User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
*Tặng MH, một thoáng hương xưa
1.
nguyenvantha
 
Chú thích điển tích trong bài thơ: 
 
Theo truyền thuyết Phật giáo Trung Hoa:
 
Cầu Nại Hà: 奈何橋: Nại Hà Kiều: Cầu (hỏi) Phải Làm Sao Đây để khỏi té xuống sông có nhiều thuỷ quái, cua, cá to lớn và dữ tợn vì cầu trơn trượt, gập ghềnh, là cây cầu ở tầng địa ngục thứ 10, bắc qua Vong Xuyên 忘川: Sông Quên, và được xem như ranh giới cuối cùng trước khi tới Địa Ngục. Những linh hồn khi đi qua cầu Nại Hà sẽ phải lựa chọn hoặc là uống canh hay còn gọi cháo lú, chữ hán là vong thủy 忘水: nước làm quên, hay vong tình thuỷ 忘情水: nước làm quên tình, của bà Mạnh để quên đi mọi thứ từ kiếp trước và bắt đầu một kiếp mới, hoặc là không uống, nhưng những kẻ này sẽ phải chịu đựng nỗi giày vò nhiều năm dưới dòng Sông Quên đầy thuỷ quái, cua, cá ấy rồi mới được đầu thai. Mỗi người đều có một chén canh của chính mình được đặt sẵn tại đầu cầu; chén canh của bà Mạnh, thật ra chính là nước mắt chảy suốt một đời của mỗi con người khi còn sống trên đời: nước mắt vui, buồn, đau khổ, căm hận, và cả nước mắt yêu thương. Người không chịu uống là người còn muốn nhớ, còn muốn thương những giọt nước mắt ấy.
 
2.
Tháng Giêng là tháng lạnh nhất ở Na Uy, lại càng lạnh nơi gia đình Nam ở, một xóm nhỏ cạnh rừng, tuyết vẫn lún chân, trong khi những vùng quanh đó chỉ lưa thưa giá mỏng. Vào tháng này, Phượng Vĩ, con gái nhỏ của anh, thường phải dính vài trận ho nặng; nhiều đêm anh không ngủ được, vì thương, vì lo con ho. Phượng Vĩ ho đã năm hôm, ho dữ dội, mà mẹ lại đi làm xa tận miền Bắc Na Uy cách Oslo ngàn cây số, ba Nam càng thương, càng lo gấp bội. Hôm 23, Tháng Chạp, ngày Ông Táo Về Trời, khi Nam gọi điện thoại cho bác sĩ, có cô gái giọng nói trong trẻo, thân tình hỏi qua các triệu chứng, rồi tìm giờ, và hẹn giờ cho taxi đến đón, nếu Nam cần. Giọng có vẻ lo lắng của cô làm cho Nam cảm thấy mình được yên ủi, vỗ về sao đó, mà lâu nay anh nghĩ là mình bất cần. Rồi mấy hôm sau, Nam được thông báo là Phượng Vĩ không bị lây. Đêm nay, bé hết ho, ngủ yên. Xóm nhỏ cũng yên, những ánh đèn êm ả qua những khung cửa sổ chưa kịp kéo màn. Người bản xứ vui chơi ồn ào một Mùa Giáng Sinh và ngày Tết Dương Lịch, giờ đã trở lại cái an ổn, yên ắng thường ngày từ mấy tuần nay.
 
