User Rating: 0 / 5

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 

.

Những dấu vết lịch sử hữu danh thì đã có nhiều tài liệu. Những dấu vết lịch sử ở vài miền xa khuất, tầm vóc không lớn, ít người lưu ý, dù sao vẫn là dấu vết lịch sử, cần kể lại nếu ta từng có dịp chứng kiến. Vì vậy, người viết bài này chợt nghĩ mình nên đóng góp chút hiểu biết những địa danh ở những miền xa khuất từng có dịp đi qua nhiều lần, dù có khi cách khoảng thời gian có đến 40 năm (như huyện Trúc Giang, nay là huyện Châu Thành tỉnh Bến Tre); hoặc đã trú ngụ trong vòng một năm (như huyện Trà Ôn tỉnh Vĩnh Long); hoặc trong vòng hai năm (như quận Đức Tôn Sa Đéc, nay là huyện Cái Tàu Hạ tỉnh Đồng Tháp). Xa khuất không phải là khó đi lại, mà vì ít có tài liệu lịch sử nhắc đến. Dĩ nhiên còn biết bao nhiệu vùng xa khuất hiếm tư liệu như vậy trên đất nước Việt Nam, nhưng mỗi người chỉ nên viết vùng nào mình đã từng kinh nghiệm “ở với”. Và dĩ nhiên ta đã từng “ở với” những vùng danh tiếng hơn, và bởi danh tiếng nên đã có nhiều bài viết dấu vết lịch sử, mình viết thêm ngại không có gì đặc biệt, có thể chỉ lặp lại. Nhấn mạnh là có dấu vết lịch sử mới được đề cập đến, còn địa danh thuần túy thuộc về đất đai thì nên dành cho ghi chép địa lý. Vậy xin lần lượt viết về 3 vùng xa khuất nhưng có dấu vết lịch sử này.
 
I./ Bờ Sông Cửu Long Thuộc Huyện Châu Thành Tỉnh Bến Tre Có Thể Là Một Cạnh Của Trận Thủy Chiến Rạch Gầm-Xoài Mút -

Trong các sách lịch sử của ta đều có nói lược qua trận thủy chiến Rạch Gầm-Xoài Mút, nơi vua Quang Trung đã phá tan 20 ngàn quân Xiêm (Thái Lan) mà vua Gia Long đã cầu viện để đánh quân Tây Sơn. Các tài liệu đó đều nói Rạch Gầm-Xoài Mút thuộc tỉnh Định Tường (Mỹ Tho) vì con sông Rạch Gầm phát xuất từ quận Cai Lậy thuộc tỉnh Định Tường (nay là tỉnh Tiền Giang). Nhưng ta suy ra thì quân Thái Lan có đến 20 ngàn, vậy trận thủy chiến phải dàn trên một địa bàn rất rộng trên sông Tiền Giang, tả ngạn thuộc tỉnh Định Tường, hữu ngạn thuộc huyện Châu Thành tỉnh Bến Tre.

Trận thủy chiến đâu chỉ diễn ra trên sông Rạch Gầm không rộng bao nhiêu và chỉ dài khoảng 15 cây số. Ít nhất hậu-bị của thủy binh Thái Lan phải hờm bên hữu ngạn sông Tiền Giang, tức dọc dài theo bờ sông thuộc Bến Tre để sẵn sàng tiếp ứng quân bên tả ngạn Tiền Giang, nơi Rạch Gầm (còn gọi là sông Sầm Giang) chảy ra sông lớn. Đường đi đến nơi ta gọi là bờ sông trú đóng thành phần hậu bị quân Xiêm thuở xưa đó, cũng dễ tìm ra: Từ bến phà Rạch Miễu thị xã Mỹ Tho, ta đi phà qua sông Tiền Giang, đến bến phà bên kia là địa phận tỉnh Bến Tre (nay đã có cầu Rạch Miễu bắc qua sông Tiền Giang nên các phà này không còn dùng nữa). Ta lên bến phà Bến Tre, nếu đi như  khi chưa có cầu, ta sẽ rẽ phải là đi qua làng Tân Thạch dọc dài hữu ngạn sông Tiền Giang bao gồm cồn Thới Sơn và cồn Phụng. Bờ sông dọc dài này, ta nghĩ  khi xưa chính là địa điểm hờm sẵn quân hậu bị Thái Lan. Con đường mòn rẽ phải từ bến phà Bến Tre ấy, thấy được vào năm 2000 cũng như người viết bài này thời thơ ấu đã thấy 40 năm trước, nó đi qua vườn tược của dân cư nằm dọc dài trên hữu ngạn sông Tiền Giang. Con đường đất nhỏ mà mấy chục năm qua vẫn như vậy, không cần sửa sang cho rộng vì hai bên là vườn cây nhiều hoa lợi, đủ loại cây ăn trái: mận, dừa, nhãn, mảng cầu Xiêm, vú sữa, sa-bô-chê, lê-cu-ma…

