User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
muiten
Tranh (minh họa): Nguồn: tretenter.co.in/click.php
 
Ba gọi điện thoại đúng vào ngày tôi nhận bằng tốt nghiệp. Không hỏi han sức khỏe, không một câu chúc mừng, ba nói như ra lệnh:           
 
- Gửi cho ba một ngàn đô!
 
Tôi ngỡ ngàng:
 
- Con làm gì có tiền mà gửi cho ba!
 
- Chứ chẳng phải con đã tốt nghiệp Dược Sĩ rồi hả?
 
Bằng giọng ôn tồn tôi giải thích:
 
- Con chỉ  mới tốt nghiệp chứ đã đi làm đâu mà có tiền.
 
- Thì mượn của má mày. Chừng nào lãnh lương trả lại bả. Hổng lẽ, ba nuôi mày từ đó tới nay mấy chục năm, bây giờ chuyện nhỏ như vậy cũng không làm được hả?
 
Tôi không dằn được sự khó chịu:
 
- Không phải không làm được, mà là chưa làm được…
 
Tôi chưa nói hết câu ba đã dập máy, sau khi nói một câu… không được nhẹ nhàng cho lắm. Điều chị em tôi không thích ở ba là ông hay kể lể công lao nuôi nấng chúng tôi. Đứa em gái út mỗi lần nghe vậy, nó thường lầm bầm bất mãn, má mới là người cực khổ với tụi mình, chứ ba có làm gì đâu, chỉ ở không  ăn nhậu, xài tiền, không có má giỏi giang thì chị em mình ra đường ăn mày hết rồi. Má tôi, ngoài đức tính dịu dàng, nhịn nhục bà còn chịu thương, chịu khó, vất vả làm đủ việc để có tiền trang trải mọi chi phí -trong khi ba như người ở trọ miễn phí, dửng dưng trước mọi khó khăn, chật vật của gia đình. Bên cạnh việc làm chính ở hãng, má còn lãnh hàng về nhà may. Có đêm tôi giật mình thức giấc vì tiếng máy may chạy rèn rẹt ở phòng bên cạnh. Nhìn lên tường, thấy kim đồng hồ chỉ hai giờ sáng, lòng dạ xốn xang, tôi chạy ra hối thúc:
 
- “Trời ơi! bây giờ má còn thức thì sáng làm sao đi làm nổi”.
 
Má cười hiền lành, mắt vẫn chăm chú trên từng đường kim, mũi chỉ.
 
- “Không sao đâu con. Hàng gấp mà. Làm không xong, sau này người ta đâu cho lãnh nữa”.
 
Tôi đứng tần ngần sau lưng má, dù hai mắt nhíu lại vẫn không đành lòng bước trở về phòng, mặc cho má nói đi, nói lại nhiều lần:
 
- “Ngủ đi con, mai còn đi học”.
 
Tôi đi học. Má đi làm. Mỗi công việc đều có những áp lực riêng của nó. Nhưng nặng nề hơn, cay đắng hơn vẫn là má khi ba xô cửa cái rầm, hò hét ầm ĩ:
 
- “Cứ may ầm ầm cả đêm làm sao mà ngủ được”.
 
Má quýnh quáng:
- “Gần xong rồi anh…  còn chừng mười lăm phút nữa thôi”.
 
- “Ngưng ngay lập tức, không năm, mười gì nữa hết”.
 
Mỗi đêm, ba thường ra quán tụ tập với bạn bè để uống rượu, nên về đến nhà là lăn khềnh ra ngủ, dù có cháy nhà cũng chẳng hay. Xui xẻo thay, chiều nay ba bị trượt ở cầu thang  nên bị té bong gân chân không đi được phải ở nhà. Và cũng vì thế mà tai họa đã xảy đến cho má. Dù phải cà nhắc với cái chân đau, nhưng Ba vẫn xông tới, lấy kéo cắt chiếc áo đầm má vừa may xong và bỏ xuống đất. Má hoảng hốt ngồi sụp xuống, ôm đống áo vừa may xong vào lòng:
 
- “Em xin anh…. đừng… đừng cắt… làm sao em có tiền đền cho chủ shop”.
 