Vợ Nam quyết định bỏ chồng con ở lại Oslo để lên miền Bắc làm việc khi nàng được nhận vào một nghề thích hợp với nghề được đào tạo, lại lương cao, mà nàng đã đầu tư công sức, thời giờ, và ao ước cả chục năm nay. ”Thời đại internet mà anh. Em có thể gặp con qua mạng, mỗi ngày. Cứ tạm như thế, rồi em sẽ nghĩ ra một giải pháp tốt hơn cho Phượng Vĩ.” – Nàng nói. Nam thì nhất định phải ở lại Oslo, vì Oslo là thủ đô với những tiện lợi về mọi mặt so với ở tỉnh, và cũng là nơi Nam đã sống trên 30 năm, đã quen và yêu như quê hương mình. Nhưng Nam không muốn nói qua nói lại với vợ mà làm gì vì chàng biết vợ anh chẳng bao giờ nghe lời anh; nàng là loại người có giải đáp cho mỗi vấn đề, những giải đáp mang tính chân lý cá nhân. Thực ra nàng cũng có lý của nàng vì nàng học giỏi và tốt nghiệp từ một Đại Học danh giá Na Uy trong khi Nam chỉ là một công nhân bình thường, tiền lương chỉ đủ để có cái ăn, cái mặc và có mái nhà che tuyết giá cho ba người. Đối với Nam, thế là đủ rồi, là an phận, nhưng nàng thì không, nàng cần phải có nhiều tiền, và như câu nói nửa thật nửa đùa của nàng: Nàng phải có ngày lái Mercedes về thăm quê, như một ông thầy bói nổi tiếng đã bói cho nàng khi nàng còn là một sinh viên nghèo sống trong một cư xá sinh viên ở Việt Nam. Mười năm đã qua từ ngày lấy nhau, nhưng anh chồng công nhân của nàng vẫn nghèo, nghèo kiểu Na Uy, nghĩa là có tất cả những gì cần thiết cho cuộc sống; và anh yêu mến chúng: một mái nhà xinh xắn mùa đông tuyết lặng lẽ rơi, nằm tinh khôi như tình nhân vô thuỷ vô chung; xuân rồi sang hạ, một sáng mở cửa, bỗng thấy cơn lũ màu sắc tràn vào ngõ trước, vườn sau không biết tự lúc nào; mùa thu lá vàng rực hai hàng cây lối nhỏ trước ngỏ, rực rỡ mà mong manh, chờ ngày âm thầm rơi xuống trên đất mục hiền lành; và sách kín cả thư phòng, lấn xuống phòng khách. Sách, hiểu là sách văn chương, nàng không quan tâm, không hề đọc, thậm chí bực bội, cằn nhằn anh khi thấy những gói sách anh đặt mua trong thùng thư, mà nàng nghĩ mua làm gì cho tốn tiền, chỉ tổ rác nhà.
 
