Với tôi trên đời có lẽ không có thứ ngôn ngữ nào hay hơn tiếng Việt Nam. Nói như vậy dường như hơi thừa thãi vì tôi là người Việt Nam. Cho dù cái thời gian tôi sống ở bên ngoài cái đất nước nhỏ xíu đó đã dài hơn gấp đôi thời gian tôi được hít thở không khí nơi mình đã sinh ra. Cho dù cái vốn liếng tiếng mẹ trong tôi khiêm nhường hạn hẹp đến độ thi thoảng phải dùng đến sự viện trợ của cuốn tự điển “Anh-Việt” hầu diễn tả những gì mình muốn tỏ bày. Ừ, lắm điều nhưng nhị đến thế nhưng trong cái đầu ngông nghênh của tôi vẫn chẳng có thứ tiếng nào sánh được với tiếng nước tôi. Chẳng có thứ tiếng nào phong phú bằng, hay đặc biệt hơn tiếng Việt Nam. Chẳng có cái ngôn ngữ nào có nhiều từ ngữ tượng hình tượng thanh đủ, có nhiều câu ví von, ca dao, tục ngữ ngọt ngào bằng … Và đặc biệt hơn hết là tôi dám chắc cả cái thế giới rộng lớn bao la này chẳng có cái ngôn ngữ nào có thể nói lái, nói ngược mà vẫn phon phon chuyên chở đầy đủ ý nghĩa xôm tụ ra trò như tiếng Việt Nam của tôi…
Dài dòng văn tự như thế để nói rằng tôi yêu tiếng Việt Nam là vậy mà tôi vẫn thích cách dùng chữ của người Mỹ hơn khi họ nói về người phối ngẫu của mình. Họ gọi người chồng/người vợ là cái “nửa kia” của mình, “my other half”, thường thì họ ngọt ngào hơn để nói “my better half”, cái nửa kia tốt đẹp hơn. Riêng tôi, từ ngày lấy anh tôi vẫn lanh chanh tự nhận mình là “his better half”, cái nửa kia … ngon lành hơn của anh (trời ơi, đâu có biết là đàng sau lưng mình người ta có khen mình hay không, nên tốt nhất là mình tự khen mình cho chắc ăn… ). Tiếng Việt Nam có một từ cũng đậm đà không kém để diễn tả tình nghĩa vợ chồng, đó là tiếng gọi “mình” dành cho người phối ngẫu. Theo tôi “mình” là một tiếng kêu vô cùng thắm thiết nhưng nó không mô tả hết được cái hình ảnh của một cuộc hôn nhân. Hôn nhân thật sự là một sư kết hợp giữa hai cái nửa thành một đơn vị nguyên vẹn. Chính vì phải gắn liền hai cái nửa từ hai cái khuôn riêng biệt (nếu không muốn nói là hoàn toàn khác biệt, như trong trường hợp của tại hạ) nên làm sao mà tránh khỏi những va chạm, trầy sướt. Nặng thì phải méo mó cả hình thù mới gắn được vào nhau, nhẹ thì cũng trầy sơn, tróc vỏ…
Vốn đã là “một nửa” thì nửa này đau, nửa kia cũng phải xót. Hôm nọ tôi làm bếp lớ ngớ thế nào mà con dao trên bàn tay phải cứa ngay một nhát vào bàn tay trái, máu ra quá trời. Miệng thì bai bải réo chồng gọi con (cái kiểu con nhà giàu đứt tay bằng con nhà nghèo đổ ruột), tay phải thì cuống quýt nắm chặt vào bàn tay trái để cầm máu. Đó phải chăng cũng là một phản ứng tự nhiên mặc dầu cái đau của bàn tay trái là do bàn tay phải vừa vô tình gây ra. Ngày tôi còn nhỏ mẹ tôi dạy mỗi lần rửa chân phải lấy bàn chân nọ chà lên bàn chân kia cho sạch. Khi tôi có con tôi dạy lại cho con như vậy, nó không chịu dùng chữ “chà lên” nhau, nó gọi đó là hai bàn chân nó “ôm” nhau. Lời của con trẻ đôi khi cũng làm cho mình suy nghĩ, đúng rồi tại sao phải “chà lên” nhau để làm cho nhau sạch trong khi “ôm nhau” cũng đạt cùng mục đích?
