User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

Lam Phuong

Trưa nay, tôi mời một bà bạn, nguyên là nữ giáo sư trường nữ Trung học Gia Long thời gian trước 30-4-1975, cô giáo Lữ Bá Diệp, bào muội của Trung Tướng Lữ Lan Quân Lực Viêt Nam Cộng Hòa, đi dự buổi lễ “thượng thọ” nhạc sĩ Lam Phương ở thủ đô tị nạn Bolsa.

Nhạc sĩ Lam Phương sinh ngày 20-3-1937, nên cứ gọi là buổi tiệc mừng sinh nhật nhạc sĩ Lam Phương 80 tuổi, cho có vẻ tân và trẻ trung hơn.

Nhóm Nhân Ảnh Tân Văn do văn thi sĩ Trần Việt Hải và các thành viên trong nhóm, đứng ra tổ chức. Khoảng 200 Văn nghệ sĩ giới trẻ tham dự.

Chương trình bắt đầu từ 12 giờ trưa, chủ yếu để các khán thính giả có dịp trực tiếp trò chuyện cùng vị nhạc sĩ, mà tính ra rất quen thuộc với nhiều tầng lớp dân chúng miền Nam từ năm 1954 tới nay.

Tất nhiên phần nghi lễ một buổi hội lớn vẫn duy trì như bất cứ hội hè đình đám nào của người Việt tị nạn Cộng Sản ở Hải ngoại, nhất là ở thủ đô tị nạn Bolsa.

Nhóm Nhân Ảnh Tân Văn và nhóm bạn điều hành nghi thức chào cờ Việt, Mỹ, giây phút mặc niệm, giới thiệu quan khách cùng tuyên bố lý do vv…

Nhạc sĩ Lam Phương giữ nụ cười trên môi trong suốt thời gian tiếp xúc với giới mộ điệu… là các Văn nghệ sĩ, thân hữu, thân nhân vv…

Trong phạm vi bài viết này không đề cập đến việc trích dẫn các bản nhạc của vị nhạc sĩ đã và đang nổi bật giữa vườn âm nhạc Việt Nam rộng mênh mông, vì tính chất đại chúng và đáp ứng tất cả những ưa thích của bất cứ một người Việt Nam nào có khuynh hướng dân ca tự do, ý thức Quốc Gia chân chính.

Chúng tôi chỉ muốn thuật lại việc làm của Nhóm Nhân Ảnh Tân Văn nói chung, và không khí một buổi sinh hoạt văn nghệ thân tình với nhạc sĩ Lam Phương, nói riêng, vị nhạc sĩ chuyên chở lời ca, tiếng nhạc đầy dân tộc tính, bao gồm phẩm chất “tình ca với mọi mặt xã hội Việt Nam thuần tuý Quốc Gia”.

Do đó ông vẫn vững vàng với vốn liếng âm nhạc to sù của một người dân Việt Nam chân chính yêu nước, vì bao nhiêu lời lẽ ngôn từ trong hàng trăm bản nhạc của Lam Phương, là những đơn ca, những tình khúc, những hợp xướng, mà bất cứ người Việt Nam nào cũng có thể thủ thỉ riêng tư, hay hân hoan đồng thoại, dẫu trong khuôn viên ấm áp, hay giữa chốn sa trường khét mùi lửa đạn.

Vì thế cho nên, toàn bộ các ca sĩ hiện diện đều chọn nhạc phẩm của Lam Phương trình diễn, múa hát vv…

Buổi diễn được nối dài tình thân ái, quý mến nhạc sĩ Lam Phương đến 4, 5 giờ chiều cùng ngày mới tạm gọi là chia tay…

Người nhạc sĩ ngồi trong chiếc xe lăn, với nụ cười hồn nhiên, lắng nghe lớp hậu sinh bày tỏ tình thân bằng ngôn ngữ nhạc Lam Phương.

Tức là hát các bài mà trước 30-4-1975 chúng ta đã từng nghe, và tới nay chẳng những các ca sĩ và dân Việt tị nạn ở hải ngoại luôn hát, mà ở quốc nội cũng công khai trình diễn nhạc Lam Phương.

Cho dẫu mới đây Lam Phương cũng có bài bị cấm (5 bài bị cấm của Lam Phương và các nhạc sĩ khác).

