User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

HaiBaTrung1

Cuộc Vùng Lên của Hai Bà Trưng vào Mùa Xuân năm Canh Tí, 40 năm Sau Công Nguyên (SCN) là một chiến công hiển hách nhất trong lịch sử nhân loại nói chung và của Nòi Việt nói riêng. Tất nhiên một con én đâu tạo thành mùa xuân, cuộc nổi dậy thành công cũng là nhờ sự hợp tác đắc lực của nhiều vị hào kiệt bốn phương vốn là thân thuộc xa gần của Vua Hùng.

Ngày nay chúng ta vinh danh công đức không những của Hai Bà mà còn cả công đức của các vị anh hùng, liệt nữ khác đã được truy lục kể ra đây, đặc biệt trong đó có nhiều vị thuộc giới nữ lưu. So sánh trên lịch sử thế giới, các vị nữ anh hùng trong thời Bà Trưng được kể là những vị nữ kiệt đầu tiên đứng lên giành độc lập cho xứ xở. (Soạn theo Việt Sử Thông Luận của Thái Dịch Lý Ðông A; Người Hùng Nước Việt của Thanh Tòng; và Ai là những Phụ Nữ truyền Thuyết của Trần Gia Phụng.)

Nước ta trong những thập niên đầu của thế kỷ thứ I Sau Công Nguyên đã bị sát nhập vào bản đồ nhà Hán và tên nước bị đổi thành Giao Chỉ Quận đặt dưới quyền cai trị của viên Thái Thú Tô Ðịnh, nổi tiếng tham tàn và bạo ngược. Tô Ðịnh bắt dân lên rừng bẫy chim trĩ, kiếm quế, săn tê giác, và xuống biển mò ngọc trai. Cuộc sống thật cơ cực, lầm than khiến nhiều bộ tộc phải rút vào rừng sâu ẩn náu. Uất hận trước tình cảnh dân tộc bị bóc lột và đầy ải, viên huyện lệnh Chu Diên là Dương Thi Sách, người làng Nại Xa, Ô cùng với một số Tộc Trưởng lên tiếng phản đối chính sách tham tàn của họ Tô. Lập tức các thành phần chống đối đều bị giết.

Vợ ông Thi Sách là Bà Trưng Trắc (Vua Nhất) cùng em là Trưng Nhị (Vua Nhì) và mẹ là Bà Trần Thị Ðoan, tục gọi là Mèn Thiệu, cháu ngoại vua Hùng và là phu nhân của ông Trưng Ðịnh, nguyên Lạc Tướng đất Mê Linh (Phúc Yên, Hà Nội), cùng với các gia tướng di tản lên núi hay ra biển chiêu mộ thêm dũng sĩ chờ thời cơ khởi nghĩa đánh đuổi Tô Ðịnh.

Thù chồng phải trả, nợ nước phải đền, Hai Bà dựng cờ khởi nghĩa đánh đuổi quân Hán, giành lại độc lập cho dân tộc. Hai Bà đã được sự hưởng ứng của toàn bộ các lực lượng dân quân và hội quân tại Hát Môn (Phúc Thọ, Hà Nội), tức khu vực sông Ðáy, lập đàn thề cứu nước. Trong lực lượng khởi nghĩa có các thành phần chủ lực như sau:

(1) Bà Mèn Thiệu: mẹ của Hai Bà, giúp chiêu tập binh mã, đóng quân tại xã Nam Nguyên dọc dòng sông Hồng. Khi Mã Viện kéo đại quân sang vây khốn Hai Bà tại Kim Khê (Suối Vàng), Bà Mèn Thiệu kéo quân trên các chiến thuyền theo sông Hồng vào sông Ðáy nhắm giải vây Kim Khê. Song thế giặc quá mạnh, Bà Mèn Thiệu đã hy sinh, xác trôi giạt vào Bến Cốc, Xã Nam Nguyên. Dân địa phương vớt và chôn cất trên gò cao gọi là Mả Dạ, lập miếu thờ tục gọi là Miếu Mèn, hiện còn đôi câu đối:

Kiếm Cung Song Mỹ Quang Từ Phạm
Trở Ðậu Thiên Thu Hiểu Lệnh Danh

Dịch:

Kiếm Cung Ðôi Gái Noi Gương Mẹ
Hương Khói Ngàn Thu Nức Tiếng Con

Hát Từ Ðỉnh Xuất Bằng Di Giáo
Thạch Ðộng Di Lai Hiếu Ðịa Linh

Dịch:

