1.
Cách đây mấy hôm, tôi nhận được tin nhắn của anh Lê Mai Lĩnh-Sương Biên Thùy: “Báo cáo ngài, sách mới về, sẽ gởi ngài và O Huế hai tập, nay mai. Không thể thiếu trong tủ sách”.
Tôi nhắn lại ngay: “Anh gửi một quyển thôi nhé, em không đủ chỗ cho nhiều sách đâu”.
Và anh đáp: “Y lệnh”, giọng của anh có vẻ hào hứng lắm.
Nhưng tôi thì chẳng hào hứng chút nào. Lý do là dạo này anh ít sáng tác, trên facebook anh thường chỉ đăng lại những bài cũ, mà những bài cũ này tôi cũng đã đọc, nên nay, nếu cái mà anh gọi là “sách mới” lại chỉ là “bình mới rượu cũ”, thì tôi cũng chẳng muốn giữ làm gì cho chật nhà. Tôi đã đến tuổi chỉ tìm cách cho đi, chẳng muốn nhận về.
Nhớ hồi cuối tháng 6, anh có đăng trên facebook bài thơ “Áo Lụa Vàng”, ghi chú là “Tặng người học trò mặc áo lụa vàng”, chẳng biết cô là ai trong cái quá khứ xa xăm của chàng thi sĩ đa tình. Bài thơ, có lẽ in trong tập “Thơ tình Lê Mai Lĩnh” (Nxb Ý Trời, 2024), mở đầu bằng các câu:
Này cô em, mặc áo lụa vàng,
Thướt tha trong gió, vờn như bướm.
Làm ơn, xin cô em chầm chậm,
Họa may ra, tôi mới được gần.
Bài thơ này được nhiều người khen hay, nên tôi cũng góp một câu bình cho thêm xôm tụ: “Thơ của Lê Mai Lĩnh đọc làm cảm xúc cứ lộn tùng phèo nhưng độc đáo, he he”. Thấy tôi còm thế, Lê Mai Lĩnh còm đáp: “Răng mà lộn tùng phèo hè. Nhưng độc đáo là ngon rồi hi. Tháng Bảy ni là tháng thơ tình LML đó, dốc hết bầu tình. Động bút nghe. Thanks”
Tôi bảo “thơ LML đọc làm cảm xúc lộn tùng phèo” là vì, cũng trong bài thơ rất ngang ngửa “áo nàng vàng anh về yêu hoa cúc” ấy, thi sĩ nhà ta “tương” thêm một đoạn như sau:
Cô cứ đi và tôi cứ theo,
Và cứ thế, không nhanh không chậm.
Rồi chúng mình cũng gặp nhau thôi.
Không suối vàng cũng vào mộ chí.
Đọc câu cuối, chắc không ai nín nổi cười! Thơ Lê Mai Lĩnh trái khoáy ở chỗ đó, trái khoáy có lẽ đến độc nhất vô nhị cũng ở chỗ đó. Riêng lời nhắn “Động bút nghe” của anh, thì tôi lờ đi, một phần là vì tôi ít đọc thơ, thơ tình thì càng ít vì rất chán, thường chỉ than vãn, nhớ nhung chuyện cũ, chẳng đi đến đâu, chẳng có gì “đột phá”, nhưng một phần lớn hơn là tôi đã viết một loạt bài nhận xét về thơ “quái chiêu” của anh rồi, giờ có muốn viết cũng chẳng biết viết gì.
Vậy mà mấy hôm trước, anh báo “sách mới về, sẽ gởi...” Anh hào hứng thế nhẽ nào tôi từ chối? Mà nhận thì phải ráng nghĩ ra cái gì đó để viết, mà phần chắc là chẳng biết sẽ viết gì. Tôi không hào hứng chút nào là vì thế.
2.
Bởi vậy, sau khi nhận sách, tôi mở bao giấy gói, lấy sách cất vào tủ, cẩn thận cắt lưu phần ghi địa chỉ để sau sẽ gửi anh một ít chi phí in ấn. (Hàn Hương Giang bảo anh Lĩnh có tuổi rồi, cứ để anh rong chơi ngày tháng hạ). Cất vào tủ rồi nhưng tôi cứ thắc mắc, bià sách in hình một cô gái ngồi bên bến sông, cuối bến sông lơ lửng một mảnh trăng lưỡi liềm, toàn bức tranh phủ những mảng xanh lam đậm lạt, kiểu tranh vẽ bằng màu nước, rất thích hợp cho bìa một tuyển tập thơ, nhưng sao tên sách lại là “Nguyễn Thị Sầm: Những Dấu Chân Dọc Đường Kháng Chiến”?
Lúc này tôi đang đọc dở quyển “The Haunted Land” (Vùng Đất Ma Ám) của Tina Rosenberg, đoạt Giải Sách Toàn Quốc Hoa Kỳ năm 1995 và Giải Pulitzer năm 1996, nói về cách mà các nước Đông Âu hành xử với những người từng làm việc cho, hoặc có liên quan đến, chế độ CS trong quá khứ. Sách của Tina Rosenberg rất thú vị nhưng tôi phải ngưng ngang để xuống phòng sách lục lấy lại quyển “Nguyễn Thị Sầm: Những Dấu Chân Dọc Đường Kháng Chiến” để xem thực chất nó là thơ hay là gì?
Hoá ra, nó không phải là thơ, thơ thì tôi đã biết, mà là một truyện dài, cái này tôi chưa nghe anh Lê Mai Lĩnh nói tới bao giờ! Tò mò, tôi giở đọc chương đầu, rồi tiếp chương hai, chương ba... Cuối cùng thì tôi bỏ cả ngày hôm đó để đọc, đọc say sưa.
