User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
Các di tích bằng đá gọi là megalith rải rác khắp nơi trên thế giới, tiếng Việt gọi là “cự thạch” (“cự” có nghĩa là lớn như trong cự phách, cự đại, cự phú, dịch prefix mega; thạch là đá). Nổi tiếng nhất có lẽ là hàng trăm tượng đá trên đảo Easter (Đảo Phục Sinh,Đông Nam Thái Bình Dương, thuộc Chile, Nam Mỹ) được gọi là “moai”, được dân Polynesia xưa tên Rapa Nui chạm khắc từ nền đá núi lửa mềm do tro từ núi lửa bị nén xuống tạo nên. Từ "moai" có nghĩa là "bức tượng". Những bức tượng này cao trung bình chừng 5 mét, nhưng có thể đến 10 mét, có lẽ được chạm khắc để tôn vinh những tổ tiên quan trọng của dân Rapa Nui trong khoảng thời gian từ khoảng năm 1000 Công Nguyên đến nửa sau thế kỷ XVII.
 
Megaliteaster
Hình 1: Các “moai” trên Đảo Easter
 
Người Việt chúng ta ở Mỹ được gộp chung trong nhóm dân gốc Á Châu, phần chính là Đông Á (“Asians”) hay chính xác hơn là gốc Đông Nam Á Châu. Nhìn về quá khứ và nguồn gốc chúng ta ở Đông Nam Á, ngoài di sản của thế giới Khổng giáo, chúng ta có thể tìm về các vết tích bằng đá này đã “trơ gan cùng tuế nguyệt“ hàng ngàn năm như là một lời mời gọi về một phần quá khứ huyền bí của riêng chúng ta.
 
Cự thạch có ý nghĩa lịch sử và văn hóa sâu sắc ở nhiều khu vực khác nhau, bao gồm Lào bên cạnh chúng ta (vùng Trấn Ninh trước đây thuộc lãnh thổ của Đại Nam) kéo dài đến Assam ở Đông Bắc Ấn Độ, và Sulawesi ở Indonesia, những nơi có thể cùng chung di sản Đông Nam Á.
 
Ở Lào, Cánh đồng Chum có những chiếc lu đá khổng lồ nằm rải rác khắp nơi, ẩn chứa bí ẩn về người tạo ra và mục đích của chúng. Tương tự, ở Sulawesi, Indonesia, các khối cự thạch ở Thung lũng Bada, Besoa và Napu là những hiện vật bí ẩn với hình dạng độc đáo và nguồn gốc không rõ, làm dấy lên giả thuyết về ảnh hưởng của người ngoài Trái đất. Những địa điểm cự thạch này không chỉ thể hiện nghề thủ công cổ xưa mà còn đặt ra câu hỏi về lịch sử loài người và sự tương tác với vũ trụ.
 
Là một phần của một khu vực thuộc loại xưa nhất thế giới, giàu văn hóa và lịch sử đa dạng, người Việt tìm thấy sự cộng hưởng trong việc khám phá những địa điểm cự thạch này như một phương tiện để kết nối với di sản chung và làm sáng tỏ ít nhiều những bí mật của tiền nhân.
 
Gần đây một người bạn lâu năm, BS Nguyễn Văn Thắng, tuổi đã trên 70 nhưng rất khỏe đã đến viếng Cánh đồng chum ở Lào, gởi hình và nhắc lại bối cảnh lịch sử của vùng này, nhất là chiến tranh Việt Nam, lúc mà số lượng 260 triệu bom chùm (cluster bomb) thả trên đất Lào nhiều hơn cả bom dùng trong Thế Chiến Thứ Hai và một phần ba các bom này chưa nổ lúc rơi xuống nên vẫn gây nguy hiểm cho đến bây giờ.
 
