User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
copphat
 
Tuổi Dần con Cọp dữ ghê
Bắt mồi ăn thịt đem về non cao
 
Theo luật tuần hoàn của Tạo hóa, Xuân, Hạ, Thu, Đông xoay vần: Trâu đi thì Cọp đến.
Năm 2022 là năm Dần, năm con Cọp, nó đứng thứ 9 trong 10 Can nên nó còn phải mang thêm một cái tên nữa là Nhâm, nên gọi là Nhâm Dần.
 
Cọp là một mãnh thú thuộc họ nhà Mèo sống rải rác ở rừng rậm, đồng lầy vv… Về hình thể, cọp có chiều dài từ 1,5 đến 2,7 mét, chưa kể đuôi dài từ 60 đến 90cm, cân nặng từ 90 đến 300kg. Giống Siberia lớn nhứt nặng hơn 360kg, dài 4 mét. Cọp sống trong những lãnh thổ rộng từ 20 đến 100 km vuông đánh dấu bằng nước tiểu của chúng.
 
Sinh sản
 
Cọp là loại độc cư, chỉ đến thời kỳ giao phối chúng mới đến sống với nhau. Độ tuổi phát dục của cọp cái khoảng 3 tuổi rưỡi, còn cọp đực thì từ 4 tuổi trở lên. Thời kỳ động đực của cọp diễn ra từ tháng 11 đến tháng 2 năm sau. Cọp cái mang thai khoảng từ 102-106 ngày. Mỗi lứa sanh khoảng từ 2 đến 4 con. Cọp con mới sanh nặng từ 780g đến 1.600g, mở mắt khi được 6 đến 14 ngày tuổi. Tử vong của cọp con khoảng 50% trong hai năm đầu.
 
Cọp thường săn mồi vào ban đêm, bắt những loài vật như trâu, bò, nai, heo… Nó bắt mồi bằng cách cắn chận mạch máu nơi gáy, hay cắn cổ hút máu cho đến khi con mồi kiệt sức. Nó có thể bắt con mồi có trọng lượng gấp ba lần của nó. Nó rất sợ con người, tuy nhiên nếu con người đe dọa hay tấn công nó trước thì nó phải tự vệ, và đôi khi nó giết luôn người để ăn thịt.
 
Da cọp có trên 100 vằn (vện) khoang theo chiều dọc màu đen , nâu, xám, coi như thẻ căn cước cho mỗi con cọp vì không có hai con cọp có vằn giống nhau. Vằn còn dùng như để ngụy trang làm lạc thị giác con mồi. Ngoài ra ta còn thấy cọp màu trắng, rất hiếm, được nuôi trong các gánh xiếc, hay tại Las Vegas (Mỹ) để biểu diễn.
 
coptrang
Cọp trắng
 
Cọp là tiếng bình dân để chỉ con vật đứng sau con Trâu. Hùm là tiếng tượng thanh để chỉ con cọp theo tiếng rống, gầm gừ của loài cọp. Hổ là danh từ Hán-Việt để nói về cọp trong văn chương, thi phú.
 
Sau rồng (Thìn), tượng trưng cho vương quyền, linh ứng; Cọp tượng trưng cho sức mạnh, tung hoành, mãnh liệt. Cụ Nguyễn Du đã tả cái oai phong của Từ Hải bằng: “Râu hùm hàm én mày ngài, Vai năm tất rộng thân mười thước cao“. Hùm hay Cọp là chúa tể rừng xanh, nhứt là ở Châu Á.
 
Dân quê tôn cọp thành Thần nên mới có Thần Hổ. Như vậy Thần Hổ oai ngang Thần Hoàng là vị Thần được sắc phong của vua ban cho để bảo vệ làng xóm và được dân làng tôn thờ. Cọp uy hiếp mọi loài kể cả con người. Cọp hay Hổ nhờ vậy là biểu hiệu cho thành công, thống lĩnh nên ta thấy các thương hiệu như „Dầu Cù Là Con Cọp“, „Bia Con Cọp“, dầu xăng Con Cọp (Esso). Cọp cũng dùng đặt tên cho một đội thể thao như Detroit Tiger hay cả đến một biểu hiệu quốc gia như Royal Bengal Tiger để chỉ Ấn Độ.
 
