User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
ongtroi
 
Trong đời sống tâm linh của người Việt, Ông Trời vô hình được coi như Đấng Tạo Hóa định đoạt hết mọi việc trên trời dưới đất. Lệ Thần Trần Trọng Kim định nghĩa: "Ông Trời là Đấng Thiêng Liêng giữ công lệ trong vũ trụ". Vậy tín ngưỡng Ông Trời bắt nguồn từ đâu? Nhìn vào lịch sử giao thoa văn hóa giữa Trung Hoa và Việt Nam thì người Việt đã du nhập tín ngưỡng Ông Trời của nhà Thương (1776-1122 trước TN). Sau đó ý niệm về Ông Trời đi vào văn hóa của dân Việt và đã chuyển đổi theo các bối cảnh sau:
 
Trong ngôn ngữ dân gian và văn hóa cổ thi thì chuyển sang ý niệm Ông Trời có tính cách tín ngưỡng.
 
Trong tôn giáo Cao Đài và Công Giáo: Ông Trời là Đấng tối cao,
 
Trong xã hội chủ nghĩa: Ông Trời được gọi là thằng trời.
 
1. Ông Trời trong cổ sử Trung Hoa
 
Theo sách sử Trung Hoa vào thời cổ sử, nhà Thương (1776-1122 trước TN) đã đưa ra một mô hình chính trị: Thế giới là một đại gia đình (giả tưởng), ông Tổ linh thiêng nhất được đẩy lên vị trí cao nhất tức là Ông Trời hay Thiên Phụ có đầy đủ lý trí, nhân cách cai quản, sai bảo thần dân ở dưới chân mình gọi là thiên hạ.
 
Con trưởng của Thiên phụ là Thiên tử (fils du Ciel)
 
Thiên tử được Ông Trời trao phó thiên mệnh (mandat céleste) để cai quản thiên hạ. Thiên tử có nhiệm vụ thực thi thiên đạo đại đức tức là nuôi dưỡng, bảo vệ sự sống và sinh thành dưới trần gian nên thường nói "Thế thiên hành đạo".
 
Mô hình chính trị đại gia đình của nhà Thương hướng dẫn mọi mô hinh đế chế của người Trung Quốc và các triều đại Việt Nam.
 
2. Ông Trời trong dân gian Việt
 
Từ thời xa xưa, tín ngưỡng dân gian Việt là thờ Trời biểu lộ trong ngôn ngữ bình dân hàng ngày gọi Ông Trời là Tạo Hóa, Con Tạo, Ông Tạo, Ông Xanh, Khuôn thiêng, Khuôn xanh... Quan niệm siêu hình về Thượng Đế thời xưa chỉ chất phác là có một Đấng vạn năng gọi là Ông Trời, ngồi trên 9 tầng mây  chỗ giáp đất ấy là chân Trời. Người dân coi Trời là một Đấng Chí Tôn, thiêng liêng, vạn năng, quyền phép vô song, là Đấng Tạo Hóa sắp xếp mọi việc dưới vòm trời, ấn định số mạng cho mỗi cá nhân, qui tiên rồi thì về với Ông Trời.
 
Mối quan hệ giữa Ông Trời và người dân Việt được diễn tả rất phức tạp, từ cầu Trời, trách Trời, oán Trời, sợ Trời, xin Trời... qua ngôn ngữ bình dân nói với Ông Trời khi cầu xin điều này, trách móc điều kia.
 
Trời ấn định số mạng
 
Người dân thường nói Trời sanh (ra con người) nên Trời dưỡng (chẳng việc gì mà sợ), nếu chết thì qui hồi về Trời, chầu Trời. Có nghĩa là Trời sanh ra ta và coi ta như con cái, là gốc cội tìm về sau khi qui tiên.
 
Lấy được người vợ như ý là do Trời định. Chẳng may người con gái "đã vo nước đục lại vần lửa rơm" thì cũng là tại số Trời nào khác gì nàng Kiều của Nguyễn Du:
 
Đã mang lấy nghiệp vào thân,
Cũng đừng trách lẫn Trời gần, Trời xa.
 
Ông Trời như từ phụ
Trời như là một từ phụ gần gũi, rất thân thuộc, che chở, giúp đỡ an ủi, dìu dắt đàn con trong mọi cảnh huống. Chẳng thế mà lúc sung sướng cũng kêu Trời ơi sướng quá. Khổ quá lại than Trời ơi sao tôi khổ thế này. Người yêu sẽ an tâm nếu được an ủi chỉ Trời mới biết vì chỉ có Ông Trời mới biết việc thầm kín trong lòng. 
 