Như trên tôi đã trình bày, là tôi không đề cập tới bài nhạc nào vì tôi vốn không biết hát, nhưng bài nào của nhạc sĩ Lam Phương tôi cũng thuộc lõm bõm vài câu.

Giống như Giáo Sư Quyên Di phát biểu về dòng nhạc miền Nam, mà ông được hân hạnh nghe từ lúc mới di cư vào Nam năm 1954, bài Chuyến Đò Vỹ Tuyến, tới Nắng Đẹp Miền Nam vv…

Tôi cũng như Giáo Sư Quyên Di, ấy là những ngày tháng đó, tôi thường đi coi ca nhạc kịch của ban Dân Nam, tôi thích 3 diễn viên trẻ trung Túy Hồng, Túy Phượng và Vân Hùng.

Bấy giờ nhạc sĩ Lam Phương chắc lớn hơn quý nghệ sĩ vừa nêu ít tuổi, một trong 3 diễn viên đó là Túy Hồng sau là phu nhân chính thức của nhạc sĩ Lam Phương. Tôi nghĩ cặp nghệ sĩ ấy quả là hạnh phúc giai đoạn đó.

Nhưng cũng trên diễn đàn Hải Ngoại Phiếm Đàm, tôi đã hơn một lần kể về thâm cung ca hát với bí sử nhân vật trong thâm cung trữ tình đó.

Rằng khó tránh được những tình cờ cảm luỵ, vâng, không tránh được, mà cũng có thể là không cần tránh, bởi lẽ những tình cờ đó, là những bước chân du mục, mà khách tài hoa như lạc vào chốn phiêu lưu bao la, mênh mông, đầy hứng thú mà trời đất đã dành cho nhân thế .

Viết tới đây tôi lại phải nghiêng mình suy tụng vị thi sĩ lãng mạn Đinh Hùng cùng với phu nhân nhà thơ đó, là tới phút chót hình ảnh bà Đinh Hùng vẫn sống trong lam lũ, bên cạnh thi sĩ hào hoa phong nhã. Cả hai ông bà không cảm thấy “xa lạ” trong cung cách sống trái ngược nhau.

Vào đầu thiên niên kỷ này, mới đó mà đã mười mấy năm, vào một sớm kia, chị bạn ở San Jose và tôi ra bến xe đò Hoàng trước cửa chợ ABC, để sẽ đi San Jose.

Người tài xế xe đò Hoàng chỉ cái ghế solo duy nhất ở đằng trước, ngang ghế xe tài xế, nói với khách đi xa rằng: Chiếc ghế đó dành cho nhạc sĩ Lam Phương.

Chúng tôi có ý chờ xem nhạc sĩ Lam Phương “thực tế”, vì trong báo chí, phim ảnh thì đã thấy nhạc sĩ Lam Phương nhiều rồi.

Ngay lúc đó người nhà chở nhạc sĩ Lam Phương tới, ông như một cánh bướm, nhanh chóng lên xe, mọi người có cảm tưởng ông như người… nhà.

Trong dáng đứng còn khá trẻ trung, tuy ông chỉ cười nhẹ nhàng trả lời bạn đồng hành một cách đơn giản, hiền hậu, khiêm tốn, tôi nhớ ngay 2 câu trong một bài hát Lam Phương như sau:

“Khi người lính chiến đã đấu tranh hiến hoà bình cho Đồng Tháp, Cà Mau
“Ta cùng chen vai chung sức xây cho được mùa măng cầu …”

Có người hỏi: “Tại sao lại chỉ đấu tranh cho Đồng Tháp với Cà Mau được hoà binh, và tại sao đấu tranh để chỉ được mùa măng cầu thôi?”

Nhạc Lam Phương thì trữ tình lắm rồi. Đó là vấn đề… kỹ thuật, như quý vị làm thơ vậy: Đã cuối câu trên có chữ “Cà Mau”, thì vần cuối câu sau cũng phải “au”, cho nên đưa hình ảnh quả măng cầu vào là hay nhất, là đắc sách nhất, rất đúng với mong ước bình dị của người dân Nam Bộ.

Đồng thời hình ảnh trái măng cầu trong truyền thuyết miền Nam, biểu tượng cho sự may mắn thành công một cách bình dân, bình thường, song cũng sâu sa ý nghĩa lắm chứ: đó là cầu chi được nấy, là mãn nguyện rồi.