Nhưng đâu phải cứ là hai nửa là mình bắt chúng phải giống y hệt nhau… Cánh tay phải của tôi mỗi lần vào mùa đông thì khô da và ngứa ngáy hơn cánh tay trái. Mặc dầu những cái áo tôi mặc không bao giờ một tay dài, một tay ngắn cả. Còn chứng nhức đầu migrane kinh niên mỗi lần đến cơn đau thì nó chỉ hoành hành bên trái chứ không bao giờ bị đau cả cái đầu. Ừ, nhiêu khê là thế đấy nên tôi phải biết để mà săn sóc cho mỗi bộ phận trong người một cách khác nhau. Trời trở lạnh là thoa body lotion vào cánh tay phải nhiều hơn, có triệu chứng nhức đầu thì lấy đá chườm vào phía đầu bên trái… Dạo mới lấy nhau mỗi lần anh ốm tôi lại cuống quýt nấu cháo, nấu soup bắt anh ăn. Thuốc viên, thuốc nước đem ra đủ cả cho anh uống. Anh không chịu ăn, chịu uống thế là tôi đâm… cáu. Người ta muốn làm vợ hiền mà không cho…. Anh phải giải thích mãi rằng khi anh bệnh anh chỉ muốn nghỉ ngơi và không thích uống thuốc. Tóm lại việc làm tốt nhất tôi có thể làm cho anh là để anh… yên thân đừng quấy rầy phiền hà gì đến anh. Từ đó mỗi lần chồng bị bệnh là tôi… tà tà đi shopping, vậy là cả hai đứa đều thích! Nhưng điều đó đem áp dụng vào với tôi là có vấn đề ngay. Tôi bình thường đã thích được săn sóc, lúc trái gió trở trời lại càng đòi được chú ý nhiều hơn. Chỉ cần được bố con nó hỏi han là tôi dù có đau bịnh cách mấy cũng ráng bò dậy cơm nước. Nhược bằng không ai ngó ngàng gì đến là tôi nặng nhẹ chì chiết ngay, không ho tôi cũng rặn ra để ho rũ rượi cho điếc tai, còn nếu tôi phải tự đi lấy thuốc uống thì thể nào cũng có vài cánh cửa tủ, cửa phòng long ốc vì được tôi đóng rầm rầm “dằn mặt”… Tôi không hề nghĩ đó là tôi đòi hỏi ở anh nhiều hơn anh đòi hỏi ở tôi. Cái đòi hỏi của tôi nó chỉ khác với sự đòi hỏi của anh mà thôi. Nếu anh muốn được săn sóc tôi sẵn sàng làm cho anh, nhưng vì anh không muốn nên anh ráng chịu thôi.
Khi tôi còn trẻ dại, cách nhìn về hôn nhân của tôi đơn giản ghê lắm. Câu nói đầu môi của tôi là “không ở được với nhau thì li dị”. Hai chữ “li dị” được tôi thốt ra dễ dàng như hai tiếng “o-xịt” tôi dùng với lũ bạn tèm nhem mũi rãi năm xưa. Bây giờ khi tôi đã sắp… già và bớt khờ hơn một tí tôi hiểu được rằng đó là một quyết định vô cùng khó khăn và không kém phần đau đớn. Năm ngoái có thời gian tôi liên tiếp bị những cơn đau bụng kỳ lạ không biết phát xuất từ đâu. Sau một lô một lốc thử nghiệm khám xét, bác sĩ nghi ngờ tử cung tôi có vấn đề và khuyên tôi nên giải phẫu cắt bỏ. May quá, khi họ rạch một vết nhỏ trên bụng cho máy vô soi thì không phải. Lời chẩn bịnh đó đã làm tôi khóc sưng cả mắt đến mấy ngày mặc dầu nghĩ cho cùng thì chúng tôi không định có con nữa, cái tử cung để lại trong bụng tôi cũng có làm nên tích sự gì đâu nếu không muốn nói là nó chỉ làm choáng chỗ… bao tử. Ừ, khi đã là một phần thân thể thì bất cứ một sự cắt bỏ chia lìa nào cũng đều đem đến đớn đau nhức buốt…
Nói như thế không có nghĩa là mình cố gắng chịu đau để giữ lại tất cả cho trọn vẹn. Với tôi, đó là lý do không được lành mạnh cho lắm. Sức chịu đựng của con người cho dù có thần đồng cách mấy cũng có một giới hạn nào đó. Khi sự hy sinh trở thành bắt buộc thì nỗi buồn tủi vào những lúc khác tưởng chừng nhỏ nhoi bỗng chốc biến thành một khối nặng ngàn cân đến nghẹt thở. Sống mà lúc nào cũng… ngoi ngóp thì có còn đáng được gọi là một cuộc đời đáng sống nữa không? Mức độ chịu đau của mỗi người cũng đều khác nhau không thể cân đo so sánh được. Thằng em tôi (cũng là bác sĩ gia đình của tôi) đã than thở với mẹ tôi là:
– Mấy cô y tá của con cô nào cũng sợ phải lấy máu cho bà Đông Nghi. Vì hơi tí gì là bả kêu đau. Thật chẳng hiểu tại sao hồi đó bả đẻ được thằng J. nữa…
Nó làm sao biết được rằng ngày xưa khi tôi sinh con tôi được chích thuốc giảm đau nên tôi cười từ lúc bắt đầu đau bụng cho tới khi tôi ôm J. trong tay.
