Bài chòi là loại cờ bạc cò con của giới bình dân, y như lô tô rao ra rả trong các hội chợ ở ngoại thành, ở miền quê. Thế thì, bài chòi có gì mà ầm ĩ?

Chị Hiệu hô bài. (Hình: Thanh Mận)
Vâng bài chòi là trò chơi có thưởng nhưng không ăn thua sát phạt. Bài chòi mang trong lòng nó loại hình văn hóa dân gian truyền khẩu duy nhất còn sót lại ở Việt Nam và cũng chỉ rải rác ở 11 tỉnh duyên hải miền Trung, nằm trọn trong cương giới Đàng Trong thời Trịnh Nguyễn. Chơi bài chòi là thú vui thanh nhã, đắm mình trong không gian dân dã, giai điệu quê hương.
Khu Hội Bài Chòi là một bãi đất rộng nằm giữa lòng thành phố Hội An cổ kính, tỉnh Quảng Nam, nằm ngay bên sông Hoài thơ mộng. Chỉ cách Chùa Cầu một đoạn ngắn là điểm giao nhau của ba con đường và cũng ngay sát chân cầu bắt qua sông Hoài để vào phố cổ. Khi trời vừa tắt nắng, những ngọn đèn hoa lung linh trên phố cổ, sông Hoài thì tiếng trống nhạc khai Hội Bài Chòi giòn giã trỗi lên.

Chị Phó Hiệu trình quân bài mới ra theo lời hô của chị Hiệu. (Hình: Thanh Mận)
Thú chơi thuần Việt
Trên vuông đất ấy có một cái chòi lá lớn ở giữa và hai bên là 10 chòi lá nhỏ nối nhau theo hình chữ khẩu. Người chơi ngồi trong 10 chòi con hoặc trải chiếu ngồi lấn ra khoản sân.
Chòi chính giữa và khoảng sân trong lòng chữ khẩu là sân khấu lộ thiên danh cho anh chị Hiệu (những MC điều khiển cuộc chơi và hô bài hát), anh chị Phó Hiệu (giúp việc cho anh chị Hiệu phát bài và trao cờ cho khách chơi). Một thành tố không thể thiếu của Hội Bài Chòi là ban nhạc gồm trống, phách, kìm, nhị và có thể có cả kèn.
Giữa căn chòi lớn có cây cột treo bộ bài chòi có 33 lá gồm ba pho với những cái tên ngộ nghĩnh. Pho Văn có chín cặp: Chín Gối, Nhì Bánh, Ba Bụng, Tứ Tượng, Ngũ Rún, Sáu Miểng, Bảy Liễu, Tám Miểng, Chín Gan.
Pho Vạn có chín cặp: Nhất Trò, Nhì Bí, Tam Quăng, Tứ Ghế, Ngũ Trợt, Lục Chạng, Thất Vung, Bát Bồng, Cửu Chùa.
Pho Sách cũng có chín cặp: Nhất Nọc, Nhì Nghèo, Ba Gà, Tứ Xách, Ngũ Dụm, Sáu Bường, Bảy Thưa, Tám Dây, Cửu Điều.
Ngoài ba pho còn có ba cặp “yêu”: Ông Ầm, Thế Tử, Bạch Huê.

