Trong các sách và tài liệu của Nhà nước cộng sản Trung Quốc cũng như ở Việt Nam trước đây, khi đề cập đến Nho giáo đều lên án Nho giáo là “bảo thủ, lỗi thời và kiềm hãm sự phát triển của xã hội” và cần phải “Quét sạch nó đi!”. Gần đây trong mối giao lưu và hội nhập ngày càng được đẩy mạnh giữa các quốc gia, nhiều học giả đã “phản tư” (suy nghĩ lại) với việc đánh giá vai trò của Nho giáo trong thời hiện đại. Liệu Nho giáo còn hợp với thời nay không?[*]
Ở Nhật Bản
Ngày 6/4/1868 Minh Trị Thiên Hoàng long trọng tuyên bố cai trị theo ý nguyện của dân và đề ra cương lĩnh hành động trong đó có điểm mấu chốt: “Học tập nước ngoài để xây dựng đất nước”. Phong trào Âu hóa đất nước phát triển rầm rộ vào những năm đầu thời Minh Trị. Nhà nước Nhật Bản đã tiếp thu mạnh mẽ những thành tựu của phương Tây, đã muốn giáo dục con em họ theo nội dung đạo đức Châu Âu. Họ say mê tân học bài xích cựu học. Nhưng đến giữa thập niên 80 của thế kỷ XIX chủ nghĩa Âu hóa lại bị dân chúng phê phán vì không phù hợp với xã hội Nhật Bản. Họ đòi phục hồi lại những giá trị truyền thống của Nhật Bản – giáo dục theo Nho giáo, lấy Nhân – Nghĩa –Trung – Hiếu làm nòng cốt.
Nguyên Điều Vĩnh Phù- một nhà giáo dục nổi tiếng Nhật Bản thời đó viết: “Điều quan trọng của giáo dục là phải minh xác các điều Nhân – Nghĩa – Trung – Hiếu, phải nghiên cứu hiểu biết các tri thức, nghề nghiệp, phải thực hiện đầy đủ đạo làm người, đó là phương châm lớn từ trước đến nay của đất nước ta, tồn tại từ trên xuống dưới ở khắp mọi người. Nhưng có thể nêu ra tình hình là gần đây lại có thói tôn sùng tri thức nghề nghiệp, rơi vào chỗ sau chót của sự văn minh khai hóa, làm tổn hại nhiều đến phẩm hạnh, phong tục. Có thể nêu lên rằng những người đi hàng đầu muốn phá vỡ tập quán vốn có từ xưa mở rộng tri thức ra toàn thế giới, nhất thời tiếp thu chỗ mạnh của phương Tây, đặt Nhân – Nghĩa – Trung – Hiếu ở sau, phải đặt nó trên cơ sở giáo huấn kinh điển của tổ tiên, phải xác định rõ ràng việc học trung hiếu đạo đức, lấy Khổng Tử, lấy việc mọi người phải tôn sùng sự thành thực, phẩm hạnh làm điều trọng yếu…” (Giáo học thánh chỉ) [l].
Trong lúc tân học bài xích cựu học thì nhờ có Minh Trị Thiên Hoàng là bậc minh quân cương quyết đã điều hòa giải quyết gìn giữ tinh thần đạo đức cổ truyền mà lại nghiên cứu văn minh khoa học đã đưa nước Nhật yếu kém, chỉ trong vòng mươi năm vượt lên đứng ngang hàng với các nước Âu Mỹ. Ngày 30/10/1890 trong chỉ dụ Minh Trị Thiên Hoàng đã tỏ rõ lập trường cải cách của mình: “Các tiên đế đã sáng lập nước trên nền tảng rộng rãi chắc chắn, nền tảng ấy là nhân đức mà các đấng muốn cho ăn sâu rễ vào tâm hồn quốc dân, thần dân ta nhất tề trung hiếu từ đời này sang đời khác đã chứng tỏ việc các đấng tiên đế là mỹ hảo và đó là vinh dự của nước ta. Nguồn mạch giáo dục của giống nòi cũng do cái đức trung hiếu mà phát khởi. Hỡi các thần dân, đối với cha mẹ, các ngươi hãy hiếu thảo, đối với anh chị em, các ngươi yêu thương, trong gia đình hãy hoà hợp, trong sự giao du với bạn bè, các ngươi hãy trung thành. Hãy ăn ở cho nhã nhặn tiết độ, hãy hảo tâm thiện chí với một người, hãy luyện tập các khoa học và nghệ thuật, hãy tiến triển các khả năng tri thức. Hãy phát huy các lực lượng luân lý. Hãy quan tâm đến công lợi, công ích, hãy kính trọng hiến pháp, hãy giữ gìn luật lệ khi cần thiết hãy đưa vai gánh vác giang sơn, hãy ân cần bảo vệ nền thịnh vượng của quốc gia. Làm như vậy các ngươi sẽ là những công dân tốt và giúp vào việc duy trì nền văn minh thịnh vượng khiến cho dân tộc Đại Nhật hãnh diện với các nước văn minh” [2].
Để hưởng ứng ý nguyện canh tân của nhà vua, thân sĩ và nhân dân Nhật đều phấn khởi chung lo việc nước. Toàn quốc thành lập nhiều hội Tư Văn để đào tạo tư cách con người. Ai nấy đều lo tự tỉnh tự cường, giữ gìn tinh thần đạo đức cổ truyền lại tiếp thu văn minh khoa học Âu – Mỹ.
Ở Trung Hoa
Bây giờ chúng ta quay lại Trung Hoa cội nguồn phát sinh ra học thuyết Nho giáo để nghiên cứu sự thăng trầm của Nho giáo trong thời cận, hiện đại. Sau khi cách mạng Tân Hợi thành công(1911), chế độ phong kiến tồn tại hàng mấy ngàn năm bị lật đổ, Trung Hoa Dân quốc được thành lập Thái Nguyên Bồi nhận chức Tổng trưởng Giáo dục. Do thấy trong tôn chỉ giáo dục đời Thanh có hai điều là: “Trung quân và tôn Khổng”, mà trung quân thì không hợp với chính thể cộng hòa, tôn Khổng thì trái ngược với tự do tín ngưỡng nên xóa việc tôn thờ Đức Khổng Tử. Mùa thu năm Dân Quốc thứ năm(1916), Khang Hữu Vi đệ thư lên cho Lê Nguyên Hồng và Đoàn Kỳ Thụy yêu cầu lấy Khổng giáo làm quốc giáo, đưa vào hiến pháp. Bởi những việc đó gây cản trở cho phong trào dân chủ nên dẫn tới sự chống đối của Trần Độc Tú. Trần Độc Tú cho rằng Khổng giáo không dung hòa được với chế độ lập hiến, do vậy đạo Khổng đi ngược với cuộc sống hiện đại. Lý lẽ đó hợp với tâm lý ghét chế độ đế chế của thanh niên và trí thức đương thời dẫn đến sự công kích toàn diện truyền thống Nho giáo [3]. Do vậy, họ bỏ học thuyết duy lý nhã nhặn, kín đáo của Khổng Tử, đi theo học thuyết duy lý máy móc của phương Tây. Vả lại đạo Khổng bảo thủ, dung hòa được sự hăng hái của tuổi trẻ và sự thận trọng của tuổi già. Cách mạng chỉ biết có tuổi trẻ, và mỉm cười trước lời khuyên này của Khổng Tử “Người nào cho những bờ đê cũ là vô ích và phá bỏ đi thì một ngày kia sẽ bị tai hại của nạn lụt lội” [4].
