Ảnh: NTN
1.-
Suốt từ chiều tôi cứ ngơ ngẩn như người mất hồn. Không biết bao nhiêu lần mẹ hỏi:
- Con làm gì mà cứ y như ngồi trên đống lửa thế Nhã Khanh?
- Dạ! con có chút chuyện… chuyện nhỏ thôi… nhưng mẹ biết mà, tính con hay lo.
Mẹ lắc đầu ngao ngán:
- Cứ như thế nên tâm lúc nào cũng bất an. Bảo tập thiền mà chẳng nghe. Chán!
Tôi chấp tay hứa hẹn sau cái liếc mắt của mẹ:
- Dạ, con sẽ sắp xếp thời gian để tập.
Nhìn mẹ thoăn thoắt bước lên cầu thang tôi chợt nghĩ “phải nói cho mẹ biết” và buột miệng gọi:
- Mẹ…
Nhưng khi mẹ quay lại tôi lại phân vân “khoan… phải chờ” nên nở nụ cười ve vuốt:
- Mẹ ngủ sớm đi ạ!
Mẹ nhíu mày, lắc đầu, chắc đang thầm nghĩ “con bé này quả là không ổn”. Tôi tắt đèn rồi bước vào phòng, ngồi xuống sàn, thẳng lưng xếp bằng, hai tay đặt trên đầu gối, nhắm mắt tập trung vào hơi thở. Một hít vào. Hai thở ra. Ba hít vào. Bốn thở ra. Phải làm sao? Mình có nên gặp chú ấy không? Có nên cho bố biết?… Ối! cái tâm lại nhảy lung tung. Trở lại, trở lại mau. Loanh quanh, lẩn quẩn một hồi đành chịu thua. Tôi buông mình xuống giường nhưng không phải để ngủ mà để tiếp tục thả ý nghĩ đi hoang…
2.-
Bố gác đũa, tặng con gái câu khen ngợi:
- Ngon! cám ơn món bún chả Hà Nội rất tuyệt của con gái.
Tôi mở lon Coke, rót ra ly đưa cho bố. Mẹ vói tay giằng lấy rồi đẩy tách trà xanh đang bốc khói về phía bố:
- Ăn món này xong thì phải uống nước nóng, không thôi nó lại đóng mỡ vào thành mạch máu thì khổ.
Bố cười khà khà:
- Thứ trà ấm này làm sao đủ sức phá nổi cái thành vách xây bằng mỡ hở bà!
- Vậy thì phải kiêng cữ. Già rồi mà cứ ăn uống thả dàn thì có ngày lại vào viện như em ông Thán.
- Ông Thán nào?
Tôi vội vàng chớp lấy cơ hội:
- Dạ bác Thán là chồng của bác Vân, người mà con đang chăm sóc qua dịch vụ “Home care” đó bố. Từ ngày em bác Thán nhập viện, hôm nào bác cũng đến bệnh viện chăm sóc cho người em. Nhìn hai anh em đầu đã bạc mà quấn quít, lo lắng nhau thật dễ thương. Mỗi khi chú ấy bị cơn đau hành hạ, bác xoa chân, bóp tay cho chú, miệng mếu máo “Mi đừng bỏ tau nghe Thành”. Nhìn cảnh ấy ai mà không cảm động, phải không bố. Bác Thán nói với con “Bây giờ, người thân đâu còn ai ngoài hai anh em, bác cầu xin Ơn Trên cho nó qua khỏi cơn bệnh ngặt nghèo để anh em nương tựa nhau mà sống cho vui tuổi già”.
Bố trầm ngâm một lúc rồi chậm chạp đứng lên. Có tiếng thở dài buông ra khe khẽ.
3.-
Vừa bước vào nhà bếp tôi thấy bố đang loay hoay với cái chảo con và quả trứng trên tay.
- Bố! sao không gọi con. Để con làm cho.
Bố cười hiền từ:
- Ừ… thì… thỉnh thoảng bố muốn chiên xào một chút cho vui đấy mà.
Vừa đưa tay kéo ghế, bố vừa hỏi:
- Em của ông Thán ra sao rồi?
