User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
chinhphu
 
Thời chúng tôi còn học Trung học, ngay từ lớp Đệ Thất đã bắt đầu học môn Cổ Văn trong chương trình Giảng Văn với nhiều tác phẩm mà ngày nay e hỏi cả thầy và trò phổ thông bây giờ chắc cũng ngẩn tò te một số tên tác phẩm văn học của Việt Nam mà nghe “lạ hoắc”!
 
Hồi đó bọn tôi học những tác phẩm lớn, đương nhiên là tìm hiểu toàn bộ tác phẩm rồi sẽ học một vài phần trích đoạn tiêu biểu…
 
Những tác phẩm Cổ Văn thời ấy bọn học trò chúng tôi được học như Kim Vân Kiều của Nguyễn Du, Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu, Cung Oán Ngâm Khúc của Nguyễn Gia Thiều, Hoa Tiên của Nguyễn Huy Tự, Chinh Phụ Ngâm của Đặng Trần Côn- Đoàn Thị Điểm dịch, Bích Câu Kỳ Ngộ (thời ấy cho là Khuyết danh)…
 
Lúc ấy đang diễn ra cuộc Chiến tranh Việt Nam đến giai đoạn khốc liệt nhất, và đám học trò con trai chúng tôi không đứa nào không nghĩ đến một ngày nào đó cũng sẽ trở thành những “chinh phu” với thanh gươm, yên ngựa rong ruổi ngoài chiến địa, rồi cũng có cảnh “Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu. Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi”… nên khi học tác phẩm “Chinh Phụ Ngâm”, bọn chúng tôi có lẽ hầu hết là thấm thía cho hình ảnh của người chinh phu thuở xa xưa…
 
Khi lên lớp Đệ Tam, năm đó trường Trần Quốc Tuấn chúng tôi có tổ chức hội diễn văn nghệ, quên là không nhớ dịp nào… Lớp chúng tôi bàn làm cái “hoạt cảnh” Hòn Vọng Phu mà hầu như thằng nào cũng được tham gia! Thằng lớp trưởng thì làm tướng còn bọn chúng tôi còn lại làm lính như rồng rắn lướt qua sân khấu rồi biến… Thằng Minh “lại cái” (có lần tôi đã nhắc) thì làm người “chinh phụ” chờ chồng bế con bằng… búp bê để rồi hóa đá! Mấy đứa có giọng ca tốt thì hát bè bản “Trường ca Hòn Vọng Phu” của nhạc sĩ Lê Thương… Tôi thì khỏe re khi nhận “cái chân” gõ trống “trường thành” và đọc thật hùng hồn bốn câu thơ trong “Chinh Phụ Ngâm”:
 
“Trống Trường Thành lung lay bóng nguyệt,
Khói Cam Tuyền mờ mịt thức mây.
Chín lần gươm báu trao tay,
Nửa đêm truyền hịch định ngày xuất chinh.”
 
Sau đó là đám “người ngựa – ngựa người” rầm rập tiến ra sân khấu vòng vòng vèo vèo theo nhịp hành khúc của bản trường ca… Rồi một số vai diễn chính như “chàng chinh phu, nàng chinh phụ” diễn xuất theo nền nội dung của nhạc cho đến khi kết thúc thì “chinh phu” ngơ ngẩn ngắm nàng chinh phụ đã… hóa đá! Tất nhiên bọn chúng tôi cũng hóa trang để trở thành tướng, lính với gươm giáo bằng gỗ hoặc carton như thuở xa xưa… Chỉ có điều không có thằng giặc nào để đánh đấm! “Hoạt cảnh” thôi mà!
 
