User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
nhavanmaithao
nhà văn Mai Thảo
 
Nhánh hương thắp nửa này trái đất
bay đêm ngày về nửa bên kia
nửa đường hương gãy trên nghìn biển
rụng xuống mười Xuân đã đứt lìa
(Mai Thảo, Năm Thứ Mười)
 
Tưởng niệm anh Mai Thảo, mười năm qua đã nhiều người nhắc nhở. Riêng bài này, mượn tựa đề bản nhạc do Phạm Đình Chương phổ thơ Trần Dạ Từ, để nói đến những người đi qua đời Mai Thảo. Cố nhiên là về những người tình, người yêu, người bạn gái… đã có lần đi lạc vào cuộc đời chàng lãng tử của văn học nghệ thuật, người luôn luôn lừng lững cô đơn cho đến khi nằm dưới lòng đất lạnh.
 
Mười năm. Không phải mười năm tình cũ như tựa đề bản nhạc của Trần Quảng Nam, mà là mười năm tưởng niệm. Nhắc, không xía vô chuyện người như chữ Mai Thảo dùng trong Cho Một Mùa Đông. Nhắc, để nhớ đến một ánh đèn màu đẹp, một nhịp luân vũ đẹp, một giọng hát xanh cao vút đẹp, một vết thù đẹp, một mảnh gương vỡ đẹp, những dòng chữ đẹp, những lời thơ đẹp, những tình cảm đẹp, một tình bạn đẹp, nhiều tình bạn đẹp… Đẹp. Và buồn. Để tiếc. Để thương.
 
“Tôi chỉ có một đời sống, một lối sống. Tôi chỉ có ngần ấy nhớ thương, bấy nhiêu rung động…” (Mai Thảo, Sống Chỉ Một Lần)
 
Những người đi qua đời Mai Thảo, theo Nguyễn Đăng Khánh trong Mai Thảo, Anh Tôi, tạp chí Văn số tháng 12, 1998 đặc biệt tưởng mộ Mai Thảo, cho biết “có một lần trong thời kháng chiến, cha mẹ tôi đã đi hỏi vợ cho anh, nhưng vì chiến cuộc, lần đi hỏi vợ không thành. Từ đó, anh không còn đề cập việc lập gia đình… Anh đã dành cả cuộc đời cho văn học nghệ thuật.”… …“ Mai Thảo quan niệm đời sống nghệ sĩ không thể ràng buộc với gia đình… và chấp nhận đời sống độc thân.” 
 
Chuyện riêng tư, anh Mai Thảo giữ riêng, không hề thổ lộ tâm tình, kể cả với những người rất thân. Nhưng bạn bè thân thiết từng chia sẻ ngọt bùi chua cay,  từng chứng kiến được nhiều chuyện. Ngoài ra, đó đây trong tác phẩm, vẫn lấp ló những dòng tâm sự.
 
“Nói với những người đang yêu nhau, đừng thèm tin có tình yêu khốc liệt. Đừng thèm nhận thứ tình yêu trời bắt vậy mình đành tuân theo. … Sao không biết dùng chính tình yêu đố lửa trong ta như một sức mạnh thần thánh, kỳ diệu, vô địch, mà đánh phá không ngừng, không mỏi, mãi mãi, kỳ cùng? Thì núi cao cũng đổ sập, sông dài cũng lấp kín, sương mù số kiếp có dầy đặc cũng tan đi cho đóa mắt trời tình yêu rực rỡ hiện ra.”  (Mai Thảo, Lời Vào Tập, Mười Đêm Ngà Ngọc)
 
Lời Vào Tập hùng hồn tình yêu phải là lời của một người từng biết yêu. Vậy Mai Thảo yêu ai???
 
Mai Thảo từng trả lời phỏng vấn của Nguyễn Nam Anh năm 1993: “Ở với văn chương thì ở hết cuộc đời của mình. Đó là một điều tuyệt diệu.” Anh đã ở với văn chương trọn cuộc đời. Tuyệt diệu. Nhưng anh đã ở với ai, mà không hết cuộc đời???
 
Những bạn hữu thân thiết kề cận từ thời mới di cư vào Nam cho đến nay, đều biết anh có những mối tình, những người đi qua đời mà không ai ở lại. Trong số những thân hữu, đặc biệt thi sĩ Thái Thủy hiện ở quận Cam California, nhà văn Văn Quang ở trại vườn Lộc Ninh Bình Long Việt Nam, và một số các anh chị khác đã cho biết rất nhiều chi tiết.
 
Thi sĩ Thái Thủy
 
Thi sĩ Thái Thủy từng phụ trách Ban Tao Đàn từ 1955 cùng nhà thơ Đinh Hùng và nhà văn Thanh Nam, và là Trưởng Phòng Văn nghệ Đài Tiếng Nói Tự Do, sau đó là Trưởng Phòng Văn Nghệ Đài Sài Gòn, từng cùng thi sĩ Nguyên Sa chủ trương tạp chí Hiện Đại.. 
 
Nhà văn Văn Quang trước là Trung Tá, Quản Đốc Đài Tiếng Nói Quân Đội, có nhiều tác phẩm viết về tâm tình chiến sĩ, và hiện có mục Lẩm Cẩm SàiGòn trên báo chí hải ngoại cũng như báo điện tử. Anh hiện là người coi như đầu tàu công tác cứu trợ giúp đỡ thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa còn kẹt lại trong nước.
 
Hai anh và một số các anh chị khác có giao tình đậm đà với giới văn nghệ sĩ, và từ giao tình chứng kiến nhiều chuyện.
 
Theo anh Thái Thủy, nhắc lại thuở sinh thời anh Thanh Nam, một nhà văn, nhà thơ, nhà báo, đã nhận xét với bạn bè, là Mai Thảo quý trọng đàn bà, nhưng không đam mê sắc dục. Lúc trẻ mê viết, càng thành công, càng được mến mộ, càng đam mê. Đam mê văn học nghệ thuật quá lớn, lấn át tất cả. Nhưng, các bạn hữu đều biết Mai Thảo cũng từng yêu, và có hai người được coi là lọt mắt xanh. Đó là cô Cúc Tự Do thời 57-60, và sau đó là danh ca Thái Thanh.
 
