hiệu tiệm khác. Cho đến khi con nếm đủ mùi Đường trần ai. Ai chưa qua chưa phải là người., thì họ mới cho về; giao trọng trách.Thời nay, thời thế đổi thay. Hội chứng con một; ý tưởng trông vào Một người Làm “Nên”, cả họ đều nhờ…. Gây nên nhiều cảnh đau lòng.
 
Treo tranh Tết vừa là thú chơi tao nhã, vừa góp phần bảo tồn văn hóa dân tộc. Người Việt có câu "Nhất chữ, nhì tranh, tam sành, tứ mộc" .Ý nói đến những thú chơi hàng đầu trong dịp Tết truyền thống của người Việt tự bao đời nay.
 
Thuở đó, cũng như phần đông như dân miền Tây, nhà chúng tôi không có treo tranh Tết: Chuột Vinh Quy, Đám Cưới Chuột… Mãi đến khi học đến lớp Đệ Lục [lớp 7 hiện nay], nhân dịp Tết con Chuột, Ba mua cho tôi tạp chí Thiếu Nhi của Nhà sách Khai Trí, do ông Nguyễn Hùng Trương chủ biên, có in tranh Chuột Vinh Quy; màu in offsert, rất đẹp. Lần đầu tiên thấy chuột thổi kèn, rước cờ, hát nhạc sặc sỡ… thấy ngồ ngộ, mắc cười quá, thích thú say “mê” tìm hiểu ý nghĩa bộ tranh này.  
 
Tranh về chuột mà lại giàu tính xã hội, nói lên chuyện con người. Trong đời, ai cũng mong mỏi hai sự việc lớn. Đó là Đại Vinh Quy tức là thi đỗ làm quan về làng. Tiểu Vinh Quy là lấy được vợ như ý.
 
Trang phục các chú chuột một loại gần như lòe loẹt, tinh nghịch. Gợi người xem liên tưởng tới kiểu trang phục của các anh hề ở gánh xiếc. Bức tranh tưng bừng về màu sắc, hài hòa về nhân vật, sinh động, rộn lên vẻ đùa giỡn, giễu cợt, trào lộng. Người ta thấy cái quần bó là rất thích hợp với hình dáng của các chú chuột nhanh nhẹn và năng động, phảng phất kiểu dáng của chiếc quần bó ngày nay.
 
Phía trên, người xem thấy ngay họa cảnh một con mèo uy nghiêm, 12 con chuột và đồ 13 chữ Hán Nôm đặt ở 5 vị trí khác nhau.

tranhtetve

Hàng chuột trên cùng trước đội nhạc có hai con khiêng lễ vật: ôm gà (Kê), nâng cá (Ngư)Kê  鸡 đồng âm với “cát” (jí) 吉. Ngư 鱼đồng âm với “dư” (yú) 余. Mọi mùa tốt lành, quanh năm dư đủ là lời chúc đẹp cho các Lễ, Lộc. Dân gian thường dùng hình tượng “kê dương” (ji yáng) 鸡羊(gà, dê) biểu tượng “cát tường” (ji xíang), lấy “liên hoa lí ngư” 莲花 鲤鱼(hoa sen và cá chép) biểu hiện “liên niên hữu dư” 连年有余 (hàng năm dư đủ),... đã sớm trở thành nhận thức chung. Như vậy, “kê” cũng là nguyên hình của “phượng”“lí ngư khiêu long môn” tức cá chép vượt vũ môn thành rồng (cũng chỉ việc đỗ đạt). Ở đây “kê” và “ngư” cũng tượng trưng cho “phượng và long”. Long phượng tức âm dương, càn khôn, nam nữ, vợ chồng. Vì thế “Long Phượng trình tường” là nghi thức không thể thiếu trong chúc tụng hôn nhân.
 
Hình ảnh Chuột già cụp đuôi, khúm núm mang con gà, dưới con gà có hai chữ: “Tống lễ” dâng lễ cho Mèo - trên lưng mèo là chữ “Miêu”. Hình ảnh này có ý nhị ở chỗ, Trâu già chẳng nệ dao phai. Chuột già, sống lâu có nhiều kinh nghiệm, khôn khéo ở đời, chấp nhận đối mặt với sự nguy hiểm, dấn thân đi đầu. Chẳng may Mèo phật ý, thì chuột già hy sinh tính mạng trước. Kế đến, Chuột thứ hai xách con cá chép, sau lưng  hai chữ “Tác nhạc”Nổi nhạc lên; nhằm làm cho Mèo bùi tai. Nhận lấy lễ vật thì ngày vinh quy mới mới được vui vẻ, vẹn toàn.
 