Trái với mẹ, Phượng Vĩ ba tuổi đã biết đọc vò vẽ, bốn tuổi bắt đầu thích sách, năm tuổi mê sách và những năm sau đó, khóc cười theo những câu truyện cổ tích của Anh Em Grimms, của Hans Christian Andersen, Truyện Cổ Nước Nam, Truyện Cổ Na Uy… và nhiều sách thiếu nhi văn hay, tranh đẹp khác. Chẳng những sách thiếu nhi, nó còn hay quanh quẩn trong thư phòng của Nam, vừa mỉm cười vừa sờ sờ những gáy sách người lớn trong những kệ sách của Nam, kể cả bộ bách khoa từ điển của Na Uy và của Pháp quốc, nó lấy ra một vài tập, ngồi bệt trên nền nhà mở vài trang, nhìn lướt đôi tờ, xem vài bức tranh, tấm hình minh hoạ rồi cẩn thận bỏ vào kệ, đúng thứ tự nơi mà nó đã lấy ra. Nam sung sướng nghĩ khi thấy con như thế: Con mình sẽ có một cuộc đời hạnh phúc với sách, nhờ sách, như mình đây. Phượng Vĩ có lẽ vì được sống trong thế giới tươi tốt của sách, và bây giờ được ba Nam chăm sóc tận tình mà phóng khoáng, không chấp nhất những chuyện lặt vặt mà mẹ Phượng Vĩ, người đã được dạy dỗ trong một môi trường nghiêm khắc với con cái là điều hay, mà nghèo những suy tư về tâm lý thiếu nhi, đã xem đó là những lỗi lớn, và quở mắng gay gắt con bé, không phải một lần mà nhiều lần, rất nhiều lần, như những lúc nó đái dầm, chùi đ. không sạch lấm vào cả quần lót, mặc quần hở rốn, cười quá lớn tiếng, đánh rắm giữa bữa ăn khi khách đến chơi, ăn cứ bỏ mứa và rồi bị ép ăn cho hết kẻo phí của trời, dù con nhỏ nước mắt ràn rụa không chịu ăn, khi sợ quá ráng ăn thì bị ói, bị ói lại bị quát lớn, quát nặng hơn… và nhất là mẹ của Phượng Vĩ không bao giờ nói gì để chia vui với con bé khi con bé reo to lên và kể ra những điều thú vị nó chợt nhận ra trong sách mà nó đang đọc… Có lẽ vì những chuyện như thế mà độ rày nó ít nhắc tới mẹ nó, và dường như người mẹ ấy trở nên không cần thiết cho nó nữa; nó có vẻ cảm thấy vui khi nó thoát được những phiền toái, thậm chí phiền não mà nó phải chịu hằng ngày suốt 9 năm đầu đời. Những tháng gần đây, chỉ có những lúc Nam nhắc nhở, kể cả hối thúc, nó mới gọi cho mẹ. Trong những câu chuyện trao đổi giữa hai mẹ con, về phía nó có phần giấm giẳng, trong khi mẹ nó vẫn tỏ ra chăm lo cho con, sợ con không được chăm sóc chu đáo. – Con sống khỏe thôi mẹ. Ba lo đầy đủ cho con mà! Mẹ cứ yên tâm làm việc. Tạm biệt mẹ. – Nó nói như thế, nói nhanh cho xong, rồi, liếc qua nháy mắt với ba. Những cuộc nói chuyện qua Viber, Facebook cũng thưa dần, rồi trở nên hiếm hoi.
 
Mà mẹ nó cũng lơi dần, thưa gọi về hơn những tháng đầu, có lẽ thấy con mình chẳng tha thiết gì lắm chuyện gặp nhau qua mạng, và thấy rằng ông chồng học trò dài lưng tốn vải ăn no lại nằm, khi cần thì chăm sóc con cũng không đến nỗi nào; cũng có thể vì xa mặt, cách lòng, như ông bà xưa thường nói, dù mặt ấy là mặt con mình. Ngoài ra, Nam cũng khuyên nàng không nên gọi về nhiều, hãy để cho con bé nguôi, để tâm trí nó được ổn định vì mỗi lần gọi như thế lại khuấy lên cái tâm tư mong manh của con bé đang lắng đọng dần vào mạch sống mới, êm đềm với ba mình.
 
