User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

Jane Eyre

Một dịch phẩm mới cho một tiểu thuyết rất kinh điển trong dòng văn học thế giới... và cũng là một tác phẩm được các phân khoa văn chương tại các đại học Hoa Kỳ và Anh quôc buộc phải đọc, phân tích: tiểu thuyết Jane Eyre của Charlotte Bronte (1816 – 1855) được nhà thơ Trịnh Y Thư dịch sang tiếng Việt. Ấn bản được NXB Nhã Nam ấn hành và đã phát hành ở nhiều nhà sách VN.

Đây là một tác phẩm khó đọc vì ngôn ngữ đã cách biệt hai thế kỷ. Thêm nữa, nhiều điển tích trong tiểu thuyết Bronte dẫn từ Kinh Thánh, và hình ảnh và suy nghĩ xã hội của thời Victoria không gần với đời sống người đời thường của thế kỷ 21.

Nhưng Trịnh Y Thư đã làm được kỳ tích cho bản dịch tuyệt vời. Anh đã bỏ nhiều công tra cứu để hoàn tất bản dịch, và có lẽ đây là một trong những bản dịch công phu nhất cho một tác phẩm kinh điển.

Tác phẩm tiếng Anh này thực ra vẫn là khó, ngay cả đối với tôi là người học Anh văn ngày đêm, và là người dịch nhiều tác phẩm Anh-Việt và Việt-Anh trong 3 thập niên qua.

Nhà văn Virginia Woolf đã nhìn về tác phẩm Jane Eyre:

Nhà văn đã cầm lấy tay chúng ta, dắt chúng ta đi theo con đường của bà, bắt chúng ta phải nhìn thấy những gì bà thấy, không bao giờ rời chúng ta nửa bước hay cho phép chúng ta quên mất sự hiện diện của bà. Cuối cùng, chúng ta càng lúc càng đắm chìm trong tài năng, sự mãnh liệt, sự phẫn nộ của Charlotte Bronte.”

oOo

Tự điển Bách khoa Mở Wikipedia tóm lược cốt truyện Jane Eyre như sau.

Chuyện do nhân vật chính kể lại: Cô bé Jane Eyre mồ côi cha mẹ từ nhỏ, được người cậu ruột mang về nuôi. Cậu chết, Jane phải ở với người mợ vốn tính cay nghiệt là bà Sarah Reed. Đây là một chuỗi ngày cực nhục đối với Jane: Cô bị chủ nhà và gia nhân ngược đãi, hắt hủi, là đối tượng trêu chọc của những đứa con hư của bà Sarah Reed. Trong gia đình ấy, Jane không được phép đọc sách, chơi đùa, lúc nào cũng có thể bị đánh đập, bị tống giam vào buồng tối, bỏ mặc cho đói và khát.

Năm Jane lên 10 tuổi, bà Reed gửi Jane vào trại mồ côi Lowood. Cũng như hàng ngàn trại trẻ khác trên khắp đất Anh, Lowood giáo dục trẻ em theo chủ nghĩa khổ hạnh "hành hạ thân xác để giữ gìn phần hồn". Jane cùng bè bạn của cô phải sống trong những điều kiện ngặt nghèo: Ăn uống tồi tệ, chỉ rặt cháo khê, khoai thối, mỡ hôi, "đến người sắp chết đói ăn vào cũng phát ốm", lại thêm quần áo không đủ ấm, dịch bệnh hoành hành, học sinh thường xuyên chịu đựng những hình phạt tàn nhẫn như bị đánh đập, sỉ nhục... Nhưng ngay từ nhỏ, tinh thần phản kháng và ý thức tự lập đã sớm nảy sinh trong tâm hồn thơ trẻ của Jane.

Sau 8 năm, rời Lowood, Jane đến xin việc ở lâu đài Thornfield. Ông Rochester, chủ lâu đài đem lòng yêu mến cô gia sư trẻ; Ông cũng được cô đáp lại bằng một mối tình nồng nàn say đắm. Hai người làm lễ cưới nhưng không thành: Người vợ mà Rochester buộc phải cưới theo tính toán của gia đình bị điên từ nhiều năm, hiện vẫn còn sống. Không muốn làm một người tình bất hợp pháp của ông chủ, Jane đau khổ trốn khỏi Thornfield. Sau 3 ngày lang bạt trên đường, cô đơn và đói rét, cô tới Marsh End, được anh em Mục sư St. John cứu giúp và tìm việc cho làm. Nhờ những may mắn của số phận, Jane bỗng trở nên giàu có và tìm được họ hàng thân thích. Sau đó, St.John cầu hôn cô và muốn cô đi cùng sang Ấn Độ nhưng cô không đồng ý. Song tình yêu cũ vẫn thôi thúc trong lòng, cô quyết định trở về Thornfield tìm tin tức người yêu. Lúc này, bà vợ điên của ông chủ đã chết, sợi dây ngăn cách hai người không còn. Và dù ông đã trở thành tàn phế, Jane vẫn đến với ông, xây dựng lại hạnh phúc đã mất.

