User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
mongrangemsehieu
Bảo Huân Microsoft AL
 
– Bác ơi! bác ngủ chưa? Bác ngủ rồi hả?… Bác ngủ ngon nha.
 
Tôi suýt bật cười nhưng cố kềm lại để có thể nằm im với thằng nhóc này. Nghe nói, nó đã hai mươi tuổi mà sao cứ y như con nít lên ba. Chắc ba mẹ nó khổ sở không ít với cái tính nhõng nhẽo của nó. Ừ! Thì nó đã nói “Con là cục vàng, cục hột xoàn của mẹ con đó bác”. Có là cục gì đi nữa thì cũng là của ba mẹ mày chứ tao thì chịu mày hết nổi. Hai ngày qua, không ngày nào tôi có được một phút yên ổn với nó. Hết rên la thì lại khúc khích nói cười. Hết huyên thiên trò chuyện qua điện thoại thì bạn bè nó kéo đến thăm chật nứt căn phòng. Có đứa lại nghịch ngợm len lén vén màn nhìn trộm tôi  – người nằm cùng phòng với thằng bạn của chúng. Nhưng dù sao, nhờ có nó mà tôi cảm thấy đỡ lẻ loi trong những ngày nằm bệnh viện thui thủi một mình không ai thăm viếng.
 
Không biết có phải là năm xui tháng hạn hay không mà chỉ trượt  một cái nhẹ hều trước thềm nhà  – nằm trên con dốc cao- bị đóng đá từ đêm hôm trước tôi lại bị tuột xuống phía dưới, chân trái va phải cái chậu kiểng cao nhồng đang nằm ở vị trí chông chênh. Thế là nó ngã xuống, nện vào cái chân tong teo làm tôi nổ đôm đốm mắt vì đau đớn. Khi gượng đứng dậy tôi nghe nhoi nhói và chỉ vài giờ sau mắt cá chân sưng vù. Cố gắng chịu đựng cơn đau cả ngày hôm đó, vừa uống thuốc giảm đau, vừa đắp nước nóng nhưng cuối cùng thì tôi phải đến bệnh viện. Sau khi chụp quang tuyến, bác sĩ cho biết xương mắt cá bị bể cần phải giải phẫu để sắp lại. Thật ra, đây chỉ là một cái ngã rất nhẹ so với những tai nạn mà tôi đã gặp trước đây nhưng nó sinh lớn chuyện khi tôi phải lưu lại bệnh viện mấy ngày.
 
Ðối với tôi, thời gian nằm một chỗ ở nơi chốn không phải là ngôi nhà thân thuộc của mình quả là cực hình. Nhất là không được nằm một mình để có chút yên tĩnh mà lại phải chung phòng với thằng nhóc bị tai nạn xe, gãy xương đầu gối và xương vai. Hai ngày đầu nó rên rỉ, kêu la đến mức tôi muốn nổi quạu. Nhưng ba nó là người biết điều, anh cứ luôn miệng xin lỗi và đôi khi còn mang biếu thức ăn, nên tôi đành phải làm người lịch sự “Không sao đâu anh, tôi cũng bị gãy xương nên hiểu sự đau đớn của cháu”. Ðến ngày thứ ba thì thằng nhóc bắt đầu nói chuyện tía lia mà toàn là những chuyện trên trời dưới đất. Ðặc biệt nó luôn nhắc đến người mẹ vừa về Việt Nam thăm bà ngoại không có mặt ở đây chăm sóc nó. Nó hãnh diện khoe khoang “Mẹ cưng con số một. Con muốn gì mẹ cũng chiều, con giận dỗi thì mẹ quýnh quáng năn nỉ”. Tôi nhìn nó một lúc rồi hỏi “Con có bạn gái chưa?”. Nó cười rất hồn nhiên “Dạ chưa!”. Tôi tròn mắt “Hai mươi tuổi mà chưa có bạn gái à? con chọn lựa kỹ lưỡng quá nên không tìm được người vừa ý phải không?”. “Dạ không phải… tại vì… con thấy chưa cần thiết. Mẹ cho con quá nhiều tình thương nên con đâu cần thêm nữa”. Câu trả lời của nó làm tôi ngờ ngợ, không lẽ thằng nhóc này có vấn đề? “Ủa! mẹ và bạn gái, hai thứ tình cảm khác nhau mà”. Nó rút vai cười không nói.
 