Trời tình cảm như người cha với đàn con, có buồn, có phạt, có khen... Trời buồn con nhện giăng tơ; Trời đánh (kẻ ác đức bị thiên lôi đánh), Trời thương (người hiền gặp được điều lành), hưởng được một ơn huệ to tát bất ngờ thì cũng nghĩ do Trời: Làm cả đời không bằng Trời cho một lúc.
 
Muốn có chồng cũng hỏi Ông Trời:
 
Bắc thang lên hỏi Ông Trời,
Sao không thí bỏ cho tôi tí chồng?
 
Ông Trời trả lởi như một từ phụ:
 
Ông Trời ngảnh mặt lại trông:
Mày hay kén chọn, Ông không cho mày.
 
Lấy được chồng rồi mà vẫn cầu cứu Ông Trời:
 
Lạy Trời cho đặng vuông tròn,
Trăm năm cho trọn lòng son với chàng.
 
Cầu tuổi thọ cho cha mẹ thì người con cầu:
 
Mỗi đêm mỗi thắp đèn Trời,
Cầu cho cha mẹ sống đời với con. (ca dao)
 
Cầu Trời khi hoạn nạn
 
Tuy vô hình, nhưng đâu cũng có mặt của Trời như Đấng công lý vạn năng, không ai tránh khỏi lưới Trời, dưới này ai nói gì cũng nghe, ai nghĩ gì cũng biết cả. Trời có mắt, Trời thương, Trời phạt, Trời biết, đèn Trời soi sáng, lưới Trời lồng lộng, không gì lọt qua...
 
Gặp cơn hoạn nạn cũng kêu van Trời:
 
Nghiêng vai ngửa vái van Trời,
Trong cơn hoạn nạn độ người trầm luân.
 
Trời có chức năng tạo ra điều kiện khí hậu, thời tiết: Trời nắng, Trời mưa, Trời ẩm, Trời gió. Vì vậy, người nông dân chất phác:
 
Cầu Trời mưa xuống,
Lấy nước tôi uống,
Lấy ruộng tôi cày.
 
Ông Trời như Tạo Hóa
 
Đất nước cũng do Ông Trời tạo ra.
 
Nước non là nước non Trời,
Ai chia được nước, ai dời được non. (ca dao)
 
Nghe chim hót mà tin rằng con người có mặt ở thế gian này là do Trời sinh ra:
 
Con chim nó hót trên cành
Nếu Trời không có, có mình làm sao?
Con chim nó hót trên cao,
Nếu Trời không có, làm sao có mình. (ca dao)
 
Sáng sớm tỉnh giấc, nhìn ra "cảnh rạng đông như tranh họa đồ " thì cũng do Ông Trời làm ra chứ ai.
 
Trống canh năm gà vừa gáy sáng,
Bừng mắt dậy Trời đã rạng đông!
Ngắm phong cảnh đẹp vô cùng;
Hỏi ai thêu dệt? Ấy Ông Thợ Trời.
 
Điều gì con người không biết thì hiểu là của Trời. Ngay giữa Đồng Tháp Mười hoang vu bỗng gặp một đám lúa mọc hoang thì gọi ngay là lúa Trời (lúa của Trời). Chẳng biết đàn ngỗng, đàn chim từ đâu bay ngang trên đầu chỉ đó là ngỗng Trời, chim Trời. Đi đường bắt gặp một vật quí không biết của ai nghĩ ngay là của Trời chotrên Trời rớt xuống.
 
Không những trong ngôn ngữ hàng ngày của dân gian, mà ngay các cả dao, tục ngữ, tác phẩm văn học cũng phảng phất tín ngưỡng Ông Trời.
 
3. Ông Trời trong cổ thi
 
Trong cổ thi cũng như ca dao, Ông Trời viết hoa còn gọi là Hóa Công, Tạo Hóa, Con Tạo, Ông Xanh... bắt nguồn từ lòng tin hồn nhiên của dân Việt tự ngàn xưa. Ông Trời được đề cập đến như Đấng Tạo Hóa chủ tể thế giới vô hình, có quyền tối thượng định đoạt hết mọi việc trên trời dưới đất, là cội rễ của định mệnh tiền định. 
 
Ông Trời thường hiện diện trong cổ thi như trong:
 
Ức Trai Thi Tập của Nguyễn Trãi:
 
Sau cùng khó bởi chưng Trời,
Lăn lóc làm chi cho nhọc hơi. (Ngôn Chí, bài 16)
 
Bạch Vân Am Thi Tập của Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585)
 
Dù nhẫn chê khen, dù miệng thế,
Cơ mầu Tạo Hóa mặc tự nhiên.
 
