User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
DP Julia Do Nguyen Phuong 2 750x430
 
Julia Đỗ Nguyên Phương. Hình: Đ.Trang.
 
Julia Đỗ Nguyên Phương, 17 tuổi, vừa giành được học bổng toàn phần bốn năm của 15 Đại Học danh tiếng Hoa Kỳ, trong đó có bốn trường trong “Top 10” hoặc “Ivy League” như Harvard University (Massachusetts), Stanford University (California), Brown University (Rhode Island), và University of Pennsylvania.
 
Ngoài bốn Đại Học trên, cô nữ sinh Trung Học La Quinta, Westminster, còn được chọn vào các trường Swarthmore College (Pennsylvania), Williams College (Massachusetts), Amherst College (Massachusetts), Fordham University (New York), Hofstra University (New York), và sáu Đại Học danh tiếng ở California như UC Berkeley, USC, Claremont McKenna College, UC Irvine, Scripps College, và University of the Pacific.
 
juliadonguyen
 
Cứ ước mơ đi, rồi sẽ được!
 
Stanford University là trường cuối cùng nhận Julia và cũng là nơi cách đây ba năm, em cùng gia đình có dịp đến thăm, và mơ ước trở thành sinh viên của trường.
 
Ước mơ ấy, giờ đây đã thành sự thật.
 
“Em chọn ngành học thứ nhất là Xã Hội Học, thứ hai là Văn Chương, nhưng em đang phân vân giữa Harvard và Stanford,” Julia tâm sự. Lý do khiến Julia phải lưỡng lự, chưa đưa ra quyết định, là Stanford University chỉ cách nhà em, ngay trong khu Little Saigon, có tám tiếng lái xe, hơn một tiếng bay, còn Harvard thì ở tít miền Đông, cách nhà tới hơn 3,300 cây số.
 
“Theo em biết, thời tiết bên ấy rất khác California. Sang bên đó, cuộc sống của em sẽ thay đổi nhiều lắm. Chắc em chỉ được về thăm nhà mỗi năm hai lần thôi,” Julia nói tiếp. “Cuối Tháng Tư, em sẽ cùng bố và anh hai sang thăm Harvard. Nếu vẫn ở mức 50-50, em sẽ chọn Harvard. Vì như bố nói: ‘Cơ hội ngàn năm chỉ có một.’ Em có thể chịu đựng bốn năm ở một nơi xa thật là xa, nhưng mình sẽ được đào tạo trở thành người giỏi.”
 
Bố của Julia, nhà báo Đỗ Tài Thắng có bút danh Khôi Nguyên, rất quen thuộc với độc giả, thính giả nhật báo Người Việt từ nhiều năm qua, hiện là tổng thư ký Ban Nội Dung. Ông chia sẻ: “Gia đình chúng tôi tôn trọng ý kiến của con. Cháu nó muốn chọn trường nào cũng được, vì bước ra từ trường nào, chúng tôi cũng đều yên tâm về tương lai của con.”
 
Không chỉ dừng lại ở niềm cảm xúc vui mừng tột độ về thành công bước đầu của con gái, với trách nhiệm của người làm báo, nhà báo Khôi Nguyên còn muốn lan truyền cảm hứng đến các bậc phụ huynh, những người có con sắp hoặc đang đứng trước ngưỡng cửa đại học, từ kết quả của “cô con gái rượu” của mình.
 
“Julia là một đứa bé hết sức bình thường, thành tích học tập cũng không quá nổi trội. Điều Julia làm được, chắc chắn các em khác trong cộng đồng người Việt cũng sẽ làm được, miễn là mình có ước mơ và quyết tâm theo đuổi,” nhà báo Khôi Nguyên nói. “Cách đây 20 năm khi mới đến Mỹ, và bây giờ, tôi rất thích câu ‘If you can dream it, you can do it!’”
 
juliadonguyen1
 
Julia (thứ hai từ trái sang) cùng gia đình trong chiếc áo đồng phục được Harvard University gửi tặng. Hình do gia đình cung cấp.
 