– Bác ơi! Bác thức chưa?
 
– Chưa.
 
Tôi cộc lốc trả lời.
 
– Hì hì! chưa thức sao bác nghe con hỏi.
 
– Con hỏi hoài bác có ngủ được  đâu. Có chuyện gì?
 
Giọng thằng nhóc háo hức:
 
– Con có tin vui muốn báo cho bác biết. Trưa mai mẹ con về tới. Chiều mai con sẽ mời bác ăn một món có một không hai trên đời, ngon không thể tả mà chỉ có mẹ con mới nấu được.
 
– Thiệt?
 
– Dạ thiệt!  Ba con nói vậy đó.
 
– Món gì, nói bác nghe.
 
– Con phải giữ bí mật để tạo bất ngờ cho bác. Thôi! bây giờ tới phiên con ngủ đây. Sướng quá, ngày mai con được gặp mẹ rồi.
 
Tôi chồm dậy, kéo tấm màn chắn ngang giữa hai chiếc giường. Cơn xúc động trào lòng khiến tôi muốn nhìn nét mặt vô tư của đứa con trai đang ở vào lứa tuổi bước chân vào đời mà còn níu chặt vạt áo của mẹ. Sao giống quá, hình ảnh của tôi ngày xưa.
 
***
Tôi bàng hoàng đến lặng người khi từ phía bên kia tấm màn giọng nói cất lên thật thanh tao, dịu dàng. Không thể lầm lẫn được cái âm thanh quen thuộc mà tôi vẫn nhớ từng ngày suốt hai mươi năm hơn. Người giống người hay chính là…? Tôi lắng nghe những lời hối tiếc đầy âu yếm của người mẹ dành cho đứa con trai  yêu quý của mình vì đã không có mặt để săn sóc và chia sẻ nỗi đau của con khi nó trải qua tai nạn khá nặng nề bằng một nỗi xao động lạ lùng. Nhưng rồi giọng nói của thằng nhóc kéo tôi trở về thực tại.
 
– Bác ơi! bác ngủ hả?
 
Có tiếng suỵt rất khẽ:
 
– Con đừng làm ồn để bác ngủ.
 
– Nhưng con có hứa là sẽ mời bác ăn món gà kho nghệ nước cốt dừa độc nhất vô nhị của mẹ.
 
Tôi giật bắn người. Phải rồi, gà kho nghệ nước cốt dừa, một món ăn tôi hằng ưa thích và gần như là món ăn chính thường xuyên có trong bữa cơm của gia đình tôi ngày xưa đây mà. Vậy… đúng là…
 
– Bây giờ ba phải đưa mẹ về nhà nghỉ ngơi. Vừa xuống máy bay đã loay hoay nấu nướng chắc mẹ con mệt lắm rồi. Ba sẽ trở lại liền. Mình đi thôi, Thái Yên.
 
Trái tim  tôi dường như ngưng một nhịp đập. Bàn tay đưa ra để vén tấm màn – theo phản ứng tự nhiên- chợt rụt  khi tiếng nói của người mẹ vang lên:
 
– Ðây là phần là của con. Còn phần này là của bác.
 
Tôi khẽ trườn người, chui vào dưới  mảnh chăn mỏng như sợ tấm màn sẽ bị kéo phăng đi trong lúc thằng nhóc hỏi với giọng đầy ngạc nhiên:
 
– Mẹ có quen với bác hả?
 
– Không, nhưng ba có kể cho mẹ nghe những lúc ba không có ở đây bác đã trông coi con giùm ba.
 
–  Mẹ!… con hai mươi tuổi rồi mà!
 
– Vậy à? sao mẹ cứ nghĩ con mới có hai mươi tháng hà?
 
