User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

nandoi45

Tôi từ trại tỵ nạn Bataan tới Mỹ năm 1990. Nghĩ tới vợ con còn lận đận ở Việt Nam, tôi vội bươn chải đi kiếm việc làm. Từ miền Đông ở Virginia, tôi bay qua miền Tây, California, rồi thuận đường vọt lên Tây Bắc, tới Seatlle. Khi còn ở trại tỵ nạn bên Phi, tôi hăng hái bao nhiêu, thì tới Mỹ tôi thấy buồn rầu, trơ trọi bấy nhiêu. Tôi cảm nhận được gánh nặng của kẻ bị tan nhà, mất nước, lưu lạc đi tìm đất sống, lòng thấm thía câu thơ của Thanh Nam:

Trôi giạt từ Đông sang cõi Bắc
Hành trình trơ một gánh ưu tư!

Xoay sở như thế, cuối cùng cũng phải trở lại Virginia, để nhận một chân chiên khoai tây, trong tiệm McDonald. Những khi hết khoai để chiên, tôi lại kiêm luôn chân lau bàn và đổ rác. Một ngày kia, ông xếp Mỹ ra lệnh cho tôi đổ những chiếc bánh Hamburger vào thùng rác. Đúng 12 giờ trưa, tất cả bánh làm ra trong buổi sáng, phải đem vứt bỏ! Nhìn những chiếc bánh vàng ươm lốm đốm những hạt mè, có nhân thịt bằm với cà chua, sà-lách hãy còn thơm ngon mà tôi được lệnh đem ra thùng rác, tôi ngơ ngẩn, không tin ở tai mình. Tôi lắp bắp hỏi lại xếp cho chắc ăn. Khi biết đó đúng là ý của xếp, tôi ngần ngại thi hành.

Thay vì vứt bánh vào thùng rác, tôi lén bỏ vào một hộp bià cứng, rồi giấu vô cốp xe! Hết giờ làm việc, tôi vội vã về nhà, đem bánh đó cho hai đứa bé, con cô Loan, người ở cùng appartment với tôi. Hai đứa bé dửng dưng, không thèm đụng tới! Có lần tôi lái xe gần 20 miles, đem bánh tới nhà cô em gái, cho hai đứa cháu. Bọn “Mỹ con” này đã liệng ngay bánh vô thùng rác. Không biết đem cho ai, tôi để bánh trên nóc cái dumpster rác cho chim trời đến ăn, và tôi cảm thấy bớt “tội lỗi”. Tuy đã làm quen được với việc hủy hoại thực phẩm rất phí phạm này, tôi chưa sẵn sàng đổ bỏ cơm. Mỗi khi bị cô Loan bắt buộc tôi phải đổ đi một nồi cơm dư, tôi loay hoay khổ sở với chỗ cơm còn thơm dẻo trong tay, không nỡ rời ra.

Tôi biết, các bạn đang cười. Tôi bị “hội chứng tiếc của Trời”! Của Trời đây nói nôm na là thực phẩm, là cơm gạo; không phải thứ “của trời” mặc bikini căng cứng, đỏ như tôm luộc, nằm ngồn ngộn dưới những chiếc dù xanh đỏ, trên bãi biển mùa hè! Ơi những ông, những bà bạn, tuổi đời trên bảy bó, sinh trưởng ở miền Trung, miền Nam, nơi cơm gạo như núi, các bạn có bao giờ thấu hiểu được nỗi niềm! Ký ức về nạn đói của một đứa bé năm, sáu tuổi như tôi, chắc không còn gì nhiều, sau bao tang thương dâu biển. Vậy mà tôi vẫn còn nhớ như ngày hôm qua, những điều tôi chứng kiến.

Năm ấy, 1944, gia đình tôi chắc làm ăn khá. Nhà tôi có ba hecta ruộng đất và do sự cần cù, cũng đạt được mực sống trung bình trong làng. Có lẽ vì năm đó có dư chút tiền, bố mẹ tôi liền nghĩ tới việc cưới vợ cho anh cả tôi. Sự tính toán sai lầm này cùng với lòng ham muốn mua đồ bán rẻ khi nạn đói chớm bắt đầu, suýt biến chúng tôi thành ma đói! Nhà nông chi tiêu bất cứ việc gì, đều phải trông vào hột lúa. Quần áo cưới, nữ trang cho cô dâu, đồ sính lễ, những chiếc xe kéo, những con gà, con lợn cho bữa tiệc cưới rất linh đình… nhất nhất đều từ cót thóc nhà tôi mà ra. Cót thóc đã vơi đi rất nhiều sau đám cưới.