Nhưng từ khi có cầu Rạch Miễu, con đường mòn ấy chắc đã trở thành lộ xe. Thuở  trước quá sầm uất, nên đây là vùng oanh kích tự do thời chiến, quân Mỹ trú đóng bên kia Mỹ Tho bắn qua từ căn cứ Đồng Tâm. Bây giờ thì dân cư tấp nập như xưa. Làng Tân Thạch còn truyền tụng hai bài thơ xướng họa, đều của ông Trần Chí Bửu hay Trần Văn Bửu (1888-1959). Xin ghi lại ở đây để thấy, không phải chỉ có đồng bào ở châu thổ sông Hồng hay miền sông Hương núi Ngự mới ưa thi phú, mà đồng bào châu thổ sông Cửu Long cũng ưa thú tao nhã xướng họa. Hai bài thơ làm ra không phải để khuyên răn đạo lý gì cả, mà cốt yếu là làm đúng quy luật xướng họa, ý thơ hai bài đối nhau chặt chẽ, như sau:

Thơ Bắt Gà (bài xướng):

Bây ơi chi xá một con gà
Có bắt đặng rồi, thả nó ra
Đứa lớn khuyên răn cùng đứa nhỏ
Đàn ông nhắn bảo với đàn bà
Buông tha chúng nó, chồng gặp vợ
Bắt bớ làm chi, con bỏ cha
Nuôi nấng mến tay nên mới tiếc
Xóm gần rao khắp đến làng xa

Thơ Bắt Gà (Bài họa):

Ông ơi chi xá một con gà
Đã bắt đặng rồi, khó thả ra
Đứa lớn nhổ lông cùng đứa nhỏ
Đàn ông xào nấu với đàn bà
Phao câu béo lắm, chồng nhường vợ
Chéo cánh dòn ngon, con kỉnh cha
Nuôi nấng chi đây mà phải tiếc
Xóm gần bắt hết đến làng xa
.

Chiến công hiển hách của vua Quang Trung ở những trận chiến với quân Thanh khi chúng kéo qua xâm lấn Việt Nam, những trận chiến đã được mô tả nhiều chi tiết trong sử sách ta. Như cuộc hành quân thần tốc kéo đại quân ra Bắc trừng phạt quân Thanh, một cuộc hành quân không ngừng nghỉ cho kịp thời chận đứng quân giặc: Vua Quang Trung có sáng kiến cứ ba người một toán đi theo thế liên hoàn. Hai người khiêng võng, một người nằm nghỉ dưỡng sức, thay phiên xoay vần. Cứ như vậy mà bộ binh từ Quy Nhơn ra Bắc chỉ mất có mấy ngày. Hoặc như các trận đánh công hãm đồn giặc, vua Quang Trung có sáng kiến dùng hỏa công tượng quân: lấy rơm bọc đuôi voi rồi đốt làm chúng sợ hãi chạy đâm sầm vào thành lũy đồn giặc; trong khi đó cứ mười người khiêng một tấm ván dầy làm mộc, quân sau ào ạt xung phong, giống như cách dùng chiến xa ngày nay.