Ðền Hát Ghi Công Nhờ Mẹ Dạy
Ðộng Vàng Ðể Dấu Rõ Nền Thiêng

(2) Lão Tướng Nguyễn Tam Trinh: người làng Mai Ðộng (Thanh Trì, Hà Nội) mở trường dạy văn, võ bên bờ Sông Kim Ngưu. Ðáp lời kêu gọi của Hai Bà, ông chiêu mộ được 5 ngàn hương binh kéo về Hát Môn hội quân. Khởi nghĩa thành công, ông được phong làm Phụ Chính. Khi Mã Viện tấn công, ông đồn trú tại Sơn Nam đề phòng giặc tràn xuống Cửu Chân (Thanh Hóa). Sau đó ông đem quân giải vây Kim Khê và đã hy sinh tại trận. Nay, hàng năm đến ngày giỗ của ông tại đình làng Mai Ðộng, dân làng tổ chức đô vật truyền thống để tường nhớ môn võ ông ưa thích.

(3) Tướng Quân Ðào Khang: người làng Kiệt Ðặc, Nam Thành, Hải Hưng; tinh thông văn võ. Ông truyễn dạy võ tại Phú Ða, chọn được 18 thanh niên làm gia trưởng. Ðáp lời kêu gọi khởi nghĩa, ông mộ quân và kéo ra Hát Môn cách Phú Ða 8 km để hội quân. Ông được cử làm đại tướng tiên phong đánh Tô Ðịnh. Khi Mã Viện sang tấn công, ông chiến đấu bên cạnh Hai Bà và cùng đền nợ nước. Dân Phú Ða tôn ông làm Phúc Thần. Hiện nay, thanh niên Phú Ða và Cần Kiệm vẫn tiếp tục phát triển môn gậy.

(4) Tướng Quân Lý Minh: quê ở Cổ Pháp, nay là Ðình Bảng, Yên Sơn, Hà Bắc. Nghe tin dấy nghĩa, ông liền chiêu tập dũng sĩ, dẫn quân theo Hai Bà và được phong tướng trấn giữ phía Ðông Bắc. Khi Mã Viện xâm lăng, Tô Ðịnh xin được dẫn đường chuộc tội. Khi vừa vượt vào biên giới, Tô Ðinh bị Tướng Lý Minh phục kích giết chết. Hiện nay trên Gò Mục Lân làng Mục Uyên, Tân Xã, Thạch Thất, còn đền thờ ông ở đó.

(5) Quân Sư Ðỗ Năng Tế: Ông quê ở Khánh Hiệp, nay thuộc Xã Tam Hiệp, Phúc Thọ, Hà Nội. Quan Lạc Tướng Mê Linh mời ông và vợ là Tạ Thị Cần đến nhà dạy cho hai con là Trưng Trắc và Trưng Nhị. Sau đó toàn gia quyến ông đều giúp cho Hai Bà trong việc đánh đuổi Tô Ðịnh. Khi Mã Viện tràn vào nước ta, vợ ông và hai người thiếp hy sinh tại Lãng Bạc. Ông và hai con gái sau đó cũng hy sinh tại căn cứ Khánh Hiệp. Hiên nay còn miếu thờ toàn gia đình gọi tại Quán Dậm.

(6) Tướng Quân Hoàng Ðạo: Ông là con của quan Hoàng Láng, quê ở Cửu Chân (Thanh Hóa). Ông chiêu mộ trai tráng ra hội quân tại Hát Môn. Khi Mã Viện cướp nước ta, ông dẫn quân trấn giữ Lãng Bạc, sau lui về Sông Ðáy bảo vệ căn cứ Kim Khê. Thế giặc quá mạnh, ông đã hy sinh tại căn cứ. Dân lập miếu thờ tại Quán Dâu.

(7) Tướng Quân Quách Lãng và hai chị em Ðinh Bạch và Ðinh Tính: những vị này là anh em cô cậu, gốc người Mường, quê ở Hoa Lư (Ninh Bình). Nghe tin Hai Bà kêu gọi, ba anh em liền kéo nghĩa binh tới Hát Môn tụ quân. Khi Mã Viện đem quân đánh nước ta, cả ba đã hy sinh tại trận. Dân lập đình thờ ba vị anh hùng này. Nay cứ đến ngày Mùng 10 Tháng 3 âm lịch là mở lễ hội: làng Thượng Cát diễn lại cảnh luyện quân của ba vị; làng Hạ Cát tổ chức đua thuyền.

