Ánh sáng nhấp nháy phát ra từ chiếc đèn nhiều màu sắc khiến tôi khó chịu, nhưng mắt vẫn không rời một cặp đang dìu nhau trên sàn nhảy. Cô gái bước nhịp nhàng, uyển chuyển theo điệu Tango. Bàn tay cô không phải để hờ trên vai người đàn ông, mà là mơn trớn nhè nhẹ, đôi mắt nhìn say đắm, môi cười tình tứ. Có cái gì đó không bình thường. Không bình thường như cô gái đã đến trước mặt tôi, nói một cách rất thản nhiên:
- Cho em mượn chồng chị chút xíu được không?
Tôi ngẩn người nhìn cô ta. Chiếc áo đầm màu hồng đậm, ngắn cũn cỡn, bó sát thân hình cân đối để lộ đôi chân thon dài thật đẹp.
Dân lắc đầu cười:
- Trễ rồi… vợ chồng tôi đang định đi về đây.
Cô ta lắc nhẹ cánh tay của Dân, nũng nịu:
- Anh! nhảy với em bài này đi.
Hình như trước mắt cô ta không có tôi. Muốn xem cô ta giở trò gì, nên tôi đẩy Dân đứng lên, giọng đùa cợt:
- Ga lăng với người đẹp một chút đi anh.
Cô ta cúi người xuống, nghiêng đầu, thì thầm vào tai tôi như đã thân thiết từ lâu:
- Chị dễ thương quá hà. Cám ơn chị nhiều nha.
…
Dân trở lại bàn. Cô gái thân mật vỗ vai tôi. Vẫn là câu nói cũ:
- Cám ơn chị nha. Chị dễ thương quá…
Rồi cô rút vai, cười khúc khích, sau khi thòng thêm một câu trước khi bước đi:
- Anh Dân lại còn dễ thương hơn.
Dân cúi người, kéo chiếc ghế xích gần tôi, lẩm bẩm:
- “Nàng” này…. thiệt tình… hết nói.
Tôi nhìn Dân cười dễ dãi. May cho Dân, tôi không phải là người có máu hoạn thư. Nếu không, đêm nay chắc chắn Dân sẽ bầm mình.
***
Đứng trước tấm gương nhỏ, tôi ướm chiếc áo lên người, nhìn qua, ngắm lại trước khi quyết định bước vào phòng thử. Đang đắn đo thì có tiếng nói từ phía sau:
- Chiếc áo này không hợp với chị đâu!
Tôi quay lại. Thì ra là “Nàng” – cô gái tôi gặp trong bữa dạ tiệc vào tuần trước. Tôi cười nhẹ:
- Vậy sao?
- Chị không tin mắt thẩm mỹ của em sao? Này nha, màu vàng đòi hỏi người mặc nó phải có nước da trắng, cổ áo chữ V thì chỉ hợp với người có bộ ngực to… mà cả hai điều kiện này chị đều không có. Tính em thấy sao nói vậy, chị đừng giận nghe!
Giành lấy chiếc áo trên tay tôi, “Nàng” ướm vào người, quay một vòng rồi cười hỉ hả:
- Ồ! cái áo này hợp với em quá phải không chị?
- Vậy sao?
“Nàng ” ỏng ảnh tiếp:
- Chị biết không, hôm nào em mặc áo màu vàng là anh Dân thích lắm. Em bắt gặp anh ấy nhìn lén em hoài.
Tôi lấy lại chiếc áo giơ lên cao, trả lời một cách lơ đãng:
- Vậy sao?
Có lẽ “Nàng” cảm thấy cụt hứng nên không nói nữa.
Cộp.. cộp… Tiếng giày cao gót xa dần, trả lại cho tôi một khoảng không gian im ắng và thoải mái. Lạ quá! sao lại có người tự nhiên đến mức trơ trẽn như thế nhỉ? Đã vậy, còn cố tình nhắc đến Dân như để trêu ghẹo, thách thức tôi. Rõ ràng là cô ta cố tình gieo sự nghi ngờ trong lòng tôi.
***
- Áo này không hợp với cái quần anh đang mặc đâu. Thay ra đi, em lấy áo khác cho.