Vẫn chỉ trong 2 câu này thôi, người theo sát tình hình chính trị xã hội, còn có thể hiểu là nhắc tới danh tính địa phương miền đồng bằng Nam Bộ, vựa lúa lớn nhất miền Nam, mà 2 tỉnh Đồng Tháp với Cà Mau là 2 cái nôi của Cộng Sản nằm vùng.

Không một người lính chiến Việt Nam Cộng Hòa nào không biết hoặc nghe Việt Cộng đã chiếm ngụ phần nào Đồng Tháp với Cà Mau, làm nơi ẩn náu cán binh của chúng.

Nên lời nhạc tuy đơn sơ đấy, mà cũng… thâm thuý đấy, người lính VNCH đã đấu tranh cho Đồng Tháp, Cà Mau được hoà bình, no ấm dưới ánh sáng miền Nam tự do.

Do đó nghe nhạc Lam Phương là nghe được nỗi lòng, nghe được mong đợi thanh bình, tự do từ nền Đệ Nhất Cộng Hoà Việt Nam, đến nền Đệ Nhị Cộng Hoà Việt Nam.

Sự kiện Việt Nam Cộng Hòa, đã tỏa ra đều khắp sinh hoạt cuộc sống từ thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm 1954, tới suốt thời Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu 1975.

21 năm tràn đầy ánh sáng miền Nam, cũng là 21 năm son giá nhất của dòng nhạc Lam Phương.

Qua 42 năm sau này, khi miền Nam đã rơi vào tay Cộng sản, thì nhạc Lam Phương mang nét u buồn, trầm thống, những Say, những Lầm vv…
Lại cũng đi vào quần chúng, lại cũng thể hiện niềm thương nỗi nhớ, tuyệt vọng của người dân di tản, những hoàn cảnh bị lật trái trước tang thương.
Nên chẳng những nhạc sĩ Lam Phương hứng chịu tai ách trầm luân, mà người di tản, bỏ xứ ra đi vì Cộng sản, cũng bị ảnh hưởng không kém.

Một lần nữa nhạc Lam Phương lại giãi bày tâm tư tình cảm khổ luỵ vì ai, vì đâu, nếu không muốn chỉ thẳng vào mặt bọn bạo quyền Cộng Sản đang tiếm đoạt đất nước, trong đó có miền Nam yên ấm, hiền hoà, lạc quan trước đây.

Bất giác tôi ngó về phía nhạc sĩ Lam Phương đang ngồi trong xe lăn tay, trước mặt là ổ bánh sinh nhật thật lớn, có lẽ bằng cả nửa chiếc chiếu đơn, do gia đình nhạc sĩ Lam Phương thực hiện, chuyển tới đại sảnh đường Kingston Garden buổi chiều ngày Chủ Nhật 26 tháng 3 năm 2017 vừa qua.

Danh vọng và Bình thản đã khiến nhạc sĩ Lam Phương đóng khung tâm ý trong nụ cười hết sức an nhiên hoà nhã, phảng phất nỗi bâng khuâng, mà không kiếp nhân gian nào không đã, đang và sẽ trải qua…

Sự hối tiếc trong nhạc phẩm Lầm, sự buồn chán trong nhạc phẩm Say, đã khép lại một buổi chiều ân tình, nghĩa nhạc thân thương của các tầng lớp dân tộc Việt Nam, tưởng rất khó vận dụng đều khắp lòng quý mến của đại chúng Việt Nam Cộng Hòa lưu vong, bằng bản nhạc ngắn gọn quốc tế để cùng nhau san sẻ tình thân với nhạc sĩ Lam Phương “Happy birthday to you” lần thứ 80 hôm nay.

Giáo Sư Dương Ngọc Sum, Giáo Sư Trần Huy Bích, Giáo Sư Nguyễn Bá Thảo, Giáo Sư Song Thuận, Giáo Sư Lữ Bá Diệp và Giáo Sư Quyên Di vv… trong giới giáo chức hiện diện, đều hân hoan chào mừng nhạc sĩ Lam Phương, chứng tỏ giới mô phạm cũng thiết tha với nhạc sĩ mang tính cách quần chúng tên tuổi này.

Cao Mỵ Nhân

 

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com