User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
 
Phần I
 
2bialafontaine
Bìa trang nhất và trang bốn, bản dịch Thơ ngụ ngôn La Fontaine (Les Fables de La Fontaine), của dịch giả Nguyễn Văn Vĩnh, năm 1943, BNF.RFI / Tiếng Việt
 
Gần năm thế kỷ trôi qua, những bài học đạo đức ý nghĩa được truyền tải một cách dí dỏm và hấp dẫn trong Thơ ngụ ngôn La Fontaine dường như vẫn còn giá trị trong thời hiện đại. Sau bản dịch của Nguyễn Văn Vĩnh được in thành sách lần đầu tiên vào năm 1916, một số dịch giả khác, trong đó có Nguyễn Trinh Vực, tiếp tục chuyển ngữ những vần thơ của thi hào Pháp một cách thuần Việt hơn và hợp với truyền thống Việt Nam.
 
Kể từ đầu những năm 1980, nhiều nhà xuất bản như Giáo Dục, Kim Đồng, Văn Học, Thế Giới, Mỹ Thuật, luôn quan tâm tái bản Thơ Ngụ ngôn La Fontaine của hai dịch giả trên.
 
Tháng 01/2017, sau hơn 100 năm bản dịch sang tiếng Việt đầu tiên được phát hành, nhà xuất bản Nhã Nam và Hội Nhà Văn cho tái bản tác phẩm song ngữ Việt-Pháp Thơ Ngụ ngôn La Fontaine (dịch ra văn vần) do dịch giả Nguyễn Trinh Vực thực hiện với phần tranh minh họa của họa sĩ Mạnh Quỳnh và được nhà xuất bản Alexandre de Rhodes (Đắc Lộ) phát hành năm 1945.
 
Trả lời RFI tiếng Việt, anh Nguyễn Xuân Minh, trưởng phòng bản quyền của NXB Nhã Nam, giải thích lý do chọn ấn bản song ngữ này:
 
“Nhã Nam được thành lập bởi bốn người rất yêu sách và đam mê văn học mà trong số đó có một người sưu tầm sách cũ và sách cổ. Trong bộ sưu tập của anh đấy có cuốn Truyện cổ La Fontaine do dịch giả Nguyễn Trinh Vực dịch và họa sĩ Mạnh Quỳnh minh họa. Ngoài ra cũng có bản của dịch giả Nguyễn Văn Vĩnh, cũng do họa sĩ Mạnh Quỳnh minh họa. Nhưng vì bản dịch của dịch giả Nguyễn Văn Vĩnh đã có rất nhiều nhà xuất bản khác của Việt Nam tái bản rồi và bản dịch của Nguyễn Trinh Vực cũng là một bản dịch xuất sắc không kém cho nên Nhã Nam muốn giới thiệu lại bản dịch này cho độc giả, với các hình minh họa rất đẹp và đậm đà chất Việt Nam của họa sĩ Mạnh Quỳnh”.
 
Đúng vậy, những vần thơ tiếng Pháp được dịch giả Nguyễn Trinh Vực tài tình chuyển sang các thể thơ dân gian Việt Nam quen thuộc, dễ đi vào lòng người như lục bát, song thất lục bát, lục bát gián thất hay thơ năm chữ, với nhiều điển tích cổ của Việt Nam.
 
Nội dung câu chuyện lại rất đỗi bình dị, được hư cấu từ những nhân vật chính là những con vật thân quen, cùng với phần tranh minh họa gần gũi với văn hóa Việt của họa sĩ Mạnh Quỳnh càng lôi cuốn người đọc. Chính vì điểm này, Nhã Nam quyết định tôn trọng bản gốc năm 1945.
 