Nhưng trận thủy chiến Rạch Gầm-Xoài Mút không được mô tả nhiều chi tiết trong sách sử, chỉ nói vua Quang Trung dàn trận đánh tan 20 ngàn quân Xiêm. Dàn trận như thế nào? Ta không rõ. Mới đây, đọc trong một tài liệu đăng báo của ông Mường Giang (giai phẩm VOVINAM, Xuân Canh Thìn năm 2000), có mô tả chi tiết nhưng có vẻ giả thuyết về trận Rạch Gầm-Xoài Mút: Vua Quang Trung dùng kế nghi binh, cho thả hàng ngàn trái dừa khô vẽ mặt người. Đêm tối nhá nhem làm cho thủy binh Thái Lan tưởng nhầm là quân ta đang lội dưới sông tiến đánh chiếm thuyền của họ. Chờ cho cung nỏ và súng bắn gần hết tên đạn xuống nghi binh, vua QuangTrung xua quân giáp chiến, phá tan thủy binh Xiêm.

Một tài liệu khác có vẻ am tường về địa thế, cũng cho rằng trận thủy chiến ấy xảy ra chính trên sông Tiền Giang. Khúc sông Tiền Giang này được gọi là sông Mỹ Tho dài khoảng 6km, rộng độ 1km, cồn Thới Sơn ở giữa, và hai con sông Rạch Gầm và Xoài Mút từ Cai Lậy đổ ra hợp lực làm nướcthêm tràn đầy. Vào tháng 11 âm lịch, có những ngày nước thủy triều lên cao nhất trong năm. Khi nước thủy triều lên hết mức thì ngừng, và bắt đầu thủy triều xuống. Khoảng thời gian nước ngưng giữa lên và xuống đó, kéo dài độ 4 tiếng đồng hồ. Vua Quang Trung đã bày binh bố trận với lựa chọn thời điểm (thời gian 4 giờ nước ngưng chảy) và lựa chọn địa điểm (khúc sông rất rộng, có giàn đại bác tuy thời ấy thô sơ nhưng cũng hữu hiệu đặt trên cồn Thới Sơn, và phục binh từ 2 hai sông Rạch Gầm –Xoài Mút). Hai mươi ngàn quân Xiêm đã lọt bẫy (do dụ binh) vào chỗ nước ngưng chảy và bị nhiều mặt tấn công, nên phải tan nát. Quân Thái Lan bị dụ đến ổ phục kích, vậy không phải như ta giả thuyết có hậu bị quân Xiêm trú đóng bên hữu ngạn Tiền Giang để có thể yểm trợ bên tả ngạn (xin xem bài: “Thiên tài quân sự Nguyễn Huệ trong chiến thắng Rạch Gầm-Xoài Mút trên sông Tiền Giang Mỹ Tho 1785” – Tác giả: Hải Nam Trần Minh Đại – Đăng trên nhật báo Người Việt, Nam California, ngày 12 và 14 tháng 2 năm 2005).

Tài liệu của bài trên làm gợi nhớ những chiến công quá khứ: Địa thế của từng địa phương mỗi nơi mỗi khác, điều nghiên quân sự cần phối hợp với sự thông thạo vùng miền của người địa phương, biết thăm hỏi cư dân sẽ giúp cho chiến thắng trận địa. Còn chi tiết về nghi binh do thả hàng ngàn trái dừa khô vẽ mặt người, ta nghĩ chỉ là giả thuyết mà thôi. Ngoài ra, những câu hát ru con phổ biến tại nơi đây như “Chẻ tre bện sáo cho dầy/ Ngăn ngang sông Mỹ có ngày gặp nhau”, tác giả Mường Giang cũng giả thuyết là những câu hát xuất xứ từ thời vua Quang Trung vận động quần chúng tìm cách chận đánh quân Xiêm (lấy cớ được mời đến để cứu viện Chúa Nguyễn Ánh (vua Gia Long). Ta hy vọng rồi đây các nhà khảo cổ sẽ tìm được di tích ở ven bờ hữu ngạn tả ngạn Tiền Giang gần địa điểm Rạch Gầm-Xoài Mút: ít nhất sẽ vớt được vài mũi tên sắt, hoặc gươm đao, hoặc đôi khẩu đại bác của quân Xiêm, bị chôn vùi dưới lớp phù sa dầy ở đáy sông Cửu Long chảy ngang vùng này. Hiển nhiên như những cọc gỗ bịt sắt đóng dưới sông Bạch Đằng chọc thủng các chiến thuyền quân Mông Cổ, chiến công của Hưng Đạo Vương thời nhà Trần. Những cọc gỗ bịt sắt ấy (nay chỉ còn nửa phần dưới) được vớt lên trưng bày trong bảo tàng viện lịch sử Việt Nam. Có hiển nhiên chứng cớ sẽ làm ta thêm hãnh diện.