Dân giơ tay ngăn tôi lại:
- Không cần đâu em. Có phải tiệc tùng gì đâu mà ăn diện.
- Không phải tiệc, nhưng… biết đâu sẽ có người đẹp chiêm ngưỡng anh.
- Ha ha!! anh cũng mong được vậy.
Dân chồm tới, hôn nhẹ vào má tôi rồi cầm chìa khóa ra xe. Thái độ tự nhiên của Dân làm tôi cảm thấy hoang mang khi nhớ đến lời của Minh Thảo “đang có người gấm ghé ông Dân. Cố mà giữ cho chặt kẻo có ngày bị mất…”
Tối hôm qua trong bữa cơm chiều, tôi gợi chuyện với Dân:
- Lớp ESL của anh sao rồi? Em thấy anh đi làm về, ăn vội ăn vàng mấy miếng rồi chạy đi dạy, như vậy có mệt lắm không?
Dân gật gù:
- Cũng mệt chứ, nhưng thấy anh chàng đứng chung lớp với anh, ở xa hơn mà còn đi được thì anh cũng phải ráng hy sinh một chút.
Tôi vói tay lấy đĩa trái cây, cầm dao gọt như hàng ngày vẫn làm để che dấu một chút bối rối.
- Có thật anh vì anh chàng đó hay vì mấy cô học trò xinh đẹp, trẻ trung?
- Vì cả hai!!!
Dân nheo mắt, đưa tay lấy một miếng táo đưa vào miệng rồi đứng lên, vừa dợm bước đi, tôi cố tình níu anh lại:
- Ủa! một mình anh chàng đó dạy không nổi sao mà phải cần anh giúp. Học viên đông lắm à?
Dân nghiêm chỉnh:
- Không phải đông mà vì anh chàng trẻ tuổi, đẹp trai này không rành tiếng Việt nên anh phải thông dịch. Đây là lớp dành cho những người chưa biết tiếng Anh nhiều. Vì thế, cần phải dịch ra tiếng Việt một số từ cho họ hiểu.
Tôi lưỡng lự vài giây rồi hỏi tiếp:
- Em thấy mấy cô học trò của anh có vẻ lanh lợi và thời đại lắm mà sao lại không biết tiếng Anh?
- Có ai đâu. Đa số, học viên là những người trung niên vừa từ Việt Nam sang khoảng một năm trở lại, nên tiếng Anh còn yếu lắm… ngoại trừ cô nàng em gặp trong bữa dạ tiệc tuần trước.
- Cô ta giỏi lắm hả?
- Cũng tàm tạm, chỉ được nước lanh chanh và thầy đời. Lại còn bạo miệng, bạo mồm. Mỗi lần cô ta mon men đến hỏi bài, anh chàng dạy chung với anh sợ gần chết.
- Còn anh thì sao? không sợ à?
Dân chỉ tay vào ngực mình, nheo mắt:
- Anh mà sợ? Ha ha!!! chuyện khó tin mà không có thật. Anh chưa sợ ai bao giờ, nhất là đàn bà con gái… ngoại trừ em.
Vẻ cợt đùa thoải mái của Dân khiến tôi khó đoán được điều tôi đang muốn biết. Nỗi thắc mắc vẫn còn ấm ức trong lòng, nên tôi tiếp tục tra vấn:
- Nếu không sợ thì khoái?
- Hổng dám khoái đâu, người ta có chồng rồi đó.
- Sao anh biết, cô ta tâm sự với anh à?
- Không phải chỉ một mình anh, mà còn thêm hai ba người nữa. Cô ta nói, chồng cô là chủ tiệm uốn tóc, kiếm được nhiều tiền lắm, nên bảo cô ở nhà nghỉ ngơi không cần đi làm. Nếu có buồn thì đi shopping, mà hễ có mua sắm thì phải lựa quần áo thật đẹp, thật sexy, diện thật kẻng vào cho đàn ông xứ này điên đảo, để anh chồng được hãnh diện với thiên hạ.
- Có thật là chồng cô ta nói như thế?
- Có trời mới biết thật hay giả… mà sao em thắc mắc nhiều vậy?
Dân lui ra sau, nghiêng người nhìn tôi:
- Đừng nói với anh là em đang nghi ngờ anh đó nha!
