Cùng với hàng chục khuôn mặt lẫy lừng như Mai Thảo, Dương Nghiễm Mậu, vân vân, Thảo Trường là một trong những nhà văn hàng đầu của văn học miền Nam.
Nhà văn Thảo Trường. (Hình: Người Việt)
Nhưng khác với lối viết bóng bẩy, đôi khi có phần màu mè, của Mai Thảo hay lối viết đào sâu ý thức hiện sinh của Dương Nghiễm Mậu, văn Thảo Trường giản dị, dễ hiểu và đầy tính hiện thực, hiện thực đến nỗi nhiều truyện của ông được dựng nên y như thể ông đang kể chuyện đời mình.
Đọc ông, ta tưởng như ông tỉ mỉ ghi lại những gì tận mắt chứng kiến từ đầu đến cuối y như chúng đang diễn ra. Thực ra, ông cho biết: “Riêng đời tôi, tôi chưa làm tác phẩm tự thuật. Tôi không có ý định viết hồi ký.” Ông chỉ góp nhặt những chuyện ông chứng kiến trong đời sống, những gì nghe người khác kể lại hay đọc từ trong sách vở rồi ghi lại theo một cấu trúc riêng với mục đích phản ảnh cái có thật trong hiện thực. Trong quan điểm đó, Thảo Trường hiếm khi hay đúng hơn, không trực tiếp đưa ra những nhận định triết lý qua lời văn hay qua đối thoại giữa các nhân vật.
Với giọng văn mô tả cụ thể điểm thêm nét hài hước, có khi khá mỉa mai, cái thâm trầm, sâu sắc toát ra trong truyện của Thảo Trường hầu hết đều nằm trong chính các sự kiện, hay đúng hơn, trong cách mà sự kiện diễn ra. Cung cách này hầu như không thay đổi mấy của một Thảo Trường trước 1975 và Thảo Trường khi ra định cư ở hải ngoại từ năm 1993.
Một trong những truyện ngắn mang tính cách điển hình của một Thảo Trường như thế tìm thấy trong “Trong Hẻm.”
Nhân vật chính trong truyện, xưng “tôi,” một Sĩ Quan quân đội VNCH, qua định cư ở Hoa Kỳ theo diện cựu tù nhân chính trị, vẫn thường được gọi gọn là diện HO. Nhưng do có cô con gái đã định cư ở Mỹ rồi, nên thay vì đi theo kiểu “mồ côi” (tức không có thân nhân ở Mỹ) chính phủ Mỹ “bàn giao” ông – và đứa con trai út kèm theo – cho hai vợ chồng cô con gái, vốn đã định cư từ trước, đứng ra bảo lãnh. Thành thử, là HO nhưng lại không phải HO, mà là đoàn tụ gia đình trong tinh thần nhân đạo.
“Bao nhiêu phí tổn di chuyển từ Việt Nam qua và tái định cư tại Mỹ trong tinh thần nhân đạo ấy cho gia đình tôi, đều do con gái và con rể tôi đài thọ.” Trong thời gian đầu, hai vợ chồng và đứa con ở tạm trong phòng khách nhà cô con gái. Bà vợ coi sóc mấy đứa cháu ngoại được vợ chồng trả cho mỗi tháng mấy trăm, đứa con trai “nhặt banh ở sân Golf,” còn nhân vật thì “đi lượm ve chai.” Sau một thời gian, ông gặp được một đồng hương tốt bụng đang làm nghề cắt cỏ, thuê ông đi theo phụ cắt cỏ. Có đồng lương tạm đủ sống, hai cha con thuê một căn nhà ở trong hẻm, dọn ra ở riêng, chỉ còn bà vợ ở lại coi cháu. Đứa con vừa đi học vừa đi làm. “Tôi chỉ còn có nó là niềm hy vọng của dòng dõi. Phải nói rằng đó là niềm hy vọng cuối cùng của một kẻ thất trận lưu vong.”