Cọp hoang dã
 
Hiện nay, cọp có nguy cơ bị tuyệt chủng vì nó đang bị đe dọa do nạn săn bắt, buôn bán trái phép, nạn phá rừng làm mất môi trường sống và suy giảm thức ăn. Số lượng cọp hoang dã trên toàn cầu đã và đang bị suy giảm nhanh chóng. Về số lượng các loài cọp còn tồn tại trên thế giới có nhiều con số thống kê ước tính khác nhau, sai biệt từ 3.000 đến trên dưới 4.000 con được cho là sống trong tự nhiên, so với trước đây một thế kỷ là 100.000 con.
 
Ngoài Nga, có 12 Quốc Gia còn có số cọp hoang dã đang sống là Bangladesh, Bhutan, Kampuchia, Tàu, Ấn Độ, Indonesia, Lào, Malaysia, Miến Điện, Nepal, Thai Lan và Việt Nam.
 
Cọp nuôi nhốt
 
Hiện người ta ước tính có hơn 5.000 con cọp bị nuôi nhốt tại Tàu cộng, 1.000 con tại Thái Lan, 400 con tại Lào (nuôi cọp tại Lào rồi chuyển qua Nghệ An - Việt Nam).
 
Ngày 04.08.2021, công an tỉnh Nghệ An và các đơn vị liên quan đã đồng loạt bất ngờ khám xét hai gia đình ở xã Đô Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An vì đang nuôi trái phép 17 con cọp có nguồn gốc từ Lào. Bà Hồ Thị Thanh (31 tuổi) nuôi 14 con, trọng luợng trung bình từ 200kg đến 270kg. Còn bà Nguyễn Thị Định (50 tuổi) xóm Phú Xuân, xã Đô Thành nuôi 3 con.
 
Để nuôi cọp, hai gia đình này đã xây dựng hệ thống tầng hầm ngay trong khuôn viên gia đình. Trung bình mỗi hầm rộng từ 80 đến 120m2, chia ra từng chuồng với song sắt kiên cố để nhốt từ
con cọp riêng biệt.
 
hethongchuongcop
Hệ thống chuồng sắt dưới các hầm nuôi cọp
 
Khi bị hỏi cung, hai gia đình này khai số cọp này được đưa từ Lào về khi cọp còn nhỏ. Công an cho biết là số cọp này sẽ được gây mê, bỏ vào chuồng sắt, dùng xe chuyển tới khu nuôi đặc biệt dành riêng cho thú hoang dã ở huyện Diễn Châu (Nghệ An). Còn chủ hai gia đình nuôi cọp đang bị điều tra liên quan tới việc nuôi nhốt cọp, động vật hoang dã trái phép. Đây là vụ nuôi cọp trái phép lớn nhứt Nghệ An từ trước tới nay.
 
Ngoài ra còn có nhiều trại nuôi cọp của đám tài phiệt ở các nước, nhiều nhứt tập trung ở Châu Á. Trong 10 năm qua, nghề nuôi nhốt cọp đã phát triển nhanh chóng. Tại sao? Tại vì đó là một ngành có lợi nhuận cao núp dưới vỏ bọc là bảo tồn loài cọp, nhưng thực chất là nuôi cọp để mua bán phi pháp các bộ phận của cọp, từ da, thịt đến xương, và nhứt là xương để nấu cao hổ cốt, một lời mười hay nhiều hơn nữa?
 
Sơ lược diễn tiến chọn xương, làm sạch để nấu cao hổ cốt
 
a)- chọn xương: Nấu cao hổ cốt tốt nhứt phải có 5 bộ xương. Mỗi bộ xương tốt nhứt nặng trên 10kg.
 
b)- làm sạch: Phải bỏ hết thịt, gân và tủy bằng cách ngâm xương với nước loãng hoặc đem luộc với lá đu đủ non. Nếu không làm sạch, nấu xong để một thời gian sẽ sinh giòi, có thể gây ngộ độc cho người dùng.
 