“Ấn bản 2017 của Nhã Nam xuất bản Truyện cổ La Fontaine tôn trọng hoàn toàn bản được xuất bản lần đầu tiên. Tuy nhiên, có một số quy tắc chính tả đã thay đổi rất nhiều nên chúng tôi chỉ chỉnh sửa một chút xíu phần chính tả và dựa theo quy tắc chính tả hiện hành. Ngoài ra, các cách thức trình bày, minh họa và cách đặt minh họa từng trang, kể cả phần song ngữ, đều hoàn toàn tôn trọng theo ấn bản xuất bản lần đầu tiên”.
 
Ấn bản năm 1945 chỉ được in màu ở trang bìa đầu và cuối, còn bên trong là hình vẽ đen trắng. Đáng tiếc là có rất ít thông tin về sự nghiệp của Nguyễn Trinh Vực. Còn họa sĩ Ngô Mạnh Quỳnh (1917-1991) được biết đến như một họa sĩ tiên phong trong lĩnh vực sáng tác truyện tranh của Việt Nam. Ông là cây cọ chủ lực cho tờ báo nhi đồng đầu tiên Cậu Ấm - Nhi đồng giáo dục (02-05/1935), sau này được đổi thành Cậu Ấm Cô Chiêu (1935-1937). Khi minh họa cho Thơ Ngụ ngôn La Fontaine, những con vật hiện ra ngộ nghĩnh, thân quen dưới nét vẽ của Mạnh Quỳnh. “Ngay cả con vật dữ tợn như sư tử, sói… cũng đều biết cười! Và trông nét mặt chúng đáng yêu làm sao!”, như một nhà bình luận từng viết.
 
tranhve
Bìa Truyện Ngụ ngôn La Fontaine, bản dịch của Nguyễn Trinh Vực năm 1945, NXB Nhã Nam tái bản năm 2017.NXB Nhã Nam
 
Dịch tác phẩm nước ngoài để làm giàu văn học và chữ quốc ngữ
 
Trước bản dịch của Nguyễn Trinh Vực, cần phải nhắc đến bản dịch của Nguyễn Văn Vĩnh. Vào cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, nhiều trí thức cựu học nhưng theo xu hướng cởi mở và trí thức tân học rất chú ý đến văn học Pháp. Với họ, dịch các tác phẩm Pháp là cơ sở để sáng tác văn học Việt Nam. Vì thứ nhất văn xuôi (văn vần) còn chưa phổ biến, ngoại trừ các thể loại thơ. Thứ hai, chữ quốc ngữ còn nghèo nàn và chỉ được một bộ nhỏ trí thức và quan lại sử dụng. Vì vậy, viết báo và dịch văn học nước ngoài, đặc biệt là văn học Pháp, là các cách hiệu quả để cải thiện và làm giầu chữ quốc ngữ.
 
Lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam, thi sĩ La Fontaine được phiên âm qua Hán-Việt là Lã Phụng Tiên. Khi làm chủ biên tờ Đại Nam Đăng Cổ Tùng báo, ông Nguyễn Văn Vĩnh dịch nhiều bài trong tuyển tập Thơ Ngụ ngôn La Fontaine và lần lượt đăng trên báo từ năm 1907, như Con Ve và Con Kiến hay Con Sói và Con Chiên Con (Con Cừu)…
 
Năm 1916, Nguyễn Văn Vĩnh cho xuất bản hai tập Thơ Ngụ-Ngôn của La Fontaine tiên sanh diễn quốc âm trong nhóm III của tủ sách “Phổ thông giáo khoa thư xã” (Bibliothèque franco-annamite de vulgarisation) do François-Henri Schneider, ông chủ nhà in kiêm nhà xuất bản cùng tên, thành lập. Cũng trong nhóm III, chuyên về Văn Học, Nguyễn Văn Vĩnh còn cho in thêm một số tác phẩm văn học dân gian khác của Pháp, như Truyện Trẻ Con của Perrault tiên sanh diễn nôm (les Contes de Perrault), Télémarque Phiêu Lưu Ký (les Aventures de Télémarque), Bil Blas de Santillane, Guilliver phiêu lưu ký (le Voyage de Guilliver)…
 