Nhớ lại cũng hay hay một thời làm học trò phổ thông…
 
Mở đầu hơi lan man với một chút hoài niệm để chúng ta có một niềm thương cảm cho những ai một thời từng làm người “chinh phụ” có những ngày ngóng đợi bóng “chinh phu”!
**
Có lẽ từ thời xa xưa, những cuộc chiến tranh đã hình thành bắt đầu từ quy mô nhỏ giữa các bộ tộc, bộ lạc với nhau để tranh giành những nguồn thực phẩm nuôi sống họ… Khi xã hội hình thành những quốc gia thì những cuộc chiến tranh có quy mô lớn hơn nhiều mà mục tiêu là tranh giành đất đai, mở rộng bờ cõi giang sơn, xâm chiếm các lân bang…
 
Như vậy có thể khẳng định chiến tranh là một thuộc tính của loài người, tàn dư của bản năng động vật nhằm thể hiện quyền lực, tham vọng thống trị và cai trị phe bị thua, tồn tại vào bất kỳ không gian và thời gian nào trên Trái Đất này.
 
Nó là mặt đối lập của hòa bình, sự yên ả một thời gian giữa hai cuộc chiến mà thôi!
 
Lịch sử chiến tranh đã hình thành và phát triển như thế với cường độ, thời gian kéo dài, không gian rộng lớn mà bắt đầu từ ý chí của của những người đứng đầu nắm giữ quyền lực quốc gia và tham gia những cuộc chinh chiến như thế chính là những người đàn ông, là “phái mạnh”, là trụ cột của gia đình vì những trói buộc bởi những quy tắc xã hội mà phải thực hiện “bổn phận” của “thần dân” với cung kiếm, yên ngựa lao vào chém giết bên “đối địch” mà thực chất, suy cho cùng thì những người ra trận của cả hai phe đều “chưa chắc” đã có những hận thù gì nhau!
 
Đất nước Trung Hoa từ thời cổ đại đã từng xảy ra những cuộc chiến tranh triền miên giữa các triều đại, giữa các chư hầu, bắt đầu từ thời Xuân Thu – Chiến Quốc, Hán – Sở tranh hùng, Nam Bắc triều, rồi cận đại là cuộc chiến Quốc Cộng…
 
Cùng với những cuộc chiến là sự phát triển thi ca, nghệ thuật của các văn nghệ sĩ thời ấy nhằm phản ánh những hiện thực của xã hội, có thể được sản sinh từ những cảm xúc có thật trong chiến tranh hoặc nhằm mục đích truyên truyền…
 
Dù thời nào thì trong một cuộc chiến tranh, những người đàn ông tham gia trong cuộc chiến dù là tướng hay sĩ đều phải chịu nhiều gian nan, sinh tử trên bước đường chinh chiến… Những sự hy sinh mất mát này phải chấp nhận bởi một thứ “đạo đức” trói buộc “ơn vua lộc nước” như là một điều hiển nhiên!
 
Chiến tranh xảy ra thì ngày đi biết được nhưng ngày về rằng không… Chẳng thế mà Vương Hàn, một nhà thơ Trung Hoa ngày xưa từng thốt lên trong bài “Lương Châu từ” với những lời lẽ kiêu bạc nhưng thống thiết:
 
“Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi
Dục ẩm tỳ bà mã thượng thôi
Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu
Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi?”
 
Đất nước Việt Nam từ ngàn xưa cũng chẳng khá gì hơn với Trung Hoa cũng bởi lòng tham của nước láng giềng phương Bắc muốn bành trướng về phương Nam, gây nên những cuộc chiến tranh xâm lược… Rồi như một bản năng sinh tồn, người Việt trong thế bị phương Bắc lấn ép thì lại phải buộc lấn ép về phương Nam, tiêu diệt các lân bang khác để mở rộng cõi bờ, tạo một không gian sinh tồn cho dân tộc!
 
