Bữa tiệc thật vui, mọi người xúm xít chúc tụng, thỉnh thoảng có tiếng điện thoại reo, lại thêm lời chúc mừng của những người bạn ở xa. Hôm nay sinh nhật Diễm, một người đàn bà trên sáu mươi tuổi! Nàng ngồi giữa đám bạn bè, tưởng như ngày nào, ríu rít như lũ học trò của thời Trưng Vương áo trắng. Vẫn những giọng nói bỡn cợt, bông đùa, vẫn những lời trêu ghẹo, nghịch ngợm… Tạm quên đi những hệ lụy, những nhục nhằn, đau khổ của kiếp nhân sinh, chỉ còn có ta, có mi, chỉ còn có con nhỏ này, con nhỏ nọ.
Rồi cuộc vui nào cũng đến lúc phải tàn, phải chia tay. Thời tiết sang đông lạnh buốt, trăng thượng tuần treo lơ lửng trên bầu trời cao. Diễm một mình một bóng, co ro trong chiếc áo khoác trở về căn nhà nhỏ. Có tiếng thở đều vọng ra từ phòng của mẹ. Nàng rón rén về phòng mình.
– Cô đã về đấy à?
– Dạ con đây, mẹ còn thức ạ? Con tưởng mẹ đã ngủ say.
– Nào đã ngủ được đâu. Cô đi chơi có vui không? Xem cửa ngõ cẩn thận rồi đi ngủ đi!
Thay quần áo xong, Diễm ra đứng tì tay bên thành cửa sổ, nhìn lên trời đêm xanh thẫm, nghĩ đến mẹ già ở phòng bên, nghĩ đến mình, nghĩ đến thời gian trôi… Nàng thương mẹ, thương mình xót xa. Là con thứ trong một gia đình đông anh em, lẽ ra người hủ hỉ bên mẹ không phải là nàng, nhưng như có sợi dây ràng buộc vô hình nên bây giờ trong căn nhà nhỏ này có hai người đàn bà cô đơn chung sống.
Mẹ Diễm sinh trưởng trong một gia đình gia giáo, nho phong, nên nuôi dạy các con theo nền nếp cổ xưa. Cụ muốn các con của cụ lớn lên, sống như những hình ảnh cụ đã dựng xây, ôm ấp. Nhưng theo thời gian, những người con của cụ lần lượt trưởng thành, tách rời vòng tay của cụ để tạo lập những gia đình nhỏ riêng. Cụ có dâu, có rể nhưng cụ vẫn coi con trai, con gái của cụ như những đứa nhỏ của thời thơ ấu mà cụ nâng niu, đùm bọc!
Diễm nhớ đến Huy đến mối tình đầu của một thời con gái. Huy cho Diễm những câu nói ngọt ngào, những ân cần chăm sóc. Diễm đã yêu Huy, yêu say đắm, nồng nàn, yêu với mộng mơ, lãng mạn của tuổi mới lớn. Nàng tưởng tượng ra một mái ấm trong đó có Huy, có nàng và một bầy con nhỏ sống trong êm đềm, hạnh phúc. Rồi, do chiến cuộc lan tràn, nên mặc dù Huy là bác sĩ vẫn bị động viên, vẫn phải theo đơn vị ra nơi địa đầu giới tuyến. Thỉnh thoảng nhận những lá thư của Huy với bao lời nói xa xôi, bóng gió, như những lời ngầm hẹn ước thủy chung, nàng sung sướng đợi chờ. Mẹ nàng tỉnh táo hơn, có những cảm nghĩ từ trái tim của người mẹ. Cụ đã khuyên nhủ, nhắc nhở con gái phải nghĩ đến tuổi thanh xuân, con gái chỉ có một thời. Nhưng trái tim có những lý lẽ riêng của nó, nàng bình tĩnh đợi chờ và đã để vuột mất bao cơ hội có được những bến bờ bình an. Mẹ nàng thương nên giận nàng. Rồi từ giận đến ghét. Hồi đó, nàng tưởng mẹ đã ghét nàng, ghét cay, ghét đắng.