Khi phong trào chống Nho gia đạt đến cao trao thì Lương Thấu Minh là người mở đầu cuộc cách mạng tư tưởng, dựng ngọn cờ Nho giáo bắt đầu đề xướng Khổng học. Năm Dân Quốc thứ bảy(1918), Lương Thấu Minh mở một cuộc “Hội thảo triết học Khổng Tử” ở sở Nghiên cứu triết học. Ông đã nói lên quan điểm lập trường của ông khi mở cuộc hội thảo triết học ấy “…ở Trung Quốc ngày nay có người đề xướng Tây học, có người đề xướng Phật học, chỉ về Khổng Tử là ngượng mồm không ai dám nói đến. Sự thật về Khổng Tử nếu tôi không đề xướng thì chẳng ai đề xướng? Đó là duyên cớ bức tôi tự mình đến sống ở nhà họ Khổng” [5].
Trong thời kỳ Nhật chiếm đóng Trung Quốc, để đoàn kết nhân tâm cùng nhau chống Nhật, chủ nghĩa dân tộc được hình thành. Nhà nước cũng nêu cao tinh thần dân tộc, khôi phục đạo đức vốn có. Quốc Dân Đảng thúc đẩy phong trào đời sống mới, việc đó được xây dựng trên luân lý truyền thống. Chính trong không khí chân hưng luân lý truyền thống này, năm Dân Quốc thứ 23(1934) khôi phục lại ngày lễ kỷ niệm Thánh Đản của Đức Khổng Tử đã bị Thái Nguyên Bồi bãi bỏ từ năm đầu Dân Quốc(1912). Trong lễ kỷ niệm nay người được mời nói về học thuyết của Khổng Tử chính là Lương Thấu Minh – người đầu tiên nêu ngọn cờ phục hưng truyền thống Nho giáo [6].
Thời kỳ Tưởng Giới Thạch làm Hiệu Trưởng Trường Quân Sự Hoàng Phố, ông thường căn dặn học viên: “Chương I sách Đại Học chỉ có hơn 200 chữ, nói một cách hết sức ngắn gọn, súc tích lý lẽ làm người, làm việc cho tới tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Ông đòi hỏi học viên phải tu thân theo đạo đức trong sáng, hoàn thành sứ mệnh trị quốc, bình thiên hạ [7].
Trong gia đình, Tưởng Giới Thạch luôn giáo dục con cái theo văn hóa Nho gia. Tưởng Kinh Quốc nhớ lại: “Cha tôi cho rằng học nửa bộ Luận ngữ thì có thể trị vì được thiên hạ, trong sách cổ có hướng dẫn để Người xử lý công việc” [8]. Lúc Tưởng Kinh Quốc đang còn học tiểu học, Tưởng Giới Thạch có lần viết thư căn dặn: “Sách Mạnh tử phải học thuộc lòng, thuộc rồi vẫn phải đọc đi đọc lại. Sách Luận ngữ phải nhờ Vương tiên sinh giảng giải cho một lần, rồi con phải tự học, phải hiểu cạn ý trong sách mới thôi. Nếu con hiểu hết được nghĩa trong bộ Tứ thư và học thuộc sách Tả Mạnh Trang tao tình hoa thì sau đó có thể tự viết văn được rồi. Mỗi tập phải đọc 300 lần như vậy sẽ không quên” [9].
Khi chính phủ Quốc dân đảng ở Nam Kinh vửa được thành lập, Tưởng Giới Thạch lập tức ra lệnh các trường học phải “đảng hóa giáo dục”, nhằm rèn luyện đạo đức tổ tiên cho thanh thiếu niên. Thời kỳ chiến tranh chống Nhật, chính phủ Dân quốc buộc các trường Trung Học, Đại Học phải trau dồi cho học sinh quan niệm đạo đức “trung dũng là cốt lõi của lòng yêu nước, hiếu để là cốt lõi của sự tề gia”, yêu cầu các thầy giáo, giáo dục truyền thống, đặc biệt là phải phân tích cho học sinh hiểu rõ nền văn hóa cổ kính của Trung Quốc.
Sau khi chạy sang Đài Loan, Tưởng Giới Thạch vẫn kêu gào phục hưng văn hóa, buộc các học sinh trung học phải đọc sách Luận ngữ, Mạnh tử [10]
Trong các thập niên 50, 60, 70 của thế kỷ XX ở Trung Quốc lục địa vẫn tiếp tục phê phán Nho giáo, nhưng vì nghiên cứu theo định hướng trước nên thiếu phần khách quan trong phân tích và nhận định không có sức thuyết phục. Trong thời kỳ này người ta biến phê phán học thuật thành phê phán chính trị, người ta gắn “phê phán” Khổng Tử với phê phán các nhà chính trị, quân sự đương đại của Trung Quốc. Họ phủ nhận sạch trơn Nho học, Nho giáo theo chủ nghĩa hư vô, thậm chí oán ghét quá khứ, đập phá quá khứ [11]. Tượng Khổng tử bị dán khẩu hiệu với dòng chữ Hán (phiên âm): “Đầu hiệu đại hỗn đản” (Tên đầu sỏ đại lưu manh). Theo hồi ức của Lưu Á Vĩ vào ngày 15/11/1966 “trước cửa chính của Khổng phủ, có dán chữ ‘Đại hội triệt để phá tan Khổng gia điếm’. Bia đá nằm trước Khổng phủ, từ năm 1962 được Quốc vụ viện ghi chữ ‘Văn vật trọng điểm toàn quốc được bảo hộ’ bị đập tan. Sau đó Hồng vệ binh chia nhau đi Khổng miếu, Khổng lâm, Chu công miếu để đập bia, giật biển, đập hủy tượng thờ” [12]. Khổng tử bị tuyên cáo là một “xác ướp phong kiến”[13].Từ Cách mạng Văn hóa cho đến giữa thập niên 80, Nho giáo bị phỉ báng đến độ sử gia Yu Ying-shih gọi nó là “một linh hồn vất vưởng”[14]
Sau cải cách mở cửa, “linh hồn vất vưởng” ấy được chính phủ Trung Quốc lặng lẽ cho phép phục hồi dần Khổng tử dưới cái tên nghiên cứu Quốc học, tức nghiên cứu phục hồi văn hóa truyền thống Trung Quốc mà Nho giáo là cốt lõi. Từ đó cơn sốt Khổng tử bắt đầu nóng dần.
