Ngày … tháng . . . năm
Tôi gặp chị Minh ở phòng vệ sinh trong rạp hát. Sau vài ba câu thăm hỏi xã giao chị chào tạm biệt. Ra đến cửa chị còn quay lại cười với tôi:
- Nghe nói nhà sắp có chuyện vui phải không?
- Chị nói chuyện gì?
Chị nheo mắt tinh nghịch:
- Còn làm bộ nữa. Chị đã gặp bác trong rạp hát rồi.
Tôi nhìn theo bóng chị khuất sau cánh cửa với nỗi thắc mắc trong lòng. Thật tình tôi không hiểu chị nói gì và càng ngạc nhiên hơn nữa khi nghe chị nói có gặp mẹ tôi ở đây.
Tôi trở vào rạp hát. Vừa ngồi xuống tôi lướt mắt qua từng hàng ghế. Mấy phút đồng hồ trôi qua vẫn không thấy một bóng dáng quen thuộc nào, tôi nghĩ thầm “cái bà lẩm cẩm chắc là trông gà hoá cuốc”.
Chương trình văn nghệ bắt đầu với những nghi lễ và thủ tục thường lệ. Từng người bảo trợ cho chương trình văn nghệ gây quỹ được giới thiệu lên sân khấu giữa những tràng pháo tay yếu ớt có lệ, chỉ một người duy nhất nhận được tràng pháo tay vang dội kéo dài. Cũng dễ hiểu, bởi vì số tiền của ông trao tặng nhiều hơn tất cả mọi người, vì thế những lời giới thiệu về ông cũng dài dòng hơn một chút. Thì ra, đó là một thương gia giàu có nổi tiếng ở thành phố này. Tôi có nghe tên nhiều lần mà hôm nay mới có dịp thấy mặt. Ông ở vào độ tuổi bảy mươi nhưng trông còn phong độ và khỏe mạnh với nước da hồng hào, vầng trán hói cao làm cho khuôn mặt của ông có vẻ đĩnh đạc và trí thức. Tôi nhìn ông với ánh mắt ngưỡng mộ. Một người nhiều tiền, lắm của nhưng biết dùng đồng tiền vào những việc ích lợi chung không phải đáng phục sao?
Ông trở lại hàng ghế VIP, mắt tôi vẫn chăm chú nhìn theo ông. Khi ngồi xuống, ông ghé vào tai người đàn bà bên cạnh nói nhỏ một câu gì, người đàn bà quay sang nhìn ông bằng đôi mắt âu yếm với nụ cười thật tươi. Tim tôi như ngừng đập khi nhận ra người đàn bà bên cạnh ông. Mái tóc búi cao, chiếc cổ trắng ngần trong vòng ngọc trai xinh xắn và chiếc áo dài màu tím thẫm. Mẹ. Không thể lầm lẫn được. Nhưng tại sao mẹ lại quen biết với người đàn ông này. Người đàn ông mà chưa bao giờ tôi nghe mẹ nhắc đến. Suốt buổi tối tôi không còn tâm trí để thưởng thức chương trình văn nghệ mà tôi đã chờ đợi rất lâu. Tôi theo dõi từng cử động của mẹ và người đàn ông ấy trong sự thấp thỏm với một cảm giác lạ lùng cùng bao nhiêu câu hỏi trong đầu. Chuyện gì đã xảy ra mà chị em tôi không ai biết gì cả? Tại sao chị Minh lại nói “nhà sắp có chuyện vui..”
Ngày … tháng . . . năm
Vừa bước vào nhà đã nghe tiếng Julie nheo nhéo trong máy:
- Chị Hạnh gọi cho em gấp!
Nhìn đồng hồ đã gần một giờ sáng, tôi vào phòng tắm thay quần áo, định bụng sẽ gọi Julie vào sáng mai. Nhưng chưa kịp vào giường, điện thoại đã reo inh ỏi. Tiếng Julie có vẻ hối hả và bực dọc:
- Chị có nghe tin gì không?
Câu hỏi làm tôi liên tưởng ngay đến người đàn ông ngồi cạnh mẹ trong rạp hát. Tôi ngập ngừng:
- Chuyện gì?
- Mẹ có “bồ”!!!
Tôi nghe tiếng nói của mình nhẹ như hơi thở:
- Ai nói với em?
- Con Cindy gặp mẹ một lần ở nhà hàng Olive Garden và anh Luân gặp mẹ một lần trong một buổi triển lãm tranh ở downtown. Hai người nói lâu rồi mà em không tin. Hôm qua, em sang nhà bác Tuấn lại nghe mấy người lớn xì xầm với nhau. Chuyện lớn vậy mà sao ở nhà không ai biết hết vậy… em sẽ hỏi mẹ!!!