Bài này sẽ tìm hiểu thêm về các cự thạch trong khu vực Đông Nam Á và nhắc đến bối cảnh tiền sử của vùng này, nhất là nói về Sundaland, một lục địa nhỏ trước đây nối liền Lào, Việt Nam và Indonesia, do đó liên kết quá khứ của các vùng đất này với vùng đất chữ S của người Việt hiện nay.
 
1) Cánh đồng chum (Plain of Jars) ở Lào là một địa điểm khảo cổ cự thạch quan trọng, nổi bật với những chiếc chum đá lớn được cho là đã được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau.
 
Theo các nhà khảo cổ Nhật và Lào thì là nơi chôn cất chừng 2000 năm trước, người ta đặt các thi thể vào trong các bình chum này (có nắp) cho đến lúc thối rữa chỉ còn xương thì đem đi cải táng. Theo một số truyền thuyết nhân gian thì một ông vua người khổng lồ dùng những bình đá này để chứa rượu đế (rice wine) cho quân sĩ mừng chiến thắng. Khu vực này gắn liền với truyền thuyết về những người khổng lồ và những trận chiến cổ xưa, làm tăng thêm vẻ huyền bí và tầm quan trọng lịch sử của nó. Địa điểm này đã trải qua các nỗ lực nghiên cứu khảo cổ và rà phá bom mìn do tầm quan trọng của nó và ảnh hưởng của “Chiến tranh bí mật” (the Secret War của Mỹ) ở Lào [1].
 
Megalith 2
Hình 2: Bản đồ vùng chung quanh Cánh đồng chum (Plain of Jars) ở phía Bắc thủ đô Vientiane của Lào, góc trên bên tay trái bản đồ là miền Đông Bắc Ấn Độ (phía bên kia biên giới Myanmar/Miến Điện) nơi cũng có những chum dùng để mai táng bằng đá tương tự tại vùng North Cachar Hills (nay gọi là Dima Hasao District, thuộc bang Assam, Ấn Độ. (Nguồn bản đồ: Research gate) (Trong bản đồ chỉ thấy được tỉnh Xiêng Khuang, vì “Cánh đồng chum” (Plain of Jars) bề ngang chỉ vừa trên 20km, nằm ngay tâm điểm của tỉnh. NVT)
 
Megalith 34
Hình 3,4: Các hố bom trong Cánh đồng chum: “Thấy yên bình như thế này nhưng trong 1 tiếng đi bộ trong khu vực Site 1 này tôi đã đếm được trên 30 hố bom như trong hình trên (mà tôi biết là loại 500kg) và nhỏ hơn. Đó là các hố còn tồn tại sau ½ thế kỷ.”(Nguyễn Văn Thắng)
 
Megalith 5
Hình 5: Tài liệu của Pháp năm 1930: “Trấn Ninh. Cánh đồng chum.” Từ sách “Lịch sử Lào thuộc Pháp“ của tác giả Paul le Boulanger. Theo Nguyên Văn Thắng: ”Địa hình trong croquis hoàn toàn phù hợp với hình ảnh hiện trường ngày nay năm 2023, chứng tỏ tên gọi được đặt là đúng, hai là sự phá rừng [deforestation] của khu vực như nhiều nguồn tường thuật là không đúng.” (Nguyễn Văn Thắng cung cấp)
 
2) Các cự thạch người địa phương gọi là kalamba ở Sulawesi, Indonesia là một phần của mạng lưới rộng lớn hơn gồm các cấu trúc tương tự kéo dài đến phía bắc Ấn Độ, thể hiện mối liên hệ lịch sử thông qua các công trình đá cổ xưa này. Một phân tích carbon phóng xạ cho thấy các cự thạch này được dựng lên ít lắm là trước năm 830 Công Nguyên (AD) [2], nhưng có thể đã bắt đầu từ năm 50 trước CN. Mỗi kalamba chứa ít nhất là 10 người chết khi mai táng.
 