Một lá bài có ba con bài. (Hình: Thanh Mận)
Chưa ai giải nghĩa được những cái tên vui nhộn của các con bài này. Nhưng điều rõ nhất là nó thể hiện ngôn ngữ, bản sắc của người Việt dân giả chứ không phải mượn tên Tàu như các loại bài tổ tôm, tứ` sắc. Bài chòi còn đậm chất Việt hơn nữa vì hầu hết các câu thai hay ca dao được hô tên con bài đều là thơ lục bát. Thể loại đặc biệt Việt Nam.
Mỗi lá bài vừa viết tên vừa vẽ hình trên giấy bằng những nét ngoằn ngoèo hình tượng và dán vào thanh tre hoặc gỗ bỏ trong ống treo giữa căn chòi chính để mọi người đều trông thấy.
Mỗi người chơi có thể nhận từ một đến nhiều thẻ bài, mỗi thẻ có ba con bài không trùng lặp nhau.
Luật chơi rất đơn giản nhưng sinh động và vui nhộn. Mỗi cuộc chơi bắt đầu bằng những hồi trống nhạc và lời hô rao long trọng của anh chị Hiệu. “Trống kia đã điểm, cờ đỏ đã phát xong. Hiệu đâu. Hãy giữ bài tì đó nghe!”
Tiếng trống giục giã. Anh chị Hiệu rút ngẫu nhiên ra con bài và bắt đầu hô mở màn: “Gió xuân lay lắt cành tre, mời bà con cô bác lắng nghe bài chòi!” Tiếp theo là liên khúc kể tên 33 quân bài.

Phút cao trào bài tới. (Hình: Thanh Mận)
Nghệ thuật diễn xướng ứng tác
Điểm hấp dẫn, nghệ thuật của bài chòi chính là lơi hô. Không đọc trực tiếp tên con bài. Anh chị Hiệu dẫn dắt ngân nga bằng câu thai thể hiện tính chất, hình tượng hoặc nội dung gần gũi với con bài bằng các làn điệu dân ca và âm sắc đia phương độc đáo.
Với những khách chơi quen thuộc của địa phương, nghe vài đoạn trong câu thai có thể biết ngay con bài không cần chờ đến gọi tên.
“Bớ anh huơi! Một anh để em ra
Hai anh cũng để em ra
Để em về em buôn em bán
Em trả nợ bánh tráng, em trả nợ bánh xèo
Còn đồng nào em trả nợ thịt heo
Chớ anh đừng cầm em lại mà mang nghèo vì em” (Con Nhì Nghèo)
Hai anh cũng để em ra
Để em về em buôn em bán
Em trả nợ bánh tráng, em trả nợ bánh xèo
Còn đồng nào em trả nợ thịt heo
Chớ anh đừng cầm em lại mà mang nghèo vì em” (Con Nhì Nghèo)
Tùy theo tài năng, trình độ mà anh chị Hiệu có thể ngẫu hứng hát bằng những câu dân ca dao, một đoạn của ca khúc nào đó mang giai điệu dân gian. Những lời hô luôn biến hóa sinh động. Mỗi con bài có thể hô bằng hàng chục cách khác nhau:
“Đầu năm khấn vái tổ tiên
Cầu cho gia đạo bình yên, thuận hòa
Cầu cho sức khỏe mẹ cha
Cầu cho thôn xóm, cửa nhà an vui
Cầu cho con cái nên người
Cầu cho khoai, lúa tốt tươi bời bời
Tân niên cầu một nụ cười
Làm ăn song suốt bằng mười năm qua” (Con Sáu Suốt)
Cầu cho gia đạo bình yên, thuận hòa
Cầu cho sức khỏe mẹ cha
Cầu cho thôn xóm, cửa nhà an vui
Cầu cho con cái nên người
Cầu cho khoai, lúa tốt tươi bời bời
Tân niên cầu một nụ cười
Làm ăn song suốt bằng mười năm qua” (Con Sáu Suốt)

