Tôi sống với bà nội từ lúc hai tuổi khi ba đang trong trại cải tạo và mẹ bỏ nhà ra đi. Nghe kể lại, từng ấy tuổi mà mỗi khi ai hỏi tôi, mẹ con đâu, là tôi bĩu môi, mắt liếc xéo, giọng kéo dài “bỏ nhà theo trai….. rồi”. Bà nội và cảm đám người híp mắt cười khoái trá. Như được khích lệ, câu nói ấy của tôi ngày càng dẻo, càng điêu luyện hơn, đến nỗi ai gặp tôi cũng hỏi đến cả chục lần để được nghe câu trả lời thật đáo để và dễ thương của tôi.
Khi ba được thả về, lần đầu tiên nghe tôi câu nói ấy mặt ông biến sắc. Bàn tay ông siết chặt lấy cái cằm nhỏ xíu của tôi giọng đanh lại:
- Không bao giờ được nói như vậy nữa nghe chưa!
Bà nội phun xoẹt một bãi trầu vào chiếc lon, chua chát:
- Nó là con nít mà… biết sao thì nói vậy.. có gì đâu!
- Nếu má còn dạy nó nói những điều không tốt lành con sẽ đem nó đi ở chỗ khác.
- Nhưng… nó nói đâu có sai!
- Má!
Tiếng kêu đầy thất vọng và đau đớn của ba làm bà nội im bặt. Từ đó, không còn dám ai hỏi và theo thời gian câu trả lời cũng bị quên lãng trong trí óc non nớt của tôi. Cũng từ đó mọi thông tin về mẹ đều bị khóa chặt. Có ai tin rằng, từ bé cho đến lớn tôi chưa bao giờ được nhìn thấy một tấm ảnh nào của mẹ không? Đó là sự thật. Và cũng vì thế mà tôi không thể nào hình dung được mặt mũi, vóc dáng của mẹ. Duy nhất chỉ một lần tôi nghe Thím Duy nhìn tôi rồi bất chợt nói, con nhỏ này càng lớn càng giống mẹ nó. Tôi ngồi bật dậy. Nhưng chưa kịp hỏi câu nào Thím đã quày quả bỏ đi. Năm đó tôi mười ba tuổi.
Có lần tôi tha thiết van xin Thím nói cho tôi nghe những gì Thím đã biết về mẹ tôi, nhưng Thím lắc đầu nói, con về hỏi nội đi. Dĩ nhiên là tôi không bao giờ dám hỏi điều đã bị ngăn cấm. Những gì tôi vừa kể trên là nhờ sự buột miệng tình cờ của thím Duy mà tôi biết được.
***
Chị Diệp Bình đưa cho tôi một tấm ảnh trắng đen đã ngả màu. Chị chỉ người đứng giữa, cạnh thím Duy, vóc dáng mảnh khảnh với mái tóc dài trong số bốn cô nữ sinh đang núp dưới tàn cây phượng vĩ.
- Mẹ em nè!!!
Tôi nhìn trân trối vào đó, không khóc mà nước mắt cứ ứa ra.
- Thật không chị? ở đâu chị có tấm ảnh này?
Chị Diệp Bình ngả người ra phía sau cười to:
- Vậy mới hay chứ!
Rồi chị ngồi bật dậy, nhìn sâu vào mắt tôi:
- Quế Lam biết không… suốt quãng đường bay mười mấy giờ đồng hồ chị cứ miên man nghĩ về em. Thật tình chị không hiểu em. Tại sao em có thể nghe lời của bà nội và ba em một cách tuyệt đối mà không hề tìm hiểu chút nào về những gì đã xảy ra cho mẹ mình?
Tôi bối rối cúi đầu:
- Em cũng không biết. Có thể… do em không có một ấn tượng nào về mẹ, cũng có thể vì em… ù lì, ngu ngốc.
Tôi bật khóc vì tủi thân. Chị Diệp Bình vuốt tóc tôi an ủi:
- Không phải em ngu ngốc mà là quá hiền lành và an phận. Chị thì không, mọi chuyện xảy ra cho chị, chị phải tìm hiểu đến nơi, đến chốn chứ không chịu thua.