Ba mươi tháng Tư tang tóc đau thương, Diễm theo gia đình di tản, mất tin tức của Huy. Nhưng nàng vẫn âm thầm chờ mong. Thời gian cứ lặng lẽ trôi, nàng phải hội nhập với cuộc sống mới, trở thành cô giáo dạy lũ trẻ con đủ mọi sắc tộc. Bỗng một ngày nàng được tin Huy. Chàng cũng đã định cư ở Mỹ và đã có vợ con. Tim nàng tan nát. Ðiều mà nàng tưởng là tình yêu đã thực sự không phải. Nàng thầm tự hỏi phải chăng nàng đã ngu muội nên quá tin vào những lời hứa hẹn bâng quơ, xa xôi hay vì định mệnh khắt khe khiến cuộc tình của nàng nổi trôi theo vận mệnh chung của đất nước.
Rồi ánh mắt của vài chàng trai cũng làm cho Diễm thoáng rung động, song cũng chỉ như những cơn gió thoảng qua. Cho đến một ngày Khiêm chợt đến. Chàng đang cô đơn, nàng cũng lẻ bóng. Cả hai đã ở vào lứa tuổi chững chạc, trưởng thành. Hai tâm hồn xích lại gần nhau một cách dễ dàng. Sau một đám cưới đơn giản, Diễm đã được sống trong hạnh phúc và một bé gái chào đời. Nàng bằng lòng với hạnh phúc nhỏ bé, giản dị. Nàng hầu hạ chồng con, chăm sóc cho Khiêm và bé Uyên từng miếng ăn, thức uống, từng manh quần, tấm áo. Nàng yêu người cùng nàng chung chăn gối, yêu đứa con nhỏ tha thiết. Dưới mắt mẹ nàng lại khác. Cụ nhìn ra những khuyết điểm của Khiêm, cụ xót xa thương con gái. Với lòng thương bao la của người mẹ, cụ nghĩ con gái cụ phải được sống trong nhung luạ, phải được o bế, cưng chiều. Cụ không muốn con cụ làm thân nô lệ. Cụ có biết đâu, đối với Diễm, được hầu hạ chồng con là điều hạnh phúc.
Chuyện nhỏ góp thành chuyện lớn, chuyện bé xé ra to. Khiêm không khôn khéo, tế nhị mà mẹ nàng lại quá cứng cỏi. Những cuộc cãi vã nho nhỏ giữa mẹ vợ và con rể bắt đầu xảy ra. Diễm biết rằng “nhân vô thập toàn”, nên những khuyết điểm nhỏ của Khiêm cũng như những khắc nghiệt của mẹ nàng đều có thể chấp nhận. Ở giữa, nàng chẳng biết phải làm sao. Nàng là người đàn bà giầu tình cảm, yếu đuối, ngược lại với tính cứng rắn của mẹ. Cụ hay nhìn vào những điều xấu để chê bai, còn nàng lại thích tìm ra những ưu điểm của người để thương, để quý. Khiêm có nóng nảy, độc đoán, không dịu dàng, mềm mỏng nhưng Diễm cảm nhận được sự lo lắng, thương yêu của chàng. Mẹ nàng không chấp nhận bất cứ ai hành hạ con mình. Cụ can thiệp vào cuộc sống của vợ chồng nàng hơi nhiều, nhưng nàng biết đó là do tấm lòng thương con của một người mẹ. Càng ngày sự xung khắc giữa mẹ và chồng càng trầm trọng, cho đến khi sự việc không thể hàn gắn, nàng phải đứng trước sự chọn lựa giữa mẹ và chồng!
