Nói đến chiếc áo Kimono của phụ nữ Nhật, bạn có thể tưởng tượng ra một cô gái Nhật mặc bộ Kimono truyền thống khép nép bước đi líu ríu trên đôi dép Nhật trông rất dịu dàng, kín đáo và mềm mại. Nụ cười cô chúm chím, e ấp trong dáng ngồi xếp chân hay quỳ gối trên chiếc chiếu Tatami đan dệt tỉ mỉ, công phu. Khác với chiếc áo dài VN gợi cảm hé tí xíu chiếc eo thon thiếu nữ với đường xẻ cao của đôi tà áo, chiếc Kimono kín như bưng. Đã thế, ngày xưa người mặc nó còn phải mặc bên trong 12 lớp vải hay 15 tới 20 lớp trong thời Heian, như quấn một xác ướp. Cộng chung các phụ kiện, đầu tóc, dép gỗ, khoảng trên 20 kg (trên 44lbs), một phụ nữ phải khoẻ mạnh lắm mới bước đi được vững vàng mà không té. Chắc ngày tân hôn, chàng rể phải mất hàng giờ để cởi áo cho cô dâu đêm hợp cẩn! Có người Nhật nghĩ rằng người phụ nữ của họ giống như một vật cần được che kín. Càng che đậy, người ta càng tôn trọng, e dè nhưng lại càng kích thích trí tò mò muốn tìm hiểu, khám phá của con người. Chiếc Kimono truyền thống làm được điều này.
Hai Cô gái trong bộ Kimono- Ảnh TTThủy
Ngày nay, người Nhật ít mặc Kimono truyền thống ngoại trừ những ngày lễ, tết. Tôi đến Nhật vào mùa xuân ngay mùa Anh Đào nở, nên may mắn được gặp bóng dáng của Kimono khắp nơi. Theo phong tục, người Nhật thường mặc Kimono đi lễ chùa và đến những nơi có hoa đào nở để ăn mừng và thưởng hoa vào ngày xuân.
Cặp vợ chồng Nhật trong bộ Kimono-Ảnh TTThủy
Tôi vốn thích chiếc áo Kimono thanh lịch với những hoa văn mỹ thuật đẹp như tranh vẽ, nên tôi có dịp tha hồ theo các nàng xin phép chụp hình. Nhiều tấm tôi xin phép và họ rất vui vẻ cho phép tôi chụp.
Từ ngày đọc và xem tác phẩm "Hồi ức của một Geisha" (Memoirs of a Geisha) và bộ phim cùng tên, tôi biết được bí mật và cái đẹp của bộ Kimono truyền thống. Cái đẹp và bí mật được giấu kín nằm trong cái cổ áo Kimono may và mặc thật rộng làm sao để phô ra được phía sau cái gáy trắng ngần của phụ nữ. Hơn thế nữa, muốn phô gáy, tóc các nàng phải được bới cao với các kiểu bới cầu kỳ có thêm lược giắt và trâm cài. Thiếu nữ Nhật chưa chồng mặc áo cổ rộng hơn để phô gáy, còn các phụ nữ có chồng hay lớn tuổi mặc áo cổ chật, không để gáy ra. Khác với quan niệm phương Tây nơi phụ nữ phải "vòng nào ra vòng nấy" mới được coi là thu hút, người dân nơi đây cho rằng gáy của phụ nữ là điểm đặc biệt và "hút mắt" người khác giới nhất trên cơ thể. Cách nghĩ này đã có từ rất lâu trong lịch sử nước Nhật, thậm chí trước cả thời kỳ Edo.