Đêm nay, chỉ còn mấy đêm nữa là Tết, sau khi nằm cạnh và đọc cho Phượng Vĩ vài trang sách truyện Việt Nam về Sự Tích Bánh Dày Bánh Chưng, Lạc Long và Âu Cơ, An Tiêm và Quả Dưa Hấu, truyện Ông Táo Về Trời, và chờ cho con ngủ yên và hết ho hẳn, Nam mới len lén rời phòng nó về phòng mình. Anh liếc nhìn ra cảnh trời tuyết đang đổ ngoài khung cửa sổ. Tuyết đã âm thầm ngấm vào lòng đất và lại dịu dàng đến như những ngày tạo thiên lập địa. Và băng tuyết thì vẫn lạnh như kiếp người từ ngày hình người chỗi dậy trên mặt đất, như kiếp sống của chàng đây, nơi đây, đêm này. Chàng hờ hững ngồi trên chiếc ghế mà lớp nệm lót đã bẹp dí, mở YouTube. Trên TV màn ảnh lớn, cảnh bãi biển cát trắng tinh, nước xanh biêng biếc, cây dừa cổ sơ thân chuồi, lả tàu lá nghe tiếng sóng, và đôi tiếng chim biển lẻ loi vô hình, nơi một hòn đảo nào đó ở một vùng nắng ấm quanh năm. Nam cảm thấy căn phòng như ấm lại, lòng chùng xuống niềm thân mật, và những bực bội về người vợ phương xa bắt đầu chìm vào vực tào lao thế sự. Nam bắt đầu thấy Mỹ Hạnh hiện ra: người ngọc, ngực ngải, môi trầm hương mà đỏ như một vết thương hân hoan, tình tự với chàng ở một góc bãi biển hoàn toàn khuất lánh, nằm ở bãi sau của đảo Bidong, xa hẳn trại tị nạn, mà hai người đã tìm được cho mình. Có những đêm ân ái dưới ánh trăng lai láng, tột đỉnh sung sướng, tột đỉnh hạnh phúc, mặc dầu trước đó nàng thẹn thùng đòi chàng ”vặn vầng trăng cho lu xuống một chút được không anh.” Cũng có những lần quấn thân, hoà hồn nhau dưới nắng bừng bừng trên bãi cát trắng, như trưa Mồng Một năm ấy, trong tiếng lao xao của sóng và tiếng những thuyền nhân tị nạn chơi xuân và nhạc xuân vọng mãi qua bên này đảo. Các người cứ cắt đi mọi loài hoa nhưng các người không thể ngăn xuân đến, có nhà thơ đã nói như vậy, vì trái đất, như một em bé, đã học thuộc lòng bài đồng giao xuân. (2)
 
3.
Nàng và năm mươi người khác đã ra đi trên chiếc thuyền ọp ẹp, quá nhỏ so với số người. Đêm tối và sóng dữ, nhưng sáng ra trời sáng hẳn và biển lặng lại, cái lặng lờ hiếm hoi của biển vào những ngày mùa gió bấc. Hi vọng đã vươn lên giữa biển lớn mênh mông. Nhưng rồi, khi mặt trời đứng bóng, hi vọng cao lên tới đỉnh trời, và mọi người trên thuyền reo vui lúc thấy có ngọn núi, như núm vú, nhô lên dần và cuối cùng hiện ra như chiếc vú no tròn, những dấu hiệu của sự sống trôi ra: vỏ dừa tươi, chai coca và cả những bao bì, rác rưởi, thì cũng là khi có chiếc tàu đánh cá lớn chạy dần dần lại rồi lao tới. Tàu hải tặc Thái Lan. Hiếp dâm. Cướp của. Những thằng đen đủi, tanh tưởi, thối tha mà người Việt không ngần ngại gọi là tụi mán, tụi mọi, tụi mường. Tiếc thay cây quế giữa rừng/ Để cho thằng mán, thằng mường nó leo.
 