Tiếng cười khúc khích vang lên. Tôi lắng nghe âm thanh trong trẻo quen thuộc ấy với nỗi bàng hoàng chưa dứt. Ôi! giọng cười, tiếng nói đã xa lắm rồi cái thuở bên nhau.
 
Ba thằng nhóc trở lại khi nắng chiều vừa tắt bên song cửa và tôi lẹ làng đón nhận phần ăn từ tay anh. Nhai chậm rãi miếng thịt gà kho nghệ nước cốt dừa tôi nghe cái hương vị mằn mặn, ngòn ngọt như thấm tận vào hồn. Anh nhìn tôi dò hỏi:
 
– Ăn được không anh?
 
– Dạ… chị nấu ăn ngon quá.
 
Anh cười sung sướng:
 
– Ðây là món độc đáo nhất của nhà tôi mà tất cả bạn bè đều ưa thích.
 
– Phụ nữ bây giờ ít ai chịu nấu nướng vì thức ăn làm sẵn có bán khắp nơi. Anh thật có phúc và khéo chọn.
 
– Vâng! nhà tôi là một người vợ tốt, một bà mẹ hiền, cả đời chỉ sống vì chồng, vì con. Cám ơn ông Trời đã ban cho tôi sự may mắn chứ biết đâu mà chọn hả anh.
 
Tôi dò hỏi bằng nụ cười thân mật:
 
– Anh chị cưới nhau từ Việt Nam hay ở Mỹ?
 
– Chúng tôi gặp nhau ở Mỹ sau những long đong của cuộc đời. Tôi thì ly dị sau cuộc hôn nhân ngắn ngủi chỉ có mười bốn tháng. Thái Yên cũng dang dở sau ba năm lập gia đình. Nhưng cũng phải đợi thêm hai năm nữa Thái Yên mới dứt bỏ được quá khứ và đồng ý kết hợp cùng tôi.
 
Lời nói của tôi bỗng bật ra không chủ ý:
 
– Có những nỗi đau khiến người ta không thể nào quên được, nhất là phụ nữ.
 
– Tôi cũng nghĩ vậy nhưng Thái Yên chỉ nói, vì hai người không có con mà chồng của Thái Yên là con trai duy nhất, nên cô tự động rút lui để anh ấy có thể làm tròn bổn phận đối với người mẹ già vẫn ngày đêm mong chờ một đứa cháu nội. Khi tôi bày tỏ tình cảm thì Thái Yên thẳng thắn đặt câu hỏi “Anh có thể chấp nhận một người đàn bà vô sinh như em không?”. Với tình yêu chân thành, tha thiết tôi gật đầu một cách quả quyết. Nhưng không ngờ trời đã thương ban cho chúng tôi cháu Sam.
 
Tôi giấu tiếng thở dài:
 
– Chúc mừng anh chị. Không biết người chồng cũ của chị sẽ nghĩ gì khi biết được tin này. Cũng có thể sau cuộc chia tay của hai người, anh ta sẽ mang mãi trong lòng niềm hối tiếc.
 
– Không biết sao, nhưng tôi nghe Thái Yên nói anh ấy rất tốt. Cái gì cũng không qua duyên số phải không anh?
 
Ngày Sam rời bệnh viện tôi muốn kéo vẹt tấm màn chắn để được một lần nhìn rõ dung nhan Thái  Yên nhưng lại không can đảm đối diện với người đàn bà mà tôi đã từng mang đến cho nàng sự bất hạnh. Những dòng chữ trên bức thư Thái Yên để lại cho tôi vẫn từng đêm hiện về trong trí nhớ. Nhớ để mà đau. Ðau nhưng cũng đành bất lực giữa chữ hiếu và chữ tình nan giải.
 
“Ngày xưa, em chọn anh vì  cảm phục anh là người con hiếu thảo. Ngày nay, cũng vì chữ hiếu của anh mà em đành phải chọn giải pháp ra đi.
 