Trời mới chớm Đông, nhưng năm nay sao lạnh quá. Thôn xóm đìu hiu, mọi người co ro trong manh áo mỏng. Tết nhất tới nơi, nhưng chẳng có gia đình nào có vẻ sửa soạn cho năm mới. Nhà tôi vì có nàng dâu mới, bố mẹ tôi giữ thể diện, vẫn chuẩn bị ăn Tết như mọi năm. Vừa qua Tết, một không khí hoảng loạn bao trùm khắp thôn làng. Nhiều người bán tống bán tháo mọi thứ đồ đạc trong nhà. Thóc lúa lên giá vùn vụt. Trong khoảng sân gạch trước nhà tôi, ngày nào cũng có người ra vào tấp nập. Họ khuân tới cuốc, sẻng, nong, nia, rổ rá, nồi niêu, bát đĩa, và cả bàn thờ tổ, bát nhang, đỉnh hương, đèn đồng… đến xin bán cho mẹ tôi. Thấy giá quá rẻ, mẹ tôi cũng mua vài món cần dùng. Nhưng chỉ ngay hôm sau, bà thấy cái giá hôm trước là quá đắt. Nhiều người lúc này muốn biếu không vật dụng của họ, chỉ để xin lại vài đấu gạo. Bố tôi hốt hoảng, ra lệnh đóng cổng, không cho ai mang đồ vào xin bán. Nhiều nhà ăn cháo. Nhưng gia đình tôi vì thể diện, vẫn còn ăn hai bữa cơm.

Một buổi trưa, tôi sang nhà chú tôi chơi với hai đứa em, thằng Trung và thằng Hiếu và mấy đứa em còn nhỏ lít nhít của chúng. Tôi ngạc nhiên thấy chúng đang ăn “cơm” mà chỉ có duy nhất một đĩa rau luộc trong mâm! Chúng dùng tay bốc ăn ngấu nghiến và xem ra vẫn còn rất đói sau khi đã ăn. Tôi chạy sang hai nhà hàng xóm để chơi với con Hải, thằng Tuy, là những đứa vẫn cùng tôi chơi đùa hàng ngày. Tôi sợ hãi thấy nhà chúng trống hoác, trước sau quạnh quẽ, không một bóng người. Những tấm cửa liếp bay đâu mất. Khoảng sân đất trước nhà đầy rác rưởi. Gió bấc lùa vào nhà, thổi tung bếp tro tàn lạnh. Những gia đình này đã dắt díu nhau đi tìm cái sống ở phương xa. Tôi về nhà thuật lại với mẹ. Tôi thấy bà ngồi lặng người đi. Ngày hôm sau, chúng tôi ăn cháo buổi trưa, và chiều gần tối mới được ăn cơm. Dù còn được ăn hai lần trong ngày, lúc nào tôi cũng thấy đói quay quắt, và trông đợi bữa ăn từng giờ từng phút.

Mới đây, tôi tình cờ đọc được trên Net một bài Văn Tế Nạn Nhân Vụ Đói, có những câu mô tả tình cảnh đói khổ năm đó, làm tim tôi rướm máu:

… Đây cơ khổ mỗi ngày mỗi thắt
Cho đến khi: Hạt tấm không còn,
Đồng trinh cũng mất
Những tưởng túng qua,
Ngờ đâu đói thật!
Trông vợ con lòng đã xót lòng,
Ngoài hương xóm mặt càng rõ mặt.
Trước còn định dây khoai rễ má
Lần hồi sao bữa đến qua loa
Sau đành đem tháo bếp dỡ nhà
Xoay sở mãi ngày càng héo hắt!… (1)

Một buổi sáng, tôi đang nằm đói lả, đợi bữa cháo buổi trưa, chợt thấy một bà thím của tôi, thím Liêm, tất tả đi vào nhà. Vừa gặp mẹ tôi, thím òa khóc, nói rằng các con thím đều sắp chết đói hết. Thím xin mẹ tôi cho vay vài đấu gạo. Thím cho biết, nếu có gạo, thím sẽ nấu bánh đúc đem bán; tiền lời có thể mua gạo nấu cháo cầm hơi. Không thể nào từ chối được, mẹ tôi phải cho thím vài đấu gạo. Thím cho biết sẽ thi hành ngay việc nấu bánh đúc đi bán. Tôi theo thím về để xem nấu bánh đúc, với hy vọng mong manh: thím có thể cho mình một miếng bánh đúc không chừng.