Truyện dài “Nguyễn Thị Sầm: Những Dấu Chân Dọc Đường Kháng Chiến” mở đầu bằng câu: “Vâng, Nguyễn Thị Sầm là mẹ tôi. Cha tôi là một kháng chiến quân.” Truyện bắt đầu từ những năm Thế Chiến Thứ Hai, cụ thể là năm 1945, khi Đồng Minh đánh Nhật, Cầu Ga bị bỏ bom, kéo dài đến năm 1954 đất nước chia đôi Quốc-Cộng, rồi đến 1975 khi miền Nam thất trận, tác giả và các chiến hữu-nhà văn phải đi tù cải tạo, đến tận 1994 khi tác giả từ biệt quê hương qua Mỹ và những năm sau đó. Sau đây là cái sườn của truyện dài “Nguyễn Thị Sầm: Những Dấu Chân Dọc Đường Kháng Chiến”.
3.
Tổ tiên của tác giả xuất xứ là dân đánh cá nhiều đời ở vùng biển Cửa Việt, thuộc dòng họ thấp cổ bé miệng, bị gọi chế là “noốc”, bị dân làng kỳ thị, bị đám địa chủ xem thường, khi dòng họ có người chết, cũng chỉ được phép chôn ngoài bìa làng. Đến đời ông nội của tác giả, vì không chịu nổi cảnh o ép truyền đời, ông dẫn vợ mới cưới bỏ làng xuống Cầu Ga và xin vào làm quản gia cho nhà buôn Quảng Tường. Ở đây, ông chí thú làm ăn và dành dụm nên mua được chức Trùm, gọi tên Trùm Tít, rồi hai ông bà có con, con một, là cha của tác giả. Người cha này khi còn nhỏ được đi học hết bậc Tiểu Học, tiếng Tây nói như gió.
Năm 1945, phe Đồng minh tiến đánh Nhật, Cầu Ga bị bỏ bom. Dân Quảng Trị lũ lượt tản cư về các vùng quê, chủ yếu là ở Quảng Điền, Bồ Bản, An Cư. Tính đến lúc này, cha của tác giả đã có vợ, là mẹ tác giả, hai ông bà có được một con gái đầu lòng và bốn con trai. Nhắm thấy ở Cầu Ga không yên, cả đại gia đình ba thế hệ của tác giả cũng tản cư về Bồ Bản, cách Cầu Ga chừng 13 cây số. Ngày 19/12/1946, ông Hồ Chí Minh phát Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến, cha của tác giả từ giã vợ con, lên chiến khu Ba Lòng tham gia đánh Tây, để mẹ tác giả ngày ngày một mình nuôi con bằng gánh hàng xén lưu động, dấu chân in trên mọi nẻo đường, từ vùng tề ra vùng kháng chiến.
Bồ Bản là vùng kháng chiến. Theo lệnh Việt Minh, dân rào làng chiến đấu. Bọn Tây đóng ở đồn Đại Hào gần đó rất ghét, tối ngày cứ câu moọc chê rồi đổ quân càn quét, cướp bóc, hãm hiếp. Có hai lần mẹ tác giả xém bị Tây hiếp. Lần đầu, thằng Tây cầm súng vào nhà, đưa mẹ tác giả cái bi đông, bảo xuống bếp lấy nước cho nó, ý đồ là tách riêng bà ra. May cho bà là tác giả lúc đó cứ lon ton bám theo, thằng Tây đang lúng túng tìm cách đẩy đứa bé đi thì một thằng khác, có vẻ là sĩ quan, bước vào. Thấy không yên, thằng Tây trước bỏ ra ngoài. Lần thứ hai, rút kinh nghiệm, khi nghe Tây vào bố ráp và chạy không kịp, mẹ tác giả lấy mồ hóng bôi lem mặt rồi ngồi ôm chặt mấy đứa con.
Mẹ tác giả may mắn, nhưng một chị hàng xóm cạnh nhà, có tật chân và trẻ hơn mẹ tác giả, thì không may như thế. Chị bị hai thằng Tây lôi ra nhà sau hiếp, ngay trước mắt thằng bé con là tác giả. Lúc chị lần được sang nhà tác giả, tưởng được yên thân nhưng ngay lúc đó lại có hai thằng Tây khác vào, lôi đè chị xuống bếp cạnh chuồng heo. Sau đó, bọn Tây bắt đi một con heo nhà tác giả. Lê Mai Lĩnh viết: “Đó là lần đầu tôi biết chửi”.
Nhưng nỗi khổ trong các trận Tây càn không chỉ có thế. Tác giả kể, mỗi lần nghe Tây về, ông nội tác giả gánh một đôi gánh và cái chét (cuốc nhỏ) giả làm người đi nhặt phân trâu. Một lần, sau trận càn, bọn Pháp bắt theo một đàn bò, thấy ông nội tác giả, chúng bắt theo lùa bò cho chúng, trên đường đi, bò đạp mìn, ông bị hất bay xuống ruộng, may không bị thương. Lần khác, một tay lính Tây người Việt vào nhà khám xét, tình cờ thấy tờ biên lai bà nội tác giả ủng hộ vàng cho Việt Minh trong Tuần lễ vàng, nó bắt ông nội tác giả giải đi. Trên đường đi, thằng lính nói nếu cho tiền, nó sẽ thả. Dĩ nhiên là ông phải cống nộp cho nó.
Đau đớn nhất là chuyện về ông cậu của tác giả. Nhà ông này có hầm bí mật chứa trên 10 người. Trong một lần càn, Tây đốt nhà, khói len lỏi xuống hầm làm mọi người nghẹt thở phải chui ra. Bọn Pháp bắt hết, trói tay, đem lên miếu âm hồn làng bắn xâu táo. Nhưng trong “Nguyễn Thị Sầm: Những Dấu Chân Dọc Đường Kháng Chiến” không chỉ có những cái chết đau thương này. Bà nội và một người chị cả của tác giả, sau nhiều lần lên chiến khu Ba Lòng tiếp tế và chăm sóc cho cha của tác giả, cuối cùng cũng mắc bệnh sốt rét và chết, mộ chôn còn bị hổ ban đêm về đào, may mà dân làng phát hiện kịp, gõ nồi gõ chảo đuổi đi.