Thời gian ở đảo, Nam tình nguyện dạy tiếng Anh cho các học sinh choai choai. Vốn liếng tiếng Anh của anh chỉ ở bậc mấy cuốn English for Today, nhưng như ở xứ mù, thằng chột là vua, vốn liếng ấy ở đảo lúc ấy cũng là khá lắm rồi. Bà dì phước Caroline, người Úc, là Hiệu Trưởng trường Trung Học. Ngoài những thăm hỏi, khuyến khích, sự ân cần và kính trọng dành cho các thầy cô, các thầy cô còn được dì đãi những bữa tiệc trà nho nhỏ và đặc biệt dì lập một thư viện dành riêng cho các giáo viên với những sách báo tiếng Anh mới, cũ, đủ loại. Mười lăm năm sống dưới chế độ CS thô bỉ, ồn ào, thóc mách làm Nam thèm khát một nơi an ổn với sách vở văn minh; thư viện của giáo viên đảo là một nơi như thế sau mười mấy năm anh phải chịu đựng ở quê nhà. Anh ngồi đấy giữa những trưa ươm nắng trong chòm dừa sân trước, vào những đêm lấp lánh sao hiền lành với làn gió biển mát rười rượi, những khuya trăng mộng mị ngoài sân tưởng như chẳng bao giờ thấy lại. Nắng ấy, sao ấy, trăng ấy, làn gió ấy nơi quê cũ cũng có, nhưng nơi đây, Nam mới no được bụng, trí mới được rảnh rang mà rưng rưng với những quà tặng thiên nhiên ấy. Lại còn cả hương hoa rừng, mùi rong biển và hơi thở tri thức văn chương toả ra từ những tác phẩm kim cổ, Đông Tây. Đọc lại đoạn tình tự ray rứt, giày vò của Roméo và Juliette trong đêm định mệnh, báo hiệu cho một chung cuộc khốc liệt, bi thảm, của William Shakepeare; thầm thì lại bài thơ bi tráng Oceano Nox (3) của Victor Hugo về đêm đen bổ nhào xuống đại dương. Thân xác những người thọ nạn trên biển đang nằm trong lòng biển, vật vờ giữa những đám rong biển. Thời gian sẽ toả bóng tối trên mọi sự, rồi sẽ toả màn tối đen hơn, dày hơn trên họ, và cuối cùng nó sẽ trùm luôn lên trên biển lớn một sự quên lãng tối mênh mông.
 
nguyenvantha1
Hình minh hoạ của tác giả
 
Mỹ Hạnh, người con gái đẹp và mỏng giòn như một bình ngọc đựng dầu thơm trong cổ thi, bình ngọc ấy đã bị đập vỡ. Nàng đã loay hoay tự ghép những mảnh vỡ, mới được ghép được một phần, bình đã rụm xuống, cả mấy giọt hương cuối cùng còn sót lại cũng bay mất theo giông bão. Người ngọc ấy, gần nửa đêm của một đêm vắng người đã lơ ngơ giữa gió đảo lê vào phòng đọc sách của các giáo viên, như giạt như trôi:
 
- Em bị hải tặc Thái hiếp dâm – Nàng thảng thốt nói, không chào hỏi, rào đón trước sau, như nàng vừa mới chui được từ biển lên đảo và may mắn gặp được người đầu tiên, liền kêu lên cầu cứu.
 
Nam ngạc nhiên pha một chút sợ hãi và thoáng nghĩ phải chăng đây là một bóng ma vì đã có biết bao thanh, thiếu, phụ nữ đã bị làm nhục và bị vất xuống biển xa mất dấu, nhưng cũng có kẻ xác giạt vào tận đảo này. Mà khu trung tâm giờ này lại hoang vắng không một bóng người vì mọi người đã tập trung xem văn nghệ, ở trên một ngọn đồi cách trung tâm, nơi có trường học, khá xa.
 
Em bị hải tặc Thái hiếp dâm, nàng lại nói như thế, và chỉ nói như thế, rồi lại ôm mặt khóc. Nam định thần lại, dìu cô gái đến chiếc ghế trước mặt cho cô ngồi xuống, và nàng lại khóc, và chàng chỉ biết ngồi nghe người con gái khóc, chẳng biết nói gì, vì cảm thấy rằng chẳng nên nói gì vào những lúc như thế này. Anh yên lặng nghe nàng khóc rấm rức giờ lâu trong âm vang vọng về của tiếng hát, của tiếng nói từ những chiếc loa và những tiếng vỗ tay. Thế rồi những âm thanh ấy bỗng ngưng và tiếng nói, tiếng chân của sóng người xem văn nghệ đang tràn dần về khu trung tâm, Nam nói với nàng:
 
- Mai mình gặp nhau, nói chuyện tiếp. Giờ cũng đã khuya. Thư viện sắp phải đóng cửa.
 
Nàng ngước mặt nhìn lên giàn giụa nước mắt:
 
- Dạ.
 