Cảm hứng cho bài luận thành công từ… cây đàn tranh
 
Năm 13 tuổi, trong một lần theo mẹ đến trường nhạc (mẹ của Julia, cô giáo dạy Piano Phan Mỹ Linh) ở Garden Grove, Julia nhìn thấy cây đàn tranh mà các chị lớn đang học. Julia xin mẹ cho học cây đàn… chưa từng thấy bao giờ này.
 
Cũng từ cây đàn truyền thống của dân tộc Việt, và qua hình ảnh người mẹ hiền lành, tần tảo của mình, Julia viết lên những bài luận mang đầy cảm xúc, thuyết phục được nhiều giáo sư của các trường Đại Học. “Khi em nhận được điện thoại từ Harvard University, người gọi cho em nói ông rất ấn tượng về bài luận văn, vì bài ấy em viết từ trái tim mình,” Julia kể.
 
“Thật ra em nộp cho Harvard hai bài, nhưng em nghĩ gây ấn tượng là bài em viết về giá trị của người phụ nữ Việt Nam. Lúc còn nhỏ, em không hiểu về điều đó, nhưng khi vào đội đàn tranh em mới biết thêm về giá trị truyền thống. Chơi đàn tranh, mặc áo dài, dịu dàng, thướt tha, nữ tính,… em cảm nhận được giá trị của người phụ nữ Việt, trong đó rõ ràng nhất là mẹ của mình. Ngoài ra em cũng trong đội Cheerleader (hoạt náo viên) của trường. Em kết hợp nữ tính trong đàn tranh (Việt Nam), và trong Cheerleader (Mỹ).”
 
Không chỉ có ý tưởng đẹp, chân thật, viết luận văn hay, theo Julia, khi nộp đơn vào trường, các bạn trẻ cũng phải chuẩn bị thật chu đáo, kỹ lưỡng, không làm qua loa, đại khái.
 
“Bài luận văn là phần quan trọng nhất trong hồ sơ vì đó là phần mình nói về mình. Và khi mình giải thích hoạt động mình làm, và những môn học, hay nghề mình muốn học, mình phải nói thật, từ trái tim, thì nó sẽ hiện lên bằng chữ, trên tờ giấy. Người đọc sẽ cảm giác người viết bài luận đó là người thành thật,” Julia chia sẻ kinh nghiệm.
 
Ngoài việc tìm hiểu kỹ ngôi trường mình nộp đơn, Julia còn “nghiên cứu” về các vị giáo sư mà em ngưỡng mộ. Ví dụ, ở Stanford University có Giáo Sư Louise Elisabeth Gluck (người đoạt giải Nobel Văn Chương 2020) và ở Harvard có Giáo Sư Jamaica Kincaid, đều là hai “thần tượng” của Julia.
 
juliadonguyen2
 
Julia chơi đàn tranh, thướt tha trong chiếc áo dài truyền thống Việt. (Hình gia đình cung cấp)
 
“Cô chủ bút” 16 tuổi
 
Julie kể, bố mẹ em sang Mỹ năm 2001, khi người anh trai của em mới ba tuổi. Năm 2003, cô bé Julia chào đời ở miền Nam California. Sau đó gia đình chuyển sang Houston, Texas, lúc Julia lên ba. Năm 2009, khi Julia sáu tuổi, gia đình chuyển về lại sinh sống tại Nam California, cho tới nay.
 
Giống như lời ông Đỗ Tài Thắng nhận xét về con gái, Julia cũng cho rằng mình học không giỏi bằng nhiều bạn trong trường. “Việc em được các trường tốt nhận vào, không phải do em tài giỏi, hay điểm cao. Em không phải là thủ khoa hay á khoa gì,” Julia nói. “Điều em làm được ngày hôm nay, chính là do em có tinh thần lạc quan, yêu đời, không lo lắng về những thất bại.”
 