Thấy ở tiếp ở vùng kháng chiến quá nguy hiểm, ông nội tác giả bàn với cả nhà lén bỏ Bồ Bản trở về Cầu Ga, tức về vùng tề. Việc này cha của tác giả có biết vì sau khi cả nhà thống nhất kế hoạch, mẹ tác giả đã lên chiến khu Ba Lòng, mang theo mấy mét vải kaki, một cái đồng hồ và một kí lô kẹo chanh, lấy tiếng là tiếp tế nhưng thực tế là báo cho ông biết ý định của gia đình. Vậy mà khi được người của Ủy ban Kháng chiến Ba Lòng thông báo “gia đình đồng chí đã trốn về vùng địch”, ông giả như người vừa nhận tin sét đánh, té lăn quay giữa chợ.
Sau hiệp đinh Genève 1954, đất nước chia đôi Quốc-Cộng, cha của tác giả từ chiến khu trở về Bồ Bản và bí mật nhờ người cháu lên Cầu Ga báo với bố, tức ông nội của tác giả, ý định muốn dinh tê, muốn ông về Bồ Bản để tính chuyện. Ông nội tác giả nghe vậy mừng lắm, cho tác giả cùng về theo. Trên đường, ông ghé vào chợ Sãi mua mấy mét vải kaki cho con, như một tiên liệu bất trắc không thể giải thích. Và bất trắc đã xảy ra: Cha của tác giả đột nhiên thay đổi ý định. Rồi cha của tác giả tập kết ra Bắc, mọi liên lạc với gia đình kể như cắt đứt.
Ở Cầu Ga, cách thị xã Quảng Trị chưa đầy nửa cây số, mấy mẹ con gia đình tác giả tự đùm bọc nhau. Chuyện Tây câu moọc-chê, đốt làng, hiếp dâm, bắt cắp trâu bò một thời can qua cũng dần trôi vào quên lãng. Vì con trai đã mất liên lạc, ông Trùm Tít dồn hết tình yêu thương cho các cháu. Ông ít chữ nhưng thuộc nhiều ca dao, câu hò và câu đố. Sau những lễ hội cúng tế trong làng, trong xóm, mọi người đều ngồi quanh ông để nghe ông ngâm, hát. Tác giả thú nhận mê làm thơ từ thuở thiếu niên là nhờ nơi ông. Chẳng hạn như bài sau đây, tác giả làm lúc mới 15 tuổi:
Từ cha tôi lên đường kháng chiến
Mẹ tôi về lo việc bán buôn
Mang tuổi thơ, tôi đã biết buồn
Không lúc cười, dù hoạt kê trước mặt
Mắt không tươi, dù đời không buộc chặt
Tôi ngủ nhoài vào vũng lớn suy tư
Mang niềm đau nhược tiểu ưu tư
Xin chối từ mọi tơ vương vị ngã
Đi vào đời bằng Tân nhân bản
Xin kéo cờ các ngõ hồn nhân dân...
Sự phân chia Quốc-Cộng ngày càng gay gắt. Ở miền Nam, bốn anh em tác giả lớn lên, đến tuổi phải tham gia quân đội Cộng Hòa. Mẹ tác giả, có lẽ vẫn giận cha tác giả ngày trước bỏ ngang ra Bắc, nên tùy các con. Kết quả là trong bốn anh em tác giả, một người đi Biệt Động Quân, một đi Thủy Quân Lục Chiến, một là Biệt Kích Dù. Riêng tác giả, nhỏ con và có khiếu văn chương hơn, thì vào ngành Chiến Tranh Chính Trị.
Năm 1975, miền Nam thất trận. Năm 1976, cha tác giả lù lù trở về. Mẹ tác giả xin ông bảo lãnh cho các con, nhưng ông nói để cách mạng giáo dục, khi nào tiến bộ, chính phủ sẽ khoan hồng. Mấy năm sau thì ông mất, trước khi mất ông còn kịp lẩm bẩm: “Thằng Thiệu láu cá, nói một câu rất hay hung: Đừng nghe những gì CS nói, hãy nhìn những gì CS làm”.
Tác giả tù cải tạo đến năm 1983 thì được thả, về lại Sài Gòn phải làm đủ nghề kiếm sống. Riêng mẹ tác giả, những năm cuối đời rất buồn: Thất vọng về chồng, đau khổ về con, kinh tế thời bao cấp lại khốn khó. Năm 1987, Công an dẫn Ban Thuế vụ vào nhà người con trai cả của bà khiêng đi cái tủ thờ bằng gỗ cẩm lai và bắt theo con heo nái cùng bầy con để trừ vào thuế nông nghiệp, ngay lúc trên tường vẫn im lặng treo cái Huân Chương 40 năm tuổi đảng đỏ chót của chồng. Tác giả viết: “Im lặng là đồng lõa, mẹ tôi tức hộc máu mà chết”.
4.
Trên đây là cái sườn của tác phẩm mới ra mắt của Lê Mai Lĩnh. Nhưng nếu chỉ bằng cái sườn như thế thì “Nguyễn Thị Sầm: Những Dấu Chân Dọc Đường Kháng Chiến”, tuy cũng thú vị, lại chẳng đặc sắc, lý do là trong cuộc chiến Quốc-Cộng vừa qua, việc bố-con, anh-em trong cùng một gia đình nhưng lại theo hai phe đối kháng không phải là mới, nhất là trong văn học miền Nam. Một thí dụ, mà tôi có thể kể ngay theo trí nhớ cấp kỳ, là “Giấc Ngủ Chập Chờn” của Nhật Tiến. Ngay cả trong văn học thế giới, việc bố-con, anh-em trong cùng một gia đình đối kháng nhau, thậm chí giết nhau, cũng chẳng phải hiếm, đặc biệt là ở những nước nơi mà những xung đột có yếu tố cộng sản, chẳng hạn như trong bài viết ngắn có tên “Lá Thư” trong một “truyện dài” được đánh giá là một trong các tuyệt tác của văn học thời Sô-viết và có tựa “Hồng Kỵ Binh” (Red Cavalry) mà tác giả là Isaac Babel, nhà văn-nhà báo người Nga gốc Do Thái, theo phe Hồng quân nhưng sau bị NKVD vu cáo và xử tử năm mới 45 tuổi.