Thật là một hy vọng hão huyền, còn hơn anh Trương Chi đòi cưới Mỵ Nương công chúa. Chúng tôi, tôi và đàn con bốn đứa của thím, dán mắt hau háu, nhìn thím quậy nồi cháo đặc có bỏ vôi nồng. Mùi của thứ ngũ cốc ngon lành, phép lạ có thể đẩy lùi thần chết, quyện vào khứu giác, làm ứa nước miếng và đánh thức cái dạ dầy trống rỗng đã bao ngày, khiến lũ trẻ linh động hẳn lên. Chúng rình rập, không bỏ sót một cử chỉ nào của mẹ chúng. Khi thím tôi vừa đổ nồi cháo đặc trên tấm lá chuối trải trên một cái sàng, chúng sà tới như một đàn ruồi. Nhưng chúng thất vọng ngay. Bánh đúc này để đem bán, không phải để cho chúng ăn. Không được ăn, hai đứa nhỏ khóc oà lên. Thím cũng khóc, nhưng cương quyết bưng sàng bánh đúc cất lên cao, và chỉ đẩy ra cho chúng cái nồi còn dính cháo. Một chùm các bàn tay bẩn thỉu hối hả vọc vào, vét chút cháo trong nồi. Thằng bé nhất, chưa đầy một tuổi, đang nằm sấp trên manh chiếu góc nhà, cũng vùng vẫy tay chân, trườn tới nhanh như một con thằn lằn. Nó nắm được cái đũa quậy cháo mà anh chị nó đã ném ra ngoài, vội đưa lên miệng mút.

Nhìn tình cảnh ấy, biết cái mộng được thím cho ăn bánh đúc đã tan thành mây khói, và mình cũng không có “chỗ đứng” trong bữa đại tiệc vét nồi này, tôi bẽn lẽn và lặng lẽ rút lui như một chính khứa mới ra nghề, lại xuất hiện nhầm chỗ, bị đám đông la ó. Chiều hôm ấy, tôi được nghe một tin sốt dẻo: Thím Liêm tôi từ chợ trở về, đầu tóc rối bù, áo quần tơi tả, chân đi siêu vẹo, tay cầm một đùm giẻ rách! Thím vừa khóc vừa thuật lại cho chồng con nghe câu chuyện “kinh doanh” thê thảm của thím. Khi thím vừa tới chợ và đặt mẹt bánh đúc xuống, đã có ngay “khách” tới mua. Khỏi cần hỏi han giá tiền cho mất công, khách dùng cả hai tay nhanh như chớp, bốc bánh đúc nhét vô miệng, nhiều tới nỗi nuốt không kịp, nghẹn họng, mắt trợn trắng. Thím tôi kinh hoảng, túm lấy khách đòi tiền. Khách vùng phóng chạy. Thím tôi la làng nước kêu tiếp cứu. Người trong chợ đổ ra vây được ông khách không tiền. Để khỏi bị lôi thôi, khách xin trả tiền bằng cái… quần đang mặc! Thím khóc mếu, cầm chiếc quần rách bẩn, quay về với mẹt bánh đúc, thì hỡi ôi, mẹt bánh đã biến đi như có phép lạ, đến cái lá chuối lót cũng chẳng còn!