Năm 1988, Quỹ Khổng tử Trung Quốc và UNESCO tổ chức Hội thảo kỷ niệm 2540 năm sinh Khổng tử, có đại biểu 25 nước tới dự, không có đại diện chính quyền.
Tháng 10/1994, nhân 2545 năm sinh Khổng tử, Trung Quốc tổ chức lễ thành lập Hội Nho học quốc tế và Hội thảo quốc tế về Khổng tử. Lý Thụy Hoàn- Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ, kiêm Chủ tịch Ủy ban Toàn quốc Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (gọi tắt là Chính Hiệp) toàn quốc đến dự và phát biểu. Sau đó cứ 5 năm một lần, Hội này lại tổ chức kỷ niệm Khổng tử, lãnh đạo cao nhất đến dự chỉ là Chủ tịch Chính Hiệp.
Tại kỳ họp Quốc hội Trung Quốc tháng 3/2005, có đại biểu đề nghị phục hồi đạo đức Nhân- Nghĩa- Lễ- Trí- Tín, đưa Tứ thư, Ngũ kinh vào chương trình Trung- Tiểu Học và thi công chức.
Từ tháng 10/2006 bà Vu Đan thuyết trình nhiều buổi trên truyền hình về “Thu hoạch đọc Luận ngữ”, “Thu hoạch đọc Trang tử”, được dân hoan nghênh. Hai cuốn sách cùng tên của bà in lần đầu 4 triệu bản bán hết ngay.
Tháng 9/2008 Bộ Văn hóa Trung Quốc và chính quyền tỉnh Sơn Đông lần đầu tổ chức Đại hội Nho học thế giới tại Khúc Phụ quê hương Khổng tử.
Cơn sốt Khổng tử từng bước tăng nhiệt. Tuy vậy trên vấn đề đánh giá Nho giáo, giới học giả Trung Quốc vẫn chia hai phái chống đối nhau: phái tự do và phái bảo thủ văn hóa, chủ yếu đả kích nhau về lý luận. Điển hình là vào tháng 5/2007 Nhà xuất bản Sơn Tây (Trung Quốc) cho xuất bản cuốn “Táng gia cẩu: Ngã độc Luận ngữ” (Chó không nhà: Tôi đọc Luận ngữ) của Lý Linh (5/2007)- giống gáo nước lạnh dội lên những cái đầu đang sốt Khổng tử. Lý Linh chứng minh Khổng tử không phải là thánh nhân, Ngài có cống hiến chính về mặt giáo dục và đạo đức; Đức Khổng ngày nay ta biết chỉ là Khổng tử “nhân tạo”, được tâng bốc tới mức không thể giả tạo hơn[15].
Năm 2010 Trung tướng Lưu Á Châu, Chính ủy Đại học Quốc phòng Trung Quốc nói Nho giáo có tội với Trung Quốc: “Nếu như Nho học là tôn giáo, thì đó là ‘ngụy tôn giáo’, nếu là tín ngưỡng, thì đó là ‘ngụy tín ngưỡng; còn nếu là triết học, thì đó là triết học của xã hội bị ‘quan trường hóa’. Xét từ ý nghĩa này, Nho học là có tội đối với người Trung Quốc. Trung Quốc không có tư tưởng gia mà chỉ có chiến lược gia. Xã hội Trung Quốc là một xã hội binh pháp. Dân tộc của chúng ta chỉ tôn sùng chiến lược gia” [16]. Lưu Hiểu Ba[17] nhận xét các lời dạy của đức Khổng chỉ là trí thông minh nhỏ, không chứa đựng trí tuệ lớn.
Năm 2010, ông Hồ Cẩm Đào bắt đầu dè dặt sử dụng một số lời Khổng tử như xã hội hài hòa, dĩ nhân vi bản…Tuy vậy đa số dân Trung Quốc chưa ủng hộ phục hồi Khổng tử. Điển hình là Viện Bảo tàng Quốc gia Trung Quốc dựng pho tượng lớn đức Khổng tử bằng đồng đen trên quảng trường Thiên An Môn (1/2011) bị dư luận phản đối tới mức hơn ba tháng sau phải lặng lẽ cất tượng vào trong Viện [18]. Việc này chính quyền Trung Quốc không nói gì, điều đó cho thấy ‘cơn sốt Khổng tử’ đang hạ nhiệt dần.
Trong khoảng hai thập niên qua, giới học thuật Trung Quốc đã có Tạp chí nghiên cứu riêng về Khổng tử. Hàng trăm đầu sách nghiên cứu về Nho học- Nho giáo ở Bắc Kinh, Thượng Hải và các tỉnh được xuất bản. Các học giả nổi tiếng như Lý Trạch Hậu, Trương Đại Niên, Thái Thượng Tư, Trương Lập Văn, Thang Nhất Giới, Phương Lập Thiên…đều lên tiếng “phản tư” (suy nghĩ lại). Họ khẳng định những giá trị xã hội của Khổng tử, Mạnh tử, đồng thời chỉ ra những nhân tố hợp lý và những nhân tố còn hạn chế của Nho giáo [19]
Cuộc Cách mạng Văn hóa đã phá bỏ hệ thống tin tưởng cổ đại của Trung Quốc, mà cuộc cách mạng kinh tế sau đó không xây lại được phồn vinh, vẫn chưa định rõ mục đích cuối cùng của quốc gia và cá nhân. Có một lỗ hổng trong đời sống mà người Trung Quốc gọi là jingshen kongxu- “tinh thần trống rỗng”[20]
Dựng tượng Khổng tử
Trong cuộc Cách mạng văn hóa, Khổng tử bị tuyên cáo là một “xác ướp phong kiến”, tượng Khổng tử được dán khẩu hiệu với danh hiệu: “Đầu hiệu đại hỗn đản” (Tên đầu sỏ đại lưu manh) sau đó tượng bị đập tan. Ngày 11/01/2011 một bức tượng Khổng tử cao khoảng 8 mét của điêu khắc gia Wu Weishan được dựng tại quảng trường Thiên An Môn. Sau khi dựng tượng nhiều người hoài nghi: “cũng còn quá sớm để nói rằng việc đặt tượng Khổng tử tại Thiên An Môn, trái tim chính trị của đất nước Trung Hoa, chính là sự xác nhận rõ ràng nhất của chính phủ Trung Quốc chuyên chế đối với nhà hiền triết và cũng là sự công nhận (có chọn lọc?) những triết thuyết của ông” [21]. Cho đến thời điểm dựng tượng “Chính phủ Trung Quốc vẫn chưa có bất kỳ tuyên bố công bố công khai nào “nâng đỡ” Nho giáo, mặc dù một trong những khẩu hiệu yêu thích gần đây của họ là “xã hội hài hòa”. Cùng với việc thúc đẩy thành lập hàng trăm Viện Khổng tử để truyền bá ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc ở nước ngoài…” [22]
Theo Blog China Musings “Việc dựng tượng Khổng tử tại quảng trường Thiên An Môn giống như một câu chuyện biếm nhạo, bởi với sự kiện này, Khổng tử lại được ‘tái cơ cấu vào một thứ hạng cao quý’ đến nực cười”[23]
Hơn 3 tháng sau ngày dựng tượng, vào sáng ngày 21/04/2011, tượng Khổng tử biến mất khỏi quảng trường Thiên An Môn. Tượng đem cất vào Viện Bảo tàng. Lý do di dời tượng vẫn còn trong vòng bí ẩn vì Ban Tuyên truyền Trung Ương cấm ngặt báo chí viết về sự kiện này.