Rồi ngay giữa các triều đại cũng chỉ vì tranh đoạt quyền lực, ngai vàng giữa các giòng họ mà cũng đã có những cuộc “nội chiến” từ “Thập nhị sứ quân”, “Chiến tranh Nam Bắc triều Trịnh Mạc”, “Trịnh Nguyễn phân tranh”, “Tây Sơn khởi binh”…
 
Chính nhận ra sự đau thương và những nỗi đau chia cắt phân ly trong một gia đình khi có người chồng, người cha phải theo “lệnh vua” ban ra, người đàn ông phải “tòng quân nhập ngũ”, lên đường ra trận với một ý chí “xem cái chết nhẹ tựa lông hồng” với sự kiêu bạc “da ngựa bọc thây” mà Đặng Trần Côn (sống vào thời Lê Trung Hưng, cùng thời với nữ sĩ Đoàn Thị Điểm…) viết nên tác phẩm “Chinh Phụ Ngâm” bằng chữ Hán và được Hồng Hà nữ sĩ Đoàn Thị Điểm diễn dịch ra thơ bằng chữ Nôm…
 
Mượn bối cảnh của một đất nước Trung Hoa lắm loạn lạc chiến tranh nhất là phải đối phó với giặc Hung Nô phía bắc, Đặng Trần Côn viết nên một “Chinh Phụ Ngâm” để nói lên sự thống khổ của mọi tầng lớp nhân dân trong cuộc chiến chống xâm lược của “rợ Hồ”, mà tiêu biểu nhất là hình ảnh người vợ trông mong chờ đợi chồng đi chinh chiến khi đất nước gặp lâm nguy:
 
“… Nước thanh bình ba trăm năm cũ,
Áo nhung trao quan vũ từ đây.
Sứ trời sớm giục đường mây,
Phép công là trọng niềm tây sá nào…”
 
Trong “Chinh Phụ Ngâm” của Đặng Trần Côn mà cảm nhận người đọc chủ yếu qua bản Nôm của Đoàn Thị Điểm, thì người “chinh phu” phải lên đường theo “phép công” khi có quân giặc xâm lấn ngoài biên thùy, lòng vẫn còn chút vướng bận “thê noa”.
 
Và nhạc sĩ Lê Thương đã cảm xúc những hình ảnh biệt ly đầy lưu luyến giữa kẻ đi người ở mà viết nên những nét nhạc hào hùng của cả một đoàn quan quân lên đường chinh chiến:
 
“Lệnh vua hành quân trống kêu dồn
Quan với quân lên đường
Đoàn ngựa xe cuối cùng, vừa đuổi theo lối sông
Phía cách quan sa trường, quan với quân lên đường….”
 
Dù là thơ hay nhạc, chúng ta dễ dàng nhận ra khi người chinh phu đi rồi thì có bóng dáng của một người vợ trông theo bóng chồng xa khuất dần theo bụi mù của vó câu mà mong ngóng thương nhớ!
 
Đó chính là nỗi niềm của người “chinh phụ”…
 
“…Đường rong ruổi lưng đeo cung tiễn,
Buổi tiễn đưa lòng bận thê noa
Bóng cờ tiếng trống xa xa,
Sầu lên ngọn ải oán ra cửa phòng…”
 
Tác phẩm “Chinh Phụ Ngâm” đã khắc họa rõ nét cái cô đơn, quạnh quẽ đến héo hon tấc dạ của người vợ phải xa chồng, con phải xa cha, từ đó cất lên tiếng nói phản đối những cuộc chiến chinh phi nghĩa.
 
Trong “Chinh Phụ Ngâm”, có nhiều đoạn mượn cảnh tả tình tuyệt hay, sau này có lẽ nhiều thi sĩ, nhạc sĩ vẫn “vay mượn” trong các tác phẩm của mình, ví như:
 
“… Chàng thì đi cõi xa mưa gió
Thiếp lại về buồng cũ gối chăn
Ðoái trông theo đã cách ngăn
Tuôn màu mây biếc, trải ngần núi xanh
 
Chốn Hàm Dương chàng còn ngoảnh lại
Bến Tiêu Tương thiếp hãy trông sang
Khói Tiêu Tương cách Hàm Dương
Cây Hàm Dương cách Tiêu Tương mấy trùng
 
Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy
Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu
Ngàn dâu xanh ngắt một màu
Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai?...”
 