nandoinamdau

Câu chuyện nghe khôi hài, tưởng có thể cười. Nhưng không ai cười được nữa. Thần chết đã vừa tuyên án tử hình gia đình này, và bóng dáng chập chờn của lũ ma đói đang đợi chờ để đón họ đi. Vì đói và vì sợ hãi, tôi không dám ra khỏi nhà. Không biết bao nhiêu ngày đã trôi qua, chợt một hôm ba tôi hốt hoảng về nói với mẹ: “Nhà Liêm chết hết rồi! Nhà Ngân, nhà Lam thì dắt díu nhau đi đâu mất, có lẽ lên mạn ngược”. Ngân và Lam là tên hai người chú khác của tôi. Bố tôi cũng vì thảng thốt mà nói quá lời. Nhà chú Liêm tôi không chết hết. Chỉ mới chết có … ba người! Thím và hai em nhỏ đã chết; nhưng chú tôi và hai em Hiếu, Trung vẫn còn đang thoi thóp. Cả nhà tôi lặng đi vì sợ hãi, nhưng bố tôi như một người cuồng lên vì lo nghĩ. Ông mặc quần áo, đội khăn xếp, trịnh trọng như sắp đón khách, vẻ bồn chồn nóng nảy, đi ra đi vào. Rồi thình lình ông thay quần áo, nằm rũ rượi trên giường. Nhưng chỉ một lát sau, với dáng điệu quả quyết, ông nhỏm dậy, mặc áo dài, khăn đóng rồi vội vã ra đi. Mẹ tôi sợ hãi, nắm lấy tay ông, xin ông ở lại nhà. Nhưng ông gắt lên nói: “bà cứ để tôi đi!”. Còn quá nhỏ bé, tôi không thể đoán được bố tôi định đi đâu, làm gì. Cho đến chiều tối, khi chúng tôi sung sướng sắp được ăn bữa cơm duy nhất trong ngày, ông vẫn vắng bóng. Mẹ tôi lo lắng, nhưng nhìn dáng điệu thiểu não của đàn con trong cơn đói, bà đành ra lệnh cho chúng tôi được ăn trước và để dành phần cơm cho bố.

Khi đêm đen đã bao trùm lên các mái tranh xơ xác và gió bấc rít qua lũy tre, bố tôi vẫn biệt tăm. Sự lo lắng của mẹ tôi sắp biến thành hoảng loạn, thì ông đột ngột tiến qua cổng, vào sân nhà, vẻ xơ xác và mệt nhọc. Chúng tôi mừng rỡ, vội chạy ra đón ông. Ông không có vẻ gì quan tâm tới các con, nhưng vội hỏi chị tôi: “Có để phần cơm cho thầy không?”. Mẹ tôi vội vã bưng ra mâm cơm còn đang để dưới cái lồng bàn. Ông nhìn trừng vào mâm cơm, nhưng không có vẻ gì muốn ăn. Chợt ông đứng dậy, đi rửa tay, rồi vội dùng tay bóp cơm thành những nắm nhỏ. Ông gói vội những nắm cơm đó trong tờ giấy, rồi quay qua nói với mẹ tôi. “Tôi sang nhà Liêm!”. Rồi ông biến vào bóng tối. Sáng hôm sau, khi từ nhà chú Liêm tôi trở về, ông bảo mẹ tôi: - Từ nay, bà cứ cho các con ăn trước, để dành phần cơm, cháo cho tôi ăn riêng. Mẹ tôi có vẻ không bằng lòng. Bà lẩm bẩm một mình: “Có một chút, cùng ăn với nhau cho xong bữa, lại còn phần phò, mất công quá!”.

Tuy bất mãn, bà vẫn làm đúng ý bố tôi, nhưng để cho phần ăn của bố đỡ nghèo nàn, bà buộc lòng phải cho thêm một nắm gạo khi nấu cơm hay nấu cháo. Và bố tôi vẫn hàng ngày chia sớt phần ăn của mình với người em và hai đứa cháu mồ côi. Cho tới một ngày… sau bữa cháo buổi trưa, mẹ tôi nghẹn lời nói với các con: - Chiều nay không có cơm nữa! Thật là một tin sét đánh! Chúng tôi đều hiểu là chẳng những chiều nay không có cơm, mà sáng mai và mãi mãi sẽ chẳng còn có cháo, cơm gì nữa. Chiều hôm ấy, tôi tưởng tượng sẽ là một buổi chiều dài bất tận, ngồi đói lả, chờ một bữa cơm không bao giờ tới. Thì phép lạ đã xuất hiện. Giống như một bà tiên trong chuyện cổ tích hiện ra để cứu giúp những cậu bé ngoan trong cơn hoạn nạn, bà dì Thoại của tôi đội tới một thúng có hơn mười trái bắp. Chị tôi vội vã đem luộc bắp, rồi tiếp theo là một bữa ăn nóng hổi khi gió lạnh rít qua khe cửa. Ăn xong, dì ghé tai mẹ tôi nói khẽ điều gì đó, khiến mẹ tôi tái mặt, rồi nghẹn ngào tru tréo lên: - Trời ôi! Nhà dì Chung chết hết rồi, các con ôi!