Tôi lau nước mắt rồi nhìn chị chờ đợi. Chị lại nghiêng đầu thắc mắc.
- Con nhỏ này thiệt… không nôn nóng chút nào về tin tức của mẹ à?
- Dạ có… em đang chờ nghe chị nói đây!
Chị lắc đầu với nụ cười dễ dãi.
- Sau khi đưa tiền cho cô Út của em chị lân la hỏi thăm và xin được địa chỉ của thím Duy như em đã dặn. Ngày hôm sau chị tìm đến nhà thím. Tội nghiệp, thím Duy nghèo lắm, chị đưa một trăm đô, nói là của em gửi, thím cảm động đến rơi nước mắt và đây là những gì thím tiết lộ về mẹ em. Ngày xưa mẹ và ba em ở cùng một xóm. Khi biết hai người yêu nhau, bà nội em không bằng lòng. Bà chê ngoại em buôn gánh, bán bưng không xứng sui với bà. Nhưng ba em đã bất chấp sự ngăn cấm của bà nội, vẫn tìm đến với mẹ em. Dĩ nhiên, bà nội không chấp nhận một người con dâu mà theo bà rất hư hỏng, vì chưa có đám cưới đã mang thai. Tệ hơn là bà còn đi rêu rao khắp nơi rằng đứa con trong bụng mẹ không phải là con của ba em. Nhưng sau khi em chào đời được khoảng sáu tháng, nhìn thấy em giống ba không sai một nét, bà nội mới chấp nhận cho ba mẹ em về sống chung. Vì gia đình bên ba em hiếm hoi con gái, nên em trở nên quý báu trong mắt bà nội. Tuy vậy, trong thâm tâm bà chỉ muốn cháu nội chứ không muốn con dâu. Trong thời gian ba em đi cải tạo thì mỗi khi có giấy báo thăm nuôi, bà luôn giành đi với cô Út mà không cho mẹ em theo, viện cớ là vì em còn nhỏ, mẹ phải ở nhà săn sóc em. Suốt một năm dài như thế, mẹ em chỉ biết khóc chứ không dám cãi lời. Mẹ em rất nhút nhát và hiền lành, nhưng vì nghèo túng nên phải theo thím Duy đi khắp nơi để buôn hàng lậu kiếm tiền nuôi gia đình. Có một ngày, mẹ em vừa mang hàng về nhà thì tối đó một anh công an phường là cháu họ xa của bà nội đến bắt. Anh ra điều kiện mẹ em phải trốn đi tức khắc và không được trở về, nếu không anh sẽ bắt bỏ tù. Vì làm chuyện phi pháp nên mẹ em sợ hãi phải trốn đi, nhưng khi mẹ em xin bà nội cho mang em theo thì bà từ chối, đã vậy bà còn gán tội mẹ em có tình nhân nên cấm không được trở lại thăm em. Thím Duy biết mẹ em bị đổ oan, vì thím luôn đi cùng với mẹ em trong những chuyến buôn nên biết rõ, nhưng không làm sao giúp đỡ vì Thím cũng là con dâu của bà nội và sợ bà nội hơn ai hết. Khi ấy bà nội lại nói với ba em rằng mẹ em cặp bồ với người tài xế chở hàng, nên cả năm nay, dù bà nội nhiều lần năn nỉ mẹ em cũng không chịu đi thăm ba. Sau đó, bà nội mang em lên Saigon sống với bác Liêng. Mẹ em có lén trở về tìm em, nhưng thím Duy cũng không biết địa chỉ của bà nội. Mẹ em chỉ còn biết ôm mặt khóc và ra đi trong nỗi tuyệt vọng. Thế là từ đó thím Duy mất liên lạc với mẹ em.
Nước mắt tôi rơi lả chả theo từng câu nói của chị Diệp Bình. Có lẽ vì ba căm giận mẹ phản bội nên ông không bao giờ cho tôi nhắc đến mẹ. Còn bà nội, vì từ nhỏ không có mẹ, nên bao nhiêu tình thương tôi dồn hết cho bà, đâu ngờ bà lại cay nghiệt với mẹ tôi như thế.