Mặc cho má van xin, ba vẫn hung hăng trút giận trên từng nhát kéo. Thằng em trai đang ngủ ngoài phòng khách nghe lao xao chạy vào. Thấy sự việc đang xảy ra, nó nhào tới ôm chặt ba lại, đẩy ông ra ngoài. Nhìn những chiếc áo đầm tơi tả, má mếu máo khóc trong tiếng rên rỉ nghẹn  ngào:
 
- “Trời ơi! tiền đâu mà đền cho người ta đây”.
…….
 
Tôi buông điện thoại xuống mà không dằn được sự bực bội. Má nhìn tôi, thắc mắc:
 
- Điện thoại của ba hả? Ba nói gì vậy?
 
Tôi cười gượng gạo:
 
- Dạ! ba chúc mừng con tốt nghiệp và hỏi thăm má.
 
- Con nhỏ này bày đặt xạo với má hả?
 
Lời  má nói có kèm theo nụ cười, nhưng ánh mắt lại đầy vẻ ngờ vực. Không ngờ vực sao được khi hai mươi chín năm sống với ba là mười ngàn năm trăm tám mươi lăm ngày má nếm trọn mùi cay đắng, bất hạnh. Má chưa một lần nói với tôi về nỗi buồn, nỗi khổ của má, nhưng nhiều lần tôi bắt gặp má ngồi mỏi mòn trên chiếc sofa cạnh bên cửa sổ đến nửa khuya để dõi mắt trông đợi chiếc xe quen thuộc ghé sát lề đường, mang ba trở về nhà với mùi rượu bia nồng nặc.   
 
Nhưng với tôi, điều đáng chê trách là, không phải ba chỉ có bia rượu mà còn có cả nhân tình. Má đã nuốt nước mắt vào trong để chị em tôi có được một mái gia đình yên ổn. Ba thì không cần biết đến những thiệt thòi và sự hy sinh của má. Ba sống vì ba, cho ba, theo những lạc thú của riêng ông đồng thời đòi hỏi má phải phục vụ ông như một người hầu đúng nghĩa.
 
Tôi còn nhớ cách đây năm năm, một số bạn cùng hãng đã bí mật tổ chức sinh nhật cho má, vì có lần trong bữa ăn trưa má vui miệng kể rằng, từ bé đến lớn chưa biết sinh nhật là gì. Lần đó, má được phép ra khỏi nhà vào cuối tuần với lý do thăm bà “sếp” đang nằm bệnh viện. Trên đường trở về nhà má được các bạn đưa đến một nhà hàng gần đó. Một cô trong hãng gọi điện thoại xin phép và ba đã vui vẻ trả lời:
 
- “Ồ! vậy hả? cám ơn các chị rất nhiều. Các chị đã thay tôi làm một việc mà đáng lẽ tôi phải làm nhưng vì quá bận bịu nên không có thì giờ…. Được, được chứ,  hôm nay là ngày đặc biệt của Thảo mà, chị nói Thảo cứ tự nhiên vui chơi, mọi việc ở nhà đã có tôi lo. Một lần nữa, thay mặt Thảo, tôi cám ơn các chị rất nhiều”.
 
Ba đã tạo được hình ảnh một người chồng rất tế nhị và lịch sự đối với bạn bè của mẹ. Nhưng đâu ai biết rằng, khi từ bữa tiệc mừng sinh nhật -lần đầu tiên trong đời mới có- bước vào nhà, má đã bị nguyên một tách trà nóng hổi tạt vào mặt. Má hoảng hốt thét lên rồi đưa tay vuốt mặt lia lịa. Nhìn khuôn mặt đỏ ửng, đau rát của má, ba gằn giọng:               
 
- Thứ đàn bà hư hỏng, bỏ chồng, bỏ con ở nhà đói khát để ăn chơi rửng mỡ.
 
Tôi vừa giận, lại vừa sợ. Muốn hỏi ba “chẳng phải lúc nãy ba đã vui vẻ đồng ý cho má được ở lại dự tiệc sinh nhật sao?” nhưng không dám. Mà đâu phải má là người vô tâm. Khi vào đến nhà hàng má đã gọi điện thoại dặn tôi dọn cơm cho ba với các thức ăn đã làm sẵn trước khi đi, nhưng chỉ vì muốn làm tội, làm tình má nên ba không thèm nhìn đến mâm cơm.
 
Cũng từ đó, tình cảm tôi dành cho ba như đã vơi đi phân nửa, vì ba đã cho tôi thấy thế nào là lòng ích kỷ và nhẫn tâm của một người chồng.                                               
 
***
- Không biết tại sao Hiên lại thích thằng việt cộng con đó. Hiên vừa học giỏi, vừa xinh đẹp, thiếu gì người thích bạn.
 