Năm 1928, lần đầu tiên tập Thơ Ngụ Ngôn La Fontaine gồm 44 bài của Nguyễn Văn Vĩnh được họa sĩ Mạnh Quỳnh minh họa trong ấn bản do NXB Trung Bắc Tân Văn phát hành. Đến năm 1943, tập thơ được NXB Alexandre de Rhodes tái bản. Trong phần “Mấy Lời Của Dịch Giả”, nhà trí thức Nguyễn Văn Vĩnh viết:
 
“Tập dịch văn này tôi làm ra kể đã lâu năm lắm rồi, khi còn ít tuổi, chưa làm văn vần bao giờ, mà đọc qua thơ La Fontaine cũng phải cảm hứng, chấp chảnh nên vần, tuy lắm câu văn còn lấc cấc lắm, nhưng các bạn độc giả, cũng nhiều ông xét quá rộng cho là dụng công dịch lấy đúng. Đúng đây là đúng cái tinh thần, chứ không có nề gì những chữ “hổ” đổi làm “sư tử”, “cái gậy” đổi ra “con chó”, khiến cho những người thắc mắc được một cuộc vui, ngồi soi bói từng câu từng chữ, mà kể được ra có ba bốn chỗ dịch lầm…”
*
thongungon
Bản dịch Thơ Ngụ ngôn La Fontaine của dịch giả Nguyễn Văn Vĩnh in lần đầu năm 1916, bản microfiche lưu tại BNF.RFI / Tiếng Việt
 
Sức lôi cuốn gần 5 thế kỷ…
 
Thơ ngụ ngôn La Fontaine nằm trong số những tác phẩm nổi tiếng thế giới dù đã gần… 500 tuổi! Nhiều ấn bản đặc sắc, có minh họa hay sách đọc, vẫn thường xuyên được tái bản tại Pháp dành cho độc giả nhí từ 6 tuổi.
 
Jean de La Fontaine sáng tác thơ ngụ ngôn (Fables) trong khoảng những năm 1668 đến 1696, dưới triều đại vua Louis XIV, nổi tiếng thịnh vượng trong vương triều Pháp.
 
Văn hóa cổ đại, đặc biệt là văn học Hy Lạp-La Mã, rất được ưa chuộng trong giai đoạn này. La Fontaine sử dụng một loại hình văn học thuần cổ đại, đó chính là truyện ngụ ngôn, để dạy dỗ hoàng tử.
 
Toàn bộ tác phẩm của La Fontaine được chia thành ba tập và lần lượt được đề tặng cho ba người thân cận của nhà vua: tập thứ nhất (xuất bản năm 1668) được dành cho thái tử kế nghiệp; tập thứ hai (1678) dành cho Quý bà Montespan, ái phi được nhà vua sủng ái từ bốn năm qua; tập cuối (1693) được đề tặng cho Louis de France, công tước vùng Bourgogne và là cháu của vua Louis XIV.
 
Các câu chuyện ngụ ngôn, được kể bằng văn vần hay bằng thơ, miêu tả cỗ máy hoạt động của chính thể chuyên chế thông qua biện pháp nhân cách hóa một số loài vật, như con hổ tượng trưng cho vương quyền.
 
Thông qua những đoạn hội thoại và khéo léo sử dụng nghệ thuật trào phúng giữa những con vật, các câu chuyện có dụng ý “uốn nắn những phong tục, tật xấu bằng tiếng cười” với một bài học đạo đức rút ra sau mỗi câu chuyện hoặc được giải thích ở cuối hay ngay đầu bài.
 
Tôn trọng nguyên bản tập thơ được dịch từ năm 1945, NXB Nhã Nam giúp độc giả so sánh quá trình cải tiến của tiếng Việt, giới thiệu một tác phẩm văn học nổi tiếng của Pháp, song cũng qua đó, khẳng định những lời khuyên đầy ý nghĩa trong tập thơ ngụ ngôn vẫn còn giá trị trong xã hội hiện nay.
 