Phải đồng ý là độ dài lịch sử trên 40 năm của “Nguyễn Thị Sầm: Những Dấu Chân Dọc Đường Kháng Chiến” cũng là điều đáng nể, nhưng đây cũng vẫn chưa đặc sắc, lý do là văn học Việt Nam cũng từng có những tác phẩm có độ bao quát lịch sử tương tự. Ở miền Nam trước 1975 có thể kể đến “Tuấn, Chàng Trai Nước Việt” của Nguyễn Vỹ hoặc, ở một mức độ nào đó, “Khu Rừng Lau” của Doãn Quốc Sỹ và “Những Đứa Trẻ Thái Bình” của Duyên Anh. Đây chỉ là những tác phẩm tôi đã đọc và còn nhớ tên. Ở miền Bắc sau 1975 thì có “Mẫu Thượng Ngàn” và “Đội Gạo Lên Chùa” của Nguyễn Xuân Khánh. Hình như “Ký Ức Làng Cùa” của Đặng Văn Sinh cũng có độ bao quát lịch sử không nhỏ.
Cái đặc sắc, tức là cái mới mẻ trong “Nguyễn Thị Sầm: Những Dấu Chân Dọc Đường Kháng Chiến” của Lê Mai Lĩnh, theo đánh giá của tôi, chính là ở những mâu thuẫn kỳ lạ trong bản thân của tác giả: Với một người cha theo Việt Minh-Cộng Sản từ những ngày đầu Toàn quốc Kháng chiến, lại đã tận mắt chứng kiến cảnh giặc Tây đốt nhà, cướp của, hiếp dâm, kể cả cảnh Tây bắn xâu táo gia đình ông cậu, thì lẽ ra tác giả, cũng như các anh trai của mình, theo biện chứng của văn học XHCN, hẳn đã phải là một Lê Văn Tám hoặc một Kim Đồng với “ánh sáng cách mạng” chói loà qua tim, vậy mà tác giả và ba người anh lại đã chiến đấu trong hàng ngũ những người Quốc gia, mà lại thuộc các binh chủng “thứ dữ”, như lời trách cứ của người cha tập kết nói cho bà mẹ tội nghiệp của tác giả, cả quãng đời son trẻ đã phải một thân một mình oằn vai dưới gánh hàng xén, chân lê khắp dọc đường kháng chiến để nuôi đàn con dại.
Cái mâu thuẫn kỳ lạ trong bản thân tác giả như vừa trình bày ở trên chưa phải đã dừng ở đó. Trong chương 14, tác giả kể: “Năm 1966 [lúc 22 tuổi], tôi đang làm “timekeeper” (nhân viên chấm công) cho hãng thầu RMK-BRJ tại phi trường Bửu Sơn, Phan Rang. Mỗi chiều thứ Tư lãnh lương, vừa bước xuống xe là bạn bè đã chờ sẵn... những nhà thơ “lớn” tỉnh lẻ, quàng vai nhau vào nhà hàng, quán nhậu... Cũng năm đó, “nổ ra phong trào thanh niên, sinh viên ở Huế, ở Sài Gòn chống Mỹ, đốt xe Mỹ. Tôi bị mặc cảm phạm tội khi chính mình lại đi làm cho sở Mỹ. Tôi bỏ việc về Sài Gòn lang thang...”
Chưa hết. Trong chương 7 còn có chi tiết sau: “Tháng 7 năm 1971 [lúc 27 tuổi], tôi ra ứng cử Dân Biểu theo lời xúi giục của ông Hà Thúc Ký, vì ông nhìn tôi như một lý thuyết gia của nhật báo Da Vàng của Đại Việt. Với tư cách một ứng cử viên độc lập, tôi phang vào chủ trương “4 không” [không thương lượng với CS, không chính phủ liên hiệp dưới bất kỳ vỏ bọc, không trung lập hóa những người thân Cộng ở miền Nam, không nhượng đất cho CS] của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu. Tại 18 địa điểm vận động, tôi có tới 16 địa điểm được cử tri vỗ tay hoan hô nhiệt liệt...”
Có cha là CS, bản thân thì theo Quốc Gia để chống cộng, chống cộng nhưng lại phản đối sự có mặt của người Mỹ ở miền Nam, phản đối luôn cả lập trường “4 không” cứng rắn của người-quốc-gia-đệ-nhất-chống-cộng Nguyễn Văn Thiệu, thế thì không biết phải hiểu thế nào? Các nhà phê bình có thể cho những người như tác giả là “lập trường không vững”, là “thiếu ý thức chính trị”, là “bị thời cuộc đưa đẩy”, “bị tác động vô hình của hoàn cảnh sống”. Riêng tôi, suy từ những việc mà bản thân và bạn bè đồng trang lứa đã nghĩ và đã làm thời ấy, cách hành xử có vẻ trái khoáy và đầy mâu thuẫn đó rất nhất quán, phản ánh một chọn lựa hoàn toàn có ý thức.
Bởi nếu thực sự “lập trường không vững”, “thiếu ý thức chính trị”, “bị thời cuộc đưa đẩy”, “bị tác động vô hình của hoàn cảnh sống” thì tác giả đã không thể viết được chương 4, nói về sứ mệnh của nhà văn, cũng như không thể viết được chương 34, một chương mà tôi cho là xuất sắc nhất trong “Nguyễn Thị Sầm: Những Dấu Chân Dọc Đường Kháng Chiến”, một chương có thể sánh ngang với bất cứ chương hay nhất nào trong tuyệt tác “Hồng Kỵ Binh” của Isaac Babel. Chương 34 này mở đầu: “Tôi nghĩ là hắn. Đúng là hắn. Chẳng thể nào ai khác, ngoài hắn. Tôi biết hắn ở Nora. Tôi biết ngay khi đến đây...”.