hai ba trung 1

(8) Nữ Tướng Thánh Thiên: bà quê ở Kim Môn (Hải Hưng), con ông Nguyễn Huyến, sống ẩn sĩ để tìm cách cứu nước. Khi bố mẹ đã qua đời, Thánh Thiên được 18 tuổi đứng ra vận động dân chúng vùng lên chống quân Hán. Tô Ðịnh cho quân tới dẹp nhưng bị phục kích thua chạy dài nhiều phen. Sau để bảo toàn lực lượng, Thánh Thiên rút về miền Yên Dũng (Hà Bắc), hiệp với người cậu là Trần Công lập căn cứ tại Ngọc Lâm. Lực lượng của hai cậu cháu gây tổn thất nặng cho quân Hán. Khi Tô Ðịnh sang làm Thái Thú có đem quân đánh căn cứ. Trần Công bị tử trận. Thánh Thiên tiếp tục cuộc chiến đấu. Ðáp lời hịch của Hai Bà, Thánh Thiên lập tức lên đường hội quân. Lực lượng của Bà tấn công sào huyệt của Thứ Sử và Thái Thú Ðông Hán. Khi Mã Viện đem quân vào đánh nước ta, lực lượng của Nữ Tướng Thánh Thiên đã chặn đánh tại Hợp Phố (địa phận nước ta tại đông nam Quảng Ðông). Ðạo quân Tây Thục của Ðông Hán sang tiếp viện cho họ Mã cũng bị quân của Thánh Thiên đón đánh. Chính đạo quân của Thánh Thiên đã giải vây cho Hai Bà tại Kim Khê. Khi nghe tin Hai Bà đã tự vẫn, Thánh Thiên rút quân về Yên Dũng nhưng bị giặc vây khốn, Nữ Tướng phóng ngựa ra sông Nhật Ðức tuẫn tiết. Nay thần tích còn lưu tại Ðình Ngọc Lâm, Yên Dũng và tại Hà Nội, Hà Bắc có nhiều miếu thờ Nữ Tướng Thánh Thiên.

(9) Nữ Tướng Lê Chân: Bà là người An Biên, Ðông Triều, Quảng Ninh bây giờ; mưu cao, võ giỏi và rất đảm lược. Sau khi cha bị Tô Ðịnh giết, bà cùng thân tộc di ra vùng khai hoang lập trang An Biên (Hải Phòng) nuôi chí đánh đuổi quân Hán. Khi nghe tin Hai Bà truyền hịch, Bà đem quân bản bộ hội tại Hát Môn và được giao trách nhiệm đánh vào đồn lũy Luy Lâu địch ở mạn Đông. Khi thành công, Bà được phong Thánh Chân Công Chúa. Khi Mã Viện kéo thủy quân qua nước ta, đạo quân của Bà trấn giữ vùng biển đã đánh chìm 4 thuyền sắt của địch làm khiếp đảm quân Hán đến nỗi 13 thế kỷ sau Sứ Nhà Nguyên là Trần Phu khi qua hải phận đã ghi: “Lấp ló thiết thuyền ba ảnh hiện”. Nay dân chúng dựng Ðền Nghè ở An Biên để ghi nhớ công đức của Bà.

(10) Bát Nạn Ðại Tướng Quân: tên húy là Thục, tức Nàng Thục, con một vị hào trưởng ở Trang Phượng Lâu, Phú Ninh, Vĩnh Phúc, rất giỏi về kiếm đạo, võ thuật, và săn bắn. Sau khi cha và vị hôn phu bị Tô Ðịnh giết với dã tâm chiếm đoạt nàng, Nàng Thục đang đêm đưa mẹ đi trải (thuyền) xuống ẩn tại Trang Tiên La, Thái Bình. Tại đây, Nàng chiêu mộ nghĩa sĩ chờ thời. Khi nghe hịch của Hai Bà, Nàng xuất binh ứng chiến lập được nhiều công trạng lớn. Bà Trưng lên ngôi liền phong Nàng làm Bát Nạn Ðại Tướng Quân Trinh Thục Công Chúa. Khi Mã Viện xâm lăng, Bà xin Vua Trưng cho cầm quân đuổi giặc. Khi ra trận, Bà thường cải nam trang chém tướng giặc nhanh như sét đánh. Sau khi Hai Bà tuẫn tiết, Ðại Tướng Bát Nạn rút về Tiên La tiếp tục cầm cự gần một năm. Cuối cùng, bà rút gươm tuẫn tiết bên một gốc thông già nhằm ngày 18 tháng 3 âm lịch. Hiện nay các đền thờ Bà đều có sắc vua phong tại Phượng Lâu, Tiên La, và Liệp Trang.