Martin Grey là nhà nhân chủng học văn hóa, nhà văn và nhiếp ảnh gia chuyên nghiên cứu về các truyền thống hành hương và các địa điểm linh thiêng trên khắp thế giới. Trong suốt 40 năm, ông đã viếng thăm hơn 2000 địa điểm hành hương ở 165 quốc gia. Grey mô tả các cự thạch kalamba này như sau [3]:
 
“400 hiện vật cự thạch này nằm rải rác một cách ngẫu nhiên trên khắp các thung lũng Napu, Besoa và Bada của Công viên Quốc gia Lore Lindu. Các hiện vật có nhiều hình dạng khác nhau, bao gồm tượng, hình trụ khổng lồ và những viên đá dẹt có dấu vết in hình chén (cup-mark). Tất cả các tượng điêu khắc - có chiều cao từ 2 feet đến hơn 15 feet - đều là những mô tả tối đơn giản về các hình tượng giống người hoặc thú vật. Không có bức tượng nào có chân, hầu hết đều có đầu to và hình dáng kỳ lạ, một số có cơ quan sinh dục lớn hoặc trang trí hình học trừu tượng. Phong cách điêu khắc của các nhân vật này hoàn toàn độc đáo trên thế giới, gần giống nhất là những tác phẩm chạm khắc bí ẩn không kém được tìm thấy tại San Augustin ở Colombia. Không có nghiên cứu thần thoại, nhân chủng học, khảo cổ học, dân tộc học hay lịch sử nào giúp chúng ta thấu hiểu về tuổi tác, nguồn gốc hoặc mục đích của những bức tượng này.
 
Megalith 6
Hình 6: Megaliths of Bada, Besoa and Napu valleys, Sulawesi Island
 
Bí ẩn không kém là những hình trụ khổng lồ, chủ yếu là khối rắn (solid cylinder), được người dân địa phương gọi là kalamba, cũng được tìm thấy trên khắp ba thung lũng. Những chiếc kalamba này, có chiều cao từ 5 đến 10 feet và nặng hàng trăm pound, mỗi chiếc được chạm khắc từ những khối đá riêng lẻ và một số, nhưng không phải tất cả, đều có nắp đậy bằng đá. Khoảng 50-90% khối lượng của mỗi kalamba là đá rắn, với phần trên được làm rỗng, cũng có dạng hình trụ. Một số phần rỗng có một tầng duy nhất, trong khi những phần khác có hai tầng được ngăn cách bởi một vòng đá gồ lên (ridge). Sự khác biệt về độ sâu giữa hai cấp độ thường không quá 2 inch (5cm). Một số kalamba có các hình vòng tròn và hình người hay thú vật được chạm khắc ở hai bên; một số nắp đậy cũng có hình như vậy. Người ta đã công nhận rằng những hình trụ và những viên đá dẹt có các vết lõm hình chén (cup-marked stones) có thể đã được sử dụng cho một số loại quy trình tách khoáng sản và vàng dạng hạt được tìm thấy với nồng độ cao ở các khu vực xung quanh. Các ống trụ sẽ không có chức năng dùng để tắm hoặc chôn cất do kích thước và độ sâu bên trong hạn chế của chúng.”
 
Trái với một số niên đại được các nhà khảo cổ về sinh học cho rằng các cự thạch này được dựng nên từ thế kỷ thứ nhất trước Thiên Chúa cho đến thế kỷ thứ 9, tác giả cho rằng chúng được dựng nên trước thời dân Nam Á (Austronesian, có thể từ đảo Đài Loan đến) đến Đông Indonesia, có nghĩa là trước đây trên 4500 năm. Nhìn theo giả thuyết này, câu chuyện trở nên thú vị, ly kỳ hơn và phải đi ngược thời gian về quá khứ xa xôi hơn.
 