Sân khấu Hội Bài Chòi với anh chị Hiệu và ban nhạc. (Hình: Thanh Mận)
Hoặc là những câu ca dao được cải biên nâng cao tính trào lộng, dí dỏm:
“Có chồng từ thuở mười lăm
Chồng chê tôi nhỏ không nằm cùng tôi
Đến chừng mười chín đôi mươi
Tôi ngủ dưới đất chàng lôi lên giường
Một rằng thương, hai rằng thương
Có bốn cẳng giường gãy một còn ba!” (Con Tứ Cẳng)
Chồng chê tôi nhỏ không nằm cùng tôi
Đến chừng mười chín đôi mươi
Tôi ngủ dưới đất chàng lôi lên giường
Một rằng thương, hai rằng thương
Có bốn cẳng giường gãy một còn ba!” (Con Tứ Cẳng)
Có khi đoạn cuối “Có bốn cẳng giường gãy một còn ba!” được cải biên táo bạo và hóm hỉnh hơn, sẽ được hát đối đáp là:
“Chớ thương chi, thương chi mà HUNG RỨA
Cho bốn cái cẳng giường… nó rung rinh!”
Cho bốn cái cẳng giường… nó rung rinh!”
Biến hóa hơn nữa, nhiều anh chị Hiệu còn tạo ra tình huống ứng tác buông bắt để dẫn đến cái đích bất ngờ là tên con bài.
Thậm chí có những nghệ nhân sáng tác hẳn một tiểu phẩm đối đáp giữa các nhân vật:
“Nữ: Sáng ra đi chợ tất niên
Em đây cầm một quan tiền trong tay
Sắm mua cũng đã đủ đầy
Nào cau nào thuốc, trái cây thịt thà
Độc bình mua để cắm hoa
Hột dưa bánh mứt, rượu trà giấy bông
Tính hoài mà cũng chẳng thông
Chẵn ba trăm sáu chục đồng còn dư
Em đây cầm một quan tiền trong tay
Sắm mua cũng đã đủ đầy
Nào cau nào thuốc, trái cây thịt thà
Độc bình mua để cắm hoa
Hột dưa bánh mứt, rượu trà giấy bông
Tính hoài mà cũng chẳng thông
Chẵn ba trăm sáu chục đồng còn dư
Nam:Vội chi, em cứ thư thư
Anh đây sẽ tính chừ chừ cho em
Sáu mươi đồng, tính một tiền
Mà ba trăm sáu chục đồng nguyên vẫn còn
Vị chi em mới tiêu xong
Cho hột dưa bánh mứt, giấy bông rượu trà
Trái cây, cau thuốc, thịt thà
Độc bình cộng với hương hoa là bốn tiền
Mười tiền ăn một quan nguyên
Một quan còn bốn tính liền khó chi?” (Con Sáu Tiền)
Anh đây sẽ tính chừ chừ cho em
Sáu mươi đồng, tính một tiền
Mà ba trăm sáu chục đồng nguyên vẫn còn
Vị chi em mới tiêu xong
Cho hột dưa bánh mứt, giấy bông rượu trà
Trái cây, cau thuốc, thịt thà
Độc bình cộng với hương hoa là bốn tiền
Mười tiền ăn một quan nguyên
Một quan còn bốn tính liền khó chi?” (Con Sáu Tiền)

Toàn cảnh sân Hội Bài Chòi. (Hình: Thanh Mận)
Nhà văn Võ Phiến từng mô tả không khí độc đáo hô bài chòi như sau “Trong lúc anh hiệu hô, mọi người theo dõi, bàn tán, gặp chỗ thích thú thì cười rần rần như xem kịch xem hát. Trên mỗi chòi ngoài người chơi bài có thể có cả một vài người thân hoặc bạn bè của người ấy. Quanh chòi dân làng kéo tới đông đảo, trai nhân tiện tìm gái để tán, trẻ con nhân dịp khoe quần áo. Chúng ta có thể tưởng tượng khi một đám đông phức tạp như thế – nông phu, đàn bà, trẻ con, v.v. – cùng xúm lại ngắm những hình vẽ loằng ngoằng bí hiểm thì ý kiến nảy ra phong phú biết chừng nào. Ngũ Dụm, Nhất Trò, Ngũ Rún v.v. ra đời trong hoàn cảnh như vậy, ra đời giữa hội vui của đám đông.”
Tên con bài hô xong, chòi nào có con bài thì gõ mõ hoặc đưa tay. Anh chị Phó Hiệu sẽ đến xem bài và trao cho người trúng một lá cờ. Nếu chòi nào trúng ba con bài thì chòi đó “tới.”
Khi có chòi tới, trống nhạc sẽ dồn dập hơn, anh Phó Hiệu sẽ múa một vòng và xoay người dang tay phất lá cờ đỏ. Không khí cuộc chơi lên đến cao trào. Anh Phó Hiệu mang lá cờ nhỏ để trao thưởng cho người trúng.
Từ nhiều năm qua, giá tiền một quân bài ở Hội Bài Chòi Hội An chỉ có 20,000 đồng Việt Nam (gần $1). Phần thưởng cho người thắng cuộc cũng chỉ là món quà có giá trị tinh thần. Người tham dự vui chơi là chính.