Với thân hình “mình hạc sương mai,” ở tuổi 17, chắc chắn Julia không thể “bẻ gãy sừng trâu,” nhưng cô bé lại có một nghị lực tinh thần hết sức mạnh mẽ. Cô có cách trò chuyện rất cuốn hút, dù giọng nói tiếng Việt có hơi lơ lớ của một thiếu niên được sinh ra ở Mỹ.
 
Năm ngoái, cô nữ sinh lớp cuối của trường Trung Học La Quinta, Westminster, cùng một người bạn đến gặp ông Trí Tạ, Thị Trưởng Westminster, để trình bày ý định hợp tác làm tờ báo online cho cộng đồng giới trẻ (Youth Community) của thành phố.

juliadonguyen3

Julia Đỗ Nguyên Phương (giữa) và gia đình. (Hình gia đình cung cấp)
 
Không phải tự nhiên mà Julia có ý định ấy. Từ năm 16 tuổi, Julia đã… làm báo. Không cần “ông bố nhà báo” chỉ giáo điều gì, Julia chỉ hỏi đúng một câu: “Bố, muốn làm một tờ báo thì việc gì cần làm trước?”
 
Lời hướng dẫn tưởng như rất khó thực hiện, nhưng cô bé đang ở tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” lại làm được điều khiến ông bố bất ngờ. Chỉ hai tháng sau, Julia khoe với bố, cô đang là “Editor in Chief” (chủ bút) của một Tạp Chí Online của trường La Quinta, mà cô là sáng lập viên.
 
Cô chủ bút tự đi “tuyển” nhân sự (đều là học sinh,) tự tổ chức và điều hành tòa soạn, bài vở,… để cung cấp những thông tin chính xác, đáng tin cậy với đầy đủ các mục tin tức, chính luận, đời sống, văn hóa, thể thao, khoa học,… cho hơn 2,500 học sinh trong trường.
 
Học cũng như chơi…
 
Từ nhỏ Julia đã học giỏi đều các môn học. “Học là niềm say mê của em, nhưng với em, học cũng như chơi,” Julia tâm sự. “Mẹ em nghĩ em là người ham chơi hơn ham học, nhưng em thấy giải trí và học đều quan trọng như nhau trong cuộc sống.”
 
Hiểu được điều đó, Julia sắp xếp thời gian hợp lý để học vẫn giỏi, mà chơi vẫn… không thua ai.
 
Julia vẽ tranh và sáng tác thơ. “Em thích sáng tạo. Em thích cầm cây bút, hay cây cọ, rồi viết hoặc vẽ lên trên giấy,” Julia nói. Ngoài “một rổ giải thưởng” từ khi còn bé, nhiều tới mức… không nhớ nổi, lên Trung Học, Julia tham gia nhiều hoạt động, có hoặc không có giải thưởng.
 juliadonguyen4
 
Julia Đỗ Nguyên Phương trong lần thăm đại học Stanford năm 2018. (Hình gia đình cung cấp)
 
Tuy nhiên, có lẽ quan trọng hơn cả đối với một cô bé có tâm hồn nghệ thuật và văn chương, là em đoạt giải “California Arts Scholar,” và được nhận vào chương trình “California State Summer School for the Arts” về nghệ thuật.
 
Thơ của Julia được đăng trên các tạp chí văn chương. Trong số này, có bài thơ được minh họa bằng chính tác phẩm của Julia – bức tranh “Blind Ambition” được giải thưởng Gold Key (Chìa Khóa Vàng) của Scholastic Art & Writing Awards 2020 dành cho các nhà văn và nghệ sĩ trẻ (Young Artists & Writers). Và nhờ bài thơ đó, Julia “ẵm” thêm một “Chìa Khóa Vàng” nữa, cũng của Scholastic Art & Writing Awards 2021.
 
