Được bổ nhiệm chức Phó chủ tịch bộ phận phát triển sản phẩm toàn cầu là thành quả từ niềm đam mê xe hơi của Tăng Thái Hậu, kỹ sư trưởng phát triển Mustang 2005.
Trong lễ ra mắt chiếc Ford EcoSport ở Ấn Độ hồi đầu năm 2012, nhà thiết kế xe hơi đến từ Ford Brazil ngồi cùng bàn với đoàn nhà báo Việt Nam hỏi: "Các bạn đến từ Việt Nam? Sếp cũ của tôi là người Việt đấy". Chưa ai kịp đáp lời thì anh đã nói với giọng đầy phấn khích: "Ông ấy là Tăng Thái Hậu. Một người Việt, một kỹ sư giỏi".
Tăng Thái Hậu là cái tên không xa lạ ở tập đoàn Ford bởi là người gốc Việt đầu tiên đảm nhận vị trí kỹ sư trưởng dự án phát triển Mustang đời 2005, huyền thoại một thời. Mustang gắn với Ford giống Camaro gắn với Chevrolet hay Supra với Toyota. Mustang không phải xe bán chạy nhất, nhưng là nơi Ford tập trung tinh hoa công nghệ và những ý tưởng táo bạo. Vì thế nằm trong đội ngũ phát triển Mustang luôn là vinh dự.
Những đóng góp to lớn của kỹ sư 45 tuổi này được ghi nhận bằng quyết định bổ nhiệm vị trí Phó chủ tịch bộ phận phát triển sản phẩm toàn cầu. Ông báo cáo trực tiếp cho Phó chủ tịch Ford Motor về phát triển sản phẩm kể từ ngày 1/4.
Trong phần giới thiệu về Tăng Thái Hậu, Ford viết: "Hậu là giám đốc phát triển sản phẩm Ford khu vực Nam Mỹ và SVT (Special Vehicle Teams). Từng làm việc ở Đức và bộ phận đua xe Ford Racing. Gia nhập Ford năm 1988, Hậu có bằng cử nhân kỹ sư cơ khí đại học Mellon và bằng thạc sĩ đại học Michigan".
Ford Mustang thế hệ thứ năm là nơi Tăng Thái Hậu thể hiện tài năng và cũng nhờ đó trở nên nổi tiếng. Ông chịu trách nhiệm thiết kế, phát triển, thử nghiệm và biến Mustang trở thành sản phẩm điển hình của trào lưu "retro", bằng cách lấy cảm hứng từ những năm 1960. Không có mẫu Mustang nào trước đó gợi nhớ nhiều về quá khứ như thế.
Phó chủ tịch Ford toàn cầu khi đó tự hào gọi Mustang 2005 là "thuyết vị lai cổ điển". Nó gây sức ép khiến Chevrolet không còn cách nào khác tung ra Camaro thế hệ thứ 5 với cùng xu hướng "retro" mà Tăng Thái Hậu khởi xướng.
Con đường Tăng Thái Hậu đến với Mustang bắt nguồn từ thời thơ ấu. Ông bị ám ảnh. "Với tôi, Mustang là tất cả những gì tốt đẹp nhất mà nước Mỹ có. To lớn, đầy sức mạnh và can đảm. Mustang là điểm đến, là tự do tuyệt đối. Ít nhất đó là cảm giác lái", Tăng Thái Hậu nói với tờ Consumer Guide.
Ước mơ của một cậu bé Việt Nam, cộng với niềm đam mê khiến ông tạo nên một thế hệ Mustang mang vẻ cổ điển bên ngoài công nghệ hiện đại.
Ông coi nguồn gốc của mình là cảm hứng, là mối liên kết mà chỉ những cậu bé từng sống ở Việt Nam mới có. "Một đứa trẻ nông thôn Midwestern, từng dỡ tung chiếc máy kéo của bố năm tám tuổi sẽ nhìn Mustang khác với tôi. Dù cả hai đều có cùng đam mê".
Sang Mỹ từ 1975, bố mẹ muốn Hậu trở thành bác sĩ hoặc nha sĩ. Nhưng ông chọn con đường kỹ sư bởi giỏi môn toán và sợ nhìn máu. Công nghiệp ôtô thu hút do ẩn chứa "sự năng động, liên tục thay đổi và đầy tính cạnh tranh".
Là người thực tế nên ôtô có sức hút đặc biệt. "Bạn có thể làm việc cho NASA. Nhưng thật tiếc, không gian là thứ không sờ, nắm được. Với xe hơi, tôi có thể mang về nhà, khoe với bạn bè, với vợ, với bố mẹ và tự hào nói tôi là một trong số những người làm nên nó".
Tăng Thái Hậu trải qua một hành trình dài trước khi "chạm" vào Mustang. Ông dành thời gian công tác tại bộ phận xe đua CART của Ford, nơi phát triển mẫu Lincoln LS. Rồi trở thành kỹ sư trưởng của dòng Thunderbird. Đến 2001 làm trưởng nhóm phát triển Mustang GT, V6, Cobra, các phiên bản của thế hệ thứ tư. Sau đó ông mới được xướng danh ở vai trò kỹ sư trưởng phát triển Mustang 2005, thế hệ thứ năm.
Theo truyền thống Á đông, Tăng Thái Hậu sinh tuổi Ngọ. Mustang lại là cái tên của một loài ngựa thảo nguyên và logo của dòng xe này cũng thể hiện điều đó. "Sinh năm ngựa. Làm việc trên một chiếc xe mang tên ngựa. Có người cho đó như là mối liên quan kỳ bí. Nhưng biết đâu tôi sẽ chuyển sang phát triển Freestar", ông nói.
Dù sao, Tăng Thái Hậu vẫn đang ngày một thành công trên con đường chinh phục giấc mơ của mình. Nắm giữ một vị trí quan trọng, ở thời điểm quan trọng của Ford là cơ hội giúp ông biến giấc mơ thành hiện thực và có thể đi xa hơn thế.
Nguồn: VNE