Còn đây là lời kết: “Và bao giờ, và ở đâu, cái chết của anh dưới chân núi Tà Dôn này cũng là điều làm tôi nhớ, nhớ hoài hoài không thôi. Tôi định một ngày rất gần, sẽ dắt lính lên vùng trận địa anh ngã, thăm lại con suối anh chúi xuống để chết. Hình như cỏ ở đó xanh hơn mọi ngày, và một bóng “Ngựa Tía” chờn vờn mỗi đêm trên ngọn Tà Dôn – ngọn Tà Dôn – vùng đất “Quê Nhà” của anh rồi đó – quẩn quanh bên những “Tượng Đá Sườn Non”. Nhưng tất cả, phải còn gì nữa chứ? Chẳng lẽ như thế rồi hết! Tôi không tin đâu. Qua cơn “Bão Khổ” này... những gì còn lại... hơn là những dấu chân anh...”
Nhân vật mà tác giả gọi là “hắn” chính là Chuẩn Úy Y Uyên, Trung Đội Trưởng Địa Phương Quân, 26 tuổi, và “Ngựa Tía”, “Quê Nhà”, “Tượng Đá Sườn Non”, “Bão Khổ” là bốn tác phẩm anh đã xuất bản. Y Uyên tốt nghiệp Trường Sĩ quan Thủ Đức trước tác giả một tháng, nhưng hai người đã biết nhau từ trước vì cùng là dân viết văn. Đêm ngày 8 tháng 1 năm 1969, anh bị phục kích chết trên đường từ Sông Mao về. Khi nghe tin Y Uyên bị phục kích, tác giả chỉ nghĩ có lẽ anh bị địch bắt và sẽ bị đưa về Bắc để cho lên Đài Phát Thanh kêu gọi bạn bè trong Nam “quay súng về với nhân dân”. Sự tưởng tượng của tác giả thật đẹp: Ở miền Bắc, Y Uyên sẽ được “dẫn đi khắp nơi”, “được những thiếu nữ xinh đẹp nhất Hà Nội ôm hôn và choàng hoa”. Nhưng sự thật thì Y Uyên đã bị phục kích chết, một cái chết thật bất nhẫn. Tác giả kể:
“Nhưng tất cả những điều tôi tưởng tượng đều trái ngược với thực tế, một thực tế phũ phàng, tàn nhẫn. Y Uyên sau khi chết rồi còn bị bồi mấy phát súng ở mắt, tai và đâm bồi thêm mấy nhát dao ở hai cánh tay và hai bên hông... Tôi không có mặt khi bạn hữu tẩm liệm anh, nhưng Học nói lại những nhận định như thế khi quan sát xác chết với những đầu đạn, dấu dao trên mình anh. Có những dấu đạn người ta biết được là từ đâu, như thế nào, và người ta cũng biết được những dấu đạn nào là vô ích, là của hận thù. Trên thân xác của Uy, khi chở anh về Quân Y Viện, có những dấu đạn thừa, những dấu đạn vô lối. Những dấu đạn, vết dao không thể cắt nghĩa được. Nếu không phải là chúng có từ những thù hận ghê gớm, những chất ngất căm hờn, thì không thể làm sao tìm ra lý do giải thích sự hiện diện của chúng trên thân hình của một người đã chết.”
Một giọng văn rất kềm chế, đầy suy tư, và tuyệt đối không hằn học. Đọc những dòng viết trên, chắc không ai là không thấy nghẹn ngào. Và cũng thấy luôn, lập trường của tác giả rất rõ, không chút mơ hồ: Ghét CS như một tác nhân gieo rắc sự hận thù giữa lòng dân tộc nhưng không ác ý cá nhân gì với “những người ở bên kia chiến tuyến”, coi họ cũng chỉ là nạn nhân bị đầu độc bởi chủ nghĩa, thậm chí còn thương cảm họ, như trong đoạn kể về Võ Quê ở Chương 5. Những ai đọc nhiều văn thơ của Lê Mai Lĩnh hẳn không lạ gì tâm tình đó, một tâm tình mà tôi tin không chỉ của riêng anh mà còn của một bộ phận lớn người dân Sài Gòn ngày đó. Miêu tả tâm tình này theo cách nào là tùy thế đứng chính trị của mỗi người, riêng tôi, tôi tạm gọi đó là tâm tình của người-Quốc-gia-yêu-nước-không-cộng-sản, như một khu biệt với người-Quốc-gia-yêu-nước-chống-cộng và người-Quốc-gia-yêu-nước-thân-cộng.
5.
Nhưng cái tâm tình nói cho mình và cũng là nói hộ cho một bộ phận lớn người dân Sài Gòn thời trước 1975, một đặc sắc trong “Nguyễn Thị Sầm: Những Dấu Chân Dọc Đường Kháng Chiến”, cũng chỉ nằm ở bề chìm. Cái đặc sắc hơn nằm ở bề nổi, ai đọc cũng cảm nhận ngay được, đó là tác phẩm này của Lê Mai Lĩnh đã dựng lại được cái sôi động, lành mạnh, hồn nhiên, chân tình của con người miền Nam trong một xã hội thuở còn tự do, nhân bản và khai phóng.
Trong xã hội tự do, nhân bản và khai phóng đó, con người không bị buộc phải tiếp nhận một hệ tư tưởng nào. Trái lại, họ được khuyến khích đọc sách để mở rộng tầm nhìn ngay từ thuở còn cắp sách đến trường. Chẳng hạn, Chương 26 có kể về việc Trần Thị Cổ Tích, khi đoạt Giải Nhất môn Văn toàn tỉnh Quảng Ngãi, đã được trao thưởng là một chồng sách kinh điển bao gồm “Chiến Tranh Và Hoà Bình”, “Thi Nhân Việt Nam, “Tự Điển Tầm Nguyên”, “Câu Chuyện Triết Học”, v.v.