Bằng chứng đa ngành chỉ ra rằng sự định cư của con người ở Đông Nam Á có niên đại ít nhất từ 55.000 đến 65.000 năm. Cho đến khoảng 15.000 năm trước, mực nước biển thấp hơn mực nước hiện tại khoảng 125 mét. Khu vực hiện nay sâu 60 mét dưới Biển Java là một phần của tiểu lục địa bán đảo Đông Nam Á được gọi là Sundaland, bao gồm Bán đảo Mã Lai, các đảo Sumatra, Java và Borneo, trong khi đảo Sulawesi và Philippines có thể được nhìn thấy và có thể đến được bằng thuyền. Vùng đất Sundaland này đã lộ ra trong hầu hết thời kỳ băng hà cuối cùng từ 110.000 đến 15.000 năm trước. Mực nước biển thấp hơn sẽ cho phép di cư trên đất liền và du hành biển trong tầm nhìn của đất liền. Chính trong thời kỳ này, có lẽ là khoảng 50.000 đến 30.000 năm trước, con người lần đầu tiên đến khu vực ngày nay là đảo Sulawesi.
 
“Vào cuối thời kỳ LGM, hay Thời kỳ băng hà cuối cùng (Last Glacial Maximum) cách đây 19.000 năm, hiện tượng hâm nóng toàn cầu (global warming) khiến mực nước biển dâng cao và một vùng đất rộng lớn bị ngập lụt. Có khả năng đã có ba giai đoạn mực nước biển dâng cao nhanh chóng và những giai đoạn này xảy ra vào khoảng 14.500, 11.500 và 7.500 năm trước. Chính trong hoặc sau những thời kỳ này mà đảo Sulawesi được hình thành và bất kỳ nền văn hóa nào tồn tại ở đó đều trở nên cô lập với phần còn lại của Đông Nam Á. Cần lưu ý rằng những cuộc di cư muộn hơn của các nhóm người Nam Đảo (Austronesian) đến các hòn đảo ở Đông Nam Á (Đông Indonesia) đã xảy ra vào khoảng 4500-6300 năm trước thời điểm hiện tại, khi mực nước biển ngang bằng với thời điểm hiện tại và con người có đủ kỹ thuật cho những chuyến hành trình xuyên đại dương tới các hòn đảo nằm ngoài tầm nhìn phía bên kia chân trời. Nguồn gốc của những tảng cự thạch bí ẩn ở Sulawesi có từ rất lâu trước thời điểm này.”
 
Tác giả cũng nêu lên một giả thuyết khá “giật gân” về nguồn gốc các cự thạch này:
 
“Với thực tế là những tảng cự thạch này là hoàn toàn độc nhất trên thế giới, độ tuổi, nguồn gốc đá, phong cách trang trí, phương thức vận chuyển và chức năng của chúng hoàn toàn không được biết đến, có lẽ một số lời giải thích ngoài hành tinh là có thể xảy ra. Có lẽ những sinh vật bí ẩn được miêu tả trên các bức tượng đá không phải là những con người mà là những khoa học gia hay những người khai thác mỏ đến từ không gian để tìm vàng?”
 
Megalith 7
Hình 7: Palindo statue, Bada Valley, Sulawesi Island, Indonesia
 
3) Sundaland: Thiên đường Đông Phương:
 
Giả thuyết của Oppenheimer về Sundaland cho thấy một vùng đất ngập nước ở Đông Nam Á có thể kết nối nhiều khu vực khác nhau, bao gồm cả các khu vực của Việt Nam ngày nay. Lý thuyết này làm sáng tỏ lịch sử địa chất của khu vực và tác động tiềm tàng của nó đối với sự di cư của con người và tương tác văn hóa [4].
 
Megalith 8
Hình 8: Thuyết về một cái nôi của văn minh nhân loại trong vùng Sundaland nối liền quần đảo Indonesia với Mã lai và Việt Nam cách đây trên 19 ngàn năm.
 