“Con cá” trong tranh còn  là hình ảnh  con chuột  đúc vàng, mà Vợ ông Quan về hưu, phải bán ra để trang trãi thuốc men, nợ nần… Khi hay tin, ông Quan về hưu mới  hỏi: nguồn cơn?. Bà Vợ thú thật: Lúc ông làm quan có tiếng thanh liêm. Có người thọ ơn, muốn đền ơn bằng kim tiền. Sợ ông từ chối. Nên hỏi ông tuổi gì? Tôi nói tuổi Tý. Nên họ gửi con chuột  đúc vàng làm kỷ niệm. Nghe xong, ông Quan về hưu chép miệng thở dài: Phải chi lúc đó bà nói  tôi tuổi Sửu thì  hay biết mấy!
 
Tiếp theo, chuột thứ ba và thứ tư đều thổi kèn, đánh trống trong tư thế đề phòng cao. Nếu có bất trắc xảy ra là “dzọt”ngay!!!. Trên đầu chuột có 4 chữ “lão Thử thủ thân” (lưu ý: “thủ thân 守身 ở đây là Giữ thân, chứ không phải là “thú thân” 娶亲 hay “Thành thân 成亲 là cưới vợ hay kết hôn). Cám cảnh thương thay!. Đối mặt với kẻ thù truyền kiếp lớn mạnh, tàn ác; đàn chuột vừa phải thu mình khép nép dâng lễ vật, lại vừa phải cảnh giác cao độ dò xét tình hình: “Lão Thử thủ thân”.
 
Tầng dưới là cảnh vinh quy bái tổ với tám con chuột. Dẫn đầu là con chuột đực, đầu đội mũ cánh chuồn, mình mặc áo thụng xanh, chân đi hia, ngồi trên lưng con ngựa hồng, quay nhìn về sau, mặt vênh lên tự đắc đỗ Tiến Sĩ vinh quy lại được cưới vợ đẹp. Theo hầu phía sau là một con chuột đen cầm lộng và một con chuột khoang nửa đen nửa trắng, cầm biển đề hai chữ “Tiến sĩ”. Con cầm lộng lộ vẻ nghiêm trang. Con cầm biển thì tinh nghịch luôn quay đầu trở lại nhìn kiệu cô dâu. Bốn con chuột khác thì khiêng kiệu. Hai con đi trước nhìn thẳng về phía trước. Hai con đi sau thì quay lại nhìn phía sau; không hiểu có ý quan sát đám rước còn dài hay là canh chừng xem ông Mèo có đuổi theo sau không? Đặc biệt, hai con chuột hầu đi sau chót trên đầu có đồ 5 chấm nhỏ biểu thị cho ngũ hành: “Kim, mộc, thuỷ, hoả, thổ”. Họa tiết này ý nói họ hàng nhà chuột biết cách sống hợp với “quy luật của trời - đất” nên phát triển rất phồn thịnh, sinh sôi đông đúc, có mặt ở khắp bốn phương.
 
Cô dâu chuột ngồi trong kiệu cũng vấn khăn, mặc áo gấm xanh nhìn chồng đang cưỡi ngựa đi phía trước vẻ tự hào mãn nguyện:
 
Chuột vợ một bước lên bà là thế đấy
Khối cô chuột khác nghĩ mà thèm!”
 
Trong bức tranh hình ảnh đập vào mắt mọi người là con Mèo. Con Mèo được vẽ ở góc tầng trên phía tay mặt, rất to, oai vệ đang đưa tay ra nhận lễ vật. Đó là nhân vật chính của bức tranh trào phúng:
 
Có con Mèo Mướp ngồi trên trốc
Chồm hổm, vênh râu, đợi để dâng
Chú chuột thổi kèn chân rúm lại
Cá chép đồng quê vẩy ngấn vàng
Không biết quan Mèo có chịu yên
Có đòi lễ vật phải nhiều thêm?
 