Dân chúng thì đùa: Ông thầy lang bạt từ tỉnh Sơn Đông đã bị tóm vì sống ở Bắc Kinh không có hộ khẩu[24].
Viện Khổng tử
Trung Quốc cho thành lập Viện Khổng tử có trụ sở đặt tại Bắc Kinh. Viện Khổng tử ở nước ngoài bắt đầu được thành lập từ năm 2004 và viện đầu tiên mở ở Seoul, Hàn Quốc trong cùng năm. Theo báo China Daily, tính đến cuối năm 2018, có tổng cộng 548 Viện Khổng tử, 1193 lớp học Khổng tử tại các trường tiểu học, trung học và 5665 địa điểm dạy học liên quan được lập ra ở 154 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các Viện Khổng tử được tài trợ phân nửa bởi nước khách, phân nửa bởi Trung Quốc. Tại các nước đang phát triển như ở Việt Nam được hoàn toàn trợ cấp bởi chính quyền Trung Quốc [25].
Ngày 27/12/2014 Trường Đại học Hà Nội tổ chức lễ gắn biển “Viện Khổng tử” tại trường. Nhiều người nghi ngại cho rằng: Tư tưởng bành trướng Đại Hán cắm giữa thủ đô Việt Nam [26]. Ông Ngô Nhân Dụng, một nhà bình luận trong giới truyền thông ở hải ngoại nhận định: “Viện Khổng tử chính nó không nguy hiểm, nhưng sẽ tác hại cho nước Việt Nam nếu chúng được sử dụng cho mục đích tuyên truyền cho chế độ cộng sản Trung Quốc”[27]
Đầu tháng 11/2014 hai trường đại học tại Mỹ- Đại học Chicago và Đại học Pennsylvania- ra tuyên bố ngưng hợp tác và đóng cửa Viện Khổng tử [28].
Năm 2005 Viện Khổng tử đầu tiên ở Châu Âu được đặt tại Stockholm, Thụy Điển. Báo The Times cho biết là ngày 21/4/2020 Thụy Điển đã đóng cửa lớp học cuối cùng của Viện Khổng tử và trở thành quốc gia đầu tiên ở Châu Âu chấm dứt các chương trình giáo dục do nhà nước Trung Quốc tài trợ [29]
Tính đến ngày 26/8/2020 trên nước Mỹ tổng cộng có 67 Viện Khổng tử. Đầu tháng 9/2020 Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cáo buộc các Viện Khổng tử đang tuyển “gián điệp và cộng tác viên” và ông hy vọng tất cả các Viện Khổng tử ở Mỹ sẽ đóng cửa vào trước cuối năm nay [30].
Một giáo sư kinh tế học và là nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng của Trung Quốc, ông Hạ Nghiệp Lương, người bị sa thải khỏi Đại học Bắc Kinh, cảnh báo rằng: “Nhiều trao đổi học thuật của Trung Quốc chứa đựng các rủi ro bị che giấu, chẳng hạn các học giả thỉnh giảng lại có thể là các nhân viên tình báo được cử đi” [31]. Hiện nay nhiều nước trên thế giới, nhận thấy Viện Khổng tử hoạt động không đúng tôn chỉ mục đích đã đề ra, nên đã cho đóng cửa Viện Khổng tử [32].
Giải Khổng tử Hòa Bình
Năm 2010 ông Lưu Hiểu Ba được trao giải Nobel Hòa Bình, nhân dịp đó ở Trung Quốc doanh nhân Lui Zhiqin đề xuất lập giải Khổng tử Hòa Bình vào ngày 17/11/2010. Giải này được Trung Quốc kỳ vọng là sẽ cạnh tranh với giải Nobel Hòa Bình.
Chính phủ Trung Quốc cho biết là không có liên hệ gì cả với giải này. Tuy nhiên, Orville Schell, một chuyên gia về Trung Quốc nói: Không có một tổ chức Trung Quốc nào dám mượn tên của Khổng tử để phát một giải thưởng nếu không có sự đồng ý của Bắc Kinh [33]
Các quốc gia chịu ảnh hưởng của Nho giáo
Nho học – Nho giáo là thành tố văn hóa truyền thống của nhiều nước Đông Á. Ở Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc cũng đã có nhiều cuộc thảo luận về Nho học Nho giáo. Các học giả nghiên cứu Nho học – Nho giáo ở Đài Loan như Dư Thời Anh, Phó Bội Vinh, Thẩm Thanh Tùng, ở Nhật Bản như Morishima Michio, Hoàng Sơn Mẫn Thu, ở Hàn Quốc như Lý Hữu Thành, Di Ngư Thuần đều có những công trình nghiên cứu sâu sắc về Nho giáo, đều nêu lên những ưu điểm nổi trội của Nho giáo như về các vấn đề gia đình, đất nước về học thuyết Nhân và Lễ. Ở Pháp giáo sư Léon Vandermeerch cũng khẳng định tác dụng tích cực của Nho giáo ở các nước Đông Á. Rõ ràng gần đây có cái “nhiệt Nho giáo” trong nghiên cứu khoa học xã hội hiện đại ở nhiều nước [34].
Ở Nhật Bản và “bốn con rồng Châu Á” nhiều tác giả và các Nhà quản lý lại cho rằng, Nho giáo có nhiều yếu tố tích cực giúp cho các nước này tăng trưởng và phát triển.