- Thím Duy nói hồi đầu năm thím có gặp lại người bạn học ngày xưa và được biết mẹ em hiện đang ở trong một cái chùa nhỏ ở làng quê. Sau đó, thím có cùng người bạn đi thăm mẹ em. Thím nói mẹ em trông rất già và yếu đuối bệnh hoạn, thật tội nghiệp …
Trầm ngâm một lúc chị Diệp Bình quay sang hỏi tôi:
- Em nghĩ sao về câu chuyện của thím Duy kể… em có tin những gì thím Duy nói không?
Tôi hoang mang, ngập ngừng với câu hỏi bất ngờ của chị Diệp Bình.
- Em… cũng không biết nữa!
- Trời! con nhỏ này… cái gì cũng không biết là sao? Nếu tin thì về Việt Nam một chuyến để thăm mẹ. Còn không tin thì cũng phải về để tìm hiểu thực hư ra sao. Em đã trưởng thành, hai mươi bốn tuổi rồi chứ đâu phải hồi lên bốn lên năm mà ai nói sao cũng nghe.
Chị Diệp Bình đứng dậy, đưa hai ngón tay cốc lên đầu tôi một cái rồi bước ra cửa sau khi dặn dò:
- Cần chị giúp thì cứ việc gọi, kể cả việc…. đi tìm mẹ em.
Tôi nhìn theo chị, thầm cảm ơn Chúa đã cho tôi được gặp chị Diệp Bình, một người vừa là bạn vừa là chị, thật tốt lành.
Tôi quen chị Diệp Bình sau hai năm cùng ba qua Mỹ theo diện H.O. Khi ấy ba phải nằm điều trị trong bệnh viện do tai nạn lao động trong hãng làm gãy cột sống. Chị Diệp Bình là một thành viên của tổ chức thiện nguyện rất năng nổ trong mọi hoạt động. Ai gặp khó khăn gì chị cũng hết lòng giúp đỡ, không ngại tốn kém tiền bạc và công sức. Thấy tôi chỉ có một cha, một con mà tiếng Mỹ lại không rành chị đã tận tình chỉ dẫn mọi việc. Sự hăng hái và nhiệt tình của chị khiến nhiều lúc tôi có cảm tưởng chị làm cho chính bản thân chị chứ không phải cho tôi. Điều này làm tôi rất quý mến chị và không ngại ngùng tâm sự với chị những điều riêng tư. Ngược lại chị cũng thương tôi như đứa em ruột thịt nên không khỏi quan tâm và thắc mắc khi có lần tôi nói với chị “em không biết mẹ em là ai?”. Cũng vì thế mà nhân dịp về Việt Nam thăm gia đình chị đã giúp tôi tìm hiểu những điều mà tôi còn rất mơ hồ về mẹ mình.
***
- Mày giống con gái mẹ mày quá mà!
Tôi quay lại nhìn bà nội cười nhẹ:
- Giống mẹ là xấu hay đẹp vậy bà nội?
Tiếng nói của bà nội phát ra sau hai hàm răng khít rịt:
- Là hư hỏng…
Tôi tiếp lời một cách từ tốn:
-… là xấu xa nữa phải không nội? vậy mà nhiều lần con nghe nội nói với người ta rằng con Quế Lam ngoan ngoãn, giỏi giang lắm, nhà này nhờ một tay nó. Vậy thì khi đó con có giống mẹ không?
Có tiếng ba tằng hắng. Không quay lại tôi cũng biết phía sau tôi là ánh mắt nghiêm khắc của ba, trong khi bà nội giận dỗi bỏ vào phòng. Nhịp tim tôi đập loạn xạ, hai bàn tay lạnh ngắt, nhưng tôi nhủ thầm, phải can đảm lên, nếu ngày hôm nay không nói chuyện với ba thì có lẽ chẳng bao giờ tôi dám nói những điều tôi phải nói.