Stephen Oppenheimer (sinh 1947, người Anh) là một bác sĩ nhi khoa, nhà di truyền học và tác giả nhiều sách và phim tài liệu về di truyền và tiền sử Đông Nam Á. Trong cuốn sách “Eden in the East: The Drowned Continent of Southeast Asia”, ông đưa ra giả thuyết cho rằng Sundaland, một vùng đất lộ ra trong Kỷ băng hà (lúc các tảng băng bắc cực giữ nước lại không cho tràn ra biển) và hiện chìm dưới biển (sau khi băng tan bớt), đã đóng một vai trò quan trọng trong nguồn gốc của nhiều nền văn minh khác nhau, bao gồm cả các dân tộc Nam Đảo (Austronesian). Theo thuyết này, Sundaland sau này đã chuyển đổi thành các khu vực như Bán đảo Mã Lai, Borneo, Java và Sumatra khi mực nước biển dâng cao.
 
Các dân tộc Nam Đảo là một nhóm lớn trải dài trên nhiều khu vực khác nhau, bao gồm Đài Loan, Đông Nam Á ven biển (như người Chàm trước đây), Micronesia, Polynesia và Madagascar. Họ có chung những đặc điểm chung về ngôn ngữ và văn hóa như xăm mình, làm nhà sàn, tập quán nông nghiệp và các loài động thực vật được thuần hóa. Sự bành trướng của người Nam Đảo bắt nguồn từ cuộc di cư bằng đường biển thời tiền sử dẫn đến sự phân tán của họ qua các vùng lãnh thổ khác nhau.
 
Trong khi tiếng Việt được xếp vào nhóm ngôn ngữ Mon-Khmer, ngôn ngữ Nam Á (Austroasiatic) có thanh điệu (tonal language) và gắn liền với văn hóa lúa nước, Việt Nam vẫn có những dân tộc thiểu số bản địa, trong đó có người Jarai, được coi là người Nam Đảo. Người Jarai là một nhóm bản địa Nam Đảo có nguồn gốc từ Tây Nguyên, Việt Nam, đặc biệt là ở các tỉnh Gia Lai, Kon Tum và Đăk Lăk. Họ chia sẻ truyền thống văn hóa với người Jarai Campuchia và đã trải qua những làn sóng nỗ lực thuộc địa hóa trong suốt lịch sử (theo Wikipedia).
 
Người Chăm ở Việt Nam được coi là người Nam Đảo. Họ từng sinh sống ở một khu vực rộng lớn dọc theo bờ biển miền Trung Việt Nam và là một phần của nền văn minh Ấn Độ hóa, ngôn ngữ của họ thuộc ngữ tộc Malay-Polynesia (Mã Lai-Đa đảo) một phân nhóm của ngữ hệ Nam Đảo, có liên quan chặt chẽ với tiếng Mã Lai [5,6] Người Chăm có lịch sử phong phú từ nhiều thế kỷ trước, với bằng chứng cho thấy họ đã di cư từ phía tây Borneo đến miền Trung Việt Nam ngay từ thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên. Họ được biết đến như những thủy thủ, thương nhân và nông dân lành nghề, với một xã hội được cấu trúc bằng cách áp dụng các mô hình chính trị và xã hội từ thế giới Ấn Độ.
 
Các nghiên cứu ngôn ngữ học xếp ngôn ngữ Chăm vào ngữ hệ Nam Đảo, ủng hộ giả thuyết rằng tổ tiên người Chăm là những người Nam Đảo nhập cư từ các đảo Đông Nam Á. Trước khi họ đến, miền Nam Việt Nam là nơi sinh sống của những người nói tiếng Nam Á, đặc biệt là người Môn-Khmer, cho thấy khả năng có sự pha trộn giữa người Chăm và các nhóm này.
 
Nghiên cứu di truyền nêu bật sự khác biệt trong cấu trúc di truyền phụ hệ (patrilineal genetic structuring) giữa người Chăm và các nhóm dân tộc khác như người Kinh, phản ánh lịch sử nhân khẩu học độc đáo [7,8] . Thông tin di truyền người Chàm ở phần Đông Nam Á lục địa (Mainland South East Asia) có vẻ phân tán qua nam giới (nhiễm thể Y), có lẽ thông qua truyền bá tôn giáo và thương mại (male mediated dispersals [9] (trong lúc phân tích di truyền của người Kinh cho thấy sự đồng hóa (assimilation) thông qua phụ nữ di dân và hòa nhập vào dân cư địa phương mang theo thông tin di truyền của họ).
 