Tôi cười giả lả:
- Có gì đâu, thấy cô ta nói chuyện táo tợn khác người, nên em hơi tò mò một chút thôi.
Dân đi vào phòng rồi tôi vẫn tiếp tục ngồi gọt trái cây mà không hay cái đĩa đã đầy vun.
***
“Nàng” tìm đến cửa hàng của tôi khi vắng khách. Trang phục của “Nàng” hôm nay là chiếc váy ngắn, vừa che qua khỏi mông với áo hai dây bó sát người, cổ rộng, khoe khoảng ngực trắng nõn. “Nàng” mở lời chào tôi bằng câu chê bai khá “nặng ký”:
- Ủa! bộ chị bệnh hay sao mà mặt mày trông xanh xao, hốc hác quá chừng?
- Vậy sao?
- Bữa nay anh Dân không ra phụ chị hả?
Tôi lắc đầu, tay vẫn sắp các món hàng lên kệ.
- Ngày mai… cuối tuần chị có đi chơi đâu không?
Tôi tiếp tục lắc đầu.
- Em định mời anh chị đi sinh nhật bạn em (sinh nhật bạn của “Nàng” mà “Nàng” lại mời khách, cứ y như là sinh nhật “Nàng”). Chị không khỏe, chắc không đi được há (ủa “Nàng” là bác sĩ hồi nào sao chẩn bệnh giỏi vậy. Không dưng tôi đang khỏe mạnh mà trở thành bệnh, mà bệnh nặng đến độ không đi chơi nổi). Vậy chị cho phép em rủ anh Dân đi với em nha!
Tôi im lặng hết nổi:
- Chồng cô đâu sao không rủ mà lại rủ chồng tôi?
“Nàng” thở dài thườn thượt:
- Chồng em đến chán. Ảnh có biết nhảy nhót gì đâu. Xin lỗi chị…. vì tối nay trong tiệc sinh nhật của bạn em, có tiết mục thi nhảy có chấm điểm, mà anh Dân và em nhảy rất ăn ý nên em “nhờ” ảnh đi với em. Chị không ghen chứ?
Tôi mím môi, liếc xéo “Nàng”, muốn nói “hên cho cô, tôi không phải là người có máu ghen, chứ gặp người khác thì nãy giờ cô đã bị quét ra khỏi tiệm rồi”, nhưng cố kềm lòng, cười nhẹ:
- Cô tìm anh Dân mà hỏi đi. Tôi đâu có quyền sắp xếp thời khóa biểu cho anh ấy.
“Nàng” hớn hở chạy đến bên tôi bằng đầu mũi giày để tạo dáng nhí nhảnh, rồi choàng tay ôm lấy tôi tíu tít:
- Em chưa thấy ai dễ thương và phóng khoáng như chị.
- Tôi thì “dễ thương” rồi, nhưng coi chừng, chồng cô “thương không dễ” những chuyện quái lạ như thế này đâu. Coi chừng ổng nổi cơn ghen thì cô lãnh đủ đó.
Môi dưới của nàng trề dài ra:
- Trời ơi, chồng con gì…. em kể chị nghe…
Một ý nghĩ chợt nẩy ra trong đầu. Tôi lùi lại quầy hàng, đưa tay bấm nút thu của máy cassette nhỏ đang nằm sẵn ở đó (tôi quyết chí hy sinh một băng nhạc hay để thu câu chuyện có thể còn hấp dẫn hơn cả băng nhạc trữ tình). Rồi đây, Minh Thảo sẽ chính tai nghe được lối nói năng táo bạo của “Nàng”, không thôi, mỗi lần tôi kể chuyện, chị ta lại nghi ngờ “có thiệt không đó, hay bà không ưa người ta rồi thêm mắm, dặm muối?”.
“Nàng” vẫn vô tư kể lể:
- Nói thiệt nha… em có yêu thương gì ảnh đâu mà chỉ muốn mượn đường qua đây thôi. Em vừa bắt liên lạc được với ông bồ cũ của em. Ổng biểu em bỏ chồng về Cali với ổng.
