User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
luanlygiaokhoathu
Luân lý Giáo khoa thư
 
Hiếu đễ là bổn phận thiêng liêng của con cái trong xã hội nông nghiệp chịu ảnh hưởng của Khổng Giáo. Nhiều người vội cho rằng chỉ có người Đông Phương mới hiếu đễ còn người Tây Phương thì không. Sự nhận xét chủ quan này không đúng lắm. Người Tây Phương không đặt nặng chuyện này như người Việt Nam vì các đấng sinh thành quan niệm việc dưỡng dục con cái là bổn phận. Họ làm bổn phận và không cầu vọng sự đền đáp vì cuộc sống của họ tương đối đầy đủ và đảm bảo ngày sau khi không còn làm việc. An sinh xã hội vắng bóng trong một nước nông nghiệp nghèo nàn. Cha mẹ về già không trông đợi vào đâu ngoại trừ sự chăm sóc và trợ giúp của con cái như là một sự báo hiếu. Gia đình giàu có không quan tâm đến chuyện này như gia đình nghèo túng nơi người con từng chứng kiến tận mắt sự hy sinh lớn lao của cha mẹ từ trong miếng ăn hàng ngày lẫn sự nhọc nhằn khi làm ra tiền để cho con cái mình thoát khỏi cảnh nghèo khó.
 
Câu chuyện anh chàng Thiên Trì nào đó có cha mẹ nghèo lại tàn tật. Cha thì què. Mẹ thì mù. Vậy mà cả hai cố gắng cho con ăn học đến thành đạt. Anh chàng này được cha mẹ cho phép gọi bằng chú thím (chuyện tiểu thuyết) để che giấu lý lịch bần hèn của người khoa bảng tiến thân hầu có vợ giàu. Người yêu đầu tiên của anh bỏ anh vì thấy cha mẹ anh nghèo và tàn tật. Vì vậy khi gặp người yêu thứ hai anh tuyệt nhiên không nói gì về cha mẹ mình để được có vợ giàu và không sợ bên vợ khinh khi về nguồn gốc xã hội bần hàn của mình. Sau người vợ phát hiện và âm thầm dùng tàu hỏa vượt núi non đi tìm nhà cha mẹ chồng để rước về nhà hầu hưởng vinh sang phú quí! Cao thượng thay! Chuyện tiểu thuyết lúc nào cũng đẹp. Nàng dâu trong chuyện xứng đáng được giải thưởng Nobel về lòng cao thượng và hiếu đễ hiếm hoi của mình.
 
Chuyện tiểu thuyết này không biết xảy ra vào thời điểm nào ở Trung Hoa. Thời tiền cách mạng Tân Hợi? Thời Quốc Dân Đảng? Thời Cộng Sản?
 
Chúng ta đã gặp Thầy Mười. Đó là người thật và đã chết mất tích ở Đồng Xoài năm 1970. Thầy Mười không làm thầy giáo hay thầy ký chi cả. Thầy có học, mặc Âu phục, đọc và hiểu vài ba câu tiếng Pháp và không làm nghề nông hay lao động tay chân nên được gọi là ‘thầy’ một cách kính trọng, nể nang. Thậm chí người ta không dám gọi tên của thầy mà chỉ gọi thứ của thầy trong gia đình mà thôi.
Thầy Mười là công tử nông thôn. Thuở nhỏ thầy hay ăn cắp tiền của cha, một phú thương tại địa phương. Bị cha quở mắng thầy đáp lại rằng: “Suốt đời cha làm lụng để có nhiều tiền cho con mình được cuộc sống phú túc. Bây giờ con lấy một số thì cha xem đó là phần mà cha chia cho con trước. Có gì đâu mà gọi là ăn cắp?” Thầy Mười tiêu biểu cho hiện tượng nổi dậy. Làng nước rất nễ thầy. Thầy không sợ người, không sợ ma quỉ, Thần Thánh chi cả. Thầy khi dễ anh mình sợ vợ và lên bàn thờ cha thắp nhang từ anh. Không khi nào thầy đủ kiên nhẫn ngồi sòng bạc để đánh bạc. Đi ngang sòng bạc thầy nắm một nắm tiền rút từ túi ra để đặt một hai tụ ăn thua gì cũng mặc rồi bỏ đi. Đó là cách sống ngang dọc của thầy. Trong đời kinh doanh thầy từng là triệu phú trong việc buôn bán gạo và khai thác lâm sản. Cũng có lúc Tết thầy ngủ thay cơm theo đúng câu Qui dort, dine mà thầy học ở nhà trường. Một người có hiện tượng ngang dọc như thầy Mười lại là người hiếu đễ với cha và thương anh hơn bất cứ người bình thường nào mà tôi biết. Ngày thầy cưới một cô giáo trẻ hơn thầy 20 tuổi tưởng chừng là ngày hạnh phúc trông đợi thầy. Ngược lại chính thầy phá tan cái hạnh phúc phù vân ấy vì thầy từ chối không lạy cha mẹ vợ của thầy. Lý do thầy nêu ra là vì khi cha thầy chết thầy không lạy cha được nên bây giờ thầy không lạy ai cả. Tôi không khen hay chê thầy Mười nhưng hành động của thầy cho thấy thầy luôn luôn giữ hình ảnh của cha mình trong tâm. Ở chỗ này thầy Mười vượt xa anh chàng Thiên Trì vì sợ không cưới được vợ mà phải giấu tông tích cha mẹ mình. Ở điểm này người thật cao thượng hơn người tiểu thuyết.
 