Megalith 9
Hình 9: Đường di chuyển của người Nam Á (Austroasiatic) (màu vàng), dọc theo sông Mekong, xuống Mã Lai và Đảo Borneo, và người Nam Đảo (Austronesian, màu xanh) từ đảo Đài Loan, xuống Philippines qua Borneo, Sulawesi và Tây Nam Thái Bình Dương)
 
Tác phẩm của Oppenheimer đã được trích dẫn bởi những người ủng hộ giả thuyết "Người Mã Lai phát xuất từ Sundaland" (Malays out of Sundaland), thách thức lý thuyết thông thường "Ra khỏi Đài Loan" (Out of Taiwan) về nguồn gốc của người Nam Đảo. Giả thuyết này cho rằng người Mã Lai và các nhóm người Nam Đảo (Austronesian) khác có nguồn gốc ở Sundaland chứ không phải từ Đài Loan hay Trung Quốc ở phía Bắc. Thuyết này cho rằng vùng đất ngập nước này đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành di sản văn hóa và di truyền của nhiều nhóm dân cư khác nhau ở Đông Nam Á và xa hơn nữa.[9]
 
4) Các ngọn đồi chum ở Assam, Ấn Độ:
 
Các chum rải rác trên các đồi phủ cây cối của quận Dima Hasao (trước đây gọi là North Cachar Hills district) thuộc bang Assam, đông bắc Ấn Độ. Những chum này được sắp xếp hướng về một phía có thể để được quan sát cùng một lượt hoặc để được nắng chiếu vào suốt ngày. Những chiếc chum có chiều cao từ 1 đến 3 mét, có nhiều hình dạng khác nhau như hình củ hành có đầu hình nón, hình nón và hình trụ. Mặc dù mục đích chính xác của những chiếc chum này vẫn chưa chắc chắn, nhưng những điểm tương đồng về kiểu chữ và hình thái với những chiếc chum được tìm thấy ở Lào và Indonesia cho thấy một tập quán văn hóa chung giữa các cộng đồng cổ xưa sống ở khu vực giữa Lào và Đông Bắc Ấn Độ.
Megalith 10
Hình 10: Chum (hay lu) có hình củ hành ở Dima Hasao, Ấn Độ
 
Megalith 11
Hình 11: Chum với hình dạng khác nhau ở Dima Hasao, Ấn Độ (Nguồn:https://www.gktoday.in/discovery-of-megalithic-stone-jars-in-assam/ )
 
Trong khi hài cốt người đã được tìm thấy bên trong những chiếc lọ tương tự ở Lào, thì vẫn chưa có phát hiện nào như vậy được thực hiện ở Assam. Sự hiện diện của những phiến đá khắc hình người tại một số địa điểm lưu giữ chum ở Assam gợi ý về một ý nghĩa văn hóa tiếp tục tồn tại theo thời gian.
 
Các nghiên cứu gần đây của Đại Học Gauhati cho thấy chúng liên hệ với các nghi thức tang lễ (mortuary rituals) ở Lào và Indonesia có thể từ cuối thiên niên kỷ thứ trước Công Nguyên (trên 3000 năm trước, đo bằng “optically stimulated luminescence ở site 1 ở cánh đổng chum, Lào).
 
Trên 500 chum được tìm thấy ở Dima Hasao, nhiều hơn cả ở Lào và các nhà nghiên cứu cho rằng cùng một nhóm người tiền sử thuộc nhánh Nam Á (Austroasiatic) là tác giả của những cự thạch hình chum này cho cả Lào và Án độ (10)Việc thăm dò liên tục các địa điểm chum này nhằm mục đích làm sáng tỏ những truyền thống cổ xưa và những cuộc di cư có thể đã ảnh hưởng đến việc tạo ra những hiện tượng khảo cổ độc đáo này ở Đông Bắc Ấn Độ.
 
