User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

VHNT Tran Van Nam

Nhà thơ Trần Văn Nam
(1939-10.1.2018)

Nhà thơ và lý luận văn học sinh ngày 18-11-1939 tại Bến Tre, trước 1975 là giáo sư Việt Văn và Triết tại miền Tây, Trần Văn Nam sớm có bài đăng trên Nhân Loại (thơ Phương Ấy, Về Thị Thành, Sơn Cước, ...), rồi Văn, Văn-Học, Nghệ Thuật, Khai Phá, Văn Khoa, Đối Thoại, Trình Bày, Vấn Đề, Thời Tập, báo Dân Chúng, ... Tác giả tập nhận định Văn Nghệ Đã Đi Đến Đâu? Từ 1954 Đến Bây Giờ - Phụ Tập: Thơ Và Triết Học - Trường Ca Của Dòng Sông Xuyên Á (TGXB, 1966 - 32 tr.). Tư tưởng, lý luận theo khuynh hướng hiện sinh: Tập Thơ Độc Nhất (thơ và triết học; Trình Bày 1963) và Tập Thơ Bổ Khuyết (TGXB, 1963) - trong cả hai tập, Trần Văn Nam đã áp dụng triết học Hiện sinh vào thi ca và văn chương, thi ca ở đây được xem như là phương tiện đến với triết lý đồng thời như là mục đích của cả triết lý lẫn thi ca đồng thời ông đã thử đưa vào thi ca những ý niệm/nhận thức siêu hình về con người [X. Chương Thi Ca).

Trong Văn Nghệ Đã Đi Đến Đâu? Từ 1954 Đến Bây Giờ, ông đã đặc biệt có những quan sát và nhận định về sinh hoạt văn học ở miền Nam: Dư vang văn nghệ lãng mạn tiền chiến và văn nghệ chiến khu, Văn nghệ khởi lên từ cuộc di cư, Văn nghệ mới với nhóm Sáng Tạo, Thời kỳ văn chương và siêu hình học, Văn nghệ sau ngày 1-11-1963 và cuối cùng, Đường đi của hơn 10 năm văn nghệ. Ông đã sớm có cái nhìn về giá trị văn chương của các sản phẩm xuất bản và đã nhận định về thời 1965- 66: ”... văn-chương đang tìm về nghệ thuật muôn đời, văn chương đang tìm về ước vọng của con nguời ngàn năm, văn chương đang tìm về Viễn Mơ thanh bình chứ không phải hiện thực xã hội...” và ông đã khẳng định rằng “không” cho câu hỏi “tác phẩm vị nhân sinh nào tồn tại đến bây giờ?”. Và Triết học Tây phương đã và đang hướng về phía Đông, “trở về tâm giới, được coi như một cuộc hành hương trở về quê nhà”, thì nghệ thuật cũng vậy, “sau những quyến rủ của danh nghĩa viết bằng chữ hoa; những danh từ kêu lời: Vị nhân sinh, nhân bản, Dấn thân, Đầu thế, Triết lý, Siêu hình, văn nghệ đã trở về ngôi nhà đích thực của mình đã bỏ quên là nghệ thuật thuần túy. Nghệ thuật là cái Đẹp sau những phong ba của thực tế; cũng như con chim kêu ghềnh núi không hẳn là tiếng kêu thương thảng thốt mưu sinh, mà có khi là tiếng kêu ca ngợi cuộc đời. Hành trình trở về nhà của văn-nghệ không phải là một con đường vạch sẵn do một lý thuyết hướng dẫn, mà là con đường lần mò do sự kiện văn nghệ diễn tiến phô bày lần lượt trong hơn 10 năm văn nghệ ...” (tr. 15-16) - đó cũng là lý do mà bản đăng tạp chí Văn Học có tựa “Văn Nghệ Đã Đi Về Đâu? Lược trình văn học sử kể từ 1954, và viết theo lập trường vị nghệ thuật”!