Vẫn theo lời anh Thái Thủy, sau di cư, văn nghệ sĩ Bắc Hà vào Nam được các cơ quan IRC, Asia Foundation và USIS giúp đỡ lập tờ Sáng Tạo, và anh Mai Thảo làm chủ nhiệm. Thời bấy giờ Mai Thảo có khả năng tài chánh, viết nhiều feuilletons ăn khách, và tờ Sáng Tạo được tài trợ vững. Anh có xe hơi Fiat hiệu Austin, có nơi ăn chốn ở, có danh trong giới văn học nghệ thuật, và nổi tiếng ăn chơi hào phóng.
 
“Vũ trường. Ông vua một thời. … Một tuần bảy lần. Một tháng ba mươi ngày. Trong hàng chục năm liên tục. Chiếc xe hơi của chàng tới khắp Saigon ăn chơi. Tới khắp Chợ Lớn đời sống ban đêm.… Một thời kỳ [Nhuận] còn sống hẳn với [Thúy], một vũ nữ trẻ đẹp, cũng rượu, cũng thuốc lá, đủ thứ như chàng. Cuộc chung sống cũng kéo dài được hơn ba năm, đôi khi ngậm ngùi nhớ lại thấy đó cũng gọi được là một thời kỳ hạnh phúc, dầu một hạnh phúc đầy bất trắc và không có ngày mai.” (Mai Thảo, Một Đêm Thứ Bảy)
 
Người Mai Thảo đã yêu và ở với, là nàng Cúc hoa khôi vũ trường Tự Do. Chủ vũ trường Tự Do có biệt danh Cường Lùn. Vũ trường có hai nàng kiều nữ sáng giá là cặp bài trùng: Cúc và Mỹ, biệt danh Mỹ Khùng vì tính nết bốc đồng, “nổ tung như một cây pháo bông, quay cuồng như một cơn bão lốc. Một lối sống vặn hết âm thanh, mở hết tốc lực, phút nào biết phút ấy và thây kệ ngày mai (Mai Thảo, Một Đêm Thứ Bảy)
 
Nàng Cúc nhỏ nhắn rất xinh xắn rất dịu dàng, thuở ấy là đệ nhất hoa khôi vũ trường, theo lời anh Duy Thanh họa sĩ cũng trong nhóm Sáng Tạo, hiện cư ngụ vùng vịnh San Francisco, California. Họa sĩ Duy Thanh cho biết anh Mai Thảo lập được kỳ công là đã dẹp hết những kép khác lăm le xông vào chiếm đoạt. 
   
Theo anh Thái Thủy, Mai Thảo vừa có cảm tình với người thiếu nữ xinh xắn dịu dàng đó, vừa cũng có phần muốn phô trương biểu diễn có đào đẹp, trong lúc nàng cũng rất cần kép nghệ sĩ nổi tiếng hào hoa phong nhã đưa đón, che chở, bao bọc.
 
Một thân hữu khác là anh Văn Quang, nhận xét rằng cuộc tình này là tình yêu ma quái vũ trường chập chờn dưới ánh đèn màu lung linh và sóng nhạc dập dềnh. Nhưng, cũng theo anh Văn Quang, thì nàng Cúc không biết gì về văn học nghệ thuật, không hiểu giá trị văn chương, và có thể chẳng hề đọc Mai Thảo. Tình của hai người ví như kẻ ở đầu sông người ở cuối sông, và trên dòng sông văn học:
 
Chàng ở đầu sông Tương
thiếp ở cuối sông Tương
tương cố thì tương kiến
tư tưởng chẳng tương đồng
 
Cuộc tình chẳng mặn mà, chỉ là một kết hợp theo nhu cầu. Tờ Sáng Tạo hết tài trợ thì nàng ra đi, được tài trợ lại thì nàng trở về, nhưng cũng chẳng kéo dài hơn ba năm, như đoạn văn của Mai Thảo trích ở trên. 
 
Anh Thái Thủy cho biết là hiện nàng Cúc còn ở Saigon, và cách đây bốn năm, khi anh Phan Nghị còn sống, có gặp nàng Cúc bán quán nước trước Bộ Thông tin cũ, và nàng Mỹ bán bánh mì. 
 
Trong một điện thư liên lạc, anh Văn Quang viết:
 
(email VQ)
Người đi qua đời tôi, trong những chiều đông sầu/ Mưa mù lên mấy vai, gió mù lê mấy trời/ Người đi qua đời tôi, hồn lưng miền rét mướt/ Vàng xưa đầy dấu chân, đen tối vùng lãng quên…
 
Giọng hát Thái Thanh –  được Mai Thảo phát cho cái tên Tiếng Hát Vượt Thời gian – bỗng nhẹ nhàng vút lên bên cạnh bàn viết tôi. Bài Người Đi Qua Đời Tôi. Không dưng đoạn điện thư của anh Văn Quang cũng vừa nhắc đến Thái Thanh.
 
“Và trong khoảng trống không, dĩ vãng tưởng đã chôn vùi, đang từng mảnh từng phiến trở về, như những tờ rời của một cuốn sách cũ. Như những cánh lá vàng bay ngược lại đường bay của trí nhớ bay về từ mùa Thu đã mất đã xa.” (Mai Thảo, Một Đêm Thứ Bảy)
 
Các anh các chị bạn thân của anh Mai Thảo, và hầu hết giới yêu văn học nghệ thuật, ai cũng nói đến mối tình giữa Mai Thảo và danh ca Thái Thanh. Đó là mối tình văn học nghệ thuật.  
 