Chiếc gáy để trần của phụ nữ, nhất là những chiếc gáy thon thả, cuốn hút được coi là cực kì duyên dáng và quyến rũ các đấng mày râu, tại đất nước này. Mà cũng phải, thời xưa người phụ nữ Nhật ăn mặc kín đáo như chiếc bánh được gói ghém cẩn thận trong nhiều lớp lá, chỉ có phần đầu và gáy hở ra, bảo sao phái nam không thấy rung động khi nhìn ngắm chúng. Vì chiếc gáy là nơi bị quần áo che kín nên da nơi ấy trắng, mỏng và nhạy cảm. Ngược lại, với loài động vật có vú, gáy là nơi cọ sát, một vùng da lỏng lẻo, không nhạy cảm mà con thú mẹ có thể mang con mình đi bằng cách cắn cổ giữa hai hàm răng, chuyển chúng ra khỏi nơi nguy hiểm hoặc đến cái ổ mới.
Nói đến các Geisha Nhật, các cô mặc áo Kimono cổ rất rộng. Kỹ thuật trang điểm của họ cầu kỳ và tỉ mỉ. Kiểu Geisha điển hình là, khuôn mặt được bôi lớp phấn trắng, môi son đỏ và các điểm nhấn màu đỏ và đen quanh mắt và lông mày. Cổ, ngực và đôi bàn tay cũng bao phủ với phấn trắng, chỉ có hai hoặc ba vùng tối (vùng có dạng hình chữ "W"-cho các Geisha tập sự(Maiko) hoặc "V"- cho Geisha thật sự) bên trái gáy được để lại, làn da không phấn mịn màng sẽ là dấu nhấn của vùng gợi dục truyền thống. Đây là phần đặc biệt quan trọng của cái cổ, vì nó biểu trưng cho sự hiện diện của Geisha.
Gáy cô Geisha-Ảnh Wiki
Có nhiều người thắc mắc tại sao họ trang điểm khuôn mặt bằng lớp phấn trắng bệt như bôi vôi, không giống loại phấn tiệp với màu da thời bây giờ, trông khó coi vô cùng. Lý do của điều này xuất phát từ sự ảnh hưởng Trung Quốc của Nhật Bản. Nguồn gốc của truyền thống độc đáo này có thể được nhìn thấy ở Trung Quốc. Trong thời kỳ Heian Nhật (794 đến 1185 SCN), văn hóa Trung Hoa có ảnh hưởng rất to lớn, kể cả xu hướng làm đẹp. Phụ nữ triều đình Trung Quốc đã trang điểm mặt phấn trắng dày vì nó trông đẹp hơn trong ánh sáng, đặc biệt là nếu họ biểu diễn hoặc phục vụ giải trí cho giới quý tộc.
Tranh "Vẻ đẹp phụ nữ Nhật" của HS Utamaro-Ảnh Wiki
Tất nhiên, trong giai đoạn này, không có ánh sáng nhân tạo để chiếu vào một khuôn mặt ngoại trừ những ánh nến. Cả hai sân khấu Trung Quốc và Nhật đều thế nên các cô Geisha đều trang điểm da mặt mình màu trắng để tạo ra một cái nhìn giống men sứ, với mục đích gây ấn tượng bằng những nét mặt nổi bật có thể nhìn thấy rõ ràng mà khách hàng cũng có thể nhận biết họ. Điều này đặc biệt quan trọng vì phụ nữ Geisha chủ yếu là các nghệ sĩ, khiêu vũ và ca hát cho khách hàng của mình ban đêm. Mặc dù bây giờ lối trang điểm này không còn cần thiết với kỹ thuật hiện đại và hiệu ứng ánh sáng, Geisha ngày nay vẫn tiếp tục tập quán này, cùng với các khía cạnh truyền thống của Geisha như Kimono và các thứ phụ tùng khác.