Câu thơ ngắn ngủi nhưng đã tỏ rõ cảnh Trạng chuột vinh quy vẻ vang về làng cưới vợ đẹp. Khôn ngoan, tài giỏi nhưng vẫn không thoát khỏi cảnh cúi đầu đút lót cho Mèo. Việc làm ấy thực ra chẳng có tác dụng gì. Bởi lẽ, có khi nào Mèo lại “buông tha” với chuột đâu? Nhận của đút lót nhưng khi gặp chuột, Mèo vẫn xơi như thường. Chi tiết đó cho ta thấy được cái tài tình của Người dân “thấp cổ bé họng”: châm biếm hài hước mộc mạc, đơn giản, thấm đượm chất nhân văn.
 
Người dân Việt Nam sống trong xã hội: Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn/ Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ/ Dối trời lừa dân đủ muôn ngàn kế/ Bại nhân nghĩa nát cả đất trời/ Nặng thuế khoá sạch không đầm núi (Nguyễn Trãi) – không dám công khai công kích, phản kháng lại tầng lớp đàn áp, bóc lột họ - nên đã mượn bức tranh Chuột Vinh Quy để gián tiếp lên án. Cũng như bày tỏ thái độ của mình.
 
Bức tranh không chỉ đã kích bọn tham quan, mà còn phê phán lối thi cử, tuyển chọn quan lại đời Lê, thời Bảo Thái (1721). Người nào có tiền đóng vào cái gọi là “Tiền Thông Kinh” để xin đi thi; thì được chấp nhận. Không cần phải qua đợt Khảo Hạch, như thông lệ. Người đi ứng thí rất đông: Kẻ làm ruộng, Người bán thịt, Người đi buôn… một nhóm hỗn độn!!. Trong phòng thi, người đi thi tự nhiên lật sách, người thi hộ công khai ra mặt… Cảnh tượng chẳng khác nào phiên chợ đang nhóm họp. Kẻ mua người bán inh ỏi, mặc cả nhau… Đúng như Trần Tế Xương từng “Than Đạo Học”: “Đạo học ngày nay đã chán rồi/ Mười người đi học, chín người thôi…”. Sau này, có người Vô Danh diễn đạt theo thời thế: “Đạo học ngày nay đã chán rồi/ Mười người đi học, chín người mua [bằng cấp].
 
Những bậc hiền tài chăm chỉ, dùi mài kinh sử, có thực tài, không chạy chọt, thì bị đánh rớt; không được tin dùng. Kẻ dốt nát, nhưng khéo vào lòn ra cúi, đút lót thì được xem xét đưa vào Cửa Quan. Hạng người này tốn tiền mua Chức, mua Quyền nên phải tìm cách lấy lại. Tạo ra một tầng lớp quan lại mới; mang đặc tính giống Chuột:
 
Văn dốt võ nát, tài năng Lù đù như Chuột chù phải khói, nhưng lúc nào cũng tìm mọi cách chui sâu trèo cao lên ngôi Nguyên Thủ. Chỉ ham muốn mèo nhỏ bắt Chuột lớn,chẳng chịu làm mèo con bắt Chuột nhỏ. Đến khi gặp thời thế Chuột sa hũ nếp,gặp buổi vận may chó ngáp phải ruồitha hồ huênh hoang khoác lác, nói dơi nói Chuột. Không tự biết mình, lại tỏ ra là kẻ thành đạt, lên mặt dạy đời, thật là Chuột chù đeo đạc. Rồi Làm dơi làm Chuột: hết lập quy hoạch này, lại bày chương trình vĩ đại nọ len lén như Chuột ngàyđể mong lấy lòng thượng cấp, được thăng tiến với đời.
 
Nhưng rốt cục lại cũng chỉ đầu voi đuôi Chuột; làm hao tổn nguyên khí quốc gia. Phí phạm tiền bạc, công sức đóng góp của dân.Gây nên thảm cảnh Tiếng oan dậy khắp. Án ngờ lòa mâyVào Dinh thì gãi đầu-gãi tai, khúm núm vâng vâng dạ dạ, toàn một giọng yêu nước thương nòi, quyết lòng Vì dân vì nước; đúng là Chuột đội vỏ trứng. Nhưng khi trở về nhiệm sở thì Ăn không chừa thứ gì, ăn cả bổng lộc cấp dưới để lén lút cung phụng cho mấy ả gà mái hạng sang (poule de luxe; hot girl)Đến lúc hết hết thời, lâm cảnh Chuột chạy cùng sào; bây giờ là cháy nhà ra mặt Chuột.
 