Có những đoạn mà chúng tôi được học trích đoạn trong “Chinh Phụ Ngâm” đến bây giờ vẫn còn cảm nhận khi nói lên nỗi nhớ khắc khoải của người chinh phụ, mới ngày nào bên chồng còn “nệm ấm chăn êm”, thì nay ở ngoài chiến địa, nàng hình dung ra người chồng phải vượt qua muôn trùng gian khổ…
 
“…Chàng từ đi vào nơi gió cát,
Đêm trăng này nghỉ mắt phương nao?
Xưa nay chiến địa dường bao,
Nội không muôn dặm xiết sao dãi dầu.
 
Hơi gió lạnh người rầu mặt dạn,
Dòng nước sâu ngựa nản chân bon.
Ôm yên gối trống đã chồn.
Nằm vùng cát trắng ngủ cồn rêu xanh…”
 
Đọc toàn bộ tác phẩm “Chinh Phụ Ngâm”, dù sao chúng ta cũng cảm nhận là một kết thúc “có hậu” khi sự mong mỏi chờ chồng của người chinh phụ kết thúc là một cuộc đoàn viên và người chồng vẫn lành lặn trở về sau cuộc chiến, thỏa lòng mong đợi của người chinh phụ:
 
“… Sẽ rót vơi lần lần từng chén,
Sẽ ca dần ren rén từng thiên.
Liên ngâm đối ẩm đòi phen,
Cùng chàng lại kết mối duyên đến già.
 
Cho bõ lúc sầu xa cách nhớ,
Giữ gìn nhau vui thuở thanh bình.
Ngâm nga mong gửi chữ tình,
Dường này âu hẳn tài lành trượng phu.”
 
Với Lê Thương, khi viết nên “Trường ca Hòn Vọng Phu” trong phần 1 thì lấy từ niềm cảm tác của “Chinh Phụ Ngâm” nên ông chưa phát triển gì mới mà còn thuần túy vay mượn địa danh, hình ảnh một chinh phu xuất chinh ở bên Tàu ! Đến phần 2 & 3 thì nhạc sĩ dường như đã “Việt hóa” tác phẩm của Đặng Trần Côn với bối cảnh, không gian, thời gian và địa danh hoàn toàn của người Việt như Cổ Loa, Thành Huế, Đồng Nai, Hoành Sơn, Vạn Kiếp, Cổ Lũy và nhất là hình ảnh ảnh nàng Tô Thị ôm con chờ chồng đến độ hóa đá!
 
Đó chính là một bộ sử thi bằng âm nhạc trong hành trình “Nam tiến” của Đại Việt tiến về phương Nam với những cuộc chiến chinh với nước Chiêm Thành phía Nam!
 
Trong “Hòn Vọng Phu”, Lê Thương đã phát triển nỗi nhớ mong của người chinh phụ lên đến đỉnh điểm khi:
 
“ …Bao nhiêu năm bồng con đứng đợi chồng về
Bao nhiêu phen thời gian xóa phai lời thề
Người tung hoành bên núi xa xăm
Người mong chồng còn đứng muôn năm.” (Hòn Vọng Phu 1)
 
Và thay vì có một ngày vui đoàn tụ phu thê sau bao năm chờ đợi, nhung nhớ mỏi mòn, Lê Thương đã “hóa đá” người chinh phụ cùng đứa con của mình trong nỗi sầu ai oán khi người chinh phu trở về:
 
“…Thời gian đã thấm biết bao suy tàn
Người xưa đâu còn hình đá
Bơ vơ đứng đợi chồng đi đã không hứa về...” (Hòn Vọng Phu 3)
 
Có thể nhận thấy giữa “Chinh Phụ Ngâm” và “Hòn Vọng Phu” có một “mẫu số chung” là nói lên sự phân ly trong chiến tranh, nỗi nhớ thương của người vợ với chồng khi đi chinh chiến. Tuy nhiên có cái riêng trong “Chinh Phụ Ngâm” là người chinh phụ còn nhìn thấy mặt chồng trong ngày về đoàn tụ, nhưng trong “Hòn Vọng Phu” thì nỗi đau thương thống thiết lại đè nặng tâm hồn của người chinh phu khi ngày về cố hương chẳng còn nhìn thấy mặt vợ con… Nếu có chăng chỉ là hình tượng hóa đá của người thiếu phụ đứng bồng con trông chờ chồng trên núi…
 
Lê Thương đã cho người nghe âm nhạc của mình cái hào khí, cái bi tráng của một cuộc trường chinh về phương Nam của cha ông thuở xưa “mang gươm đi mở cõi” tạo nên một hình hài đất nước như hiện nay. Đó là cái chung niềm vui của dân tộc!
 