Nguyễn Hữu Chỉnh khi thất thế mới cảm cơ Trời thần bí:
 
Phải cơ, mới biết Cơ Trời nhiệm,
Có rủi, bằng đường lại có may. (Ngôn Ẩn Thi Tập- bài Tự Biết Mình)
 
Trần Tế Xương (1870-1907) trách Ông Trời:
 
Bắc thang lên hỏi Ông Trời nhé,
Trêu ghẹo người ta thế nữa thôi. (bài Than Thân)
 
Nguyễn Công Trứ trách Trời:
 
Ngồi buồn mà trách Ông Xanh,
Khi vui muốn khóc buồn tanh lại cười. (bài Cây Thông)
 
Chu Mạnh Trinh (1862-1905) hỏi có phải Ông Trời tạo ra động Hương Tích không?
 
Thăm thẳm một hang lồng bóng nguyệt,
Gập ghềnh mấy lối uốn thang mây.
Chừng giang sơn còn đợi ai đây,
Hay Tạo Hóa sẽ ra tay sắp đặt. (bài Phong Cảnh Hương Sơn)
 
Trong truyện Kiều, lòng tin của Nguyễn Du vào Ông Trời của dân gian Việt, được gởi gấm vào tâm sự của nàng Kiều.
 
Nàng Kiều coi mọi nguyên nhân (túc nhân) trong vũ trụ đều do Trời:
 
Và trong thần mộng mấy lời,
Túc nhân âu cũng có Trời ở trong.
 
nên cam lòng chấp nhận số mạng do Ông Trời định.
 
Rủi may âu cũng sự Trời.
Người dù muốn quyết Trời nào đã cho.
Biết thân chạy chẳng khỏi Trời.
Cho hay muôn sự tại Trời.
 
và không oán trách Trời:
 
Đã mang lấy nghiệp vào thân,
Cũng đừng trách lẫn Trời gần, Trời xa.
 
Nhưng vẫn tin vào Ông Trời giữ công lệ:
 
Mặt trông đau đớn rụng rời,
Oan này còn một kêu Trời, nhưng xa.
 
Tín ngưỡng Ông Trời đã ăn xâu vào tâm hồn Việt đến nỗi khi theo một tôn giáo khác cũng mang theo Ông Trời. Thí dụ các phật tử thường hay nói: "Nhờ Trời Phật...", tín đồ công giáo thì gọi đức Jesus là "Đức Chúa Trời[1] ", đạo Cao Đài coi Thượng Đế là Ông Thầy Trời.
 
4. Ông Trời Cao Đài
 
Lòng con tin Đấng Cao Đài,
Đạo đời Trời sẽ an bài cho con.
 
Tuy tín ngưỡng Ông Trời đã có từ ngàn xưa trong tâm hồn dân Việt, nhưng phải đợi sự ra đời của Đạo Cao Đài thì tín ngưỡng Ông Trời mới được tổ chức thành một cơ cấu tín ngưỡng có căn bản triết lý, văn hóa, giáo lý để thờ phụng Ông Trời.
 
Nếu nghiên cứu đối chiếu giữa Ông Trời trong dân gian cũng như trong cổ thi và Ông Trời của Đạo Cao Đài [2], ai cũng thấy hai Ông Trời chỉ là một Ông Trời hữu ngã thuộc về lòng tin Ông Trời là chủ thể tuyệt đối có quyền hành tối thượng, thống trị và tiếp cận dạy dỗ muôn loài, chưởng quản cả càn khôn thế giới. Ông Trời hữu ngã là trọng tâm của nhân sanh quan Cao Đài.
 
Mặc dầu "tuy hai mà một", tín ngưỡng Ông Trời cũng có vài điểm khác biệt sau.
 
Trong tín ngưỡng dân gian, nếu hỏi Ông Trời là ai, ở đâu thì người dân chỉ lên bầu trời xanh thăm thẳm trên đầu, nhìn vào giữa vòm trời là tưởng tượng thấy đèn Trời, mắt Ông Trời và nhìn ngang thấy ngay chân Trời nên tin là có Ông Trời toàn năng ở đó mà thôi. Ông Trời tự có, không ai dựng nên, tất cả vũ trụ đều là tạo phẩm của Ông Trời. Nhờ có ý thức đơn sơ đó mà người dân sống thân tâm an tịnh.
 
Còn Ông Trời của Đạo Cao Đài là Ông Trời "mạc khải[3]" (the revelation) có nghĩa là từ cõi vô hình, Ông Trời mở tấm màn (mạc) ra cho biết (khải) những điều thiêng liêng mầu nhiệm huyền bí trong sự tĩnh lặng mà lý trí con người không thể giải thích được. Nhờ đó mà dân Việt có một ý thức hệ về Ông Trời toàn năng, toàn tri.
 