Trong Chương 24, tác giả nói về tủ sách tại nhà một anh bạn thời Trung Học Đệ Nhất Cấp Nguyễn Hoàng, tủ sách “đầy ắp, sum sê, chất ngất, những “Người Viễn Khách Thứ 10”, “Thành Cát Tư Hãn”, “Cách Mạng Và Hành Động”, “Chủ Nghĩa Thực Dân Mới – Thực Chất Và Huyền Thoại”, “Ca Tụng Thân Xác”, “Luyến Ái Quan”, “Buồn Nôn”, “Người Xa Lạ”, “Chùm Nho Uất Hận”, “Cuốn Theo Chiều Gió”...” Bất cứ ai đã từng sống ở miền Nam chắc cũng chẳng xa lạ với không khí tự do học thuật-tư tưởng này.
Cũng trong xã hội đó, mặc dù chiến tranh vẫn khốc liệt, tâm hồn của thanh thiếu niên vẫn được thế hệ trước bảo vệ, che chắn và khuyến khích hướng thiện. Tôi rất thích đoạn tác giả kể về những năm cuối thập niên 50 và đầu thập niên 60 khi “cả miền Nam rộ lên phong trào thành lập các thi văn đoàn và đặt bút hiệu lạ lùng, quái đản, cải lương, hồ quảng, rất sến... nào là Mây Đại Dương, Sao Trên Rừng, Trăng Ban Mai, Gió Ngàn Phương, Mây Trên Ngàn... Bút hiệu của tôi, Sương Biên Thùy, cũng ra đời từ dạo đó”. Với riêng Lê Mai Lĩnh và các bạn bè 15, 16 tuổi ở Quảng Trị dạo ấy, thì “một buổi họp mặt văn chương được tổ chức tại nhà tôi, mà lu nước mưa và cái gáo dừa là nguồn giải khát miễn phí... Thi văn đoàn Giới Tuyến Quảng Trị ra đời năm 1960, trong bối cảnh và điều kiện như thế...”
Đoạn mô tả ở Chương 24 này khiến tôi rất thú, lý do là nó gợi lại trong tôi những kỷ niệm êm đềm thời còn bé ở xóm Vinh Sơn, bên rìa Sài Gòn, nơi mà các ông anh tôi cùng bạn bè trai gái sàn sàn tuổi trong xóm cũng tổ chức ra tờ “Văn Nghệ Xóm Ta” để trình làng thơ, truyện được viết tay bằng mực tím trên giấy và được in từng tờ trước khi được đóng thành tập bằng cái máy in rô-nê-ô bột mì tự chế đặt trên bàn ngay trong nhà. Tôi còn nhớ một bài thơ rất tếu của ông anh cả tôi thời đó về kênh Nhiêu Lộc: “Dòng sông dù hôi dù thối / Nó vẫn đẹp hơn khu vườn nhà em đấy em nhỉ”. Chẳng biết ông anh mình đang ám chỉ điều gì và với ai!
Một điểm thú vị khác nói lên cái hồn nhiên của đám thanh niên miền Nam ngày ấy là qua cách họ đối đãi với nhau, một đối đãi hoàn toàn vì bằng hữu và vô vị lợi, không chút so đo tính toán. Sự đối đãi này, tập được từ ngày xa xưa ấy, vẫn còn tồn tại đến ngày nay măc dù tất cả các nhân vật được nhắc đến trong tác phẩm “Nguyễn Thị Sầm: Những Dấu Chân Dọc Đường Kháng Chiến” giờ đây cũng đã U80 cả. Đọc Chương 23 thật cảm động: “Đêm hôm nay, đêm của “Chén Rượu Mời Người”, đêm của chị Trần Hoài Thư vừa hát vừa khóc, đêm của chị Phan Xuân Sinh, chị Dư Mỹ ấp úng không ra được nửa lời, đêm của chị Trung Nhân nghẹn ngào không nói hết tâm sự, đêm của rộn ràng tình yêu mới tới trong ánh mắt nhìn Hạ Thi Nhân kín đáo trao gởi, đêm của chị Trần Trung Đạo, chị Lê Mai Lĩnh cười rộn ràng như trẻ nít, đêm của chị Việt Hùng hát như thuở hai mươi... Vâng, đêm hôm nay là đêm của “Chén Rượu Mời Người”, Đêm có nụ cười và đêm có cả tiếng khóc. Đêm của hân hoan và đêm của xót đau...”
Đọc đoạn văn cảm động trên và nhiều đoạn văn cảm động khác về cách đối xử lẫn nhau giữa anh em văn nghệ sĩ miền Nam, về quan hệ đàn anh-đàn em giữa họ, cũng như giữa bạn bè nói chung ngày ấy với nhau, như Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Nguyễn Đình Toàn, Du Tử Lê, Lê Tất Điều, Viên Linh, Nguyễn Bắc Sơn, Mặc Đỗ, v.v., cả trước lẫn sau 1975 cho đến tận bây giờ, tôi tự thấy thật hổ thẹn bởi cách ứng xử trong sinh hoạt đời thường của mình chẳng biết đến khi nào mới bằng được các thế hệ đàn anh!
Ngoài hai đặc sắc nổi bật vừa được điểm qua ở trên, một là cái tâm tình chủ đạo của dân đô thị miền Nam trước những biến động lịch sử dài trên 40 năm, hai là cái xã hội, không khí, và con người thật đẹp và hồn nhiên của một thời tự do, nhân bản và khai phóng, trong “Nguyễn Thị Sầm: Những Dấu Chân Dọc Đường Kháng Chiến” dĩ nhiên còn nhiều cái đẹp khác nữa.
Chẳng hạn như sự liên tưởng rất thú vị của tác giả về sự giống nhau giữa Sài Gòn và Paris thời trước năm 1975. Tôi đã ghé Paris nhiều lần, lội bộ ở thành phố này cũng đã cùng khắp, vậy mà chưa lần nào một liên tưởng so sánh tương tự đã len vào đầu tôi, dù tôi yêu Sài Gòn và Paris da diết.