Chuyện gì cũng có trên thế gian này. Do đó bên cạnh chuyện hiếu đễ cũng có những chuyện bất hiếu đầy chua chát. Chuyện bất hiếu không lo cho cha mẹ lúc già yếu vẫn không đáng buồn bằng chuyện người ăn học, giàu có và có địa vị xã hội chối bỏ cha mẹ mình. Ở điểm này tôi thấy tổng thống Bush II rất hiếu đễ với cha. Và người em, Jeb Bush luôn luôn thương yêu và kính trọng cha và anh mình chớ không vì dư luận mà chối bỏ cha và anh mình. Dư luận không có tác giả và nguồn gốc nên luôn luôn biến thiên. Sác xuất đúng của dư luận lắm lúc không cao lắm.
 
Nhân lúc nói về chuyện này tôi xin nói qua về một trường hợp khác của một người rất bình thường về nguồn gốc xã hội và trình độ đạo đức nhưng có những ưu điểm khác nên vẫn được ân thưởng từ Thượng Đế.
 
G là tên của người thiếu nữ tôi sắp đề cập. Nàng sinh ra trong một gia đình nghèo đông con. Sự sống của gia đình trông đợi vào sức lao động của một người cha không có tay nghề đặc biệt lại không có sức lao động bền bĩ vì sức khỏe quá kém. Gia đình có nhiều con gái và chỉ có một người con trai trưởng nên được gia đình nuông chiều không làm gì cả mà chỉ lo học hành. Để đứa trẻ dễ nuôi và không bị ma quỉ hay ông bà bắt người ta cho thằng bé mang bông tai và đặt cho cái tên không thuộc giống của nó! G. sớm lăn lóc ngoài đời để lo cho gia đình và xây dựng công danh cho anh và các em nhỏ. Anh G. và một người em gái thành công trong việc học hành. Người anh đậu tú tài và trở thành sĩ quan sau khi thụ huấn ở Thủ Đức. Đến năm 1975 anh là đại úy trong quân đội biệt phái sang Không Quân. Người em gái có tú tài và chuẩn bị lên đại học thì miền Nam thất thủ nên việc học đại học bị dở dang. Những người em còn lại đều học hết bậc trung học đệ nhất cấp. Chỉ có G. học hết lớp nhì mà thôi.
 