Singapore là một xã hội đa nguyên, đa dân tộc, đa tôn giáo, người Hoa chiếm đa số. Tháng 2/1982 các nhà đương cục về giáo dục Singapore tuyên bố đưa các môn luân lý học và nho giáo vào các khóa trình tôn giáo để các học sinh năm thứ 3 và thứ 4 trung học lựa chọn. Tháng 6/1982 phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Giáo dục Ngô Khánh Thụy cầm đầu một phái đoàn sang Hoa Kỳ bàn với các học giả Nho giáo người Mỹ gốc Hoa về những nguyên tắc và kế hoạch thúc đẩy việc thực hiện luân lý Nho giáo. Tháng 7/1982 có 8 vị học giả từ Mỹ đến Singapore để tìm hiểu tình hình, giúp các học giả Singapore thực hiện việc đó. Các nhà lãnh đao Singapore là Lý Quang Điệu và Ngô Khánh Thụy đã phát biểu ý kiến nhấn mạnh tầm quan trọng của luân lý Nho giáo và mối quan hệ sâu sắc giữa tư tưởng Nho giáo với xã hội người Hoa. Năm 1987 các học giả Singapore và Trung Quốc tổ chức một cuộc hội thảo quốc tế lớn về Nho học ở Khúc Phụ quê hương Đức Khổng [35].
Tại Hội nghị khoa học quốc tế về nghiên cứu Khổng Tử và Đại hội thành lập liên hiệp Nho học quốc tế nhân kỷ niệm 2.545 năm sinh Khổng Tử tháng 10/1994 ở Bắc Kinh, Lý Quang Diệu – nguyên Thủ tướng Singapore đã nói lên mối quan hệ xã hội Singapore và Nho giáo. Ông cho rằng, nội dung giáo dục con người hiện nay ở nước ông là phát huy các giá trị quan và quy phạm luân lý Nho gia: “76% nhân khẩu Singapore là người Hoa. Văn hóa dân tộc Hoa chú trọng ngũ luân, cũng tức cha – con có tình thân, vua – quan thì có nghĩa, chồng – vợ có khác biệt, trưởng – ấu có thứ tự, bạn – bè có điều tin. Họ xem lợỉ ích xã hội cao hơn lợi ích cá nhân, do đó không tiếp thu chủ nghĩa cá nhân vô hạn độ của Mỹ” [36].
Ông Lý Quang Diệu nêu rõ một số ý kiến về kết quả thực tế về giá trị quan Nho giáo đưa lại: “Từ kinh nghiệm quản lý nước Singapore, đặc biệt là trong những ngày gian khổ từ năm 1959-1969 khiến tôi tin tưởng sâu sắc rằng, nếu không phải là đại bộ phận nhân dân Singapore, đặc biệt là trong đại bộ phận nhân dân Singapore được hun đúc giá trị quan của Nho học thì chúng tôi không có cách gì có thể khắc phục được những khó khăn và trở ngại đã vấp phải” [37]. Năm 2005 ông Vũ Khiêu của Việt Nam lại khẳng định: “…ngày nay, khi nền văn hóa phương Đông buộc phải giao thoa với nền văn hóa phương Tây, những quốc gia nào cứ khư khư ôm lấy Khổng giáo thì tất sẽ rơi vào thế bị động, thậm chí suy thoái”[38]. Không biết ông Vũ Khiêu dựa vào nghiên cứu nào mà có kết luận như vậy?
Cũng tại hội nghị trên ông Cốc Mục, Hội trưởng Hội nghiên cứu Khổng học Trung Quốc cũng đã nói triển vọng của Nho học – Nho giáo trong phạm vi quốc tế: “Nho học, văn hóa truyền thống cổ xưa của phương Đông này có khả năng thu hút được giá trị mới, gây được ảnh hương tích cực trong sự phát triển mới của xã hội loài người trên thế giới ở một khu vực rộng lớn” [39].
Năm 1995, Hội nghị quốc tế về Nho giáo tổ chức tại Bắc Kinh đã bầu ông Lý Quang Diệu làm Chủ tịch Hội Khổng học thế giới.
Một điểm đáng lưu ý là từ năm 1911 Richard Wilhelm (1873-1930) đã dịch Luận ngữ sang tiếng Đức và năm 1916 ông lại cho xuất bản tác phẩm Mạnh tử cũng được dịch và chú thích sang tiếng Đức. Năm 1925, ông xuất bản hai tác phẩm: “Khung-tse, leben und werk” (Khổng tử, cuộc đời và tác phẩm) và “Kongfuzius und der Kongfuzianismus” (Khổng tử và Nho giáo)
Vấn đề nghiên cứu Nho giáo ở Việt Nam
Nho giáo góp phần quan trọng trong việc kiến tạo ý thức dân tộc ta, nhưng sau khi thực dân Pháp xâm chiếm nước ta và nhất là sau khi triều đình nhà Nguyễn bãi bỏ nền thi cử chữ Hán (Khoa thi Hương cuối cùng năm 1918 và khoa thi Hội cuối cùng năm 1919) nên nhận thức về Nho giáo của giới sĩ phu cũng thay đổi “Nào có nghĩa gì cái chữ Nho/ Ông cống, ông nghè cũng nằm co/ Chi bằng đi học làm thầy phán/ Tối rượu sâm bánh, sáng sữa bò- Chữ Nho: Trần Tế Xương). Từ đây bắt đầu xuất hiện những tiếng nói công kích Nho giáo.
Trong bài diễn thuyết “Lý tưởng của thanh niên Việt Nam (in lại trên Chuông rè số 5 và 6/1923) với góc nhìn của một trí thức Âu học, Nguyễn An Ninh cho rằng tư tưởng Khổng giáo đem lại trật tự an vui cho dân chúng, nhưng không phải là lý tưởng cao nhất cho hiện tại, trái lại tạo ra những thói tệ cho xã hội. Trong khi đó báo Khai hóa (Bắc Kỳ) và Đông Pháp thời báo (Nam Kỳ) trong năm 1925 lại cổ xúy cho Nho giáo, với lý do Nho giáo đã tạo ra văn hiến cho Việt Nam. Đây có lẽ là những bài viết đầu tiên báo hiệu sự ra đời của xu thế luận bàn về Nho giáo.
Phái phê phán Nho giáo có đại diện tiêu biểu là Phan Khôi (1887-1959). Phan Khôi là một người xuất thân từ Nho học và đã thi đỗ tú tài Hán học. Quan điểm rõ nét của Phan Khôi về Nho giáo xuất hiện từ bài “Học thuyết về đạo đức của Khổng phu tử” (đăng 2 kỳ trên tạp chí Hữu Thanh, 1924). Tiếp đó là bài “Chánh trị gia khấu đầu chi Khổng tử” (cho tờ Quần báo chữ Hán tại Chợ Lớn, đầu 1929). Bài viết ấy đã nêu trạng thái ngập ngừng tôn Khổng/ đả Khổng ở Trung Hoa đương thời, nhân đó nêu yêu cầu thảo luận về di sản Khổng giáo ở Phương Đông cả Trung Hoa lẫn Việt Nam.