Thái Thanh, Diễm Xưa 4
 
Thái Thanh dòng dõi máu nhạc chảy trong chậu thân. Thuở còn con gái từ Bắc di cư vào Nam, Thái Thanh có lui tới nhà ngôi sao Hàn Thuyên Nguyễn Đức Quỳnh, đến để thấy các văn nghệ sĩ thảo luận về văn học và mong mở rộng được kiến thức. Căn nhà của ông là một Đàm Trường – nơi thảo luận – về những Viễn Kiến – nhìn xa. Có một cuốn sách lớn giữa nhà ghi biên bản các buổi thảo luận, ai cũng có thể đọc. Ông là một nhà lập thuyết, kiện tướng cuả Nhóm Hàn Thuyên, chủ trương chống cộng, gây ý thức dân tộc. Ông còn là một nhà văn dưới bút hiệu Hoài Đồng Vọng. Hồi đó coi như một cao trào, có mặt tại nhà Nguyễn Đức Quỳnh là tự ái được ve vuốt, giá trị được phóng lớn (câu của Mai Thảo) vì đó là nơi quy tụ các trí thức miền Nam.
 
“Nguyễn Đức Quỳnh viết sách. Về thái cổ Đông phương. Về tiền cổ Tây phương. Vể thời đồng, thời đá, thuở trái đất mới có lửa, cộng đồng sống chung trong hình thái bộ lạc cách biệt. … … Văn chương những người như Nguyễn Đức Quỳnh huynh đệ với chí lớn, đồng nghĩa với vá trời lấp biển, đồng tính với cách mạng… Một sức hút. Một từ trường.” (Mai Thảo, Ngôi Sao Hàn Thuyên)
 
Mai Thảo là người từng ngưỡng mộ ngôi sao Hàn Thuyên từ tuổi niên thiếu ngoài Hà Nội, từng cùng sinh hoạt kháng chiến chống Pháp vùng Thanh Hóa chiến khu Tư, từng thân thiết bàn luận văn học và thời sự giai đoạn vào Nam, chiêm ngưỡng phong thái ung dung, khâm phục tài trí uyên bác cũng như quan điểm của ông khi kêu gọi hòa đồng và cứu chuộc lấy mình của nhà văn và trí thức toàn cầu.
 
Và rồi: “Một buổi đẹp trời kia, có những trái tim ấy trong những lồng ngực ấy bỗng đập một một nhịp đập khác. Tình yêu gõ cửa và mời người vào phiêu lưu, mời người bay lên trời cao, ca hát giữa vùng ánh sáng.” (Mai Thảo, Mười Đêm Ngà Ngọc)
 
Nhưng, theo nhận xét của anh Thái Thủy, cuộc tình giữa Mai Thảo và danh ca Thái Thanh không phải là ngà ngọc, mà chỉ là lãng mạn. 
 
Thái Thanh lập gia đình với tài tử điện ảnh Lê Quỳnh năm 1956. Người tài tử điện ảnh này đẹp như Phan An Tống Ngọc nhưng nét cứng rắn cương nghị, trước là Thiếu Tá phi công trong Không Lực Việt Nam Cộng Hòa, nổi tiếng ngay từ phim đầu tiên Chúng Tôi Muốn Sống của nền điện ảnh Việt Nam, nói về thảm nạn cộng sản đấu tố đàn áp, và cuộc di dân tìm tự do năm 1954 của nhân dân miền Bắc ngay sau khi chia cắt đôi miền. Ông cũng đóng nhiều phim sau đó như Đất Lành, Thiếu Phụ Nam Xương, Tổ Đặc Công 13, The Quiet American, A Night of the Dragon… Sang Hoa Kỳ, tài tử điện ảnh Lê Quỳnh sống gần gụi với cộng đồng tỵ nạn và tham gia nhiều công tác xã hội cũng như sinh hoạt văn hóa.
 
Theo nhận xét của giới văn nghệ sĩ, cuộc sống chung chẳng chút lãng mạn. Lê Quỳnh lại rất ghen. Nói như Nguyễn Bính: nghĩa là ghen qua đấy mà thôi/ và thế nghĩa là yêu quá đi mất rồi… Thái Thanh đi hát phòng trà cùng hai anh là Hoài Trung Hoài Bắc, có người lái xe đưa đón, thì Lê Quỳnh đi theo, và ghen cả với người lái xe đã lịch sự mở cửa cho Thái Thanh!
 
Nguồn: Đỗ Việt Anh, Diễn đàn Nguoitinh.com
 
Lê Quỳnh rất bất bình khi biết Thái Thanh đến với Mai Thảo. Một lần, Lê Quỳnh đã nổi nóng đánh vào mặt Mai Thảo và cố tình đấm với bàn tay có đeo nhẫn sắc cạnh, vạch một đường dài. Nhưng, theo các bạn hữu, Mai Thảo chẳng vì vậy mà rút lui. Không rút lui. Tự ái. Tự cao. Tự đại.
 
“Yêu là nhận. Giữ. … Tình yêu đích thực là tình yêu đáng nói không trời yên bể lặng đâu, và khi người ta yêu nhau phải chân cứng đá mềm mới được.” (Mai Thảo, Lời Vào Tập, Mười Đêm Ngà Ngọc)
 
Mai Thảo vẫn đến Đêm Màu Hồng, phòng trà ca nhạc lịch sự có danh ca Thái Thanh và các nam ca sĩ Hoài Trung Hoài Bắc ban Thăng Long, một ban hợp ca điêu luyện. Những Đêm Màu Hồng thần trí như mù quyện cùng giọng hát Thái Thanh ngất ngất… (Khánh Trường, Có lẽ Không Còn Gì Nữa Thật, Văn, Tưởng Mộ Mai Thảo)Vẫn thân thiết với Hoài Trung Hoài Bắc. Nhưng từ sau vụ đánh ghen, Thái Thanh không đến với Mai Thảo nữa. Ly dị tiến hành. Và sau đó, Thái Thanh đến với Trần Quý Phong, Dân Biểu, chủ phòng trà Đêm Màu Hồng, con ông chủ Hotel Catinat. Điện thư của anh Văn Quang ở đoạn trên ghi rõ chi tiết này. Thuở ấy hầu như không những giới văn nghệ sĩ, mà những người thường lui tới phòng trà đều nghe biết.
 