Trần Văn Nam đã có những bài viết đáng kể trên tạp chí như "Văn chương tìm về viễn mơ hay hiện thực?" (Vấn Đề,7, 10-1967) và sau đó, bài "Góp phần luận về văn chương viễn mơ" (Trình Bày, số 42, 2-9-1972) đề cao văn chương thuần túy do cấu trúc qua Mai Thảo và Nguyễn Tuân, nêu vấn đề văn chương quá viễn mơ cũng như khuynh hướng đã "mang gió bụi chiến tranh vào văn chương” là để nhắc nhở, cổ động cho một văn học hiện đại và đáp ứng nhu cầu người đọc và người viết ở thời điểm cuối thập niên 1960 - Bài đã được Thế Nguyên sử dụng làm cái cớ chính thức đình bản tờ tạp chí: «chúng tôi cảm thấy không thể nào chấp nhận được bất cứ một ý định nào nhằm buộc văn chương phải lấy việc “phục vụ cái Đẹp” làm bổn phận duy nhất. Chính vì lý do đó, mà sau số báo này, tờ Trình Bày sẽ đình bản»). Và Thế Nguyên cũng từng trích ra bài này để dẫn chứng phản bác trong “Văn chương trước những mưu đồ bất chính của hệ thống chiến tranh lạnh” nói lên ước mơ quay mặt với hiện thực đen tối. Ông viết: “Chủ trương ngoài thời thế thì phải đề cao văn chương vụ hình thức. Đề cao văn chương vụ hình thức thì lấy điển hình sẽ không còn ai thể hiện rõ ràng hơn bút pháp cầu kỳ của hai nhà văn này (nếu ta nói là văn chương sang cả thì chỉ nhấn mạnh nội dung hơn hình thức). Bị ngộ nhận từ “văn chương thiên về cấu trúc mỹ cảm” thành “văn chương của đời sống giàu sang” nên mới có những bình phẩm khuynh hướng trên là “nền văn chương ngoại lai viễn mơ của các thế lực đế quốc trá hình”. Dưới đề mục “Đẹp, Thật, và Phê-bình Cơ cấu”, Trần Văn Nam phân tích:

“Nhà văn là kẻ đăm chiêu với ngôn ngữ. Nhưng nếu không bó buộc nhà văn phải nói lên điều gì về tư tưởng, thì cũng phải hỏi nhà văn đăm chiêu với ngôn ngữ để làm gì? Có hai cách trả lời. Đăm chiêu với ngôn ngữ để diễn tả cho thật, trình bày cho sống động một quang cảnh đời, đó là khuynh hướng của văn chương hiện thực xã hội. Và đăm chiêu với ngôn ngữ để diễn tả cho đẹp, cho rung động về mỹ cảm, đó là khuynh hướng của văn chương vị nghệ thuật. Dĩ nhiên tả thực hay tả đẹp đều đòi hỏi sự xúc cảm tâm tình của nhà văn, nếu không thì tác phẩm không có dấu ấn của bản ngã, của tâm tính người sáng tác. Sự phân chia vị nghệ thuật hay vị nhân sinh là phân chia theo hai quan điểm đối lập, còn có khuynh hướng trung dung trộn lẫn hai quan điểm như nhà thơ Nguyên Sa đã nhiều lần bày tỏ trên tạp chí “Tiếng Nói”, và còn có người nằm trong khuynh hướng nàv mà sử dụng chất liệu của khuynh hướng kia như nhà văn Thanh Tâm Tuyền trong cuốn “Dọc đường”. Lối tả thực một cách sống động của Thanh Tâm Tuyền trong tác phẩm này không có khuynh hướng hiện thực xã hội, hiện thực phê phán. Có lẽ ông chỉ sử dụng chất liệu đời sống hàng ngày không có chút gì thơ mộng để phản ứng lại lối dùng văn nghiêng về trí thức thời Tự Lực Văn đoàn hay ước lệ sáo ngữ thời cổ điển. Ông nằm trong khuynh hướng lấy đời thường làm đối tượng; nhưng chủ đích vẫn là nghệ thuật, nghệ thuật là mục đích chứ không phải phương tiện...”(24).

Trên tuần báo Khởi Hành (số 42, 26-2-1970), bài "Văn chương tươi mát đã đi vào thời đại", Trần Văn Nam bày tỏ ý hướng muốn tách ra khỏi ảnh hưởng của triết lý hiện sinh chán chường và hư vô chủ nghĩa của một số tác giả thời này:

“... Mai Thảo thuộc nhóm các nhà văn đăm chiêu về việc viết văn... đăm chiêu với văn chương để làm gì, chẳng phải là đi tìm một tương quan đẹp của từ ngữ phối hợp hay sao?... Những đề tài như “Đêm Xuân Trăng Sáng”, “Kể Chuyện Trong Đêm” (của Võ Phiến) đã biểu lộ tính chất và nguồn rung cảm mỹ thuật của nhà văn sau những băn khoăn thời cuộc, những lo toan chính trị... Khi mà nhà văn Thế Nguyên của Tạp chí “Đất Nước” ca tụng giá trị thực tế của sự truyền thông bằng vệ tinh nhân tạo, nhà thơ Viên Linh của tuần báo Khởi Hành (trong số đặc biệt: Một Vừng Trăng Khác) tuyên bố từ nay thi ca xin rút chân ra khỏi thiên thể này khi khoa học đã đặt chân xuống nguyệt cầu, làm lộ liễu hành tinh ước mơ của nhân loại. Trong ngày nguyệt tận của vũ trụ, nhà thơ đi tìm một vừng trăng khác... Trong khi những nhà văn lớn đã lần lượt vượt qua thời kỳ (thời kỳ màu xám của Thanh Tâm Tuyền; màu đỏ của Võ Phiến, màu đen của Nguyễn Thị Hoàng) thì các nhà văn nhỏ hơn lại tiếp tục làm văn chương nổi loạn siêu hình của hư vô chủ nghĩa. Họ tiếp tục làm dáng văn nghệ hiện sinh với vấn đề dục tính”.