Tôi ân cần:
- Chết! cô đừng nghe lời ông ấy dụ dỗ. Cô mới được bảo lãnh sang đây, chưa có bao lâu mà lôi thôi, coi chừng ông chồng nổi giận thì cô bị trả về Việt Nam đấy.
“Nàng” vênh mặt tự đắc:
- Chị đừng lo, nếu em muốn đi thì phải có kế hoạch đàng hoàng chứ đâu có dại gì mà làm đại, làm đùa!
Tôi xuống giọng lo âu:
- Cẩn thận cô ơi! đừng có trẻ người non dạ. Khó khăn, nguy hiểm lắm chứ chẳng phải chơi đâu. Nhiều người cứ tưởng dễ, cuối cùng thì hối tiếc chẳng kịp.
“Nàng” ngửa mặt cười tự tin:
- Tại em chưa muốn thôi, chứ nếu muốn, em chỉ cần giở vài chiêu thì chồng em chỉ có nước khóc mà thôi. Từ trước đến nay, em muốn cua ai thì đừng hòng thoát khỏi tay em, còn em muốn bỏ ai thì cũng đừng van xin, níu kéo vô ích.
Tôi nhếch môi cười nhẹ:
- Tôi không biết những người đàn ông mà cô muốn cua và muốn bỏ thuộc loại người nào, nhưng thật sự là cô tự tin quá đáng. Tôi sợ có ngày có cô sẽ khóc không xong, cười không nổi.
Có lẽ thái độ xem thường của tôi làm “Nàng” nổi nóng.
- Chị không tin à!… chị dám không?… em cua anh Dân cho chị xem!
Tôi cũng bắt đầu cảm thấy “bốc khói” nên khoanh tay hất mặt:
- Nếu cô cảm thấy thích thì… xin mời!!!
“Nàng” nhìn tôi bằng đôi mắt sắc hơn dao, rồi nện gót giày bước ra khỏi tiệm.
Tôi nhìn theo cái dáng dấp nhún nhảy, khêu gợi kia cảm thấy lòng bồn chồn không yên. Dù tôi có tin tưởng Dân đến mấy, dù Dân có đứng đắn cỡ nào thì anh cũng là con người. Thầy tử vi nói, số Dân có đào hoa chiếu mệnh, nhưng anh không có tính trăng hoa và là người chồng chung thủy. Nhưng chắc gì Dân giữ được sự thủy chung khi người đàn bà lẳng lơ đó cố tình giăng bẫy. Tôi muốn nói cho Dân biết trước để đề phòng, nhưng sợ kết quả sẽ ngược lại. Biết đâu, Dân sẽ chú ý đến “Nàng” hơn.
Một bài toán nan giải!!!
****
Vừa thấy tôi bước vào tiệm, Tranh nhanh nhẩu lên tiếng:
- Hôm nay anh Kha bận việc nhà nên không đến. Chị chờ vài bữa được không?
- Khi nào Kha sẽ trở lại?
Tranh nhìn Huệ, cô thợ cắt tóc đang ngồi ở quầy tính tiền, ngập ngừng một lát rồi nói nhanh:
- Cái đó cũng khó nói!
Tôi nhìn đồng hồ rồi ngồi xuống ghế.
- Thôi, em cắt tóc cho chị cũng được. Kha bệnh à?
Tranh cười:
- Không phải bệnh mà bị vợ hành!
Không dằn được sự tò mò, tôi hỏi:
- Ủa! Kha cưới vợ hồi nào?
- Năm ngoái, thời gian ảnh về Việt Nam đó.
- Chà! bây giờ các cậu thích về Việt Nam cưới vợ trẻ quá ha.
- Không những trẻ mà còn đẹp và hấp dẫn nữa.
Tôi tròn mắt:
- Vậy là Kha tốt số quá!
Tranh thấp giọng:
- Tốt hay xấu cũng khó nói. Họa hay phúc cũng chẳng biết đâu mà lường.
- Sao bi quan vậy cậu em?
- Trời ơi! chị mà biết chuyện thì chị sẽ thấy… không phải em bi quan mà anh chủ của em thật thê thảm!
Nhìn thấy nét mặt “bi thảm” của Tranh tôi bật cười nên nói đùa:
- Thê thảm cỡ nào, hổng lẽ bị Police bắt bỏ tù!