Hít một hơi thật mạnh, tôi cố gắng giữ giọng nói của mình thật rắn rỏi:
- Con muốn hỏi ba về… mẹ con…
Ba đứng phắt dậy:
- Đã nói… đừng bao giờ nhắc đến chuyện đó!
- Tại sao?
Ba nhìn sững tôi. Hẳn ba rất ngạc nhiên, vì hai mươi mấy năm nay tôi không bao giờ đặt câu hỏi -tại sao?- mà bây giờ lại dám cật vấn ba.
- Con nghĩ… con đã trưởng thành, con cần biết những gì đã xảy ra cho người mẹ đau khổ của con.
- Người mẹ đau khổ? sao con biết bà ấy đau khổ? Ai đã nói với con điều đó?
Tôi nói mà nghe giọng mình run nhẹ:
- Chính mẹ nói với con!
Ba tròn mắt nhìn tôi đầy hoảng hốt:
- Con… con nói cái gì?
- Dạ… Hai tuần trước con nói với ba con đi huấn nghiệp ở Virginia… Thật ra là con về Việt Nam thăm mẹ… Con xin lỗi đã nói dối ba. Nhưng…. con muốn biết rõ vì sao mẹ nỡ bỏ con!!!
Ba nhìn tôi mặt đỏ gay:
- Ai xúi con làm điều này?
- Ba! năm nay con hai mươi bốn tuổi rồi, đã tốt nghiệp Đại Học và đã có việc làm… Nghĩa là con có đủ trí khôn để suy nghĩ và tìm hiểu những điều từ lâu lắm không ai nói cho con biết. Con nghĩ rằng đã đến lúc ba không nên buộc con phải tuân lời ba là không được nhắc đến mẹ… Phải không ba?
Ba im lặng đưa mắt nhìn ra ngoài cửa sổ. Tôi cảm thấy tự tin hơn nên bước đến cạnh ba, quỳ xuống:
- Xin ba cho con biết, vì sao con không được phép nhắc đến mẹ!
Ba vun hai tay, nói như hét:
- Vì bà ấy không xứng đáng. Bà ấy là một người đàn bà nhẫn tâm… không những bỏ chồng… mà còn bỏ cả con.
Ba gục đầu vào cánh tay thở những hơi nặng nề. Chưa bao giờ tôi thấy ba xúc động như thế. Tôi nhớ lời chị Diệp Bình dặn dò… phải thật bình tĩnh và từ từ khơi động để ba nói lên tất cả nỗi ẩn ức trong lòng ông suốt gần hai mươi năm nay.
- Có khi nào ba gặp lại mẹ con để hỏi xem vì sao mẹ lại nhẫn tâm như vậy không?
- Hỏi để làm gì?
Tôi quay lại. Bà nội đã đứng sau lưng tôi tự bao giờ. Tôi ươn ngạnh trả lời:
-…. Để xem những điều ba con nghe từ những người khác có đúng sự thật không?
Bà nội nhìn chăm chăm vào mắt tôi. Đôi môi già mấp máy, run rẩy vì giận dữ:
- Mày nói vậy là sao? Có phải mày muốn nói bà nội đặt chuyện nói oan, nói ức cho mẹ mày không?
- Bà nội có dám chắc là mẹ con không bị đổ oan không?
Bà nội ngã lăn xuống ghế, vật vã:
- Trời ơi! ngó xuống mà coi…. mẹ nó bỏ bê nó, tôi cực khổ nuôi nấng nó từ nhỏ đến lớn mà bây giờ nó vu oan, giá họa cho tôi nè trời. Bản! mày nghe con mày nói không?
Ba tôi ngồi đó như người mất hồn. Có lẽ không bao giờ ông nghĩ rằng, một đứa con hiền lành, ngoan ngoãn lúc nào cũng tuân thủ mọi mệnh lệnh của ông giờ đây lại ngổ ngáo như vậy.