Tôi cười nửa miệng với cái nhíu mày, trong khi Văn vẫn tiếp tục tra vấn:
 
- Ở đây có cả khối  “trai tài”, sao Hiên lại chọn hắn?
 
- Bạn uống đến chai thứ mấy rồi… sao nói năng lạng quạng vậy?
 
Văn trợn mắt, cau có:
 
- Cái gì mà lạng quạng, tôi chỉ nói sự thật.
 
- Không phải sự thật mà là sai sự thật. Thứ nhất, tôi không hề xinh đẹp. Các bạn trong lớp đã từng nói với nhau rằng, tôi là cô sinh viên đẹp nhất lớp từ dưới đếm lên mà. Thứ hai, vì sao tôi chọn Ninh, đó là chuyện riêng của tôi. Cũng yêu cầu Văn đừng gọi Ninh là việt…
 
Tôi chưa dứt lời Văn đã nhìn thẳng vào mắt tôi, giọng cứng rắn:
 
- Tôi nói vậy không đúng sao? Ba nó là cán bộ cao cấp, còn nó là du học sinh mà ăn xài như ông hoàng, chứ đâu phải vừa đi học, vừa đi làm như những người khác. Cho Thảo Hiên biết, nó chỉ lợi dụng Hiên để được ở lại Mỹ thôi.
 
Tôi đứng dậy, nhẹ nhàng đẩy chiếc ghế, bước đi:
 
- Cám ơn Văn đã có lòng nhắc nhở.
 
- Hiên… Thảo Hiên.
 
Tiếng gọi vẫn đuổi theo tôi đến tận cuối khu vườn, nơi có rất nhiều bạn bè tụ tập để chúc mừng ngày tốt nghiệp của Linh, Phiên, Kathy và tôi. Tôi không giận Văn. Tôi hiểu lý do tại sao Văn có ác cảm với Ninh. Bởi vì ba Văn bị chết trong trại cải tạo nên sự căm thù của anh thấm tận xương, tận tủy. Nhưng dẫu sao Ninh cũng vô tội – theo cách nghĩ của tôi.
 
***
Ninh đưa tôi xem những tấm ảnh anh chụp chung với ba trong căn nhà ọp ẹp thiếu tiện nghi và nói:
 
- Ở Việt Nam bây giờ nóng khủng khiếp, nhà này lại không có máy lạnh, nên tội ông già lắm. Anh thấy hình như ba em không được khỏe, nhưng ông không muốn em biết, nên căn dặn anh không được nói sự thật, sợ em lo lắng.
 
Tôi nghe Ninh nói về ba mình mà tưởng như anh đang nói về một người xa lạ nào đó mà tôi chưa từng gặp. Ba tôi mà lại quan tâm đến con cái sao? Tôi tưởng ông là người chỉ biết bản thân mình, chỉ đòi hỏi mọi người phải phục vụ cho ông, chứ không bao giờ nghĩ đến ai khác, dù đó là vợ, là con của ông. Ngay lúc tôi còn đi học, chiếc xe già nua, cũ kỹ của tôi thường xuyên nằm vạ dọc đường. Nhưng mặc cho tôi than thở, mặc cho tôi rơi nước mắt vì bị trễ giờ học hay bị mất việc làm, ba cũng chẳng bao giờ ghé mắt đến. Chiếc xe đời mới của ba cứ được thay đổi mỗi năm để xứng với cái danh hiệu mà bạn bè đã đặt cho ông “Lưu hào hoa phong nhã”. Ba nói cái phong nhã của ba là ở chỗ mỗi năm mỗi thay xe đời mới cho thiên hạ lé mắt chơi.
 
Nhưng chuyện Ninh nói về ba không làm tôi thắc mắc bằng sự liên hệ của hai người.
 
- Làm sao Ninh quen được ba của Hiên?
 
Ninh gõ nhẹ ngón tay lên đầu mũi tôi.
 
- Đây là một bí mật giữa anh và ba. Khi nào đám cưới tụi mình xong anh sẽ bật mí cho em biết.
 
Tôi cười hóm hỉnh:
 
- Vậy thì phải chờ đến hai năm nữa Hiên mới có thể biết được cái bí mật đó sao? Có hơi sốt ruột đó nghe.
 