II./ Trà-Ôn Với Lăng Thống-Chế Điều-Bát, Tướng Của Vua Gia Long –

Bến đò đi Trà-Ôn trên bến Ninh Kiều thành phố Cần Thơ, cái bến mà người viết bài này xuống đi lần đầu tiên vào năm 1967; và trên bến có quán cơm thật ngon, nhất là món canh chua cá bông lau. Những cảnh vật xưa cũ, nay chắc không còn nhưng bến đò thì vẫn hiện diện. Ta rời bến, rời thành phố Cần Thơ, đi khoảng 15 cây số đường sông (hướng nước xuôi ra biển) thì đến Huyện Trà-Ôn (trước đây gọi là quận). Hai bên bờ, về bên phải, thuở  ấy, thấy có trường Tiểu học Thạnh Mỹ Tây tọa lạc trên bờ tại chỗ này thật cao. Gần đến Trà-Ôn, về phía bên trái có ngôi chùa Phước Hậu đồ sộ, nơi trụ trì trước đây của cố Hòa thượng Thích Thiện Hoa, sau về Sài Gòn làm Viện trưởng Viện Hóa Đạo (trước năm 1975). Trà Ôn là nơi sản xuất danh ca vọng cổ Út Trà Ôn và Chí Tâm, nữ ca sĩ tân nhạc Băng Châu… Trước khi tôi đến đây năm 1967, nghe nói quận trưởng quận này là Trung úy Lê Văn Hưng, sau này là tướng Lê Văn Hưng làm tư lệnh ở mặt trận An Lộc tỉnh Bình Long năm 1972…

Tàu đò tôi đi cặp bến quận Trà Ôn vào lúc gần chiều, ghé đậu ngoài “doi” (mỏm đất cao làm bến đò thuyền đậu, có tráng xi-măng phẳng phiu), vào buổi chiều tan chợ nên ấn tượng đầu tiên thấy quá trống vắng làm người mới đến thật buồn. Nhưng sau mới biết, vào lúc rạng sáng khi nước sông lên cao, bến thuyền đò này thật tấp nập. Ghe chuyên chở trái cây và nhiều loại sản vật miệt vườn ghé lại đây mua bán. Trên khuôn đất rộng trên bến bày ra một cuộc họp chợ lộ thiên, nhiều nhất là thức ăn, cá mắm và trái cây. Phía trong cùng doi đất có mấy quán tạp hóa, đa số đều của người Hoa, nhớ chỉ có quán tạp hóa Châu Bửu và tiệm kim hoàn của ông Hai Thống là người Việt. Như vậy để thấy, ở đâu người Hoa cũng nắm giữ vai trò thương mại, chủ động sức mạnh kinh tế. Từ doi đất đi vào phố, đa số cũng là quán của người Hoa, còn người Việt nhà cửa thì ở miệt vườn nên chỉ đến họp chợ tạm thời dọc dài con phố chính này. Chắc bây giờ người Việt đã chủ động về kinh tế.Đã là quá lâu, từ năm 1967, nên người viết bài này chỉ còn nhớ vài cửa hiệu trên phố chính đó, như Nhà Thuốc Tây Ngô Kim, tiệm vàng Kim Sơn, vựa chứa hột vịt Nam Thành Hưng… Cuối phố có chùa Bà Thiên Hậu của người Hoa khá đồ sộ…