- Thưa bà nội! công ơn nội nuôi dưỡng, thương yêu con mấy mươi năm nay lúc nào con cũng ghi nhớ… và con dám nói… trong cuộc đời con, nội là người con yêu thương nhất…
Bà nội ngồi bật dậy, xỉ tay vào mặt tôi:
- Vậy chớ bây giờ mày nghe lời ai xúi giục mà giở giọng vong ơn, bội nghĩa… mẹ mày là con đàn bà không ra gì…
- Mẹ con làm gì để bị bà nội kết tội như vậy!
- Hừ! cả năm trời ba mày bị tù tội cực khổ, nó chẳng màng lo lắng, thăm nom… đã vậy còn cặp xách với người khác làm ba mày phải mang nhục.
Tôi đứng thẳng người lên:
- Nội có chắc là mẹ con không muốn đi thăm ba hay tại nội không cho mẹ con đi?
Tôi nghẹn ngào bật khóc:
- Mẹ con thật sự cặp xách với người khác hay chỉ là bản án nội máng vào cổ mẹ con?
Ba bất ngờ nhào tới với cánh tay giang thẳng. Tôi không tránh kịp nên lãnh trọn cái tát nháng lửa.
- Đồ mất dạy! Mẹ mày nhồi nhét vào đầu mày những điều điêu ngoa đó hả?
Tôi vừa xoa má vừa quệt nước mắt:
- Mẹ con không nói, không dạy gì con hết. Mẹ con chỉ có khóc và khóc, như suốt mấy mươi năm nay mẹ con đã khóc một mình, khóc lặng lẽ âm thầm. Nếu mẹ con là người điêu ngoa thì liệu mẹ con có cam lòng cúi mặt, chấp nhận những tai tiếng xấu xa mà mẹ con không hề làm không?
Bà nội quắc mắt nhìn tôi. Cái nhìn mới đáng sợ làm sao. Tôi lùi ra phía sau nhìn chăm chăm vào mắt bà nội để mường tượng ra hình ảnh người mẹ tội nghiệp của tôi cả nửa đời người phải sống trong nỗi bất hạnh với sự oan ức không thể giãi bày. Nếu không có chị Diệp Bình và những thắc mắc, hoài nghi về hoàn cảnh gia đình tôi thì có lẽ không bao giờ mẹ được gặp lại tôi để kể cho tôi nghe những nghiệt ngã đớn đau mà mẹ phải nhận lãnh.
Lần chị Diệp Bình về Việt Nam tôi đã nhờ chị mang một số tiền về cho cô Út trị bệnh theo lệnh của bà nội. Chị Diệp Bình gọi điện thoại cho biết, cô Út không bệnh hoạn gì cả mà chỉ viện cớ để xin tiền của nội -mà nội thì làm gì có tiền, ngay cả tiền trợ cấp xã hội dành cho người già, nội còn không hội đủ điều kiện để xin. Chính tôi phải cáng đáng khoản tiền đó mỗi tháng. Chị Diệp Bình nói thêm, cô Út và thằng con trai chẳng làm gì, chỉ ở không chờ tiền bên Mỹ gửi về. Lâu lâu, lại đặt chuyện đau ốm hoặc một tai nạn bất ngờ gì đó để xin tiền và tiền đó được dùng để mua sắm những đồ xa xí phẩm hoặc trả nợ bài bạc của cô Út. Những điều ngoài sức tưởng tượng đó khiến tôi đùng đùng nổi giận, nhưng chị Diệp Bình nói rằng, chính những yếu tố này sẽ giúp cho tôi biết được rất nhiều chuyện tôi muốn biết.
Thế là chuyến về Việt Nam vừa rồi tôi hứa sẽ cho cô Út một ngàn đô nếu cô cho tôi biết tất cả sự thật về sự ra đi của mẹ tôi. Đúng là có tiền mua tiên cũng được. Nghe nói đến tiền mắt cô sáng rỡ và không ngần ngại kể lể mọi sự, ngay cả những điều không tốt lành của bà nội đối với mẹ tôi cô cũng chẳng cần giấu giếm.