“Khi tái bản hiện nay, thì sách song ngữ Anh-Việt sẽ phổ biến hơn rất nhiều. Tuy nhiên, chúng tôi cũng có rất nhiều người yêu văn học Pháp và yêu Pháp ngữ nên chúng tôi vẫn quyết định tái bản song ngữ Pháp-Việt, một phần là dành cho các học sinh học tiếng Pháp có thể trau dồi thêm. Ngoài ra, chúng tôi nghĩ khi đã tái bản một ấn bản cũ thì nên tôn trọng ấn bản đó và chỉ chỉnh sửa tối thiểu có thể. Tôi nghĩ là tác phẩm này vẫn được độc giả Việt Nam đón nhận, dù có nhiều người không biết tiếng Pháp, thì họ vẫn có thể đọc phần tiếng Việt và xem phần tranh minh họa mà bỏ qua phần tiếng Pháp. Còn những người quan tâm đến phần dịch và biết tiếng Pháp thì vẫn có thể tham khảo”.
 
Con Nhái Muốn To bằng Con Bò
Con nhái nom thấy con bò
Hình-dung đẹp-đẽ, mình to béo tròn
Nhái bằng quả trứng tí-hon
Lại toan cố sức bằng con bò vàng
Ngậm hơi, cổ bạnh, bụng trương
Kêu: — Chị em đến xem tường cho ta
Đã bằng chưa, chị trông, nà
Bạn rằng: — Còn kém. — Nhái đà phồng thêm
Hỏi rằng: — Được chửa, chị em?
Bạn rằng: — Chưa được; Phồng thêm ít nhiều
Chị ơi! Còn kém bao nhiêu?
Bạn rằng: — Còn phải phồng nhiều. Kém xa!
Tức mình, chị nhái oắt ta
Lại phồng bụng quá vỡ ra chết liền
Ở đời lắm kẻ thật điên
Sức hèn lại muốn tranh tiên với người
Dại thay những thói đua đòi
Vinh gì cuộc rượu trận cười mà ganh
Để cho cơ-nghiệp tan-tành.
 
La grenouille qui veut se faire aussi grosse que le boeuf
Une Grenouille vit un Boeuf
Qui lui sembla de belle taille.
Elle, qui n'était pas grosse en tout comme un oeuf,
Envieuse, s'étend, et s'enfle et se travaille,
Pour égaler l'animal en grosseur,
Disant: "Regardez bien, ma soeur;
Est-ce assez? dites-moi: n'y suis-je point encore?
Nenni - M'y voici donc? - Point du tout. M'y voilà?
- Vous n'en approchez point. "La chétive pécore
S'enfla si bien qu'elle creva.
Le monde est plein de gens qui ne sont pas plus sages.
Tout bourgeois veut bâtir comme les grands seigneurs,
Tout prince a des ambassadeurs,
Tout marquis veut avoir des pages.
 
Thu Hằng
******************************
Phần II

Một ngày đầu tháng 5 năm 1936, người ta phát hiện ra một người đàn ông nằm chết trên một con thuyền độc mộc giữa dòng sông Sê Pôn bên Lào. Toàn thân ông thâm tím đen vì sốt rét và kiết lỵ.

Thi thể ông nhanh chóng được gia đình đưa về Hà Nội, nơi hàng chục ngàn người sẽ xếp hàng nối đuôi nhau đưa tiễn ông, những chí sĩ yêu nước đương thời như Phan Bội Châu và Huỳnh Thúc Kháng đọc điếu văn khóc ông.

Người nằm xuống là người đầu tiên dịch “Truyện Kiều” từ chữ Nôm ra chữ Quốc ngữ và tiếng Pháp.

Người đầu tiên dịch Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa từ chữ Hán ra chữ Quốc ngữ.[1]

Người đầu tiên dịch “Những kẻ khốn nạn” (Những người khốn khổ), “Miếng da lừa”, “Ba chàng ngự lâm pháo thủ” và nhiều tác phẩm văn học cổ điển khác từ tiếng Pháp sang tiếng Việt.