Tôi lắc đầu:
- Chắc không qua nổi bố ơi. Bệnh càng ngày càng nặng. Bác ấy không nói được nữa, cứ giương mắt nhìn bác Thán mấp máy đôi môi mà nước mắt tràn trề. Mỗi lần như thế bác Thán lại bước vội ra ngoài, dựa lưng vào tường thút thít khóc. Con nhìn thấy mà thắt cả tim. Hình như lúc về già anh em thương nhau nhiều hơn hồi trẻ phải không bố? Những lúc con đưa bác Thán đi, bác hay kể lại những kỷ niệm thưở bé thơ của hai anh em bằng nụ cười rạng ngời hạnh phúc. Bác khoe với con, hai anh em mất mẹ sớm, bị dì ghẻ đối xử khắc nghiệt nên lúc nào cũng đùm bọc, che chở, bênh vực lẫn nhau. Đến khi có vợ con rồi anh em vẫn gắn bó không rời là nhờ hai bác gái tốt lành, hiền hậu nên gia đình rất thuận thảo. Thật là quý phải không bố?
Bố im lặng. Tôi đặt đĩa trứng chiên xuống bàn.
- Bố chờ con nướng bánh mì.
- Thôi con ăn đi. Bố chẳng muốn ăn nữa. Bố về phòng đây.
- Sao thế bố?
Bố khoát tay, lắc đầu. Tôi nhìn theo, chợt nghĩ “Có phải bố muốn được một mình để quay ngược về quá khứ?”.
4.-
- Có chuyện này con muốn hỏi bố, có được không ạ?
- Chuyện gì mà rào đón kỹ thế con gái?
Tôi hồi hộp:
- Bao nhiêu năm rồi mình không gặp chú Cẩn hở bố?
Ngay lập tức nụ cười tắt trên môi bố. Một khoảng lặng không dài nhưng đủ cho tôi hiểu cái khó khăn trong câu trả lời.
- Bố cũng không nhớ rõ…
- Con nhớ, hồi ấy con mới mười chín tuổi mà bây giờ con đã…
- Thôi con, chuyện cũ nhắc lại chỉ thêm buồn.
Tôi nhìn vào mắt bố, trầm giọng:
- Lâu rồi con cũng chẳng nhớ đến chuyện này và cũng không khi nào nghĩ đến gia đình chú Cẩn. Nhưng mấy tuần nay, chứng kiến bao điều xảy ra giữa anh em bác Thân, con lại chạnh lòng nhớ đến bố và chú. Hai gia đình đang vui vẻ, thuận hòa mà bỗng chốc chia lìa. Buồn quá bố ạ!
Những ngón tay nhăn nheo của bố xoe nhẹ lên vầng trán, giọng nói buông ra như vương chút nghẹn ngào.
- Cũng vì… thằng đàn ông nông cạn chỉ biết nhắm mắt nghe lời vợ.
Như cái chai vừa được bật nút, niềm tâm sự của bố tràn ra:
- Hồi ấy, bố bảo trợ cho gia đình chú Cẩn từ trại tị nạn sang đây. Thời gian đầu chú ở chung với gia đình mình. Chắc cũng gần một năm, sau đó thím Cẩn nghe lời bạn bè nói ra, nói vào nhưng không chịu tìm hiểu thấu đáo mà hỏi thẳng như tạt vào mặt bố “Tiền chính phủ trợ cấp cho gia đình em đâu. Anh giữ cũng lâu rồi, giờ trả lại cho em để khi ra riêng chúng em có tiền xây xài”. Bất ngờ trước câu hỏi hằn hộc như một lời buộc tội, mẹ con tức giận đến phát khóc “Tiền trợ cấp chỉ có mấy trăm bạc, vợ chồng tôi đã thêm tiền vào để mua xe cho chú thím rồi, còn đâu nữa mà đòi trả”. Chú Cẩn không những không khuyên can vợ mà còn hùa vào đề quyết bố mẹ gian dối, ăn chận. Bố bàng hoàng vì sự việc xảy ra quá đột ngột và ngoài sự tưởng tượng của bố. Anh em chung sống với nhau từ bé đến lớn, chú Cẩn cũng biết bố là người ngay thật, sao có thể vì nghe lời vợ mà kết án anh mình. Chưa hết, cô ấy còn đặt chuyện láo lếu rồi đi rêu rao với bạn bè những điều sai lệch về bố mẹ. Thế là tình nghĩa anh em cắt đứt. Con đâu biết bố đau đến chừng nào. Lúc ông bà còn sống, mỗi khi viết thư sang đều căn dặn, nơi xứ lạ quê người, hai anh em nhớ phải yêu thương, đùm bọc lẫn nhau, cuộc sống chung dẫu có va chạm thế nào cũng phải chín bỏ làm mười. Thế mà…
Mẹ đưa tay vuốt nhẹ bờ vai xương xẩu của bố:
- Thôi ông à! nếu còn nhớ lời bố mẹ dạy bảo thì ông hãy cố quên đi những chuyện không vui để tuổi già được nhẹ nhàng. Biết đâu, bây giờ chú ấy cũng đã hiểu được sự thật. Tôi nhớ, khi chú thím ra đi vài năm sau thì mình có nhận được thư của chú. Nhưng lúc ấy ông vẫn còn rất giận nên xé tan, xé nát rồi vứt vào thùng rác. Đến giờ tôi vẫn còn thắc mắc, chẳng biết chú ấy viết gì trong ấy. Có thể là một lời hối lỗi chăng?