Hay chẳng hạn như chuyện Du Tử Lê với những “cô Bắc Kỳ Nho Nhỏ” và những cô Nam Kỳ “Tuổi Thích Ô Mai”, hay những lời bình thật sắc sảo của Lê Mai Lĩnh về “Ngày Không Gió” của Thụy Sơn, “Trầm Khúc Mùa Thu” của Trầm Thí Cổ Tích. Đó là chưa nói tới siêu phẩm độc thoại ngay trong những ngày đầu tù cải tạo và không thể nín cười về hai cái vú của chị Trà Giang (đúng thế, bạn không nghe lầm, hai cái vú của chị Trà Giang), tếu lâm hơn hẳn giai thoại Bùi Giáng bóp vú cô Liên Xô giữa Sài Thành hoa lệ!
Hay chẳng hạn như cái ân hận dai dẳng của tác giả khi, trong giai đoạn bị tù cải tạo, đã chỉ vì bực mình việc Đại Úy An Ninh Quân Đội Trần Gia Toản cứ “trà, cà phê, nhạc vàng, có nụ cười và tiếng hát mỗi đêm” khiến mình mất ngủ mà “vào một lần gia đình thăm nuôi, tôi tổ chức một bữa cơm thân mật mời bạn bè, tôi đã không mời Trần Gia Toản... Thế nhưng, khi đang ngồi ăn phía sau hàng hiên của căn nhà đối diện, tôi thấy Trần Gia Toản cầm chén đũa ra bể nước rửa, tôi hối hận quá. Tôi thấy mình hèn mọn, nhỏ nhoi, ti tiện, bủn xỉn, xấu xa, nói chung tôi thấy mình đã mất tính người... Giờ thì Trần Gia Toản đã qua đời mà tôi chưa kịp nói với bạn một lời xin lỗi...”
Hay chẳng hạn... Hay chẳng hạn... Mà thôi, tôi muốn để các bạn tự tìm đọc “Nguyễn Thị Sầm: Những Dấu Chân Dọc Đường Kháng Chiến” của Lê Mai Lĩnh và tự khám phá thêm những cái đẹp, cái hồn nhiên nhân văn của tác phẩm hay nhất và có lẽ cũng là cuối cùng nhất của một đàn anh.
6.
Về hoàn cảnh ra đời của truyện dài “Nguyễn Thị Sầm: Những Dấu Chân Dọc Đường Kháng Chiến”, cũng có nhiều điều thú vị để nói. Trong “Lời Ngỏ”, Lê Mai Lĩnh kể lại, năm 1963, khi đang học lớp Đệ Tam, ban C, Trường Trung Học Võ Tánh, Nha Trang, anh đã xuất bản tập thơ “Nỗi Buồn Nhược Tiểu” bằng tiền bán chiếc xe đạp cà tàng và vài bộ quần áo vía. Và, vì “đại ngôn, khoác lác, trạng, nổ, trộ...”, anh tương ngay bìa sau của tập thơ, dưới hàng chữ in đậm “Nỗi Buồn Nhược Tiểu”, một ghi chú: “Nhớ tìm đọc truyện dài Nguyễn Thị Sầm”! Đây là kiểu quảng cáo đón đầu rất thường thấy thời ấy.
Dĩ nhiên truyện dài đó Lê Mai Lĩnh chưa bao giờ viết, và anh cũng quên khuấy về nó. Nhưng thật oái oăm, anh quên nhưng bạn học cũ của anh là Trần Vàng Sao, một “người-Quốc-gia-yêu-nước-thân-Cộng”, rất nổi tiếng với "Bài Thơ Của Một Người Yêu Nước Mình" và bài “Tau Chửi” khi đã vỡ mộng Cách mạng, thì nhớ. Năm 1992, trong một buổi gặp mặt ôn chuyện cũ bên kia Đập Đá có mặt cả nhà thơ Thái Ngọc San, Trần Vàng Sao hỏi: “Truyện dài Nguyễn Thị Sầm viết đến đâu rồi?” làm Lê Mai Lĩnh lặng người xấu hổ bởi: “Tôi có viết đâu, mà hỏi tới đâu!”
Lê Mai Lĩnh kể: “Nếu không gặp hai anh, không nghe những nhắc nhớ, những hoài niệm một thời quá vãng của hai anh [thì] tác phẩm này đã bị chôn vùi vào quên lãng, và tôi cũng không còn nhớ tới lời hứa của mình với người mẹ của mình, [nên nay tôi viết và đặt tựa là “Nguyễn Thị Sầm: Những Dấu Chân Dọc Đường Kháng Chiến”, nhưng đây không phải là truyện dài], tại sao không là truyện dài? Tôi xét mình không còn đủ thời gian để viết truyện dài. Đoạn đường giữa tôi và huyệt mộ không còn xa, sẽ dở dang, đứt đoạn là điều tôi thấy rõ...”
Tuy nhiên, theo tôi, có một điều Lê Mai Lĩnh đã không thấy rõ, là mặc dù anh tự nhận không viết “Nguyễn Thị Sầm: Những Dấu Chân Dọc Đường Kháng Chiến” như một truyện dài, và bản thân nó cũng không trông giống một truyện dài theo cách hiểu truyền thống, nhưng đối với độc giả, chẳng hạn như tôi, khi đọc nó vẫn cảm nhận nó như một truyện dài. Lý do cho cảm giác này là, tuy mang hình thức một tập hợp các bài viết ngắn, rời, về những nhân vật khác nhau, chủ yếu là những nhân vật văn nghệ sĩ thời trước 1975, song chỉ trừ một hai bài cũng như một vài chi tiết chẳng biết dính vào đâu và rớt hẳn ra ngoài cái khung sườn chung của tác phẩm, tất cả các bài còn lại đều thống nhất về mặt chủ đề và đều dựa trên một nhân vật trung tâm kể chuyện là chính tác giả cùng một dàn những nhân vật phụ có liên hệ với nhau trong các sự kiện.