Dì Chung mà chỉ mấy ngày trước còn tới nhà bác Tuyết của tôi, rút từng nắm rơm trong đống rơm đồ xộ của bác, đem vò dưới chân cả ngày, để mót lại những hạt lúa lép còn dính trong rơm, nay đã chết cùng bảy đứa con của dì! Dì Thoại ngậm ngùi kể tiếp: - Nếu còn cái đống rơm đó cho dì Chung mót lúa, thì có lẽ còn cầm cự được. Hôm bọn lính Nhật đi khám, bắt nộp đay, chúng nó thấy đống rơm, liền bắt dân làng lấy hết rơm đem về cho lừa, ngựa, nên mới ra nông nỗi! Tao đã cố lùng kiếm mua được mấy cái bắp, định cứu đói lũ trẻ, nhưng không ngờ…! Miệng dì méo sệch đi, và nước mắt dì tuôn ra lã chã. Chúng tôi may mắn (!) được ăn những cái bắp dành cho những người anh em đã… ra đi trước khi kịp hưởng phép lạ của bà tiên bằng xương bằng thịt, giờ đang nhỏ lệ tiếc thương các cháu.

Nhà bác Tuyết tôi giầu có nhất làng. Đống rơm vĩ đại của bác là một bằng chứng bác còn nhiều lúa tích trữ. Bác Tuyết trai là anh của bố tôi, và bác Tuyết gái là chị ruột của mẹ tôi. Tình thân thiết đến như thế, nhưng bố mẹ tôi không dám nghĩ tới chuyện xin bác giúp đỡ. Ngày gia đình chú Liêm chết đói, bố tôi trong cơn tuyệt vọng đã cầu cứu bác. Điều làm bác hoảng sợ là có quá nhiều người phải cứu. Nhất là sau khi lính Nhật ruồng xét ráo riết tìm đay để dệt bao bố, và tịch thu cả rơm cỏ, bác càng tìm cách cố thủ chỗ lương thực của bác. Nếu bác ra tay cứu hết, thì sẽ tới lượt chính bác phải nằm xuống. Cái kinh khủng là thấy anh em chết, mà bác đành làm ngơ. Để sống! Trong cơn hoảng loạn, con người dường như không còn lý trí. Tôi đã thấy ông thợ cạo gần nhà vẫn điềm nhiên hớt tóc cho khách, trong khi vợ con ông đã chết, nằm trên nền nhà đắp chiếu, thò ra những đôi chân xám ngoét. Cảnh thê lương bao trùm xóm làng, nhưng tôi còn quá nhỏ, không hiểu được những chuyện xảy ra ngoài thôn xóm của tôi.

Một buổi chiều đói quá, bố mẹ và chị lớn ra đồng vẫn chưa về, tôi cùng người chị kế, tha thẩn đi ra phía cánh đồng, mong được gặp mẹ trên đường về. Chúng tôi không thấy mẹ, nhưng lại gặp một đoàn người tơi tả vì đói lạnh. Họ đi xiêu vẹo như bị gió thổi bay. Người nào cũng đầu tóc bù xù, da mặt vàng bủng, đôi mắt trũng sâu và thân mình trơ xương. Trong buổi chiều tà, gió lạnh, họ làm chúng tôi khiếp sợ, như gặp hồn ma bóng quỷ. Đoàn người dắt díu nhau tới chỗ bờ đê, gần sông cái, thì người đàn bà bế con đi sau chót kiệt sức. Bà ôm con, ngồi bệt dưới chân đê, tránh gió lạnh trong khi những người khác vẫn tiếp tục đi. Chúng tôi quay về nhà lúc trời gần tối. Người đàn bà vẫn ngồi ôm con bất động dưới chân đê. Sáng hôm sau, những người ra đồng sớm, đã chứng kiến một cảnh não lòng: Người đàn bà bế con đứng trên chiếc cầu ván bắc qua con sông nhánh, lao đầu xuống dòng sông. Lúc ấy nước triều đang rút mạnh, cuốn xác hai mẹ con từ sông nhánh ra sông cái! Những người đói khát từ đâu tới làng tôi, và họ đang đi đâu? Tôi lờ mờ hiểu rằng: Khắp nơi, người ta chết đói.