Tôi ngập ngừng:
- Bố nghĩ sao nếu bây giờ gặp lại chú Cẩn?
Một lần nữa bố lại im lặng. Một lần nữa có tiếng thở dài và hình như nó dài… dài gấp bội lần trước!
5.-
Hôm nay là ngày vui nhất trong đời. Ngày mà tôi thấp thỏm chờ đợi hơn tuần nay đã đến. Nhìn chú Cẩn quỳ xuống ôm chân bố nói lời xin lỗi mà mẹ và tôi không ngăn được dòng nước mắt hạnh phúc. Mọi sự hiểu lầm đã được hóa giải khi chú Cẩn kể lại những lời hối lỗi của thím trước khi qua đời sau hơn bốn năm dài nằm liệt trên giường bệnh. Hẳn ngần ấy thời gian đủ cho thím thấm thía lời kinh, tiếng kệ mà nhìn lại quãng đời đã đi qua với bao điều ân oán và nhận ra lầm lỗi của mình. Chú Cẩn kể, sau khi không nhận được một hồi âm nào của bố sau rất nhiều lần gửi thư đi, chú đã trở về chốn cũ thì mới biết gia đình tôi đã dời đi nơi khác.
Nhưng rồi cơ duyên bất ngờ đã đến khi chú Cẩn đến thành phố này để thăm người bạn thân đang bệnh nặng là em bác Thán. Ngay lần đầu gặp chú, tôi đã nhận ra ngay nhưng vội vàng tránh mặt vì không biết những hệ lụy ngày xưa có làm cho chú cháu ngỡ ngàng trong cuộc gặp gỡ không hẹn trước. Cho đến cuối tuần qua, khi dự đám tang của em bác Thán tôi mới đến chào chú. Chú nhận ra tôi và bật khóc. Tôi khá bất ngờ trước sự việc xảy ra đột ngột. Khi tách khỏi hàng người đang im lặng bước đến quan tài để ném những cành hoa như một lời vĩnh biệt, chú nắm chặt tay tôi. Với ánh mắt tha thiết chú nói:
- Bố con có khỏe không? Chú rất muốn gặp bố. Có được không?
Tôi thận trọng:
- Bố con vừa trải qua một cuộc giải phẫu tim, sức khỏe vẫn chưa hoàn toàn phục hồi. Có lẽ, con phải hỏi mẹ trước đã.
- Hãy cầu xin mẹ con giùm chú. Chú sợ một ngày nào… ra đi mà trong lòng còn mãi niềm ăn năn vì chưa được bố con tha lỗi.
Và nhờ tấm lòng bao dung, độ lượng của mẹ mà bố tôi và chú Cẩn mới có dịp mặt đối mặt để kể hết những ẩn ức, ray rứt trong lòng. Chuyện ngày xưa. Niềm đau. Nỗi buồn. Tất cả mẹ đã xếp lại để nhẹ nhàng khuyên can, năn nỉ bố.
Giữa mùi nhang khói thơm nồng trong căn nhà nhỏ, bố tôi và chú Cẩn chấp tay cúi lạy trước bàn thờ ông bà như lời tạ lỗi chân thành nhất vì đã để cho tham, sân, si cuốn trôi những lời dặn dò ân cần, tha thiết, làm cho nghĩa tình thiêng liêng phải phôi pha theo năm tháng. Dẫu sao thì lần hội ngộ kỳ diệu này cũng bù đắp những ngày tháng đau buồn đã qua để mọi người cùng nhau xếp lại quá khứ và nhìn về tương lai như mẹ đã thuyết phục bố tối hôm qua “Tha thứ và để quá khứ qua đi là cách để chúng ta bước đi trên con đường hạnh phúc”.
Ngân Bình