Nam nghĩ ngợi một lúc, rồi nói:
 
- Mà này, cô biết tiếng Anh không? Tôi có thể nói với Sơ Caroline cho cô dạy học ở đây. Dạy cho các em cũng đỡ nghĩ ngợi phần nào... – Rồi anh ngập ngừng: À, mà quên, tôi là Nam.
 
- Dạ. Dạ em là Hạnh, Mỹ Hạnh. Thưa anh, em rất tiếc em chỉ biết tiếng Pháp. – Rồi nàng lại khóc không biết có phải vì cái tên gợi lại một tương phản xấu xa và tồi tệ nàng đã phải chịu trong chuyến hải hành hay chỉ vì luồng thuốc độc nàng bị chích vào lòng chưa chảy ra hết được.
 
Nam tiễn nàng ra khỏi cửa, làn gió mát, như tấm lụa mát vô hình, bay tới cuốn lấy hai người, những bẹ lá dừa dày chao chao lao xao, dày nhưng không đủ để che hết những vì sao đang nhay nháy trong bầu trời nhiệt đới trên kia, lại còn hương rừng về khuya, vắng hơi đám đông người, thơm lừng không gian, và chàng bỗng kéo nhẹ nàng vào lòng, rồi hôn lên trán nàng thì thầm:
 
- Au corps parfumé que la nuit caresse: (Nơi thân thể thơm hương mà trời đêm ve vuốt.)
 
- Ô! Anh! – nàng sững sờ kêu lên – sao em có thể parfumé (thơm hương) được sau khi…? Rồi nàng rùng mình ép người vào mình Nam, ngước mắt rạng rỡ, vừa cười vừa đấm vào phía ngực trái của Nam, nơi có trái tim thì phải, nửa chừng nũng nịu, nửa chừng lả lơi:
 
- Anh thiệt là lém. Phải là ”Au pays parfumé que le soleil caresse” (4):(Nơi xứ sở thơm hương mà mặt trời ve vuốt). Anh dám sửa cả thơ của Beaudelaire!
 
Cả hai cùng cười. Và bỗng quên hết, quên hết, cùng quên hết…
 
Rồi, tay trong tay, họ thơ thới leo con dốc quanh co, gập ghềnh về khu phụ nữ độc thân. Khi đến gần cổng, nàng nghiêng đầu qua chàng, nheo mắt nháy:
 
- Mai Hạnh lại đến với anh nhé?
 
- Tại sao không?
 
Nàng ép nhẹ vào mình anh, ghé vào tai anh, thì thầm trong hơi thở dập dồn với làn hương thơm đã khởi đầu:
 
- Au corps parfumé que la nuit caresse: Nơi thân thể thơm hương mà trời đêm ve vuốt.
 
4.
Thế rồi, than ôi, gần một năm sau khi Mỹ Hạnh và Nam gặp nhau và yêu nhau, rồi dự tính sẽ ở với nhau trọn kiếp trong một thiên đường tại thế mà họ sắp cùng nhau bước vào, nàng lại bị hiếp dâm một lần nữa, trên đảo bởi một gã thanh niên đen đúa, người trần trùng trục như mán, như mọi suốt ngày dưới nắng, lại khùng khùng và đã phải ở trên đảo bảy năm vì bị phái đoàn tuyển người của các quốc gia khác nhau ”xù” không biết bao nhiêu lần, rồi hắn đâm chết nàng luôn ngay sau đó, khi nàng ngồi chờ Nam ở tổ yêu đương của nàng và chàng, lúc chàng còn bận dạy học chưa ra nơi hẹn hò kịp! Không biết hắn tình cờ qua đó hay hắn đã theo dõi người đẹp Mỹ Hạnh từ lâu. Trước đó khoảng một tuần, Nam đã thấy tận mắt, vì Nam ở chung nhà với hắn, hắn chặt đứt một đốt ngón tay trỏ, vì hận đời đen bạc, đúng ra hận vì bị một cô gái đạp hắn ra khi hắn trong đêm trước mò vào mùng cô ta đòi yêu. Hắn ta đã hiếp dâm lại còn giết Mỹ Hạnh có lẽ vì hắn phải sống trên đảo bảy năm dài đằng đẵng, đầy đắng cay, tủi nhục trong khi ngàn ngàn người đã được diễm phúc đi vào chốn thiên đường trước hắn, và cũng có thể, thêm vào đó, hắn quá thèm đàn bà,và nắng trên đảo lại nhiều và nắng ấy biến hắn thành sa mạc cháy bỏng khát khao một giòng suối mát, một chiếc lá xanh, mà chẳng được.
 