Người Việt Nam đầu tiên gia nhập Hội Nhân quyền Pháp.

Người đầu tiên đứng tên xin thành lập trường Đông Kinh Nghĩa Thục.

Chủ bút của tờ báo chữ Quốc ngữ đầu tiên ở miền Bắc: Đăng Cổ tùng báo.

Chủ bút tờ tuần báo thuần Việt đầu tiên ở Việt Nam: Đông Dương tạp chí.

Chủ bút của tờ nhật báo đầu tiên của báo chí Việt Nam: Trung Bắc tân văn.

Cái tên của ông sẽ mãi gắn liền với trào lưu báo chí khai phóng Việt Nam đầu thế kỷ XX, thứ đã đặt nền tảng cho không chỉ lịch sử báo chí Việt Nam, mà còn là sự thông dụng của chữ viết tiếng Việt ngày nay.

Tên Ông là Nguyễn Văn Vĩnh.
 
Từ đứa trẻ kéo quạt…
*
Sát bên hồ Trúc Bạch (Hà Nội) ngày nay có một ngôi trường tên là Mạc Đĩnh Chi. Đây là ngôi trường giàu truyền thống. Khu vực ấy trước đây được gọi với cái tên là “vườn đình An Trí” hay “đình làng Yên Phụ”, là nơi được Pháp xây dựng trường Thông ngôn (Collège des Interprètes du Tonkin, năm 1886 do André d’Argence làm hiệu trưởng. Đây còn được gọi là trường Hậu bổ, tức sau khi học xong sẽ được ra làm thông ngôn, tức là làm phiên dịch).
 
Nguyễn Văn Vĩnh sinh năm 1882 trong một gia đình đông con tại Hà Nội. Lên tám tuổi, ông làm nghề kéo quạt ở ngôi trường này.
 
Học lỏm và nhiều lần phát biểu với tư cách là đứa trẻ kéo quạt, Nguyễn Văn Vĩnh thường bị trách mắng. Nhưng cũng vì thế ông đã gieo rắc vào thầy hiệu trưởng một nỗi ngạc nhiên vì sự ham học lẫn thông minh của mình. Được thầy hiệu trưởng cho đi thi thử, ông đỗ thứ 12 trên 40 học sinh. Đến khi nhận được học bổng học thì thi đỗ tú tài, làm thông ngôn ở tòa sứ Lào Cai khi mới 14 tuổi.
 
Sau đó, từ năm 1897 đến năm 1905, ông chuyển về tòa sứ Hải Phòng và Bắc Ninh. Tại đây, ông bắt đầu cộng tác cho tờ Courrier d’ Hai Phong (Thư tín Hải Phòng) và tờ Tribune Indochinoise (Diễn đàn Đông Dương).
 
Bước ngoặt cuộc đời Nguyễn Văn Vĩnh đến vào năm 1906, khi ông bỏ nghề công chức chuyển hẳn sang làm báo, được mời hợp tác và in ấn tờ Đại Nam Đồng văn nhật báo (tiếng Hán, 1892-1907), một tờ báo tư nhân do Francoise Henri Schneider – người được nhà báo, học giả Phạm Quỳnh gọi với cái tên thân mến là “Cha Schneider” – thành lập.
 
nguyen van vinh 3
 
Ảnh chụp năm 1919, Ban biên tập báo Trung Bắc tân văn, tờ nhật báo đầu tiên của lịch sử báo chí Việt Nam. Nguyễn Văn Vĩnh đứng thứ 3 từ phải sang, đội mũ. Ảnh: Gia đình cung cấp cho VietNamNet.
 
