Trong khi cuộc chiến chống đại dịch Covid vẫn đang tiếp diễn với những biến thể đầy lo ngại, như năm 2020, thế giới bước vào năm mới với sự an tâm và an toàn hơn khi nhiều người đã được chủng ngừa. Vaccine Covid, chiếc phao cứu sinh của nhân loại đã ra đời nhanh chóng và hữu hiệu nhờ những miệt mài nghiên cứu của những khoa học gia khắp thế giới trong nhiều năm qua. Hãy cùng gặp gỡ cuối năm với khoa học gia Katalin Kariko để thấy con đường có được vaccine không bằng phẳng và dễ dàng.
30 năm trước, những gì mà Giáo sư Tiến sĩ Katalin Kariko, nhà tiên phong trong lãnh vực mRNA sử dụng cho vaccine hiện nay nhận được là hàng loạt các lời từ chối, những cắt bỏ ngân sách dành cho việc nghiên cứu của bà. GS Kariko kể lại rằng, điều mà bà suy nghĩ hàng đêm là “tiền đâu, tiền đâu” để tiếp tục nghiên cứu về mRNA và những hồ sơ tìm sự tài trợ quay ngược về bà với những lời từ chối. Tệ hơn vậy nữa, sau 6 năm vẫn miệt mài nghiên cứu trong sự thiếu hụt quỹ tài trợ và giảng dạy tại đại học University of Pennsylvania như vậy, bà bị giáng cấp.
Năm 1995 là một năm đầy khó khăn cho GS Katalin Kariko. Không chỉ việc nghiên cứu của bà bị bế tắc mà đời sống cá nhân của bà cũng lắm nỗi lo toan. Chồng bà bị trở ngại giấy tờ tại Hungary và không quay lại được Mỹ, trong khi bản thân bà đang đối diện với nỗi sợ hãi về những dấu hiệu ung thư. Với hầu hết những người khác, đó là thời gian đủ dài để bỏ cuộc. Cấp trên, đồng nghiệp và chính bà cũng nghi ngờ về khả năng của bà, về những hứa hẹn và thành tựu mà bà tin tưởng và đang đi tìm đáp số cho nó. Nhưng câu chuyện còn lại là thuốc vaccine Covid đã ra đời và kỹ thuật mRNA mà bà đã dành hầu như trọn cuộc đời nghiên cứu đã hứa hẹn những thành tựu y khoa khác trong tương lai. Như thuốc chữa trị ung thư mà mục tiêu của nó nhắm đến.
Katalin Karikó và gia đình năm 1985. Ảnh do Katalin Karikó cung cấp
Sinh năm 1955 trong một gia đình lao động tại quốc gia cộng sản Hungary, cha của bà là một nhân viên hàng thịt và mẹ làm nhân viên kế toán. Căn nhà nhỏ của bà được kể lại là không có nước máy hay TV, tủ lạnh gì. Sự vất vả, nghèo khổ của cha mẹ đã nung nấu trong bà sự quyết tâm đi theo con đường học vấn và chọn khoa học bởi sự xuất sắc và yêu thích từ nhỏ của bà. Tốt nghiệp đại học về sinh học, bà tiếp tục theo học ban tiến sĩ về hóa sinh rồi những tu nghiệp hậu tiến sĩ, trở thành một trong những khoa học gia của Hungary lúc bấy giờ khi tiên phong nghiên cứu về mRNA.
mRNA là một phân tử mang các hướng dẫn mã di truyền cách tạo ra protein từ một phần tế bào này sang tế bào khác thế nào. Khác với kỹ thuật vaccine truyền thống khi tiêm vào người những mầm bệnh đã bị làm yếu hay bất hoạt nhằm tạo ra kháng thể, khi sử dụng kỹ thuật mRNA để chế tạo vaccine, mRNA giúp cho cơ thể tạo ra các bản sao mang protein của Covid nhằm giúp cơ thể tạo ra những kháng thể chống lại virus này. Vài chục năm trước, GS Katalin Kariko không bỏ cuộc vì bà tin rằng mRNA sẽ tạo ra những bứt phá y khoa và chữa trị được bệnh tật, bà sẽ là một trong những khoa học gia đầu tiên đưa ra điều chưa có nhiều người khác làm được. Bà chỉ chưa biết làm cách nào và ra sao.
Karikó trong phòng thí nghiệm riêng năm 1989. nguồn businessinsider
Năm 1985, ở tuổi 30, sau khi những quỹ nghiên cứu cho phòng thí nghiệm của bà tại Hungary bị cắt bỏ, bà nhận lời mời sang Mỹ tiếp tục chương trình nghiên cứu hậu tiến sĩ tại đại học Temple University. Chính phủ Hungary không cho người dân rời nước này mang quá 50 đô la nên số tiền $1,200 có được bà phải giấu vào con gấu nhồi bông của con gái để mang theo sang. Ðó là tất cả tài sản của bà có được khi sang được đến Mỹ.