G phải mượn tiền bà Năm để có vốn buôn bán ngoài chợ. Theo lời một nhà kinh doanh trong vùng bà Năm xứng đáng là tổng giám đốc ngân hàng quốc gia. Bà không học hành chi cả nhưng tất cả người nghèo hay giàu trong vùng đều là con nợ của bà. Bà không biết Rothschild hay Morgan gì cả nhưng bà biết ấn định số tiền tối đa cần cho con nợ vay mượn và làm thế nào họ không thể giựt tiền của bà. Vậy mà bà Năm chịu bó tay trước G. Vi nghèo quá nên lên cơn lỳ bất trị? Vì bản lãnh giựt nợ của G? Thật ra G. không thể là móng tay nhọn đối với vỏ quít dày của bà Năm. Nhưng cơ hội ù lỳ để quịt nợ của G đã đến vì bà Năm được giấy xuất cảnh sắp sang Hoa Kỳ đoàn tụ với các con. Thế là G có một số vốn khá lớn để thay thế bà Năm trong việc thành lập ngân hàng lưu động với lãi suất vô hạn định ngoài chợ. G học bản lãnh khống chế con nợ từ bà Năm. Không bao lâu G trở thành đại gia trong vùng, có nhiều nhà cửa và điền sản tại nơi sinh quán và ở Sài Gòn nữa. Ít ra có hai người biết về G và hỏi tôi cái ‘tại sao’ của việc làm giàu của G. Tôi chỉ trả lời ngắn gọn rằng G phùng thời. Nhưng chính tôi đặt ngược câu hỏi: “Tại sao những người đồng hoàn cảnh với G trước kia bây giờ không phùng thời như G?” Chính câu hỏi gai góc tự tôi đặt ra làm cho tôi phải nghĩ đến phần thưởng mà G được hưởng mặc dù quịt nợ mượn của bà Năm:
 
1. G đã hy sinh đời mình cho gia đình, cho cha mẹ, anh và các em. Người gánh vác gia đình nghèo tất nhiên phải chịu nhiều nhục nhã do cảnh nghèo dẫn đến. Tất cả anh và em G đều có học. Các em gái đều có gia đình. Riêng người anh, sau khi học tập về, vẫn sống độc thân như G.
 
2. Năm Mậu Thân, Nhị Bình rơi vào vòng binh lửa. Một gia đình ở Nhị Bình đem đứa con mới sinh của họ nhờ gia đình G nuôi giữ để được trả tiền thuê mướn hàng tháng. Cả nhà G đều thương yêu và chăm sóc đứa trẻ như con hay em ruột của mình. Gia đình đứa bé đem sữa và tiền thuê mướn cho gia đình G hàng tháng. Dần dần họ chỉ trả tiền thuê giữ con mà không cung cấp sữa nữa. Gia đình G cũng không phàn nàn chi cả. Khi đứa bé được 04 tuổi gia đình bắt về gia đình ở Nhị Bình. Đứa bé khóc thảm thiết và đòi về với gia đình của G vì ở đây bé được cả nhà thương yêu và chăm sóc trong khi bé lạc lõng ở nhà cha mẹ ruột của mình. Vi bé khóc suốt cả ngày cha mẹ cháu phải đem trả lại cho gia đình G. Từ đó cha mẹ ruột của bé không còn đến thăm bé nữa. Bé trở thành thành phần của gia đình G. G cho bé ăn học như mọi đứa trẻ khá giả khác. Bây giờ đứa bé năm xưa đã có gia đình và có con. G nuôi tất cả như cháu ruột của mình.
 
3. Vào thập niên 1990 các sĩ quan học tập từ 03 năm trở lên đều lập hồ sơ xin xuất cảnh sang Hoa Kỳ theo diện HO (Humanitarian Operation) nhưng anh của G không quan tâm đến việc này. Anh ấy vẫn độc thân. Sống tiện nghi và đầy đủ nhờ G nên người anh sớm yêu sự nhàn hạ của người không làm động tới móng tay vẫn thừa thãi thức ăn ngon và cầu kỳ và mọi tiện nghi vật chất khi cần đến. Có phải chăng giữa G, cha mẹ, anh em và cô bé xa lạ ở Nhị Bình có những liên hệ tối ư đặc biệt trong tiền kiếp?
 
Yếu tố ‘phùng thời’ không hẳn là vô nghĩa. Người có ngôn từ và hành động đạo đức không thể thành công trong môi trường phi đạo đức. Không phải bất cứ cây nào cũng có thể mọc trên thổ nhưỡng và khí hậu khác nhau. Đó là qui luật của Tạo Hóa vậy.
 
Người tốt (đạo đức, lương tri nghề nghiệp, trọng pháp) thành công theo cấp số cộng. Người xấu (hành động bất chấp luật pháp, bất chấp lương tri và đạo đức, đi ngang về tắt) gặp đúng môi trường cùng tầng số sẽ thành công theo cấp số nhân.
Phạm Đình Lân, F.A.B.I.

Tìm các bài BIÊN KHẢO khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com