Tranh dừng tay, nhìn tôi ngạc nhiên:
- Sao chị biết?
Tôi ngơ ngẩn:
- Biết gì?
- Chị mới nói đó.
- Hả…?
Huệ xoay ghế lại, lắc đầu ngao ngán:
- Mệt ông quá ông ơi! một là không nói, còn đã nói thì nói huỵch tẹt cho rồi. Cứ úp úp, mở mở. Ông sợ người ta nói ông là “ông tám” hả? nhưng nãy giờ ông “tám” quá trời rồi còn giấu gì nữa.
Cuối cùng thì chuyện của Kha cũng được Tranh kể lại.
Kha bảo lãnh cô vợ từ Việt Nam sang được một năm. Vì quá yêu vợ nên Kha cưng chìu hết mức. Một mặt chăm lo cho vợ có cuộc sống sung sướng ở đây, một mặt gửi tiền về chu cấp cho cha mẹ vợ, anh chị em vợ, sửa chữa nhà cửa, mở tiệm quán. Kha đã làm tất cả mọi điều để vui lòng vợ. Nhưng ân tình Kha cho đi đã không được đáp lại, mà còn bị phản bội trắng trợn. Sự phản bội bất chấp đạo đức của người vợ vô lương tâm kia đã khiến Kha bị Cảnh Sát còng tay khi cô vu khống Kha đã đánh đập, hành hạ cô ta.
Một hôm, Kha đi làm về sau chín tiếng đồng hồ làm việc mệt nhoài, vừa lăn ra giường ngủ được khoảng ba mươi phút thì có tiếng bấm chuông. Nghĩ có vợ mình đang ở ngoài bếp, nên Kha ngủ tiếp. Không ngờ, lại tiếng bấm chuông lần thứ hai. Kha lững thững bước ra thì vợ Kha đã mở cửa và Cảnh Sát ập vào còng tay Kha. Kha không hiểu chuyện gì xảy ra, chỉ thấy vợ mình đứng cạnh Cảnh Sát với những vết trầy trên cánh tay, trên cổ và bàn chân phải thì đỏ ửng lên như bị phỏng. Police nói, vợ Kha báo cho Cảnh Sát biết cô đã bị chồng đánh đập và hất chảo dầu đang sôi lên chân.
Tôi thở dài:
- Mặt mũi cô ta ra sao mà ác độc đến phát sợ.
- Đẹp lắm. Chị nhìn bên vách trái kìa, hình vợ anh Kha đó, đẹp như người mẫu vậy, phải không chị?
- “Nàng”.
Tôi bàng hoàng kêu lên.
- Chị biết cô ta hả?
****
Reng… reng… reng….
Tôi vừa nhấc điện thoại lên, tiếng nói chói tai của “Nàng” vang lên như muốn chọc thủng cái màn nhĩ của tôi.
- Tại sao chị độc ác quá vậy? Chị sợ có ngày chồng chị mê tôi, bỏ chị nên hại tôi phải không? Thằng Kha cho tiền để chị thâu băng tôi hả?… Nói cho chị biết, chẳng có thằng nào, con nào làm gì được tôi đâu. Rồi nó cũng sẽ quỳ dưới chân tôi để khóc lóc, năn nỉ tôi ở lại với nó. Hãy chống mắt mà xem…. mụ đàn bà rắn độc.
Tiếng “cụp” khô khan vang lên trong điện thoại chứng tỏ cơn giận của “Nàng” đang lên đến cực điểm. Tôi lắc đầu ngao ngán. Sự việc đã đến nước này mà “Nàng” vẫn không vứt bỏ được cái vỏ kênh kiệu, tự đắc.
***
Tranh nói nhỏ vào tai tôi:
- Chị chờ chút nghe, anh Kha đang “kẹt” điện thoại ở trong kia.
Tôi ngồi xuống ghế, hỏi khẽ:
- Kha sao rồi?
Tranh nhún vai im lặng. Tôi nói tiếp:
- Mừng cho Kha thoát nạn.
