Tôi không biết những gia đình khác như thế nào, nhưng với gia đình tôi dù đông con, dù cuộc sống ngày xưa bao vất vả trăm bề, nhưng chúng tôi luôn có một tình cảm nồng ấm hạnh phúc trong gia đình. Anh chị em tôi chưa bao giờ dám cãi lời cha mẹ, luôn giữ nếp nhà như lời cha dạy. Dù sau này lớn lên cuộc sống mỗi người mỗi ngả, thăng trầm khác nhau nhưng anh em luôn hòa thuận yêu thương. Lớn lên chúng tôi trở thành những người có ý chí luôn biết tự vươn lên trong cuộc sống.
Tôi luôn nghĩ rằng tôi đã may mắn, khi được nuôi dưỡng trong tình yêu thương hy sinh của cha mẹ, từ thuở lọt lòng đã tắm trong lời ru ngọt ngào của mẹ. Tiếng hát mẹ ru tôi ngủ trong đêm khuya, trong những trưa Hè đã giúp cho tâm hồn chúng tôi an bình, hạnh phúc. Tôi tin, tình yêu của người mẹ sẽ giúp đứa con khi lớn lên tự tin hơn và sống nhân ái hơn.
Thời gian gần đây, đến những ngôi nhà có em bé, tôi vẫn luôn ngạc nhiên khi thấy giới trẻ họ không hát ru con ngủ, với tôi đó là một sai lầm nghiêm trọng. Thay vào đó họ thực hiện phương pháp “Cry-it-out” (CIO) hay còn gọi là “Tự khóc – tự ngủ” của Bác Sĩ nhi Richard Ferber giới thiệu lần đầu tiên vào năm 1985. Có hai cách áp dụng phổ biến: áp dụng triệt để và tác động dần dần. Dù là áp dụng phương pháp nào đi nữa họ cũng lờ đi khi em bé khóc, để bé khóc khản cổ, cạn nước mắt, đến khi đuối sức bé thiếp đi rơi vào giấc ngủ. Ngay từ mấy tháng tuổi họ bắt đầu cho em bé tự ngủ một mình một phòng riêng. Họ tin rằng với phương pháp này dần dần sẽ luyện cho bé tự động đến giờ ngủ sẽ vào giường ngủ và sẽ sớm hình thành tính tự lập.
Ngay từ đầu khi nghe phương pháp này tôi đã phản đối với tụi trẻ vì họ không nghĩ rằng sự thật có thể hoàn toàn khác xa với họ nghĩ. Tùy theo tâm lý tính cách bẩm sinh từng đứa trẻ sẽ có những tác động khác nhau. Họ không hiểu rằng bé sơ sinh sẽ sợ hãi khủng hoảng tột độ trong bóng đêm và sự căng thẳng xảy ra liên tục thường xuyên khi luyện em bé tự ngủ sẽ làm ảnh hưởng bộ não trong những năm đầu đời.
Tôi không bao giờ quên hình ảnh này, có một lần hai vợ chồng trẻ ở gần nhà có việc phải đi đâu đó vài tiếng, đem em bé 10 tháng tuổi đến cùng chơi với cháu tôi, dặn tôi bây giờ đã đến giờ ngủ của bé, cháu bồng bé vào nôi để bé ở một mình bé sẽ tự ngủ, cô đừng vào phòng dỗ bé, khóc cứ kệ. Nếu 10 phút bé không nín cô hãy vào ẵm bé ra ngoài để bé chơi với Alex. Phòng bên này Alex đang ngồi chơi xếp hình.
Hai vợ chồng đi rồi, tôi ngồi ở phòng bên nghe tiếng em bé khóc, lúc đầu còn nỉ non sau đó là tiếng gào, rồi những tiếng nấc đến nghẹt thở, tiếng khóc càng ngày càng hoảng loạn, em bé không ngủ, tiếng khóc của đứa bé làm trái tim tôi như vỡ vụn… nhìn đồng hồ chỉ mới 5 phút mà sao tôi thấy lâu như thế kỷ, tôi không chịu nổi nữa, tôi lao vào phòng ngủ trẻ em, trong ánh sáng mờ tối vì đóng tất cả rèm cửa, em bé đang đứng nắm thành nôi người run bần bật, mặt trắng bệch. Tôi thấy bên cạnh nôi người mẹ để lại cái điện thoại có âm thanh “gru… gru…” quái dị như tiếng máy hút gió khi ta bật lúc nấu bếp. Tôi hất chiếc điện thoại ra xa, ẵm em bé ra ngoài. Bé run rẩy ôm chặt vào cổ tôi, tiếng khóc vẫn còn nấc trong lòng ngực. Tôi xoa ngực bé, vác bé trên vai rồi hát ru cho bé ngủ. Tôi giận hai vợ chồng trẻ ấy đến run người.
Sau này nghe hàng xóm, tôi mới biết cô bé ấy luôn khóc như vậy trước khi ngủ, trong cái âm thanh quái gở mà ba mẹ cô bé nói là đọc trong sách nói nó giống như âm thanh trong bụng mẹ nên cho bé nghe sẽ dễ ngủ. Nhưng họ không hiểu rằng đứa bé không thích âm thanh ấy, nó sợ hãi; có khi khóc cả tiếng mệt quá mới ngủ thiếp đi.