Khoảng thời gian đó, Diễm như muốn phát điên, bên tình, bên hiếu. Mẹ nàng cũng già xộc hẳn đi, mặt hằn lên nét đau khổ. Khiêm quát tháo om sòm. Nhà thê lương không một tiếng cười. Con bé Uyên co rúm vì sợ hãi… Cuối cùng vợ chồng nàng phải ngồi xuống nói chuyện và đồng ý chia tay.
Mẹ Diễm đòi hỏi những điều tuyệt đối mà cõi đời này làm gì có tuyệt đối! Các anh chị em nàng đều có gia đình riêng và hạnh phúc. Mẹ nàng ở nhà con nào cũng bắt nhặt, bắt khoan. Con dâu, con rể cố gắng chiều cụ nhưng hạnh phúc gia đình nhỏ của họ quan trọng hơn, họ phải giữ gìn, bảo vệ. Cụ rơi vào nỗi cô đơn mà cụ tự tạo ra. Diễm xót thương mẹ già còm cõi nên mua nhà đón mẹ về ở chung.
Có những đêm dài cô đơn trăn trở, Diễm nhìn mình trong gương, nhìn bóng mình trên vách, cảm thấy tuổi xuân vùn vụt qua mau. Nàng cũng nhớ làn da ấm, vòng tay êm, nên càng nhớ Khiêm tha thiết. Đôi khi nàng thầm trách mẹ, vì cụ mà nàng rơi vào tình cảnh này. Nghĩ lại, nàng cũng trách luôn cả Khiêm. Sao chàng không giữ nàng lại, không cùng nàng tranh đấu. Phải chăng tình yêu của chàng không đủ mạnh, không đủ đầy như nàng tưởng. Suy cho cùng thì nàng cũng có lỗi, lỗi yếu đuối, nhu nhược và mơ hồ trong tâm thức nàng thầm công nhận mình thương mẹ hơn và coi tình yêu của mẹ là một thứ tình yêu bất diệt và chắc chắn. Ðã có những lúc nàng bắt gặp ánh mắt ái ngại của mẹ khi mẹ thấy nàng lủi thủi và đôi khi nàng còn nghe cả tiếng thở dài của mẹ.
Mấy năm đầu sau khi chia tay với Khiêm, Diễm sống lặng lẽ, câm nín. Chỉ cuối tuần nàng mới về với Khiêm và Uyên, dành cả tuần lo cho mẹ. Cụ càng già càng khó tính và khắt khe hơn. Một bầy chín người con, cả trai lẫn gái, đều thành đạt, đều là những người con có hiếu. Vậy mà cụ vẫn không vui. Bao giờ cụ cũng cho là Diễm hợp với cụ nhất, nên cụ chỉ có thể ở được với nàng. Không hiểu sao cụ lại rất ghét Khiêm, ghét thậm tệ, đến nỗi chàng không dám ghé thăm và khi đến với Khiêm nàng phải lén lút, vụng trộm. Nếu mỗi con người sinh ra đời dưới một vì sao, thì không biết nàng sinh ra dưới vì sao nào. Nàng đã hy sinh hạnh phúc gia đình nhỏ của nàng vì muốn đem lại niềm vui cho mẹ lúc cuối đời. Nếu mẹ vẫn không vui thì sự hy sinh của nàng thành ra vô nghĩa. Khiêm dự tính về hưu sẽ sống ở Việt Nam, Uyên đã lớn, rồi cũng có gia đình riêng. Còn Diễm, nàng vẫn… chơ vơ. Nàng cầu mong mẹ khỏe mạnh, vui sống để nàng còn có nơi chốn trở về.
Đêm thật sâu, Diễm kéo tấm màn che cửa sổ, bước vào giường, tắt đèn và cuộn mình trong chăn ấm. Nàng nghĩ đến bữa tiệc đã qua, nghĩ đến những người bạn dễ thương, những chương trình mà các bạn đã sắp xếp cho nàng khi nghỉ hưu. Những giọt nước mắt đã khô và nàng lại mỉm cười…
Đỗ Dung