Một nhà báo dấn thân
 
Tờ Đại Nam Đồng văn nhật báo về sau chuyển đổi tên thành Đăng Cổ tùng báo (năm 1907-1909, tiếng Hán và Việt),[2] do Nguyễn Văn Vĩnh làm chủ bút. Ông chính thức thành một trong những nhà báo tự do đầu tiên ở Việt Nam khi mới chỉ 24 tuổi, đánh dấu cột mốc cho sự ra đời của tờ báo Quốc ngữ đầu tiên ở miền Bắc, mất khoảng 42 năm sau khi tờ báo chữ Quốc ngữ đầu tiên, Gia Định báo, ra đời ở Sài Gòn năm 1865.
 
Kể từ đây, người ta bắt đầu biết đến một nhà báo, biên tập viên Nguyễn Văn Vĩnh.
 
Ra đời giữa phong trào Đông Kinh nghĩa thục sôi động thời đó, Đăng Cổ tùng báo gần như được coi như là diễn đàn cho các trí thức, sĩ phu đương thời luận bàn và thúc đẩy việc canh tân đất nước. Sau khi phong trào bị dập tắt năm 1908, tờ báo cũng đóng cửa vào năm 1909.
 
Ngoài ra, Nguyễn Văn Vĩnh còn được mời vào Sài Gòn làm cố vấn cho tờ Lục tỉnh tân văn. Và năm 1913, ông trở lại Hà Nội làm chủ bút tuần báo thuần chữ Quốc ngữ đầu tiên – Đông Dương tạp chí (do Schneider sáng lập vào ngày 15.3.1913, tồn tại tới năm 1919) – một phụ bản của Lục tỉnh tân văn. Khi Schneider mất năm 1818, ông nhượng lại cho Nguyễn Văn Vĩnh tờ nhật báo đầu tiên của Việt Nam: Trung Bắc tân văn.
 
Nguyễn Văn Vĩnh và Phạm Quỳnh đều là hai chủ bút của hai tờ Đông Dương tạp chí và Nam phong tạp chí trong thời báo chí nô dịch.
 
Người ta không chỉ biết đến họ là một đôi bạn thân trong “Tứ kiệt Hà Thành” – Quỳnh, Vĩnh, Tố, Tốn (Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Văn Tố, Phạm Duy Tốn), mà còn biết đến việc họ chính là kỳ phùng địch thủ của nhau. Bởi lẽ, vào đầu thế kỷ XX đã diễn ra một cuộc bút chiến giữa họ trên lập trường chính trị. Nguyễn Văn Vĩnh muốn bãi bỏ chế độ vua quan miền Bắc, miền Trung và đặt dưới quyền cai trị trực tiếp của chính phủ Pháp (chế độ trực trị), còn Phạm Quỳnh thì chủ trương chế độ quân chủ lập hiến, theo mô hình của Anh, Nhật.
 
Với người trí thức nói chung, có hai hướng mà họ thường làm khi bất mãn với thời cuộc, hoặc là vứt áo ra đi, lui về ở ẩn, tìm làm những cái họ thích; hoặc là, đấu tranh cho tới chết. Ta có thể kể đây là Nguyễn Bỉnh Khiêm với “Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ; Người khôn, người đến chốn lao xao”, Nguyễn Trãi với “Láng giềng một áng mây bạc, Khách khứa hai ngàn núi xanh” hay Chu Văn An, Nguyễn Khuyến… Nhưng sẽ rất thiếu sót nếu không nhắc đến một Phan Châu Trinh, một Tự lực văn đoàn, một Nhân văn Giai Phẩm, một Ký giả đi ăn mày hay như một Nguyễn Văn Vĩnh đã dành cả sự nghiệp của mình để quyết đấu tranh cho quyền tự do của người trí thức.
 
Nhưng theo hướng nào thì họ đều có một điểm chung, chính là nhân cách độc lập – một yếu tố quan trọng nhất để nhận diện sự ra đời của tầng lớp trí thức – hiện đại. Cần phải nhắc lại, thực dân Pháp nhiều lần mua chuộc Nguyễn Văn Vĩnh, thậm chí muốn trao Huân chương Bắc đẩu Bội tinh cho ông,[4] nhưng ông đều từ chối.
 