Ninh ôm đầu kêu lên:
 
- Trời ơi! bộ em định biến anh thành “trai già” hay sao mà bắt anh phải đợi đến hai năm nữa. Không cưới sớm thì anh phải về Việt Nam. Nhưng anh mà về Việt Nam thì có vô số con gái bu chung quanh, sợ rằng anh mất lối trở qua đây với em đó Hiên.
 
- Ý Hiên là vậy mà. Hiên cần thời gian để thử thách tình yêu của Ninh đối với Hiên là thật hay giả.
 
- Thảo Hiên!!!
 
Nhìn ánh mắt của Ninh tôi biết mình đã lỡ lời.
 
- Xin lỗi! Hiên chỉ đùa cho vui thôi.
 
Nói là đùa nhưng thật ra suy nghĩ của tôi về Ninh ít nhiều đã bị ảnh hưởng những lời nói của Văn.
 
Tôi quen Ninh trong lần đi cắm trại do Hội Sinh Viên tổ chức. Trong trận tranh giải túc cầu, Ninh bị thương ở chân và tôi đã lãnh phần chăm sóc cho anh ở phòng Y Tế. Chúng tôi quen nhau từ dịp đó. Ninh chỉ bằng đứa em trai cách tôi ba tuổi, nhưng không hiểu sao tôi lại yêu Ninh từ lần gặp gỡ đầu tiên, dù lúc đó Ninh gọi tôi bằng chị và xưng em ngọt sớt. Tình yêu luôn là một điều kỳ bí và khó hiểu, nên nhiều lần tôi tự hỏi, sao có thể như thế được trong khi tôi đã từng đặt ra tiêu chuẩn chọn người bạn đời phải lớn hơn tôi ít nhất  năm tuổi. Biết làm sao hơn khi tôi yêu Ninh bằng tình yêu đơn phương với nỗi si mê lạ kỳ. Lạ kỳ, vì…. vốn là người kín đáo, nhưng với tình yêu chênh lệch tuổi tác này, tôi đã không giấu giếm mà ngược lại tôi muốn cho mọi người đều biết. Có thể là một cách để những cô gái khác tránh xa Ninh. Mà cũng có thể là cách gián tiếp bày tỏ tình cảm tôi dành cho Ninh. Thật sự, tôi không hiểu mình đang làm gì. Chỉ đến khi Ninh ngày càng lạnh nhạt, lảng tránh tôi mới tỉnh ngộ. Sự tỉnh ngộ không đến nỗi quá muộn khiến tôi dừng lại đúng lúc và tự trách mình sao đánh mất lòng tự trọng cần thiết của một người con gái. Tôi nén chặt mối tình một chiều đó vào trái tim bé nhỏ để lau nước mắt, mạnh dạn bước vào lối rẽ. Cái lối rẽ không có trong niềm mơ ước mà tôi từng ôm ấp. Nhưng rồi… sau khi tôi tốt nghiệp thì Ninh lại tìm kiếm tôi và chẳng bao lâu tôi nhận được những dòng chữ  ngọt ngào trên email do Ninh gửi đến “Bây giờ Ninh đã thật sự nghe được tiếng nói chân thành từ trái tim mình. Thảo Hiên, I love you”. Đây mới đúng là một sự lạ kỳ khiến tôi  đầu óc tôi chếnh choáng cơn say. Một cơn say tình không cần tìm hiểu lý do, bất chấp hậu quả.
 
***
Tôi đứng lên rời khỏi quán. Có tiếng Văn nói rất khẽ:
 
- Rất tiếc… đã làm cho Hiên đau lòng. Nhưng thật sự, tôi muốn Hiên biết rằng không phải vô cớ mà tôi xen vào chuyện tình cảm của hai người… và xin lỗi, tôi không thể cho Hiên biết làm sao tôi có được cuộn băng này.
 
Những bước chân không định hướng đưa tôi trở về nhà bằng sự quen thuộc giữa lúc tâm trí tôi lan man, trôi giạt về một nơi nào xa xôi lắm. Đâu đây tiếng nói của Ninh văng vẳng bên tai như tôi đã nghe lúc nãy từ chiếc máy thâu.
 
- “Ê Ninh! mày yêu bà Thảo Hiên thật hả?”
 
Ninh cười ré lên:
 
- “Yêu thương gì cái bà già cằn cỗi ấy. Chỉ là gia đình muốn tao ở lại Mỹ sau khi tốt nghiệp, nên tao phải diễn một màn kịch yêu thương thắm thiết. Chỉ chờ kết hôn với Ả xong, vài năm sau ly dị, thì coi như tao sẽ đương nhiên được định cư ở Mỹ một cách danh chính ngôn thuận”.
 