Mùa Hè năm 2019, Julia được Kenyon College, Đại Học tư thục nổi tiếng nhất của tiểu bang Ohio, tài trợ để tham dự học khóa viết văn “Young Writers” dành cho các “cây bút trẻ” bậc Trung Học (16-18 tuổi). “Young Writers Program” chọn các thí sinh từ hơn 40 tiểu bang của Mỹ và ngoại quốc nhằm giúp các em viết tiếng Anh tốt hơn.
 
Ngoài ra, Julia còn được tặng hai học bổng về hội họa, “Ryman Arts Scholar,” và được tham gia chương trình viết văn “Adroit Journal Summer Mentorship.”
 
Lạc quan, yêu đời, và yêu môi trường
 
Julia có một gương mặt phúc hậu, một trái tim tràn đầy nhiệt huyết và tình yêu thương. Em kể: “Trong nhà, em thương yêu hết mọi người, và tôn trọng bố mẹ. Em biết bố em ở quê hương Cà Ná thời xưa rất nghèo khổ. Mẹ của em đi làm vất vả mỗi ngày, về nhà lại làm đủ thứ việc, chăm sóc cho cả gia đình. Bố mẹ qua Mỹ, và bây giờ có ba đứa con, cho tụi em học hành nên người. Em rất biết ơn và quý trọng bố mẹ.”
 
Anh trai lớn Khôi Nguyên là người hợp tính với Julia nhất. “Ngoài giờ đọc sách hay tán gẫu với bạn bè, em thích nói chuyện với anh em trong nhà, nhất là anh hai,” Julia kể. “Bố nói em hay nhõng nhẽo với anh hai, nhưng em nghĩ, làm anh hai thì phải chấp nhận điều đó thôi!”
 
juliadonguyen5
 
“Blind Ambition,” một tác phẩm hội họa của Julia Đỗ Nguyên Phương, được giải thưởng Gold Key (Chìa Khóa Vàng) của Scholastic Art & Writing Awards 2020 dành cho các nhà văn và nghệ sĩ trẻ (Young Artists & Writers). (Hình gia đình cung cấp)
 
Julia nhận mình là người vui tính, lạc quan nhất nhà. Em cho biết: “Anh hai luôn coi việc học là quan trọng nhất, em lại không quá lo lắng về điều ấy. Nếu thành công thì mình có niềm vui, nhưng thất bại cũng… không sao, mình sẽ thử cái khác. Chỉ khi lạc quan, mình mới sống hạnh phúc được.”
 
Văn chương và nghệ thuật, theo Julia, không cần phải học Đại Học vẫn theo được hai ngành này. Vì thế, em tìm hiểu công việc của một Luật Sư, và thấy hợp với mình. Julia quyết định theo đuổi ngành Luật. Đó là quyết định của Julia, không có bất kỳ sự can thiệp nào của bố mẹ hoặc anh hai.
 
“Anh hai của Julia sắp tốt nghiệp Cử Nhân và sẽ nộp đơn vào trường Y Khoa với ước muốn trở thành một Bác Sĩ. Còn em út mới 12 tuổi, Julia cũng không ép em theo ngành gì, để em tự phát triển vì em thích ngành gì thì mới yêu và học tốt ngành đó,” Julia nói.
 
Cô gái 17 tuổi không những lạc quan, yêu đời, yêu người, mà còn yêu thiên thiên, môi trường. Julia quyết định ăn chay (không ăn thịt) từ năm ngoái, với lý do: “Từ bé, em đã quan tâm đến môi trường, đặc biệt tiểu bang California hay bị hạn hán. Lớn lên em biết là chăn nuôi thì tốn nhiều nước lắm, nên nếu mình ăn chay, sẽ đỡ tốn hơn.”
 
Nhưng còn món bún thịt nướng “khoái khẩu” thì sao?
 
“Ồ, không sao, em biết có chỗ bán bún thịt nướng chay mà!” Julia cười, nói.
 
 
Đoan Trang
Nguồn SGN
 

Tìm các bài LỜI HAY Ý ĐẸP khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com