Còn trong nỗi riêng, có lẽ từng gia đình đều có những mất mát nhất định sau một cuộc chiến. Có người mất con, mất chồng, mất cha… Nhưng cũng cũng có người lính khi quay về thì mất cả người thân! Đó chính là những bi kịch xảy ra ở bất kỳ cuộc chiến tranh nào…
***
Thời Chiến tranh Việt Nam (1955-1975) diễn ra giữa hai miền Nam Bắc, bọn chúng tôi đều nằm trong độ tuổi phải một ngày nào đó bước vào cuộc chiến mà không biết hồi kết thúc!
 
Học trò chúng tôi, trai cũng như gái đều học về “Chinh Phụ Ngâm” và nghe “Hòn Vọng Phu” nên đều có cảm nhận khác nhau về hình tượng chinh phu, chinh phụ… và mai này ai biết trong đám học trò này, ai sẽ làm chinh phu, ai người chinh phụ?
 
Trong thi ca, văn học nghệ thuật thời ấy ở miền Nam, thường thì các văn nghệ sĩ ít dùng từ “chinh phu” hay “chinh phụ” mà hay dùng từ “chinh nhân” hay “người yêu của lính” bởi lẽ hầu hết những người đi chinh chiến đều là những học sinh, sinh viên mới rời ghế nhà trường, còn độc thân và nếu có bóng hồng nào mang theo trong chiếc ba lô của “chinh nhân” thì cũng chỉ mới là những “người yêu của lính”. Tất nhiên cũng có khá nhiều người lính cũng có gia đình vợ con phía sau lưng cuộc chiến, cũng mong chờ chồng cha một ngày về không bằng chiếc “băng ca hay trên cây nạng gỗ…”.
 
Cuộc chiến giữa hai miền Nam Bắc mà trong đó những người lính đều cùng màu da, cùng nòi giống nhưng những tư tưởng, ý thức hệ, sự giáo dục, tâm trạng tình cảm …khi bước vào cuộc chiến hoàn toàn khác nhau! Tôi nghĩ thế!
 
Người lính hay bộ đội miền Bắc cũng như những người thân của họ (vợ, con…) hầu hết được chuẩn bị “tư tưởng, lập trường” vững chắc cho cuộc trường chinh “giải phóng miền Nam” nên hầu như trong thơ ca, nghệ thuật ngoài ấy luôn toát lên “một ngày vui đại thắng” trong tương lai, dầu mười năm, hai mươi năm, hoặc lâu hơn nữa!
 
Tôi không tiện trích ra ở đây những có thể khái quát rằng trong lĩnh vực văn học nghệ thuật của miền Bắc thì hằng hà sa số những tác phẩm được sáng tác định hướng theo tinh thần “lạc quan cách mạng”, sức chiến đấu cao đầy khí thế sắt máu… Và chắc chắn là những kiểu học hay đọc, nghe “Chinh Phụ Ngâm” hay “Hòn Vọng Phu” hay những gì mang màu sắc bi lụy sẽ không bao giờ được đề cập tới rồi!
 
Ở miền Nam thì lại khác!
 
Những tự do cá nhân, những suy tư tình cảm của “cái tôi”… được tôn trọng ngay từ trên ghế nhà trường, trong lĩnh vực văn học nghệ thuật trong ứng xử cuộc sống và cuộc chiến nên sự sáng tác cho ra đời những tác phẩm văn học nghệ thuật cũng rất đa dạng!
 