Cuối năm 1929, Phan Khôi viết 21 kỳ báo dưới tiêu đề “Cái ảnh hưởng Khổng giáo ở nước ta” (trên báo Thần chung) bắt đầu khiến độc giả các giới quan tâm. Đặc biệt những năm 1931-1932, ông viết nhiều bài về các vấn đề liên quan đến di sản Nho giáo (tập trung trên báo Phụ nữ tân văn) như hôn nhân gia đình, thái độ đối với phụ nữ, thanh niên, người đi học,v.v…Từ những năm 1930-1940, Phan Khôi viết cho nhiều báo khác nhau, phê phán những đặc điểm của giới nhà Nho: thiếu khoan dung, thủ cựu, thù địch với cái mới, nhất là thù địch với dân chủ.
Các sáng tác của Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố,… và nhóm Tự lực văn đoàn cũng phê phán Nho giáo.
Phái bênh vực Nho giáo mà đại diện tiêu biểu là Trần Trọng Kim (1883-1953). Ông đã viết tác phẩm Nho giáo. Do tập trung vào lịch sử Nho giáo Trung Hoa, cho nền phần lịch sử Nho giáo Việt Nam chỉ sơ lược, nên đây là một tài liệu tham khảo tốt về lịch sử Nho giáo Trung Hoa.
Ngay sau khi xuất hiện bài viết của Phan Khôi trên báo Thần chung, một tác giả ký tên Hoàng Sơn đã viết 8 bài, cũng cho báo Thần chung (tháng 1/1930) công kích lại các luận điểm của Phan Khôi. Đến năm 1938, Đào Duy Anh (1904-1988) trong Khổng giáo phê bình tiểu luận do Quan Hải tùng thư (Huế) in cũng nhận xét Phan Khôi chỉ phê bình nhưng không có giải pháp khắc phục Nho giáo[40].
Năm 1954 nước Việt Nam được chia thành hai miền và theo hai thể chế khác nhau. Ở miền Nam, vào năm 1958, Tổng thống Ngô Đình Diệm ra lệnh thành lập Hội Khổng học trên tất cả các tỉnh thành để tiếp tục duy trì, quảng bá đạo đức cương thường của tổ tiên. Nhân dịp này ông Trần Đình Tân (1893-1979)- Cử nhân khoa Ất Mão (1915), quê Tuy Phước, Bình Định- có sáng tác bài thơ Đường luật với nhan đề “Tôn chỉ mục đích Hội Khổng học”: “Thế tục nhơn tình ngắm đã suy/ Lập nên Khổng hội để duy trì/ Căn nguyên đạo đức tô bồi lại/ Nền tảng luân thường tiếp tục xây/ Nương gậy thánh hiền cho vững gối/ Mài gươm nhân nghĩa sẳn cầm tay/ Dùng khoa giáo huấn thay kiềm kẹp/ Viện lẽ càn khôn dạy hợp bầy”.Triết lý giáo dục của miền Nam dựa trên ba nền tảng: Nhân bản- Tự do- Khai phóng.
Ở miền Bắc “những gì được xem như gắn với ‘tư tưởng phong kiến’ đều bị coi là lạc hậu, cần tránh xa, cần chống lại”. Khẩu hiệu “Tiên học lễ hậu học văn” cũng không dám nhắc đến “Năm 1973, nhà giáo Nguyễn Lân (1906-2003) viết bài “Có nên vận dụng phương châm ‘Tiên học lễ hậu học văn’ trong việc giáo dục thế hệ trẻ của ta ngày nay không?” (đăng tạp chí “Văn hóa Nghệ thuật” ở Hà Nội, số 31 tháng 7/1973)…Ngay sau khi bài báo này xuất hiện, trên báo “Tiền phong” của T.Ư. Đoàn (số 2351 ra ngày 16/8/1973) có bài báo dài của tác giả Thanh Bình nhan đề “Quét sạch những tàn dư tệ hại của Khổng giáo” với những kết luận chém đinh chặt sắt: “…chúng ta không thể dung hòa được với Khổng giáo cùng với hệ tư tưởng phản động và bảo thủ của nó”,… “chúng ta phải kiên trì đấu tranh để quét sạch nó ra khỏi mọi lãnh vực của đời sống xã hội như quét sạch những đống rác bẩn vậy”.
Tiếp theo bài này, báo “Tiền phong” còn định ra cả một loạt bài khác nữa để công kích sự đề xuất kể trên của nhà giáo Nguyễn Lân, nhưng Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã can thiệp dừng lại [41]
Gần đây ở Việt Nam việc nghiên cứu Nho giáo lại có chiều hướng mở rộng với các học giả Trần Văn Giàu, Nguyễn Khắc Viện, Vũ Khiêu, Nguyễn Tài Thư, Quang Đạm, Lê Sĩ Thắng… riêng giáo sư Nguyễn Tài Thư thuộc Viện Triết học là thành viên tham dự Hội thảo quốc tế về Khổng Tử tại Bắc Kinh năm 1994.
Ý kiến của các nhà nghiên cứu Việt Nam nói trên có điểm không thống nhất ngay từng học giả riêng biệt cũng không nhất quán, hiện tại không giống trước kia. Bài viết “GS Vũ Khiêu- Học chữ để làm người” đăng trên chuyên mục Trò chuyện cuối tháng báo An ninh Thế giới số tháng 9/2005 do Hồng Thanh Quang thực hiện. Trong bài viết này, GS Vũ Khiêu vẫn còn mang nặng não trạng “xã hội chủ nghĩa” nên ở phần đầu bài viết ông đã khẳng định chắc chắn như đinh đóng cột: “Tư tưởng Khổng tử thực sự là một tư tưởng bảo thủ”.Cuối bài viết ông kết luận “Nhưng ngay cả tới hôm nay không phải mọi ý tưởng của Khổng giáo đều là lỗi thời. Vấn đề quan trọng là tiếp thu cái gì và tiếp thu như thế nào”. Sao lại có chuyện “tiền hậu bất nhất “ như vậy?