Có người dịch Geisha là kỹ nữ, từ này không chính xác lắm, vì theo nghĩa nguyên thủy, các cô Geisha không có bán dâm. Các cô được huấn luyện trà đạo, đánh cờ, đàn hát, thi họa và các vũ khúc để giải trí cho nam nhân là những người tìm đến giải trí tinh thần sau giờ làm việc nhọc mệt. Tuy nhiên các cô tuyệt đối không tiếp khách hay chăn gối với họ. Còn các cô hành nghề mại dâm, lả lơi với khách được gọi là Oiran. Hệt như Thanh Lâu và Hồng Lâu của Trung Quốc ngày xưa vậy. Geisha là gái Thanh Lâu, còn Oiran là gái Hồng Lâu. Từ nhỏ Geisha là những bé gái có cha mẹ nghèo đem bán vào các nhà chứa. Tuổi tuyển lựa thích hợp khoảng từ 8, 9 tuổi tới 13 cho các em có nét đẹp và tư chất thông minh. Thời gian rèn luyện kỹ năng rất gian nan. Ngoài đàn, hát, trà đạo, họ còn phải đọc sách, báo nhiều để đối đáp, hầu chuyện với khách. Ngoài phần gáy lộ ra, trang phục Kimono của Geisha không hở hang, ngồi cách xa khách chứ không lả lơi. Các cô rất trí thức. Khách đặc biệt là giới quyền quý và có tiền, có thế. Họ đến để mua vui xong rồi về đúng luật Thanh Lâu.
Chính vì đọc cuốn "Hồi ức của một Geisha" mà thế giới biết đến Nhật Bản ở một góc nhìn khác. Cũng vì đọc cuốn tiểu thuyết này mà một nữ ký giả người Anh mơ ước được trở thành một Geisha và khoác lên người một bộ Kimono. Năm rồi, cô bay qua Nhật thăm nơi này và tìm đến dịch vụ thuê áo Kimono để được trải nghiệm phút giây quý báu có một không hai trong đời. Họ giúp cô trang điểm, làm tóc và chụp hình để trở thành một "Oiran" thay vì một "Geisha". "Oiran" là kỹ nữ cao cấp của Hồng Lâu. Tiền dịch vụ phải trả cho việc trang điểm và thuê áo cũng như chụp ảnh lên tới 1300 đô la. Cô hãnh diện bỏ hình và bài viết trên mạng cho biết lý do tại sao cô muốn trở thành một kỹ nữ "Oiran" vì cô muốn chính mình cảm nhận được thân phận của 1 cô gái điếm, mặc trên người tấm áo Kimono nặng 20 kg như thế nào. Cô cám cảnh những phụ nữ sa thân vào chốn bùn nhơ phải trở thành gái điếm, sống cuộc đời đau khổ bán dâm mà không có cách nào trốn thoát số phận.
Hai cô Geisha thời đại bên các thương gia ở phố Kyoto-Ảnh TTThủy
Ngày nay dịch vụ Geisha vẫn còn tồn tại nhưng ít đi nhiều. Trước thế kỷ 20, việc đào tạo Geisha bắt đầu khi một cô gái khoảng sáu tuổi. Bây giờ, các cô gái phải đi học cho đến khi họ 15 tuổi và phải tốt nghiệp trung học hay đại học, rồi mới tự quyết định để được đào tạo trở thành một Geisha. Geisha vẫn học các nhạc cụ truyền thống: shamisen, shakuhachi và trống, cũng như học đánh cờ kể cả các bài hát truyền thống, thư pháp, các điệu múa truyền thống của Nhật Bản (theo phong cách nihonbuyō), trà đạo, văn học và thơ ca.
Người ta có thể tìm ra họ ở Phố Cổ Kyoto. Giá 1 đêm có người đẹp Geisha cận kề khoảng 50 tới 100 ngàn Yên (1ngàn đô). Các Geisha thường được thuê để tham dự các bữa tiệc và các buổi họp mặt, theo truyền thống tại ochaya (Nghĩa là "nhà trà") hoặc tại các nhà hàng truyền thống của Nhật Bản (ryōtei). Các công đoàn Geisha giữ lịch trình và sắp xếp các cuộc hẹn của họ cho những ai cần đến dịch vụ này. Nhiều chính khách, thương gia hay tìm gặp các cô vì niềm vui trí thức. Có khi khách tới với các cô Geisha là phụ nữ hay cả cặp vợ chồng, hoặc những chính khách trong mùa vận động tranh cử, kiểu Nhật, để đỡ căng thẳng. Khách cũng tới xem với mục đích nghệ thuật.