Với óc quan sát tinh tế, Thảo Trường đã dành cả nửa truyện mô tả một cách chi li mọi sinh hoạt trong cái con hẻm nghèo nàn này. Hẻm là “một con ngõ cụt, gồm hơn mười căn nhà gỗ đã quá cũ chia thành hai dãy hai bên,” đi vào và đi ra chỉ có một lối. Cư ngụ trong hẻm là người thuộc nhiều sắc dân khác nhau, mà “chín gia đình ở trong xóm hình như đều lãnh trợ cấp xã hội.” Đó là một thế giới tự do.
“Các nhà đều không đóng cửa vì cũng không có gì đáng để mất. Nhà này có thể mượn của nhà kia những đồ dùng lặt vặt mà không cần hỏi trước.” Ngoại trừ hai gia đình Á Châu là có làm việc và nấu nướng hàng ngày, còn thì “mọi người sống thoải mái, ít thấy ai đi làm” và “cũng ít thấy nấu ăn vì thường ăn đồ ăn làm sẵn ở tiệm ngoài đường cái.” (…) “Đồ dùng tiện nghi trong nhà đều cũ kỹ hư hỏng, gỉ sét, nhưng cũng không ai đòi hỏi phải sửa chữa hay thay thế. Nhà chỉ cần không dột, có nước, có điện, khỏi cần sơn phết lại miễn đừng tăng giá. Những căn nhà này có lẽ chỉ cần giữ nguyên như thế cho đến khi nó sụp đổ không ở được nữa!”
Điều đặc biệt là chẳng ai quan tâm đến chính trị. “Cư dân ở đây không biết ông Tổng Thống là ai.” Vì được hưởng trợ cấp từ chính phủ, nên mọi người hầu như ngày ngày “ăn rồi ở không, hút thuốc, uống rượu, hôn nhau và chửi tục.” Tuy vậy, “chưa thấy có chuyện cãi vã hay xích mích xóm giềng. Nhà nào sống theo nhà ấy, không ai can dự vào chuyện của người khác.” Họ cũng chẳng quan tâm đến vệ sinh. “Trong nhà ngoài ngõ cũng ít quét dọn, thậm chí còn thấy những bao cao su ngừa thai vứt rải rác khắp nơi trong khi các cô gái tuổi vị thành niên nhưng cao lớn to khỏe của xóm thì đã đều lần lượt mang bầu. Rác rưởi tùm lum thoải mái, nếu có ai siêng thì đem bỏ vào cái thùng rác chung bằng sắt to tướng có bánh xe để trước căn đầu dãy, cứ chiều Thứ Năm người thuê căn đầu đó và cũng là người quản lý cả xóm sẽ lái chiếc xe móp méo của ông ta đẩy từ từ cái thùng rác có bánh xe lăn ấy ra ngoài đường chính để sáng hôm sau xe rác thành phố sẽ đi ngang lấy đi.”
Quả là một xóm nghèo điển hình xứ Mỹ! Nghèo nhưng không đói.
Người đồng hương tốt bụng của nhân vật đồng thời cũng là chủ nhà mà cũng là ông chủ việc làm. Khác với những gia đình nghèo trong hẻm chỉ biết sống nhờ chính phủ, nhân vật chịu khó làm việc. Theo người đồng hương, nghề cắt cỏ có một tương lai “tươi sáng.” Chỉ sau một thời gian là sẽ học được nghề và sẽ có thể tự mình mở ra một “hãng” cắt cỏ riêng, thuê mướn người Mễ làm công, tha hồ mà kiếm tiền. Cứ thế thì rồi cũng sẽ trở thành người Mỹ. Cái sướng của nghề cắt cỏ, theo người đồng hương, là được nghỉ Thứ Bảy và Chủ Nhật vì khách hàng Mỹ không muốn ồn ào khi họ nghỉ ngơi cuối tuần.