Về liên hệ giữ anh Mai Thảo và danh ca Thái Thanh, tưởng không gì bằng những lời từ chính Thái Thanh.
 
Ngày 1 tháng 12 năm 2002, ông Đỗ Tiến Đức Chủ nhiệm báo Thời Luận ở California và phu nhân, cùng ông Nguyễn Đắc Điều cựu Chủ tịch Tổng Hội Sinh Viên Quốc Gia Hành Chánh cùng phu nhân, đã đến thăm Thái Thanh tại căn chung cư. Buổi thăm viếng đã trở  thành một cuộc phỏng vấn rất lý thú được đăng trên báo Thời Luận, dưới tựa đề Thái Thanh, Người Mà Ai Cũng Mắc Nợ.
 
Chúng tôi đã được nhà báo Đỗ Tiến Đức gửi cho bài phỏng vấn về người danh ca từng được Ủy Ban Cứu Nguy Người Vượt Biển vinh tặng một tấm biển đề Thái Thanh, Tiếng Hát Vượt Thời Gian và Không Gian. Xin trích đoạn nói về anh Mai Thảo:
 
Mấy anh chị em gia đình chúng tôi hay đến Đêm Màu Hồng để nghe Thái Thanh và Ban Thăng Long. Hễ thấy chúng tôi là thế nào Thái Thanh cũng hát Kỷ Vật Cho Em, thơ Linh Phương do Phạm Duy phổ nhạc, là bài tôi rất thích và lúc nào cũng xúc động đến ròng ròng nước mắt.
 
Anh Thái Thủy nhắc lại vụ gương vỡ Đêm Màu Hồng, hôm đó anh đi cùng hai anh Mai Thảo và cố Thiếu Tá Phạm Huấn, Phóng Viên Chiến Trường Cục Tâm Lý Chiến. Nhiều người nói đến vụ này, nhưng nghĩ rằng đó là chuyện chẳng nên nhắc lại.
 
Khi nói chuyện với anh Thái Thủy, anh bảo bạn bè biết mối tình giữa hai người là những liên hệ văn học nghệ thuật. Nhưng nếu có yêu có mê, thì giai đoạn sau vụ ly dị, Mai Thảo đã có cơ hội tiến tới, nhưng không làm, mà lại rút êm. Từ đó, anh coi Thái Thanh là một người bạn.
 
Tang lễ anh Mai Thảo do gia đình cùng thân hữu văn học nghệ thuật tổ chức tại Vườn Vĩnh Cửu nghĩa trang Peek Funeral Home khu Bolsa, vùng Westminster, California, ngày 17 Tháng Giêng Cỏ Non, 1998. Thân hữu có ý mời Thái Thanh trình hát bài Nghìn Trùng Xa Cách của Phạm Duy, thay mặt tất cả tiễn biệt người đi vào cõi vĩnh hằng. Nhưng Thái Thanh chỉ đến tham dự để tiễn người bạn cũ lần cuối trong đời. 
 
Nghìn trùng xa cách, người đã đi rồi/  Còn gì đâu nữa mà khóc với cười…
Nghìn trùng xa cách, người đã đi rồi/ Còn gì đâu nữa mà giữ cho người…
Nghìn trùng xa cách, đời đứt ngang rồi/ Còn lời trăn trối gửi đến cho người…
 
Trong lễ hạ huyệt, lúc thân xác anh Mai Thảo được đưa xuống lòng đất, tiếc không có Khánh Ly để hát Tình Đất, thơ làm năm 1956 tại SàiGòn dưới tựa đề Nghe Đất, được anh Trầm Tử Thiêng phổ nhạc. Bài này là một trong hai bài lục bát duy nhất trong tập thơ Ta Thấy Hình Ta Những Miếu Đền của anh Mai Thảo. Cả hai tác giả đều đã qua đời. Bài Tình Đất ở lại, chẳng biết nay nằm trong tay ai.
 
Nguồn: Văn, Tưởng Mộ Mai Thảo, tháng Hai, 1998
 
(Bài viết này chưa lên báo lên trời, thì được biết đúng ngày 10 tháng 1, Đài Phát thanh Little Saigon tại California của 3 ông Vũ Quang Ninh có chương trình hội thoại tưởng niệm anh Mai Thảo, có tài tử Kiều Chinh, đôi uyên ương Khánh Ly Nguyễn Hoàng Đoan, nhà bỉnh bút Bùi Bảo Trúc. Dịp này, nghe nói có cho chạy đĩa nhạc Tình Đất do Khánh Ly trình bày).
 
Về những tài tử, các anh chị văn nghệ sĩ nhắc đến Kiều Chinh. Nữ tài tử điện ảnh Kiều Chinh là ngôi sao sáng của nền điện ảnh Việt Nam Cộng Hòa. Phim đầu tiên đóng chung với tài tử số 1 Lê Quỳnh là Hồi Chuông Thiên Mụ. Theo anh Thái Thủy, người lúc nào cũng thân thiết với bằng hữu văn học nghệ thuật, là ông Vũ Quang Ninh trước làm Giám Đốc Đài Phát Thanh Huế sau đó Giám Đốc Đài Tiếng Nói Tự Do, và hiện là Tổng Giám Đốc Đài Little Saigon, cùng Chủ Nhiệm tờ Viet Tide, nhận xét rằng Kiều Chinh chỉ thân thiết với Mai Thảo cho đẹp cuộc đời. Về phần anh Mai Thảo, anh coi Kiều Chinh là bạn. Trong một dịp họp mặt, chúng tôi nghe anh tuyên bố: “Bạn ta thì ta khen thôi!” khi có người nhắc đến sự nghiệp điện ảnh của Kiều Chinh.
 