Sông Hậu Giang chảy ngang quận Trà Ôn mở ra rất rộng nếu không kể Cù Lao Mây ở giữa dòng chạy dọc dài khoảng hai cây số. Cù Lao Mây hiện diện ở đây đã chia Hậu Giang thành hai nhánh, tuy vậy mỗi nhánh cũng còn lớn mênh mông. Tôi đến đây tháng 7 năm 1967 và từ giã vào tháng 8 năm 1968, đó lại chính là thời gian đầy khói lửa, tức trước và sau cái Tết Mậu Thân. Quân đối phương áp sát bao vây quanh Trà Ôn, mặt trận gay go tại Mộ Ông Hàm kiên cố, ngay ven rìa quận lỵ. Máy bay phản lực Mỹ từ phi trường Trà Nóc Cần Thơ phải đến bắn phá nơi cố thủ, trong khi hỏa lực pháo binh của quận cũng rất mạnh. Đội khinh-tốc-đỉnh của Hải quân Mỹ trú đồn thường trực tại Trà-Ôn. Mộ Ông Hàm ở gần Lăng Thống chế Điều Bát, một võ quan của vua Gia Long, nghe nói là người gốc Khmer. Lăng xây theo lối đình miếu như ở Huế, lúc nào cũng nghi ngút khói trầm hương. Ở ngay trong quận còn có Đình Thiện Mỹ rất khang trang, còn lưu giữ sắc phong của vua Tự Đức ban cho.

Con sông Hậu Giang chảy ngang quận Trà Ôn chính là con đường Gia Long Tẩu Quốc (khi ấy là Chúa Nguyễn Ánh), chạy trốn cuộc rượt đuổi của quân Tây Sơn (Quang Trung Nguyễn Huệ), vàđã chạy thoát ra đảo Phú Quốc. Hằng năm có lễ rước sắc phong Thống Chế của vua Gia Long ban cho võ tướng Điều Bát. Trống chiêng, cờ đuôi nheo, những người mặc võ phục triều Nguyễn thời xưa với thắt lưng màu đỏ, hoặc khăn đóng áo xanh hành lễ. Khói nhang mù mịt, người người ra vào lăng khấn vái cầu may; tóm lại là khá đầy đủ lễ nghi màu sắc ta thường thấy ở cung đình Triều Nguyễn, pha trộn với tập tục lễ nghi của người Hoa kiều. Con đường hành lễ từ lăng vào quận lỵ rồi trở về lăng, chỉ ngắn ngủi, thời gian khoảng hai tiếng đồng hồ. Đến ở với Trà Ôn khoảng một năm, và chứng kiến lễ rước sắc phong có một lần, mà lại rất tiếc chưa đọc được tài liệu về tiểu sử Thống chế Điều Bát, nên người viết bài này cũng không rõ vị võ tướng của vua Gia Long như thế nào. Tuy vậy, hình thể lăng Thống chế, lễ nghi rước sắc phong, rất gần với triều đình Nguyễn ngoài Huế, mà lại hiện diện ở một nơi xa xôi như vậy, nên ta nghĩ đây là một mảng văn hóa cần được liệt kê vào Văn Hóa Triều Nguyễn. Cơ quan Văn Hóa Quốc Tế Liên Hiệp Quốc (UNESCO) đã công nhận lăng tẩm triều Nguyễn là tài sản văn hóa nhân loại, được tài trợ để bảo tồn. Giờ đây nghĩ lại: Dấu vết một mảng văn hóa Triều Nguyễn nơi xa xôi; và mờ ảo bóng nhân vật thời Gia Long Tẩu Quốc; và chiến thuyền quân Tây Sơn từng rong ruổi trên sông Hậu Giang… tất cả là âm vang lịch sử, ta nghe dội lại từ mịt mờ quá khứ.

III./ Huyện Cái-Tàu-Hạ Và Ý Nghĩa Về Sự Việt-Hóa Bằng Ngôn ngữ -

Từ Sài Gòn đi xuống phía Nam, qua phà Mỹ Thuận (bây giờ là qua cầu Mỹ Thuận), rẽ hướng trái sẽ đi về thành phố Vĩnh Long; rẽ hướng phải sẽ đi về hướng Sa Đéc. Ta đi về hướng Sa Đéc: Từ Mỹ Thuận đi theo đường lộ dọc dài sông Tiền Giang (đúng ra thì chỉ đi dọc dài một nhánh nhỏ song song với Tiền Giang mà thôi), được 4 hay 5 cây số thì đến huyện Cái-Tàu-Hạ (trước năm 1975 có tên mới là quận Đức Tôn thuộc tỉnh Sa Đéc, nay thuộc tỉnh Đồng Tháp). Trước khi vào thị trấn Đức Tôn, ta đi ngang qua quận đường (nay chắc là một cơ quan Ủy Ban Nhân Dân Huyện) nằm về bên phải, đối diện phía bên trái bên kia đường là trường Trung học Đức Tôn (năm 1974 mở đến lớp 12).