- Không biết có thoát nổi hay không. Hổm rày, bà chằng gọi điện thoại một ngày hai, ba lần. Mấy hôm nay ổng có vẻ hạ hỏa, nên nói xa nói gần rằng, cô ta trẻ người, non dạ. Em thì thấy cô ta trẻ thiệt, nhưng dạ có non hay không thì còn phải xét lại. Chị xem, cô ta bê cái chảo dầu đang chiên cá bị sút tay đổ xuống chân. Trời! thử tưởng tượng xem nó đau đến chừng nào, vậy mà cô ta vẫn còn đầu óc để chụp lấy cơ hội đó mà đổ hô cho anh Kha tạt dầu sôi vào chân cô ta. Đã vậy còn tự làm cho tay chân mình trầy trụa. Rõ ràng, cô ta đã có ý đồ từ lâu nên sắp đặt mưu kế. Một con người đáng kinh tởm như vậy mà ảnh còn thương yêu, còn bênh vực.
Có tiếng Kha từ phía trong vọng ra:
- Xin lỗi chị nghe, em tới ngay.
Tranh nhìn tôi, lắc đầu rồi bước đi. Kha chạy ra, vội vã khoác chiếc khăn choàng lên vai tôi:
- Hôm qua em có gọi điện thoại cho chị mà không gặp. Cám ơn chị đã giúp em. Luật Sư nói chỉ cần đoạn băng ghi lại cuộc đối thoại giữa chị và cô ấy là có đủ bằng cớ chứng minh em bị oan.
- Chị nghĩ đây cũng là cái hên của Kha. Vì cô ta có lối nói chuyện khác người, nên chị định ghi âm lại chơi, không ngờ có chuyện để dùng đến. Kha cũng đừng buồn, coi như đây là một bài học quý giá cho mình.
Giọng Kha như muốn khóc:
- Không buồn sao được chị. Vì yêu thương cô ta mà em làm bao nhiêu chuyện hết lòng, hết sức. Nếu không thương em thì cứ nói thẳng, sao lại độc ác đặt chuyện bất nhân hại em…
Ngoài kia, mặt trời đã lặn, tôi nôn nóng muốn ra về, nhưng Kha hình như đã quên mất không gian và thời gian. Nỗi buồn, nỗi đau của Kha vẫn tiếp tục tuôn trào không dứt….
***
Hai tháng sau tôi trở lại tiệm tóc. Kha vắng mặt. Tranh nói với tôi bằng giọng tức giận:
- Anh Kha đang tính bỏ qua chuyện này để cô ta không bị trục xuất về Việt Nam. Hồi đó, ảnh nói mấy thằng Police ngu như bò, chỉ nghe con nhỏ kia nói là đã vội vàng còng tay ảnh mà không chịu nghe giải thích. Bây giờ em thấy…. mấy thằng Cảnh Sát ngu, nhưng coi bộ ảnh cũng không khôn hơn chút nào khi tính tha cho con nhỏ đó và rước nó về nhà. Sao ảnh không nhớ cái mặt vênh vênh của nó lúc đắc thắng. Bây giờ, hết đường “binh” mới xuống nước, nhỏ vài giọt nước mắt cá sấu. Ảnh nói, tội nghiệp nó một mình nơi xứ lạ quê người, chắc có người xúi giục nên làm chuyện thiếu suy nghĩ, chứ có ai dại khờ đến nỗi đem chuyện bí mật của mình ra kể lể để bị thu băng. Con nhỏ đó… cái đầu đầy sạn sỏi, đầy mưu mô, tham vọng chứ có vừa gì. Nó không xúi người ta thì thôi, ai mà xúi được nó. Tại nó kiêu ngạo, tưởng mình ngon, nên nói cho đã cái miệng chứ dại khờ gì con nhỏ đó. Không hiểu sao anh Kha ngây thơ quá. Sao ảnh không nghĩ, nếu không có cuốn băng của chị thì bây giờ ảnh lãnh cái búa tạ rồi….
“Tình yêu như trái phá, con tim mù lòa”
Không ai biết đoạn cuối của cuộc tình phỉnh phờ, gian dối này sẽ đi về đâu?
Và cuối cùng Kha có nhận ra… ai là người dại khờ, ai là người đáng thương, đáng tội nghiệp….???
Ngân Bình