“Suốt từ nửa thế kỷ qua, từ quê nhà ra hải ngoại, hình ảnh Mai Thảo, tiếng nói Mai Thảo, chữ nghĩa Mai Thảo đã thành cái gạch nối thân ái giữa nhiều lớp người, nhiều lớp tuổi, nối tiếp nhau trong mọi ngành sinh hoạt nghệ thuật. Bằng lối sống một mình lừng lững, và bằng tấm lòng ‘ở với văn chương, ở với người’, Mai Thảo đã tự tạo cho ông một phong cách riêng. Phong cách ấy đi tới đâu, ở đó có văn chương sống động, có tình người ấm áp.” Đó là đoạn trích dẫn soạn sẵn, Kiều Chinh đọc trước mộ huyệt tang lễ anh Mai Thảo.
 
Kiều Chinh, vietnamreview.com
 
Kiều Chinh- Trần Dạ Từ- Nhã Ca, những tài tử văn nhân bạn thân của anh Mai Thảo hiện sinh sống trong lòng cộng đồng người Việt ở thủ đô tỵ nạn Cali. Hầu hết anh chị em văn nghệ sĩ đều biết những liên hệ mật thiết giữa họ. 
 
Thời gian sau 75, gia đình hai nhà văn nhà thơ Trần Dạ Từ và Nhã Ca kẹt lại. Trần Dạ Từ đi tù cải tạo, Nhã Ca còn con nhỏ không bị đi tù xa nhưng luôn luôn bị quản thúc học tập. Bà đã một mình bươn chải nuôi chồng trong tù, nuôi con, và giúp đỡ che chở giấu giếm anh Mai Thảo, tìm cách móc nối vượt biên. Chi tiết ghi rõ trong Nhã Ca Hồi Ký do Thương Yêu xuất bản năm 1991.
 
Những ảnh hình thân cũng thoáng qua
người gần ta nhất cũng muôn xa
Tấm gương trước mắt nhìn trân trối
tinh vẫn còn đây tướng đã nhòa
(Mai Thảo, Tinh Tướng, Ta Thấy Hình Ta Những Miếu Đền)
 
Bài thơ nhìn mình trong gương  của anh Mai Thảo nhắc Tôi Nhìn Tôi Trên Vách của Túy Hồng, một trong số các nhà văn nữ bạn Mai Thảo, một trong Ngũ Long Công Chúa  của văn học trước 75, gồm Túy Hồng, Nhã Ca, Trùng Dương hiện ở Hoa Kỳ, và Nguyễn Thị Thụy Vũ, Nguyễn Thị Hoàng còn kẹt lại Việt Nam.
 
Mai Tho and Thy Hng thumb
Túy Hồng và Mai Thảo
 
Chị cho biết thuở còn ở Huế, liên lạc với Mai Thảo qua thư từ, kiểu chơi correspondance thời thượng bấy giờ. Vào Sài Gòn, Túy Hồng đi chơi với Mai Thảo, có lúc ngồi chung xích lô máy. Chị cho biết Mai Thảo quá sa đà các trà đình tửu quán và sòng bài. Rồi Mai Thảo dẫn Thanh Nam đến nhà Túy Hồng, giới thiệu quen nhau, đi chơi với nhau, và Thanh Nam đưa Túy Hồng về thăm chung cư Cửu Long đường Hai Bà Trưng, nơi chàng có phòng riêng, và anh Thái Thủy cũng ở kế ngay cạnh. Chỉ mấy tuần sau, Thanh Nam cưới Túy Hồng, một tuần sau khi anh Thái Thủy cưới vợ.
 
Chị Túy Hồng cho biết là hồi ở Việt Nam, anh Mai Thảo vẫn hay đến nhà dùng cơm. Nhà gia đình hai nhà văn Thanh Nam/Túy Hồng ở đường Cống Quỳnh Saigon, và trước khi di tản, cứ hai ngày một lần, anh Mai Thảo đến nhà dùng cơm trưa. Trong một dịp họp mặt trước biến cố Tháng Tư 75, ba anh Thanh Tâm Tuyền, Dương Nghiễm Mậu và Mai Thảo trịnh trọng tuyên bố thà chết ở Việt Nam, không đi di tản.
 
Gia đình anh Thanh Nam và chị Túy Hồng di tản cùng nhân viên Đài Mẹ Việt Nam vào Tháng Tư, 1975.
 
Vượt biên sang Mỹ năm 1979, sau thời gian ngắn sống với gia đình người em là anh Nguyễn Đăng Khánh ở New York, anh Mai Thảo xuống Cali cũng một thời gian ngắn rồi bạn bè rủ rê, anh lên Seattle tiểu bang Washington làm báo Đất Mới với các nhà văn Huy Quang Vũ Đức Vinh, Thanh Nam/Túy Hồng và Trung Tá Nguyễn Văn Giang. Anh Mai Thảo ở với gia đình Thanh Nam/Túy Hồng chừng ba tháng thì qua ở với gia đình anh Vũ Đức Vinh nhưng cũng chỉ chừng hơn tháng sau là dọn riêng ra một chung cư. Nhưng đến 1981, anh Mai Thảo rời Đất Mới về lại Cali, tục bản tờ Văn ngày trước từ Saigon, do Nguyễn Đình Vượng chủ trương. Chị Túy Hồng hiện cư ngụ tại tiểu bang Oregon, Tây Bắc Hoa Kỳ.
 
Trong số những người bạn mới quen ở Đất Mới và giúp đỡ anh trong vấn đề di chuyển, dạo đó có Lê Thu Hương nay vẫn còn ở Seattle. Cô nhận xét anh thực sự là một người cô đơn, âm thầm chịu đựng nhiều thử thách mà vẫn sừng sững như núi Rainier, thẳng băng như ngọn thông cedar, luôn giữ phong cách kẻ sĩ. Dù mới quen, Lê Thu Hương cũng nhận xét ngay là chưa từng nghe anh nhắc chuyện riêng tư, phàn nàn tình đời, hoặc sự đối xử không đẹp của những người chung quanh.
 