Tôi cắt ngang lời Julie:
- Từ từ đã, muốn hỏi mẹ thì phải có thời gian kiểm chứng lại xem những điều đó có đúng một trăm phần trăm không. Biết đâu đó chỉ là bạn của mẹ. Chưa gì mà la hoảng lên coi chừng “chết” với mẹ đó.
Julie im thin thít. Tôi biết tính con nhỏ nóng nảy nhưng cũng còn biết sợ mẹ. Tôi dỗ dành:
- Thôi ngủ đi, có gì ngày mai nói chuyện sau. Nhớ! không được hỏi mẹ điều gì khi chưa biết chắc chắn nghe không.
Gác máy, tôi nằm lăn lộn cả đêm. Bố tôi mất đã hơn mười năm, lúc đó mẹ tôi năm mươi tuổi. Với dáng người cao ráo thon thả, nước da sáng và nụ cười tươi tắn mẹ tôi trông vẫn còn mặn mà ở số tuổi năm mươi. Những ngày tháng ấy chúng tôi còn quây quần bên mẹ, nên những buổi đi về mẹ cũng cảm thấy ấm cúng với đàn con. Rồi bốn anh chị em tôi ngày càng lớn, mỗi người theo đuổi một ngành học, tốt nghiệp xong thì lần lượt rời khỏi vòng tay mẹ để tìm kiếm việc làm. Cuối cùng, căn nhà ấm cúng ngày nào đã trở nên lạnh lẽo đối với mẹ, một người góa phụ cô đơn.
Cũng lâu lắm rồi chúng tôi mải mê với việc làm, với bạn bè, với niềm vui riêng tư, không đứa nào nghĩ đến việc về thăm mẹ trong những ngày cuối tuần hay đưa mẹ đi đây, đi đó trong những ngày lễ. Tôi chợt thấy ân hận. Tôi ở gần đây chứ có xa xôi gì đâu, chỉ bốn mươi lăm phút lái xe mà cũng không về thăm mẹ thường xuyên. Chẳng hạn tối nay, biết là mẹ rất thích nhạc thính phòng mà tôi cũng chỉ rủ rê bạn bè chứ không hề nghĩ đến việc mua vé mời mẹ cùng đi, cho đến khi thấy mẹ, nhìn tận mắt mẹ ngồi cạnh người đàn ông xa lạ, lòng dạ tôi mới cảm thấy xốn xang, bứt rứt. Ngày trước tôi thường quấn quýt bên mẹ, tâm sự đủ điều, bây giờ có cuộc sống riêng tư, tôi hầu như ngày càng xa mẹ. Tội nghiệp, chắc mẹ cô đơn lắm. Nước mắt tôi chợt ứa ra với nỗi hối hận len lén vào lòng.
Ngày … tháng . . . năm
Tôi đưa mẹ đi ăn trưa ở nhà hàng Tàu. Lâu lắm rồi hai mẹ con mới có dịp ăn chung. Gọi thức ăn xong tôi nắm tay mẹ:
- Lâu nay con bận bịu quá ít về thăm mẹ. Xin mẹ đừng giận con.
Mẹ nhìn tôi với nụ cười hiền hậu:
- Chỉ có con giận cha mẹ, chứ đâu có cha mẹ nào nỡ giận con.
Câu nói của mẹ làm tôi liên tưởng đến Julie “hay là Julie đã gọi điện thoại hạch sách mẹ?”. Tôi nói bằng giọng nhẹ nhàng:
- Con có gọi bé Julie nhưng không gặp chỉ nhắn trong máy, không biết nó có ra ăn trưa với mình được không.
Mẹ lấy napkin, lau nhẹ chiếc muỗng đang cầm trên tay.
- Công việc làm của Julie ra sao rồi? Từ ngày chuyển sang công ty mới nó chẳng kể lể gì cho mẹ nghe hết.
Tôi thở phào nhẹ nhõm, nhìn mẹ bằng ánh mắt đầy thương mến:
- Mẹ ơi, tụi con thiệt tệ, cứ mải miết với công ăn việc làm, chẳng đứa nào thường xuyên thăm nom mẹ. Con mong anh Trung được nhận vào hãng mới để về ở với mẹ cho mẹ đỡ buồn.
Mẹ thở dài:
- Không sao đâu, dần dần mẹ cũng đã quen. Vả lại đã có sách, có nhạc là bạn của mẹ nên mẹ cũng không cảm thấy buồn.
