User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
ongdoxua mh
 
Xưa, đối liễn là thú chơi tao nhã, thông dụng của học trò, bởi trước khi làm thơ, ai cũng phải biết làm câu đối để mừng (việc hỉ), để thờ (tán tụng công đức sự nghiệp Tổ tiên, hoặc các vị thần), để viếng (việc hiếu), tức cảnh (vịnh phong cảnh), thuật hoài (bày tỏ ý chí hoặc tâm sự của mình)…
Đối là một phương tiện để mỉa mai, châm chích, thử tài (nhưng để đoán vận mạng, tương lai), hoặc thể hiện trí thông minh của mình đối với từng sự việc cụ thể, thú vị nhất là những trường hợp đối nhanh (ứng khẩu – tất nhiên phải chỉnh cả chữ, ý lẫn lời).
Ông đồ cho chữ, viết câu đối Tết
Theo lời kể của Đỗ Bằng Đoàn (sinh năm 1908, xuất thân Hán học, bỉnh bút của tạp chí Phương Đông) thì đời Tự Đức, Bá hộ Vọng quê huyện Phong Doanh, tỉnh Nam Định, nhà giàu có, tính ngang tàng và hào phóng, tiêu tiền không biết tiếc. Gặp ngày Tết, suốt nhà trên nhà dưới, trong bếp, ngoài cổng, cho đến chuồng trâu, chuồng gà… chỗ nào cũng dán câu đối đỏ chói. Câu nào cũng xin chữ ông nghè, ông cử, và nhờ các tay chữ tốt viết. Chỉ có chuồng lợn là chưa có câu đối.
Bá hộ Vọng lấy làm bực tức, đã bao phen năn nỉ với các văn nhân nhờ làm cho một câu đối dán chuồng lợn. Ông nào cũng từ chối nói, con trâu cày ruộng làm giàu có cho chủ nhà và trong sách có nhiều điển tích nói về trâu; con gà đầu trống canh năm đã gáy, giục người ta dậy đi ra đồng làm việc, trong sách cũng có nhiều điển tích nói về gà… Còn con lợn chỉ ăn no rồi ngủ suốt ngày, chẳng làm được việc gì ích lợi cho đời. Như thế lấy gì mà tán tụng, nên không ai chịu làm.
Nhưng Bá hộ Vọng vẫn chưa chịu thôi, tự nghĩ rằng ở đời chẳng có việc gì là khó cả, hễ có tiền thì mua tiên cũng được, khó gì câu đối chuồng lợn mà không làm nổi. Một hôm ông ta dò biết Đầu xứ Viêm ở huyện Yên Lão, tỉnh Hà Nam hay chữ, mà làm câu đối rất hay, liền tìm đến nhà kể rõ sự tình.
Ông Đầu xứ vui vẻ nói:
“Ông muốn làm câu đối dán chuồng lợn, tôi làm cho ông mỗi vế 7 chữ. Cứ xin ông mỗi chữ 3 quan tiền”.
Bá hộ Vọng mừng rỡ, đưa ngay đủ số tiền 42 quan.
Ông Đầu xứ nhận tiền xong nói: “Ông hãy về trước, câu đối khó lắm, tôi còn phải nghĩ, cứ để anh người nhà ở lại, hễ làm xong tôi giao cho y cầm về. Tôi xin cam đoan câu đối không hay, có ai chê bai và làm hay hơn, xin hoàn lại ngay đủ số tiền của ông”.
Bá hộ Vọng từ tạ ra về.
Trưa mai ông Đầu xứ gọi anh người nhà vào giao cho một gói giấy, ngoài gói cẩn thận, dặn câu đối đã làm xong, cầm về cho chủ.