Trên 50 tác phẩm của Mai Thảo đã xuất bản phần nhiều từ Saigon được in lại, hầu hết từ California và Texas.  Tác phẩm in tại miền Đông Bắc là tập truyện ngắn Một Đêm Thứ Bảy, do Tổ Hợp Xuất Bản Miền Đông Hoa Kỳ phụ trách. Tổ hợp này kết hợp Nhà Xuất bản Cành Nam, nhóm Xác Định và Hội Văn Hóa Việt Nam tại Bắc Mỹ. Nhà văn nhà thơ Trương Anh Thụy  là người phụ trách điều hành Tổ Hợp, cho biết nhiều thân hữu yêu Mai Thảo đã đóng góp vào việc này, nên mặc dầu ban đầu anh Mai Thảo bảo “cho”, nhưng các thân hữu quyết không nhận và vẫn sòng phẳng nhuận bút, để anh thêm phương tiện sinh hoạt.
 
Bìa sau Một Đêm Thứ Bảy của Mai Thảo - Ảnh Trần Cao Lĩnh, 1985
 
Nhà văn Trương Anh Thụy cho biết, chị - cũng như nhiều người viết khác – đã rất trân trọng biết ơn anh Mai Thảo. Anh là người đàn anh đáng tôn kính, không những có công lớn với văn học nghệ thuật, mà còn là người khuyến khích, nâng đỡ những cây viết mới, đặc biệt những “cõi viết” nữ, trong số có Trương Anh Thụy.  Những truyện ngắn đầu tiên của chị đã được anh đưa lên tờ Văn với những lời khuyến khích nồng hậu.
 
Chị nhận xét anh là con người quá ư nghệ sĩ, nhưng rất trọng nghĩa khinh tài, luôn giữ phong cách chững chạc, không dùng ngòi bút viết lời thô bỉ hoặc chửi mắng ai. Đôi khi nóng máu với bạn quanh bàn nhậu thì cũng có quá lời, nhưng sau đó lại thuận thảo ôn tồn giữ hòa khí nên cũng chẳng ai giận.
 
Miền Đông Hoa Kỳ quy tụ rất nhiều thân hữu của anh Mai Thảo trong số có học giả Nguyễn Ngọc Bích cũng là người của Tổ Hợp Xuất bản Miền Đông Hoa Kỳ, cho biết là từ Tây sang Đông, Giải Thưởng Văn Chương lấy tên Mai Thảo, trứng nước cả mười năm nay từ thuở sinh tiền anh Đỗ Ngọc Yến chủ nhiệm sáng lập nhật báo Người Việt, từ VAALA qua tạp chí Thế Kỷ 21 bay tuốt sang tay Nguyễn Ngọc Bích, đến nay vẫn chưa thành hình.
 
Nhưng trước đó, năm 1993, anh chị em văn nghệ sĩ và thân hữu cũng như những người ái mộ Mai Thảo tại vùng Thủ đô Washington D.C. đã tổ chức 50 năm sinh hoạt, gọi là Đêm Mai Thảo để vinh danh người một đời trọn tình với văn học nghệ thuật. Anh Ngô Vương Toại chủ nhiệm chủ bút báo Diễn Đàn Tự Do cho biết không riêng gì những người cộng tác tờ báo mà hầu hết thân hữu Đông Bắc đều có mặt. Anh nhắc lại lời nhận xét của anh Nguyễn Hưng Quốc trên tạp chí Việt ở Úc khi viết về Mai Thảo:  
 
“Nếu không có Mai Thảo, diện mạo văn học miền Nam thời 1954-1975 cũng như diện mạo văn học hải ngoại từ 1975 đến nay sẽ khác đi rất nhiều. Không phải truyện dài, không phải truyện ngắn, cũng không phải thơ. Điều gì ở Mai Thảo có khả năng gây được những tác động lớn lao như vậy? Theo tôi, đó là giọng văn.” (Nguyễn Hưng Quốc, Mỗi kỳ Một Tác Giả: Mai Thảo, tạp chí Việt)
 
Anh Ngô Vương Toại nhấn mạnh, là phải nói thêm rằng phong cách Mai Thảo mới đích thực đáng nể trọng. Phong cách đó, anh nhắc thêm nhận xét của Nguyễn Hưng Quốc trong cùng bài viết:“Con người ông lớn hơn sự nghiệp của ông, và sự nghiệp của ông thì lại lớn hơn tác phẩm của ông.”            
 
Việc anh Mai Thảo nâng đỡ khuyến khích viết văn, có thể nhắc lại câu anh nói với Phan Thị Trọng Tuyến dịp cô từ Pháp sang thăm: “Đến với văn chương rồi, phải ở lại với văn chương, nhé!” (Trích Thưa Bác, Vâng Ạ” Phan Thị Trọng Tuyến, Hợp Lưu Tân Niên Mậu Dần 1998)
 
Một khía cạnh trong phong cách Mai Thảo, như anh Nguyễn Đăng Khánh viết trong Mai Thảo, Anh Tôi (Văn, Tưởng Mộ Mai Thảo), là rất giàu tình cảm. Trường hợp đan cử là vũ nữ Cẩm Nhung. Kỷ Niệm Về Mai Thảo của cố thi sĩ Nguyên Sa đăng trên cùng tờ Văn có cả ba trang về chuyện này. Thi sĩ Nguyên Sa – tên thật là Trần Bích Lan – hồi đó dạy Triết, Pháp văn hoặc Việt văn tại các trường trung học Sai Gòn.
 