5) Lịch sử Việt Nam gắn liền với lịch sử Lào
 
Trước khi người Pháp chiếm Đông Dương, một phần Lào hiện nay trong đó có thành Trấn Ninh thuộc về Đế quốc Đại Nam (Việt Nam). Sự hiện diện của lực lượng Bắc Việt Nam gần Cánh đồng Chum trong các cuộc xung đột như Chiến tranh Đông Dương lần thứ hai làm nổi bật lịch sử gắn bó của các khu vực này. Các chum đá có thể tìm thấy tận Assam, phía đông bắc Ấn Độ, Giả thuyết về Sundaland nối liền các đảo Indonesia với lục địa châu Á cách đây trên 20 ngàn năm cũng như những điểm tương đồng giữa các cự thạch hình chum ở Sulawesi và ở lào và Ấn Độ cho thấy có thể có những kết nối rộng hơn vượt ra ngoài biên giới quốc gia hiện nay.
 
Tham khảo và chú thích:
 
1) #KYR: Laos - Information | The Cove https://cove.army.gov.au/article/kyr-laos-information
 
Bàn thêm về vùng chung quanh Cánh đồng chum:
 
a) BS Nguyễn Văn Thắng có những nhận xét sau đây:
 
“Cánh đồng chum” (La plaine des jarres) xuất phát chỉ từ và vì người Pháp đặt tên, đi vào thư khố thế giới như vậy. Thực ra một nhà thám hiểm người Anh khám phá các di tích này lần đầu tiên. Là một địa hình nhỏ gọn 25 x 25 km, là một lòng chảo cạn nằm ngay trung tâm 1 cao nguyên hình tròn không đều bề ngang chừng 200 km. Toàn tỉnh Xiêng Khuang hiện nay là cao nguyên Xiêng Khuang. Toàn tỉnh Xiêng Khuang nay là rập khuôn phủ Trấn Ninh đời Đại Nam (đời Đại Việt thì chưa có). Nói chung Cánh đồng chum rất giới hạn, và chính “le plateau du Trấn Ninh” cũng là một cao nguyên bằng khá cô lập chung quanh núi đồi cao ớn da gà, như dãy Appalachian, W Virginia vậy.”
 
“Trong chiến tranh từ 59 đến 75 (Đông Dương thứ 2) VNCH không tham chiến ở Thượng Lào. Các phe xung đột gồm Pathet Lào + QĐNDVN dưới danh hiệu là Quân tình nguyện VN. Bên kia là quân đội hoàng gia Lào, với sự trợ giúp của tòa đại sứ Mỹ, và từ 1970 là quân đội Thái Lan dưới danh nghĩa Quân tình nguyện Thái Lan.”
 
b) Theo Britannica, “Cao nguyên Xiangkhoang, vùng cao bị chia cắt có cấu trúc địa chất phức tạp ở Bắc Trung Lào, là phần mở rộng về phía Tây của đoạn phía Bắc của Dãy Trường Sơn của Việt Nam, chủ yếu thoát nước qua hai sông Ngum và Ngiap (Nhiêp) ở phía Nam và sông Khan ở phía Bắc. Từng là những ngọn đồi đá vôi và sa thạch của vùng cao được bao phủ bởi rừng mưa nhiệt đới gió mùa, nhưng do hình thức du canh của các dân tộc Hmong (Miao, hay Meo) và Lào-Theung (Mon-Khmer) chỉ còn sót lại rải rác những khu sồi và thông, chủ yếu dọc theo các dòng suối. Xung quanh thị trấn Xiangkhoang là các mỏ phù sa vàng, antimon, đồng, chì, kẽm và bạc có thể khai thác được.”
 