Tuy tuyên bố “Tư tưởng Khổng tử thực sự là một tư tưởng bảo thủ” nhưng ông Vũ Khiêu lại đánh giá cao hai pho sách: “Các pho sách Tứ thư, Ngũ kinh đều dạy người ta cách sống hợp với tư tưởng Khổng Mạnh. Đó cũng là những pho đạo đức học”[42]
Năm 2016 GS.TSKH. Trần Ngọc Thêm phát biểu: “Nho giáo và chữ Lễ trói buộc con người, không cho sáng tạo thì rất rõ. Không sáng tạo thì làm sao phát triển” [43]. Ngày 21/11/2021 tại Hội thảo giáo dục chủ đề “Văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục-đào tạo” do Ủy ban Văn hóa giáo dục của Quốc hội tổ chức, ông Trần Ngọc Thêm đã đề nghị “Cần chấm dứt sử dụng khẩu hiệu “Tiên học lễ hậu học văn” để khai mở tư duy phản biện, giải phóng sức sáng tạo”. Do đâu mà ông có đề nghị trên? Theo ông: “Bởi vì khẩu hiệu “Tiên học lễ hậu học văn” là sản phẩm của nền giáo dục Nho giáo…” [44].
Đại đa số người Việt Nam suy nghĩ “Bỏ ‘Tiên học lễ’ sẽ đào tạo ra những cỗ máy vô tri” [45].
Đề xuất bỏ khẩu hiệu “Tiên học lễ hậu học văn” của ông Trần Ngọc Thêm không phải là đầu tiên. Năm 2012 ông Lại Nguyên Ân cũng đã có đề xuất ấy rồi, nhưng đề xuất ấy không gây tiếng vang, chắc là do ông Lại Nguyên Ân không có học hàm học vị!!! Lý do tại sao ông Lại Nguyên Ân đề xuất bỏ câu khẩu hiệu ấy? Theo ông Lại Nguyên Ân: “Vì nó lời lẽ bằng ngôn từ Hán Việt, không phải lời lẽ thuần Việt(…)Vì nó ngày càng bộc lộ yếu tố vay mượn ngoại lai” hoặc “ Khẩu hiệu ‘Tiên học lễ hậu học văn”- vốn có xuất xứ từ Khổng tử- càng nên được chúng ta sớm chấm dứt sử dụng trong hiện tại”[46]
Nói chung các nhà nghiên cứu chỉ tập trung phân tích sâu sắc ảnh hưởng tích cực và những hạn chế của Nho giáo ở Việt Nam. Nội dung nghiên cứu của Nho học và Nho giáo trong gần thập niên 90 của thế kỷ trước chủ yếu là tìm hiểu hệ thống giá trị của Nho giáo, sự bất lực của nó đối với xã hội trong thời gian khoảng hơn thế kỷ vừa qua. Trên thực tế các nhà nghiên cứu Việt Nam chưa đề cập nhiều đến vấn đề lịch sử phát triển của Nho giáo ở Việt Nam và đặc điểm Nho giáo Việt Nam giống và khác với Trung Quốc ở điểm nào [47].
Giữa các quốc gia dân tộc trên thế giới đều có sự giao thoa văn hóa, cho nên chúng ta không nên cực đoan, bảo thủ, kỳ thị cho rằng “vốn có xuất xứ từ Khổng tử” hoặc “sản phẩm của nền giáo dục Nho giáo” hoặc “lời lẽ bằng ngôn từ Hán Việt, không phải lời lẽ thuần Việt” hoặc “bộc lộ yếu tố vay mượn ngoại lai”… Những gì là tinh hoa thì ta tiếp nhận, những gì là lạc hậu, lỗi thời thì ta loại bỏ. Theo ông Nguyễn Thông: “Khi Nho giáo xâm nhập vào nước ta, nội dung ban đầu của Lễ có thể như ông Thêm nói. Nhưng ông và các đồng chí của ông cần hiểu rằng bộ lọc của dân tộc đã gạn đục khơi trong, giữ những phần tốt đẹp, bồi bổ tạo dựng nên những giá trị mới từ món ‘hàng’ nhập. Lễ cũng như nhiều thứ khác đều qua cuộc thanh lọc ấy, nói theo cách của mấy ông bà bây giờ là ‘áp dụng sáng tạo vào hoàn cảnh Việt Nam’, đã đổi mới về chất” [48]
Kế thừa tinh hoa Nho học – Nho giáo hoàn toàn không có nghĩa là quay trở lại với xã hội Nho học – Nho giáo ngày xưa. Xã hội phong kiến đã qua không bao giờ trở lại nhưng những tinh hoa của Nho giáo vẫn là công cụ hữu ích cho quá trình phát triển xã hội ngày nay. Ví dụ để trở thành một cán bộ có năng lực được dân tin yêu phải tuân thủ “bát điều mục” của Nho giáo. Đó là: “Chính tâm- Thành ý- Cách vật- Trí tri- Tu thân- Tề gia- Trị quốc- Bình thiên hạ”. Will Durant có lời khuyên: “Ngày nay cũng như ngày xưa, cho thanh niên hấp thụ nhiều tư tưởng Khổng học, là phương thức tốt nhất cho những dân tộc nào bị nhiễm cái hại của một nền giáo dục thiên về trí dục, luân lý duy đồi, từ cá nhân đến toàn thể dân tộc đều kém tư cách”[49]
Kết luận
Tôi có một anh bạn dạy hợp đồng môn lịch sử tại một Trung tâm Giáo dục Thường xuyên nọ, học viên đa số là công nhân viên chức. Anh bạn tôi kể: Giờ lên lớp đầu tiên khi anh bạn tôi vào lớp học, học viên không đứng lên chào giáo viên. Anh bạn tôi mới mời tất cả học viên đứng lên để chào giáo viên. Sau khi đã an tọa, anh bạn tôi mới nói với tất cả học viên: Tại sao tôi phải nhắc nhở anh chị đứng lên chào khi giáo viên bước vào lớp học? Nếu tôi không nhắc nhở, tình cờ có ai đi ngang qua lớp học họ sẽ nhận xét về tôi: Ông thầy giáo này chỉ biết dạy để đến tháng lãnh tiền mà không biết dạy về Lễ.
Anh bạn tôi kể một câu chuyện khác: Vào một tiết học về Trung Quốc cổ đại, trong giáo trình có đề cập đến Nho giáo ở Trung Quốc. Theo giáo trình thì Nho giáo “lạc hậu, lỗi thời, kiềm hãm sự phát triển của con người”. Anh bạn tôi mới đem “tam tòng” và “tứ đức” trong Nho giáo để hỏi học viên: Theo anh chị “tam tòng” (tại gia tòng phụ; xuất giá tòng phu; phu tử tòng tử) có còn hợp với phụ nữ ngày nay không? Tất cả học viên đồng thanh trả lời: Dạ, không! Anh bạn tôi hỏi tiếp: Vậy “tứ đức” (công- dung- ngôn- hạnh) có còn hợp với phụ nữ ngày nay không? Tất cả học viên đều ấp a ấp úng nhìn nhau, sau đó mới rụt rè trả lời là: Dạ, còn! Anh bạn tôi kết luận: Chúng ta không nên phủ nhận sạch trơn về Nho giáo, những gì lạc hậu lỗi thời của Nho giáo thì chúng ta loại bỏ ra khỏi cuộc sống, những tinh hoa của Nho giáo chúng ta tiếp tục đón nhận và áp dụng vào cuộc sống thường ngày. Như thế mới là tiếp thu văn hóa có chọn lọc.