Vậy khi người ta cạn kiệt cả sự kiên nhẫn lẫn lòng thương yêu mà buộc phải cắt bỏ cái “nửa kia” của mình thì có phải người ta trở nên… khập khễnh hay không? Tôi không nghĩ như vậy. Có rất nhiều người đàn bà tôi biết sau khi gãy đổ họ đã trở nên vững mạnh hơn. Họ đã làm được những điều phi thường cho mình, cho con và cho những người chung quanh mà cái kẻ có cả hai nửa như tôi chỉ biết xoe tròn mắt khâm phục vì biết rằng mình có đi đôi hia bảy dặm cũng chẳng bao giờ chạy đến nổi cái lằn đích như thế..
Hôn nhân, hôn nhân quả là một thử thách cam go hơn tất cả những thử thách nào trên trần gian… Người ta vẫn thường khâm phục đức hạnh lành thánh của các vị tu trì và ca ngợi họ xứng đáng được vào nước thiên đàng vì những hy sinh của họ. Riêng tôi, tôi không phủ nhận những hy sinh cao cả đó nhưng tôi nghĩ nếu tôi… phe phái được với ông Thánh Phê-rô nhất định tôi sẽ nói với Ngài mở cửa thiên đàng cho tất cả những người đã từng lập gia đình nơi trần gian này vào hết, vì họ đã phải đền tội ngay trong đời sống tạm này rồi…
Hôm nọ một người bạn của chị tôi lập gia đình, tôi đùa với chị:
– Bạn của bà già háp rồi có đẻ đái gì được nữa đâu mà lấy chồng làm gì cho mệt, độc thân muốn làm gì thì làm không sướng hơn sao?
Chị tôi bảo:
– Chính vì già nên mới cần lập gia đình để dựa vào nhau mà sống.
Tôi sửa lại là “tựa vào nhau mà sống chứ không phải dựa”. Chị tôi lắc đầu mắng tôi vớ vẩn, “tựa” hay “dựa” thì cũng thế thôi. Với tôi ý nghĩa hai chữ đó khác nhau một trời một vực, “dựa” có nghĩa là “dựa dẫm”, “tựa” có nghĩa là “nương tựa”. Ở cái thời đại này đứa nào cũng có thể làm ra tiền, và đứa nào cũng có thể ra phố mua cơm chỉ về ăn… thế thì chẳng thể nào là “dựa” được. Đã là hai cái nửa thì chúng cần “nương tựa” nhau, chứ không phải “dựa dẫm” vào nhau để cái “nửa này” nghĩ rằng mình có quyền hành trên cái “nửa kia”…
Ngày tôi đi lấy chồng, mẹ dạy “kiên trì, nhẫn nhịn và chia sẻ, chỉ cần con học được ba điều đó là đời sống hôn nhân của con sẽ thành công”. Ba điều mẹ dạy nghe thật đơn giản nhưng tôi học mãi vẫn chẳng thông. Đường tôi đi đôi khi vẫn khúc khuỷu gập ghềnh. Không như thế hệ của mẹ, thời đại của tôi người ta tiến đến hôn nhân vì người ta yêu nhau. Vậy mà sao những chia lìa đổ gãy ngày càng gia tăng? Không lẽ tình yêu chỉ là thứ phù phiếm phỉnh gạt những số phận buộc chặt với nhau để dạy cho họ cảm nhận của sự đau đớn cùng cực? Chẳng lẽ tình yêu chỉ như viên thuốc bọc đường, vị ngọt chỉ hơi ở đầu lưỡi lúc ban đầu, nhưng khi ngậm lâu nó hiện nguyên hình là chất đắng thiên thu???
Có những câu hỏi không có câu trả lời.. Có những băn khoăn không dám phân tích… Có những nỗi buồn không phải của mình mà vẫn nhói đau…
(cho những người đàn bà thật nguyên vẹn mà tôi mến – cho những cái nửa còn nhọc nhằn mà tôi thương…)
Hoài Yên
11.10.2012