Sau này, khi tìm đọc trong sách báo, tôi mới kinh hoàng. Mọi điều đều vượt xa trí tưởng tượng của tôi. Nguyễn Kiên Trung, trong tác phẩm “Đem Tâm Tình Viết Lịch Sử ”, đã, mô tả trận đói bằng những lời xúc động như sau: “Chết đói! cả vạn người chết đói, cả triệu người chết đói. Từ Thái Bình sang Ninh Giang, sang Hải Dương rồi lên Hà Nội, không đi quá năm mươi thước đã lại gặp ngổn ngang vài ba, hay năm bẩy cái xác chết trần truồng và chồng chất lên nhau: Đó thường là một gia đình bỏ làng đi tìm kế sống ở tha phương. Họ đi, nhưng đói quá không đi được, nên ngã xuống đấy. Có người may mắn (!) lên cơn chuột rút mà chết ngay được. Nhưng có những người thoi thóp mãi không chết. Và đến lúc ấy, trong giây phút sự sống chợt trở về, họ nghĩ đến nhau, thương nhau, nên thu hết sức tàn mà lê lại gần nhau, ôm lấy nhau, nhìn nhau khô nước mắt, cầm tay nhau, để chết”…. “Ở Hà Nội, người ta dùng xe rác chở người chết đói đem chôn. Chôn vào từng hố lớn, dài hàng chục thước. Xác vất xuống ngổn ngang, có cái xác thật là xác, nhưng có cái xác còn cựa quậy… Người phu rác rùng mình, đau thắt ruột, nghiến răng gạt cả những xác chết cùng những người chưa chết xuống hố sâu” (2).

Tai nạn kinh hoàng nào rồi cũng có hồi kết cục. Tháng năm, nắng ấm tràn về. Chim tu hú kêu vang. Lúa vàng chín đầy đồng. Lúa tốt. Một vụ mùa bội thu, nhưng nhiều thửa ruộng không người gặt! Chủ nhân đã thành ma đói. Gia đình tôi sống sót nhờ có mẹ và chị tôi suốt ngày lặn lội ngoài đồng, nắn bóp từng hạt lúa xanh, tìm những hạt nào hơi cứng thì ngắt lấy, đem về chế biến, nấu cháo ăn. Gia đình các chú Ngân, chú Lam tôi, kẻ ở mạn ngược, kẻ vô miền Trung kiếm ăn, lần lượt bình yên trở về. Nhưng những người láng giềng không thấy ai quy cố hương. Xóm làng xơ xác, nhưng lại thấy nhiều người nói những tiếng lạ tai: Việt Minh, độc lập, phát xít, đồng minh… Lại có những anh “cán bộ” dạy đám con nít chúng tôi hát các câu đồng dao:

“Nếu không kháng Nhật, đuổi Tây
Thì còn nộp thóc, trồng đay đến già
Ai quên nạn đói tháng ba
Những hơn hai triệu dân ta thế nào”!

Một buổi chiều, chú Liêm dắt hai em Trung, Hiếu sang nhà tôi, mắt chú đỏ hoe. Chú nói với thầy mẹ tôi điều gì khiến mẹ tôi la lên: - Sao bây giờ có bát ăn mà chú lại nỡ bỏ chúng nó mà đi! . Chú nghẹn ngào nói: - Nếu lại đói lần nữa, biết có sống sót được không! Người ta bảo mình phải đuổi Tây, đuổi Nhật đi, thì mới hết đói, bác ạ! Cho nên em phải đi! A! Cái nấm độc Cộng sản đang nhú lên từ đống rác của điêu tàn như thế đó. Được nuôi dưỡng bằng sự sợ hãi, dối trá và thù hận, nó nhanh chóng gây nên những ung bướu trên cơ thể mẹ Việt Nam cho tới ngày nay. Nhưng vì đâu nên nỗi! Sử sách cho ta biết rằng: Vì Nhật, Pháp thu mua lúa gạo, phi cơ đồng minh oanh tạc các phương tiện vận tải lúa gạo từ Nam ra Bắc. Vì Nhật bắt ta phá lúa để trồng đay… khiến cho khoảng 2 triệu người dân Bắc trong các tỉnh Nam Định, Hà Nam, Thái Bình, Hưng Yên chết đói.