Ghi nhận thêm ở đây bài thơ văn xuôi trong “Tập Thơ Độc Nhất” xuất-bản năm 1963, đăng lại trong Tạp chí Thời Tập (Westminster CA, số 3, 1990), nhan đề: Nhền Nhện Và Dã Tràng:

“Một đêm đen như mực bầu trời không trăng sao, nhền nhện từ trong một góc rừng chập choạng trên con đường gió thổi, lần mò xuống bãi biển thì thầm với dã tràng như sau đây: Nó kể chuyện một đêm mon men đến gần nhà tiên tri Zarathoustra đang giảng dạy cho bọn đệ tử ngồi chung quanh một chiếc cột trụ có ghi hàng chữ “Khoảnh Khắc” đánh dấu phía sau là con đường dĩ vãng mất hút vào Vĩnh Cửu và phía trước là con đường tương lai mù mịt kéo dài đến Vô Biên.

Nhà tiên tri cho biết mọi vật khi đã đi đến đây kể cả ngài và con nhện đang chậm chạp bò dưới ánh trăng trên sườn đồi đều phải trải qua từ con đường quá khứ rồi sẽ trở về từ con đường tương lai phía trước đề Sống lại cuộc đời tiền kiếp nơi Cột Trụ Khoảnh Khắc này.

Dã tràng nghe kể như vậy gật gù công nhận mình cũng đã tái hồi vĩnh viễn sống lại cuộc đời cũ cách đây hàng triệu năm lịch sử để hoài công lặp đi lặp lại công việc xe cát tìm tòi nơi biển Đông bởi vì ngày xưa nó lỡ làm rơi một viên ngọc quý xuống đáy trùng dương vô tận.

Dã tràng cho rằng bao nhiêu loài côn trùng khác từ con muỗi đi tìm ba giọt máu đến con ve ve sống âm thầm trong lòng đất hơn mười bảy năm trời, tất cả đều đã trở về vĩnh viễn sống lại cuộc đời tiền kiếp ở nơi đây nên mãi mãi còn rỉ rả dọc theo bờ biển dài suốt một đêm không trăng sao” (Trần Văn Nam - Thơ Và Triết học/ Văn ảnh)

Hay:

“Rồi bỗng thời gian cũng lặng lờ
Nghe từ góc bể vẫn xa mơ
Nghe đâu dưới đáy mồ vô tận
Sương khói ngàn khơi trải vật vờ...” (“Tập Thơ Độc Nhất")

Nội dung siêu hình và sự đào sâu tâm lý dưới dạng văn ảnh và huyền truyện, đã là những thi tính trong triết học và Trần Văn Nam đã áp dụng tính chất văn ảnh có chất thơ ấy trong một số sáng tác như bài Nhền Nhện Và Dã Tràng vừa trích (cũng như bài Con Sông Dài Qua Kinh Thành Cũ đã trích ở chương Thi Ca). Phần chúng tôi gọi là “thơ văn xuôi” là nói về hình thức, vì với tác giả họ Trần, “văn ảnh” trong triết học thường ở dạng văn xuôi! Mặt khác trước đó, Trần Văn Nam đã từng chủ trì “Thơ đẹp là một vận chuyển toàn bộ” như bài ông viết trên tạp chí Văn (25). Theo ông, cảm thức cái đẹp của thi ca xuất phát từ kinh nghiệm sáng tác thơ, đó là một vận chuyển từ cuộc đời và nghệ thuật và là một vận chuyển nối kết các từ ngữ thẩm mỹ - ông đã trích dẫn thơ ông và của một số nhà thơ thời trước 1960 để luận chứng. Có thể xem đây là một thứ “thi ca tự truyện” mà mỗi con chữ, ý, tình phải “đi vào tiểu sử” người sáng tác, độc giả mới hiểu hết được cái thẩm mỹ của văn bản thi ca.

Như vậy, với Trần Văn Nam, văn chương phải chạm đến cõi siêu hình nhưng đồng thời phải mang các chất hiện thực và thẩm mỹ tính! Và ông đã liên tục đi tìm cách thế nghệ thuật thể hiện sáng tác cho riêng mình và giải mã tinh túy văn học nói chung, thi ca cách riêng.

Nguyễn Vy Khanh
diendantheky.net
 

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com