Đổi giọng vui vẻ, mẹ tôi khoe:
- À! Cô Anh có tổ chức một buổi thơ nhạc nên mời mẹ đóng góp một tiết mục. Mẹ còn đang phân vân không biết có nên đi hay không?
Tôi xoa tay hớn hở:
- Cô Anh ở Washington phải không mẹ? Vậy thì mẹ nên đi dự cho vui. Con sẽ tặng vé máy bay cho mẹ.
Mẹ nhìn tôi bằng ánh mắt dịu dàng như để nói lời cám ơn. Hai mẹ con dùng bữa thật vui vẻ. Mẹ cũng có dịp để nhắc lại những kỷ niệm của những ngày mẹ cùng nhóm thơ nhạc của cô Anh đi trình diễn khắp các tiểu bang. Những ngày ấy bố tôi còn sống nên lần nào ông cũng thu xếp để đưa mẹ đi. Bố hay nói đùa “bố mê mẹ không phải vì mẹ đẹp mà vì giọng ngâm thơ tuyệt vời của mẹ”. Từ ngày bố mất, cuộc sống mẹ khép kín, bà không còn tham dự những buổi sinh hoạt văn nghệ. Vì thế, khi biết ý định của mẹ tôi ủng hộ hết mình.
Ngày … tháng . . . năm
Thủy Ngọc gọi cho tôi kể chuyện đi dự buổi văn nghệ thơ nhạc. Con nhỏ khen ngợi mẹ hết lời:
- Không ngờ giọng ngâm của mẹ Thu vẫn ngọt ngào, truyền cảm như ngày nào. Bác vẫn còn đẹp và trông rất trẻ. Mình không tin là bác đã bước qua tuổi sáu mươi.
Mũi tôi nở phồng vì lời khen của Thủy Ngọc. Tôi lại có dịp khoe khoang về thành tích văn nghệ của mẹ ngày xưa. Trò chuyện cũng hơn ba mươi phút, tôi vừa định ngưng thì Thủy Ngọc hỏi tôi:
- Ông cụ đi với bác là ai thế?
Tôi ngạc nhiên hỏi dồn:
- Ông cụ nào? Sao mình không nghe mẹ nói?
Sau vài câu hỏi thăm dò, Thủy Ngọc tin lời tôi nói là thật nên tiết lộ:
- Nghe mấy người ở đây kháo nhau ông ấy là ý trung nhân của bác và hai người sắp sửa kết hôn.
Tôi suýt bật ngửa vì nguồn tin “khủng khiếp ” ấy. Tôi run giọng:
- Cô Anh nói với Thủy Ngọc hả?
- Không… à!…
Tôi khẩn thiết van nài:
- Thủy Ngọc làm ơn nói thật cho mình biết, điều này rất quan trọng đối với anh em mình.
Phân vân trong giây lát Thủy Ngọc nói:
- Thật ra, ông cụ là bố của bạn anh Thiêm, ông xã mình. Cách đây khá lâu, cô bạn này kể cho anh Thiêm nghe là bố cô quyết định sẽ bước thêm một bước nữa bằng một đám cưới vào dịp Christmas này. Hôm qua, khi đi dự văn nghệ gặp nhau, cô ấy nói với anh Thiêm “cái người mà bố tôi muốn cưới là Nữ sĩ Khuê Trang đó”. Nghe cô ta nói vậy mình lẹ miệng khoe Khuê Trang là mẹ của bạn mình. Vậy là cô ấy quay sang điều tra mình đủ thứ.
- Điều tra?
Thủy Ngọc ngập ngừng:
- Điều đó cũng dễ hiểu, vì nếu là mình, mình cũng tò mò muốn biết người sẽ thay thế mẹ mình ra sao?
Thủy Ngọc cười vui vẻ tiếp lời:
- Bồ đừng lo, mình nói tốt cho bác không hà!
Tôi cảm thấy bực mình;
- Mẹ mình tốt hay xấu thì bố cô ấy đã biết rồi cần gì phải điều tra.
- À… mà hình như… chị em cô ấy phản đối.
Tôi xẵng giọng:
- Lý do???
- Mình không biết… nhưng nghe nói ông ta giàu lắm? Chắc họ nghĩ bậy... nên sợ.
Tôi giận run người:
- Không lẽ họ nghĩ mẹ mình ham tiền nên muốn lợi dụng ông ta?
Có lẽ cảm thấy câu chuyện đã đến lúc căng thẳng nên Thủy Ngọc chào tạm biệt. Tôi bực dọc gác máy xuống và thầm nghĩ “đã đến lúc phải nói chuyện với mẹ”.