Người dân miền núi từ lâu đời đã làm theo phương thức truyền thống là cho xương vào rọ, đem ra suối ngâm độ hai tháng cho rữa hết thịt, gân bám ở xương rồi đem xương phơi ở chỗ râm độ vài ba tháng nữa. Khi nào ngửi bộ xương không còn mùi nữa là được. Cách này rất tốt, nhưng mất quá nhiều thời gian.
 
c)- Cô đặc: Người ta nói không thể nấu được cao xương hổ nguyên chất vì không thể đúc khuôn được vì cao bị nhão. Người ta phải pha thêm xương dê núi (sơn dương) với tỷ lệ 05 bộ xương hổ + 01 bộ xương sơn dương.
 
Ở giai đoạn cuối, cứ 01 kg xương sau khi đã chế biến theo đúng cách sẽ cô đặc được độ 200g cao. Hiện tại, giá 100g cao hổ cốt độ 20 triệu đồng (750€) (1€= độ 27.000 đồng).
 
Ta hãy làm một bài toán tính xem một bộ xương cọp độ 10kg, sau khi làm sạch còn lại độ 8kg xương. Nấu cô đặc còn lại độ 1600gm cao (200g x 8 = 1600gm)
 
Cứ 100gm cao, giá 20 triệu đồng, 1600gm, 16 lần nhiều hơn (20 x 16) = 320 triệu đồng (12.000€). Ngoài bộ xương ra, còn da và thịt bán cũng không phải ít tiền. Lợi như vậy nên có một số người giàu có chọn nghề nuôi cọp chui (trái luật).
 
Ở Việt Nam nuôi cọp bị cấm, nhưng bà Thanh và bà Định vẫn nuôi được 17 con trong khuôn viên nhà mình trong mấy năm trời không sao cả. Nhưng bất ngờ hai bà bị công an bắt. Tại
sao?
 
Tại vì hai bà ỷ có những cây dù quyền lực ở Trung Ương bao che, nên hai bà lờ đi cái thế lực ở địa phương, quên đi cái nguyên tắc thủ tục „đầu tiên“ với các quan đảng địa phương, quên đi câu „Rừng nào cọp nấy“ nên hai bà bị bắt, bị cưỡng thu 17 con cọp và có thể sẽ bị ngồi tù vv….
 
Rượu cao hổ cốt
 
Rượu cao hổ cốt đựng trong chai bày bán Theo dược học cổ truyền, cao hổ cốt vị mặn, tinh ấm, có công dụng bổ dương, giảm đau, làm mạnh gân cốt, chữa các chứng tê thấp, đau nhức gân xương, đi lại khó khăn, chân tay co quắp, suy nhược cơ thể vv… Giá quá đắt, người dân làm chủ, bần cùng khố rách áo ôm, làm ngày chưa đủ, phải tranh thủ làm đêm mà chưa đủ tiền mua gạo nuôi vợ, nuôi con còn nghĩ gì tới cái loại rượu quý này, chỉ có đám đảng viên đầy tớ dân, đại tư bản đỏ do tham nhũng mới có tiền mua.
 
Cọp trong văn chương
 
Rất nhiều tác phẩm văn chương, những truyện ngụ ngôn, nói về cọp, như truyện ngụ ngôn Cọp và Trí khôn Con người, Ngũ Hổ Tướng trong Tam Quốc Chí của La Quán Trung, tiểu thuyết Cọp Trắng, và đặc biệt trong bài thơ Nhớ Rừng của Thế Lữ:
 
Nhớ cảnh sơn lâm, bóng cả, cây già
Với tiếng gió gào ngàn, với giọng buồn hét núi
Với khi thét khúc trường ca dữ dội
Ta bước chân lên, dõng dạc, đường hoàng
Lượn tấm thân như sóng cuộn nhịp nhàng
Vờn bóng âm thầm, lá gai, cỏ sắc
Trong hang tối, mắt thần đã quắc
Là khiến cho mọi vật đều im hơi
Ta biết ta là chúa tể muôn loài
Giữa chốn thảo hoa không tên, không tuổi
Nào đâu những đêm vàng bên bờ suối
Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan
Đâu những ngày mưa chuyển bốn phương ngàn
Ta lặng ngắm giang sơn đổi mới…
 