Anh người nhà mang câu đối về. Bá hộ Vọng mời các bạn đến thưởng thức, xem câu đối của ông Đầu xứ Viêm làm dán chuồng lợn hay đến bực nào. Khi mở ra mọi người trố mắt nhìn, thấy hai vế câu đối viết trên giấy gạch cua, chỉ có 14 chữ “trường”, chẳng ai hiểu nghĩa ra làm sao cả, cùng nhau bàn tán một lúc rồi bỏ ra về.
Bá hộ Vọng nghĩ tức uất lên suốt đêm không ngủ. Sáng hôm sau dậy thật sớm cùng tên người nhà đem câu đối đến ông Đầu xứ và đòi lại tiền.
Ông Đầu xứ đã biết trước, cứ lẳng lặng để khách nói cho hả cơn giận, đợi khi khách mệt không nói được nữa, mới ôn tồn giảng giải:
“Ông cứ bình tĩnh nghe tôi nói đây. Thiên hạ dốt không hiểu nghĩa câu đối nên họ mới chê. Xin hỏi, người nuôi lợn chủ yếu mong muốn cái gì, có phải mong cho lợn chóng lớn để bán được tiền không?
Nói xong ông cầm bút vòng vào mấy chữ “trường” ở câu đối (chữ trường nghĩa là dài, thêm dấu móc trên đầu thành chữ trưởng nghĩa là lớn), rồi đọc:
Trường trường trưởng trưởng trường trường trưởng,
Trưởng trưởng trường trường trưởng trưởng trường.
Và cắt nghĩa:
Dài dài lớn lớn dài dài lớn,
Lớn lớn dài dài lớn lớn dài.
Bá hộ Vọng đứng ngây ra không biết cãi làm sao. Đầu xứ thấy khách đã xuống nước, bèn chỉ vào mấy vác tiền để trong góc nhà nói:
“Món tiền của ông còn nguyên ở đây, ông về bảo có ai làm được câu đối dán chuồng lợn mà hay như thế này, nhưng cấm ăn cắp ý của tôi, thì tôi xin trả lại số tiền ông, và thưởng thêm cho họ 40 quan nữa”.
Bá hộ Vọng đành mang câu đối về, thuật lại cho mọi người nghe. Ai cũng tức cười, nhưng kết cục không người nào làm được câu đối ngoài ý ấy, nên món tiền 42 quan ông Đầu xứ được hưởng, không ai dám ghen tỵ.
Đối, phải đâu chỉ bằng chữ mà còn bằng… tư thế!
Đến nay, những câu đối cầu kỳ, lắc léo vẫn còn được truyền tụng khá nhiều. Chúng ta cùng đọc lại một số câu của những “tay tổ” với những tư thế đối thật rắn mắc.
* Đối trong lúc… chàng hảng đứng:
Tương truyền, do bị trượt chân té bất ngờ, để chữa thẹn trước bọn học trò con trai đang cười rộ chế giễu, “bà chúa thơ nôm” vẫn ở tư thế bẹt hoác ấy, đọc ngay:
Giơ tay với thử trời cao thấp,
Xoạc cẳng đo xem đất vắn dài.
* Đối lái để trừng phạt kẻ …“đái lối”:
Một cụ bà ở xã Hội An (huyện Chợ Mới, An Giang – đã qua đời năm 1988), lúc còn sinh tiền có kể lại cho kẻ viết bài này một giai thoại đối lái rất thú vị mà chính bà là người trong cuộc - lúc còn là một cô thôn nữ xinh đẹp. Chuyện rằng, một hôm đang cùng với người chị em bạn chèo ghe trên sông Tiền, bỗng có một giọng nam từ ghe sau đưa tới:
Hai cô ơi! Hai cô biết vàm “Định Mù” ở đâu chỉ dùm, hai cô? 
Kèm theo là một giọng cười đắc ý, thiếu nghiêm túc.
Cô chèo mũi vừa quay mặt lại “tham khảo” thi cô chèo lái (bà cụ) đã nhanh trí chỉ giúp:
Mấy anh “né mặt” thì thấy liền.
 