Trung Bac Tan Van 2
Trang bìa một số báo “Trung Bắc tân văn”. Ảnh: Chưa rõ nguồn.
 
Khai dân trí
 
“Nước Nam ta mai sau này hay dở cũng ở chữ Quốc ngữ”.
 
Nguyễn Văn Vĩnh đã nói như vậy đầu thế kỷ XX. Vai trò của ông luôn đi đôi với vai trò của một trong những người tiên phong truyền bá và phát triển chữ Quốc ngữ. Đối với ông, khai dân trí là hoài bão lớn nhất của cuộc đời mình.
 
Năm 1920, Nguyễn Văn Vĩnh là người đầu tiên dịch các tác phẩm văn học cổ điển Pháp của Victor Hugo (Những kẻ khốn nạn, sau đổi thành Những người khốn khổ),[5] Honoré de Balzac (Miếng da lừa), Alexandre Dumas (Ba Chàng Ngự Lâm Pháo Thủ), Molière (Trưởng Giả Học Làm Sang, Người Biển Lận, Giả Đạo Đức, Bệnh Tưởng), La Fontaine… ra tiếng Việt, người đầu tiên đưa kịch nói các tác phẩm của Molière lên sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội.
 
Năm 1924, ông hợp tác với người Pháp dựng bộ phim đầu tiên của điện ảnh Việt Nam – Kim Vân Kiều.
 
Năm 1913, ông dịch Truyện Kiều từ chữ Nôm ra Quốc ngữ và tiếng Pháp. Đến năm 1942, Nhà xuất bản Alexandre de Rhodes cho ra đời tập I cuốn Kim Vân Kiều của Nguyễn Văn Vĩnh thì được đánh giá là bản dịch văn xuôi tỉ mỉ và tinh tế nhất.
 
Với lĩnh vực báo chí nói riêng, Từ triều đình Huế trở về và Một tháng với những người đi tìm vàng của ông được xem là những thiên phóng sự đầu tiên, đầy chuẩn mực.
 
Quả thật, chúng ta phải thừa nhận rằng, chỉ trong khoảng thời gian 40 năm từ lúc bắt đầu đi làm thông ngôn, Nguyễn Văn Vĩnh đã gây dựng nên một khối lượng tác phẩm đồ sộ và những đóng góp tiên phong to lớn cho nền văn học, văn hóa, báo chí và sự phát triển chữ Quốc ngữ của nước nhà, đến mức Vũ Bằng phải… sợ: “Tôi sợ nhiều người nhưng chưa sợ gì như sợ cái tài viết của Nguyễn Văn Vĩnh”.[7]
 
phamduyton
Ảnh: Chưa rõ nguồn.
 
Cái chết của một nhà báo tiên phong
 
Trụ sở của báo Nông thôn Ngày nay không phải là một địa chỉ bình thường ở Hà Nội. Không hiểu vì lý do gì, ngôi nhà này lại có duyên với báo chí đến vậy, bởi số 13 Thuỵ Khuê từng là nhà riêng của Nguyễn Văn Vĩnh trong những năm 1920 cho tới khi ngôi nhà bị ngân hàng tịch thu năm 1935.
 
Chuyện là năm 1926, Nguyễn Văn Vĩnh vay tiền từ nhà băng Đông Dương để thành lập trung tâm Âu Tây tư tưởng, với thời hạn trả nợ là 20 năm.
 
Nhưng vì những động thái sau đó, nhất là việc thành lập tờ báo tiếng Pháp “L’Annam nouveau” (Nước Nam mới) – tờ báo định mệnh gián tiếp dẫn đến cái chết của ông nên chính quyền cai trị đã lật ngửa thế cờ. Họ tịch thu nhà để xiết nợ, o ép về tài chính để buộc Nguyễn Văn Vĩnh phải dừng ngay các hoạt động đả kích của ông trên báo chí.
 