Tôi đến đây vào năm 1969 và cũng chỉ ở đây có hai năm. Từ thị trấn Đức Tôn đi tiếp trên đường lộ ấy, độ 15 cây số nữa đến thành phố Sa Đéc, sau khi đi ngang qua xã Nha Mân nổi tiếng con gái đẹp và vườn chôm chôm sầm uất, trái nhiều ngon ngọt, chắc vì Nha Mân nằm trên cù lao lớn do đất phù sa bồi tụ dần trên sông Tiền Giang. Nơi đây có câu thơ truyền tụng: “Gà nào hay bằng gà Cao Lãnh/ Gái nào bảnh bằng gái Nha Mân” (Ca dao). Tôi đến dạy học ở thị trấn Đức Tôn vào những năm có chiến tranh; đôi khi nghe du kích về đánh đồn bót gần Mỹ Thuận, hỏa châu sáng trời, súng nổ vang dội; thỉnh thoảng có cờ Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam treo trên một cây thật cao trong bìa vườn sầm uất cây xanh cách đường lộ vài trăm thước. Dân cư sống trầm lặng trong vườn cây dọc dài hai bên đường nhựa, không thấy mở mang gì nhiều ngoài những khu trống trải mới trồng các cây ổi xá-lị chiết nhánh. Nguồn lợi ổi thu nhập khá lớn khi đem bán cho hành khách xe đò ứ đọng tại tại bến phà Mỹ Thuận (nay cầu Mỹ Thuận đã lưu thông, chắc nguồn lợi thu nhập phải đổi theo hướng khác).

Thời chiến tranh, cuối thập niên 1960, cảnh vật đều buồn, không phồn thịnh. Vậy mà thời Pháp-thuộc, tại vùng Sa Đéc này có một cô giáo người Pháp đến mở trường dạy học cho người bản xứ. Con gái cô giáo, một người đã trưởng thành tại Việt Nam sau trở về Pháp viết tiểu thuyết, trở nên một nhà văn nổi tiếng trong văn học Pháp, theo trường phái Tân-Tiểu-Thuyết: nữ văn sĩ Marguerite Duras. Tác phẩm của bà, cuốn “Người  Tình” (The Lover, đã quay thành phim) lấy bối cảnh người con gái Pháp ở vùng Sa Đéc này, qua phà Mỹ Thuận, đi đi về về vì là lưu học sinh nội trú ở Sài Gòn. Nàng yêu một công tử người Hoa ở Chợ Lớn, và họ sống phóng túng bên nhau trong khung cảnh cổ xưa của Chợ Lớn. Sau, gia đình công tử ngăn cản, bắt công tử kết hôn với một cô gái cũng người Hoa môn đăng hộ đối. Còn gia đình cô giáo Pháp ở Sa Đéc thì nghèo; có khi không đủ thực phẩm; có cảnh gia đình được công tử mời đi ăn nhà hàng sang trọng tại Chợ Lớn, tiền chàng trả như nước làm phật lòng tự ái cho anh em người Pháp. Khi gia đình cô giáo trở về Pháp, tàu viễn dương lướt trên sông Sài Gòn, lúc qua ngang những nhà kho to lớn của gia đình công tử, thoáng có bóng chàng bên cạnh ô-tô đứng nhìn theo. Phim truyện đến đó thì hết (chắc trong sách cũng vậy). Rõ ràng là tiểu thuyết “Người Tình” có cốt truyện với tình ngang trái, với tâm lý nhân vật, dựa theo sát tự truyện của Marguerite Duras. Vì vậy chắc đây là tác phẩm đầu tay, chưa có những điều tân kỳ như “tiểu-thuyết không cốt truyện” hoặc “nhân vật hư thực không rõ tâm lý” hoặc “xã hội còn phôi thai chưa nhiều tính tương giao giữa người với người” mà Tân-Tiểu-Thuyết lấy đó làm lý thuyết để sáng tác… Viết về nhà văn Marguerite Duras để thêm nét cho Sa Đéc, vì thật ra cảnh vật khi tôi đến quận Đức Tôn vào thời chiến tranh mọi sự đều như trầm trầm chưa thấy có gì khởi sắc.