Những văn nghệ sĩ thời ấy đã cho ra đời những tác phẩm không nhằm để phục vụ cho chiến tranh theo “đơn đặt hàng” mà bằng những cảm xúc của cuộc chiến theo những góc nhìn, qua chiếc lăng kính khác nhau!
 
Có những tác phẩm mang màu sắc lãng mạn có, tích cực có, bi quan yếm thế cũng có…
 
Có những tác phẩm mang tính chiến đấu của người lính nhưng cũng có những tác phẩm “phản chiến” vô tình hay hữu ý đã “đâm sau lưng” người lính cũng có!
 
Ngày ấy nghe những lời ca kiểu như:
 
“Bạn ơi! Quan hà xin cạn chén ly bôi
Ngày mai tôi đã đã đi xa rồi
Thành đô lưu luyến chắn bước chân tôi
Trước giờ chia phôi mấy ai không bùi ngùi
Kỷ niệm buồn vui mãi ghi trong hồn tôi… ” (Biệt Kinh Kỳ)
 
Thì cũng như nghe:
 
“…Em hỏi anh, em hỏi anh bao giờ trở lại
Xin trả lời xin trả lời mai mốt anh về.
Anh trở về chiều hoang trốn nắng
Poncho buồn liệm kín hồn anh
Anh trở về bờ tóc em xanh
Chít khăn sô lên đầu vội vã.. Em ơi!… ” (Kỷ Vật Cho Em)
 
Hoặc:
 
“Ngày mai đi nhận xác chồng
Say đi để thấy mình không là mình
Ngày mai đi nhận xác anh
Cuồng si thuở ấy, hiển linh bây giờ
Cao nguyên hoang lạnh ơ hờ
Như môi góa phụ nhạt mờ vết son
Tình ta không thể vuông tròn
Say đi mà tưởng như còn người yêu… ” (Tưởng Như Còn Người Yêu)
 
Còn nhiều, còn nhiều lắm những áng thi ca như vậy trong suốt chiều dài 20 năm của cuộc chiến rất đa dạng, biểu hiện những “cảm xúc rất người” của những con người bình thường đối với một cuộc chiến tranh…
 
Người chinh phụ ngày xưa, thì nay hiện đại hơn, người ta gọi là vợ lính, và đương nhiên thì tình cảm của thời nào cũng vẫn thế, dù người vợ lính bên này hay bên kia chiến tuyến cũng vậy thôi! Nếu có che đậy thì cũng cố che giấu với đời, chứ trong tận tâm khảm, họ vẫn là những con người, nhất lại là người phụ nữ luôn cần một bờ vai để tựa, cần sự yêu thương che chở, cần sự gánh vác sẻ chia những vui buồn trong cõi nhân gian này…
 
Người vợ lính, phía bên nào cũng thế
Cũng mong mỏi ngày đêm, một ngày về…
Vẫn lành lặn, thân chồng không vết tích
Của cuộc chiến dài bất tận lê thê…
 
Thương những ai ngày xưa làm vợ lính
Chồng ra đi, thân côi cút một mình
Khuya nghe tiếng pháo gầm, choàng tỉnh giấc
Mộng nào lành giữa một cuộc chiến chinh?
 
Những vợ lính, ai mong làm góa phụ?
Hay mong chờ để hóa đá vọng phu?
Đêm nhìn ánh hỏa châu, lo thấp thỏm
Lo sợ chồng lại về cõi thiên thu!
 
Một ngày thu, chợt nhớ người cô phụ
Của năm nào ngóng đợi bóng chinh phu
Của một thời trông chồng rồi hóa đá
Trên non cao mờ theo đám mây mù…
 
Tôi ngồi nhớ, có một thời như thế…
Lửa binh đao ngập khắp nẻo đường quê
Ai đã từng bước ra từ cuộc chiến
Chắc có lần quay lại giữa cơn mê…
 
 
Hoài Nguyễn – 14/8/2021
Nguồn: fb Hoài Nguyễn - Miền Nam Việt Nam - Trước 1975

Tìm các bài BIÊN KHẢO khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com