Vâng, cốt truyện như thế...

Cốt truyện rất buồn, rất bi thảm.

Nhưng cách phản ứng của cô Jane Eyre rất là nữ quyền.

oOo

Trên trang Vanviet.info, dịch giả Trịnh Y Thư qua bài “Jane Eyre: Bàn Tay Che Giông Bão” đã giải thích cái nhìn nữ quyền như sau, trích:

“Lòng ngưỡng mộ của công chúng đối với hai tác phẩm tiểu thuyết Wuthering Heights của Emily và Jane Eyre của Charlotte càng lúc càng gia tăng sau cái chết của hai người. Từ cuối thế kỉ XIX trở đi, giá trị văn học của hai tác phẩm được giới nghiên cứu và phê bình đánh giá một cách nghiêm túc hơn. Thế nhưng cho đến đầu thế kỉ XX, đa phần những nhận định vẫn chỉ quanh quẩn ở chủ đề tâm lí học tổng quát, chẳng hạn như ý kiến của nhà phê bình Thomas Moser hay nhà viết tiểu sử Helene Moglen, cho rằng Jane Eyre là hệ quả tất yếu bộc phát do những “ẩn ức sinh lí” mà thủ phạm chính là nền luân lí Victoria bảo thủ. (Nghe tương tự quan điểm của giới trí thức Việt Nam ta hồi đầu thế kỉ XX đối với thơ Hồ Xuân Hương.) Về nội dung, công bằng mà nói, cuốn tiểu thuyết vướng phải một số nhược điểm tiêu cực như sau: thứ nhất, quá nhiều những biến cố tình cờ, không thật (đặc thù của văn chương Victoria); thứ hai, khuôn mẫu hình tượng anh hùng dựa trên tính cách của chủ nghĩa Byron (người anh hùng được lí tưởng hóa với những tính cách như: đa tài, nhiều đam mê, xem rẻ người đời, khinh khi các lề thói xã hội đương thời, sống phóng đãng, hay nổi loạn, có xu hướng tự huỷ, có thể chết vì tình yêu, vân vân); và thứ ba, các nhân vật bị chi phối ít nhiều bởi yếu tố tôn giáo hoặc giáo điều. Đứng từ góc nhìn tâm lí học cộng với tất cả những nhược điểm ấy đã không mở lối cho cuốn sách trở nên một tác phẩm kinh điển hàng đầu.

Mọi chuyện biến đổi mau chóng sau khi Nữ quyền luận trở nên phổ cập và được công nhận trong ngành phê bình văn học vào nửa sau thế kỉ XX.

Nữ quyền là một phong trào xã hội khởi đi từ cuối thế kỉ XIX ở hai quốc gia Anh, Mĩ với mục đích tranh đấu cho quyền lợi người phụ nữ. Sang thế kỉ XX nó biến thành cao trào có tầm ảnh hưởng to rộng phủ trùm lên nhiều địa hạt tư tưởng và lĩnh vực nhân văn khác nhau của đời sống nhân loại. Riêng bên lĩnh vực văn học, vào nửa sau của thế kỉ, Nữ quyền luận nghiễm nhiên trở nên một luận thuyết vững chắc, đề xuất bút pháp nữ (thuật ngữ Écriture féminine một hôm không biết từ đâu bỗng xuất hiện khiến mọi người ngỡ ngàng). Dưới luồng sáng của Nữ quyền luận, cách đọc tác phẩm văn học của các tác giả phái nữ, kể cả tác phẩm kinh điển, cũng được giới học giả và phê bình đánh giá lại. (Đáng ghi nhận trong những nỗ lực này là công trình bứt phá của Sandra Gilbert và Susan Gubar với cuốn The Madwoman in the Attic [Người đàn bà điên trên gác xép] xuất bản năm 1979.)

Nhờ thế, người ta đọc Bront với con mắt mới mẻ hơn và có thể cảm thông trọn vẹn hơn về đường lối tác giả quyết liệt đặt lại vai trò người phụ nữ và cố tấy xóa những định kiến bất công và lỗi thời.”

oOo

Đài phát thanh RFI ghi rằng nhân kỷ niệm 200 năm ngày sinh nhà văn Charlotte Bront (1816-1855), nhà xuất bản Nhã Nam - Hà Nội ra mắt độc giả bản dịch mới của Jane Eyre, tác phẩm nổi tiếng nhất của bà, dịch giả Trịnh Y Thư chuyển ngữ.