Tiến Sĩ Margot Sunderland – Giám Đốc trung tâm giáo dục và đào tạo về sức khỏe trẻ em tại London, cũng bày tỏ quan điểm: “Tôi sẽ rất ngạc nhiên nếu như các bậc phụ huynh vẫn tiếp tục áp dụng phương pháp CIO sau khi đã biết được điều gì xảy ra với bộ não của con họ. Bộ não của trẻ sơ sinh rất dễ bị tổn thương, bởi trong năm đầu tiên kể từ thời điểm bé chào đời nó chưa được hoàn thiện. Lúc này sự phát triển của bộ não cực kỳ dễ bị ảnh hưởng bởi sự căng thẳng và khó chịu. Ngoài ra, những cảm xúc vui vẻ, hạnh phúc và khả năng bình tĩnh đối phó tình huống trong cuộc sống sau này của bé sẽ bị ảnh hưởng. Không chỉ vậy, việc để bé tự khóc tự ngủ còn có thể là nguyên nhân gây ra các chứng:
– Huyết áp cao
– Áp lực máu não cao
– Biến động thất thường của nhịp tim, nhịp thở, nhiệt độ
– Hệ thống miễn dịch và tiêu hóa bị ức chế
– Hormone tăng trưởng bị sụt giảm
– Ngưng thở
– Áp lực lớn trên tim dẫn đến nhịp tim nhanh. Nếu như việc này kéo dài, sức khỏe của bé chắc chắn không được bảo đảm.
Vì vậy đừng lấy làm vui mừng khi thấy con mình ngừng khóc. Ðó chỉ là một quá trình được gọi là: Cô lập – tuyệt vọng – phản kháng – cam chịu – từ bỏ”.
Những ông bố bà mẹ hãy nhớ, xin đừng trách con mình khi lớn lên là những người-robot, lạnh lùng, tàn nhẫn. Trước khi xem xét, hãy nghĩ đến việc họ đã bị cha mẹ, người thân trong gia đình đối đãi như thế nào khi còn tấm bé.
“Cry-it-out”, với tôi đó là một phương pháp ích kỷ của các ông bố bà mẹ, thậm chí tàn nhẫn khi rèn luyện thái độ lạnh lùng phớt lờ lúc nghe tiếng khóc của con mình. Hãy nhớ rằng, trẻ khóc có nghĩa là đang có vấn đề gì đó, và ta hãy tìm hiểu chúng, xin đừng mặc kệ.
Xin các bà mẹ trẻ bỏ ra ít phút để đọc bài phỏng vấn gần đây của bác sĩ nhi khoa Richard Ferber, tác giả phương pháp CIO, đã tỏ ra hối tiếc về lời khuyên mà ông đã đưa ra trước đây.
“Ôm ấp và vỗ về con khóc là bản năng của người làm cha mẹ từ nghìn đời. Sự hồi đáp và giao tiếp của bố mẹ là những viên gạch đầu tiên giúp trẻ xây dựng cảm giác an toàn, tự tin trong giao tiếp sau này”.
Các nhà nghiên cứu cũng đã chỉ ra những tổn thương về mặt thể chất và tinh thần không chỉ cho em bé mà cả với cha mẹ. Tôi nhớ, khi con tôi còn nhỏ, dù đi làm mệt mỏi, với nhiều vất vả tôi vẫn thích hát ru con ngủ, tiếng võng kẽo kẹt, hay tiếng đưa nôi luôn là hình ảnh tôi yêu thích.
Ầu ơ… Gió mùa thu mẹ ru mà con ngủ, năm canh chày,
là năm canh chày thức đủ vừa năm…
Các ông bố bà mẹ có quyền tìm ra phương pháp tốt nhất để nuôi dạy con mình, tôi tôn trọng. Riêng tôi, tôi vẫn thích những gì thuộc về trái tim, tôi không thích áp dụng phương pháp CIO, những thứ cho là hiện đại nhưng giờ đây người ta đã thấy tác hại.
Ðừng nghĩ rằng cái gì của Tây cũng luôn đúng. Có những điều họ tưởng rằng đúng, nhưng sau đó nghiên cứu họ nhận ra sai lầm và lập tức sửa đổi. Việt Nam mình thì không vậy. Hiện nay phương pháp này đang được giới trẻ, phần đông thuộc giới cấp tiến có học thức đua theo, họ không hiểu rằng phương Tây đã từ bỏ phương pháp này.
Ra nước ngoài giữ cháu, tôi không có võng đưa nôi, nhưng khi bé ngủ tôi ngồi bên cạnh xoa tay bé, kể chuyện đời xưa. Tiếng thì thầm của tôi dù bé không hiểu nhưng cảm giác an bình làm bé rơi vào giấc ngủ dễ dàng. Thường đến giờ ngủ là thời gian hạnh phúc; hai bà cháu đọc sách xong, tôi mở nhạc hòa tấu, những giai điệu du dương cùng những vuốt ve êm dịu làm bé thích thú và rơi vào giấc ngủ an lành. Tôi tin không cần phương pháp “Cry–it–out” cháu tôi vẫn lớn lên trở thành người tự tin, bản lĩnh và đầy tình yêu thương, sống tốt với cuộc đời.
Ban Mai
01/02/2020
Nguồn: https://baotreonline.com/