L’Annam Nouveau là tờ báo cuối cùng mà Nguyễn Văn Vĩnh lập ra và điều hành. Ra đời năm 1931 và hoàn toàn bằng tiếng Pháp, nó được ông dùng để cổ xuý cho học thuyết chính trị trực trị như đã nói ở trên, đối chọi với Phạm Quỳnh, vốn cổ xuý cho một chính thể quân chủ lập hiến.
 
Những khuyết tật của nền chính trị Việt Nam, những bất công xã hội bị Nguyễn Văn Vĩnh vạch trần không ngại ngần trên tờ báo mới này. Nó nhanh chóng giành được “Giải Thưởng Lớn” tại Hội Chợ Quốc Tế về báo chí thuộc địa tại Paris năm 1932. Và đó không phải là điều nhà cầm quyền Pháp mong muốn.
 
Cuối cùng, vào năm 1935, họ cho ông ba lựa chọn: đi tù, làm quan cho triều Nguyễn, hoặc sang Lào đào vàng.
 
Nguyễn Văn Vĩnh đã nói với gia đình của mình rằng: “Nhục nhã nhất là đi tù và nếu phải chết thầy cũng không bao giờ làm quan cho triều Nguyễn. Bởi vậy, thầy sẽ đi đào vàng. Sang đó thầy vẫn tiếp tục viết. Chúng có thể o ép về kinh tế nhưng không thể o ép ý chí của thầy…”.
 
Vậy là ông sang Lào đi đào vàng đầu năm 1936. Sự tình sau đó ra sao, chắc bạn đọc đã rõ.
 
Hệ thống tuyên giáo hiện nay ở nước ta không dành cho Nguyễn Văn Vĩnh một chỗ đứng xứng đáng trong lịch sử. Nền báo chí cách mạng, vốn bắt đầu vào năm 1925, hẳn không có nhiều lý do để nói nhiều đến một nhà báo tiên phong và dấn thân đã nổi danh suốt gần hai thập kỷ trước đó. Nhưng Nguyễn Văn Vĩnh có một thông điệp trên trang nhất số báo đầu tiên của tờ “Nước Nam mới”, ngày 21/1/1931, thứ còn nguyên giá trị cho nước Nam ngày nay:
 
“Báo L’Annam Nouveau tôn trọng chính quyền đã được lập nên, trọng con người của nó, nhưng không sợ ai và không nịnh ai”.
 
“Không sợ ai và không nịnh ai”.
 
Đức Trọng
 
Ghi chú
 
[1] Nguyễn Lân Bình (2015), Nguyễn Văn Vĩnh với tiếng mẹ đẻ và chữ Quốc ngữ.
[2] Huỳnh Văn Tòng (2016), Báo chí Việt Nam từ khởi thủy đến 1945, NXB Tổng hợp TP.HCM.
[3] Thái Vĩnh Thắng (2011), Tư tưởng lập hiến ở Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật số 11/2011.
[4] Huân chương Bắc đẩu Bội tinh được xem là Huân chương cao quý nhất của nước Pháp, được trao cho những cá nhân hoặc tổ chức có đóng góp đặc biệt cho nước Pháp. Một số nhân vật ở Việt Nam được nhận: Tôn Nữ Thị Ninh, Nguyễn Thị Kim Tiến, Ngô Bảo Châu…
[5] Nguyễn Lân Bình (2013), Nguyễn Văn Vĩnh là ai?, NXB Tri Thức.
[6] Hà Đình Nguyên (2005), Truyện Kiều: 5 kỷ lục thế giới và 7 kỷ luật Việt Nam, Báo Thanh niên số 139, tháng 5.2005.
[7] Vũ Bằng (2015), Bốn mươi năm nói láo, NXB Hội Nhà Văn. 
 
 

Tìm các bài BIÊN KHẢO khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com