Theo các cụ nói thì bức tranh này, được sáng tác gợi ý từ câu chuyện ngụ ngôn dân gian: “Đám cưới chuột”. Nội dung câu chuyện là: “Gia đình nhà chuột lo việc tác thành cho hai con, chuột mẹ ngoài việc lo trăm công nghìn việc của nhà đám: Những là lo xem tuổi cho cô dâu, chú rể, “xem ngày lành tháng tốt” để ăn hỏi, xin cưới… lại còn lo một việc quan trọng nữa là lo lễ lót cho bác quan Mèo già, những mong Mèo nghĩ tình nhân đạo nhắm mắt làm ngơ để cho công việc chu toàn. Ngày cưới hỏi, họ hàng nhà chuột tưng bừng, hoan hỉ trong nghi thức phong tục cổ truyền, hôn lễ cử hành đầm ấm, khiêm nhường, chứ không ầm ĩ, phô trương. Bi kịch không xảy ra trong ngày cưới của “đôi trẻ chuột”, mà lại xảy ra vào ngày vợ chuột sinh con. Vợ chuột vừa qua cơn “vượt cạn”, những tưởng “mẹ tròn, con vuông”. Ngờ đâu, lại là lúc Mèo già xuất hiện bắt đi tất cả đám con của chuột”.
 
Than ôi, những tưởng nhịn nhuc, trốn tránh sự đàn áp khốc liệt, hiểm độc của Mèo; còn hy vọng yên thân. Ngờ đâu, với bản chất tàn bạo, ác độc cố hữu; Mèo có tha đâu.Thảm cảnh này được Quốc Văn Giáo Khoa Thư, lớp Sơ Đẳng, thuộc bộ Việt Nam Tiểu Học Tùng Thư, của các soạn giả Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Ngọc, Đặng Đình Phúc và Đỗ Thận do Nha Học Chính Đông Pháp xuất bản ở Hà Nội; cảnh giác từ lâu, như sau:
 
Một Chú Chuột ló đầu ra ngoài tổ, trông thấy bác Mèo chợt đi qua. Chú Chuột đưa lời oán trách: Họ nhà Chuột chúng tôi có dám trêu đến các bác. Mà sao các bác cứ rình đêm rình ngày để bắt bớ chúng tôi? Bác phải biết ở đời ác nghiệt quá, sẽ gánh nhiều tai ương! Sống ở đời phải có lòng nhân nghĩa; mới bền lâu! Mèo bảo: “Ôi chao! Chú bé khôn ngoan lắm!. Chú có nói, bây giờ tôi mới biết. Ở đời nhân nghĩa cần như thế. Tôi hứa nghe lời chú. Từ nay tôi thề không hề đụng chạm đến họ hàng chuột nhà chú nữa. Chú ra đây. Chú đừng sợ. Tôi đã có lòng yêu chú. Thương chú lắm thay”. Chuột nghe lấy, làm bùi tai, liền chạy ra chơi với Mèo. Ngỡ rằng tình giao kết bắt đầu thân thiết từ đây. Nào ngờ, chuột vừa ra khỏi tổ. Mèo vồ lấy ngay chuột, nhai ngấu nghiến.
 
Cuối bài, các soạn giả không quên kết luật một chân lý để đời: Đời nào Mèo tha Chuột.! Nên phải Sắc nanh chuột dễ cắn cổ mèo: Dù kẻ thù nguy hiểm thế nào nhưng nếu mình có mưu mẹo, có ý chí kiên cường, có phương tiện thì mình cũng thắng được ./.
 
Nhớ nước đau lòng con quốc quốc
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia (Bà Huyện Thanh Quan)
                                                                                
Phạm Văn Rớt ( 07/10/2019)
This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.
 
Tài liệu tham khảo:
-Maurice Durand, Imagerie Populaire Vietnamienne, École Français d’Extrême-Orient, Paris 1960
-Tranh dân gian Việt Nam, Nxb Văn hoá Dân tộc, Hà Nội 1995
-Mạt Thanh niên hoạ (Thượng Hải đồ thư quán quán tàng tinh tuyển), Nhân dân Mĩ thuật Xbx 2000
-Vương Thụ Thôn, Trung Quốc nhân dân niên hoạ bách đồ, 1988
-Tô Châu Đào Hoa Ổ mộc bản niên hoạ, Giang Tô cổ tịch Xbx 1991
 

Tìm các bài BIÊN KHẢO khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com