“… Chúng tôi ngồi trong gian phòng khách nhỏ. Người thiếu nữ khuôn mặt đã trang điểm, đôi mắt rất đen rất to, phấn nền và phấn hồng đều mỏng. … Nàng mau chóng đi ra phía sau bức bình phong, không phải là bức tứ bình mai lan cúc trúc, chỉ là bức bình phong chữ nhật chiều ngang lớn hơn chiều cao, phía ngang kín bưng, ngoại trừ hai phía đầu và chân không được che kín. …… Thân mình nàng được che khuất, phía trên ngang tầm vai, phía dưới tới đầu gối. … … Thiếu nữ nghiêng đầu nhìn xuống phía dưới. Tôi nhìn theo đường nhìn của nàng. Thấy hai ống chân của thiếu nữ, thấy nàng làm động tác chân đá đá đẩy ra chiếc quần đã rớt xuống ……Thiếu nữ nhìn tôi cười có nét e thẹn. Tôi cười đáp lại, có phần ngượng ngùng. Mai Thảo dường như không chú ý, anh tiếp tục hút thuốc nhìn khói bay lên chậm và tan loãng còn chậm hơn trong gian phòng nhỏ đóng kín …… Mai Thảo lái xe chừng mực hơn mỗi khi có phụ nữ. … … Nhưng lần chót tôi gặp lại người phụ nữ ấy, Mai Thảo dừng xe có phần gấp gáp, không có nét bay bướm nào. Anh đang phóng nhanh bỗng thắng két, tấp ngay lề, đậu xe bên phía tay mặt đường Pasteur. Mai Thảo ra khỏi xe không một lời giải thích. Tôi không hỏi, xuống theo ngay, linh cảm có chuyện gì khác lạ. Chúng tôi băng qua con lộ xe chạy một chiều vun vút. Mai Thảo dừng lại trước một người hành khất, một người phụ nữ, móc trong túi ra một nắm giấy bạc. Anh chuyển nắm giấy bạc sang tay kia, tìm kiếm thêm. Tôi không nhận ra người hành khất là ai, chỉ thấy mặt loang lổ những vết cháy nổi lên những mảng thịt nửa đỏ nửa tím sậm, dị dạng, hai mắt vết cháy càng rõ, lòng trắng và lòng đen bị hủy hoại lổn nhổn. Bạn tôi bỏ nắm tiền vào chậu nhôm, những tờ giấy chạm vào tay người đàn bà. Dường như nàng biết ngay người cho tiền là ai. Sự va chạm của bàn tay vào những tờ giấy  bạc cho nàng biết ngay là ai, ai có thể cho nàng nhiều tờ giấy bạc như thế. Nàng ngẩng mặt lên gọi “Anh!”. Mai Thảo vỗ nhẹ vào bàn tay nàng có tiếng nói an ủi bằng xúc giác, không có âm thanh nào được phát lên. 
 
Tôi muốn nói lên tên người đàn bà hành khất. Tôi chưa kịp nói Mai Thảo kéo tôi băng qua đường. Tôi ngồi vào trong xe, nói lên ngay tên nàng. Mai Thảo gật đầu. “Cẩm Nhung.” Tên người vũ nữ thay quần áo sau tấm bình phong……  Cẩm Nhung bị tạt át-xít trong một trận đòn ghen… … Tôi nhìn bạn tôi ngậm ngùi:“Cẩm Nhung!” Mai Thảo nhìn về phía trước mặt, như nói một mình, rất khẽ: “Nhung đấy!””
 
Trở lại chuyện  người đi qua đời Mai Thảo, bởi anh rất tế nhị chuyện riêng tư, nên ít ai biết Khúc Tình Ca Xứ Huế của anh. (Xin mở ngoặc nói rõ đây là tựa đề một bản nhạc rất hay của cố nhạc sĩ Trần Đình Quân).
 
Vào khoảng đầu thập niên 60, thời ông Vũ Quang Ninh làm Giám Đốc Đài Phát Thanh Huế, anh Mai Thảo nhiều lần ra Huế, vừa thăm bạn, vừa có những buổi nói chuyện văn học nghệ thuật do sinh viên Huế ngưỡng mộ tổ chức. Chính anh Vũ Quang Ninh đích thân đưa Mai Thảo đến giới thiệu với những nàng kiều nữ Huyền Trân Công Chúa nổi tiếng của Huế.
 
Xuân du phương thảo địa
Hạ thưởng lục hà trì
 
Đây là một gia đình Nho phong. Ông nội chúng tôi vốn Nho học, và ông Bác tôi là người con cả, cũng từng Nho học, đặt tên con cháu theo từng bộ. Các chị Huyền Trân Công Chúa theo bộ thảo trong khi mấy chị em tôi theo bộ điểu. Phương Thảo hoa khôi Đồng Khánh. Trước đó, chị Tố Cần hoa khôi đã lập gia đình và đi xa. Lục Hà đang nổi danh dưới tên Hà Thanh, là giọng hát trân quý của xứ Huế, cộng tác với các ban nhạc Đài Phát Thanh Huế.
 
Chị Hà Thanh cho biết lần đầu tiên thấy anh Vũ Quang Ninh Giám Đốc Đài đến nhà, cả  gia đình rất ngạc nhiên. Anh Mai Thảo được giới thiệu, và Bác tôi tuy Nho học và là một nhà giáo nhưng rất phóng khoáng – bằng chứng là đã cho chị đi hát – cũng cho các con tiếp đón khách phương xa do người gần đưa lại. 
 
Chị kể một dịp khác, hai anh mời Hà Thanh đi ăn tối quán Âm Phủ.  Họ đến trễ. Chị bảo tôi “Quá giờ ăn. Đói quá. Đành ăn bánh mì cũ vì nhà đã xong bữa, hết cơm!”
 
-  Tui no rồi! Tới trễ. Không đi mô!
 
Chị thẳng thắn nói khi mở cửa. Hai anh xin lỗi và nài nỉ mời mọc. Nể ông Giám Đốc và người mới quen, Hà Thanh lên xe đến quán Âm Phủ nhưng chỉ uống nước, chẳng ăn gì.
 
Từ đó, Mai Thảo nhiều lần đến nhà thăm Hà Thanh trước khi trở về SaiGon.
 
Hà Thanh cho biết chị rất quý mến anh Mai Thảo, coi như một người anh.
 
Chị Hà Thanh và tôi là chị em chú bác ruột và rất thân nhau, nhắc lại kỷ niệm cũ, chị bảo “Anh Mai Thảo là người đàn ông mình có thể thoải mái đến gần mà không chút e ngại. Dù mang tiếng ăn chơi phóng túng, anh có cái chừng mực của anh, luôn biết dừng lại. Đàng hoàng. Từ tốn. Điềm đạm. Không bao giờ sàm sỡ sỗ sàng. Luôn ôn tồn cẩn trọng.”
 