Bài phỏng vấn RFI nêu một câu hỏi, và được dịch giả Trịnh Y Thư trả lời, trích:

RFI: Jane Eyre đến nay vẫn được xem là một trong những tác phẩm giá trị nhất của nền văn học Anh, vậy ông nhận xét như thế nào về cuốn tiểu thuyết ấy, về tầm nhìn Charlotte Bront ?

Trịnh Y Thư: Tuy có khác nhau về nhận định, nhưng hầu hết các học giả đều đồng ý, Jane Eyre là một cuốn tiểu thuyết chứa đựng cảm xúc mãnh liệt, ngôn ngữ phong phú, tình tiết nhiều kịch tính được biểu hiện bằng một phong cách văn học mạnh mẽ, táo bạo. Ngay cả vào thời điểm cuốn sách ra mắt công chúng lần đầu năm 1847, giới phê bình và người đọc lúc đó đã sớm nhận thức đây là một cuốn sách khác thường, một cuốn tiểu thuyết về phụ nữ của một nhà văn nữ được viết với tất cả nét khai phóng trong ngòi bút mà cho đến thời điểm đó chỉ thấy ở những tác giả phái nam.

Tác giả đã can đảm vượt qua đường biên lễ giáo khắc nghiệt của xã hội Anh dưới triều đại nữ hoàng Victoria, trải bày tâm hồn và nỗi đam mê của người phụ nữ, chối bỏ vai trò phụ nữ tùy thuộc vào đàn ông, phê phán tính đạo đức giả của những kẻ mệnh danh đại diện tôn giáo, phê phán cả những tệ đoan của xã hội tư bản sau cuộc cách mạng kĩ nghệ đưa nước Anh lên hàng cường quốc.

Ngày nay, dưới luồng sáng của “Nữ quyền luận” trong văn học, người ta đọc Jane Eyre với con mắt mới mẻ hơn và có thể cảm thông trọn vẹn hơn về đường lối tác giả quyết liệt đặt lại vai trò người phụ nữ, cố tẩy xóa những định kiến bất công và lỗi thời. Kết quả là sự thông hiểu có sắc thái hơn về bản chất những nghịch lí trong tác phẩm, vốn là một tổng hợp gò ép khó hòa giải giữa sự nổi loạn của tâm hồn đối với xã hội và tinh thần bảo thủ tôn giáo.

Một cách khác để thấu hiểu cấu trúc của Jane Eyre là nhìn nó dưới góc độ câu chuyện của một con người bình thường đi kiếm tìm hạnh phúc, và trong lúc kiếm tìm phải luôn luôn giữ thế cân bằng giữa hai đối lực rất khó hòa giải là luân lí và bản năng. Jane là một cô gái bình thường, bất hạnh, lại không có nhan sắc. Thế nhưng, nhờ vào trí óc thông minh cộng thêm ý chí mạnh mẽ, Jane đã vượt qua bao nghịch cảnh để đạt đến hạnh phúc. Phải chăng đấy là cái tinh thần sống và muốn sống như con người, cái "human spirit" mà muôn đời được ca tụng ? Sống như một con người nghĩa là sống như một cá nhân với tất cả giá trị và tình thương cá nhân đó xứng đáng thừa hưởng.” (hết trích)

Nói ngắn gọn, Jane Yere đã ngay tức khắc trở thành một tiểu thuyết kinh điển từ thế kỷ 19, và tự thân bản Việt dịch của nhà thơ Trịnh Y Thư hiện nay cũng đã trở thành một dịch phẩm kinh điển cho người muốn nghiên cứu và dịch thuật... Sự đồng cảm 200 năm không dễ hình thành như thế. Và do vậy, bản dịch của Trịnh Y Thư là một tuyệt phẩm cần có cho người nghiên cứu văn học.

Ai có thể nghe được những âm thanh rất khẽ từ tấm lòng của một nhà văn nữ bên trời Anh quốc vọng lại sau 200 năm? Đó là những âm vang rất ẩn mật, rất nữ tính, và rất mới lạ của một thời được chở trên trang giấy cổ... Và Trịnh Y Thư đã nghe được như thế, đã ngẩn ngơ trước nỗi đau thiên cổ (và cả nỗi thẹn thùng Victoria) như thế.

Phan Tấn Hải

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com