Bốn năm sau bà được nhận vào đại học Pennsylvania để tiếp tục nghiên cứu mRNA bởi chưa có mấy ai nghiên cứu về lãnh vực này tại đây. Bà kiên nhẫn miệt mài suốt ngày trong phòng thí nghiệm với niềm tin sẽ áp dụng mRNA vào các chữa trị tim mạch, đột quỵ, ung thư và các bệnh khác. Và như nói trên, bà phải viết các hồ sơ để xin quỹ nghiên cứu và bị từ chối sau một thời gian dài chưa có kết quả. Bà bảo ít nhất là 24 lần các hồ sơ xin quỹ của bà bị từ chối. Bà không còn được tiếp tục nghiên cứu.
Weissman và Karikó năm 2015 – nguồn goldengooseaward.org
Hai năm sau, năm 1997, một nhà miễn dịch học là bác sĩ Drew Weissman gia nhập đại học Pennsylvania để mở phòng lab nghiên cứu về vaccine cho HIV và các bệnh truyền nhiễm khác, bà thuyết phục BS Weissman để tiếp tục cùng nghiên cứu về mRNA. Ðến năm 2005, cả hai cùng công bố kết quả và thành tựu của họ về lãnh vực mRNA nhưng hầu như cũng không mấy được đón nhận. Ngoài hai hãng nghiên cứu đã nhận thấy những tiềm năng của mRNA là Moderna và BioNTech, hai hãng chế tạo thuốc chủng ngừa Moderna và Pfizer hiện nay.
Năm 2013, GS Katalin Kariko chính thức về làm cho BioNTech, hãng dược phẩm của Ðức trong vai trò Phó Chủ Tịch phụ trách về kỹ thuật mRNA khi bà cảm thấy rằng cần phải biến nó thành những sản phẩm thực thụ. Và thêm gần 7 năm, khi tin tức về dịch Covid bắt đầu lan tràn tại Vũ Hán, nhóm khoa học gia của BioNTech đã chuyển ngay sang việc ứng dụng mRNA trong việc bào chế vaccine Covid ngay từ đầu năm 2020. Và rồi vaccine Covid của Pfizer đã ra đời.
Giải thưởng Novo Nordisk cho các nhà nghiên cứu tiên phong Drew Weissman, Katalin Karikó, Ozlem Tureci và Ugur Sahin vì những khám phá và phát triển khoa học của họ tạo ra vắc xin COVID-19 mRNA đầu tiên. nguồn novonordiskfonden.dk
Giáo sư Katalin Kariko không chỉ là khoa học gia duy nhất trong việc tạo ra vaccine Covid hiện nay, mà còn có những khoa học gia khác cũng được xem là những người chính yếu trong cuộc chạy đua tìm vaccine Covid và cùng được tạp chí Time xem là “Những người hùng trong năm”. Ðó là Giáo sư Drew Weissman, người đã đồng nghiên cứu với GS Kariko về mRNA như nói trên. Là nhà Vi trùng học Barney Graham, Phó Giám Ðốc Viện Nghiên Cứu Vaccine tại Viện Y Tế Quốc Gia Hoa Kỳ (NIH) cùng nữ Tiến sĩ Kizzmekia Corbett, người lãnh đạo nhóm nghiên cứu của NIH để tham gia với Moderna cho ra vaccine Moderna.
Thuốc chủng ngừa từng được bào chế nhanh nhất từ trước đến nay là thuốc dành cho quai bị vào thập niên 60s, chỉ mất 4 năm, còn lại phần lớn là hàng chục năm. Một số người không tin vào sự an toàn của vaccine Covid khi cho rằng chúng ra đời quá nhanh, chỉ dưới 12 tháng trời. Ðó là lý do cần nhắc đến cả cuộc đời nghiên cứu của nữ khoa học gia Katalin Kariko, người đã dành hơn 40 năm qua để nghiên cứu về mRNA và dẫn đến việc áp dụng cho thuốc chủng ngừa Covid được ra đời nhanh chóng như vậy.
Khoa học không phải là phép lạ, nó là những thành công từ vô vàn những thất bại, những sự nhẫn nại và bền chí của những khoa học gia thầm lặng như Katalin Kariko để tiếp tục đóng góp cho nhân loại những thành tựu to lớn. Họ là những người hùng trong năm và chắc chắn là cả những năm về sau, khi các thuốc chủng ngừa hay dược phẩm hữu hiệu tiếp tục được ra đời.
Đinh Yên Thảo