- “Cái thằng đểu giả, ác ôn”.
 
- “Ác ôn gì tao! ba của Ả biết chuyện, đã chẳng trách móc gì tao mà còn xúi vào”.
 
- “Nghĩa là sao? Cha gì mà nhẫn tâm thế!”
 
- “Có gì đâu, ông ấy đang cặp kè với người chị họ của tao, nên muốn lấy điểm ấy mà. Điều quan trọng hơn cả là có tao ở đây thúc giục, nên Ả mới gửi tiền cho ông ấy đều đều. Thật ra, tao làm thế thì bao nhiêu tiền lại vào túi của chị họ tao và tao cũng được thưởng một ít tiền công”.
 
- “Là ông ấy mai mối con gái cho mày hả?”
 
- “Không! tao và Ả gặp nhau trong một buổi cắm trại. Nhưng gặp ông già mới là sự tình cờ. Thằng bạn tao cũng là bạn của Ả. Hôm Ả tốt nghiệp, hắn chụp vài tấm ảnh của Ả với ba mẹ và hai đứa em. Mớ hình ấy dính chung với hình bọn tao đi cắm trại nên hắn nhờ tao đem ra tiệm rửa giùm. Lúc đó, nhằm thời gian tao về Việt Nam thăm nhà, nên rửa hình xong tao mang về cho gia đình xem luôn. Nhờ thế mà tao nhận ra ông già lúc đến thăm người chị. Khi nghe ý định của tao muốn ở lại Mỹ và biết tao quen với con gái rượu của ông, nên ông nhanh mồm đề nghị tao kết hôn với Ả. Tao bảo, chỉ coi Ả là bạn chứ chẳng yêu thương gì, chẳng ngờ ông già nói một cách vô tư như người hàng xóm, cứ kết hôn để được ở lại Mỹ, nếu không yêu thì chờ ba năm sau chuyện ly dị là xong chuyện”.
 
- “Bà Hiên vô phúc gặp phải người cha trời đánh”.
 
Cả đám cười rú lên, còn tôi thì lảo đảo vì bị trúng hai mũi tên cùng một lúc.
 
Với mũi tên khắc chữ tình yêu thì tôi đành hát câu “tình có cũng như không”. Tuy có chút bàng hoàng, có chút đớn đau nhưng tôi chưa đến nỗi ngã quỵ. Có lẽ nhờ những lời cảnh báo của Văn mà thời gian gần đây tình cảm tôi dành cho Ninh đã bắt đầu bị giao động.
 
Nhưng còn mũi tên khắc chữ tình phụ tử thì vô cùng oan nghiệt. Tôi biết ba giận tôi, vì khi ông đòi ly dị để về Việt Nam sống với người đàn bà khác thì ba chị em chúng tôi đều đứng về phe má chống đối kịch liệt. Rồi khi ba gọi điện thoại buộc tôi mỗi tháng phải gửi về năm trăm đô để trả công ông cực khổ, vất vả nuôi nấng tôi ăn học cho đến ngày thành tài, tôi lại không đáp ứng đòi hỏi ấy. Bây giờ tôi mới biết vì đâu có sự trùng hợp tình cờ -cứ mỗi lần tôi gặp Ninh là mỗi lần ba gọi điện cho tôi ra lệnh phải gửi tiền, khi thì bệnh hoạn, khi thì mua xe, khi thì sửa nhà…. Dĩ nhiên, trước mặt Ninh tôi chẳng thể từ chối, vì không muốn anh biết được những mâu thuẫn giữa hai cha con. Chưa kể là Ninh luôn “dạy dỗ” tôi phải hiếu thảo với người cha già đáng thương. Giờ đây, nhờ đoạn băng đã nghe tôi mới biết được là họ đã toa rập với nhau để hả hê phung phí những số tiền tôi gửi về.
 
Không biết có khi nào ba nghĩ rằng, mũi tên oan nghiệt này sẽ làm nên kết cuộc bi thảm cho người cha chưa một lần làm tròn trách nhiệm và yêu thương con cái của mình bằng tình phụ tử thiêng liêng.
 
Ngân Bình
 

Tìm các bài HÔN NHÂN & GIA ĐÌNH khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com