Ngày … tháng . . . năm
Tôi ghé thăm mẹ cũng vừa lúc ông cụ vừa ra xe. Cúi đầu chào ông, tôi bước vội vào nhà. Mẹ trở vào, nhẹ nhàng buông mình xuống sofa. Bầu không khí nặng nề bao trùm lấy hai mẹ con. Tôi hỏi thẳng mẹ:
- Ông đó là ai vậy?
- Một người bạn.
- Chỉ là bạn mà ông ấy lại chịu khó đi cùng mẹ sang Washington?
Mẹ tôi cười hiền lành:
- Con cái ông ấy ở bên đó nên sẵn dịp ông đi thăm luôn.
Tôi nhăn mặt, cao giọng:
- Mẹ đi chung như thế không sợ người ta dị nghị sao?
Nụ cười trên môi mẹ tắt lịm. Tôi vẫn không ngừng tấn công:
- Nghe nói con cái của ông ấy không “welcome” mẹ phải không?
-… Ai… nói với con?
- Mẹ không cần biết. Con chỉ muốn biết điều đó có đúng hay không? Ông ấy và mẹ định năm nay sẽ làm đám cưới?
Mẹ quay sang tôi nghiêm mặt hỏi:
- Nếu chuyện ấy có thật thì sao?
Tôi cố kềm giữ cơn xúc động để nói với mẹ thật dịu dàng:
- Mẹ đang có một cuộc sống yên ổn và được mọi người nể trọng, sao lại để con cái người ta nói hành, nói tỏi mẹ… Julie đã khóc với con khi biết những người thân quen đang bàn tán về chuyện của mẹ. Sao mẹ không nghĩ đến con cái…?
Giọng mẹ vang lên thật buồn bã:
- Các con bây giờ đứa nào cũng có một cuộc sống ổn định và hạnh phúc. Trong những lúc vui vẻ với bạn bè, có khi nào con chạnh lòng nhớ đến người mẹ cô đơn của mình không? Trong khi con có thể ngồi máy bay hàng chục giờ đồng hồ để thăm bạn bè ở một nước khác thì mẹ nơi đây thui thủi một mình. Dẫu sao mẹ cũng là một người đàn bà… một người đàn bà rất yếu đuối, mẹ cần một người… bạn.
Tôi cắt lời mẹ:
- Nếu ông ấy và mẹ chỉ là bạn thì đâu có gì để thiên hạ phải dị nghị... mẹ… mẹ làm tụi con mất mặt quá!
Mẹ nhìn tôi cười chua chát:
- Thì ra, con chỉ nghĩ cho con… con chỉ sợ mất mặt với bạn bè chứ không cần biết đến cuộc sống của mẹ. Những lúc bệnh hoạn, mẹ cần tụi con biết bao nhiêu, nhưng đứa nào cũng vậy, chỉ ghé qua thăm hỏi mẹ qua loa vài câu rồi thôi. Con có biết những lúc ấy căn nhà này lạnh lẽo đến thế nào không? … mẹ cô đơn lắm con ạ!!!
Cổ họng tôi nghẹn cứng và nước mắt tràn đầy trên bờ mi. Tôi cúi đầu im lặng. Làm sao có thể trách mẹ khi chúng tôi, những đứa con bé bỏng của mẹ ngày xưa đối với mẹ quá hời hợt. Nhìn bức ảnh thật to của bố mẹ treo trên tường, tôi chợt nghe lòng mình xót xa khi nghĩ đến một ngày nào đó bức ảnh này sẽ bị hạ xuống và thay thế bằng một bức ảnh khác… cũng có mẹ, nhưng vòng tay ôm ngang lưng mẹ không phải là của bố mà sẽ là của một người đàn ông xa lạ. Dẫu thế nào thì tôi -ít ra là ngay phút giây này- cũng không thể chấp nhận được sự thay thế đó.
“Bố ơi Bố hãy làm cho mẹ thay đổi ý kiến đi, con hứa con sẽ quan tâm và chăm sóc mẹ nhiều hơn…”
Tôi ra về với nỗi bất an trong lòng. Tôi không biết mình đúng hay sai khi muốn ngăn trở tình cảm muộn màng của mẹ. Tôi thật sự không hiểu đó là vì tình thương ích kỷ của một đứa con không muốn mẹ mình chia sẻ tình cảm với người khác hay chỉ vì tôi sợ dư luận, sợ người ta nói rằng… mẹ tôi đã già mà còn muốn làm cô dâu.
Ngân Bình