Thân xác Mỹ Hạnh vùi nông một nấm vì nghĩa địa nằm ở một khoảnh đất với lớp đất sỏi mỏng, bên dưới toàn đá tảng, trên một ngọn đồi nghiêng nghiêng trông ra biển, nơi có cầu tàu đưa những người may mắn như Nam rời đảo vào đất liền để được đi định cư. Trong nơi buồn bã ấy có hàng trăm thuyền nhân tị nạn bị chết mà còn giạt được xác vào, hay được đưa vào, trong đó có những thiếu nữ, những người đàn bà bị làm nhục như nàng trước khi bị vứt xuống biển, rồi giạt vào đảo, nhưng nàng đặc biệt hơn, nàng bị làm nhục hai lần, rồi bị giết trước ngưỡng cửa địa đàng đã trong tầm tay.
 
Ngày Nam rời đảo, nhiều người đưa tiễn nhiều người, tiếng hát của Khánh Ly trên loa: ”Ngày mai em đi biển nhớ tên em gọi về…” Câu hát ấy trong bài Biển Nhớ của Trịnh Công Sơn dành cho tình nhân nào đó còn phải ở trên đảo, chứ không dành cho anh. Anh rời đảo và nàng nằm lại. ”Ngày mai anh đi đảo nhớ tên anh gọi về…” thì mới phải. Anh ra đi và định cư ở một nước cũng có nhiều đảo, nhiều biển như ở Malaysia, nhưng là biển lạnh nhiều ấm ít, đen nhiều hơn xanh, tuy nhiên vẫn có cùng tiếng sóng như tiếng sóng những ngày địa đàng nắng ấm ấy dội về lòng anh suốt ba mươi năm dằng dặc nơi đây.
 
5.
Giao thừa năm nay, như thói quen từ hồi còn ở quê nhà, Nam sẽ đọc sách, đúng ra đọc IPad, suốt đêm. Những tiếng sóng, tiếng sóng vô thanh bắt đầu dội về. Và khi Nam vừa mới mở lật Ipad ra, chưa bấm nút khởi động, chàng đã thấy hình một bài thơ đẹp, đẹp thâm trầm từ từ hiện ra trên màn ảnh như đã được đưa lên đầu trang nhất của chuyện kể này:
 
Rồi đây ta vĩnh cách dương trần
Gửi lại đời sau nhất phiến vân
Cũng sợ Nại Kiều lưu luyến bước
Chừng nghe Vong Thuỷ ngập ngừng chân
Thần phiêu phách lãng hoa lìa sắc
Hình úa hương phai lệ nối vần
Ôm bóng trăng lu hồn nức nở
Gọi tên chàng một thuở tình nhân
 
Đọc xong bài thơ, Nam lạnh cả mình, lạnh và đau như một con dao sắc, lạnh vừa đâm vào trái tim mình.
 
Nam không tài nào đọc thêm gì được nữa, chỉ cầm tấm Ipad, nhìn đăm đăm bài thơ như nhìn người tình tri kỷ trăm năm.
 
Rồi trời cũng đã ngả về sáng, tiếng sóng vọng về vỗ về vết thương lòng, vỗ dịu ngọt, vỗ êm ái, chàng ôm bài thơ vào lòng và chìm vào giấc ngủ như ”một thuở tình nhân”.
 