Anh biết không, cái tát tai anh “tặng” em tối hôm qua – để  vui lòng mẹ- đã làm tràn ly nước quá đầy. Ðầy đến nỗi em đã dùng hết sức lực của mình để giữ cho nó đừng sóng sánh nhưng rồi cũng đành thua cuộc. Em không trách anh, cũng không trách mẹ mà chỉ buồn có số phận bọt bèo của mình. Ðêm hôm qua, em đã viết hàng chục trang giấy để kể lể với anh tất cả đắng cay em phải chịu đựng trong suốt ba năm làm vợ anh. Có những điều tồi tệ hơn những gì anh đã chứng kiến và nó chỉ xảy ra khi anh vắng nhà nên chưa bao giờ anh biết được. Vì em chẳng dám hé môi. Vì mẹ cố tình che giấu. Nhưng rồi em tự hỏi, có cần thiết không khi mình đã quyết định lìa xa cái tổ ấm thân yêu nhưng đầy oan nghiệt này. Thôi thì, hãy bỏ lại sau lưng mọi buồn đau trong quá khứ để cho mẹ con anh được vuông tròn tình mẫu tử thiêng liêng.
 
Em yêu anh. Ðó là lời cuối cùng em muốn nói với anh dù phận duyên nghiệt ngã không cho phép mình nắm tay nhau đi hết đoạn đường đời. Và em sẽ mãi mãi yêu anh cho dù mai này dòng đời có đẩy đưa em đến một bến bờ xa lạ nào…”
 
Từng dòng chữ trong bức thư ngắn ngủi ấy là từng mũi dao xuyên thấu trái tim đau. Tôi gục xuống như một người thất trận thảm thương sau khi tìm kiếm và dò la tin tức của Thái Yên khắp nơi với nỗi hối hận tràn đầy mà vẫn không tìm ra dấu tích. Lạ một điều là mẹ tôi không chỉ trích, không phê phán gay gắt  hành động của Thái Yên như xưa nay mẹ vẫn làm. Ðồng thời, mẹ cũng không biểu lộ sự ngạc nhiên, sửng sốt khi biết tin Thái Yên đã âm thầm ra đi. Tôi hoàn toàn không đoán được ý nghĩ của mẹ. Có phải trong lòng mẹ cũng có chút ân hận vì những hà khắc đối với Thái Yên? 
 
Có một hôm, khi tôi thiêm thiếp trên giường bệnh, mẹ ngồi xuống bên cạnh, cầm tay tôi nhẹ nhàng hỏi:
 
– Con có trách mẹ không?
 
Tôi nhẹ nhàng lắc đầu. Làm sao tôi có thể trách mẹ khi tôi như một món nợ oan khiên đã hủy hoại cuộc đời của mẹ từ thuở thanh xuân.
 
Năm mười sáu tuổi, mẹ tôi mang thai với em trai của bà chủ – người mà mẹ được ông bà ngoại đưa từ dưới quê lên để giúp việc cho gia đình bà khi mới mười bốn tuổi. Người đàn ông dùng lời đường mật dụ dỗ mẹ tôi đã âm thầm đi vượt biên khi biết người con gái ngây thơ, khờ khạo nhưng yêu ông bằng tất cả trái tim đang mang trong bụng một bào thai do ông tạo ra. Người chị nhân hậu và tốt lành của ông đã đứng ra nhận lãnh trách nhiệm về việc làm thiếu đạo đức của em mình và bà đã mang theo mẹ con tôi trong cuộc hành trình tìm tự do đầy gian nan, nguy hiểm. Khi sang Mỹ cũng chính bà là người buộc “ba” phải nuôi nấng và chăm sóc tôi, đứa con ngoài ý muốn của ông. Chắc chắn, cuộc chung sống với người không hề yêu thương mình đã mang đến cho mẹ biết bao nhiêu khổ đau, buồn tủi. Và nỗi tủi buồn đó đã trở thành sự bất  hạnh cho cả hai mẹ con khi người cô đáng kính của tôi đột ngột qua đời sau cơn bạo bệnh. Chỉ một tháng sau đám tang buồn thảm đó, người mà tôi gọi bằng “ba” một lần nữa lại âm thầm khăn gói ra đi, bỏ mẹ con tôi bơ vơ trong căn nhà mà ông đã bố thí cho chúng tôi ba tháng tiền thuê mướn trả trước cho chủ. Những khốn khó, nhục nhằn, những đớn đau, oan trái bắt đầu đổ xuống đôi vai gầy gò của mẹ với số tuổi hai mươi hai non nớt so với cuộc đời quá nhiều cạm bẫy chông gai. Nhưng bằng tấm lòng thương con bao la và sự hy sinh tận tụy, mẹ đã làm tất cả những gì có thể làm được để tôi có được một cuộc sống ấm êm. Ðể bù lại sự bất hạnh – mà mẹ thường vuốt tóc tôi thì thầm trong nước mắt “Trời định con số khổ nên mới phải làm con của mẹ”- mẹ nâng niu tôi như một báu vật quý giá nhất trong đời. Rất nhiều lần mẹ từ chối tình cảm tha thiết của những người đàn ông đến với mẹ bằng tấm lòng chân thật chỉ vì không muốn tôi thiệt thòi vì tình thương bị chia sớt. Hai mẹ con tôi sống đạm bạc bên nhau nhưng thật hạnh phúc trong sự quấn quýt yêu thương. Tôi dần lớn lên với tâm nguyện ghi khắc trong lòng là suốt cuộc đời sẽ không bao giờ rời xa mẹ và sẽ phụng dưỡng mẹ thật chu đáo khi về già để đền đáp công ơn trời biển của mẹ, cũng như đền bù những khổ hạnh mà mẹ phải hứng chịu từ khi tôi bắt đầu tượng hình trong bụng mẹ.
 