Những lời động viên như thế giúp nhân vật cật lực làm việc. Thảo Trường viết: “Quả thật cái gì tôi cũng phải tập cho quen thôi. Tập thức sớm, tập dậy trễ. Tập siêng năng, tập lười biếng. Tập khôn ngoan, tập khờ khạo. Tập tự do, tập độc đoán. Tập đôn hậu vồn vã, tập tàn nhẫn lạnh lùng. Tập khoan dung, tập bất nhân. Tập hiền, tập ác. Tập lo âu, tập thây kệ… Phải tập tành tất. Tập đồng minh, tập phản bội. Tập can thiệp, tập tháo chạy…”
Cách viết trông có vẻ “cương,” “phóng đại,” “nói quá” này chính là cách phán đoán của Thảo Trường về những khía cạnh tích cực chen lẫn với tiêu cực và nghịch lý của cuộc sống, của chính trị, của thân phận con người trong cuộc nhiễu nhương. Tốt cũng phải tập luyện mà xấu cũng phải tập luyện!
***
Đúng là một con hẻm tồi tàn xứ Mỹ, nơi chứa chấp những người nghèo nhất nước Mỹ. Phải chăng nhà văn của chúng ta muốn bôi bác nước Mỹ, vốn vẫn được ca ngợi như thiên đường?
Không. Thảo Trường không chỉ ngừng ngang đó. Truyện tiếp diễn với một khung cảnh khác: chiến tranh Việt Nam. Chả là, người đồng hương tốt bụng kia hồi trước là “Hạ Sĩ Quan có thời gian đã là thuộc quyền của tôi.” Năm 1975 khi đơn vị tan vỡ, ông ta theo đoàn người di tản đến Mỹ. “Ông Hạ Sĩ Quan ngày nào nghe tâm sự và biết hoàn cảnh của ông Sĩ Quan sếp cũ của mình bèn dẫn về nhà ở và cho đi theo phụ cắt cỏ. Trên, dưới, thời chiến xưa, bây giờ đã có phần thay đổi. Dù muốn dù không thì người thuê mướn và người làm công cũng vẫn có những khoảng cách và những dị biệt.”
Nhà văn Thảo Trường ký tặng sách “Những Miểng Vụn Của Tiểu Thuyết” của ông do nhà xuất bản Người Việt phát hành. (Hình: Người Việt)
Chính người đồng đội thuộc cấp này đã đưa nhân vật HO hồi tưởng lại một trong những cuộc hành quân mà ông chỉ huy thời còn chiến tranh. “Toán mười hai người gồm mười một Hạ Sĩ Quan và tôi là Sĩ Quan trưởng toán. Chúng tôi bị cô lập trong trại binh để tập tành tất cả những thao tác cần thiết theo một kế hoạch hành quân nhảy toán. Mục tiêu ở khu rừng núi chiến khu D, nhiệm vụ bắt sống hoặc tiêu diệt thành phần ban chỉ huy Cục R.”
Khi máy bay thả toán xuống địa điểm, thì “máy truyền tin lớn để liên lạc với bộ chỉ huy đã bị bể khi đáp đụng cành cây dù cụp lại rồi thì máy mới rớt xuống đá bể nát. Tức giận, ông chửi mắng người Hạ Sĩ Quan phụ trách truyền tin một cách thậm tệ, tục tĩu. Vậy mà, anh ta không phản ứng gì và tôi chỉ thấy mình vô lý bất công thô tục khi nhìn anh ta lặng thinh lẽo đẽo theo toán. Sau đó, tôi lập đội hình rồi Tiểu Đội xung phong vào và trong chớp nhoáng với những vũ khí tối tân gọn nhẹ của Biệt Kích tất cả tám người trong mục tiêu đều ngã gục không kịp phản ứng vì có lẽ họ cũng không thể ngờ căn cứ trong rừng sâu bất khả xâm phạm này lại có thể bị tấn công.”
Để về lại căn cứ, toán đột kích của ông phải gian nan tìm đường thoát. Chỉ sau khi được Lữ Đoàn Dù mở cuộc hành quân tiếp cứu với “tổn thất hơn hai mươi [20] người do tai nạn nhảy xuống rừng rậm,” toán mới thoát hiểm. Tuy nhiên, sau này ông mới biết là “những nhân vật chủ chốt của Cục R” mà toán ông chỉ huy tưởng đã tiêu diệt, vẫn còn sống.