2) The Megalithic Landscape of Central Sulawesi, Indonesia:
Combining Archaeological and Palynological Investigations
Wiebke Kirleis, Johannes Müller, Corinna Kortemeier,
Hermann Behling and Santoso Soeghondo
 
3) Megaliths of Bada, Besoa and Napu valleys, Sulawesi Island
 
4) LAOS: The Vietnamese Connection - JSTOR https://www.jstor.org/stable/27908403
 
5) The Cham of Vietnam: History, Society and Art - JSTOR https://www.jstor.org/stable/j.ctv1qv2rd
 
 
 
8) Có thuyết cho rằng người Chăm tung hoành trên Thái Bình Dương, đến tận châu Mỹ, và có những liên hệ giữa kiến trúc Mỹ Sơn của Chăm vơi kiến trúc người Da Đỏ ở Châu Mỹ trước Christopher Columbus.
 
Có một cuốn sách khá "giật gân" về Đế Quốc Chăm của David Childress là tác giả không phải là sử gia "chính thống" (“rogue historian”) chuyên viết về những nền văn minh bí ẩn nay bị xoá dấu như Atlantis, về dĩa bay, du hành trong thời gian. Cuốn sách "The Lost World of Cham: The TransPacific Voyages of the Champa" (2017") (Thế giới đã mất của người Chăm: Các cuộc du hành vượt Thái Bình Dương của người Chăm): “Những người Chăm bí ẩn, hay Champa, những dân tộc ở Đông Nam Á đã hình thành nên một đế chế chuyên xây dựng các công trình lớn bằng đá (megalith building), chuyên đi biển, trải dài đến Indonesia, Fiji, Tonga, Micronesia và xa hơn, là một cường quốc xuyên đại dương lan tận đến Mexico, Tây Nam Mỹ và Nam Mỹ. Champa duy trì nhiều cảng ở Việt Nam, Campuchia và Indonesia ngày nay (đặc biệt là trên các đảo Sulawesi, Sumatra và Java), và các tàu của họ đi theo Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, đưa các thương nhân Trung Quốc, châu Phi và Ấn Độ đến vùng đất xa xôi , bao gồm các cảng Olmec trên bờ biển Thái Bình Dương của Mesoamerica”. (Chú thích của HVH: điểm này có thể không chính xác về lịch sử, có thể người Chàm chưa thành hình vào giai đoạn văn minh Olmec. Mesoamerica là một khu vực trong lịch sử gồm các nền văn minh đa dạng có chung đặc điểm văn hóa trong các khu vực địa lý bao gồm các quốc gia hiện đại của phần Bắc châu Mỹ: Mexico, Guatemala, Honduras, Belize, El Salvador, Nicaragua và Costa Rica. Người Olmec là nền văn minh lớn được biết đến sớm nhất ở Mesoamerica (khoảng 1500-400 trước CN. Họ sống ở vùng đất thấp nhiệt đới ở miền trung nam Mexico, ở các bang Veracruz và Tabasco ngày nay. Người ta đã suy đoán rằng người Olmec có nguồn gốc một phần từ người những người nói tiếng Mokaya ("người bắp"/corn people) hoặc Mixe- Zoque. Các di tích Olmec nổi tiếng nhất là những đầu người bằng đá basalt, có đội mũ, cao từ 1,4-3,4 mét.)
 
Những bức tượng ở Việt Nam của Champa cho thấy đàn ông và phụ nữ có ngoại hình khác biệt và hoàng gia Champa được biết đến bao gồm gần như mọi nhóm chủng tộc. Họ có các công cụ bằng sắt và xây dựng các thành phố cự thạch bằng đá bazan và đá granit được cắt tinh xảo, như thành phố Mỹ Sơn ở miền trung Việt Nam. Cấu trúc của nó giống hệt như tại Tiwanaku ở Nam Mỹ.”
 
 
 
 
Hồ Văn Hiền
Ngày 15 tháng 3 năm 2024

 

Tìm các bài BIÊN KHẢO khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com