Việc một tác phẩm là tập hợp những bài viết ngắn nhưng vẫn được cảm nhận và đánh giá như một truyện dài, trên thế giới chắc không phải là không có. Lấy thí dụ như tác phẩm “Hồng Kỵ Binh” mà tôi đã đôi lần nhắc đến trong bài viết này: Tác phẩm của Isaac Babel, về hình thức là một tập hợp các mẩu chuyện rời ghi lại theo dạng nhật ký khi ông là phóng viên trong cuộc chiến Ba Lan-Nga sô những năm 1918–1921, một cuộc chiến mà Lê-nin đeo đuổi nhằm xuất cảng cuộc cách mạng CS sang các nước Đông Âu, nhưng về nội dung, những mẩu chuyện rời đó lại thống nhất với nhau về mặt chủ đề, đó là sự vô nhân tính của con người trong chiến tranh, cụ thể là của Bạch Vệ, Hồng Quân và đám lính Cossacks, tàn sát lẫn nhau và bức hại đám dân lành Do Thái, đặc biệt là phụ nữ. Chưa hết, trong các mẩu chuyện rời đó lại có sự tái xuất hiện của cùng một số các nhân vật bên cạnh nhân vật trung tâm là chính tác giả. Chính vì hai đặc điểm này mà một số nhà phê bình coi tác phẩm của Isaac Babel như một tập hợp các “mảnh” nhằm làm nổi bật các chi tiết của một bức tranh hoàn chỉnh. Một cấu trúc như thế, tôi hiểu nôm na là truyện dài, một truyện dài phi-truyền-thống.
Trường hợp tập truyện ngắn có tựa chung “In our time” (Trong Thời Của Chúng Ta) của Hemingway cũng tương tự. Lịch sử xuất bản của tập truyện ngắn này khá rối rắm. Xuất hiện lần đầu năm 1923 trên The Little Review, một nguyệt san chuyên khảo cứu và phê bình văn học-nghệ thuật “avant-garde” (tiên phong), nó chỉ bao gồm sáu vignettes (đoản văn), mỗi vignettes chỉ trên dưới 150 từ. Đến năm sau, Hemingway viết thêm 12 vignettes, mỗi vignette cũng chỉ có độ dài tương tự, và cho xuất bản ở Paris thành một tập sách 31 trang với rất nhiều trang trống. Năm sau nữa, tức năm 1925, ông viết 14 truyện ngắn, mỗi truyện có tựa riêng, truyện cuối có tên “Big two-hearted river” được tách đôi, đánh số (1) và (2), coi như hai truyện riêng. Mười lăm truyện ngắn, chia sẻ các chủ đề chung về sự tha hoá, mất mát, đau khổ, chia lìa, mỗi truyện được ông đặt dưới một vignette, trên mỗi vignette, ông ghi chữ “Chương”. Kết quả là, nếu khảo sát bản in năm 1925 của Nxb Boni & Liveright, NY, tác phẩm “In our time” với ghi chú là “Stories by Ernest Hemingway” (truyện ngắn của Ernest Hemingway) có tất cả 15 “chương”, hệt như cấu trúc của một truyện dài! Không biết có phải vì điều này không mà D. H. Lawrence không ngần ngại gọi nó là “tiểu thuyết mảnh rời” (fragmentary novel), một dạng truyện dài phi-truyền-thống.
Nếu những tập truyện ngắn của Isaac Babel và của Hemingway có thể được coi như những truyện dài thì “Nguyễn Thị Sầm: Những Dấu Chân Dọc Đường Kháng Chiến” của Lê Mai Lĩnh, cũng chia sẻ những đặc điểm tương tự, không lý nào lại không thể được coi là “truyện dài”, dù là một dạng truyện dài phi-truyền-thống. Và nếu ta chấp nhận nó là truyện dài, thì ta cũng sẽ thấy luôn rằng nó là một đóng góp quan trọng và xuất sắc cho nền văn học hải ngoại trong tư thế đối lập với nền văn học trống trận kèn đồng (từ mô tả của TS. nghiên cứu-phê bình văn học Lê Ngọc Trà) ở miền Bắc thời trước 1975 và nền văn học chấn thương ở dạng này hay dạng khác ở Việt Nam nói chung từ sau 1975 cho đến ngày nay.
Sự đối lập đang nói đến ở đây thật rõ nét: Nếu nền văn học trống trận kèn đồng đã hoàn toàn bị ném vào sọt rác văn học trong lòng của tuyệt đại đa số người đọc và do vậy không cần phải kể đến nữa, thì văn học chấn thương -- chỉ tính những tác phẩm tầm cỡ nhất của những nhà văn miền Bắc thuộc thế hệ Lê Mai Lĩnh hoặc trẻ hơn một chút -- và văn học hải ngoại, mà tác phẩm của Lê Mai Lĩnh là đại diện gần nhất, quả là khác nhau về bản chất. Nếu ở “Nỗi Buồn Chiến Tranh” của Bảo Ninh hoặc “Đi Tìm Nhân Vật”, “Lão Khổ”, “Mối Chúa”, “Đất Mồ Côi” của Tạ Duy Anh, hoặc “Thời Của Thánh Thần” của Hoàng Minh Tường, v.v., chúng ta chỉ thấy quỷ; nếu ở “Mẫu Thượng Ngàn”, “Đội Gạo Lên Chùa” của Nguyễn Xuân Khánh, hoặc “Ký Ức Làng Cùa” của Đặng Văn Sinh, v.v., chúng ta chỉ thấy những hình nhân mang mặt nạ; thì ở “Nguyễn Thị Sầm: Những Dấu Chân Dọc Đường Kháng Chiến” của Lê Mai Lĩnh, chúng ta sẽ được thấy những khuôn mặt Người.
Houston, Aug 03, 2024
Khuông Tạ
Khuông Tạ