6.
Phượng Vĩ, nay đã lớn, đã tốt nghiệp Đại Học ngành tâm lý, sau khi đã bảo vệ thành công luận án”Atferd om seksualitet og ekteskap mellom folket i øst- og vestregionene i Sør-Vietnam: Thái độ Tình Dục và Hôn Nhân của Người Dân miền Đông và Tây Nam Việt Nam”, ở Đại Học Oslo, trong đó thí sinh Nguyễn Phượng Vĩ đã trình bày thái độ và sự ứng xử về tình dục và hôn nhơn của dân miền Đông và Tây Nam Việt Nam thì thoải mái và bao dung hơn các người Việt ở Trung và Bắc Việt Nam, và có phần phóng khoáng còn hơn dân Na Uy; và sau đó Phượng Vĩ có việc làm theo ngành mình tốt nghiệp. Cô nàng biết được các thứ tiếng mà Nam biết và đọc gần hết sách nhiều loại ngôn ngữ trong thư viện tại gia của Nam.
 
Sáng sớm ngày Mồng Một năm nay, cô nàng mặt mày rạng rỡ, tươi mát, thân yểu điệu trong chiếc áo dài màu hoa đào, quần lụa trắng, lại còn môi son tươi, hài vàng nhẹ bước xuống phòng khách, nơi ba Nam đang ngồi uống trà sen, đọc thơ xuân kim cổ, và hôn nhẹ vào má ba, rồi mỉm cười đưa bàn tay đang giấu sau lưng, đưa ra trước mặt ông ba một món quà mà ông ba không thể ngờ, đó là vé máy bay khứ hồi có tên ông và giấy chứng nhận của một hãng du lịch của Pháp là đã đặt và trả tiền cho hai tuần nghỉ ngơi trong một nhà bungalow, ở một khu nghỉ mát tại một bãi biển nước Malaysia. Trong tập sách giới thiệu mỏng của nơi nghỉ mát, nơi bìa trước, có hình bóng dừa xanh, có bãi cát trắng, biển biếc và nghe có cả tiếng sóng rì rào và cả hương rừng thơm ngát, lại còn có dòng chữ kim nhũ vắt ngang: Au pays parfumé que le soleil caresse. Nam còn nửa mừng, nửa ngạc nhiên pha chút bàng hoàng thì con nhỏ đã lém lỉnh: ”Hay là cả Au corps parfumé que la nuit caresse lại càng hay, phải không ba?”
 
nguyenvantha2
 
Rồi cô nương cười giòn giã, liến thoắng mà đầy dấu yêu, tiếng cười ấy chỉ có con gái Việt Nam mới cười được; tiếng cười thơm hương xưa.
 
Oslo, Tết Con Trâu, 2021
Nguyễn Văn Thà
 
Chú thích:
***Bài thơ Một Thuở Tình Nhân trên tranh của Nhan-Như-Ngọc
(1)
Ơn em ngực ngải, môi trầm.
Kiếp sau xin giữ lại đời cho nhau – Du Tử Lê
 
(2) Tổng hợp hai câu thơ
“Podrán cortar todas las flores, pero no podrán detener la primavera.”– Pablo Neruda
“Es ist wieder Frühling. Die Erde ist wie ein Kind, das Gedichte auswendig kennt.”– Rainer Maria Rilke
 
(3) Victor Hugo lấy tựa Oceano Nox cho bài thơ từ cuốn thơ Aeneid, Tập II, dòng 250 của thi sĩ latin Publius Vergilius Maro, thường được gọi làVirgil: Vertitur interea caelum, et ruit oceano nox: Trong khi bầu trời quay tròn và đêm nhào xuống đại dương.
 
(4) Thơ của Charles Beaudelaire.
 
 
 

Tìm các bài VĂN khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com