Để kết thúc tôi xin mượn lời của Will Durant nhận xét về học thuyết tư tưởng Khổng Tử: “Không nên trách Khổng Tử về tất cả những nhược điểm ấy. Không ai lại đòi một triết gia phải suy tư cho hai chục thế kỷ. Trong một đời người làm sao có thể tìm được con đường đưa tới tri thức cho hết thảy các đời sau. Mà rất ít người làm nhiệm vụ ấy một cách đầy đủ như Khổng Tử. Càng hiểu rõ ông, chúng ta càng ngạc nhiên rằng chỉ có một phần nhỏ trong đạo của ông là không hợp với khoa học, với những sự biến đổi do thời gian. Khi ta nhận thấy rằng ngay ở thời đại chúng ta, ông vẫn còn là người chỉ đường chắc chắn cho chúng ta thì chúng ta quên những lời đôi khi hơi nhàm của ông và đức độ quá hoàn toàn của ông làm cho ta có lúc chịu không nổi”[50].
Nguyễn Văn Nghệ
Diên Khánh- Khánh Hòa
Chú thích:
[*]- Bài viết này đã được đăng trên Tạp chí XƯA&NAY số 225, tháng 12/2004, trang 29-31. Nay có sửa chữa và bổ sung.
[1]- Vũ Khiêu, Nho giáo và phát triển ở Việt Nam, Nxb KHXH, 1997, tr.56 – 57 (Vũ Khiêu dẫn lại từ bài “Việc giáo dục đạo đức và Nho giáo ở Nhật Bản” của Hoàng Sơn Mẫn Thu trong cuốn Nho học quốc tế thảo luận hội văn tập Tề Lỗ Thư Điếm, 1987. tr. 1299 – Trung Văn).
[2]-Tài liệu của linh mục Hoàng Văn Đoàn đăng trên tập san Cổ học tinh hoa số đặc biệt của tỉnh Quảng Nam xuất bản năm 1962.
[3][5][6]- Vi Chính Thông, Nho gia với Trung Quốc ngày nay (Nguyễn Huy Quý dịch), Nxb CTQG, Hà Nội, 1996, tr.282; 311; 313
[4]- Will Durant, Lịch sử văn minh Trung Hoa (Nguyễn Hiến Lê dịch), Nxb VHTT, tr.342)
[7][8][9][10]- Vương Hiểu Minh, Bí mật về tám vị Tổng thống Trung Quốc tập II (Trần Khang dịch), Nxb CTQG Hà Nội 1998, tr.333; 332; 333; 333. Câu nói: “học nửa bộ Luận ngữ thì có thể trị vì thiên hạ” có nguyên văn là “Bán bộ Luận ngữ trị thiên hạ”, chính là câu nói của Triệu Phổ (921-991) thời đầu nhà Tống.
[11][19][34][37][39][47]-Phan Đại Doãn (chủ biên), Một số vấn đề Nho giáo Việt Nam, Nxb CTQG, Hà Nội, 1998, tr.272; 8; 8-9; 273; 273; 11
[12]- trithucvn.org/trung-quoc/canh-mo-cua-gia-quyen-khong-tu-bi-dao-trong-thoi-gian-cách-mang-van-hoa.html
[13][21][22][23][24]- Bài viết “Tượng Khổng tử ở Thiên An Môn: lại một chiến lược mới”
– soi.today/?p=26204
[14][20]- nhungnguoibanspsg.blogspot.com/2021/01/the-new-yorker-khong-tu-qui-co-huong.html
[15]- nghiencuuquocte.org/2016/04/23/tai-sao-tap-can-binh-muon-phuc-hoi-khong-tu/
[16]- nghiencuuquocte.org/forums/topic/bai-dien-thuyet-khien-ca-trung-quoc-chan-dong/
[17]- Lưu Hiểu Ba (28/12/1955-13/7/2017) được trao giải Nobel Hòa Bình năm 2010
[18]- minhduc7.blogspot.com/2011/01/tuong-khong-tu-va-cach-mang-van-hoa.html
[25][30]- tuoitre.vn/my-se-dong-cua-tat-ca-vien-khong-tu-cua-trung-quoc-20200907214224772.htm
[26]- basam.vet/2020/08/15/1251-vien-khong-tu-o-ha-noi-tu-tuong-banh-truong-dai-han-cam-giua-thu-do-viet-nam/
[27][31]- vi.wikipedia.org/wiki/Học_Viện_Khổng_Tử
[28]- tuoitre.vn/vi-sao-giang-duong-my-canada-dong-cua-vien-khong-tu-667849.htm
[29]- dkn.tv/the-gioi/thuy-dien-dong-cua-toan-bo-hoc-vien-khong-tu.html
[32]- youtube.com/watch?v=7cXxmAsg3CA (Châu Âu gióng hồi chuông báo tử các Viện Khổng tử của Trung Quốc?)
[33]- vi.wikipedia.org/wiki/Giải_Hòa_bình_Khổng_Tử
[35]-Vũ Khiêu, Sđd, tr.78 – 79.
[36]- Phan Đại Doãn, sđd, tr.272 -273 (Gs Phan Đại Doãn trích lại tài Liệu của GS. Nguyễn Tài Thư, Viện Triết học, thành viên tham gia Hội thảo quốc tế về Khổng Tử tại Bắc Kinh năm 1994).
[38][42]- tapchisonghuong.com.vn/tap-chi/c90/n358/Xin-than-trong-khi-danh-gia-Khong-Tu.html
[40]- heritage.bnf.fr/france-vietnam/vi/confucianisme-article-vi
(bài viết Nho giáo của tác giả Thi Hai Yen Tran)
[41-][46]- vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=19002 (Về khẩu hiệu “Tiên học lễ hậu học văn”)
[43]- https://laodong.vn/archived/gstskh-tran-ngoc-them-giao-duc-hong-chinh-la-do-triet-ly-giao-duc-sai-lam-712932.Ido
[44]- mangxahoi.net/kien-nghi-bo-khau-hieu-tien-hoc-le-hau-hoc-van-giao-su-tran-ngoc-them-noi-gi/
[45]- dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/ban-tre-phan-ung-de-xuat-bo-tien-hoc-le-hau-hoc-van-khong-the-bac-bo-20211126081611003
[49][50]-Will Durant, Lịch sử văn minh Trung Hoa, Nxb VHTT, tr.88; 92.