Vị Hiệu trưởng trường Trung học, vì muốn giới thiệu ngôi trường khang trang do ông đã bỏ công xin tài trợ từ Bộ Giáo Dục để xây cất, nên ông có sáng kiến cho ra một giai-phẩm Mùa Xuân, in ấn không thua gì các trường trung học ở thị xã. Tôi được giao cho phụ trách số mùa xuân đó (không nhớ rõ năm 1969 hay 1970), liền nảy ra ý kiến kêu gọi học sinh viết tìm hiểu về địa-danh Cái-Tàu-Hạ, một cái tên pha trộn thổ-ngữ của người Khmer với từ ngữ Hán-Việt, phiên âm thành tiếng Việt (giống như Cái Tắc, Cái Vồn, Cái Răng, và còn nhiều địa-danh khác ở Miền Tây bắt đầu bằng chữ Cái). Nhưng các bài học sinh viết, chắc cũng được hỏi qua cha mẹ hoặc ông bà, không có bài nào nêu rõ ý nghĩa tên gọi Cái-Tàu-Hạ. Đa số đều là các bài thêu dệt tưởng tượng dựa vào các chữ “tàu” và “hạ”, nghĩa là tàu chìm. Các bài ấy kể chuyện ở ngoài sông Tiền Giang, chỗ giòng chảy qua Đức-Tôn Sa-Đéc ấy, có một vùng nước xoáy. Những đêm mưa gió, sương mù dầy đặc, thì chỗ nước xoáy ấy mới thành hình, còn bình thường thì dòng chảy êm ả cũng như mọi nơi trên sông Cửu Long. Có nét tương tự như huyền-thoại “Khéo tu thì nổi, vụng tu thì chìm” ở nơi Cửa Thần Phù tại Bắc Việt. Khách thương hồ nào gây nhiều nghiệp chướng mà chẳng may lướt thuyền qua đó một đêm mưa bão thì vũng xoáy sẽ thành hình và hút xuống mất tích thuyền buôn hay thuyền quá giang của họ. Nhưng nếu có sự phán xét chung thẩm nơi cõi siêu hình do tra cứu lại những việc làm trong quá khứ có thể chuộc tội, thì thuyền họ sẽ trồi lên tại một nơi có tên là Cái-Tàu-Thượng (địa danh có thật, thuộc tỉnh An giang ngày nay). Đặc biệt vào những đêm mưa gió mịt mùmg, rồi bỗng lặng lờ khi một cặp ngỗng trắng xuất hiện, sau đó xảy ra hiện tượng thuyền mất tích. Cặp ngỗng trắng huyền ảo này cũng thường nghe đồn đãi vùng ven sông, mỗi nơi thêm thắt vài chi tiết nên thật hoang đường.

Qua các chuyện kể trên, ta thấy pha trộn ít nhiều giáo lý đạo Phật, và nguồn gốc thổ ngữ Khmer lần hồi phai lạt không còn ai biết nữa, kể cả thế hệ người Việt là phụ huynh, ông bà, của học sinh. Điều ấy chứng tỏ người Việt đã đến cư trú tại đây từ lâu, đã rất nhiều thế hệ trôi qua. Đất đai của người Phù Nam, rồi người Khmer, thuở  trước toàn sình lầy ngập nước (nên được gọi là Thủy Chân Lạp), bây giờ là châu thổ trù phú do sức lao động của người Việt cải biến lần hồi, và lần hồi Việt-hóa qua cách hiểu và giải thích đơn giản các từ ngữ địa danh. Những cái tên học sinh vùng này rất Việt Nam với các họ Nguyễn, Trần, Lê, Phạm, Phan, Đặng, Võ… Ít có cái tên đôi khi xuất hiện với họ Thạch họ Sơn của người Khmer như ở Trà Ôn; hoặc họ Tăng họ Quách của người Hoa thường có ở Rạch Giá. Chứng tỏ Sa Đéc, riêng ở Nha-Mân và Cái-Tàu-Hạ, người Việt là thành phần cư dân đông đảo, gần như toàn thể.
 
 
City of Walnut, California (viết năm 2002, bổ túc năm 2013)
Trần Văn Nam

 

 

Tìm các bài LỊCH SỬ khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com