Đó là sự kiện "mạc khải" của Ông Trời mà chúng ta chỉ tìm thấy trong Đạo Cao Đài. Là vì, trong các tôn giáo khác, chỉ có những Đấng Giáo Chủ hay những Nguyên căn lớn có nhiệm vụ cứu đời mới có thể nhận được những "mạc khải " của Thượng Đế.
 
Từ cõi vô hình, Ông Trời của Cao Đài qua huyền hiệu cơ bút đã đích thân mạc khải những điều sau:
 
- Ông Trời từ đâu đến,
 
- Vòm trời xanh thăm thẳm trên đầu chúng ta được tổ chức như thế nào,
 
- Con người từ đâu mà sanh ra,

- Tương quan giữa Người và Tạo Công

- Ý nghĩa đời sống trên trần thế,

- Sau khi qui liễu, linh hồn trở về với Ông Trời như thế nào...
 
Vũ trụ quan và nhân sanh quan Cao Đài là kết quả của sự hệ thống hóa các điều mạc khải trên. Như vậy có thể nói Đạo Cao Ðài là Tôn Giáo Thiên khải  天 啟 theo ý nghĩa là sự hé lộ chơn lý từ cõi trời, do Trời... Đó là bản sắc của tín ngưỡng Cao Đài.
 
5. Ông Trời trong xã hội chủ nghĩa
 
Thử hỏi trong cổ kim lịch sử đã có ai nghe nói con người hạ bệ Ông Trời không? Nếu chưa, thì hãy nghe kể truyện dưới đây để biết rằng trên đời này cũng có kẻ dám hạ bệ Ông Trời.
 
Hồ Chí Minh truất phế Ông Trời
 
Tháng 7-1955 tại Phân hiệu II Trường Nguyễn Ái Quốc, Hồ Chí Minh đã nói chuyện với học viên và ông gọi Trời là "địch trời", "trời phản động": "Về kinh tế cũng như về chính trị, cuộc đấu tranh đều gian khổ, phức tạp. Ngoài Mỹ-Diệm, thực dân ngoan cố, còn có địch trời: lụt, bão, hạn, bệnh tật,v.v... Phải làm sao lấy sức người chống lại sức thiên nhiên. Thời kỳ kháng chiến, ta đã làm và ta đã thắng. Bây giờ có sự giúp đỡ của các nước bạn thì chống Mỹ-Diệm và trời phản động, ta cũng sẽ thắng".
 
Ông Trời chịu thua cả học sinh
 
Sách Giáo khoa lớp 4 trước đây có bài:
 
Trời đành chịu thua
 
"Ngày xưa hạn hán cầu trời,
Ngày nay hạn hán thì người trị ngay.
Trị đêm rồi lại trị ngày,
Cho tên giặc hạn biết tay của người,

Vừa làm vừa thách cả trời.
Có muốn tắm mát thì mời xuống đây.
Nước kia ở dưới đất này,
Đào sâu vét kỹ nước đầy mương ao,

Thách trời cứ hạn nữa nào.
Đồng ta đủ nước hoa màu vẫn xanh,
Chiều chiều nghe tiếng phát thanh,
Người chăm thủy lợi, trời đành chịu thua.
 
Ông nông hội thay "Thằng Trời"
 
Trong thời kỳ cải cách ruộng đất và sản xuất theo hợp tác xã nông nghiệp, ông nông hội có đầy oai lực mà nói:
 
"Vắt đất ra nước, thay trời làm mưa".
 
Với quyền lực của Đảng ban cho, ông nông hội không cầu Trời như xưa kia mà lại thay thế luôn "Thằng Trời".
 
"Thằng trời đứng sang một bên,
Để ông nông hội đứng lên làm trời"
 
Người cộng sản miền Bắc kêu Trời bằng thằng này, địch nọ thì đó là ngôn ngữ thông thường của văn hóa XHCN.
 
Lạp Chúc Nguyễn Huy
            
[1] Khởi đầu các giáo sĩ kêu là Đức Chúa Blời rồi sau đổi thành Đức Chúa Trời
[2] Trong Thánh Ngôn, danh từ  Ông Trời và Thượng Đế đều đồng nghĩa. 
[3] Mạc 幕 là tấm màn che, khải 啟 là mở ra (revelation). Mạc khải không đồng nghĩa với Mặc khải  (Mặc 默:  Lặng lẽ,  không nói; Khải: 啟 mở ra, bày tỏ (to reveal something silently).
 
 

Tìm các bài BIÊN KHẢO khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com