Nhưng bên cạnh tình thương bao la mẹ dành cho tôi là lòng ích kỷ mà tôi có thể nhận thấy. Hình như mẹ nghĩ rằng mẹ đã thực sự mất tôi từ ngày tôi đón Thái Yên về làm vợ. Thế là cái mặt hồ êm ả bắt đầu lay động vì những cơn sóng ngầm. Mẹ ganh tỵ ra mặt với con dâu trong từng lời nói, cử chỉ tôi dành cho vợ. Thái Yên có thể bị rầy la, mắng nhiếc bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào vì những điều hết sức vô lý. Ngay cả việc chúng tôi chưa có con, dù không thể xác quyết là do ai, nhưng mẹ tôi vẫn mỉa mai đay nghiến “cô là gái độc không con”. Dù xót xa thương vợ nhưng tôi không dám lên tiếng bênh vực. Và sự vụng về nhất của tôi là không hề bày tỏ lòng mong ước nơi Thái Yên một sự cảm thông. Ngay cả lời an ủi, vỗ về cũng không có. Không hiểu sao lúc ấy tôi lại nghĩ rằng, khi làm điều đó là tôi gián tiếp xác nhận mẹ xử sự không đúng và như thế là tôi có lỗi với mẹ. Cái tâm niệm như một dấu ấn không phai của ngày còn bé khiến tôi luôn mặc cảm mình không làm tròn bổn phận đối với mẹ. Bởi thế, làm sao tôi có thể trả lời khi Thái Yên bộc lộ nỗi uẩn ức “Có anh bên cạnh, nhưng em luôn luôn cảm thấy cô độc, bởi vì chưa bao giờ em nhận được một sự che chở, bảo vệ nào từ nơi anh”. Và khi tôi nhận ra sự thiếu công bằng của mình đối với Thái Yên thì mọi việc đã quá muộn màng.
 
Tôi chợt nghĩ, bây giờ, với tình thương vô bờ dành cho con, không biết có lần nào Thái Yên chợt nghĩ đến mẹ tôi để hiểu rằng, có một thứ tình cảm không thể giải thích được khi nó đi kèm với lòng ích kỷ và lo lắng về một sự mất mát không thể đền bù. Và người trong cuộc đôi khi cũng biết mình quá đà trong cách đối xử với con dâu nhưng vẫn không giũ bỏ được sự ích kỷ, ganh tỵ rất con người xuất phát từ lòng thương con vô bờ bến.
 
Ngân Bình
 

Tìm các bài HÔN NHÂN & GIA ĐÌNH khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com