Nghe lời chị Diệp Bình căn dặn tôi đã kín đáo thâu băng tất cả những gì cô Út nói để làm bằng chứng. Rồi khi cùng thím Dung lặn lội về miền quê hẻo lánh thăm mẹ tôi chỉ còn biết khóc cho số phận hẩm hiu của người mẹ tội nghiệp. Bà dì Năm nói với tôi, từ khi bị đuổi ra khỏi nhà, mẹ về đây sống với bà dì một cuộc sống thật đơn độc, quạnh hiu, không thiết gì đến chuyện đời. Tôi cầm bàn tay xương xẩu của mẹ, nhìn khuôn mặt gầy gò già trước tuổi của mẹ mà đau thắt trong lòng. Bà Dì Năm cho biết, mẹ bị bệnh lâu ngày mà không có tiền chạy chữa thuốc men nên giờ đây đã trở thành căn bệnh bất trị.
Tôi hết lời thuyết phục mẹ mới đồng ý cho tôi đưa mẹ lên Saigon tá túc ở nhà Thím Duy để trị bệnh. Theo bác sĩ thì sự sống của mẹ chỉ tính từng ngày. Tôi vô cùng đau đớn và lo lắng, nhưng dù thế nào tôi cũng phải trở về Mỹ vì đã hết ngày nghỉ phép, sau khi để một số tiền nhờ thím Duy thay tôi săn sóc mẹ. Ngày chia tay, tôi ôm thân hình gầy gò của mẹ trong tay mà nước mắt rơi như mưa. Mẹ không trách bà nội, không trách ba một lời, chỉ cảm tạ ơn trên đã nghe lời cầu xin của mẹ cho mẹ được gặp lại đứa con gái thân yêu trong những ngày cuối đời.
Đưa tôi ra phi trường, thím Duy cầm tay tôi ân cần dặn dò:
- Thím sẽ chăm sóc mẹ chu đáo, con đừng lo. Nhưng có một việc quan trọng, nếu con làm được chắc chắn mẹ con sẽ rất mãn nguyện…
- Là việc gì vậy thím?
-Bằng mọi cách con hãy nói cho ba con biết rõ mọi chuyện rồi đưa ba về gặp mẹ một lần. Mẹ con đau khổ cả đời… thím biết, bây giờ mẹ con chỉ mong mỏi điều đó.
Tôi siết chặt bàn tay thím Duy, hứa trong nước mắt:
- Con tin là con sẽ làm được việc này.
Nhưng bây giờ thì tôi không còn tin tôi sẽ làm được việc này. Chị Diệp Bình đã nói với tôi, người già rất bảo thủ, họ không bao giờ nhìn nhận mình đã lầm lỗi, nếu tôi không khéo léo để chạm vào băng điểm đó thì mọi việc sẽ trở nên tồi tệ. Lời tiên đoán của chị không sai, vì tôi đã thất bại hoàn toàn trong việc thuyết phục ba. Mọi sự đã đi ngoài dự tính của tôi. Tôi chỉ định nói chuyện với riêng ba và đánh động trái tim ba bằng tình cảm, bằng thái độ ôn hòa. Tôi không nghĩ rằng mình phải đối phó với bà nội để chính tai nghe bà xỉ vả mẹ tôi nặng nề. Và chính điều đó khiến tôi mất bình tĩnh vì cảm thấy như chính mình đã làm cho mẹ bị tổn thương. Tôi vào phòng lấy máy thu băng đặt lên bàn, nói:
- Mời ba nghe những lời cô Út nói với con để biết mẹ con là người đáng thương hay đáng tội.
Tiếng cô Út vang lên sang sảng. Cô nói đến đâu mặt bà nội xanh đến đó. Ba thì đứng yên như trời trồng. Còn tôi cúi mặt xót xa cho cái thảm cảnh của gia đình mình. Cuối cùng, cái máy bị bà nội gạt văng xuống đất. Bà tru tréo như là người bị oan ức:
- Con ơi! bà nội thương yêu cưng chìu con từ nhỏ cho tới lớn, hứng hết mọi cực khổ cho con được sung sướng để bây giờ con đối xử cạn tàu ráo máng với bà nội vậy sao?
- Con… con…
Tôi không biết nói sao về hành động của mình, chỉ quỳ xuống khóc nức nở.