Bị thách đối bằng một đòn tấn công bất thần nhưng các cô không chút lúng túng, lại tỏ ra hết sức thông minh, đã lịch sự phản công và phản công thắng lợi một cách trọn vẹn, khiến các chàng “gây sự” rắp tâm “đái lối” (“Định Mù”) bị “đối lái” (“né mặt”) bất ngờ, nên không thể không nể mặt! Trong trường hợp này, các cô thôn nữ có thua gì các nữ tác gia!
 
* Đối bằng cách nằm lăn trước sân:
 
Có lần vua Thánh Tông ra chơi chùa, ông Trạng Lương đi theo. Vua ra vế đối rằng:
 
Đường thượng tụng kinh, sư sử sứ.
(Trên thềm tụng kinh, sư sai sứ)
 
Trạng giả cách say rượu nằm lăn ra sân, và xin cho gọi bà Trạng vào dìu ông về. Vua lập tức cho dời phu nhân lại nâng ông dậy, ông liền tâu rằng: “Đó là thần muốn đối vế đối bệ hạ ra đó thôi”, rồi ông đối:
 
Đình tiền túy tửu, phụ phù phu.
(Trước sân say rượu, vợ nâng chồng)
 
Vua cả cười, thưởng cho nhiều lắm! (Kiến văn tiểu lục – Lê Quý Đôn).
 
*
 
Câu đối hay khiến quan triều đình phải một phen... lên ruột!
 
Lê Thánh Tông là một bậc anh quân (1460 - 1497), chẳng những sửa sang được nhiều việc chính trị quan trọng, đánh Lão Qua, dẹp Chiêm Thành, làm cho nước nhà được lừng lẫy, cường thịnh, mà còn là người rất có tài về văn học, và làm cực thịnh nền văn học nước nhà. Chính ông dã thành lập và làm Nguyên súy hội văn học "Tao đàn nhị thật bát tú".
 
Ông là tác giả của nhiều tập thơ chữ Hán, chữ nôm và nhiều bài đề vịnh phong cảnh. Do rất quan tâm đối sống dân nghèo nên thơ văn ông không bó hẹp trong cung vàng điện ngọc, mà lại thường gởi gắm lâm tư, tình cảm mình vào những đề tài rất mực tầm thường như thằng mõ, thằng ăn mày, thằng bù nhìn, cái chổi, con cóc, cái nón v.v...
 
Ông đồ viết câu đối dịp Tết
 
Tương truyền tối Ba Mươi Tết, ông giả làm người học trò, kín đáo vi hành các nẻo đường phố ở kinh đô để dạo chơi và đọc câu đối Tết để rõ dân tình. Đến nhà một người thợ nhuộm, thấy không có dán câu đối, "người học trò" ấy bèn vào thăm hỏi, và viết cho một câu đối:
 
Thiên hạ thanh hoàng giai ngã thủ,
Triều trung ngô tử tống ngô gia.
(Xanh, vàng thiên hạ đều tay tớ,
Đỏ, tía triều đình bởi của ta).
 
Cũng viết cho người thợ dệt nhà gần đó:
 
Tay ngọc lần đưa thoi nhựt nguyệt,
Gót vàng nhẹ đạp máy âm dương.
 
Lại ghé sang một hàng trầu nước, cũng thấy không có dán câu đối, ông viết cho:
 
Nếp giàu quen thói kinh cơi, con cháu nương nhờ vì ấm,
Việc nước ra tay chuyển bát, Bắc Nam đâu đấy lại hàng.

(Giầu là nhà giàu có, ở đây cũng có nghĩa là trầu; kinh cơi là phách lối, làm cao, ở đây cũng có nghĩa là cơi trầu; ấm là phúc ấm của cha mẹ để lại cho con, ở đây thêm nghĩa là cái ấm nước; chuyển bát là bắt bẻ, xoay xở, muốn sao cũng được, ở đây hiểu thêm là cái chén đựng nước uống; hàng là đầu thú, quy phục, ở đây thêm nghĩa là cái quán nước).

Câu đối được dán ở cửa. Người hay chữ xúm nhau bàn tán. Mấy ngày sau đồn truyền đến tận triều đình, các quan bèn tức tốc đến xem. Trong khi đó ông Trạng Lương trên đường từ nhà đến chầu, đọc được câu đối ở cửa hàng người thợ nhuộm, và thợ dệt, đang hết sức kinh nhạc, vì rõ ràng đây là khẩu khí của một bậc đế vương, thì ông bỗng gặp các quan cũng đang hoảng hốt không kém. Bởi các cặp câu đối đều chẳng những thể hiện đúng ước nguyện nghề nghiệp riêng của họ, mà còn toát lên khí phách kinh bang tế thế của một người đứng đầu thiên hạ, bèn bảo nhau di dò xét. Mãi, chẳng rõ ai phóng bút, nên đem việc tâu lên. Vua mỉm cười, nhận là mình viết hộ, khiến các quan phải trải một phen lên ruột!
 
Nguyễn Hữu Hiệp
Tân Văn, số 93, tháng 4.2015
 
 

Tìm các bài BIÊN KHẢO khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com