Để có một ý niệm về con số kinh khủng này, hãy thử so sánh: Hai quả bom nguyên tử thả xuống Hiroshima và Nagasaki vào tháng 8 năm 1945 đã giết chết khoảng 205.000 người, chỉ là một phần mười số nạn nhân chết đói ở Việt Nam. Thế giới đã lên tiếng về thảm họa kinh hoàng đó. Nhưng thế giới câm nín về một thảm kịch mười lần nghiêm trọng hơn ở Việt Nam! Hai quốc gia “văn minh” là Pháp và Nhật đã không một lần tạ lỗi dân Việt về thảm họa họ gây ra. Bất hạnh thay, là cái quốc nạn chết đói của dân ta, cũng lại có bàn tay đẫm máu của đám con cháu Hồ tặc. Sử gia Trần Gia Phụng viết:

“Bề ngoài Việt Minh lợi dụng nạn đói để tuyên truyền khuynh đảo, bên trong du kích Việt Minh âm thầm chận bắt những chuyến xe hay những chuyến ghe chở gạo từ miền Nam ra, rồi Việt Minh đem tiếp tế cho những mật khu của họ. Nếu không thể chận cướp để đem lên mật khu, Việt Minh cung cấp tin tức cho phe đồng minh dùng máy bay bắn phá. Hành động của Việt Minh làm cho việc tiếp tế gạo từ Nam ra Bắc càng trở nên khó khăn. Từ đó, nạn đói càng thêm trầm trọng. Sau ngày 02.9.1945, Việt Minh cộng sản tịch thu toàn bộ tiền bạc của các qũy cứu đói trên toàn quốc, nghĩa là cướp lấy tài sản của những người đang đói, do những người hằng tâm khắp nước giúp đỡ. Việt Minh đúng là “vừa ăn cướp, vừa la làng” (3).

Thì ra bộ mặt gớm ghiếc phản dân hại nước của con rắn độc cộng sản đã ló ra khỏi cái mặt nạ nhân nghĩa của nó từ những ngày nó mới rời hang ổ! Đã có vô số tài liệu về nạn chết đói năm 1945 ở Bắc Việt. Những lời kể lại chuyện xưa, dưới con mắt thơ ngây của một chú bé sáu tuổi như tôi, chỉ là một cái chấm nhỏ trên bức tranh đen tối vĩ đại của dân tộc. Nhưng “mai sau dù có bao giờ” con cháu tôi lần trang sử cũ, cũng biết rằng trong đống xương vô định kia, do ngoại bang và cộng sản tạo ra, cũng có máu xương của đại gia đình chúng nó. Để ngậm ngùi! Để suy ngẫm và để lo rửa mối hận ngút trời cho dân cho nước.

Tôi xin mượn những lời sau đây của sử gia Trần Gia Phụng, để kết thúc bài này: “Người cùng trong nước, miệng hô hào yêu tổ quốc và đồng bào, mà vì quyền lợi đảng phái và vì theo đuổi chủ nghĩa cộng sản ngoại lai, quên đi tình nghĩa dân tộc, tàn bạo đẩy dân chúng Việt Nam vào cõi chết, đó là một tội lỗi dân tộc không thể dung thứ được... Dầu đã quá chậm, nay đến lúc người Việt Nam hãy cùng nhau đòi hỏi công lý cho những người đã nằm xuống, cho những oan hồn uổng tử, đã lìa trần trong nạn đói kinh hoàng nhất của lịch sử Việt Nam, do chính con người đã hành hạ con người, và đặc biệt do một nhóm thiểu số người Việt giấu mặt đã giết hại dân Việt. Nhóm thiểu số giấu mặt đó chính là Việt Minh cộng sản.” (4).

Bùi Xuân Cảnh (Virginia)

Chú thích:

1. Văn Tế nạn nhân vụ đói tháng 3.1975 – GS Vũ Khiêu Tuổi Trẻ on line/tuoitre.com.vn.
2. Nguyễn Kiên Trung Đem Tâm Tình Viết Lịch Sử. Nguyễn Đình Vượng Xuất Bản Tr. 28-29
3. Trần Gia Phụng Án Tích Cộng Sản Việt Nam NXB Non Nước,Toronto, Canada 2001 Tr. 46-47.
4. Trần Gia Phụng. Sách đã dẫn Tr.52.

 

Tìm các bài VĂN khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com