- Con không biết… sao nội lại có thể đối xử với mẹ con tàn nhẫn như vậy? mẹ có tội gì chứ? Nội ác quá!
Bà nội gào lên:
- Ừ! tao ác đó, cha con mày xử tội tao đi. Bắn tao đi, giết tao đi. Có con, có cháu như lũ bây tao cũng không muốn sống làm gì nữa.
Bà nội lăn xuống đất, một tay đấm vào ngực thình thịch, một tay tự bóp cổ mình, vừa ho, vừa khóc trong tiếng rên xiết không ngừng. Ba quýnh quáng bảo tôi gọi điện thoại cứu cấp. Tôi thừa biết bà nội chỉ giả bộ để làm tình, làm tội cha con tôi nên đứng im. Ba giận dữ bước tới, dùng chân đạp nát cái máy thu băng nhỏ bằng nắm tay. Tất cả những gì xảy ra dưới mắt tôi lúc ấy như một hoạt cảnh thật…. khôi hài, vì cả bà nội và ba đều muốn khỏa lấp những sai trái của mình.Tôi muốn nói “nội và ba còn nợ mẹ con một lời xin lỗi” , nhưng nghĩ lại tôi vội vàng bước đi để mọi việc đừng xảy ra một cách tồi tệ hơn.
Đêm đó tôi đến nhà chị Diệp Bình và ở lại. Tôi thật sự không dám đối diện với nội và ba. Không phải vì sợ, mà vì cái cảm giác hụt hẫng, thất vọng, đớn đau đối với hai người tôi đã từng kính trọng, thương yêu và soi vào họ như một tấm gương sáng cho cuộc sống của mình.
Cũng đêm đó tôi nhận được điện thoại của Thím Duy vào nửa khuya.
Hai hôm sau tôi ra phi trường để về với người mẹ đang hấp hối trên giường bệnh. Trước khi lên phi cơ tôi gọi điện thoại cho ba nhưng ông không bắt máy. Có thể ông đang bận. Cũng có thể ông còn giận tôi. Tôi chỉ để lại câu nhắn “Con đang chờ phi cơ để về gặp mẹ lần cuối. Nếu lần cuối cùng này có mặt ba thì coi như con đã thực hiện được ước nguyện lớn lao nhất của mẹ, người mẹ bất hạnh của con”.
Cuối cùng…
Cho đến ngày chôn cất mẹ xong ba vẫn không trở về.
Tôi không phải là ba nên không hiểu được những suy nghĩ của ông.
Theo tôi, có lẽ ba hổ thẹn không dám gặp mặt mẹ vì ngày xưa đã nghe lời bà nội mà kết tội mẹ một cách nông nổi, vội vàng.
Theo chị Diệp Bình, có lẽ do áp lực của bà nội. Chị nói, bà nội không công khai nhận lỗi nhưng trong lòng ít nhiều vẫn có mặc cảm và hành động lồng lộn của bà là để che giấu cái mặc cảm đó. Dĩ nhiên là bà sẽ không ăn, không uống và có thể đòi chết nữa. Bà nội làm cho ba không dám làm điều mà chị nghĩ là ba rất muốn.
Nhưng dù với lý do gì đi nữa thì người thiệt thòi, mất mát lớn nhất vẫn là tôi.
Tôi mãi mãi mất đi một người mẹ thương yêu mà phải hơn hai mươi năm mới tìm gặp. Tôi còn bà nội và ba, hai người thân yêu nhất trên đời. Nhưng từ bây giờ, trong tình cảm sâu đậm ấy đã có một vết chàm xấu xí mà dù có gột rửa cách nào cũng không bao giờ mất dấu.
Tôi chỉ còn biết cầu nguyện. Cầu nguyện cho tâm hồn mình bình an hơn, thanh thản hơn để một ngày không xa tôi có thể mở cửa căn nhà cũ, bước vào bên trong bằng cõi lòng nhẹ nhàng với giọng nói reo vui như ngày còn bé thơ:
- Bà nội ơi! ba ơi! con về nhà rồi nè!!!!
Ngân Bình