Chị nhấn mạnh:“Đó là người đàn ông đáng kính vì biết yêu kính phụ nữ, không hề coi thường, không hề kỳ thị  nam nữ mà đối xử rất bình đẳng rất ngang hàng.”
 
Chúng tôi hoàn toàn đồng ý về điểm này. Nói theo kiểu bây giờ, anh là một  người tôn trọng nữ quyền theo đúng nghĩa nữ quyền. Một feminist.
 
Về sau nhiều lần vào Sài Gòn, Hà Thanh vẫn gặp Mai Thảo ở Đài Phát Thanh hoặc vài nơi khác, trong khung cảnh rất thoải mải, rất thanh thản.
 
Sang Mỹ, cũng nhiều lần gặp lại những nơi có tiếng hát của Hà. Năm 1991, chị về Houston góp mặt trong chương trình Hội diễn đặc biệt của nam danh ca Anh Ngọc và các văn nghệ sĩ Chương trình Tiếng Nhạc Tâm Tình, có anh Mai Thảo từ Cali qua tham dự. Chị bảo khi thấy chị từ sân khấu bước xuống, anh chầm chậm nói: “Giọng hát này ở trên trời cao, không phải ở dưới đất.” Có thể là chủ quan - chị bảo - câu đó ngầm ngụ sự xa cách của giọng hát Hà Thanh với thế giới chung quanh.
 
Xin nói thêm Chương trình Tiếng Nhạc Tâm Tình của Đài Sài Gòn ngày xưa do anh Mai Thảo viết lời giới thiệu, gồm những bản nhạc chọn lọc gửi sang bên kia vĩ tuyến 17 để tâm tình cùng đồng bào ngoài Bắc.
 
Hà Thanh hiện cư ngụ Boston, tiểu bang Massachusett, là một Phật tử thuần thành, vẫn  đàn hát, chơi nhạc và đặt nhạc, toàn nhạc ca ngợi đức từ bi Thích Ca Mâu Ni. Chị thường đi các tiểu bang hát Chùa – trong cả hai nghĩa – và thu băng, video hoặc DVD. Một dịp về Cali cuối năm 1997, nghe tin anh trở bệnh nặng, Hà Thanh cùng em gái là chị Bạch Lan, phu nhân BS Vưu Nam Trân, cùng vào bệnh viện thăm. Không được gặp, vì anh trong tình trạng hôn mê. Có nhiều các bà các cô trong gia đình anh ở phòng đợi. Hà Thanh thăm hỏi các vị này và ân cần nhắc nhở niệm phương danh Phật A Di Đà để anh được nhẹ nhàng siêu thoát. 
 
Nhắc chuyện xưa, Hà Thanh nói với tôi: “Không cơ không duyên không nợ. Không vướng lụy.” Họ đã gặp nhau ở một quan điểm:
 
“Sống sao cho sòng phẳng với đời. Không vay. Không trả. Không trả. Không vay”
(Mai Thảo, Điểm Hẹn)
 
Trong tập thơ Ta Thấy Hình Ta Những Miếu Đền, có hai câu, chẳng biết viết cho ai:
 
 Tâm em là Bụt tâm anh Phật
trên mỗi tâm ngồi một nhánh hương
(Mai Thảo, Em Đã Hoang Đường Từ Cổ Đại)
 
Thủ bút anh Mai Thảo trên giường bệnh
 
Trưa hôm đó là ngày 11 tháng 7, 1997, đúng sáu tháng trước khi anh vĩnh viễn giã từ cuộc đời. Nhân dịp tôi từ Hoa bang qua, anh chị Nguyễn Mộng Giác, chị Bùi Bích Hà, đưa tôi đến thăm anh Mai Thảo tại bệnh viện Barlow ngoại ô Los Angeles. Nhà văn Bùi Bích Hà hiện là chủ bút báo Phụ Nữ Gia Đình và mới đây thêm chức Tổng Giám đốc Đài VNCR tại California. Những dòng xúc cảm viết thêm bên dưới thủ bút của anh Mai Thảo là của Diệu Chi, vợ anh Nguyễn Mộng Giác, hồi đó là chủ bút Văn Học, tạp chí sáng tác nhận định văn nghệ, tại California.
 
Những dòng viết tay run rẩy của anh Mai Thảo đã làm chúng tôi sững sờ xúc động. Bàn tay ngày nào tuôn mạch tư tưởng tràn trề sống động, nay không chịu điều động con chữ đứng thẳng theo mệnh lệnh trí óc. Tôi biết anh cũng muốn đứng thẳng với bạn bè, giữ vững phong cách, nhất là khi có bạn gái. Nhưng đến lúc này… Tôi hiểu anh muốn:
 
Đứng lên gửi lại lời xin lỗi
của kẻ ra về giữa cuộc chơi
(Mai Thảo, Đứng Lên)
 
Hay kêu gọi bạn bè mà là kêu gọi chính mình:
 
Dậy đi!
Dậy hết thành dông bão
Nhẩy dựng ngang trời thế đá tung
(Mai Thảo, Gọi Thức)
 
Xin mượn lời thơ Mai Thảo tưởng niệm chính Mai Thảo sau mười năm biền biệt trên cõi vĩnh hằng:
 
Sau đường chân trời là không
Cõi không. Không còn gì nữa hết.
Trên nữa là không
Cõi không. Không còn gì nữa hết
Dưới nữa là không
Cõi không. Không còn gì nữa hết. 
Cõi không là thơ. Không còn gì nữa hết là thơ. 
Nói không còn gì nữa hết là khởi đầu thơ
Một xóa bỏ tận cùng. Từ xóa bỏ chính nó
Tôi xóa bỏ xong tôi
Không còn gì nữa hết
Tôi thơ.
(Mai Thảo, Bờ Cõi Khởi Đầu, Ta Thấy Hình Ta Những Miếu Đền)
 
Trần thị LaiHồng
Hoa bang, đầu Tháng Giêng Cỏ Non 2008
 
 

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com