(11) Nàng Xuân, tức Xuân Nương Tướng Quân: Bà dòng dõi vua Hùng. Cha là Hùng Sát, Trưởng Châu Ðại Man (Tuyên Quang + Vĩnh Phú), mẹ là Ðinh Thị Tiên Hoa, con của Tù Trưởng Châu Thanh Sơn. Nàng Xuân ăn chay từ thủa nhỏ và có 7 anh. Hùng Sát bị Tô Ðịnh giết cùng với 7 con trai sau khi âm mưu với Thi Sách giết Tô Ðịnh không thành. Nàng Xuân chạy thoát và tạm lánh tu tại Chùa Phúc Thành, Trang Hưng Nộn, âm thầm chiêu mộ nghĩa sĩ. Kịp khi nghe Hịch của Hai Bà, Ni Cô Xuân Nương đem nghĩa sĩ về Hát Môn dự Lễ Tế Cờ Khởi Nghĩa. Bà tham dự trận phá thành Luy Lâu và lập nhiều công lớn. Khi lên ngôi, Hai Bà sắc phong Xuân Nương làm Ðông Cung Công Chúa Nhập Nội Chưởng Quản Quân Cơ, ban thực ấp bốn làng Hương Nha, Hưng Nộn, Tiền Ao, và Nam Cường. Sau đó, Trưng Vương đứng chủ hôn cho Xuân Nương kết duyên với em ruột của Ðặng Thi Sách là Tướng Ðặng Thi Bằng, Trưởng Quản Các Ðạo Thủy Quân. Khi Mã Viện xâm lăng, Tướng Ðặng Thi Bằng bị tử trận. Lúc đó Nữ Tướng Xuân Nương đang mang thai được 5 tháng vẫn hăng hái lên ngựa ra trận cùng Thập Bộ Thần Quan hộ Vệ. Bà đã đâm chết hơn 10 viên tướng giặc nhưng vẫn chưa thoát vòng vây. Chạy tới gần Chùa Hương Mộc, Làng Xoan (Xuân?) thì kiệt sức mà chết. Ðó là ngày 20 tháng Hai âm lịch. Nay, các làng Hương Nha, Vực Tường, Thanh Uyên, Tam Cường, Cổ Tuyết và Hương Nộn đều còn đền thờ. Hiện còn hai câu đối treo tại đền thờ Làng Hương Nha như sau:

Yểu Ðiệu Phù Trưng, Trung Quán Nhật
Quật Cường Cự Hán, Tiết Lăng Sương

Dịch:

Yểu Ðiệu Phù Vua, Trung Kiên Như Ánh Nhật
Quật Cường Chống Hán, Khí Tiết Vượt Thời Gian
Anh Liệt Vô Song, Vạn Cổ Thanh Danh Lưu Nữ Sử
Quân Thần Câu Hóa, Nhất Không Trung Nghĩa Tối Thanh Thiên

Dịch:

Anh Kiệt Không Hai, Danh Thơm Trong Nữ Sử Ðời Ghi
Vua Tôi Ðều Tử, Lòng Trung Vằng Vặc Giữa Trời Xanh

(12) Nữ Tướng Hoàng Thiếu Hoa: người Huyện Gia Hưng (vùng Hoàng Liên Sơn). Bà có sắc đẹp yêu kiều và khi ra trận thường dùng trường thương rất lẫm liệt, oai phong. Bà được Trưng Vương phong làm Thiều Hoa Công Chúa, Long Nhưỡng Ðại Tướng Quân.

(13) Nữ Tướng Quân Phùng Thị Chính: võ giỏi, cưỡi ngựa rất hay và được phong Tướng Quân Thị Nội. Phu quân của Bà là Tư Mã Tướng Quân Ðinh Lượng.

(14) Bà Nguyễn Ðào Nương: Phu quân của Bà là Tướng Quân Cao Doãn coi việc vận Lương, quân nhu, và khí giới.

(15) Bà Phạm Thị Còn: Trấn Thủ Lạng Sơn; giỏi tài đô vật; khi xuất trận, Bà sử dụng hai trái trùy rất dẻo dai và dũng mãnh.

Tóm lại, cuộc nổi dậy của Hai Bà Trưng trong đầu kỷ nguyên thứ nhất sau Công Nguyên mở màn cho hàng trăm cuộc nổi dậy sau này đã nói lên tinh thần bất khuất của dân tộc Việt trong suốt 1000 năm Bắc Thuộc và 100 năm Pháp thuộc. Những cuộc nổi dậy đó còn cho chúng ta nhận định rằng: không những dân tộc ta chỉ chống quân xâm lược mà còn kiên quyết tiêu diệt cả những chính quyền trong nước chuyên đàn áp, không thực sự mang lại tự do, công bằng, và thịnh vượng cho toàn dân.

Hải Bằng.HDB

Tìm các bài BIÊN KHẢO khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com