Cọp, hay Hổ trong ngôn ngữ Việt Nam
 
Tiếng Việt có nhiều tục ngữ (tng), thành ngữ (thng) v.v… có liên quan đến cọp như:
 
* Cọp ngã, lắm kẻ cầm dao (tng): Một tham quan hay cường hào còn đương thời ai cũng sợ. Nhưng khi kẻ đó ngã ngựa, bị cách chức thì vô số đơn tố cáo gửi đến quan trên.
 
* Cọp Khánh Hòa, Ma Bình Thuận (thng): Xưa ở Khánh Hòa có nhiều cọp, Bình Thuận có nhiều
ma.
 
* Hổ tử lưu bì, nhơn tử lưu danh (thng): Cọp chết để da, người ta chết để tiếng.
 
* Hổ tử hùng tâm tại (thng): Cọp tuy chết, khí dữ vẫn còn. Người anh hùng tuy chết, danh không chết, tiếng vẫn còn.
 
* Mãnh hổ nan địch quần hồ: Con cọp tuy mạnh, vẫn không chống nổi một bầy chồn cáo. Ý nói lên sự đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết.
 
* Hùm Thiêng Yên Thế: Biệt danh của Cụ Hoàng Hoa Thám (1858 – 1913), là người đứng lên lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Yên Thế chống thực dân Pháp trong 28 năm (1885 – 1913). Tuy không thành công, Cụ bị Pháp giết. Cụ chết vì nước, chết vì dân, chết đấng nam nhi trả nợ trần. Cụ chết nhưng danh không chết, Tổ Quốc Ghi Ơn.
 
Lời cuối
 
Trong những thành ngữ và tục ngữ Việt Nam nói về hùm hay hổ, tôi thích nhứt là câu:
 
„Đuổi hùm cửa trước, rước sói cửa sau“
 
Tại sao tôi thích? Tại vì nó phù hợp với hiện tình đất nước của tôi hiện nay dưới sự thống trị của đảng Việt cộng.
 
Trong công cuộc gọi là „giải phóng đất nước“, đảng Việt cộng gọi Mỹ là kẻ xâm lược, là hùm. Sau 30.04.1975, khi cưỡng chiếm được miền Nam, tức là đã đuổi được hùm cửa trước rồi, thì đảng liền rước Tàu cộng là sói vào cửa sau, là thế lực xâm lược mới, là ông chủ mới. Sói nó còn tàn nhẫn, dã man, vô nhân, cướp đảo, cướp đất vv… hơn hùm cả triệu lần.
 
Sang năm 2022, tôi sẽ bước qua tuổi 93, không biết ngày nào tôi sẽ giũ sạch hết tạm giả để nhẹ gánh ra đi, vì vậy kính xin quý vị vui lòng thay mặt tôi sẽ tham dự ngày Đại Hội Phục Quốc Vinh Quang của Đất Nước sau khi toàn dân vùng lên như Hùm như Hổ lật đổ cái đảng Việt cộng
buôn dân bán nước , tống cổ con Sói cộng Tàu ra biển Đông trôi về Tàu, cùng nhau xây dựng lại
đất nước thật sự Tự Do Dân Chủ. Mong lắm thay.
 
Chuyện Hùm Hổ thì dài, viết hoài không hết. Tôi xin dừng bút ở đây, sang năm mới Nhâm Dần, trân trọng kính chúc quý vị độc giả báo Viên Giác thân an, tâm lạc, mọi việc đều được thuận duyên trong cuộc sống ly hương.
 
Chúc Mừng Năm Mới
 
Laatzen ngày 30.10.2021
Tích Cốc Ngô Văn Phát
Cựu tù nhân „cải tạo“ ở Hoàng Liên Sơn-Bắc Việt
 
 

Tìm các bài BIÊN KHẢO khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com