Lung linh chợ đêm phố cổ Hội An. (Hình: Thanh Mận)
Khởi nguồn cho sân khấu
Về nguồn gốc bài chòi, có nhiều giả thuyết khác nhau. Theo quan điểm lao động là sáng tạo, có người cho rằng, để chống lại thú dữ, người dân đã dựng chòi ở ven rừng, cắt cử một thanh niên trai tráng canh gác đuổi thú… Trong quá trình ấy, người trên các chòi đã để hát – hô đối đáp nhau, sáng tạo ra cách vừa chơi bài, vừa hô (hát) giữa các chòi với nhau. Mới nghe thì có lý nhưng ngẫm lại các chòi canh rẫy trong rừng phải cách nhau chí ít năm, bảy trăm mét, muốn đối đáp giao thiệp phải dùng đến smartphone hoặc thuật truyền âm nhập mật trong truyện Kiếm Hiệp.
Cách đây hơn 60 năm, nhà thơ Quách Tấn suy nghĩ khác: “Bài chòi đã có từ lâu. Nhưng bày ra điệu hô thì mới độ năm sáu mươi năm nay.” Chơi bài có trước từ lâu, hò hát mới có sau.
Nhà văn Võ Phiến suy luận: “Tôi hay nghĩ đến cảnh đời lưu lạc của những người dân Việt đầu tiên từ Bắc Bộ di cư vào miền Nam Trung Bộ. Họ ra đi, rồi trong một vài thế hệ chắc đã phải lam lũ, vất vả lắm. Đến lúc cuộc sống nơi đất mới trở nên tương đối dễ chịu, thì những điệu hát, trò chơi ở quê cũ ngoài Bắc đã không còn nhớ được cho rõ ràng nữa. Lối đánh bài chòi có lẽ kết hợp những mảnh ký ức về một số lối chơi bài xưa nào đó.”
Nhà Quảng Nam Học Nguyễn Văn Xuân cho biết đã nhiều lần “nghĩ nó chính là bộ môn dẫn khởi cho cải lương sau này.” Đây có thể là suy diễn quá xa nhưng tính chất sân khấu đậm đặc của hô bài chòi là có thật, khởi đầu từ Bình Định, hiện nay mở rộng thêm nhiều tỉnh khác có hát tuồng bài chòi như loại hình sân khấu độc lập.
Ngày xưa, Hội Bài Chòi chỉ tổ chức vào dịp Tết Nguyên Đán, hết Tết là tan hội. Hoặc vào những ngày lễ Kỳ Yên hay các ngày hội của địa phương.
Riêng ở Hội An, sau những bước thăng trầm, từ năm 1998, Hội Bài Chòi đã phục sinh song hành với Đêm Trăng Phố Cổ và phát triển thành đặc sản của không gian văn hóa du lịch.
Ngày 7 Tháng Mười Hai, 2017, tại Phiên họp Ủy Ban Liên Chính Phủ Công Ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 12 của Tổ Chức Giáo Dục, Khoa Học và Văn Hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) diễn ra tại Jeju, Nam Hàn, hồ sơ “Nghệ thuật bài chòi Trung Bộ của Việt Nam” đã được ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Thanh Mận