Điều này khiến ông băn khoăn tự hỏi: “Thế thì những tử thi mà chúng tôi đã lấy dấu tay là của ai? Và chẳng hiểu những nắm xương vô định đó có được tìm kiếm? Nói cách khác, tám [8] người mà toán ông giết, nếu không là những người vô tội, thì cũng không phải là những kẻ đầu não của phe địch mà mục đích của cuộc hành quân nhắm đến. Ấy thế mà, để đạt được cái mục tiêu không hề hoàn tất ấy, cuộc hành quân mà ông chỉ huy lần đó đã giết mất tất cả hai mươi tám [28] người, của cả hai phe. Chiến tranh là như thế, thật chua chát.”
Đó là một lẽ. Còn một lẽ khác ám ảnh nhân vật.
“Có điều tôi quên chưa nói là người thứ mười hai không ý kiến về cách đánh chiếm mục tiêu ngày ấy chính là ông Hạ Sĩ Quan truyền tin, người tôi đã chửi thề và cũng là người chủ cắt cỏ mướn mà tôi đang làm công. Và cũng là người cho đến bây giờ tôi vẫn chưa nói được lời xin lỗi.”
***
“Trong Hẻm” là một truyện, nhưng có hai câu chuyện. Hai chuyện có vẻ như chẳng dính líu gì nhau này, thực ra, lại cùng một mạch, mà mối nối chính là người Hạ Sĩ Quan truyền tin ở Việt Nam thời trước 1975, trở thành ông chủ cắt cỏ ở Mỹ thời sau 1975.
Kết luận truyện, Thảo Trường viết: “Tôi đứng lên vươn vai, cố làm vẻ tự nhiên vì tôi có cảm giác người xung quanh đã thắc mắc về mình, cũng dễ hiểu thôi, ông Mỹ da màu và cả ông Hạ Sĩ Quan chủ của tôi nữa, họ đâu có (…) quá khứ để hồi tưởng, họ cũng đâu có những ông Tướng ám ảnh mình, họ lại chẳng có cảm xúc gì về những bộ hài cốt vô thừa nhận rải rác khắp núi rừng Việt Nam. Vào trong căn phòng ngủ nhỏ như cái hộp của hai bố con, tôi thả mình xuống, lại nằm giương mắt nhìn lên. Ý nghĩ của tôi bò ra ngoài hẻm: Ở đây mà… tụi nó ‘chốt’ ngoài đầu ngõ thì hết đường thoát.”
“Tụi nó” đây ám chỉ du kích cộng sản thời chiến tranh.
Một câu kết chẳng dính líu cái gì với cái gì, nhưng nó cho thấy nỗi ám ảnh về cuộc chiến tranh – dù đã chấm dứt từ lâu – không bao giờ tan biến trong cuộc sống của một người lính, ở đây, là lính VNCH.
Đồng thời, đó cũng là ý thức nhân đạo của một nhà văn.
Trần Doãn Nho
Nhà văn Thảo Trường tên thật là Trần Duy Hinh, sinh ngày 25 Tháng Mười Hai, 1938 (nhưng âm lịch ghi là tuổi Bính Tý) tại huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định. Ông nguyên Thiếu Tá Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.
Sau năm 1975, ông là một trong những người bị cầm tù lâu nhất: 17 năm cấm cố qua 18 trại giam từ Nam ra Bắc. Năm 1993, ông định cư tại Mỹ, diện HO. Ông qua đời tại Orange County, California, ngày 26 Tháng Tám, 2010, vì chứng ung thư gan, thọ 74 tuổi.
Ông để lại trên 20 tác phẩm, trong đó, trước 1975 có “Người Đàn Bà Mang Thai Trên Kinh Đồng Tháp,” “Vuốt Mắt,” “Th. Trâm,” “Mé Nước,” “Cánh Đồng Đã Mất,” “Bên Đường Rầy Xe Lửa,” “Người Khách Lạ Trên Quê Hương,” “Lá Xanh.”
Sau 1975 có “Tiếng Thì Thầm Trong Bụi Tre Gai,” “Đá Mục,” “Mây Trôi,” “Miểng,” “Những Miểng Vụn Của Tiểu Thuyết.”